Canh bầu là một món canh dân dã. Ở thôn quê Bình Định, thường nhà nào cũng trồng giàn bầu trước là để che mát sân nhà, sau có trái ăn, hoặc cũng có nhà thả giàn bầu bò trên vài nhánh tre cạnh giếng nước. Vì dây bầu ưa nước, nên rất sai trái. Những lúc đi làm đồng bắt được con tôm, con tép, con cua, ra giàn cắt một khoanh bầu là đã có một nồi canh ngon ngọt.
Bầu được trồng từ tháng 10 âm lịch, đến khoảng tháng 2- 3 âm lịch thì có trái, bầu có trong thời gian này gọi là bầu mùa. Trái bầu có nhiều hình dạng, có trái giống như cái bầu rượu to, có trái hình thuôn dài… Vào những ngày bầu mùa, dùng bầu để nấu canh, luộc chấm mắm, hoặc làm món trộn. Đến khoảng tháng 5-6 âm lịch thì ăn bầu không còn ngon nữa, bởi lúc này bầu đã già, sượng.
Theo y học cổ truyền, trái bầu có tên gọi là Hồ lô tử, vị ngọt, tính hàn không độc, trơn chảy, giải nhiệt, trị lở, trừ trúng độc, thông đái vặt, tiêu thũng. Về mặt ẩm thực, bầu được dùng để chế biến thành món canh, món trộn, món luộc vừa ngọt, vừa rẻ, không phải lo sợ về ngộ độc thuốc trừ sâu (chưa thấy ai bị ngộ độc khi ăn bầu bao giờ).
Để canh bầu được ngon, ngọt thì người nấu canh thường tao tôm, thịt, hay cua gia vị cho thấm tháp rồi đổ nước lã vào nấu cho sôi lên, rồi cho bầu xắt mỏng vào. Đợi sôi vài dạo, bầu vừa chín tới là nhắc xuống, không được nấu bầu chín lắm sẽ mất ngon.
Ngoài món canh ra, món bầu trộn với rau thơm, đậu phộng cũng lạ miệng, xúc ăn với bánh tráng nướng cũng ngon.
Ngày nay, nhờ khoa học kỹ thuật nông nghiệp phát triển, bầu được trồng quanh năm. Giá 1 trái bầu từ 3 đến 4 ngàn đồng, một gia đình đông người ăn đến 2 ngày mới hết. So với các loại rau quả khác, giá bầu quá rẻ, lại có ưu điểm là giải nhiệt, nên nhiều bà nội trợ thích món này.
. Sơn Thôn |