Ở nông thôn nước ta suốt từ Bắc chí Nam, cây bưởi thì nơi nào chẳng có. Sau xuân, vào cữ tháng ba, hoa bưởi thơm ngát rắc trắng cả lối đi. Có nhà thơ đã ca ngợi:
Hoa bưởi tháng ba ngần xóm thôn
Trời quê yên tĩnh ngát hương vườn
Tóc ai ướp đẫm mùi hoa bưởi
Lâng lâng thơm xa nghìn dặm đường
Còn cây bưởi trong ca dao thì:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Đa số các vùng quê, quả bưởi chỉ để ăn nguyên thủy như vậy. Từ cữ tháng bảy, tháng tám trở đi là bưởi ăn được, tuy chưa chín hẳn nhưng cũng đã gần hết vị the the đăng đắng. "Nắng tháng tám rám trái bưởi", bưởi chín nhiều nhất khoảng rằm Trung thu. Mâm cỗ đêm rằm nhà nào chẳng có một vài quả bưởi. Nhiều nhà chịu khó để dành được đến Tết Nguyên đán, bán được tiền hơn vì bưởi lúc ấy chín vàng, mâm ngũ quả cúng ông bà phải có trái bưởi vàng bày ở giữa nải chuối xanh, vây quanh là cam, quýt, hồng… mới giá trị.
Tuy vậy, một số nơi lại chế biến bưởi thành món ăn khác, như TP Biên Hòa (Đồng Nai) có chè bưởi, ở phía bắc Bình Định thì lại có gỏi bưởi. Vùng lưu vực sông An Lão, sông Kim Sơn và sông Lại Giang, bưởi mọc rất nhiều. Nhà nào cũng có dăm ba cây, thậm chí có những khu vườn lớn toàn bưởi. Bưởi nào cũng làm gỏi được, nhưng ngon hơn cả là bưởi đào, tức loại bưởi bóc vỏ ngoài ra, từ vỏ lụa đến những con tép đều một màu hồng trông đến thích mắt.
Làm gỏi bưởi thật đơn giản. Bổ bưởi, tách múi gỡ ra từng tép rồi trộn với ruốc rang hoặc khô mực nướng xé thật nhỏ. Nước mắm nhỉ (mắm nguyên chất loại một) dầm ớt tỏi rưới vào rồi đảo cho đều. Thái nhỏ mấy thứ rau thơm vào nữa là ta có thể mời bạn nâng ly. Gỏi bưởi vừa chua vừa ngọt, vừa mằn mặn cay cay lại thơm mùi gia vị, mùi hải sản nên rất tốn rượu, vì mồi đã làm giảm nồng độ của men rồi. Các chị các cô tuy không thích nhậu nhưng lại ưa cái vị chua chua ngòn ngọt của món gỏi bưởi này, nên cũng khoái thưởng thức.
. Thôn Trang |