Bánh tét
16:49', 8/12/ 2004 (GMT+7)

Từ xa xưa bánh chưng, bánh tét đã gắn liền với dân tộc Việt, nhất là trong ngày giỗ, ngày tết. Vì thế, cứ mỗi độ xuân về, tết đến trên bàn thờ gia tiên của người dân Bình Định luôn được sắp vài ba đòn bánh tét để cúng tổ tiên, ông bà.

Bánh tét có hai loại, đó là loại bánh chay và bánh mặn. Bánh tét chay được gói bằng nếp và đậu, còn bánh tét mặn cũng gói như bánh tét chay nhưng có thêm thịt heo. Tùy theo cách gói, mà đòn bánh tét có độ to, nhỏ khác nhau. Nếu gói to thì đòn bánh tét có đường kính 12-13 cm, còn thường thì đòn bành tét có đường kính 10 cm, dài khoảng hơn hai gang tay người lớn là vừa. Để đòn bánh tét được xanh, họ thường gói bánh bằng lá chuối chát.

Gói bánh tét (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Có thể gói bánh tét có nước tro hoặc không có nước tro, nhưng bánh tét nước tro ngon hơn, cách làm như sau: Chọn loại nếp thơm, tròn hạt, vo sạch ngâm mềm vớt ra mủng để ráo nước. Tro lò than hoặc tro bếp củi cũng được. Dùng rây, rây lấy bột tro mịn, cho tro vào tô đất to đổ nước lã ngâm một ngày, lắng nước tro trong ở trên rồi lược qua vải mùng. Dùng nước tro này rưới lên nếp trong mủng, để khoảng chừng 15 đến 20 phút rồi dùng nước lã xối lên nếp nhằm giảm bớt đi độ nồng của nước tro, để nếp thật ráo nước.

Trước khi gói bánh cần rưới một ít muối hầm và dầu phụng vào nếp. Khi gói chỉ cần mở lá ra trút nếp, bỏ nhân vào mà gói. Khó nhất là gói sao cho chính nhân (nhưng) và hai đầu đòn bánh tét phải đều nhau đừng có đầu to, đầu nhỏ. Gói được như vậy mới được gọi là khéo tay.

Gói bánh xong, cho vào nồi hoặc thùng to để nấu. Nấu lên tục từ 15 đến 17 giờ đồng hồ thì bánh chín. Trong quá trình nấu, nhớ thay nước để khi bánh chín, lá gói bánh có màu xanh lục trông đẹp mắt. Bánh chín vớt ra nhúng vào nước lạnh rồi lăn qua lăn lại nhiều lần để đòn bánh tròn đều. Sau khi bánh nguội dùng lạt buộc vào treo lên nơi có gió để bánh được khô ráo, lâu hư.

Trong ba ngày tết, bên cạnh những đòn bánh được sắp cúng ở bàn thờ, người Bình Định còn hay tét bánh để cúng rước ông bà. Họ sắp 3 lát bánh vào dĩa thành ba hình tròn, rồi đặt lên trên ba lát bánh đó một lát thứ 4 nữa, trông giống như một bông hoa rất đẹp mắt. Lát bánh tét ra, vỏ bánh có màu xanh cốm, mặt bánh nhuyễn, nhân nằm ngay ở giữa. Bánh cúng xong dọn xuống ăn bánh với củ kiệu, thịt bì hoặc thịt heo thưng đều rất ngon. Cái dẻo thơm của nếp, đậu, vị béo của thịt heo và mùi thơm của các loại gia vị hòa quyện vào nhau, thật là độc đáo.

Ngày nay, vào những ngày giáp tết ở chợ và các quầy hàng phục vụ tết đều có bán bánh tết, bánh chưng gói sẵn. Mặc dù còn bộn bề công việc làm ăn, nhưng một số gia đình người Bình Định vẫn nấu cho được nồi bánh tét. Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống. Với họ, có gì thiêng liêng hơn, hạnh phúc hơn khi cả nhà vui vẻ quây quần bên nồi bánh tét đang sôi sùng sục, thơm lừng đợi bánh chín, chờ đón giao thừa.

. Phước Lộc

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Gỏi hàu  (06/12/2004)
Mắm tôm   (05/12/2004)
Bánh hồng   (02/12/2004)
Canh cá bò   (22/11/2004)
Mắm ruốc  (18/11/2004)
Các món ăn từ trùn biển  (17/11/2004)
Các món ăn từ dắc  (11/11/2004)
Bánh canh gạo   (07/11/2004)
Mắm ruột miền Trung   (04/11/2004)
Da cá trộn gỏi và nấu ca ri  (01/11/2004)
Lịch huyết  (31/10/2004)
Dưa kiệu  (28/10/2004)
Chình mun   (25/10/2004)
Cốm đỗ đen  (24/10/2004)
Bánh thuẫn bột mì   (22/10/2004)