Mì đây là củ mì (sắn) trồng ngoài vườn, trên đồi gò nương rẫy chứ không phải bột mì nhập từ bên…Tây!
Chẳng là, ở những vùng đồi núi bán sơn địa giáp ranh giữa miền núi và đồng bằng như Phù Mỹ - Hoài Ân, Tây Sơn - Vĩnh Thạnh, nhân dân trồng rất nhiều mì làm lương thực thay gạo. Mì có nhiều loại như mì gòn, mì nhặt, mì trắng, mì tía. Có loại ăn bùi, ngon mà không say. Có loại ăn dẻo, hơi đắng và ăn nhiều thì say.
Hồi kháng chiến chống Pháp lúa gạo ít, chỉ có củ mì làm lương thực chính. Ăn hoài một món luộc cũng ngán, người ta liền cho nó "biến tấu" đi một chút thành món bánh để đánh lừa cái miệng.
Chọn loại mì nhặt có cây trắng, cuống lá dày, củ nhỏ, luộc ăn dẻo mà hơi đắng làm bánh, vì loại này luộc ăn nhiều dễ say. Đói mà ăn nhiều có khi say đến tử vong chứ không chơi.
Bóc vỏ, cho củ vào luộc chín, bổ đôi lấy lõi xơ ra. Xong, cho vào cối quết (giã) nhuyễn. Có lẽ dưới tác động của sự quết ấy mà cái vị đăng đắng nhăn nhẳn và độc tố không còn nữa. Quết một hồi cho quánh lại thì múc ra mâm, ra ván dàn mỏng, để se mặt cắt từng miếng nhỏ thành bánh, cứ thế mà ăn. Có thể chấm bánh với muối hầm, nước mắm cho đỡ ngán. Thay đổi một chút thế ăn cũng thấy ngon. Cái món bánh mì ấy đã giúp cho nhân dân ta vượt qua gian khổ, đứng vững trong hai cuộc kháng chiến để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Sau này, khi lúa gạo đã tạm đủ, bánh mì chỉ còn là thứ để thưởng ngoạn thì người ta chêm chế nhiều thứ cho sang hơn, ngon hơn, trở thành món ăn đãi khách.
Cũng là luộc, quết như thế, người ta sẽ cho thêm vào đó những miếng dừa thái lát mỏng để tăng cường chất béo. Hoặc là nạo dừa thành sợi cùng với đậu phụng rang giã nhỏ cho vào quết cùng với bánh, để bánh sẽ có mùi thơm quyến rũ của dừa và đậu phụng rang. Người ta cũng có thể phối hợp thêm nhiều thứ khác, "nâng cấp" chế biến để bánh trở thành một bản hợp xướng thức ăn, hấp dẫn các giác quan của con người.
Bây giờ có nhiều thứ bánh, loại bánh ngon, nhưng không thể nào quên thứ bánh mì của một thời gian khổ. Nó mãi mãi còn đằm trong tâm tưởng của những người con gắn bó với quê hương. Có lẽ các khách sạn, công ty du lịch nên làm bánh này giới thiệu với khách, biết đâu lại chẳng mang lại cho họ nhiều điều thú vị. Và cũng để con cháu chúng ta đừng quên thứ bánh "vượt khó vượt khổ" của cha ông.
. Nguyễn Văn Chương |