Chương 96
16:1', 12/11/ 2004 (GMT+7)

Công việc vua Quang Trung giao cho Lãng không dễ dàng như anh tưởng!

Trước hết, lúc nào những lời cảnh cáo nhẹ nhàng của Nguyễn Huệ mấy năm trước đây (lúc anh ghi nhật ký chiến dịch ở Gia Định), cũng luôn luôn ám ảnh Lãng. Lọc bỏ không thương tiếc các xúc động riêng tư, sổ toẹt những chuyện bên lề, chỉ giữ lại cái sườn biên niên của lịch sử, làm như vậy có khác nào lóc bỏ hết da thịt để lịch sử chỉ còn là một mớ xương xẩu ghê tởm đủ mùi tanh lôi cuốn lũ ruồi nhặng và làm cái cớ cho bọn bán thịt chuyên nghiệp lên mặt vênh váo. Ngày đó tháng đó nhà vua se mình! Ngày đó tháng đó, ông hoàng bà chúa này nọ ra đời. Ngày đó tháng đó có nhật thực. Ngày đó tháng đó nhà vua lập đài cầu đảo... Lãng không chịu được bấy nhiêu cái thừa thãi vô lối đầy đặc trong sử sách cổ kim. Làm như một cơn cảm mạo của vua chúa cũng đủ làm cho thiên hạ và trời đất xôn xao rúng động. Càng ngày Lãng càng có cảm tưởng như cuộc sống tràn trề sôi động quanh anh đã, đang và sẽ sinh sôi nẩy nở, trưởng thành và mai một theo qui luật bí nhiệm nào đó, cùng qui luật đã khiến cho hoa nở vào mùa xuân, kết trái dưới nắng hạ, đổi áo vào mùa thu và tạm thời héo úa trong gió đông để chuẩn bị phục sinh. Qui luật ấy ở ngoài tầm gươm giáo của vua chúa, nhà ngục không thể khiến nó khép nép quì gối, sợ hãi không khiến nó đổi hình. Nó ở ngoài tầm ước muốn hay tham vọng của con người. Bằng chứng ư? Dù là Nghiêu Thuấn hay Kiệt Trụ, hiền triết hay đạo tặc, dù có dùng hết châu báu của quốc khố để luyện đan, không ai trong khoảng trời đất này có thể chống lại được chiều năm tháng. Một nếp nhăn trên trán, một cơn thao thức mất ngủ, sợi tóc bạc trên đầu, chỉ cần vài cái nhỏ nhặt thường thấy cũng đủ chứng tỏ sức mạnh tuyệt đối của qui luật ấy. Nó tràn trề sung mãn và biến đổi dưới muôn hình vạn trạng, đến nỗi chữ nghĩa thánh hiền cũng chỉ nhốt được một phần rất nhỏ của nó, như người ta ngu ngơ đưa bàn tay ra chộp gió thổi. "Đạo" của Lão tử, "Thiên mệnh" của nho gia là hạt bụi vất vơ còn dính lại trên lớp nhờn của bàn tay tham lam ngu ngơ ấy. Đáng thương thay, cái tham vọng muốn thu về một mối, muốn dựng một đài trí tuệ để bao trùm từ cái lớn như trăng sao cho đến cây tăm sợi chỉ của người dân đen. Muốn làm cái rún của trời đất, rồi sai bảo bọn văn nhược ghi chép tỉ mỉ từng cơn ho hen se mình, từng đêm hành lạc mỏi mệt vào giấy để làm sử, che giấu cả sự yếu đuối lẫn cơn hiếu sát ngông cuồng bằng "ý Trời", chao ôi, đáng thương mà cũng đáng giận biết bao nhiêu!

Có thể tính mẫn cảm đã khiến cho Lãng nhảy từ cái cực đoan này sang cực đoan khác, không cho anh bình tĩnh khiêm nhường ở chỗ vừa phải. Anh không chịu thu mình đứng yên một chỗ nào, không chí thú lo lắng một việc nào nhất định, tha thiết say mê nhưng lại ngập ngừng ở chỗ sắp thành. Lãng tự biết kẻ khác xem thường mình, cho anh là hạng bất tài, yếu đuối. Nếu không có sự bảo bọc thầm lặng kín đáo của Nguyễn Huệ, nhất định anh đã bị loại trừ ra khỏi guồng máy công quyền, bị cấm cửa ở mọi chỗ thần thế. Mà cho dù anh được người ta cho vào, Lãng cũng không làm được điều gì ra trò. Anh phất phơ cho nên trở thành vô hại, tuy anh làm vướng víu không ít.

 Bây giờ Nguyễn Huệ đã trở thành Quang Trung hoàng đế! Anh còn có thể phất phơ như trước kia không? Đâu là ranh giới của lời dặn dò thân tình và mệnh lệnh? Viết thế nào cho phải? Nếu không thể ép mình ghi chép theo ý nhà vua, thì sẽ phải chịu hậu quả nào? Câu hỏi ấy ám ảnh Lãng. Lòng anh canh cánh buồn phiền, như có một sợi dây mềm mại đang ràng buộc hết chân tay anh. Ghi chép qua quít như mọi người ư? Lãng hổ thẹn khi nghĩ đến điều ấy! Theo cảm xúc của mình ư? Lời dặn dò của Nguyễn Huệ còn đó, càng ngày càng biến đổi âm sắc để thành lời phán truyền.

*

*        *

Khi bắt tay vào việc, Lãng mới thấy thêm một trở ngại khác. Ngay từ khi tự hẹn là phải quan sát ghi nhận cho đầy đủ những gì diễn ra trước mắt để chép lại, Lãng đã thấy rất rõ sự chậm chạp vụng về của mình. Anh luôn cảm thấy bị vượt qua, bị tràn ngập. Ghi gì được trong cảnh huống chới với ấy? Nhìn cảnh hối hả tấp nập, chen chúc rộn rã gần như mất hết trật tự, cảnh ba quân tuôn chảy như nước lũ dưới bóng cờ đào phất phới, cảnh voi ngựa gươm giáo, đêm trừ tịch, nghe tiếng quân reo tở mở vang động khắp vách núi, rồi cả đến cảnh những cánh đồng rộng, những đợt sóng trên biển cả, cây cối cuối mùa đông bắt đầu đâm chồi, và tiếng hót rộn ràng tiên báo mùa xuân của chim chóc, Lãng lại nghĩ tất cả định chế xã hội đều trở nên thừa thãi, vướng bận. Những cuốn biên niên dày cộm chỉ được mỗi một việc nuôi mối mọt, hoặc là ép những cánh hoa khô. Lãng sắp làm, phải làm cái công việc phi lý ấy chăng?

Dù có muốn, Lãng cũng không làm nổi. Lịch sử dồn dập tưng bừng suốt khoảng thời gian ngắn ngủi, từ đêm trừ tịch xuất quân cho đến chiều mồng năm tháng giêng Kỷ Dậu (1789), còn đang bốc khói, máu trong thân thể lẫn máu đã đổ ra còn hôi hổi nóng. Người chủ động nhất trong cuộc còn bàng hoàng trước sự vĩ đại bất ngờ, chưa dám tin những điều xảy ra trước mắt, huống chi là Lãng. Không đủ thì giờ để sống, làm sao có thì giờ đứng giạt ra một bên để quan sát sự sống! Quan sát đã không kịp, làm sao ghi chép!

Vì thế, Lãng chỉ ghi vội vàng bằng chữ thảo những gì thoạt đến trong đầu óc, không cân nhắc, lựa chọn, ghi xong không dám đọc lại hoặc không có thì giờ đọc lại. Sau năm ngày, Lãng bần thần hổ thẹn trước một xấp giấy chữ thảo nhòe nhoẹt, lem luốc, không thẳng hàng, trông bèo nhèo như một mớ giấy lộn. Sau đây là những gì Lãng ghi được:

 Đêm trừ tịch.

Lễ Thệ sư ở Thọ Bạc. Ba quân đã sẵn sàng để lên đường. Đêm mênh mông. Đuốc lập lòe khắp nơi như hội hoa đăng. Hai ngọn đuốc lớn rực rỡ chiếu rõ Hoàng thượng ở trên đầu voi. Ba quân hô lớn "Vạn vạn tuế". Có lẽ những vì sao đêm trừ tịch cũng rung rinh theo. Nhà vua chờ cho ba quân im lặng mới dõng dạc nói:

- Bớ chư quân! Hễ ai chịu chiến đấu thì hãy vì ta giết sạch chó Ngô đi! Nếu ai không muốn chiến đấu thì hãy xem ta trong một trận giết hàng vài vạn mạng người đấy! Đó không phải là chuyện lạ lùng gì cả. Các ngươi có tin lời ta không?

Ba quân dạ ran như sấm, làm rúng động cả hang núi, trời đất biến đổi cả cảnh sắc. Chiêng trống đồng loạt vang rền. Xuất quân!

(Ghi tại đại doanh Ba dội, lúc còn có thể kê giấy lên cái bàn gỗ tạp còn lại trong bản doanh để viết. Tiếng chiêng trống làm mặt đất run rẩy, nên nét chữ cũng run rẩy theo. Tạm biệt Ba Dội.)

*

*        *

Mồng một Tết nguyên đán Kỷ dậu:

Mặt trời chưa mọc. Sương đêm còn dày. Chân ngựa và người vẫn làm tỏa lên những đám bụi ướt. Ở các xóm làng quân băng qua, các ngọn nêu đều có treo thêm cờ đào. Hoàng thượng rất thích thú. Dân đổ ra đường hoan hô. Phần lớn đều ốm xanh, quần áo rách. Nghe nói gần đây Bắc Hà bị đói to. Có lẽ đúng. Khi nghỉ chân, Hoàng thượng được các bô lão bưng trầu cau và bánh chưng đến dâng. Chỉ ăn một miếng trầu, còn bánh chưng, sai đem cho người lính cầm đại kỳ. Lúc sắp lên đường, Hoàng thượng đột ngột tiến đến gần một bà lão gầy gò, đang nheo mắt ngó cảnh tấp nập. Hoàng thượng cúi xuống hỏi bà lão:

- Chúng tôi sắp giết hết quân cướp nước, cụ có vui không?

Bà lão ngơ ngác một lúc, ngước lên hỏi:

- Hả?

Hoàng thượng kiên nhẫn nhắc câu hỏi. Bà lão hỏi lại:

- Sắp hết đánh nhau chưa?

Hoàng thượng cười, bảo:

- Sắp hết rồi. Cụ có con trai ở lính phỏng?

- Không. Hết đánh nhau chắc lại được no nhỉ!

Từ đó về sau, Lãng quên ghi rõ ngày tháng, chỉ có số tờ ghi ở chéo trái của tờ giấy mà thôi.

*

*        *

Vượt sông Gián Thủy. Quan đại tư mã đã báo đây là đồn của quân Chiêu Thống. Nội hầu Phan Văn Lân định cho voi trận và ngựa lên trước để chuẩn bị đánh đồn, nhưng Hoàng thượng bảo không cần. Cho tập trung chiêng trống khắp doanh, đưa lên phía trước. Quả nhiên đến nơi chỉ thấy đồn vắng. Hoàng thượng hỏi tên của tướng nhà Lê trấn giữ đồn này. Hoàng Phùng Tứ. Sai ghi ngay vào giấy để lập danh sách các bại tướng cho đời sau cười!

*

*        *

Đang đi dọc theo sông Thanh quyết. Đội kỵ binh tiên phong cấp báo đang đuổi bắt một toán quân Thanh hình như thuộc toán do thám ở vòng ngoài. Hoàng thượng ra lệnh chia quân làm hai: đội kỵ binh do nội hầu Lân chỉ huy phải đuổi theo bắt trọn toán quân do thám nhà Thanh, bộ phận lớn còn lại tiếp tục tiến ra hướng bắc, diệt các đồn ở bờ bắc sông Nguyệt Quyết và đồn Nhật Tảo. Nghiêm lệnh: Tuyệt đối không để cho tên địch nào chạy thoát để về báo cho đồn Hà Hồi.

*

*        *

Nghỉ đêm. Chuyện lũ tù binh trở thành quà vui cho quân sĩ khắp doanh. Hai tên tù binh Thanh bị bắt ở đồn Nhật Tảo, nhân lúc quân canh lơ đễnh, suýt chút nữa giết nhau. Tên nọ định quỵt tiền thua cá đá gà với tên kia, dù cả hai không còn một đồng kẽm dính túi. Định giết nhau chỉ vì lời nói khích. Và có thể vì rượu. Lúc lính canh trói gô cả hai dẫn lên gặp quan đại tư mã Ngô Văn Sở, miệng mồm chúng còn nồng nặc hơi men.

Có bắt được bảy tên lính Chiêu Thống chạy bộ từ đồn Gián Khẩu lên Thanh Liêm mà không thoát. Quân Thanh trong đồn Nguyệt Quyết nghe lính Chiêu Thống kêu cứu xin mở cửa, nhưng nhất định từ chối. Chúng mắng lính Chiêu Thống là "bọn hèn nhát"!

Đến Phú Xuyên. Bắt trọn được toán quân Thanh do thám. Chúng chậm chân là phải, vì bọn thám tử muốn nhân cơ hội đi xa, kiếm chát chút của cải lương thực, nên mỗi đứa đều có mang phu đi theo. Lúc bị toán quân kỵ của nội hầu Lân vây bắt, chúng vẫn còn mang xách đủ thứ gạo nếp, gà vịt, đồ đồng... Tịch thu được tấm giấy ghi tám điều quân luật của quân Thanh (có giữ lại đây). Lại có thêm một trò vui mới: Buộc bọn ăn cướp mang đủ tất cả gà vịt, gạo nếp lên người diễu qua các hàng quân, theo sau một người lính cầm loa đọc lớn điều một của tám điều quân luật do Tôn Sĩ Nghị ban bố . Điều 1: Đại binh qua ải cốt để dẹp giặc yên dân. Đi qua các nơi, đội ngũ đều phải nghiêm chỉnh, không được quấy nhiễu nhà người, cướp bóc chợ búa.(1)

*

*        *

Qua một làng buồn thiu. Không có dấu hiệu Tết nào còn lại cả. Không cắm nêu. Không cắt dọn rào giậu. Nhà cửa xiêu, dột. Không có cả tiếng chó sủa. Đói. Nghe nói mùa trước mất, mùa này lại bị triều đình Chiêu Thống cho quân đến vét sạch để cung đốn cho quân Thanh ở các đồn lân cận. Tên tù binh bị bắt ở đồn Gián khẩu gốc người vùng này đã rơm rớm nước mắt khai như vậy. Hắn xin được thả về quê nuôi mẹ già. Vì cần bảo mật, không cho phép phóng thích hắn.

*

*        *

Nửa đêm mồng ba.

Đến Hà Hồi. Nghiêm lệnh: cấm lửa, cấm nói chuyện. Vẫn không nghe thấy tiếng chó sủa. Bước chân thầm, trong khi lòng nao nức. Ghi được vài hàng nhờ ánh đuốc leo lét duy nhất trong đại bản doanh, đóng tại một mái nhà tranh thấp, chung quanh vườn cây um tùm. Hoàng thượng đang cùng các tướng ngồi vây quanh tấm bản đồ đồn Hà Hồi. Lệnh truyền cho vây chặt đồn, rồi bắc loa gọi hàng. Ba quân sẽ đồng loạt reo hò cùng với trống chiêng khua vang để cướp tinh thần địch. Tên thám tử thua đá gà đã khai hết nội tình đồn Hà Hồi. Quân nhát. Tướng say. Hoàng thượng tin chắc không cần phải phí đến một mũi tên.

Giữa đêm đen, tiếng chiêng trống và tiếng hô "Sát" vang dội chẳng kém gì sấm rền. Giặc kéo cờ hàng. Lương thực và khí giới nhiều vô kể. Hoàng thượng ra lệnh đãi trà tất cả những người vừa gân cổ cầm loa gọi hàng bằng tiếng Quảng Đông, kể cả những tên tù binh người Thanh bị bắt ở Thanh Liêm, Nhật Tảo, và Phú Xuyên.

Mồng 4 tháng Giêng Kỷ dậu:

Đến Ngọc Hồi. Ba quân ngơ ngác khi nghe có lệnh dừng quân cắm trại. Được nấu nướng không sợ khói tỏa. Được chia nhau ngủ bù. Giữa lúc đồn giặc nằm lù lù ngay trước mặt, và từ Thăng Long, quân tiếp viện cứ đổ xuống từng chặp! Chợp mắt được một chút. Choàng thức dậy vì tưởng nghe lại tiếng chiêng trống đêm Hà Hồi. Quan Trung thư lệnh đang cùng với nội hầu Lân tra hỏi bọn tù binh để vẽ địa đồ phòng thủ của giặc tại đồn Ngọc Hồi cùng các doanh trại khác chung quanh Thăng Long.

*

*        *

Nhận được tin cánh quân của đô đốc Bảo đã đến Đại áng. Hoàng thượng truyền cho thị lang Ngô Thì Nhậm soạn sẵn chiếu chiêu an và các điều lệnh cần thiết về lương thực, đi lại, giao nộp tù binh và võ khí... Nóng ruột chờ tin của đô đốc Đông.

*

*        *

Lại hạ lệnh nổi chiêng trống, ngay giữa ban ngày. Ba quân ngỡ ngàng, rồi thi nhau khua chiêng gióng trống vang dội. Quên cả đói và mệt. Điều lạ lùng, quân Thanh im thin thít trong đồn Ngọc Hồi, không dám bắn một phát súng.

*

*        *

Đã có tin của đô đốc Đông đến Nhân Mục. Hoàng thượng ra lệnh triệu ngay đô đốc Bảo về đại bản doanh để bàn kế đánh Ngọc Hồi.

*

*        *

Buổi chiều: Có cuộc họp lớn của bộ tham mưu.

Hoàng thượng báo trước sẽ bắt đầu tấn công Ngọc Hồi ngay khi cánh quân đô đốc Đông hạ được đồn Khương Thượng và tiến vào kinh thành theo lối cửa Tây. Như vậy chậm nhất là sáng mai, cuộc tấn công sẽ bắt đầu. Nội hầu Lân dẫn một cách quân theo đê Yên Duyên vòng phía sau đồn Ngọc Hồi, lên Văn Điển nghi binh làm nút chặn đường rút lui của quân Thanh, từ Ngọc Hồi chạy về Thăng Long. Đô đốc Bảo thì đem quân từ Đại Áng lên vùng cầu Vịnh chặn đường rút thứ hai, dồn tàn binh Ngọc Hồi về đầm Mực để tiêu diệt. Đại tư mã Ngô Văn Sở ở trung quân phải chỉnh đốn gấp các đội voi trận. Mỗi con voi có ba, bốn người lính giỏi sử dụng hỏa hổ để đốt cháy đồn địch. Ghép ván làm hai mươi tấm mộc lớn có quấn rơm ướt để các toán cảm tử khiêng mộc dàn hàng ngang xông bừa vào đồn. Các toán quân tinh nhuệ này, dùng đoản đao để cận chiến, phần lớn tuyển chọn trong số tinh binh từng tập luyện kỹ càng ở Phú Xuân.

Trong cuộc họp, một lần nữa nội hầu Lân lại bị quở trách vì cái tội "sính chữ". Quan nội hầu nói "Vịnh kiều" thay vì nói "cầu Vịnh" hoặc cầu Viềng như tên gọi của dân địa phương. Hết Ba Dội lại đến cầu Vịnh!

Tối mồng 4 tháng giêng.

Ba quân nao nức chuẩn bị chiến đấu. Không ai ngủ được. Ngô thị lang đã soạn xong các tờ chỉ dụ cần thiết. Hoàng thượng hớn hở khác thường, tuy nóng ruột ngóng tin Khương Thượng. Ngự trù dọn cháo gà. Nhà vua ngồi ăn chung với mọi người. Nghe quan Trung thư lệnh ca tụng bài Thiên thai phú của Ngô thị lang, nhà vua đòi Ngô thị lang phải ê a bình văn cả bài. Quá nửa đêm, có nhiều tiếng nổ và lửa cháy hừng sáng một vùng, đúng hướng Khương Thượng. Nhà vua đứng bật dậy, ba quân phía ngoài rộn rã. Cuộc chuẩn bị tiến công bắt đầu.

Sáng sớm mùng 5 tháng giêng.

Nhận được tin vui từ Khương Thượng. Đồn tan vỡ. Quân giặc chết vô số. Sầm Nghi Đống phải tự vận chết tại đài chỉ huy ở Loa Sơn. Sau khi diệt đồn Nam Đồng, đô đốc Đông đã đưa được quân vào cửa tây Thăng Long.

*

*        *

Khói ùn đen nghịt phía bầu trời Thăng Long. Chắc chắn quân ta đã vào thành. Tận đây còn nghe được tiếng súng nổ. Gió mang đến mùi khói pha mùi thuốc súng hăng hắc. Say!

*

*        *

Lại có tin giặc đóng ở bờ nam sông Phú Lương vì tranh nhau chạy qua cầu phao nên cầu bị đứt, số chết chìm đếm không xuể. Chưa có tin gì về Tôn Sĩ Nghị và bọn vua quan nhà Lê.

*

*        *

Trời sáng dần. Hoàng thượng hạ lệnh diệt đồn Ngọc Hồi. Mặc áo bào đỏ, tự mình buộc khăn vàng vào cổ để tỏ ý quyết chiến. Đích thân cưỡi voi chỉ huy.

*

*        *

Đàn voi chiến hơn trăm con do Hoàng thượng dẫn đầu ào ạt xông trận. Phía đồn Ngọc Hồi, giặc cho kỵ binh ra cản. Ngựa giặc gặp voi, hoảng sợ, lồng lên, quay đầu chạy về. Tượng binh ùa theo bắn giết, giặc phải bắn đại bác ra dữ dội để cản đường. Một vạt áo bào của nhà vua bị nám thuốc súng. Con voi nhà vua cưỡi bị thương nhẹ ở dưới cổ vì một phát đạn đại bác nổ ngay trước mặt.

*

*        *

Sau khi chia hai đội tượng binh để đánh vào sườn tả hữu của đồn Ngọc Hồi, nhà vua cho các toán tinh binh khiêng mộc gỗ dàn chữ nhất xông thẳng vào đồn. Có tất cả hai mươi toán, mỗi toán ba mươi người. Đại bác giặc mất hiệu lực. Quân ta ngang nhiên tiến tới. Phía sau, ba quân hò reo ầm ĩ.

*

*        *

Giặc tung hỏa mù để cho trận địa tối tăm, làm quân ta rối loạn. Nhưng súng hỏa hổ của ta phun lửa đốt cháy các đồn trại làm đuốc soi trận địa. Quân cảm tử vẫn tiến thẳng tới trước. Đến sát mặt đồn, hạ bỏ mộc gỗ, hùa nhau phá tan cửa lũy. Ba quân đồng loạt reo hò, không ai bảo ai rùng rùng ào lên, đông như kiến cỏ, thế lực ồ ạt như thủy triều dâng. Hỗn chiến giữa bão lửa. Khói. Khói. Phất phới cờ đào giữa những đám lửa đỏ hừng hực. Tiếng gào thét chen lẫn tiếng địa lôi nổ, tiếng tre cháy lép bép, tiếng ngựa hí, voi thét. Bị dòng người đẩy vào đồn Ngọc Hồi lúc nào không hay. Lúc định thần, đã thấy mình đứng giữa những xác gỗ bốc khói và đám xác chết (giặc có, ta có) nằm vất vưởng khắp chốn, dưới đủ cách thế khác nhau. Pha lẫn mùi khét có mùi tanh nồng của máu. Pha lẫn tiếng reo hò là những tiếng rên siết. Ngây dại cả cảm giác. Đến lúc này, khi đã xa trận địa, kê giấy vào một tấm khiêng gỗ vất lại trên đường truy kích để ghi chép mấy dòng trên, tay tôi vẫn còn run. Lịch sử cần đến sự hung bạo này sao?

*

*        *

Đúng như nhà vua đã tiên liệu tối hôm qua, tàn quân Ngọc Hồi bị hai nút chặn ở Văn Điển và cầu Vịnh, phải bắt buộc trốn về đầm Mực. Đàn voi trận của đô đốc Bảo từ Đại Áng lên, đã ào ạt đẩy hàng vạn quân Thanh xuống đầm lầy. Những tên thoát khỏi đàn voi, chạy vào làng xóm chung quanh đầm, đều bị dân chúng giết chết.

Dân làng quanh vùng ùa ra đường. Tất cả rượu thịt, bánh trái, định dành cho Tết đem hết ra mời các chiến sĩ. Trẻ con quấn quít, rờ rẫm những gươm giáo, hỏa hổ, đoản đao còn lấm lem bụi bặm. Tôi được một bà cụ đem cái khăn tẩm nước ấm, ủ hoa nhài ra mời lau mặt. Một cậu bé khoảng năm, sáu tuổi đến dúi vào tay tôi quả cam, rồi chạy về phía có mấy thiếu nữ đang giấu mặt vào vai nhau cười khúc khích. Có thể chép những tiếng cười này làm lịch sử được không?

Có lệnh thu quân để tiến vào Thăng Long. Phía sau, khói còn tỏa nghi ngút từ bãi đất trước kia là đại đồn Ngọc Hồi!

Chiều mồng năm tháng giêng.

Tiếng súng đã im hẳn, tuy khói còn bốc lên ở đây một khóm, kia một khóm. Thỉnh thoảng, gió xa mang đến mùi hăng hắc khét hoặc tiếng tre cháy lép bép. Vào kinh thành. Ba quân đã tề chỉnh đội ngũ từ bãi đất trống ngoài thành, nên khi qua cửa ô, hàng lối rất ngay ngắn. Tuy quần áo lấm lem, những chiến nón dấu mo cau bị méo mó hoặc đã rách, nhưng gương mặt từng người chiến thắng rạng rỡ ánh vui. Dân kinh thành đổ ra đường cười nói, hớn hở, chen nhau, đẩy nhau tìm lối đến thật gần các hàng quân để nhìn cho rõ. Nhiều tiếng xì xào: "Nhà vua đâu? Nhà vua đâu?" Tôi cười, trả lời câu hỏi ấy của một bà lão: "Cụ cứ tìm người nào cưỡi voi mặc áo bào đỏ, thì đúng là vua Quang Trung".

Bà lão dớn dác nhìn quanh. Bộ binh, kỵ binh. Rồi đến tượng binh. Bà lão không tìm được nhà vua theo lời tôi mô tả. "Vì chiếc chiến bào màu đỏ đã đen sạm màu thuốc súng" (2)

*

*        *

Lãng được sống một đêm ngây ngất, rộn rã hiếm có trên đời. Đây là lần thứ ba anh ra Thăng Long. Anh lạ gì cảnh sắc của kinh thành này nữa. Lãng không sinh ra, lớn lên ở đây, nên không có những kỷ niệm quyến luyến đối với những sự vật tầm thường như một chái phố hò hẹn, gốc đa sợ hãi, khúc thành đổ che giấu tình tự, cái tổ chim giồng giộc của tuổi thơ mơ ước, hàng chè vối dừng chân của nho sinh lạc đệ... nói chung là những sự vật chỉ có giá trị thiêng liêng đối với những người từng chia sẻ nỗi thăng trầm của kinh thành, khóc cười theo các chặng hưng phế của nó. Lãng chẳng qua chỉ là một người qua đường, nên anh chủ ý đến những khung cảnh rộng lớn, hoặc những dinh thự cung miếu lưu dấu tích của lịch sử. Kỷ niệm của anh về Thăng Long không có gì riêng tư. Sự vật chỉ có cái nghĩa đen ban đầu!

Các cuộc tranh quyền đoạt vị liên tiếp diễn ra ở nơi kinh đô này đã khiến cảnh vật Thăng Long mỗi ngày mỗi thêm tiêu điều. Phố xá khép cửa nhiều hơn. Những căn nhà đổ chẳng những không được dựng lại, mà còn bỏ mặc cho cỏ dại mọc cao, dây leo che lấp vôi gạch rữa nát và ngói vỡ. Tường thành loang lở hoặc rêu phong. Đường phố nhấp nhô, rác rến vương vãi đây đó. Chưa kịp hoàn hồn gượng dậy sau một cuộc biển dâu, Thăng Long lại phải oằn mình chịu đựng một cuộc biển dâu khác, cuối cùng cả cảnh lẫn người đều lầm lì, chai đá, buông thả, nhếch nhác. Nhưng đến mồng năm Tết Kỷ dậu ấy, Thăng Long như một con rồng lâu nay thiêm thiếp đột nhiên thức dậy. Thăng Long hồi sinh rộn ràng như một phép lạ.

Phố xá mở rộng mọi cánh cửa. Đèn đuốc rực sáng. Không biết đã lặng lẽ chuẩn bị từ lúc nào, những tay con buôn chữ nghĩa bắt tay với các thầy đồ nghèo kiết xác từ lâu nhổ tóc bạc chờ thời, đã tung ra thị trường hằng sa số những tấm giấy điều lớn gấp hai bàn tay có bốn chữ vàng HẬU LAI KỲ TÔ (3) Đâu đâu cũng thấy dán đầy bốn chữ ấy, viết bằng đủ kiểu, từ chữ lệ, chữ thảo bay bướm cho đến những nét chữ chân phương vụng về. Thiên hạ đổ cả ra đường cái, chen lấn nhau, dẫm cả lên chân nhau, làm rách cả vai áo cũ của nhau mà không hề xảy ra chuyện cãi vã chửi bới. Lòng từng người mở rộng khoan dung. Tất cả đều là người thân. Chủ nhà sẵn sàng nhường ghế, mời nước tất cả những ai vì chen lấn phải tạm dừng lại ít lâu trước thềm để lấy hơi. Lính Đàng Trong sát vai với dân Đàng Ngoài. Những anh lính Chiêu Thống vừa được tha về hoặc thoát chết từ lửa đạn xúm quanh anh lính Quảng nghe kể chuyện đánh đồn Ngọc Hồi. Người ta đi, đi, từ phố nhỏ đổ ra phố lớn, từ phố lớn đổ ra bờ hồ, rồi đi quanh, đi quanh. Họ gặp nhau hai lần, ba lần, cười cợt thích thú khi gặp lại từng ấy khuôn mặt, nhón chân hỏi nhau: "Chưa về à?", rướn cổ hét lớn để đáp nhau: "Chưa! Đi nữa chứ!" rồi bị ngập trong làn sóng người lô nhô râp rình.

Lãng sống suốt đêm, đắm mình trong niềm hân hoan chung, quên cả sương lạnh và chân mỏi. Ban đầu, anh còn dại dột lên tiếng đáp vài câu hỏi, hoặc của người quen Đàng Trong, hoặc của một người lạ nào đó đứng bên cạnh lúc chờ phía trước bớt nghẽn lối. Nghe Lãng nói giọng Nam Hà, người ta bu đến hỏi đủ điều, bắt anh kể, kể, kể. Khó lòng rứt áo ra đi được, vì lớp này thỏa mãn thì lớp khác lại chen đến. Về sau, anh khôn ngoan giữ mồm giữ miệng, nếu cần thiết lắm thì nói vài tiếng bằng giọng Bắc.

Lãng về trại vào canh tư. Anh nôn nao ngây ngất đến nỗi không tài nào chợp mắt được. Sáng sớm mồng sáu, anh vội vào điện Kính thiên, để được nói, được san sẻ cho kẻ khác niềm hân hoan của mình.

*

*        *

Trong điện, cảnh hỗn loạn bừa bãi vẫn còn bày ra trước mắt. Chiêu Thống và đám hoàng tộc, cận thần đã chạy theo Tôn Sĩ Nghị từ hôm trước, nên ở nội điện, màn trướng, bàn ghế, cả đến quần áo đồ đạc bị vất vương vãi khắp nơi. Vua Quang Trung sai quân sĩ dọn dẹp tạm các thứ ấy vào một xó, rồi kê hai chiếc sập chiều cao không bằng nhau sát lại cho đủ chỗ chất đầy mớ giấy tờ lấy được ở đại bản doanh Tây Long của Tôn Sĩ Nghị và ở cung nội của Chiêu Thống. Phía trước sập, đặt hai bộ trường kỷ và một chiếc bàn thấp dùng làm bàn trà. Nhà vua đang ngồi ở chiếc tràng kỷ bên phải lắng nghe Trần Văn Kỷ đọc một tài liệu quan trọng tìm được từ đống giấy tờ lộn xộn ở trên sập.

Vua Quang Trung đã thay một chiếc áo bào mới màu vàng có thêu rồng, chân trái mang hia thêu kim tuyến, nhưng chân phải để trần, gác lên mặt cái bàn gỗ mun cẩn xa cừ. Chiếc hia phải nằm nghiêng ngay cạnh chân trường kỷ, trên một miếng gạch men Bát tràng bị nứt làm đôi.

Các tướng lãnh và cận thần tấp nập ra vào để xin lệnh nhà vua về đủ thứ vấn đề. Nhà vua vẫn ngồi theo tư thế thoải mái như cũ, vừa lắng nghe quan Trung thư lệnh đọc các tài liệu bắt được, vừa đáp các câu hỏi của thuộc hạ.

Lãng vào điện lúc chỉ còn vua Quang Trung và Trần Văn Kỷ mà thôi. Anh hơi khựng lại, do dự, khi thấy nhà vua đã giũ bỏ hết lớp phong trần hôm trước. Nhà vua lấy giọng thân mật hỏi:

- Cậu đấy à? Rồi quay lại bảo Trần Văn Kỷ:

- Ông chuyển ngay tờ chỉ dụ của Càn Long cho Ngô Thì Nhậm. "Chỉ nên làm thanh viện để họ tự lo lấy, không cần phải dấy quân làm to chuyện". Lão già ranh ma này định chơi trò ngư ông chờ trai cò diệt nhau để đoạt lợi. Khôn thật. Không làm to chuyện! Ông nghe thấy chưa? Mình phải nhân cơ hội này để xếp gọn việc tranh chấp, không để cho dây dưa thù oán. Chờ ít lâu nữa, hãy tính lại. Ông bàn thật kỹ chuyện này với ông Nhậm nhé!

Trần Văn Kỷ cầm tờ giấy đi ra khỏi điện. Nhà vua lại vui vẻ hỏi Lãng:

- Suốt đêm qua, cậu đi những đâu?

Lãng đỏ mặt, không biết trả lời thế nào. Chẳng lẽ đáp: "đi quanh bờ hồ cho đến chồn chân, rã gối!" Nhà vua thích thú trước vẻ bối rối của Lãng, hỏi tiếp:

- Cậu đã nghe thiên hạ nói gì về ta chưa?

Lãng định kể cho vua Quang Trung nghe chuyện bà lão tìm người cưỡi voi mặc áo bào đỏ, nhưng đúng lúc đó, đô đốc Lộc đã bước vào điện.

 Vua Quang Trung dợm bỏ bàn chân phải xuống tìm hia, nhưng sau đó vẫn giữ nguyên thế ngồi cũ, chờ đô đốc Lộc đến gần lớn tiếng hỏi:

- Thế nào, đã để xổng rồi phải không?

Đô đốc Lộc đáp:

- Tâu Hoàng thượng, hắn dẫn vài tên kỵ binh hầu cận chạy đến Phượng Nhỡn thì bị ta chặn lại. Hắn vội vứt tất cả đồ tùy thân như sắc thư, kỳ bài, quân ấn để thoát thân theo đường rừng. Tôi đã cho lệnh truy nã. Được lệnh triệu, tôi có mang tất cả những thứ hắn bỏ lại về đây.

Đô đốc Lộc quay ra cửa, gọi người lính mang tất cả đồ tùy thân của Tôn Sĩ Nghị vào. Đô đốc nhận những thứ ấy từ tay người lính, nhìn quanh không biết phải đặt ở đâu. Nhà vua hất hàm bảo:

- Vứt ngay dưới đất, chỗ này này. Ông trở về Phượng Nhỡn lo việc truy kích đi. Cố giữ các kho lương của địch dọc theo đường cái quan lên ải. À quên, ngày mai mồng 7, ông cho khao quân đúng như lời ta hẹn với họ ở Ba Dội nhé.

Đô đốc Lộc cúi lạy xin lui.

Nhà vua chờ đô đốc ra khỏi điện mới xỏ chân vào hia đứng dậy, tiến lại gần đống đồ tùy thân của Tôn Sĩ Nghị. Nhà vua dùng mũi hia hất nhẹ mớ sắc thư, kỳ bài lấm bụi lên xem, miệng cười mỉm khinh miệt. Chiếc quân ấn lăn ra xa, chạm phải chân trường kỷ, dừng lại. Vua Quang Trung quay về phía Lãng nói:

 - Lúc chạy khỏi Tây Long, hắn vội quá không kịp mặc giáp và đóng yên ngựa. Qua khỏi cầu phao lại nhẫn tâm hạ lệnh cắt cầu sợ ta theo truy kích, khiến hằng vạn quân Thanh chết oan ở sông Phú Lương. Lên đến Phượng Nhỡn lại vất cả quân ấn, kỳ bài, sắc thư. Chỉ còn tấm thân thối đem về bắc mà thôi. Nhục ơi là nhục! Hắn còn thua cả Sầm Nghi Đống dám thắt cổ ở Khương Thượng. Cậu thấy không? Ta hẹn vào Thăng Long trước mồng 6. Ta vào sớm được gần một ngày đấy nhé. Cậu đã chép kỹ điều đó chưa?

- Tâu Hoàng thượng, chỉ mới chép thảo thôi. Cần phải chép lại rõ ràng mới trình lên Hoàng thượng được.

- Ngày mai mồng bảy cho làm lễ khao quân thật lớn, cũng đúng như lời hẹn ở Ba Dội. Phải no say một bữa cho bù những ngày gian khổ.

Lãng chợt nhớ đến lễ khao quân ở Qui Nhơn, lúc Nguyễn Huệ vừa thắng quân Xiêm ở Rạch Gầm, Xoài Mút khải hoàn về Hoàng đế thành. Lòng Lãng rộn lên. Anh cố trấn tĩnh, rụt rè đề nghị với nhà vua:

- Tâu Hoàng thượng, có nên cho quân sĩ xem hát tuồng không?

Nhà vua chợt nhớ, vui vẻ nói:

- Phải. Ta quên mất. Có đội Giáo phường theo quân mà! Nhưng... diễn tuồng gì?

Lãng bối rối, ngập ngừng, rồi đánh bạo nói:

- Tâu Hoàng thượng... cho diễn tuồng Chàng Lía được không ạ?

Đột nhiên, vua Quang Trung sa sầm nét mặt. Giọng nhà vua gắt gỏng:

- Cậu nói gì thế? Gian khổ lặn lội ra tận chốn văn vật nghìn năm này, chẳng lẽ....

Nhà vua ngưng lại ở lưng chừng, vì đúng lúc đó, Trần Văn Kỷ bước vào điện. Nét mặt quan Trung thư hớn hở, bước chân hấp tấp. Hình như ông vội mang dâng thêm lên nhà vua một tin vui. Thấy nét mặt vua Quang Trung vẫn còn vẻ bực dọc, Trần Văn Kỷ bỡ ngỡ, liếc nhanh về phía Lãng. Lãng không giấu được vẻ sượng sùng hối tiếc. Cả ba người đều cảm thấy khó xử. Tiếng lao xao mơ hồ tận ngoài xa, có thể là tận bên ngoài cấm thành, len vào đến tận bên trong điện Kính thiên.

Một lúc lâu, nhà vua lấy giọng ôn hòa hỏi Trần Văn Kỷ:

- Ông gặp Ngô thị lang rồi chứ?

Trần Văn Kỷ vui mừng đáp:

- Tâu Hoàng thượng, chúng tôi đã...

Nhà vua đưa tay ngăn lại:

- Thôi, chuyện ấy còn dài, ta sẽ bàn sau. Ông xem ngay đống sắc thư đô đốc Lộc vừa mang về kia! Có thể chúng còn tính chuyện gì khác hơn những chỉ dụ ở Tây Long.

Lãng tự cảm thấy thừa thãi, quì lạy xin lui. Nhà vua ngập ngừng, định nói điều gì đó, nhưng cuối cùng chỉ gật đầu, bảo:

- Được. Có gì cần, ta sẽ gọi.

Lãng cúi đầu lủi thủi ra khỏi điện Kính thiên. Từ đó cho đến khi về Phú Xuân, Lãng không được gặp nhà vua lần nào nữa.

(còn tiếp)

 

(1)Hoàng Lê, trang 282

(2)Đại nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30, tờ 34.

(3)Nghĩa là "Vua đến thì dân sống lại", dựa theo truyền tụng của dân địa phương, do Hoa Bằng dẫn trong Quang Trung, anh hùng dân tộc.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chương 95   (09/11/2004)
Chương 94   (08/11/2004)
Chương 93   (07/11/2004)
Chương 92   (05/11/2004)
Chương 91   (03/11/2004)
Chương 90   (01/11/2004)
Chương 89  (31/10/2004)
Chương 88  (29/10/2004)
Chương 87  (27/10/2004)
Chương 86   (25/10/2004)
Chương 85  (24/10/2004)
Chương 84   (22/10/2004)
Chương 83   (20/10/2004)
Chương 82  (18/10/2004)
Chương 81  (17/10/2004)