Sông Côn mùa lũ
Phần I: Về An Thái (1)
16:47', 30/4/ 2004 (GMT+7)

Chương 1

Họ lặng lẽ bước như vậy từ nhà cho đến bờ sông. Cơn mưa dầm kéo dài từ đầu hôm, vẫn đến lúc đó vẫn chưa dứt; gió thổi từng trận tạt nghiêng những giọt mưa lạnh khiến những thân tre nghiến vào nhau kẽo kẹt, lá cây xào xạc át mất tiếng bước chân bì bõm trên đường lầy và tiếng trẻ con khóc. Bà giáo cố xoay cái áo tơi lá ra phía trước để che mưa cho con, nhưng gió dữ lâu lâu thổi thốc, làm cho đứa bé nín khóc còn bà mẹ thì cuống quít đưa tay trái giữ chặt lấy chóp lá, cố cưỡng lại sức gió. Mưa đã làm ướt mái tóc bà, dán chặt từng mảng lên khuôn mặt xám xanh. Mưa cũng chảy thành dòng xuống má bà giáo, rỏ giọt xuống vai áo. Bà vừa đi vừa khóc  lặng lẽ, lâu lâu vài giọt nước ấm lăn theo sống mũi, chảy xuống môi. Không cầm được xúc cảm, bà khóc thành tiếng. Đứa con gái đi phía sau mẹ vội bước nhanh tới trước, giọng lo âu:

- Mẹ!

Bà giáo quay lại, thấy đôi mắt con gái long lanh như sắp khóc. Đứa con gái bắt kịp mẹ, tay phải xốc lại cái tay nải nặng trĩu sau lưng còn tay trái tìm nắm lấy tay mẹ. Tiếng nói cô bé mong manh giữa mưa gió và bóng tối, nên bà giáo chỉ nghe thấy con bảo:

-... lấy cái bọc quần áo này, để em con bồng cho.

Bà giáo vội ngăn:

- Không, con bồng em không nổi đâu. Coi chừng nghe An! Nhìn kỹ đường cái, không lại ngã. Con rán đi nhanh tới trước cho kịp anh Chinh, vịn vào anh mà bước. Đừng lo cho mẹ.

Cô bé chưa muốn vâng lời ngay, giọng ngập ngừng:

- Nhưng con sợ em bị ước. Còn mẹ thì...

Bà giáo cắt lời con:

- Mẹ thì có cha lo. Con lên trước với anh Chinh đi.

An ngoái lại phía sau, thấy cha dìu em Lãng bước chậm theo hàng tre, cẩn thận tránh các vũng nước trắng bất trắc rải rác trên mặt đường. Từ lúc bị đánh thức cho đến bây giờ, cô bé hiểu lờ mờ rằng một tai biến ghê gớm nào đó đang xảy ra cho gia đình mình, An biết chắc như vậy qua những lời xì xầm trao đổi giữa cha và mẹ, nhất là tiếng khóc ấm ức của mẹ khác hẳn những tiếng khóc vì đời sống thiếu thốn và buồn phiền của bà,từ khi cô bé bắt đầu thấy được sự phức tạp của mọi sự chung quanh mình. Trong lúc các anh lặng lẽ thu góp đồ đạc, cột chặt các tay nải thì mẹ bối rối hết nhặt nhạnh mớ quần áo này nhét vào một tay nải đã quá nặng, suy tính đến ngơ ngẩn thất thần, lại quyết định bỏ lại để đi nhặt nhạnh thứ khác. Thằng Lãng bị dựng dậy, nhưng buồn ngủ quá, nằm ngay trên nền đất nện, dựa lưng vào đống đồ đạc bừa bộn mà ngủ tiếp. Cha thì không còn đủ tâm trí quán xuyến công việc dọn dẹp nữa. Hết ra ngõ chờ đợi cái gì An chưa hiểu, ông giáo lại quay vào, đứng ở ngạch cửa, lơ đãng nhìn cả nhà xào xáo dọn dẹp, không góp ý mà cũng không hối thúc. Nếu không có anh Kiên và anh Chinh lặng lẽ, lặng lẽ, chậm chạp nhưng giữ được đủ bình tĩnh để dọn dẹp, chuẩn bị, An nghĩ có lẽ còn lâu lắm họ mới ra khỏi nhà. Cho đến cuối cùng, hình như ông giáo vẫn còn mong chờ ai đến. Tiếng trống sang canh vọng từ bên kia bức tường cũ, tuy rời rạc ngái ngủ và khuất lấp trong tiếng mưa gió, vẫn còn đủ sức mạnh thôi thúc ông giáo. Ông cuống lên, mất hết chút bình tĩnh còn lại, lần đầu tiên An thấy cha không giữ được vẻ chững chạc, trầm tĩnh thường ngày. Giọng nói của cha gắt gỏng và lo âu. Cô bé nghe cha phân giải gì đó với mẹ. Mẹ trả lời ngập ngừng, tiếng nói đứt quãng vì tiếng nấc.Hình như cha cố thuyết phục mẹ, và đến lúc không còn nhỏ nhẹ được nữa, An nghe cha quát lên:

 - Thật tiếc không phải lúc. Mình không thấy cảnh gia đình quan nội hữu hay sao! Không chần chờ được nữa đâu! Phải đi ngay!

***

Họ đi men theo con đường tối tăm, lầy lội, khó nhọc nhưng kín đáo giấu mình dưới những lũy tre. Trời thì thấp xuống, gió vẫn thổi dữ. Đến chỗ dốc dẫn lên điếm canh, Kiên và Chinh dừng lại chờ cha. Ông giáo đi chậm, vì vừa phải dìu thằng Lãng, vừa đỡ lấy lưng bà giáo. Nỗi sợ hãi cứ ngày càng tăng, bà giáo hoảng hốt cảm thấy chân mình cóng lại, bủn rủn không bước nổi nữa. Bà đã hết khóc, nhưng toàn thân cứ run lên từng chặp. May thay ông giáo đến kịp lúc; bàn tay chồng chỉ đỡ nhẹ lấy lưng, bà giáo vẫn cảm thấy ở phía sau, có một hơi ấm quen thuộc mơn trớn lan dần khắp thân thể mình. Bà yên tâm hơn, ôm chặt thằng Út vào ngực. Chiếc áo tơi lá sột soạt lay động.Ông giáo nhắc:

- Mình cố đừng cho nó thức dậy. Sắp đến điếm canh!

Thấy cha đã đến, Kiên xốc lại cái tay nải bước lên dốc. Đường đất sét trơn trợt, nên hai anh em phải bước chậm, ngón chân cái cong lại bấm xuống mặt đường. Nhờ vác nặng, bước chân trở nên đằm và vững. Vả lại ở đây không còn bóng tre phủ, nên họ thấy rõ được những dấu chân trâu bò, những vũng lầy, những chỗ đường sụp lở vì nước xoáy. Lên khỏi dốc hai anh em giật mình đứng sững lại vì có tiếng quát:

- Ai đó?

 Kiên chưa biết phải trả lời thế nào, thì Chinh đã nói:

 - Chúng tôi là con ông giáo.

Từ điếm canh, tấm phên nhỏ mở hé. Một con cúi rơm đang cháy ngún, soi lờ mờ một bóng người hiện lên trên khung cửa điếm. Nghe lẫn trong mưa gió, tiếng thì thào trao đổi ngắn. Rồi vẫn giọng quát lúc nãy:

- Có lệnh quan quốc phó (1) cấm đường. Giáo với mác gì!

 Ông bà giáo vừa lên khỏi dốc. Kiên và Chinh im lặng nhường cho cha trả lời. Ông giáo hơi mệt, hơi thở gấp chưa trả lời ngay được. Giọng người lính canh điếm trở nên giận dữ khác thường:

- Bọn trộm cắp ăn đêm phỏng? Sao không thưa?

Thằng Út bị mẹ trong cơn sợ hãi ôm quá chặt, ngộp thở nên vùng vẫy khóc to lên. Ông giáo nhanh trí đáp:

- Chúng tôi vừa nhận được tin buồn, nên đem cả gia đình về phủ Thăng hoa chịu tang. Các bác thấy đấy, mưa gió thế này mà phải bồng bế lũ nhỏ đi gấp cho kịp chuyến thuyền sớm.

Trong điếm canh lại có tiếng bàn luận. Rồi cửa điếm mở, một cây đuốc bằng hai dầu chai được đốt sáng lên. Hai người lính bước ra khỏi điếm, một người cầm đuốc, một người lăm lăm ngọn mác dài. Họ hăm hở tiến về phía gia đình ông giáo, giọt chai từ đầu ngọn đuốc rỏ xuống mặt đất ướt kêu lèo xèo. Đến cách gia đình ông giáo độ con sào, họ dừng lại. Người lính cầm mác nhắc bạn:

- Phải khám xét cẩn thận. Luật quan quốc phó nghiêm ngặt lắm!

Người cầm đuốc bảo:

- Không cần. Bọn trộm cắp đem theo con nít làm gì.

Ông giáo nhận ra tiếng nói người lính vừa cật vấn mình. Ông đã bớt lo ngại, mạnh dạn tiến về phía hai người lính. Thằng Lãng không chịu rời tay ông giáo, bíu lấy vạt tơi lá của cha tò mò nhìn ánh đuốc bập bùng khi mờ khi tỏ cũng quên cả sợ. Khuôn mặt thơ dại ấy, cùng với cái áo tơi lá nhỏ nhắn, có lẽ đã làm rung động tấm lòng người lính cầm đuốc. Người lính ngồi hẳn xuống, đưa đuốc lên soi gần khuôn mặt Lãng. Ông giáo kịp nhìn thấy một khuôn mặt vuông, đôi mắt lóng lánh hiền hậu dưới hàng lông mày rậm, và một mái tóc dày đẫm nước. Người lính hỏi:

- Cháu có lạnh không?

Ông giáo nói:

- Chúng tôi gấp quá, không kể gì gió mưa nữa. Các cháu còn bé, sợ phải ốm mất! Các bác cho chúng tôi đi nhé!

Người lính cầm mác lại nhắc:

- Phải khám kỹ mấy cái tay nải. Lệnh của quan quốc phó!

Người lính cầm đuốc đứng dậy, xua tay nói với ông giáo:

- Thôi khỏi cần. Việc đó trên bến thuyền họ lo. Ông bà đi nhanh lên, cho kịp chuyến đầu. Hôm nay sóng dữ, lũ nhỏ có chịu nổi không?

Ông giáo chỉ chờ có thế, không kịp cảm ơn người lính tốt bụng, ông đưa mắt nhắc vợ con đi nhanh qua khỏi điếm canh.

***

Đến ngã ba, nơi có một cây sầu đông vừa bị bão thổi gẫy nhánh lớn, cành lá còn vương vãi ngổn ngang trên lối đi, Kiên và Chinh ngưng lại chờ cha. Người anh cả chừng đã ê vai, đặt cái tay nải cồng kềnh lên một cành sầu đông, lại cần thận bẻ gãy những cành lá ướt cho nước mưa khỏi thấm vào quần áo trong tay nải. Chinh thì cẩu thả đặt ngay bọc quần áo lên mặt đường. May mắn là chỗ Chinh đứng khá khô ráo, nên Kiên định quay lại rầy em, thấy thế chỉ ậm ừ rồi ngồi im bên đường. Con đường đất trước mặt hai anh em tuy khá rộng và có trải đá dăm, nhưng mùa mưa miên man ở đây đã biến con đường quan dẫn đến phủ chúa trở thành lồi lõm, lầy lội. Một nhánh nhỏ hơn từ ngã ba xuôi xuống bờ sông, hai bên vườn nhà ai um tùm những cau và chuối. Chinh nghịch lấy mấy chùm trái sầu đông ném mạnh vào các tàu lá chuối, mỗi lần trái sầu đông ném mạnh vào các tàu lá chuối, mỗi lần trái sầu đông tròn xanh lao đi là mỗi lần tiếng lá rách ngắn và dẹp vang lại. Chinh thích thú cười to, tiếng cười vang rộng trong đêm khuya rồi bị vùi dập trong những trận gió thổi. Kiên khó chịu trước sự vô tâm của em, định lên tiếng trách móc. Vừa lúc đó, ông bà giáo đến chỗ ngã ba đường. Ông giáo bảo:

- Đi xuống phía bờ sông. Đứa nào cười vậy?

Hai anh em không ai trả lời. Ông giáo không hỏi tiếp, dìu bà giáo và các con tránh những cành sầu đông ngả nghiêng chắn mất lối đi. Thằng Lãng đã tỉnh ngủ hẳn, bỏ tay cha chạy đến trước với anh Chinh. Bà giáo vốn thể chất gầy yếu, hỏi trong hơi thở mệt nhọc:

- Đã tới chưa mình?

Ông giáo trả lời:

- Ráng lên tí nữa. Đi khỏi mấy cái vườn chuối này, rồi rẽ sang tay phải. Tôi đã hẹn họ chỗ cây đa dại.

Tuy cách xa, nhưng Kiên lắng nghe được hết lời cha. Qua khỏi những khoảng đường tối vì những tàu lá chuối che lấp, anh rẽ sang tay phải. Cây da đứng đơn độc giữa một vùng thảo mộc hoang dại, mọc lan ra đến tận bờ sông. Tàn lá da xum xuê nhuộm thẫm một vùng đục ngầu ví nước lũ.

Ông giáo đến chỗ hai con đang đứng chờ, và không khỏi ngạc nhiên hoang mang khi thấy không có chiếc thuyền nào đang cắm sào chờ tại chỗ hẹn. Bà giáo cũng lo âu, quên cả mệt nhưng không dám lên tiếng hỏi chồng. Gió thổi từ bờ sông thổi lên, mang thêm cái lạnh nhức buốt cuồng nộ của sóng dữ. Lãng bắt đầu húng hắng ho. Bà giáo đưa bé út cho An bồng, lục tìm cái áo bông trong tay nải của Chinh mặc thêm cho Lãng. Cậu bé bớt ho, đứng lặng nhìn bầu trời thấp, mặt sông đục và bờ sông lau lách hoang dại, không hiểu nghĩ gì tự nhiên thút thít khóc. Tuy không thể giải thích rõ ràng bằng lời nói, người mẹ hiểu Lãng cũng như mình vừa cùng xúc động mãnh liệt trước một nỗi ám ảnh chưa định hình, không thể tả ra, không thể nhìn thấy bằng lối thông thường, nhưng sự mẫn cảm của họ đã báo cho họ biết trước thế nào một cái gì đó sẽ bất chợt đến, phủ chụp bao vây lấy cuộc đời mọi người trong gia đình. Cổ bà giáo nghẹn lại, hai tay ôm chặt Lãng đến nỗi hai lớp tơi lá cọ vào nhau ban đầu còn kêu sột soạt về sau không còn phát ra âm thanh nào nữa. Đã quá hiểu tính em, Chinh bĩu môi bảo:

- Cái thằng! Như con nít!

Ông giáo vẫn bực mình vì chuyện thất hẹn, giận quá quát lên:

- Có câm mồm không, thằng quỉ! Tụi lính trên trạm canh mà nghe được thì chết cả đám!

Bà giáo lấy ông tay lau nước mắt con, áp má vào trán con, nhỏ nhẹ dỗ dành:

- Con nín đi. Đừng khóc lớn cha rầy! Mẹ thương con. Mẹ hiểu con hơn tất cả các con của mẹ. Đã bảo! Đừng khóc nữa. Lãng có nghe mẹ không?

Kiên không góp gì vào câu chuyện, lẳng lặng thu góp tất cả đồ đạc, dồn lại giấu sau một bụi dứa gai, dưới tàn cây da rậm. Qua khỏi cơn bồn chồn thái quá ban đầu, ông giáo đủ bình tĩnh nhận thấy Kiên cẩn thận và lo xa, thầm cảm phục đức tính hiếm có của đứa con cả. Ông bảo bà giáo và các con đến núp dưới bóng cây da. Hơn thế nữa, mọi người phải ngồi xuống giấu mình sau các bụi cây tối, và không được nói chuyện lớn.

Họ chờ. Họ chờ. Mãi đến lúc gà gáy thuyền mới đến. Thực ra không thể gọi là thuyền được, vì đây chỉ là một chiếc đò nhỏ bề ngang không quá một sải tay. Cái mui đan bằng tre phết phân trâu chỉ vừa đủ che cái bếp nhỏ và hai cái hũ sành đựng gạo và nước. Thấy chiếc đò mỏng manh chòng chành trên mặt sông cuộn sóng, bà giáo bàng hoàng, sợ hãi cho các con đến nỗi cảm thấy lành lạnh trên sống lưng. Ông giáo càu nhàu trách:

- Sao bây giờ mới đến!

Người chèo đò thở dài đáp:

- Tôi phải chèo đi trốn từ mờ sáng hôm qua.

Ông giáo lo sợ hỏi:

- Chuyện lộ rồi à?

Người chèo đò không trả lời ngay, chậm chạp cột chặt đò vào gốc cây da, cởi cái áo tơi lá xếp gọn vào lòng đò, trước khi cởi còn cẩn thận giũ cho nước mưa rơi xuống mặt sông. Chỉ có cái nón mê rách là bác ta không giở ra nên ông giáo không thấy được nụ cười lém lỉnh của bác. Bước hẳn lên bờ sông, người chèo đò mới nói:

- Không. Tôi đi trốn thuế.

Rồi giọng nói trở nên thân mật, ề à phân trần:

- Thầy tính, vạn đò Canh Thành Vĩ Dã chúng tôi chỉ có ba chiếc. Từ ngày thuế chợ lên cao, đò chúng tôi cũng ế lắm. Trước mụ nhà tôi còn ở nhà nấu cơm, lo chăm sóc lũ nhỏ. Từ hai tháng nay, tôi phải cho mụ buôn mắm vãnh dưới cửa Tư khách lên bán kiếm thêm chút hồ qua ngày. Thế mà đã yên đâu. Hôm kia con mụ bưng cái liễn mắm con lên ngồi ngay phía cuối chợ. Đột nhiên thiên hạ xôn xao, người ù té chạy, kẻ kêu khóc van nài. Con mụ biết người nhà quan tả ngoại đi chợ. Nhưng mụ cứ ngồi thản nhiên, bụng nghĩ:”nhà quan thì cần những sơn hào hải vị, không nem công chả phượng thì ít ra cũng phải thịt ngon cá ngọt. Thèm vào ba cái thứ mắm vãnh!”

Bác lái đò ngưng lại, giở nón ra vuốt lại tóc. Bà giáo và các con tò mò quan sát gương mặt bác. Một khuôn mặt xương xương, hai gò má nhô lên cùng với cái trán dồ và cái mũi thẳng che khuất hai con mắt sâu khó lường. Thái độ nhẩn nha, trầm tĩnh trong hoàn cảnh đặc biệt này khiến ông giáo khó chịu. Ông giục:

- Nhưng cuối cùng mọi việc êm xuôi cả chứ! Nào, bác cho chúng tôi xuống thuyền.

Bác lái đò ngăn lại:

- Ấy, ấy, thầy lầm. Mà cả tôi cũng lầm. Đâu có em xuôi được. Con mụ tưởng quí gì ba cái thứ mắm vãnh. Nhưng thầy có biết không, con mụ lầm. Lũ đầu bếp nhà quan tả ngoại chỉ dọa cho mấy chị hàng thịt sợ, để cười rũ ra. Rồi đến lúc bất ngờ nhất, thầy biết không, chúng nó đến thẳng chỗ con mụ nhà tôi ngồi. Con mụ nhà tôi nói đùa:”Các thầy mua giùm cháu ít mắm!” Mời xong còn cười hỉ hả. Lũ đầu bếp quan tả ngoại cũng cười hô hố. Cả chợ cũng cười ha ha. Chờ cho mọi người cười xong, chúng bảo con mụ nhà tôi bưng liễn mắm vãnh lên. Con mụ nhà tôi vâng lời. Chúng chụp ngay liễn mắm. Cả chợ lại cười, nghĩ các ngài hầu cận quan tả ngoại đùa dai. Mãi đến lúc chúng đi rồi, con mụ nhà tôi mới phát hoảng. Thầy tính bao nhiêu vốn liếng dồn cả vào liễn mắm. Mà có ai ngờ đâu được là quan tả ngoại chỉ ăn được có món mắm vãnh hở trời!

Bà giáo không nhịn được nữa, chen vào hỏi:

- Bác có nói ngoa không đáy? Làm gì có chuyện lạ lùng!

Người lái đò đấm ngực thề:

- Tôi có nói dối thì trời tru đất diệt tôi đi! Mà thầy cô đây không tin cũng phải. Có ai ngờ quan tả ngoại lại không ăn được nem công chả phượng, lại chỉ ăn được món mắm vãnh. Mà trời lại xui khiến chi cho mẹ con nhà tôi đi buôn mắm! Thầy thấy không, vốn liếng hết, chưa xong phần con mụ thì phần tôi, quan đến thúc thuế. Chợ như thế thì đò còn khách đâu mà nộp thuế. Mà thuế đò Canh Thành Vỹ Dã một năm đến 114 quan, phải, thầy không nhầm đâu, 114 quan đúng, bán cả vợ, đợ cả con cũng không đủ nộp nữa. Chỉ còn cách trốn đi làm dân xiêu tán mà thôi!

Có tiếng gà gáy sáng ở khu vườn bên bờ sông, phía tay phải ông giáo. Sốt ruột quá, ông nhìn người lái đò:

- Sẵn sàng rồi. Chuyện nhà của bác, chúng tôi hiểu lắm. Chuyện quan tả ngoại, ai mà chẳng biết ở cái kinh thành này. Nhưng bác cho chúng tôi xuống đò thôi. Đi sớm chắc thoát được trạm thuế đò ở ngã ba.

Bác lái đò do dự, ngón tay trỏ cứ đưa lên quệt nhiều lần trên đầu mũi. Mãi một lúc, bác hạ thấp giọng:

- Thầy đã hiểu rõ hoàn cảnh tôi. Vợ con thất nghiệp. Vốn liếng mất đứt. Nợ đòi, thuế thúc. Tôi đến chết mất! Thầy có lòng thương người khó, cho thêm chút ít tôi mới dám đi.

Ông giáo bây giờ mới hiểu vì sao người lái đò kể lể dài dòng từ tiếng gà gáy sáng đầu tiên đến lúc này như vậy. Ông giận dữ hỏi:

- Thêm bao nhiêu?

Người lái đò làm ra vẻ cuống quít lo sợ:

- Dạ chỉ xin thêm chút ít cho đủ nộp thuế mà thôi. Túng quá tôi phải liều vậy. Con mụ nhà tôi cứ bảo đi đêm hôm lén lút thế này, nếu nhỡ ra... nhưng tôi gạt đi, bảo gia đình thầy là gia đình tử tế...

Ông giáo không để cho lão lải nhải thêm, gắn giọng bảo bà giáo:

- Mình đưa cái ruột tượng cho tôi.

Bà giáo tháo cái ruột tượng đụng tiền vẫn đeo bên hông đưa cho chồng. Ông giáo lấy năm xâu tiền đưa cho người lái đò và nói:

- Vạn đò của bác có 6 chiếc, nộp một năm 114 quan. Đây tôi trả cho bác thêm năm quan nữa, vị chi là 20 quan. Bấy nhiêu đã quá đủ để bù cả tiền thuế đò lẫn tiền liễn mắm vãnh của bác. Ông trời thật oái oăm, mới bắt tôi trả triền mắm cho quan ngoại tả!

Lão lái đò cảm ơn rối rít, nhưng trước khi đưa nón nhận tiền vẫn còn nài thêm:

- Thầy đừng trả cho tôi tiền “Thiên Minh thông bảo” nhé!

Rồi hình như lão bắt đầu sợ hãi cái nhìn phẫn nộ của cả ông giáo lẫn Kiên và Chinh, người lái đò phân trần:

- Thầy cô và các cậu hiểu cho. Thứ tiền đó pha nhiều chì, lại mỏng dính. Bẻ mạnh một chút là gãy. Tôi có lấy cũng chỉ vứt xuống sông thôi, không mua bán gì được.

(còn tiếp)

(1) Quốc phó tức quan ngoại tả Trương Phúc Loan

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
SÔNG CÔN MÙA LŨ   (30/04/2004)