Mùa thu năm Đinh Vị (1787), đời sống trầm lặng của Kiên bắt đầu có những thay đổi bất ngờ. Tuy đã được Lãng báo trước (lúc Lãng tháp tùng phái bộ Trần Văn Kỷ vào Qui Nhơn thương thuyết với Trung ương hoàng đế về biên giới Bến Ván), Kiên không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay trước mắt. Anh cứ tưởng nhờ không bị dính vào cuộc, nhờ từ trước đến nay anh nép kín bên lề, tránh khỏi thị phi, không làm phiền lụy đến ai và cũng không ai muốn phiền lụy đến mình, thế nào kẻ khác cũng để cho anh yên. Để che lấp sự yếu đuối của kẻ thua cuộc, anh đã có tấm khiên tự hào thầm kín: anh cho rằng tất cả sự tranh giành bát nháo, cãi cọ om sòm, chửi rủa, mắng nhiếc, vu khống, lăng nhục, hãm hại, chém giết nhau, diễn ra quanh anh chỉ là hậu quả tất nhiên của một căn bệnh mà chỉ có anh, nhờ sức mạnh phi thường của suy tưởng, mới có thể tìm ra được cái gốc của bệnh. Dĩ nhiên anh không có sẵn niềm tự hào đó từ đầu, như một người thầy thuốc gia truyền. Anh phải trải qua những lúc chán nản, thất vọng, hoài nghi, có khi anh định bỏ dở cuộc, tự xem mình là kẻ hèn nhát. Nhưng dần dà anh thêm tự tín, tự nhủ đã đi đúng đường. Anh ít nói hơn trước, và mắt cũng hoang dại hơn trước. Mỗi lúc nhìn anh, người ta có cảm tưởng ánh mắt ấy đang hướng về cái gì đang ở trên đầu họ, và cái đó đang biến ảo kỳ thú đến nỗi những gì đang xảy ra trên đời đều trở nên tầm thường vụn vặt, không đáng quan tâm. Cái nhìn xuyên suốt vào hư vô ấy giúp Kiên mau chóng hưởng được sự vị nể của người khác, kể cả các thân nhân hằng ngày thấy được những ràng buộc trần tục của Kiên như việc ăn uống, bài tiết, sự cau có nhỏ nhen hoặc những phút vui ngây ngô... Dần dần người ta gọi anh bằng thầy, dùng ngôi thứ ba thì gọi anh là "ông đạo", là "thầy cả".
Điều đó càng củng cố thêm lòng tự tin của Kiên, rồi do ảnh hưởng qua lại phức tạp, anh phải nói năng, đi đứng, cư xử, suy nghĩ sao cho đúng cách của một "ông đạo".
Vợ con anh mất anh! Kiên như cái bóng chập chờn ẩn hiện bên cạnh họ, tuy không có gì đáng sợ, nhưng phải nhận là có ảnh hưởng đến sinh kế của toàn gia đình. Bọn mã phu, lính tráng, những người chèo thuyền bắt đầu ngại không dám quá chén, cười đùa rổn rảng trong "quán ông đạo". Uống rượu mà không được ghếch hai bàn chân lấm bùn lên ghế, không được ba hoa quá lời, không được vung tay vung chân... thì còn thú gì nữa. Dần dần "quán ông đạo" ế khách.
Nhưng bọn trai tráng lực lưỡng mặt mày đỏ gay bỏ đi, thì những bà già, những phụ nữ gầy ốm, khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ, lại tìm đến. Nhất là từ khi Bến Ván trở thành vết dao chém ngang thân thể của đất Quảng!
*
* *
Dẫn đầu là mẹ và vợ những người lính đã theo Nguyễn Huệ đi đánh Thuận Hóa năm trước. Bốn mùa gặt đã qua, những người đàn bà khốn khổ ấy phải gánh vác vừa công việc đồng án, vừa việc nội trợ. Sức họ đã mòn mõi vì làm việc quá sức. Vì chờ đợi ngày về của chồng con. Bao giờ? Bao giờ? Tin chiến thắng từ phía bắc đã dồn dập đưa về. Lấy xong Phú Xuân. Rồi Thăng Long. Đại quân đã trở lại Phú Xuân. Có thế chứ! Đàng nào thì cái ngày khải hoàn mơ ước cũng phải tới, để những người đàn ông trong gia đình trở về chia sẻ bớt nỗi nhọc nhằn mưu sinh. Rồi cái gì đã xảy ra? Chỉ một mình vua Thái Đức trở về Qui Nhơn, và theo lời đồn đãi truyền từ kinh thành, thì nhà vua không mấy vui. ít lâu sau... tin đồn sẽ có một cuộc lưu huyết khốc liệt giữa hai anh em càng thêm xác thực, khả tín. Trời hỡi! Chồng con chúng tôi đâu? ở lại Phú Xuân ư? Quân phản bội ư? Những người đàn bà càng nghe tin tức càng bàng hoàng ngơ ngẩn, không hiểu thời cuộc oái oăm thế nào mà đáng lẽ họ là vợ con những chiến sĩ có công, đột nhiên trở thành thân nhân kẻ phản bội. Hàng xóm đã bắt đầu nhìn họ với đôi mắt e dè, xì xầm to nhỏ sau lưng họ, lạnh nhạt với họ ở chỗ đông người. Họ lo âu, cảm thấy cô đơn, chới với giữa những điều bí ẩn đáng sợ. Tại sao? Do đâu? Họ biết hỏi ai đây? Hỏi các chức sắc lớn nhỏ trong Hoàng đế thành, họ chỉ được trả lời mù mờ. Không được soi sáng để yên tâm, ngược lại họ bị đe dọa, quát mắng.
Đúng vào hoàn cảnh ấy, có người chợt nghĩ đến Kiên! Phải. Anh đúng là người họ đang cần. Kiên không phải là một chức sắc, nghĩa là không có gì đáng sợ. Anh không nắm được chút quyền lực nào, để rủi ro họ dại mồm dại miệng, Kiên có thể đe dọa, quát mắng hoặc trừng phạt họ như các quan lớn quan nhỏ trong thành. Ngược lại, nhờ quen thân với Đông Định vương, nhất định Kiên am tường các biến cố đang diễn ra ở Phú Xuân, Thăng Long, Qui Nhơn, và giải đáp cho họ hiểu vì sao chồng con họ chưa được hồi hương, vì sao họ trở thành kẻ liên lụy với "quân phản bội".
Kiên không biết được điều gì nhiều hơn những người đàn bà khốn khổ ấy. Anh cũng mù mờ về tình thế như họ. Nhưng các bà mẹ lam lũ chờ con, các bà vợ trông chồng đã tìm đến "ông đạo" thì không về tay không. Bằng những lời an ủi nhỏ nhẹ, đều đều như lời ru, hoặc những ví dụ đơn giản và cụ thể, Kiên giúp cho họ thấy: họ không phải là kẻ độc nhất chịu đựng hết nỗi khổ cực rủi ro trên đời, sự tạm bợ của tất cả nỗi vui buồn, sướng khổ nếu so với thứ hạnh phúc vĩnh hằng đích thực, hoặc đơn giản hơn nữa, như cơn sốt của đứa trẻ khi mọc răng, những đau đớn họ đang chịu nhất định phải hứa hẹn những may mắn đoàn tụ sau này. Nhờ thế không ai đến "am thầy cả" trở về mà không mang được theo sự yên tâm. Tiếng lành đồn xa, mỗi ngày số người tìm đến chỗ Kiên càng đông. Bù vào số thất thu vì quán rượu ế khách, vợ con Kiên đã có những món quà cảm ơn của những kẻ hốt hoảng đi tìm niềm tin và hy vọng.
*
* *
Tháng 8 năm Đinh Vị (1787), Đông Định vương Nguyễn Lữ bỏ mặc đất Gia Định cho Phạm Văn Sâm chống giữ, vội vã rút quân về lại Qui Nhơn. Một lần nữa, khắp kinh thành sống nơm nớp trong hoang mang, lo âu. Kiên càng có nhiều vị khách bất ngờ phải tiếp. Chưa kể những cuộc đàm đạo thường xuyên hằng ngày với Nguyễn Lữ, anh còn phải tiếp phu nhân các quan đại thần trong triều. Dù dao động đến cực độ, các quan cũng phải giữ cái thể diện cứng cỏi, can đảm, một mực tin tưởng ở sự anh minh của vua Thái Đức.
Trong số người cùng về Qui Nhơn với Đông Định vương, có một tên làm chức điều khiển của Nguyễn Ánh qui hàng Tây Sơn vốn là em ruột viên cai đội ân nhân cũ của Kiên. Vì vậy, khi được tự do ra làm dân Qui Nhơn, người này về ở chung với chị dâu tại "am thầy cả" bên cạnh bãi tắm ngựa. Gia đình Kiên có thêm một người lạ mặt.
Kiên khó chịu vì đột nhiên nếp sống đã quen thuộc bao nhiêu lâu nay phải xáo trộn. Tuy là thân thuộc gần gũi với vợ con Kiên, nhưng đối với Kiên, Nguyễn Phúc Liệu chỉ là một người khách lạ. Liệu ăn nói lễ phép, quá lễ phép đến nỗi trở nên khách sáo giả dối. Nhưng không thể chê trách gì ở cách cư xử tế nhị của viên điều khiển này. Anh ta sẵn sàng làm bất cứ việc gì để giúp đỡ chị dâu, cho dù nặng nhọc bậc nào. Liệu lại hết sức trân trọng đối với những gì liên quan đến đời sống tâm linh của Kiên. Tự nhận là kẻ dung tục, hời hợt, anh ta không dám lạm bàn những điều Kiên nói, hoặc suy nghĩ. Liệu chỉ vâng dạ, tránh né, dường như không muốn Kiên bị vướng víu vì mình. Anh ta còn gọi Kiên bằng "thầy", khiến mọi người tưởng ông đạo mới thu nhận được một đồ đệ tâm đắc.
Kiên không thể tìm ra lý do giải thích vì sao mình có ác cảm với Liệu. Anh không thể chịu đựng được ý nghĩ: tất cả chỉ do lòng ích kỷ. Một ông đạo dám vượt lên trên mọi điều tầm thường để nhìn cho được tầm rộng lớn của sự vật, từ đó hiểu ra qui luật của đời sống, phương hướng của giải thoát, mà lại không trừ khử được nơi lòng mình sự ích kỷ, tị hiềm nhỏ nhen hay sao? Kiên khổ sở vì câu hỏi ấy, mặt cứ khó đăm đăm. Liệu càng tỏ ra vô tội, nhũn nhặn, khiêm nhường, tế nhị bao nhiêu thì Kiên càng khó chịu bấy nhiêu. Anh phải tìm cho ra một lý lẽ khả thứ để biện hộ cho mình, cái gì khác hơn lòng ích kỷ. Và Kiên đã tìm ra!
Chẳng bao lâu Kiên khám phá ở Liệu có nhiều điểm bất thường. Liệu tìm cách bắt chuyện với bất cứ ai, và với cái giọng Huế ngọt ngào, bằng những câu bông đùa đúng lúc, Liệu dễ dàng trở thành người đáng tin cậy của mọi người. Mấy đứa con riêng của vợ Kiên cứ bu lấy chú, bắt chú kể chuyện vui, bắt chú dạy cho cách ru em theo kiểu Huế. Rồi lần lượt Kiên nghe từng đứa con gái hát những câu ru em lạ. Hoặc những lời than vãn có khả năng làm khựng bước chân những thiếu phụ vợ lính đến tìm Kiên:
Trời ơi sinh giặc làm chi
Cho chồng tôi phải ra đi chiến trường.
hoặc một lời hẹn ước, một lời nhắn nhủ:
Ai về nhắn gửi đôi lời
Thuyền dầu xa bến chẳng dời nước non
Có khi là lời oán trách cay đắng
Trời ơi răng khổ như ri
Hôm qua khổ ít, hôm ni khổ nhiều
Có khi là những câu hát gợi nhiều liên tưởng nguy hiểm, đến nỗi người nào nghe xong cũng lo sợ, nhìn quanh, rồi giả vờ không nghe gì, vội vã lánh đi chỗ khác:
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng mán, thằng mường nó leo.
hoặc:
Ai về nhắn với ông câu
Cá ăn thì giựt, để lâu mất mồi.
Những câu hát ấy nhanh chóng lan truyền khắp Bằng Châu, do nội dung lời hát một phần, phần lớn còn lại do ở chỗ Thuận Hóa đã trở thành một trung tâm quyền lực vượt hẳn Qui Nhơn nên những gì mang chất Huế đều dễ dàng trở thành thời thượng.
Một lần Nguyễn Lữ đến thăm Kiên, nghe đứa con gái út của Kiên hát hai câu:
Ai về nhắn với ông câu
Cá ăn thì giựt, để lâu mất mồi.
Đông Định vương kinh ngạc hỏi:
- Ai dạy lũ nhỏ sửa lại câu ru em vậy? Ở đây, từ nhỏ ta chỉ nghe các bà mẹ ru:
Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên.
chứ đâu có nghe câu này. Mà điệu ru cũng khác nữa.
Kiên lo ngại không dám nêu rõ xuất xứ của lời hát, miễn cưỡng đáp:
- Thưa, có lẽ lũ trẻ học được ngoài chợ phiên.
Nguyễn Lữ vẫn còn thắc mắc:
- Hơn nữa lời hát lạ lắm, như thúc giục người ta làm gấp chuyện gì đó, nếu để lỡ cơ hội thì phí đi. Anh có thấy thế không?
Kiên hoảng sợ, giả vờ không chú ý, tiếp tục cuộc bàn cãi đang bỏ dỡ:
-. ..Vâng, vâng. Kể cũng hơi lạ đấy. Nhưng lúc nãy ngài hỏi tôi điều gì nào? À, phải rồi. Chúng ta đang nói về sự chết. Ngài bảo từ lúc ở Gia Định về, ngài thường nghĩ đến cái chết. Nghĩ đến nó một cách xót xa, như thấy trước một sự vỡ lở không thể tránh khỏi, cho nên cứ tiếc nuối rằng cả cuộc đời mình bấy lâu nay chỉ gồm toàn những yếu đuối đáng thẹn, những phí phạm vô ích; khi làm thì quờ quạng như người mù chống gậy, lúc không làm thì buông thả như kẻ bại liệt. Ngài quá lời rồi. Chỉ vì tôi ỷ y vào lòng thương mến của ngài, được ngài xem vào hàng đồng đạo, nên mới dám nhắc lại những gì ngài nói. Nếu không, làm như vậy đã đáng tội chết rồi. Cái chết! Ngài vừa bảo rằng mỗi lúc nghĩ đến, ngài lo sợ. Ngài không thể làm quen được với nó. Nhưng nếu tôi không lầm, thì chúng ta đã từng bàn cãi về cái chết nhiều lần rồi.
Nguyễn Lữ vội nói:
- Chưa bao giờ cả. Anh lầm đấy. Trước đây ta chỉ nói về cách sống, cố tìm cho được một lối sống ý nghĩa nhất, đúng đắn nhất. Chúng ta làm như cái chết không có thực, không đáng phải bận tâm. Quanh ta không thiếu gì kẻ chết, bình an như một ngọn đèn hết dầu cũng có, mà thảm khốc như cái chết của... của Nguyễn Thung cũng có. Nhưng chúng ta đánh lừa mình bằng cách cố nghĩ rằng kẻ khác, những kẻ đáng thương ấy, có riêng số phần hẩm hiu của họ. Chúng ta khác. Chúng ta sống, sống, sống. Điều cần bàn là tìm ra một cách sống thích hợp, thế thôi. Rõ ràng cả anh lẫn ta đều tự lừa dối mình. Bây giờ, lúc cảm thấy trong thân thể có những mầm mống của sự tàn tạ, hủy diệt, nửa đêm thức dậy mồ hôi vã ra ướt cả chăn gối, tim hồi hộp, mắt choáng váng, chân run vai mỏi, trời đất lúc nào cũng u ám, ta không làm ngơ được nữa. Phải làm sao đây? Sau cái chết là cái gì? Là cái hố sâu hun hút không có đáy ư? Là đêm tối mênh mông không còn biết được đường lối ư? Chung cục đều sa vào đấy cả, thì múa may tranh giành nhau lúc còn sống để làm gì? Ta buông xuôi như vậy, hóa ra đúng hay sao?
Kiên định cải chính rằng sống hợp tự nhiên không phải là buông thả yếu đuối, nhưng lúc đó Nguyễn Phúc Liệu vào cái am lợp tranh quì xuống trước Đông Định vương thưa:
- Bẩm... có chiếu chỉ của hoàng thượng tuyên triệu Ngài vào cung.
Nguyễn Lữ ơ hờ đáp:
- Được. Ta sẽ về ngay.
Chờ cho Liệu ra khỏi am, Nguyễn Lữ mới bảo:
- Nhờ hắn mà ta mới biết được thái bảo Sâm có ý phản ta (1). Gặp ai khác, thì nhất định Sâm phải chết rồi. Ta thì không. Ta giao quách đất Gia Định cho hắn lo, thử xem hắn có chống chõi nổi với lũ lâu la tay chân tên Chủng hay không. Ta làm đúng lẽ đạo đấy chứ?
*
* *
Về sau, quán rượu lại lác đác có khách. Họ không ồn ào, lỗ mãng như bọn tắm ngựa. Họ đến, gọi rượu, và châu đầu vào nhau xì xầm cả buổi. Lạ một điều là tất cả những khách rượu ấy đều quen biết với Nguyễn Phúc Liệu.
Kiên càng ngờ vực hành tung của Liệu hơn. Sau nhiều lần do dự, một hôm Kiên quyết hỏi cho ra lẽ. Anh xếp đặt sẵn những điều sẽ nói, kể cả những câu, những tiếng sẽ dùng. Không ngờ lúc Kiên mời riêng Liệu vào am, chính Liệu lại hăng hái mở chuyện trước.
Bằng một giọng cố ý làm ra buồn rầu lo lắng, Liệu hỏi:
- Thầy đã nghe tin gì chưa?
Kiên quên mất chủ định ban đầu, vội hỏi:
- Tin gì?
Liệu lại hỏi:
- Thế mấy hôm nay Đông Định vương giấu không cho thầy biết sao?
Kiên mất kiên nhẫn, gắt:
- Nhưng tin gì mới được chứ?
Liệu chậm rãi hạ thấp giọng đáp:
- Như vậy là Đông Định vương sợ thầy lo, không cho thầy biết hết tình hình. Nguy đến nơi rồi, thầy ơi!
Liệu ghé sát bên tai Kiên thì thào:
- Qui Nhơn chẳng còn đứng được bao lâu nữa đâu. Phía bắc "chú Tám" đã lấn đến Bến Ván. Phía nam, sau khi "chú Bảy" bỏ về đây, thái bảo Sâm cố vớt vát mà chẳng ăn thua gì. Đất Gia Định là đất cũ của ông Chủng (Nguyễn Ánh), nên ông ấy vừa ở Xiêm về là dân Gia Định ùn ùn kéo đến xin được góp công khôi phục. Một mình ông Sâm làm sao đương nổi. Trước sau gì Gia Định cũng mất, rồi tàu sắt Tây dương chẳng mấy chốc đen nghịt cửa Thị Nại cho mà xem. Tôi lỡ qui hàng mất rồi, chắc chết không được toàn thây. Phận tôi, tôi chịu. Chỉ ngại vì tôi mà gia đình chị và các cháu phải liên lụy. Mỗi lần nghĩ đến chuyện một bậc chân tu như thầy mà phải dính dấp liên lụy vào cuộc trả ân trả oán nhỏ nhặt, tàn khốc, tôi ngủ không yên. Thầy lánh đời nên am tường thế cuộc, thầy đã thấy trước lối thoát nào chưa? Phải làm gì đây?
Dù cố giữ vẻ thản nhiên, Kiên không khỏi lo lắng. Anh phải thầm công nhận một phần sự thực trong lời viên điều khiển. Qui Nhơn đã rã rời, hoang mang sau cuộc tranh chấp "nồi da xáo thịt", bây giờ các tin buồn từ Gia Định tới tấp bay về càng khiến mọi người lo lắng, chới với. Kiên không biết phải trả lời Liệu thế nào, nét mặt bần thần. Liệu chờ một lúc thấy Kiên không nói gì, đưa tay che miệng ho để giấu một nụ cười mỉm, rồi tiếp:
- Mấy đêm nay tôi nghĩ nát óc mà không tìm được lối thoát. Đàn bà con nít không làm được gì, nhất định như thế rồi. Tôi thì mang cái tiếng phản trắc, một mai quân Gia Định ra đây, có dập đầu kêu oan cho mấy cũng không ai nghe. Chỉ còn hy vọng ở đạo đức và uy tín của thầy. Chỉ có thầy mới cứu được toàn gia đình.
Kiên ngửng lên hỏi:
- Tôi làm được gì? Người ta hỏi đáp nhau bằng gươm giáo, tôi có làm được gì đâu!
Giọng nói của Liệu trở nên hăng hái, gần như mừng rỡ:
- Có chứ! Thôi, bây giờ tôi với thầy đã trở thành người nhà với nhau, tôi không dám giấu nữa. Thú thật với thầy tôi giả vờ qui hàng, cốt là để theo Đông Định vương về đây dò trước đường đi nước bước. Hoàng thượng (chỉ Nguyễn Ánh) tin cậy tôi mới giao việc khó là về Qui Nhơn. Thuận Hóa thì giao cho người khác. Tôi nhận chỉ, lòng vừa mừng, vừa lo, nhưng tin rằng lòng trời thuận cho họ Nguyễn Gia Miêu khôi phục thì tất phải giúp cho tôi may mắn. Quả nhiên về đến đây tôi tìm ra chị dâu và các cháu. May hơn nữa, tôi được gần gũi thầy.
Kiên lặng người vì sợ hãi, muốn nói mà không mở miệng được. Hóa ra những điều Kiên hồ nghi đều có căn cứ. Không kiểm soát nổi cử động của mình, bất giác Kiên gật gù. Liệu tưởng Kiên đã chấp thuận, vui mừng nói:
- Thầy bằng lòng giúp tôi rồi chứ? Hay quá, cảm ơn Trời! Tôi chỉ sợ thầy bận bịu vì tình anh em, tình đồng đạo mà ngập ngừng, do dự. Thầy thấy không, nếu không thuận lòng Trời thì mọi việc đâu dễ dàng như vậy. Thôi, tôi xin nói gọn lại. Hiện nay khắp Qui Nhơn từ chị vợ lính cho đến bọn quan lớn quan nhỏ trong thành đều quí trọng thầy, tin tưởng ở lời thầy. Đến nỗi Bùi Văn Nhật cũng sai vợ đến đây nhờ thầy đoán trước hậu vận kiết hung ra làm sao nữa là! Dù không muốn, thầy đã trở thành người quan trọng của Qui Nhơn rồi. Một lời nói của thầy có thể mạnh bằng trăm ngựa chiến. Có thể xô ngã Hoàng đế thành. Không, thầy chớ tưởng tôi nói đùa, hoặc nói nịnh thầy. Thầy thử ngẫm kỹ mà xem. Giả sử thầy soạn lấy vài câu sấm ký, ý nghĩa lơ lửng bí hiểm như kiểu sấm Trạng Trình ấy mà, những câu sấm tiên đoán thế nào Tây Sơn cũng sụp đổ và họ Nguyễn lại khôi phục đất nước. Đi đến đâu thầy cũng đọc sấm cho họ nghe. Chỉ cần vài ngày thôi, ngoài chợ phiên dân chúng sẽ quên cả mua bán vì mải bàn tán lời sấm của thầy...
Liệu càng nói, Kiên càng sợ hãi. Một luồng hơi lạnh men theo xương sống chạy từ thắt lưng lên đến ót, rồi tỏa ra khắp thân thể. Đầu óc Kiên căng thẳng, tê dại. Hai thái dương tự nhiên nóng bừng. Anh không nghe thêm được gì nữa. Trước mắt anh, Liệu tiếp tục huyên thiên múa may như một cái hình nộm. Bên ngoài cửa am, trời hơi lất phất mưa!
*
* *
Đêm đó, Kiên không tài nào ngủ được. Khắp người anh nôn nao bất định, lòng cứ hồi hộp thấp thỏm như đang chờ đợi điều gì chưa biết rõ, nhưng nhất định nó quan trọng hết sức vì liên quan đến sự sống chết của đời anh.
Kiên nằm duỗi hai tay hai chân thật thẳng trên cái chõng tre, cố tìm một thế thoải mái để trấn tĩnh. Phải mất thời gian thật lâu, anh mới ý thức trọn vẹn được các sự vật quanh mình: mùi trấu cháy ngún ở dưới bếp; tiếng nước mưa rơi lách chách đều đặn ở mái tranh; một chú chuột cuống quít kêu cứu một cách tuyệt vọng nơi đầu tủ sau đó là sự im lặng tang tóc; nhịp đập của trái tim không đều đôi lúc gần như biếng nhác do dự, rồi đột nhiên vồ vập hấp tấp; nan tre kêu răng rắc mỗi lúc Kiên trở mình; tiếng ú ớ mê sảng không biết của ai và khó đoán được nội dung vì âm thanh trùng chập, lấp lửng...
Kiên nằm như thế thật lâu, mới đủ bình tĩnh suy nghĩ về mình. Anh lẩm bẩm một mình:
- Lâu nay ta lầm lẫn biết bao! Ngây thơ biết bao! Cứ tưởng hễ vượt lên trên những điều tầm thường phức tạp của cuộc sống hằng ngày, tìm ra được căn nguyên của cuộc sinh hóa, thì tự nhiên mọi sự đều được giải quyết. Thực tế đâu có vậy! Tại sao điều đơn giản ấy bây giờ ta mới biết? Vì ta né tránh ư? Không. Vì ta thu vén cuộc đời ta vào một xó tối, núp dưới bóng cây xanh như một người bệnh sợ nắng gió, hợm hĩnh, tự kiêu không thèm dây vào đời nhơ nhớp, nhưng thực ra ta chỉ là kẻ sợ hãi nhát nhúa. Ta không dám thử thách, đứng trước nắng gió như mọi người. Đến nay thì mọi sự rõ ràng. Nguyễn Phúc Liệu chỉ cần hỏi ta một câu, ta đã ấm ớ không biết trả lời với hắn thế nào. Nhận lời hắn ư? Nhất định không thể được! Mà đã nhất định không thể được thì tại sao ta không dứt khoát ngay từ đầu, nói thẳng vào mặt hắn rằng ta từ chối? Ta sợ chăng? Sợ! Sợ cái gì cơ chứ? Đến cả cái chết ta còn xem là tự nhiên (như ta dự định an ủi thuyết phục Đông Định vương), thì lẽ nào ta còn sợ hắn trả thù, rắp tâm hãm hại. Hay là... dù nói cứng, ta vẫn ham sống sợ chết như mọi người? Trời hỡi! Hóa ra bấy lâu nay ta lừa dối ta, lừa dối người. Ta đóng trò "thầy cả", núp dưới cái dạng "ông đạo" để hưởng sự kính cẩn của thiên hạ. Ta ăn gian với đời. Làm sao đây? Liệu còn có cách nào cứu vãn không? Nếu hồi chiều ta lắc đầu, dứt khoát nói không, thì đêm nay ta đã ngủ yên. Nhưng hắn có để cho ta yên không? Chân tướng của hắn đã lộ, thế nào hắn cũng sợ ta báo lại với Đông Định vương. Hoặc hắn tìm cách giết ta để giữ kín tông tích, hoặc hắn phải trốn đi. Trong hai con đường, hắn sẽ chọn đường nào? Khổ nỗi, hồi chiều ta yếu đuối, không tỏ thái độ bất thân thiện ngay từ đầu. Nếu ta chỉ cau mày khó chịu, hoặc mạnh dạn đứng dậy bỏ đi, hắn phải đâm ngại. Đã ngại thì không dám lộ tông tích, và không dám liều lĩnh mời ta hợp tác. Bây giờ mọi sự đã lỡ, ngọn lao đã phóng. Mũi tên đã rời khỏi cung thì phải bay cho hết tầm. Không có cách gì cứu gỡ, ngăn cản được. Hay là... sáng mai ta nói thẳng với hắn! Còn kịp không? Khổ thân ta quá! Ta lầm lẫn và ngây thơ biết bao. Cứ tưởng...
Càng suy nghĩ, ý tưởng trong đầu Kiên càng lộn xộn, trùng lặp, mâu thuẫn. Anh lịm đi lúc nào không hay.
Kiên lơ mơ tỉnh dậy vào cuối canh ba. Trong đêm tối dày đặc, anh cảm thấy mình bập bềnh lửng lơ giữa cái thực và cái không thực. Kiên biết rằng mình đang nằm trên cái chõng tre đặt sát vào cửa sổ hướng ra phía nam, đầu gối lên một khúc gỗ vuông đã nhẵn bóng vì mồ hôi, hai chân duỗi thẳng, bàn chân trái chạm vào thanh gỗ ngang ở cuối chõng. Nhưng đồng thời anh cũng thấy không phải chỉ có một mình anh trong đêm tối. Có nhiều người lạ mặt đang đứng bao quanh anh: kẻ đang trỏ vào anh rồi quay lại nói gì đó với người bên cạnh; kẻ trợn mắt nhìn anh giả vờ đe dọa rồi phá lên cười; kẻ chăm chú theo dõi vẻ bối rối của anh, bĩu môi khinh bỉ; kẻ ra dấu cho anh ngồi dậy trong khi người khác lại đưa bàn tay mặt xòe rộng ra dấu cho anh cứ nằm yên đấy. Kiên hoang mang nhìn hết người này đến người khác. Dần dần anh nhận ra được vài người lạ đã từng đến quán rượu gặp Liệu. Rồi anh nhận ra cả Liệu, kẻ bảo anh ngồi dậy. Anh càng hoang mang thêm, tự hỏi: Ta tỉnh hay ta mê? Đến lúc khám phá ra những người đang vây quanh Kiên đều có cầm dao, anh mới hốt hoảng tột độ. Anh giật mình chống tay choàng dậy. Anh vừa trải qua một cơn ác mộng. Mồ hôi vã ra ướt cả quần áo. Tay Kiên vẫn còn run rẩy khi anh đưa lên ngực để trấn áp nhịp tim.
Ngay đêm hôm đó, Kiên lén lút trốn khỏi Bằng Châu như một người có tội.
*
* *
Lúc nghe tiếng gà gáy đầu tiên, Kiên dớn dác nhìn quanh, sợ có người thức dậy trước mình. Cả nhà đều còn say ngủ. Yên tâm hơn, Kiên nhón gót lần mò về phía cửa. Một tay nâng cánh cửa gỗ lên, tay kia Kiên kéo nhẹ cái then. Anh lách mình qua hai cánh cửa hé, ra được bên ngoài mà lòng vẫn còn hồi hộp. Quên cả khép cửa lại, anh đi nhanh ra phía bờ sông, dù muốn lắm nhưng không dám quay lại để nhìn căn nhà thân thuộc lần cuối.
Nước sông lạnh nhắc Kiên nhớ trên người anh chỉ có một bộ quần áo nâu mỏng manh. Anh run lập cập, hai hàm răng cắn chặt để cưỡng lại cơn rét. Nước ngập đến đầu gối, rồi đến bắp vế. Anh dùng hai tay túm ống quần và vạt áo lên cho khỏi ướt. Lúc đó, Kiên mới nhớ mình không mang theo chút hành lý nào. Sau một lúc do dự, anh tiếp tục lội qua khỏi khúc sông cạn.
Lên đến bờ bên kia Kiên vẫn chưa nghĩ mình đi đâu. Cứ bước tới trước. Bước tới, bước tới nữa, càng xa cái bến tắm ngựa càng tốt. Đi một đoạn, anh gặp một ngã ba. Đường phía trái dẫn xuống kinh thành nên ngay dưới gốc đa vệ đường có một chòi canh. Kiên rẽ phía phải không cần do dự, đắn đo. Bước tới. Bước tới nữa. Anh bước như cái máy, không nhìn thấy ai, không thắc mắc tìm hiểu tại sao những người đàn bà gánh rau đi chợ sớm cứ bỡ ngỡ kinh ngạc nhìn Kiên như một hiện tượng lạ lẫm.
Trời dần dần sáng rõ. Kiên gặp nhiều ngã ba ngã tư khác, chân bước không ngập ngừng vì anh cứ bước theo người đi trước. Qua một bến đò. Lại thêm một bến đò nữa. Người ta định hỏi tiền đò, nhưng bộ dạng khác thường của Kiên đã khiến mấy chị lái đò e ngại. Ở bộ quần áo nâu rộng thùng thình, đầu tóc rối bù, cái nhìn mệt mỏi ơ hờ với sự vật trước mắt, cử chỉ dáng điệu của kẻ mộng du, người ta đã xếp Kiên vào một trong hai loại sau đây: hoặc anh là người điên khùng, hoặc là một ông đạo. Đối với cả hai hạng này, không có chị lái đò nào nỡ đòi hỏi khách qua sông phải sòng phẳng chuyện tiền nong. Nhờ thế Kiên tiếp tục cuộc hành trình nửa mê nửa tỉnh không gặp trở ngại nào. Mãi đến lúc mặt trời lên được hai con sào, anh mới cảm thấy đói, mệt. Đôi chân anh bủn rủn. Lòng bàn chân bắt đầu rát, và cảm giác rã rời, nhức nhối thêm đậm ở hai bắp chân và đầu gối. Không cố gắng thêm được nữa, Kiên phải dừng lại. Chọn một bóng mát ở một đoạn đường rộng, anh ngồi xuống nghỉ lấy sức. Theo thói quen, Kiên xếp bằng theo lối tĩnh tọa, mắt nhắm nghiền để điều hòa hơi thở.
Anh ngồi như thế không biết bao lâu. Ban đầu, anh còn nghe thấy tiếng chân người bước qua lại, tiếng khách bộ hành cười nói, rồi tiếng thì thào, thắc mắc khi họ đi qua trước anh. Về sau, đắm mình vào nhịp độ chuyển hóa của thân thể, anh không còn nghe gì nữa. Lúc mở mắt, Kiên thấy con đường vắng, và mặt trời lên cao in bóng râm làm đường viền dọc hai bên dải đất sỏi. Ngay trước mặt anh, ai đó đã đặt một nải chuối chín vàng, đồ "cúng dường" của một đạo hữa vô danh dành cho "ông đạo".
*
* *
Ăn xong, Kiên lại lên đường. Và anh khấp khởi, rộn rã trong lòng khi nhận ra rằng con đường này dẫn anh lên An Thái! Kiên nghĩ:
- Kỳ diệu thay, hình như mọi sự đã được xếp đặt trước cả rồi. Lá rụng thì về cội. An Thái! An Thái! Phải rồi, dù đi đâu chăng nữa, trước hết ta phải về thăm lại mộ mẹ đã!
Nhờ có chủ định và bụng no, Kiên bước nhanh hơn. Anh tránh đi đường lớn đông người. Chọn nẻo khuất, nếu cần phải đi vòng, miễn là khỏi tạo tò mò cho lũ con nít và những người rỗi việc ở hai bên đường. Vì thế mãi đến chiều xế Kiên mới ra tới vùng mấy đám ruộng miễu.
Kỷ niệm thời niên thiếu dồn dập hiện về, khiến anh bồi hồi xúc động. Hơn hai mươi năm qua rồi, kể từ thời gia đình anh tránh nạn từ Thuận Hóa vào đây nương náu. Cái xóm nhỏ có nhà Hai Nhiều ở phía kia. Cây gạo bên chợ An Thái còn đó. Trước mặt anh là những đám ruộng miễu mà mấy cha con anh (cùng với hai chú học trò nhỏ Lữ, Huệ) đã đổ biết bao mồ hôi mới chặt hết gai, lượm đá, phát cỏ, lấp chỗ trũng, san bằng giồng đất cao để biến một vùng hoang hóa thành ruộng cày. Nhưng sao ở đây không có sự sống? Ruộng đất khô cằn, cỏ lác mọc đầy che lấp các bờ ruộng. Chiến tranh! Phải rồi. Xóm làng vắng đàn ông. Sức đàn bà trẻ con yếu ớt chỉ đủ cày cuốc tạm bợ mấy đám ruộng ven đường và dọc theo các mương nước. Vùng ruộng xa và cao như ở đây có lẽ đã bị bỏ hoang quá lâu, lớp cỏ sau mọc chồng lên lớp cỏ trước. Kiên thấy cay cay ở hai mắt, lòng ngùi ngùi.
Anh vạch cỏ tìm đường lên gò Miễu. Vẫn còn cái miễu hoang đó, tuy mái trước dột nát để trơ những cây kèo mục phơi mưa nắng. Một cây cao mọc cạnh miễu bị gió thổi bật gốc, ngã đè lên tấm bình phong bằng vôi trước miễu, làm sập vỡ hẳn một nửa. Cỏ dại che kín gần hết các bức tường. Cảnh đổ nát hiu quạnh, nhưng lòng Kiên đột nhiên rộn rã khi anh nghĩ:
- Hay ta dừng lại ở đây? Có thể lập am ở cái miễu hiu quạnh này không? Mẹ ơi! Nếu mẹ linh thiêng, xin mẹ phù hộ cho con chống chõi được cuộc thử thách cuối cùng này, cho con được "an cư" ở chỗ mà hơn hai mươi năm trước gia đình ta đã an cư. Mẹ có nghe lời con cầu khẩn không?
Kiên khóc thành tiếng lúc nào không hay. Gió chiều đưa bạt tiếng khóc khao khao của anh ra phía đồng khô cỏ úa!
(Còn tiếp)
(1) Do kế ly gián của Nguyễn Ánh để Nguyễn Lữ ngờ thái bảo Phạm Văn Sâm lúc đó đang chống giữ Sài Gòn. |