Chương 1 (tiếp theo)
Con đò nhỏ nên tuy gia đình ông giáo không đem đồ đạc gì nặng, đò vẫn cứ khẳm. Bà giáo và An ban đầu chưa quen, mỗi lần thấy sóng đục mấp mé ngang mạn đò, sợ hãi đến trân người. An nín thở ôm chặt lấy thằng Út, tưởng chỉ cần thở mạnh lên một chút là đò nghiêng ngả. May cho An, từ lúc mẹ giao cho phận sự bồng em, thằng bé ngủ say không cựa quậy. Hơn nữa, ông giáo sợ cánh đàn bà con nít không chịu nổi sương lạnh và gió dữ, thương lượng mãi mới được người lái đò thuận cho đẩy tấm mui ra giữa, che ba mẹ con và đống đồ đạc. Cánh đàn ông chia nhau ngồi ở trước mũi và sau lái. Chinh giành ngồi phía trước với thằng Lãng. Sợ không chịu nổi những cơn nước xoáy, bác lái đò men theo bờ sông; ở những chỗ có trạm canh, gần như chiếc đò vạch lau lách mà tiến. Trời càng lúc càng sáng, đò trôi chậm, ông giáo lo sợ không qua khỏi trạm gác Ngã Ba trước lúc rạng đông. Ở đó, ông giáo biết rõ lắm, trạm canh cất ngay ở đầu dải đất bồi kiểm soát ghe thuyền đi lại trên cả hai nhánh sông. Thuế má thu được của trạm này thuộc nguồn lợi chúa ban cho quan tả ngoại, nên việc kiểm soát hàng hóa, thẻ bài, hết sức nghiêm ngặt. Bọn lính buộc mọi ghe thuyền không phân lớn nhỏ trước khi xuôi sang nhánh tả hay nhánh hữu, đều phải ghé vào bến trạm. Mọi người đi trên thuyền phải mang đồ đạc hàng hóa của mình lên bờ. Từng người một phải để cho lính quan tả ngoại lục xét, cân nhắc giá trị từng thứ mà định thuế. Ai không đủ tiền thì phải để hàng lại, và giá cả hàng thường bị qui định thật thấp chẳng bõ bèn với mức thuế cao. Cuối cùng người lương thiện chẳng dám mang theo thứ gì ngoài bộ quần áo rách và mo cơm mắm, còn bọn con buôn thì nhởn nhơ làm giầu vì đã mau chóng ăn ý với bọn lính. Ngọn đuốc đêm đêm lập lòe ở trạm Ngã Ba từ lâu trở thành ánh mắt hung dữ của ma quỉ, khi sáng lên xoi mói đến tận chân tơ kẽ tóc của người đi thuyền, khi tắt ngấm âm thầm toan tính cho một trận vơ vét khác.
Đò đã rẽ hẳn qua nhánh hữu; lau lách, những bụi dứa dại, ốc mèo, những dãy bìm bìm leo trên đám cây hoang vô danh đã che lấp mất mái nghiêng lợp tranh của trạm gác, ông giáo vẫn lâu lâu quay lại nhìn ngọn đuốc leo lét nhợt nhạt giữa bầu trời xanh xám trước lúc rạng đông. Nhất là cái vọng canh, hình như cứ cố vươn lên, vươn lên cao hơn tầm cây cỏ sau con đò để nhìn vào ót ông. Nỗi ám ảnh đó chỉ tan hẳn khi mặt trời lên và con đò tiến vào một khúc sông sâu hơn, hai bên cây cối cao lớn và um tùm. Không gian thu hẹp lại, và ông giáo yên lòng trong vòm trời nhỏ. Mặc cho Chinh thích thú đưa tay ra trước mũi thuyền vọc nước, và Kiên ngồi trầm ngâm bên tay lái, ông giáo dựa lưng vào thành đò chớp mắt được một lúc.
Ông choàng tỉnh dậy vì con đò chòng chành dữ, đến nỗi vợ con ông la lên hốt hoảng. Lúc ấy đò đang đi trên một đoạn sông rộng, nhưng bác lái phải ép đò sát vào bờ để tránh một đoàn thuyền quan đang lao tới. Trời đã yên, sóng đã lặng, nhưng chính đoàn thuyền đang hấp tấp này đã làm cho mặt sông nổi sóng và đánh thức ông giáo dậy. Bác lái không dám chèo, cho đò dừng lại giữa một đám cỏ cao. Một mạn đò dựa vào bờ đất lầy, mạn bên kia được con sào rắn chắc ghìm cứng. Nhờ thế ông bà giáo và lũ con mới hết sợ.
Đoàn thuyền quan gồm có 8 chiếc. Thuyền dài mà hẹp như hình long chu, mũi thuyền cất cao như đầu con cá lớn phóng mình lên khỏi mặt nước, đuôi thuyền thấp xuống, sơn màu đỏ chói. Người đứng ở đuôi thuyền vận áo thanh cát, đầu để trần, hai chân dạng ra vững chãi để nắm lấy thanh gỗ đen bóng gắn liền bánh lái. Giữa thuyền có mấy người ở trần, trên thân chỉ mặc có cái quần vải màu đen ống ngắn đến đầu gối, sắp hai hàng đều đặn, cử động thân thể tay chạn đều theo nhịp chèo. Giữa khoang thuyền có bốn cây cọc nạn sơn son trên bắc ngang một cây mõ gỗ. Một người lính mặc đủ quần áo, đầu đội nón chóp, ngồi trên ghế gõ mõ làm nhịp. Người lính chỉ huy hô “cạy” thì người lái bẻ thuyền sanh phía tả, hô “bát” thì qua hữu. Theo nhịp mõ, hai hàng lính chèo thuyền miệng hò lơ, chân dậm ván, gồng vai đưa cao cán chèo đều đặn răm rắp khi lên khi xuống. Mặt trời vừa lên chiếu rõ những khuôn mặt phờ phạc mệt nhọc và những thân thể mồ hôi nhễ nhại. Ông giáo biết đấy là đoàn thuyền chở của cải hàng hóa quí giá từ các phủ Thăng Hoa, Quãng Ngãi, Qui Nhơn về dâng nộp cho phủ chúa. Thuyền từ những vùng đất xa xôi vượt biển mà đến, nhưng trên thuyền không thấy có bếp núc gì cả. Gần chỗ đặt giá mõ, chỉ có một vò nước, bên cạnh treo cái gáo dừa cán dài. Một người chèo thuyền trên chiếc thứ ba đang cuối rạp người xuống đẩy mạnh mái chèo, bỗng ngã chuối tới trước không gượng lại được. Nhịp chèo đột nhiên rối loạn. Nhiều tiếng la ó xôn xao. Tên lính gõ mõ quát tháo nhắc nhở mọi người nhiệm vụ và trật tự. Hai hàng lính chèo thuyền lại tiếp tục hình dịch, chỉ có người chèo cùng hàng ngang với người bị ngất được phép gài mái chèo lên, vực người bạn xấu số đến gần vò nước, dùng cái gáo dừa múc nước dội lên đầu bạn mình. Cho đến lúc chiếc thuyền này mất hút ra ngoài tầm nhìn, ông giáo vẫn chưa thấy người lính ấy tỉnh lại. Đầu ông giáo tự nhiên nóng bừng, cổ ông nghẹn đến khó thở. Máu trong người ông nhộn nhạo. Nỗi hận của bao năm, nỗi hận ông đã cùng chia sẻ với Ý-đức-hầu bạn ông (1), nỗi hận ông đã cùng chia sẻ với người cày ruộng đói trên đồng lúa chín, người chài lưới mỗi chiều về cá đầy khoang mà bụng cứ rỗng, người buôn bán hao mòn vốn liếng vì cái túi tham của các trạm thuế. Ông giáo nhìn lại vợ con tìm thấy đôi mắt bà giáo và con gái nỗi lo âu, hớt hải. Ông nhìn Kiên. Kiên nhìn về hướng tám chiếc thuyền quan vừa đi khuất, tỏ dấu hiểu nỗi lòng cha, nhưng ông giáo chờ mãi không thấy con tỏ thêm phản ứng gì. Chỉ có Chinh nét giận dữ lộ hết ra đôi mắt.
***
Gần đứng bóng, họ mới đi qua chùa Hà Trung. Con đò bỏ lại đàng sau những đoạn sông hẹp rợp bóng cây, bắt đầu chao đảo giữa một vùng phá rộng. Tuy trời đã bớt gió, sóng đục ngầu vẫn cuồn cuộn quanh đò. Trừ bác lái quá quen với sông nước, cả gia đình ông giáo đều nơm nớp sợ hãi, cảm thấy chờm ngợp vì mất hút giữa khoảng trời nước cùng màu xám đục. Bà giáo, An, và thằng Út say sóng nằm rũ trên đống đồ đạc, giấu đầu trong mui hẹp không dám nhìn ra ngoài. Lãng ngồi bệt trên liếp tre, hai tay bấu
chặt lấy hai mạn đò. Chinh vẫn ngồi trước mũi, không đưa tay nghịch nước nữa. Kiên đưa tay chỉ về phía vũng eo của biển cả, nơi có mấy cây tùng cao lớn rậm rạp đơn độc trên một vùng bùn lầy cỏ rêu san sát, hỏi cha:
- Thưa cha, có phải kia là chùa thầy Từ Huệ trụ trì?
Ông giáo đáp:
- Đúng đấy. Chùa Hà Trung của thầy Từ Huệ. Ngay chỗ có mấy cây tùng.
Người lái đò men theo bờ cừ mọc đầy những cây dương nước, không dám thách đố với sóng dữ. Lâu lâu, đò vượt qua một cái chòi nhỏ chân ngâm xuống bùn mái lợp lá tranh sơ sài, ba mặt che kín, cửa hướng về phía sông. Ông giáo lo sợ nhắc người lái đò:
- Bác cẩn thận. Hãy thong thả mà chèo!
Người lái đò giải thích:
- Không phải chòi canh đâu. Của mấy người thả lưới đấy. Chỉ sợ có cái trạm ở ngay cửa khẩu!
Mấy chiếc thuyền chài chèo ngược từ phía cửa biển chèo lên. Sợ sóng dồi làm con đò chòng chành thêm, bác lái nép sát vào bờ cừ. Người lái thuyền đánh cá bỗng đưa tay lên làm loa hú lớn, hình như muốn nhắn điều gì với người lái đò. Ban đầu bác lái còn chưa hiểu. Khi Kiên thấy bên phía thuyền chài, nhiều người giơ nón lên vẫy và nhắc bác lái, bác ta mới chú ý. Bác nhổ con sào lên, dùng hai tay đưa ngang lên khỏi đầu. Phía bên kia, người chống thuyền chài đưa hai tay lên làm dấu chữ thập. Bác lái gật đầu, la lớn:
- Hiểu rồi!
Ông giáo lo lắng hỏi:
- Họ bảo gì đấy?
Người lái đò không trả lời ngay, cho đò áp sát vào một cây dương nước. Ông giáo hỏi dồn:
- Có gì bất thường không?
Người lái đò nói:
- Không xong rồi. Cửa khẩu đóng, không cho ai ra khơi cả!
Kiên hỏi:
- Sao bác biết?
- Thì họ vừa ra dấu xong! Chúng tôi dân vạn chài đã quen lắm rồi! Mỗi lần kinh thành không yên là có lệnh cấm khẩu.
Ông giáo mất bình tĩnh:
- Thế làm thế nào bây giờ?
Người lái đò đáp gọn:
- Phải trở lại thôi!
Bà giáo ngồi bật dậy, làm cho thằng Út giật mình thức giấc nổi khóc lớn. An dỗ em không được, khóc theo. Ông giáo thêm bực bội, hỏi gắt:
- Bác nói đùa phỏng! Tôi chịu thuê đến 20 quan, vì bác hứa sẽ đưa chúng tôi đến tận ghe bầu.
Người lái đò cũng không vừa:
- Vâng, vâng. Nhưng nếu các quan ở trạm cửa Mù U đóng gông vào cổ tôi, thì thầy có nuôi vợ con tôi không? Thầy quen lớn trong vương phủ, chắc biết phép quan khe khắt.
Bà giáo e dè hỏi:
- Có lẽ bác nghe lầm. Ghe chài họ chỉ bảo...
Bác lái cắt lời bà giáo:
- Chắc chắn cửa Mù U đóng. Chúng tôi đã hiểu nhau bằng cách ra dấu.
Kiên tự nãy đến giờ giữ im lặng, lên tiếng đề nghị:
- Thưa cha, hay là chúng ta về tạm đằng thầy Từ Huệ.
Ông giáo ngoái nhìn lại phía mấy cây tùng, mờ khuất sau một màn sương khói màu bạc ở sau lưng, trầm ngâm, do dự khá lâu. Thằng Út vẫn chưa nín khóc. Mưa bắt đầu rơi, ban đầu còn lất phất nhưng càng ngày càng nặng hạt. Không có cách nào khác, ông giáo bảo người lái đò:
- Thôi được. Bác chèo trở lại, cho chúng tôi đến chỗ bờ cừ có lối lên chùa.
***
- Dễ thường đến năm năm rồi tôi mới trở lại đây. Năm Tân Tỵ hồi sư cụ mở khóa Lăng Nghiêm. Lúc đó thầy mới lên sư bác. Cảnh chùa ngày nay u nhã hơn nhiều. Thêm một cái ao sen vuông trước điện. Hồi trước đơn sơ thôi. Lau lách còn mọc ngay phía sau điện. Nhà trai chỉ là một chái tranh bề ngang không được 10 thước. Sao thầy không làm một cuộc khuyến giáo để xây một vòng tường ngoài? Không. Có tường vẫn hơn chứ, ít ra cũng che được gió lốc. Có trồng được khóm hoa cúc hay gốc bầu cũng không ngại bị gió dữ phá đi mất. Khi chiều nhìn luống rau xơ xác quanh gốc tùng, tôi càng thất cần phải xây tường...
Ông giáo nói loanh quanh như vậy, từ lúc ngồi với thầy Từ Huệ trong căn phòng ở chái cây. Mùi hương lãng đãng trong văn phòng hẹp và ấm. Tách nước trà đậm trước mặt ông giáo bốc khói, lâu lâu gió bấc bên ngoài lọt qua được phên cửa, tạt hơi ấm vào lòng bàn tay ông. Thầy Từ Huệ im lặng ngồi xếp bằng trên sập gỗ mộc, kiên nhẫn nghe bạn nói. Mọi người trong gia đình ông giáo, và các chú tiểu đã đi ngủ. Trong đêm khuya, chỉ còn một nhà sư trân trọng lắng nghe lời một nhà nho.
Ông giáo nói huyên thiên một hồi, đôi lần muốn nói thẳng với bạn câu chuyện mà ông biết thầy Từ Huệ đang chờ đợi ông kể, nhưng lượn lờ mon men nhiều lần, ông ngại không dám vào đề. Ánh mắt thầy Từ Huệ sáng lên, đôi lông mày nhíu lại chuẩn bị hết tinh thần lắng nghe. Ông giáo dừng lại thật lâu. Mua từ các đọt tranh nhỏ giọt xuống vũng nước đọng dưới thềm chùa, nghe lóc chóc từng tiếng đều đặn, thong thả. Rồi đáng lẽ đi thẳng, ông giáo lại đi quanh:
- Tiếc là chuyến này gấp quá, tôi không đem được cặp cây kiểng biếu chùa nhà. Công phu 10 năm đấy nhé. Suốt 10 năm công phu tôi mới uốn nắn cặp sơn tùng đó thành hai con rồng giống y như nhau. Những cái chân đều toàn bằng cây, nhất định tôi không chịu làm chân bằng rễ như thiên hạ. Thầy bảo sao? Thân hay rễ cũng như nhau à? Khác chứ. Làm chân bằng rễ phụ là cách phàm phu, kể làm gì. Hơn nữa cái quí là ở công phu ấy. Này nhé, phải uốn cong một nhánh xuống, đè chôn đất. Nó nứt nhánh ngoi lên mới cắt. Cắt mãi đến khi nó phải đâm rễ và bám xuống đất. Lại còn chăm chút sao cho cái thân nó uốn éo như thân rồng. Chú ý nhé, không được chọn gốc thủy tùng, vì thân không có vẩy. Chỉ có loại sơn tùng mình mới mong uốn cho giống y hình rồng.
Ông giáo nói xong, ngưng lại thật lâu, nhìn đăm đăm vào khuôn mặt bạn, cái nhìn khinh thị dò dẫm như muốn lường xem câu nói của mình đã thấm tới đâu. Nhà sư vẫn giữ thái độ chú ý trân trọng. Ý chừng không thể im lặng lâu hơn nữa, thầy Từ Huệ hỏi:
- Thế cái giống tùng ở phía sau chùa, có thể gây thành cây kiểng được không?
Ông giáo vui mừng thấy bạn bắt đầu nhập vào câu chuyện, vồn vã đáp:
- Được chứ. Tốt quá đi chứ. Từ hồi còn sư cụ, tôi đã có lần bảo loại tùng này khá lắm. Thầy có để ý không, ở xa mà nhìn, nó khác nào cây kiểng quí đâu. Cây tùng sau nhà chùa dễ thương lớn đến mấy 6om, ngọn queo cành cỗi, mà lá lại rậm rạp. Trên ngọn lá xoắn thành từng nắm tròn. Thầy biết không, sách Truyện ký chép rằng hễ cây tùng nào có đọt xoắn thành nắm tròn, thì đào dưới gốc có củ phục linh và hổ phách.
Rồi không cần chuyển mạch,vào lúc bất ngờ nhất, ông giáo nói:
- Nhưng mà ôi thôi, nãy giờ chỉ nói toàn chuyện vẩn vơ. Tiếc làm chi cái công phu viển vông ấy, phải không? Vạc sắp đổ, thì sá gì ngọn cỏ dại mọc dưới bóng vạc.
Thầy Từ Huệ sửa mình ngồi ngay ngắn hơn, ngả người về phía bạn hỏi:
- Có biến ở kinh thành ư? Thấy thầy, đem cả gia đình đi thế này, tôi đã ngờ, nhưng không tiện hỏi thẳng.
Ông giáo cảm thấy nhẹ nhõm vì đã qua khỏi giai đoạn khách sáo e dè, chậm rãi nói:
- Phải nói là đại biến.
Rồi thấp giọng xuống, ông bảo bạn:
- Thầy cũng phải coi chừng. Ý -đức hầu vừa bị giết hôm qua!
Chén trà trên tay thầy Tư Huệ run run, nước trà sóng sánh. Theo thói quen, ông giáo lại nhìn dò dẫm phản ứng trên mặt bạn. Đôi mắt nhà sư lim dim một lúc lâu, khuôn mặt bất động che giấu những xúc cảm còn lan man bất định. Đến khi ông giáo hết chờ đợi được nữa, định nói, thì nhà sư hỏi:
- Ai giết?
Ông giáo đáp:
- Thầy đoán ra rồi. Lại tên Trương Tần Cối (2).
Rồi giọng ông giáo trở nên sôi nổi:
- Thầy tưởng xuống đây núp dưới bóng Phật thì được yên sao? Tưởng tàn khóm cổ tùng che được gió sao? Thầy có nhớ những gì chúng ta đã nói với nhau khi thầy còn là môn khách của Ý-đức hầu? Tại sao đột nhiên thầy bỏ hết, bỏ hết, xuống trốn đời ở cái xó biển này?
Nhà sư đặt chén trà xuống, cái chén nghiêng về một phía vướng cạnh khay trà, khiến nước đổ lan một khoảng nhỏ trên mặt gỗ. Ông giáo không cho bạn đáp, tiếp tục nói:
- Nghe được tin, tôi phải đem gia đình đi ngay trong đêm. Mấy hôm trước, tôi có trình với Hầu là nên đề phòng. Nhưng không ngờ chúng dám làm càn đến mức đó. Chúng đã cho người mai phục sẵn.
Nhà sư hỏi:
- Bây giờ thầy định làm gì? Đi đâu?
Ông giáo có vẻ ngạc nhiên, không hiểu tại sao bạn lại hỏi một câu vô nghĩa như vậy, khựng lại một lúc, do dự, hoang mang. Ông nhìn bạn lần nữa, cố tìm hiểu chủ ý của câu hỏi. Ông giáo không tìm ra cái gì khác ngoài vẻ điềm tĩnh khó hiểu, ngoài cái thản nhiên đáng ghét. Giọng ông trở nên hằn học:
- Dĩ nhiên tôi không có ý định xuống trốn ở cái xó này. Thầy yên tâm. Nếu bọn Tần Cối không cấm biển, tôi đã khỏi phải ghé đây làm phiền thầy. Đất ở đây hẹp. Ở đâu cũng có tai mắt bọn Tần Cối nên nhan nhản khắp nơi toàn một lũ hèn. Tôi không chịu đựng nổi nữa. Phải qua bên kia đèo Ngãi lãnh thôi!
- Để tìm thờ một chúa khác ư?
Ông giáo tức giận nói lớn tiếng:
- Thầy vừa nói gì thế? Chúa khác à? Trải tám đời khai phá mở mang bờ cõi, còn tìm dòng họ nào xứng đáng hơn nhà Nguyễn Gia Miêu. Chỉ giận tên gian tham chuyên quyền, lung lạc cả ngôi chúa. Nay chỉ còn hy vọng ở hoàng tôn mà thôi. Đất Quảng nam trù phú, dân đông, có thể cậy vào đó
làm thế dựa để diệt gian thần, tôn đấng minh quân được. Thầy nghĩ sao?
Nhà sư suy tính một lúc, rồi trả lời:
- Quanh quẩn cũng chỉ bấy nhiêu! Trước kia tôi cũng nghĩ như thầy, định chỉ nương tạm cửa Phật một thời gian, Nhưng càng ngày tôi càng thấy, càng hiểu. Ất hay Giáp ngồi trong vương phủ cũng thế thôi, lũ dân đen lúc nào cũng chỉ được nắm cơm hẩm và manh áo rách.
Ông giáo không tin ở tai mình nữa, lo sợ đến ngẩn ngơ, bàng hoàng. làm sao bạn ông dù đã bỏ mộng kinh sư theo kinh kệ lại dám thốt những lời phạm thượng như vậy. Bây giờ ông mới thấy Hàn Dũ có lý. Ông giáo đứng hẳn dậy, đi đi lại lại trong phòng để mong lấy đủ bình tĩnh. Bạn ông vẫn ngồi trầm ngâm trên sập gỗ, như đang tham thiền nhập định. Ông giáo đến trước mặt bạn, dằn từng tiếng một:
- Thầy chỉ là một kẻ nhát gan, giấu đầu trong xó tối mà tránh ma.thầy tưởng tiếng chuông lời kệ đủ sức diệt được tham sân si của lũ Tần Cối ư? Không! Không!
Nhà sư mở mắt ra, thấy vẻ thách đố giận dữ của người bạn già, nhưng vẫn điềm tĩnh trả lời:
- Rất tiếc đã làm cho anh giận, anh giáo Hiến ạ. Lúc nãy anh bảo trong sách Truyện ký có chép rằng cây tùng nào tàng lá xoắn thành hình tròn, dưới gốc có phục linh và hổ phách. Tôi cũng có nghe nói như thế. Nhưng có ai vì tham hai món thuốc quí ấy mà đào bật gốc tùng lên không?
Ông giáo để một lúc lâu suy nghĩ về lời nói bóng gió của bạn, tuy cảm động vì lối xưng hô thân ái như lúc thầy Từ Huệ chưa vào chùa, cùng với ông là môn khách ở dưới cửa Ý đức hầu, nhưng càng nghĩ, ông càng thấy không thể đồng ý với bạn. Ông nói:
- Cách nhau mấy năm, chúng ta đã khác nhau quá. Dù sao cũng xin cảm ơn thầy... cảm ơn anh đã cho tá túc đêm nay. mai chúng tôi đi sớm. Có lẽ anh không bị quấy rầy nhiều đâu!
Cả hai người nhìn nhau không nói, và đều bâng khuâng trước một sự rạn vỡ vô hình. Từ đó cho đến lúc chào nhau đi nghỉ, họ không nói với nhau điều gì khác ngoài những lời khách sáo vô nghĩa.
(Còn tiếp)
(1) Tức quan nội hữu Trương Văn Hạnh, bạn của giáo Hiến.
(2) Tức Trương Phúc Loan.
|