Suốt mười năm trở thành trấn phủ của họ Trịnh, cung điện Phú Xuân không thay đổi bao nhiêu. Qui mô thành quách, lâu đài vẫn như cũ. Màn trướng đồ đạc bị thất thoát khi kinh thành đổi chủ sau đó lại được sắm sửa trở lại. Dĩ nhiên không thể như xưa. Dù sao, Tạo quận công cũng đủ khôn ngoan để không dám sống cuộc đời đế vương ở chỗ biên viễn. Những thuộc hạ của ông chỉ chờ có thế, để mật tấu đủ điều về Thăng Long, hòng cướp mất chức trấn thủ Thuận Hóa béo bở. Thành thử cung điện vẫn uy nghiêm, rộng rãi, đồ sộ, nhưng cách trang trí bày biện có phần nào kém trước.
Khi quân Tây Sơn chiếm Phú Xuân, một lần nữa kinh thành lại đổi chủ, lần này cung điện nhà Nguyễn chịu nhiều đổi thay. Thiệt hại giao tranh khá lớn, tàn phá một phần vườn thượng uyển và các dãy nhà trong hoàng thành. Màn trướng, đồ đạc, lớp bị quân lính xé đốt, lớp bị dân chúng tràn vào hôi của. Sau khi khói lửa được dập tắt, cung điện Phú Xuân chỉ còn cái xác tiều tụy. Tam cung lục viện đều dùng làm trại lính. Một số đồ dùng đóng bằng gỗ quí bị chẻ ra làm củi nấu cơm. Màn trướng đắt giá trở thành giẻ lau súng. Không phải những người chiến thắng không biết giá trị những thứ họ đang lãng phí. Họ biết lắm chứ! Họ trầm trồ khen ngợi, chóa mắt trước vẻ sang trọng, tráng lệ của chốn đài các vương giả. Nhưng họ làm gì được với những của cải không thuộc về họ? Chưa bao giờ thuộc về họ, sẽ không bao giờ thuộc về họ. Trong cơn say sưa chiến thắng, trong nỗi ganh ghét chua chát, họ đâm ra bạo dạn. Họ phá phách không chùn tay. Hả hê là khác! Quân đóng trại trong cung điện không bao lâu, mà mọi thứ từ bàn, kỷ, sập, chén bát, hoa cỏ, chim chóc, màn trướng, xe ngựa do Tạo quận công để lại đều bị hư hỏng, xơ xác. Mức độ thiệt hại lên quá cao, đến nỗi khi ở Thăng Long về, Nguyễn Huệ ra lệnh sửa chữa, trang hoàng lại cung điện Phú Xuân để chính thức thành lập một vương triều, ông mới thấy số chi phí phải lớn lắm. Không thể cùng một lúc sửa sang lại tất cả, dù có thêm số chiến lợi phẩm mang từ Bắc hà về. Phải từ từ. Bắt đầu từ chỗ tối cần thiết là nơi làm việc, thiết triều. Rồi đến các trạm canh, chỗ ở của quân cấm vệ, tàu ngựa, nhà kho v.v..
Hầu hết các tướng tá đều không đem vợ con theo, nên tạm thời họ sống cuộc đời đơn giản của người viễn chinh. Họ chia nhau ra ở các phòng xưa kia dành cho hoàng tộc và các phi tần nhà Nguyễn. Nguyễn Huệ thì ở ngay trong căn phòng khá rộng kề sát phía sau điện Chánh Tẩm để tiện cho công việc. Công chúa Ngọc Hân cũng ở đấy cùng với hai thị nữ nhỏ tuổi đem từ Thăng Long vào. Công chúa đặt ngay cho tổ ấm của mình cái tên "Tử Các" cho giống với phòng hợp cẩn ở phủ chúa Trịnh. Trong lúc Nguyễn Huệ đích thân điều khiển việc sửa sang, trang hoàng lại điện Chánh Tẩm, Công chúa cũng đích thân sai bảo các thị nữ, lính hầu gầy dựng lại vườn hoa. Công chúa thích nhất hoa cúc. Vì thế chẳng bao lâu cả khu đất ngày xưa là vườn thượng uyển của chúa Nguyễn đã sặc sỡ, vàng rực màu hoa.
Cuộc tranh chấp giữa Phú Xuân và Qui Nhơn được giải quyết, Nguyễn Huệ đem được vợ con ra Phú Xuân, đã đặt ra những vấn đề mới. Vương triều mới đã có cương giới, từ Nghệ An vào đến Bến Ván. Gia đình các tùy tướng đã đoàn tụ. Hết rồi cái thời có thể cùng nhau sống tạm bợ ở một trại lính nào đó theo nhu cầu hành quân! Triều đình có những đòi hỏi về nghi thức. Cung phủ cũng phải được xếp đặt, tổ chức lại. Năm tòa nhà xây cất toàn bằng gỗ quí trong nội cung được cấp tốc sửa sang, trang trí. Vợ con của Chính Bình vương Nguyễn Huệ vừa từ Qui Nhơn ra, được đưa đến ở tại tòa nhà ở phía nam của vương các ba tầng. Công chúa Ngọc Hân thì dọn vào ở tòa nhà phía bắc. Rồi phải tổ chức đời sống, sinh hoạt bên trong Tử Cấm Thành cho đúng với phép tắc luật lệ xưa nay của các nơi cung cấm. Biết bao nhiêu điều phức tạp cần đến kiến thức cố vấn của một nàng công chúa dòng dõi như Ngọc Hân!
*
* *
Điều dễ đoán là vào giai đoạn ấy, vai trò của Lợi tự nhiên trở thành quan trọng. Anh đã có nhiều kinh nghiệm trong việc bày biện, trang hoàng ở Hoàng đế thành mười năm về trước. Lợi lại am tường hơn ai hết danh mục các chiến lợi phẩm mang từ Bắc hà về, biết rõ loại vải vóc đồ đồng đồ sứ đó được bao nhiêu, hiện nằm tại kho nào, muốn dùng các món ấy vào việc sửa sang cung điện thì cần qua các thủ tục gì. Trong lúc tổ chức chính yếu còn thô sơ, guồng máy cai trị chưa được ổn định, dường như đi đâu cũng gặp những cánh cửa đóng. Phải biết gõ cửa đúng lúc, và đúng nơi. Còn ai có khả năng đặc biệt ấy hơn Lợi?
Tình trạnh bất ổn về kinh tế cũng giúp cho Lợi trở nên hữu hiệu. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, hàng hóa trên thị trường trở nên khan hiếm. Ngoài thực phẩm, các món hàng hiếm khác đều biến mất trên thị trường. Ngoài phố, các nhà buôn hoặc đóng cửa, hoặc chỉ bày những món hàng ít giá trị. Muốn mua các thứ đắt tiền, phải nắm được đường dây. Công việc sửa sang cung điện thật khẩn cấp, kho vật liệu của Phú Xuân thiếu quá nhiều loại tối cần. Làm sao đây? Xoay ở đâu? Những tướng lãnh từng trăm trận trăm thắng trên chiến trường đến đây cũng lạc vào cảnh chợ trời đen đỏ bấy giờ không tìm được lối ra như đứa trẻ lạc mẹ mà thôi. Một lần nữa, tài giao thiệp, những cuộc chè chén say khướt ở cao lâu quán rượu ven chợ Phú Xuân với đủ hạng con buôn lớn nhỏ của Lợi trở nên hữu dụng. Hơn lúc nào hết, Lợi phát triển đến tột đỉnh cái tài xoay xở của mình. Anh trở thành người thực sự điều khiển của cả hai bộ hộ và bộ công, trước sự thán phục và ganh tị của mọi người.
Trong lúc đó, An cũng trở nên một nhân vật quan trọng!
Cuộc vượt biển tìm chồng của An, dù không có những lời ba hoa loan truyền có chủ ý của Lợi, tự nó đã có nhiều điểm hấp dẫn ly kỳ. An trở thành con người của thời sự. Mẹ con An vừa đến Phú Xuân ít lâu, câu chuyện đào thoát của chị mau chóng trở thành một thứ huyền thoại. Vừa khấp khởi hân hoan, vừa e dè bẽn lẽn, An đón nhận những lời hoang truyền về mình từ khắp nơi, ở góc chợ, ở bến đò, ở quán tạp hóa, ở giữa phố, ở ngay căn lều thấp của mấy người lính canh. Người ta chỉ trỏ chị, xì xào về chị mỗi khi có ai đó mách cho người khác biết An là ai. Mà An là ai chứ? Qua lời thiên hạ, An không nhận ra mình nữa! Chị bị biến thành đủ thứ điển hình: hoặc một người vợ liều lĩnh vượt biển tìm chồng; hoặc một "liệt nữ" thà chết không chịu sống dưới ách cai trị của một bạo chúa; hoặc... hoặc một người tình tuyệt vọng tha thiết đi tìm một người tình cũ! Không hiểu do đâu (có thể là do chính những lời bóng gió nửa đùa nửa thật của Lợi), dân Thuận Hóa đều biết mối tình cũ giữa Nguyễn Huệ và An!
An đón nhận thứ vinh quang bất ngờ đó với thái độ bỡ ngỡ và tâm trạng lo âu. Chị tự thấy không xứng đáng chút nào để được thiên hạ săn đón như vậy. Chị còn xem đây là một điều lầm lẫn không có lợi cho ai. An ngay ngáy lo ngại cái lúc thiên hạ khám phá ra sự giả dối, như một cô gái bị nhận lầm là công chúa lưu lạc. Vì thế, An tránh ra khỏi nhà, tránh các cuộc gặp gỡ, trò chuyện. Chị thu nhỏ người lại, nghĩa là làm hoàn toàn trái ngược với chồng!
Nhưng hoàn cảnh lại không cho phép An ru rú sống trong khuôn viên gia đình. Công chúa Ngọc Hân không chịu đựng nổi cảm giác lạc lõng giữa Phú Xuân xa lạ, lo âu cho kỳ thai nghén đầu tiên trong đời, băn khoăn trước cuộc tranh chấp giữa anh em Nguyễn Nhạc Nguyễn Huệ, hoang mang trước tương lai bất trắc của dòng họ, nên thường xuyên cho vời An vào cung để tâm sự. Hai người mau chóng trở thành bạn tâm tình của nhau, vì ngoài những duyên cớ nhỏ như cùng một niềm trân trọng đối với văn chương thi phú, cùng một cảm tình đối với cúc vàng, trên hết mọi lẽ, là niềm cảm thông trầm lặng bẽn lẽn vì cùng ngưỡng mộ một người!
*
* *
Theo lệnh của Nguyễn Huệ, Lãng vội vã đi tìm chị. Vương không giấu được hết vẻ bối rối khi bảo Lãng:
- Không có chuyện gì gấp đâu. Cậu đừng làm cho "cô ấy" lo (Lâu lâu, Nguyễn Huệ lại dùng hai tiếng "cô ấy" để gọi An, nhất là khi nói chuyện riêng với Lãng). Lúc nào rảnh, hãy đi. Mà hiện giờ cậu không bận việc gì chứ? Cậu đã bảo quan Trung thư lệnh thảo lá thư gửi cho La Sơn phu tử chưa? Không! Ta chỉ hỏi cho biết thôi, hãy thư thả. Cầu hiền đâu phải đi đòi nợ mà cứ thôi thúc người ta mãi. Cậu sửa lại cái cổ áo, bị chệch sang phía phải mất rồi. Không, phía phải của ta tức là phía trái của cậu. Đúng đấy. Được rồi. Về cái việc ta nhờ cậu ấy mà...
Lãng băn khoăn không hiểu rõ ý Chính Bình vương, rụt rè thưa:
- Dạ... bẩm... quan Trung thư lệnh...
Chính Bình vương cười xòa, cắt lời Lãng:
- Không. Chuyện kia kìa. Nói trước với "cô ấy" là không có gì gấp đâu. Nếu là chuyện quốc sự đáng lo ngại, phải hạ chỉ triệu đến chứ! Tính cô ấy hay hãi, ta đâu có quên. Sở dĩ phải nhờ đến Lãng, là vì ta muốn cô ấy hiểu đây là chuyện riêng tư, trong chỗ thân tình. Ta có nhiều việc khá rắc rối, phải nhờ cô ấy giúp. Cậu hiểu chứ?
Lãng chưa hiểu gì cả, nhưng không dám hỏi vì thấy gương mặt Nguyễn Huệ có vẻ bối rối khác thường: mắt nhấp nháy không nhìn thẳng một hướng, da mặt đỏ, môi mím lại sau mỗi câu nói. Lãng đáp liều:
- Dạ bẩm... hiểu ạ!
Chính Bình vương đột nhiên nghiêm giọng hỏi:
- Cậu hiểu gì nào?
Lãng ú ớ không trả lời được, vì mãi đến lúc này, anh vẫn chưa hiểu Nguyễn Huệ muốn nhờ An việc gì. Nguyễn Huệ lại cười, trong một chốc bỏ hết vẻ dè dặt bối rối, giải thích gọn và rõ cho Lãng nghe:
- Vì là chuyện đàn bà nên phải nhờ đến An. Cậu biết đấy, Công chúa vào đây lạ cảnh lạ người, lại ở thời kỳ thai nghén. Bây giờ... (Nguyễn Huệ ngập ngừng một lúc mới tiếp) có Hoàng hậu ra đây, Công chúa phải khéo xử hơn. Hai đàng khác nhau quá, không biết có hòa hợp nhau được không. Vì thế mới phải nhờ đến cô ấy. Lâu nay cô ấy vẫn thường đi lại tâm tình với Công chúa. Cô ấy từng dạy chữ cho Hoàng hậu. Chỉ có cô ấy mới đảm đương nổi cái chuyện đàn bà phức tạp này.
Lãng hiểu rõ ý của Nguyễn Huệ hơn, vui mừng góp lời:
- Dạ vâng. Chị An có thể đảm đương việc ấy. Thưa... thưa gọi chị ấy đến ngay bây giờ phải không ạ?
Nguyễn Huệ gật đầu, rồi, chợt nghĩ lại, vội vã xua tay:
- Khỏi cần. Cậu nói lại với cô ấy điều ta nhờ, và bảo cô ấy đến gặp Công chúa. Ta đã báo cho Công chúa biết chiều nay Hoàng hậu sẵn sàng tiếp kiến Công chúa. Cậu đi gấp đi. Không lại muộn mất!
Lãng không ngờ mọi sự đã xếp đặt từ trước, mà Nguyễn Huệ lại dài dòng quanh co khi nhờ Lãng đến gọi An! Ra khỏi điện Kim Hoa, anh thúc ngựa chạy nhanh đến nhà chị, sợ không gặp được An. Tên lính hầu lạ mặt người Huế nhất định không cho Lãng vào cổng, nằng nặc đòi Lãng phải trình "quí danh" và đứng ngoài cổng đợi "bà lớn" cho phép mới được vào. Lãng bực quá, không thèm cột ngựa, quăng cả bộ dây cương vào mặt tên hầu. Hắn lúng túng, kinh ngạc đưa hai tay ra chụp bộ dây cương, và trước khi hắn kịp phản ứng, Lãng đã vào hẳn trong sân.
Anh không gặp ai ở nhà trên cả. Lũ bàn kỷ, màn trướng sang trọng rực rỡ trêu tức Lãng. Nghe có tiếng cười nói ở tàu ngựa, Lãng chạy ra phía vườn. Hầu như cả gia đình Lợi tụ họp đông đủ ở đó, kể luôn mấy người hầu gái và tên cắt cỏ ngớ ngẩn. Vừa gặp An, Lãng đã trách:
- Chị đã thay tên gác cổng?
An cười, nét mặt rạng rỡ hãnh diện khác thường, vừa nói vừa liếc về phía Lợi lúc đó đang chăm chú nhìn ngựa ăn cỏ:
- Sao? Em thấy hắn thế nào? Có phải là biết thưa trình lễ phép hơn thằng trước phải không?
Lãng nén giận hỏi lại:
- Thằng cũ người trong mình đâu rồi?
- Trả nó lại trại lính rồi. Nó ỷ đồng hương với chủ, ăn nói vô phép vô tắc.
Rồi An hạ giọng xuống, cười tủm tỉm, mắt liếc dò chừng chồng:
- Tên gác cổng này, anh Lợi chọn lọc lâu lắm mới tìm ra đấy. Hắn là người hầu cận của quan quốc phó, nên biết hết phép tắc nhà quan.
Lãng chưa kịp nghĩ ra, kinh ngạc hỏi:
- Quan quốc phó nào?
An trố mắt nhìn em:
- Quốc phó nào? Em tôi để hồn ở đâu vậy? Thì quan Tả ngoại Trương Phúc Loan.
Lãng càng giận hơn, vừa định tìm một câu thật độc địa để mỉa mai chị, thì Lợi đã bỏ tàu ngựa chạy đến chỗ Lãng. Lợi xoa tay cho cám rơi xuống bớt, vui mừng hỏi em vợ:
- Xong rồi hả? Chừng nào có chiếu?
Lãng hiểu ngay Lợi muốn hỏi việc nhờ vả Lãng nhắc nhở Chính Bình vương hợp thức hóa chức vụ của Lợi ở bộ Hộ, nên đáp ngay:
- Chưa có gì.
Lợi xịu mặt, hỏi:
- Sao chậm thế? Hay là cậu...
Rồi dường như Lợi nhận ra nét mặt cau có của Lãng, đâm ra e dè, anh chuyển sang chuyện khác:
- Lãng phải đến xem con ngựa ô của anh. Giống quí đấy nhé. Hai tai cũng nhỏ và thẳng giống y tai ngựa Tây dương của... của "lão già lẩm cẩm" trong Qui Nhơn độ nọ. Lông đen mướt, bụng thon, giò khỏe. Con ngựa ô khỏe nhất của kinh thành Phú Xuân đấy nhé!
An chen vào:
- Nhưng em vẫn thích con ngựa bạch hơn. Trông nho nhã như một thư sinh.
Lợi bĩu môi:
- Ngựa bạch lỗi thời rồi. Chỉ có bọn mới tập tò học làm sang sợ ngã mới cưỡi ngựa bạch. Lãng thấy không, Chính Bình vương cũng cưỡi ngựa ô. Thế nào rồi bọn tướng tá cũng đua nhau mua ngựa ô cho xem. Lãng có tiền, mua vài con ngựa ô nuôi đó, thế nào cũng kiếm được khối lời. Hiện giờ Lãng cưỡi loại ngựa nào thế?
Lãng bất đắc dĩ, đáp:
- Em không có ngựa riêng. Khi nào cần, thì lấy ngựa của đội cấm vệ.
Lợi tròn xoe mắt nhìn Lãng:
- Cậu không có lấy một con ngựa riêng? Có tin được không hở Trời! Một người thân tín của Chính Bình vương mà phải cưỡi ngựa trạm! Thôi, cậu cứ dắt con ngựa bạch của anh về bên ấy mà cưỡi. Đừng ngại gì cả, anh đẩy được nó đi để trống tàu ngựa nuôi thêm một con ngựa ô nữa.
Lúc đó thằng Phát từ phía tàu ngựa chạy đến hỏi cha:
- Có cho nó ăn thóc thêm không cha?
An nhắc con:
- Sao không chào cậu?
Thằng Phát vòng tay lí nhí như cái máy:
- Chào cậu ạ. Có cần cho thêm thóc không hở cha?
Lãng hỏi:
- Con Thái đâu rồi?
Thằng Phát không đáp. An hơi ngượng trước sự vô lễ của con, đáp thay:
- Chắc nó ra phía vườn sau.
Lãng đưa cái túi vải đựng chục quả cam cho cháu:
- Có cam cho hai cháu đây.
Phát lay tay cha:
- Con cho nó thêm ít thóc, cha nhé. Cảm ơn cậu. Mẹ cầm giúp cho con đi. Con không ăn cam đâu.
Nói xong, nó chạy trở lại chuồng ngựa. An vui vẻ nói:
- Mấy hôm nay chúng nó ăn hồng đến bỏ cả cơm nước. Hồng Quảng Đông ngon thật đấy. Chốc nữa Lãng nhớ nhắc chị, để chị lựa một ít đem về bên đó mà ăn. Chị còn nhiều quá, mà cho bọn lính hầu thì phí đi.
Lãng bậm môi lại để nén giận. Chờ cho Lợi đi về phía tàu ngựa với thằng Phát, Lãng nghiêm mặt bảo chị:
- Chị mau quên quá!
An không hiểu, ngạc nhiên hỏi:
- Em nói gì thế?
Lãng không muốn hai chị em lại gây gổ nhau, nói nhanh:
- Anh Huệ muốn nhờ chị một việc quan trọng đấy!
An vừa mừng vừa lo, liếc về phía Lợi hạ thấp giọng hỏi:
- Việc gì thế, sao không nhờ anh Lợi?
Lãng đáp:
- Anh ấy nhờ chị đưa Công chúa đến ra mắt Hoàng hậu.
An hiểu ngay vận may lại đến với mình, nôn nao sung sướng đến líu lưỡi khi vồ vập hỏi em:
- Chừng nào? Ngay bây giờ à?
Lãng chậm rãi đáp:
- Chị chuẩn bị sẵn sàng đi. Chiều nay em sẽ đến đón.
An đưa tay lên ngực để trấn tĩnh:
- May quá. Chị vừa may được bộ quần áo mới có thêu hoa ở cổ tròn. Nếu không, Công chúa và Hoàng hậu lại tưởng phải tiếp một mụ nhà quê nào đó đến xin ân huệ. Lãng có muốn xem quần áo mới của chị không?
Lãng vội xua tay nói:
- Thôi. Cho em về. Cuối giờ ngọ em sẽ lại đây. Anh Lợi đâu rồi?
Lợi nghe tiếng Lãng hỏi, từ tàu ngựa hỏi lớn:
- Cậu không dẫn con ngựa bạch về luôn thể à?
Lãng đáp:
- Để hôm khác. Với lại em cũng chưa cần.
*
* *
Cuộc hội kiến mà mọi người đều e ngại mỗi khi nghĩ đến vì lo sợ các hậu quả bất trắc của nó, diễn ra buổi chiều hôm ấy, một buổi chiều hạ tuần tháng ba tại Triêu Dương Các (1), chỗ ở của Hoàng hậu.
Công chúa Ngọc Hân nài nỉ An ngồi chung kiệu với mình, dù An lo lắng chối từ nhiều lần. An hiểu rõ các ràng buộc của lễ nghi, đồng thời cũng biết ở đây không thiếu gì người chăm chắm soi mói theo dõi hai vợ chồng chị vì ganh tị. Về sau, thấy Công chúa gần bật khóc vì tuyệt vọng, chới với, An đành phải lên kiệu của Công chúa.
Ngọc Hân đã gần đến ngày sinh đẻ nên phải khó nhọc lắm mới bế bụng ngồi lọt vào trong kiệu. Một thị nữ và An phải nâng vai Công chúa, một thị nữ khác đỡ nhẹ sau lưng. Mải lo tìm hết lý lẽ để khỏi ngồi chung kiệu với Ngọc Hân, An không kịp chú ý đến cách ăn mặc của Công chúa. Lúc kiệu bắt đầu di chuyển, chị mới ngỡ ngàng trước cách ăn vận quá giản dị của công chúa thuộc một dòng họ từng trị vì ở đất văn vật suốt hai trăm năm: Công chúa mặc một bộ quần áo lụa màu nâu, có thêu những hoa cúc vàng nhỏ nhắn chung quanh cổ và ở tà áo làm thành những đường viền hoa văn trang nhã.
Kiệu di chuyển đã lâu mà hai người chưa tìm được câu gì để nói với nhau. Công chúa có vẻ bất yên, ánh nhìn thảng thốt, đôi môi nhỏ mím lại, lâu lâu Công chúa đưa lưỡi rà theo khóe môi trái. Đôi tay nhỏ, trắng xanh, cứ vò nhàu cả tà áo trước. Mãi một lúc lâu, Công chúa mới hỏi An:
- Còn xa không, chị?
An vội đáp nhỏ:
- Sắp đến nơi rồi.
Câu trả lời của An càng khiến Công chúa hốt hoảng. An đâm thương hại, tìm cách chuyển câu chuyện sang những điều tầm thường vô hại. An nói:
- Cái áo của Công chúa, ai thêu đẹp quá!
Ngọc Hân quay nhìn An, mặt đỏ vì ngượng. Công chúa hỏi:
- Tôi ăn mặc thế này, có thất lễ với Hoàng hậu không?
An đáp:
- Dạ không đâu. Vả lại...
An định nói: "Vả lại, Hoàng hậu xuất thân dân giả, đâu dám chê một công chúa cành vàng lá ngọc", nhưng Công chúa đã tiếp:
- Trưa nay, lúc giở lại tư trang, đột nhiên tôi tìm thấy chiếc áo thời con gái này. Chính tôi cắt may và thêu đấy. Tôi chọn nó, vì nghĩ... vì nghĩ phận nhỏ phải cư xử như thế. Năm nay Hoàng hậu được bao nhiêu xuân xanh rồi, chị?
An nhẩm tính, rồi đáp:
- Khoảng 28, 29. Con đầu của Hoàng hậu đã lên bảy.
Công chúa nói:
- Có lẽ tôi nhỏ hơn Hoàng hậu đúng một giáp cũng nên. Chị An này, không hiểu sao tôi sợ... làm phiền lòng Hoàng hậu.
An quay nhìn kỹ nét mặt Ngọc Hân, tưởng Công chúa cố nói một câu khách sáo để mong An thuật lại cho Hoàng hậu. Nhưng không. Khuôn mặt của Công chúa, trừ đôi mắt long lanh hoang dại như đã thoát khỏi sự kiểm soát của Công chúa - vẻ hoang dại mệt mỏi thường thấy ở các phụ nữ mang thai - vẫn còn giữ nguyên nét ngây thơ vô tội của tuổi mười bảy: nước da trắng hồng, cái mũi nhỏ phập phồng theo hơi thở, cái môi dưới hơi trề ra như sắp nũng nịu, vòi vĩnh. Cái cổ nhỏ, đôi vai vuông và hẹp... Tất cả dáng điệu ấy không có chút gì tính toán, mưu chước. An thẹn với mình, lễ phép đáp:
- Công chúa yên tâm. Tính Hoàng hậu ít nói, hiền lành. ở Qui Nhơn, trong khi các bà ghen tị, hiềm khích nhau vì đủ thứ lý do, Hoàng hậu ít khi kình cãi hoặc làm phiền lòng ai. Nói như dân Qui Nhơn, thì Hoàng hậu "hiền như đất cục". Để rồi Công chúa xem!
Ngọc Hân vẫn chưa yên tâm:
- Nhưng... nhưng Tướng quân tự ý ra bắc, rồi tự ý đèo bòng, về đến đây lại không chịu về Qui Nhơn, để vợ con phải khốn đốn. Tôi sợ Hoàng hậu hiểu lầm...
An cười, đáp:
- Hoàng hậu lấy chồng bao nhiêu năm không rõ tính tình chồng hay sao! Dễ gì lung lạc được... Tướng quân (An định nói "anh Huệ" nhưng ngưng lại kịp, và gọi Huệ y như cách gọi của Ngọc Hân), khi Tướng quân đã quyết làm một việc gì. Dù trẻ và đẹp như Công chúa...
Ngọc Hân ngạc nhiên cảm thấy trong câu nói của An có cái giọng kiêu hãnh nhiệt thành đến độ ngưỡng mộ sùng kính, lại vừa có cái giọng thách thức, trách móc. Công chúa băn khoăn suy nghĩ: "Có thật không? Hóa ra thiên hạ đồn đãi không phải hoàn toàn vô căn cứ. Chị ấy còn say mê đến mức ấy sao?" Ngọc Hân liếc nhìn An, yên tâm khi nhìn thấy ở khóe mắt An đã có những vết chân chim lờ mờ, và da mặt An hơi tái. Vừa lúc đó, kiệu dừng lại. An mím môi, quay về phía Công chúa, cố lấy giọng trịnh trọng nói:
- Bẩm công chúa, ta đã đến Triêu Dương các.
*
* *
Hoàng hậu ngồi chờ "khách" trên cái tràng kỷ gỗ mun điêu khắc tỉ mỉ công phu, trước mặt kê sẵn cái bàn mặt đá hoa thấp, trên bàn, bày sẵn cơi trầu bằng đồng và khay nước trà. Dường như Hoàng hậu quá chú tâm đến buổi hội kiến này, nên lúc An và Công chúa bước vào phòng, hai người đã thấy Hoàng hậu ngồi thật ngay ngắn trên kỷ, lưng không dựa vào chỗ tựa, tay trái ôm lấy đứa con trai đầu lòng như muốn tìm một chút bảo đảm quen thân. Hoàng hậu mặc chiếc áo gấm vàng rực có thêu hình một con chim phượng thật lớn ở vạt trước, chân mang đôi hài kim tuyến óng ánh. Cũng như An, Hoàng hậu kinh ngạc trước cách phục sức quá giản dị của Công chúa. Khám phá đó càng khiến Hoàng hậu bối rối hơn. Hoàng hậu thu đôi chân xuống dưới tràng kỷ, kéo Quang Toản vào lòng để che bớt con chim phượng sặc sỡ. Rồi từ sự bối rối, Hoàng hậu cảm thấy một nỗi hờn giận vu vơ dần dần loang ra, xâm chiếm cả lòng mình. Răng trên cắn chặt lấy môi dưới để trấn tĩnh, Hoàng hậu nghiêm trang đưa mắt quan sát Công chúa, và ghi nhận thêm được dáng đi nặng nhọc mà khoan thai đài các, khuôn mặt trẻ con cố ý lập nghiêm, nước da trắng ngà và cuối cùng là cái bụng mang thai khá lớn sau làn áo lụa nâu thẫm. Nỗi giận hờn trong lòng Hoàng hậu đậm thêm. Quang Toản gần muốn ngạt thở trong vòng tay ôm của mẹ. Công chúa Ngọc Hân chậm rãi quì xuống trước tràng kỷ run run nói:
- Tiện nữ xin ra mắt Hoàng hậu.
Hoàng hậu đột nhiên áy náy, muốn dợm đứng dậy. Nhưng nhớ lời dặn trước của anh (Bùi Đắc Tuyên), Hoàng hậu kịp ngưng lại, hắng giọng bảo:
- Không dám. Công chúa chớ nên quá lễ.
Thấy An quì phía sau công chúa Ngọc Hân, Hoàng hậu vui mừng tìm được câu nói tiếp:
- Cô An đỡ giùm công chúa lại ngồi trên kỷ đi. Công chúa có vẻ mệt nhọc quá nhỉ.
An đáp:
- Thưa vâng.
Rồi dìu Ngọc Hân đến gần chiếc kỷ đối diện với Hoàng hậu. Công chúa sẽ sàng thưa:
- Xin phép Hoàng hậu.
Trước khi vén áo ngồi xuống, Hoàng hậu bảo An:
- Cô mời giùm tôi miếng trầu.
Ngọc Hân vội nói:
- Xin cảm tạ Hoàng hậu. Tiện nữ ít khi dùng trầu.
Hoàng hậu sốt sắng nói:
- Thôi dùng trà vậy nhé. Cô An xem giùm tôi trà đã đậm chưa.
An rót chén trà thơm đầu tiên bưng đến cho Hoàng hậu. Hoàng hậu không nhận, đứng dậy đưa về phía Ngọc Hân mời:
- Công chúa dùng trước đi.
Ngọc Hân cũng đứng dậy thưa:
- Không dám. Mời Hoàng hậu. Tiện nữ xin chén trà sau vậy.
Hoàng hậu đặt chén trà bốc khói thơm trên chiếc bàn trước mặt mình, yên lặng theo dõi An cẩn thận rót chén trà thứ hai. Lúc Công chúa đưa hai tay ra nhận chén trà từ tay An, Hoàng hậu ghi nhận thêm đôi bàn tay trắng, và mười ngón tay búp măng nhỏ nhắn. Nỗi giận vu vơ lại hiện về, bất giác Hoàng hậu rụt tay lại, thu đôi bàn tay thô vào dưới vạt áo. Giọng Hoàng hậu đột nhiên đanh lại, gần như mỉa mai:
- Trông Công chúa ốm yếu quá, liệu có chịu nổi mưa gió nắng nôi thất thường ở cái xứ này không?
Ngọc Hân đưa mắt về phía Hoàng hậu, cố tìm hiểu vì sao đột nhiên Hoàng hậu thay đổi giọng nói. Trong hoang mang, Công chúa đáp:
- Tiện nữ sống trong cảnh thanh bần đã quen, nên ở đây cũng như ở Bắc hà...
Hoàng hậu cắt lời Ngọc Hân:
- Công chúa quá nhún nhường đấy thôi. Phải không cô An?
Liếc nhìn lần nữa đôi bàn tay trắng nhỏ của Công chúa nổi rõ trên làn áo lụa nâu thẫm, Hoàng hậu nói:
- Bắc hà đất rộng, dân giàu, lẽ nào làm phiền Công chúa đến nỗi phải vất vả chân tay như lũ dân nghèo khó Qui Nhơn chúng tôi. Có đúng thế không, cô An?
An không biết trả lời thế nào cho phải, lí nhí đáp:
- Có lẽ thế ạ!
Hoàng hậu bật cười, vui vẻ nói:
- Sao lại nói hàng hai thế! Nào, Công chúa dùng trà đi chứ!
Ngọc Hân hớp một ngụm nước trà nhỏ, rồi đáp:
- Cảm ơn Hoàng hậu. Hoàng hậu mệt nhọc từ Qui Nhơn ra đây, chắc nay đã bình phục sức khỏe?
Hoàng hậu mím môi trước khi đáp:
- Vâng. Nhờ Trời mẹ con tôi được sống sót ra đến đây. Tôi đã tưởng không ai còn nhớ, còn ngó ngàng đến mẹ con tôi nữa, thì Trời cũng không thèm để tâm cứu vớt.
Không khí trong phòng tự nhiên căng thẳng hơn. Thật lâu, không ai tìm được lời nào để cùng nhau thoát khỏi cảnh huống bế tắc. Cuối cùng An bạo dạn nói:
- Độ này, khí hậu Thuận Hóa thật lạ. Nắng đó rồi mưa đó. Oi bức thế này chắc lại sắp mưa.
Hoàng hậu trở lại thân mật hỏi Ngọc Hân:
- Ở Thăng Long, khí hậu có thất thường thế không?
Công chúa đáp:
- Thưa cũng thế.
Hoàng hậu hỏi tiếp:
- Chắc là lạnh hơn chứ?
- Thưa vâng.
Hoàng hậu tìm được dịp hỏi ngay:
- Thế sao Công chúa ăn mặc phong phanh thế, không sợ bị cảm hàn à?
Ngọc Hân đỏ mặt, hối hận vì dự đoán sai lạc của mình đã gây ra những hậu quả bất ngờ, những ngộ nhận tai hại chưa biết sau này dây dưa đến những bất trắc nào nữa. Công chúa vội đáp:
- Chỉ vì họ Trịnh lấn áp, lâu nay hoàng gia Bắc hà quen sống trong cảnh thanh bần. Xin hoàng hậu tha thứ cho tiện nữ cái tội thất lễ.
Hoàng hậu cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm hơn, xô nhẹ Quang Toản ra xa để lộ nguyên cả con chim phượng rực rỡ, kiêu hãnh nói:
- Hóa ra chỉ được cái tiếng.
Giọng Hoàng hậu ân cần, thân mật hẳn lên:
- Nhưng xứ Đàng Trong khác chứ. Công chúa thể chất ốm yếu, nên chú ý giữ gìn sức khỏe. Ăn mặc thế nào để khỏi nhiễm lạnh, sợ ảnh hưởng đến cái thai. Còn bao lâu nữa thì đến kỳ sinh nở?
Ngọc Hân bối rối, thành thực đáp:
- Tiện nữ cũng không biết nữa.
Hoàng hậu cười lớn:
- Ơ kìa! Cô An nghe Công chúa nói có vui không? Đã được mấy tháng rồi?
An đáp thay Ngọc Hân:
- Được bảy tháng rồi ạ!
Hoàng hậu lo lắng thật sự:
- Bảy tháng! Coi chừng! Cẩn thận nhất là tháng thứ ba và tháng thứ bảy. Hồi tôi có mang thằng nhỏ này, cả nhà lo sợ không cho tôi đi đâu cả. Cũng không cho làm bất cứ việc gì. Sợ vô ý trợt chân, hoặc cử động mạnh làm hại cái thai. Tôi buồn quá, suốt ngày ru rú trong nhà không biết làm gì, ăn hết dĩa ổi này đến dĩa ổi khác. à này, Công chúa có thèm đồ chua không?
Giọng thăm hỏi chân thành khiến Ngọc Hân quên hết nỗi lo âu, dè dặt. Công chúa đáp:
- Thưa không.
Sau một lúc ngập ngừng, Ngọc Hân rụt rè hỏi:
- Khi có thai, người ta chỉ thèm chua thôi, phải thế không ạ?
Hoàng hậu quên cả giữ gìn, chồm hẳn người về phía Công chúa nói lớn:
- Phải rồi. Không thèm ổi thì thèm me xanh. Phải không cô An?
An cũng vui vẻ đáp:
- Thưa vâng. Hồi có mang thằng Phát, tôi thèm khế chấm mắm ruốc.
Ngọc Hân đỏ mặt, lấy bạo hỏi:
- Có ai thèm than không ạ?
Hoàng hậu kinh ngạc hỏi lại:
- Cái gì? Than à?
Công chúa không dám trả lời. An tò mò hỏi:
- Công chúa thèm than phải không?
Ngọc Hân bẽn lẽn gật đầu. Hoàng hậu tròn xoe mắt nhìn Công chúa, không dám tin:
- Thật sao? Than nấu bếp phải không?
Công chúa gật đầu lần nữa, da mặt đỏ đến tận chân tóc. Hoàng hậu đưa cả hai tay lên trần điện, hô hoán:
- Chết rồi! Thèm cái gì kỳ cục vậy. Nhưng Công chúa có dám nhai than không?
Ngọc Hân đáp nhỏ:
- Lâu lâu chờ không có ai, tiện nữ mới dám lẻn xuống bếp.
Cả hoàng hậu, An lẫn Quang Toản đều phá lên cười. An pha trò:
- Coi chừng công chúa sinh hạ một chú Hà Ô Lôi nho nhỏ đấy.
Hoàng hậu thắc mắc hỏi:
- Hà Ô Lôi? Ai thế?
Ngọc Hân không dám dẫn sách ra giải thích cho Hoàng hậu, liếc nhìn về phía An cầu cứu. An thưa:
- Bẩm Hoàng hậu. Trong sách "Lĩnh Nam chích quái" của ta thời xưa có chuyện một chú nhỏ da đen mà hát hay tên Hà Ô Lôi. Công chúa mới cho tôi mượn đọc tháng trước.
Hoàng hậu không được vui, buông mấy tiếng:
- Thế à!
Rồi trở lại chuyện thai nghén:
- Còn hai tháng nữa. Công chúa phải cẩn thận chuyện đi đứng. Bước ngắn lại. Tránh với lên cao. Khi nào thấy thai động thất thường phải coi chừng. Nó đạp có dữ không?
Ngọc Hân lí nhí đáp:
- Mạnh lắm ạ. Nhiều lúc đau quặn cả lòng.
Hoàng hậu an ủi:
- Không sao. Như vậy là cái thai tốt. Hồi có mang thằng này, tôi cũng bị nó đạp dữ.
Ngọc Hân ngắm kỹ Quang Toản, lòng rộn rã hẳn lên khi nhận ra nhiều nét của Nguyễn Huệ: cái mũi khỏe ấy, cái cằm vuông ấy, đôi mắt sắc dưới hàng lông mày rậm ấy. Chỉ khác ở chỗ Quang Toản thiếu hẳn vẻ mạnh mẽ cương quyết của cha, do cặp môi mỏng và mái tóc mềm. Thấy công chúa say sưa ngắm Quang Toản, hoàng hậu cảm động đẩy con về phía Ngọc Hân:
- Con đến lạy mừng Công chúa đi! Ngoan nào! Dạn dĩ lên!
Quang Toản vâng lời mẹ, tiến đến trước Công chúa, chắp tay vái chào, chân chỉ hạ xuống một chút chứ không quì.
Ngọc Hân dìu Quang Toản đến gần mình, hai tay đặt lên vai cậu bé, một lần nữa say sưa ngắm những nét quen thuộc thân yêu!
Chỉ cần có bấy nhiêu! Từ niềm kiêu hãnh sáng tạo thầm kín của những người mẹ, từ kinh nghiệm quặn lòng của thời kỳ thai nghén và niềm lo âu sinh nở, hai người đàn bà quá khác nhau về nguồn gốc, tính nết, kiến thức, tự nhiên cảm thấy quyến luyến thương yêu nhau như những người bạn cố tri.
(còn tiếp)
(1) Lấy tên này trong Đại Nam nhất thống chí. Kinh Sư. Phần Thành trì. |