Ếch tháng ba…
8:33', 19/4/ 2004 (GMT+7)

Tháng ba có nhiều chuyện để nói, riêng con ếch tháng ba đã trở thành như một biểu tượng của đồng quê. Thực ra, ếch mùa nào cũng có, nhưng vì sao người ta lại nói "ếch tháng ba…"? Hẳn có căn nguyên.

Ở quê tôi miền Trung, sau những ngày giêng hai, đồng lúa đã bắt đầu chín vàng và nhà nông chuẩn bị mùa gặt tháng ba. Thường khi lúa chuyển vàng chắc hạt, nông dân tháo nước ra khỏi ruộng để ruộng tự khô thu hoạch lúa cho dễ dàng. Nước khô các loài tôm cua, cá nhỏ phơi mình trong những ô nước nhỏ còn sót lại trên mặt ruộng. Đây là dịp các chú ếch khỏi phải đi tìm kiếm mồi đâu xa cũng tha hồ có cái ăn đầy bụng, mà lại là những món ngon, đầy dưỡng chất cả. Các chú ếch lâu nay ở các ao hồ kênh rạch kéo nhau lên ruộng kiếm mồi cua cá, cào cào, châu chấu… chẳng mấy chốc được "vỗ béo tăng cân hẳn…". Ăn no, nhiều chú ếch không quay lại ao hồ, mà đùn hang ngay trên mặt ruộng. Vì vậy, khi bà con nông dân gặt lúa thường bắt được những chú "ếch đùn" béo trục béo tròn. Sau buổi gặt trên đòn gánh lúa tòn teng vài ba chú ếch đùn là hứa hẹn bữa cơm trưa với món canh ếch đu đủ "tuyệt chiêu". Nhờ dồi dào mồi sống, con ếch không chỉ mập mạp mà thịt trở nên thơm ngon hơn. Giống như thịt gà, nhưng thịt ếch nhỏ thớ, màu thịt trắng ngọt ngon hơn nhờ mang hương vị của loài lương cư.

Với lũ trẻ mục đồng chúng tôi, tháng ba mùa gặt là cả một niềm vui vì đồng ruộng đã gặt xong trống trơn, trâu bò tha hồ gặm cỏ, không còn phải chăn dắt gò bó trên những khu gò chật hẹp. Chúng tôi họp nhau lại, mỗi đứa mang một chiếc đụt (giỏ tre) cùng "hành quân" qua những thửa ruộng vừa thu hoạch xong để bắt ếch đùn. Bắt ếch đùn không khó, vì con ếch từ kênh rạch lên ruộng ở tạm bợ nên chỉ đùn một chiếc hang "dã chiến" trên mặt ruộng dễ nhận ra và gặp chỉ cần dùng tay moi đất lên là bắt được. Sau mỗi ngày chăn bò, mỗi đứa có thêm vài chục con ếch đem về bỏ rộng vô chum chờ phiên chợ mẹ đem bán, kiếm được vài ba chục bạc lẻ là mừng lắm rồi. Nhưng rồi, mùa bắt ếch đùn qua mau, khi nông dân nhanh chóng cày ải ruộng để phơi đất cho vụ mùa sau. Họ hàng nhà ếch cũng dần cạn mồi tươi và kéo nhau trở lại ao hồ, bầu mương. Việc bắt ếch không còn dễ dàng cho bọn trẻ chúng tôi làm được, mà dành cho những tay "sát ếch" lão luyện, có nghề. Lúc này, ếch đã tìm được nơi trú ngụ trong các lùm cỏ cây rậm rạp, hoặc chui vô hang sâu. Dân bắt ếch chuyên nghiệp dò theo dấu vết tìm đào những hang ếch có lượng ếch ở nhiều, có khi bắt được vài ba chục con trong một hang. Chuyện kể rằng có những hang ếch hàng trăm con, đó là những hang ếch do rắn mai gầm nuôi. Mai gầm dụ ếch vào trong hang và mỗi lần ếch ra ngoài rắn chỉ ăn nhớt của ếch. Bắt những hang ếch như thế này không dễ, người bắt có thể bị rắn cắn chết nếu không thoa một loại thuốc vào tay, thuốc này kỵ rắn, con rắn chỉ nằm im không động đậy.

Tháng ba đi qua, đồng ruộng quê tôi vào vụ mới, nông dân lo tháo nước vào ruộng để cày bừa gieo sạ, các dòng kênh, thửa ruộng ngập nước…đêm đêm vang tiếng ếch a, ếch ộp…. Nhưng nay mùa bắt ếch cũng không còn. Nếu có còn thì chỉ có dăm ba người đêm đêm lội trên các cánh đồng dùng đèn pin để soi ếch, lượng ếch bắt được cũng khá nhiều, nhưng đó chỉ thuần túy bắt ếch để bán nên kém phần thi vị.

Ếch nấu cháo, ếch xào sả, ếch tẩm bột, ếch nấu canh… món nào cũng ngon và bổ. Ngày nay, do tập quán canh tác thay đổi, đồng ruộng bị nhiễm chất hóa học, ếch không còn sống nhiều, nhưng dù đi đâu ở đâu đêm nằm nghe tiếng ếch kêu, lòng tôi không khỏi không trở về những ngày thơ ấu mang đụt đi bắt ếch trên cánh đồng tháng ba mùa gặt…

. Hữu Vinh      

           

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Canh chua me đất   (18/04/2004)
Cháo cua huỳnh đế - Bình Định  (18/04/2004)
Cá chẻm Thị Nại   (19/04/2004)
Món "thưng" Bình Ðịnh   (19/04/2004)