Bánh in
15:56', 16/12/ 2004 (GMT+7)

Bánh in là loại bánh người Bình Định thường hay làm vào những ngày giỗ, chạp, nhất là vào dịp tết cổ truyền để cúng tổ tiên, ông bà. Bánh được làm từ nguyên liệu nếp và đường mía vàng.

Cách làm như sau:

Chọn loại nếp thơm, tròn, đều hột, gút khoảng một l lon (loại lon sữa bò dùng đong gạo), đổ vào rổ dày để ráo nước. Vốc từng vốc một cho vào trã đất hoặc chảo gang rang trên lửa than vừa cho chín vàng đều rồi rút ra mủng. Rang nếp phải biết cách rang, nếu không biết cách thì nếp sẽ không ngon. Nếu rang nếp với lửa to quá thì nếp dễ bị cháy. Bột xay ra không được trắng, có mùi khét. Còn nếu rang nếp mà yếu lửa thì hột nếp sẽ dai, xay ra bột sẽ không mịn và không xốp, làm bánh sẽ kém ngon. Vì thế, gút nếp đến đâu, rang đến đó và phải canh cho thật đều lửa. Trước kia, khi chưa có máy xay bột khô, thì nếp rang xong cho vào cối đá giã nhỏ rây bột cho thật mịn rồi dện bánh. Cứ 1 kg bột nếp rang thì 1 kg đường mía vàng loại mịn hạt. Dùng chén lường 1 chén bột, 1 chén đường, hai thứ trộn chung lại, dùng hai tay bóp, trộn bột cho thật đều để cho đường thấm vào bột (gọi là chà bột). Bột chà xong cho bột vào khuôn để dện.

Khuôn bánh in có 3 loại như sau: loại khuôn được đúc bằng đồng hoặc bằng nhôm hình tròn, mặt khuôn có thể là chữ Thọ hoặc hình bông hoa như bông mai, bông hồng, bông sen… Hai loại khuôn còn lại được làm bằng gỗ gọi là khuôn bàn và khuôn táp lô. Khuôn bàn là một miếng gỗ hình chữ nhật to cỡ bằng bàn tay người lớn, dài cỡ gang rưỡi, dày khoảng hai đốt ngón tay. Cứ một khuôn như thế thường là 5 bánh. Còn khuôn táp lô to cỡ bằng bàn tay người lớn. Nếu dện bằng khuôn táp lô thì sau khi dện xong đợi bánh khô, cứng rồi thì phải phong giấy ngũ sắc bên ngoài. Bánh này gọi là bánh táp lô. Cách dện như sau: Cho bột đã chà vào chừng nửa khuôn rồi cho nhân bánh vào giữa (nhân bánh được làm bằng mè giã nhỏ với đường và một ít quế bột), sau đó phủ lên trên một lớp bột cho kín khuôn. Dùng tay ấn xuống bột thật mạnh, để bột in chặt vào khuôn. Với khuôn bánh bàn thì dùng dao thật bén, gạt bột cho bằng mặt khuôn, rồi úp khuôn xuống mâm, dùng chày nhỏ gõ đều ở lưng khuôn, các bánh ở trong khuôn sẽ rớt ra. Còn nếu dện bằng khuôn đồng hoặc khuôn nhôm thì sau khi cho bột vào khuôn và nhân ở giữa, thì bốc bột bỏ vào cho đầy miệng khuôn rồi lắp nắp khuôn lên trên. Dùng tay ịn nắp khuôn thật mạnh để bánh ra khỏi khuôn rồi giở nắp khuôn ra là ta có bánh in.

Cái bánh in trông thật đẹp, bởi một màu trắng phau, cái nào cái nấy giống y chang như nhau, đều tăm tắp, thơm hương nếp. Chắc có lẽ vì bánh được dện từ một khuôn mà ra, giống nhau như in, nên gọi là bánh in? Cái ưu điểm của bánh in là để dành được lâu. Ra giêng, được ngồi uống trà với dăm cái bánh in thì thật là thú vị, cảm nhận như hương vị Tết còn quanh quẩn đâu đây.

. Phước Lộc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bánh tét   (08/12/2004)
Gỏi hàu  (06/12/2004)
Mắm tôm   (05/12/2004)
Bánh hồng   (02/12/2004)
Canh cá bò   (22/11/2004)
Mắm ruốc  (18/11/2004)
Các món ăn từ trùn biển  (17/11/2004)
Các món ăn từ dắc  (11/11/2004)
Bánh canh gạo   (07/11/2004)
Mắm ruột miền Trung   (04/11/2004)
Da cá trộn gỏi và nấu ca ri  (01/11/2004)
Lịch huyết  (31/10/2004)
Dưa kiệu  (28/10/2004)
Chình mun   (25/10/2004)
Cốm đỗ đen  (24/10/2004)