Vừa bước qua năm Mậu Tý được một tuần, gia đình ông giáo nhận được tin dữ: Kiên bị một tên vô lại hành hung đến trọng thương. Người đưa tin ở trong đoàn ngựa thồ chở măng le về xuôi, vì vội chỉ ghé An Thái được một chốc rồi lại tiếp tục hành trình. Đúng lúc đó chỉ có một mình Lãng ở nhà, tin dữ trở nên khủng khiếp hơn vì sự mơ hồ. Ông giáo phát tức, đánh cho Lãng một bạt tai. Lãng run lên, ấm ức muốn khóc mà không dám khóc. Mặt cậu đỏ, đầu mũi phập phồng, cổ rướn cao như sắp rống lên thống thiết. Thấy dấu hiệu những kích động thái quá quen thuộc của em, An đánh bạo thưa với ông giáo:
- Cha để con hỏi nó cho. Cha giận, nó không nói gì được.
Ông giáo đã hơi nguôi, hơi thấy hối hận khi thấy dấu năm ngón tay còn in đủ trên má xanh tái của Lãng. Ông không nói gì, để mặc An dẫn Lãng vào phòng sau. Ông nghe tiếng Lãng khóc hức hức, tiếng kể lể ướt nước mắt chen giữa những tiếng nấc. An dỗ:
- Thôi, đừng khóc nữa. Đây khăn dây, chùi cho sạch cái má cho chị coi. Đừng vắt ở đó. Cái thành giường đầy cả bụi không thấy sao. Cần uống nước không, chị rót cho. Từ từ nào, không lại sặc! Đấy, em thấy chưa, cái gì cũng cần phải bình tĩnh. Em cứ ấp úng nói chẳng đâu ra đâu cả, làm sao cha không giận. Bây giờ kể rõ cho chị nghe. Người ta đến đây lúc nào?
Tiếng Lãng vừa thút thít vừa trả lời:
- Lúc chị vừa qua bên nhà mợ. Em đã định đóng cửa, nhưng cài cái then mãi không được. Cái cửa đã xệ rồi. Với lại...
An ngắt lời em:
- Thôi được rồi. Đừng dài dòng. Bác ấy có quen với nhà mình không, đã đến đây lần nào chưa?
- Bác nào?
- Thì bác đến báo tin anh Kiên bị...
- Không, cái anh còn trẻ. Chỉ bằng tuổi anh Chinh là cùng.
- Ảnh hỏi đây có phải là nhà ông giáo Hiến không, em hỏi ảnh hỏi như vậy để làm gì, ảnh nói...
An phát bực, ngắt lời Lãng lần nữa:
- Nói gọn gọn một chút. Cha đang chờ ngoài kia. Người ta báo tin anh Kiên ra sao?
Lãng im lặng một chặp, rồi nói:
- Ảnh nói anh Kiên giấc, mọi người tưởng không cứu được nữa, nhưng...
- Nhưng làm sao?
- Nhưng về sau, ảnh tỉnh lại... Thằng du côn lén đập vào đầu ảnh, may anh Kiên nghe có tiếng gió vội nghiêng đầu, nên khỏi phải vỡ sọ.
- Anh Kiên bị thương ở đâu?
- Ở vai, cái đầu gậy đập vào ót nên ảnh chết giấc. Máu ra nhiều, nhưng vết thương không sâu lắm.
- Vết thương chỗ nào?
- Em không hỏi.
Ông giáo nóng ruột, không dằn được nữa, chạy vào trong phòng quát:
- Thằng ngu. Quan trọng là bị thương ở đâu, nặng nhẹ thế nào lại không hỏi. Thế có hỏi sau đó anh mày ra sao không?
Lãng rụt rè, liếc nhìn cha, rồi nhìn chị, không dám trả lời. Sợ cha giận trở lại, An phải hỏi gấp em:
- Người ta có nói sau khi bị đánh anh Kiên thế nào không?
- Ảnh nói khi tỉnh lại, anh Kiên bảo bị nhức đầu. Khiêng về trại, ảnh bị ói.
Ông giáo chen vào hỏi:
- Anh mày bị hành hung hôm nào?
Lãng lấm lét nhìn cha, trả lời nhỏ:
- Con không hỏi.
Vốn có biết qua nghề thuốc, ông giáo hết sức lo lắng cho tính mệnh của Kiên. Bị đánh trúng ót đến ói mửa, điều đó thật nguy hiểm. Ông giận con ở điểm đã không hỏi kỹ từ hôm Kiên bị đả thương cho đến hôm báo tin tại An Thái, khoảng cách thời gian là bao lâu. Đây là điểm then chốt. Không có cách nào khác hơn là lên ngay Tây Sơn thượng. Ngay đêm ấy, ông dặn lại qua loa việc nhà cho An nhớ, rồi cùng với Chinh đi thăm con. Lữ cũng nóng lòng muốn biết tình hình thực sự của trường trầu, nên xin theo thầy.
*
* *
Dù mượn được những con ngựa thực khỏe, phải mất một ngày hai đêm họ mới tới Tây Sơn thượng. Ngựa chạy không nghỉ nên mồ hôi tiết ra ướt đầm bộ lông mướt. Lữ là một người quen thuộc đường đi lối về, nhưng từ lúc vó ngựa mỏi uể oải bước lên đèo, anh mất dần sự hăng hái. Đường gập ghềnh và vắng, hai bên cây cối rậm rạp, rình rập, đe dọa từng bước tiến của ba người. Bọn cướp đường, từ vụ mất mùa năm trước, hoạt động táo tợn hơn ở các truông hẹp, nạn nhân thường thường là các đoàn ngựa thồ. Lữ gợi ý nên ghé qua đêm ở một buôn thượng Lữ quen nhờ nhiều lần đến đổi măng le trước đây, ông giáo gạt đi. Ông không thể yên tâm nghỉ ngơi được, cho tới khi biết đích xác tình trạng sức khỏe của con.
Khoảng gà gáy thì họ tới trại. Trời còn tối mịt, dù sương núi phủ khắp thung lũng che lấp hết cảnh vật nhưng cũng chính nhờ màu trắng âm u đó ấp ủ chút ánh sáng lặng lẽ mà ông giáo còn phân biệt được cáo cổng nặng nề ghép bằng những thân cây không tô chuốt, hàng rào dày bằng thân le vót nhọn đan chéo nhau và xa hơn nữa, chìm khuất giữa bể sương là một mái nhà cao giống kiểu nhà người thượng. Lữ chạy đến tìm cái gì đó ở cánh cổng im lìm, có lẽ không thấy nên anh càu nhàu:
- Tụi này quá lắm. Không biết vất đâu rồi!
Chinh hỏi:
- Anh tìm gì đó?
Lữ sờ soạng tìm kiếm một lúc nữa, mới trả lời:
- Cái mõ. Trước đây tôi đã dặn, hễ muốn vào thì lấy mõ đánh nhịp hai để cho bên trong biết. Mỗi ngày đổi ám hiệu một lần, để đề phòng bọn cướp.
Ông giáo lo lắng hỏi:
- Làm thế nào bây giờ? Liệu có ai còn thức không?
Lữ đáp lơ lửng:
- Không có ánh đèn. Hoặc là sương dày quá...
Chinh đề nghị:
- Hay ta lấy cây đập vào cửa cổng thay mõ vậy.
Lữ làm theo ý Chinh. Một lúc lâu, mới nghe tiếng lao xao bàn tán bên trong, và tiếng chân người đến gần. Lữ hỏi lớn:
- Ai bên trong đó?
Tiếng Lữ chìm vào lớp sương đêm, rồi va vào các vách núi dội thành một thứ âm thanh mù mờ như tiếng sấm động. Bên trong có tiếng hỏi:
- Ai đó?
Lữ mừng rỡ đáp:
- Tôi đây. Bảy Lữ đây. Có nghe thấy không?
Có tiếng bàn tán rù rì ngay đằng sau tấm cửa nặng. Chờ mãi không thấy gì, Lữ nhắc lại:
- Tôi là Bảy Lữ đây. Mở cửa nhanh lên.
Bên trong có tiếng hỏi:
- Anh Bảy Lữ nào lại lên đây vào giờ này. Đừng có nói láo. Tụi bây muốn chết hay sao mà còn đến đây chọc phá. Khôn hồn hãy tìm chỗ khác làm ăn.
Lữ tức quá, lấy tay đập thình thình vào cửa:
- Tôi là Bảy Lữ thật mà! Đã nhận ra tiếng tôi chưa? Ai phía trong đó?
Lại có tiếng rù rì bàn tán. Và tiếng chân người từ bên trong vừa ra cổng. Lại bàn tán thêm. Cuối cùng, cánh cổng mở hé vừa đủ một người lách qua, tiếng dây mây già cọ vào trục cửa kẽo kẹt. Lữ mừng quá, tiến đến chỗ cửa hé. Chưa kịp đưa tay đẩy cánh cổng mở rộng thêm đủ cả người và ngựa, Lữ đã bị hai ngọn giáo kề sát hai bên hông. Lúc đó, cửa mới mở lớn. Ngoài hai người cầm giáo đang uy hiếp Lữ, còn có một người thứ ba đang cầm cung hờm sẵn. Phút lo sự bất ngờ qua đi, Lữ nói to:
- Bây giờ đã tin chưa? Đã có ai thức dậy không?
Ba người giữ cổng mừng rỡ reo lên một lúc: "A, anh Bảy". Lữ lấy giọng kẻ cả bảo:
- Có thầy tôi và anh bạn kia kìa. Dẫn ngựa vào. Cho uống nước và cho một mủng lúa.
Ông giáo để mặc Lữ căn dặn bọn người ở trại, ra dấu cho Chinh cùng đi với ông vào thẳng trại trong. Phút chốc người ta mau chóng hiểu ông giáo là ai và lên đây làm gì. Hai cha con ông giáo được dẫn ngay tới chỗ Kiên nằm. Ông giáo không dám hỏi anh thanh niên đã dẫn đường, sợ phải nghe tin đau đớn. Nhưng thấy nét mặt anh ta bình thường, gần như mừng rỡ khi gặp khách lạ, nên ông giáo yên lòng. Ông hỏi:
- Anh quen thân với cháu nó không?
Người dẫn đường không hiểu lối nói kiểu cách của ông giáo, dừng lại chờ ông giải thích. Ánh đuốc khi mờ khi tỏ chiếu lên khuôn mặt xương xương, hai hố mắt sâu và một nụ cười hiền. Ông giáo hỏi câu khác:
- Kiên nó dậy chưa anh?
Người thanh niên đáp:
- Dạ, cháu không biết. Đêm rồi ảnh ngủ được. Chắc chưa dậy.
Ông giáo lo lắng hỏi:
- Thế nó bị nặng không?
- Cháu không rõ. Đêm trước ảnh rên suốt đêm. Đêm trước nữa lại ngủ yên.
Hóa ra nét mặt vui vẻ của người dẫn đường không liên gì đến tình trạng của Kiên. Ông giáo đâm lo.
*
* *
Những gì Lãng thuật lại chỉ đúng có một phần. Tên vô lại đã dồn hết hận thù vào đòn bất ngờ đầu tiên. Kiên không kịp nghe cả hơi gió của thanh củi xù xì đang vụt xuống đầu mình, làm sao né tránh được. May cho Kiên, thanh củi khô dòn nên dễ gãy. Kiên bị mắt cây xẻ một vết thương dài hơn một phân trên đỉnh đầu, máu phun ra nhuộm đỏ cả hai vạt áo. Thấy đòn đầu tiên bị hỏng, tên vô lại vụt thêm một đòn nữa bằng thanh củi cụt. Lần này Kiên né được như lời Lãng thuật. Tên vô lại bỏ trốn vào rừng, không biết Kiên có vẻ bình thường được một lúc, rồi ngã lăn ra bất tỉnh. Ai cũng tưởng là Kiên chết vì vết thương ở đỉnh đầu. Người đưa tin cũng ái ngại, giấu không cho gia đình biết có vết thương đó. Họ không ngờ vết thương đẫm máu trên đầu lại không đáng sợ bằng một vết bầm đằng sau ót. Cho đến hôm ông giáo đến Tây Sơn thượng, nghĩa là một tuần sau ngày Kiên bị hành hung, Kiên vẫn chưa qua khỏi cơn chấn động thần kinh. Lúc thì anh bình thường, có thể đi đứng, nói chuyện, làm việc như mọi người. Lúc thì anh cảm thấy vạn vật quay cuồng, đất dưới chân anh chao qua chao lại như là dậy sóng. Anh chới với muốn tìm một chỗ bíu, nhưng dường như bất cứ thứ gì anh vừa đưa tay ôm được cũng đều tan thành một hơi khói. Nỗi sợ hãi khủng khiếp ào ào đến như giông bão.Anh muốn hét lên, muốn kêu cứu nhưng hai hàm răng anh run lập cập, tiếng nói thành ra một tràng âm thanh ú ớ vô nghĩa. Ông giáo đau khổ nhìn con bị hành hạ bởi cơn chấn động vô hình ấy, tuyệt vọng không biết phải làm thế nào. Trong thâm tâm, ông lo sợ Kiên đã bị cùng thứ bệnh của mẹ.
Ông ở lại Tây Sơn thượng chăm sóc Kiên một tuần. Sang tuần thứ hai, thứ thuốc quết nhuyễn bằng lá cây của người thượng đã làm cho vết thương trên đầu khô lại. Mủ thôi mưng quanh, da non đã kéo. Và kỳ diệu làm sao, dường như cái vết thương xoàng ấy có liên hệ kín đáo và phức tạp với cái vết bầm sau ót Kiên. Càng ngày anh càng bớt chóng mặt thất thường. Đầu óc anh vượt qua được những xáo trộn bất ngờ. Anh ngủ được, giấc ngủ êm hơn. Các chao đảo thưa dần. Sự sợ hãi, nỗi buồn vẩn vơ do những ám ảnh mơ hồ tàn dần, rồi mất hẳn. Kiên lấy lại được nếp suy nghĩ, mơ ước đơn giản và chậm chạp y như trước. Nhờ thế, sang tuần lễ thứ hai, ông giáo tự hẹn là sẽ trở về An Thái vào cuối tháng giêng. Ông bắt đầu một nỗi lo khác, không biết ở An Thái, An quán xuyến chuyện nhà như thế nào. Dù ông cũng chưa dám chắc Kiên đã hoàn toàn bình phục.
Những ngày còn lại, ông đã đủ bình tâm, dạo quanh vùng Tây Sơn thượng xem xét cảnh vật, lối sống của người Bana, nhất là sinh hoạt ở trại canh tác và buôn bán hàng nguồn của biện Nhạc. Chính Phúc, chồng của cô Ba Lý, anh của Lợi làm người hướng dẫn cho ông. Vụ rắc rối đáng tiếc trong gia đình hồi đó, cuối cùng được dàn xếp ổn thỏa. Mẹ chồng lẫn nàng dâu đều nhận thấy không thể thiếu Phúc, nên cả hai đành bằng lòng với cái phần chiếm hữu tình cảm không được trọn vẹn của mình. Hồi đó, sau khi nghe ông giáo trình bày tình cảnh ông bà Hai Nhiều, biện Nhạc cho người lên ngay Tây Sơn thượng gọi Phúc về. Phúc vâng lời trở lại Xuân Huề, nhưng hơn một tháng sống cuộc đời khác hẳn cuộc đời phẳng lặng anh sống lâu nay, Phúc biến đổi không ngờ. Anh thấy trong sự mơn trớn âu yếm của vợ, sự lo lắng của mẹ, có điều gì vướng víu ràng buộc. Có lẽ những ngọn núi, thung lũng, rừng già đã quyến rũ anh. Phúc bắt đầu hiểu vì sao Lợi không chịu ở nhà lấy hai ngày liền, xem thường lời khuyên của anh và mẹ, bôn ba quanh năm suốt tháng nơi đầu chợ, cuối sông. Cho nên tuy bằng lòng không ở hẳn trên Tây Sơn thượng, Phúc lại xin được gia nhập vào đoàn ngựa thồ của biện Nhạc, chở hàng từ An Thái, vượt đèo lên nguồn và ngược lại.
*
* *
Ông giáo lên Tây Sơn thượng được hai hôm thì đoàn ngựa thồ chở muối của Phúc cũng đến. Nếu gặp ông giáo ở An Thái, có lẽ Phúc không mừng rỡ và vồn vã với ông như gặp ở nơi thung lũng vây quanh những núi là núi này. Ở nơi xa xôi cuối trời, sự quen biết cũ tự nhiên quí giá hơn, như một bức tường chung cả hai cùng dựa vào đó để chống chỏi sự xa lạ. Khác hẳn với lối nói chừng mực, rụt rè lâu nay, Phúc cuống quít:
- Trời ơi, dượng giáo! Dượng lên hôm nào vậy! Thế mà mấy ngày nay con cứ lo mãi, không biết có ai đã tin cho dượng hay chưa.
Ông giáo cũng mừng rỡ đáp:
- Cháu Phúc! Độ này cháu mập và đen ra. Đừng lo, con Ba Lý không chê đâu. Rắn rỏi thế là tốt. Cháu có ghé qua An Thái trước khi lên đây không? Mấy em bên nhà dượng có chuyện gì không?
- Xin lỗi dượng giáo. Chuyến này gấp quá con không ghé được. Dượng thấy sức khỏe Kiên thế nào? Con lu bu quá, từ nãy đến giờ chưa vào thăm được.
Ông giáo buồn rầu đáp:
- Khi hôm nó kêu nhức đầu. Ăn uống thì khá hơn, bớt ói hơn trước. Thật là quân vô lại! Không biết nó là người hay là thú mà tàn nhẫn vậy.
Trong cơn hăng hái, Phúc dợm nói thật ý nghĩ của mình. May mắn là anh ngưng kịp lúc. Phúc đáp:
- Câu chuyện bên trong chắc có nhiều điều phức tạp. Không phải vô cớ mà nó dám. Nhưng dượng biết đấy, những người lên đây chịu đựng được cảnh rừng sâu nước độc đều là những kẻ bất đắc chí. Kiên chịu đựng được một năm trường đã là điều phi thường lắm rồi. Năm ngoái lên đây vài ngày con đã muốn về. Nhưng về thì còn mặt mũi nào nữa, nói làm sao với con Ba cho khỏi bẽ mặt. May nhờ có dượng...
Ông giáo nóng lòng muốn biết sự thật, ngắt lời Phúc:
- Theo cháu thì tên vô lại đó có thù hằn gì với thằng Kiên không?
Phúc dè dặt đáp:
- Dượng giáo tính, anh Kiên hiền thế thì ai nỡ giận.
- Thế do đâu có chuyện này?
- Cháu nghĩ... cháu nghĩ có thể là...hình như có chuyện hiểu lầm sao đó. Chuyện sổ sách, chi tiêu ở trường trầu phức tạp lắm. Giao muối cho anh em đem đi để đem trầu về. Hoặc giữa đường gặp mưa, hoặc lội suối bị ước, trầu đem về có khi không đúng loại. Bỏ qua thì sau này nói làm sao với ông biện, mà ghim gút thì mất lòng anh em. Vả lại không phải trong anh em ở đây ai cũng chơn chất. Ở cho vừa lòng mọi người, khó lắm dượng!
Ông giáo bắt đầu hiểu lờ mờ nguyên do cuộc hành hung. Điều ông lo lâu nay đã thành sự thực. Nhưng ông thắc mắc:
- Tính thằng Kiên nhà tôi, giông giống với tính cậu Lữ, em ông biện. Cẩn thận tỉ mỉ quá, ít chịu quyền biến. Nhưng lúc cậu Lữ ở trên này thì không việc gì. Tại sao thế?
Phúc trả lời liền không suy nghĩ:
- Vị thế của hai người khác nhau mà, dượng giáo! Cậu Lữ nhỏ tuổi hơn anh Kiên, nói cho ngay thẳng, đối xử với anh em còn hẹp lượng hơn anh Kiên nhiều. Nhưng cậu ấy là em ông biện!
- Vậy cháu có biết cái tên... cái tên côn đồ nó hành hung thằng Kiên là ai không? Quê quán nó ở đâu? Già hay trẻ?
- Ông Năm Ngãng hở dượng? Lớn tuổi rồi. Chắc chừng khoảng bốn mươi. Có thể ít tuổi hơn chút ít, vì cơ cực quá ai cũng già trước tuổi. Lần đầu con lên đây kêu ông Năm bằng cụ, bọn nó cười ầm lên.
- Chừng đó tuổi sao còn lên trốn trên này làm gì?
- Hơn hai mươi người cái trại này ai cũng có thảm cảnh riêng. Lên đây là cái thế chẳng đặng đừng mà dượng. Nếu chẳng vậy thì chỉ hô lên một tiếng, ai nấy đều bỏ trại mà chạy bộ xuống đèo. Dượng chưa thấy cái cảnh mấy mươi người đứng tụ trước cổng nhìn theo đoàn ngựa thồ sắp về xuôi. Hình như đoàn ngựa khỏe chở hồn của họ xuống núi mất rồi. Còn lại trại chỉ là mấy cái xác vờ. Phải mất hai ba ngày sau, họ mới trở lại bình thường. Dượng nghĩ mà xem, công việc của anh Kiên khó khăn biết chừng nào!
- Cháu có biết thằng Kiên nó đối đãi với ông Năm... ông Năm gì đó, dượng quên mất rồi?
- Năm Ngãng, thưa dượng.
- Đúng rồi, ông Năm Ngãng. Không ai hiểu tính con hơn cha mẹ. Dượng biết tính thằng Kiên. Dù ở hoàn cảnh nào, thằng Kiên không bao giờ dám vô phép nặng lời với người có tuổi. Đến là em nó ở nhà nó còn không nỡ nặng lời, huống hồ là đối với bác Năm... bác Năm Ngãng. Cái tên lạ, khó nhớ quá!
Phúc cười đáp:
- Dạ, không phải tên thật của ổng đâu. Tại cái tính nghễnh ngãng làm đâu quên đó như người mất hồn nên tụi cháu mới đặt cái tên bác Năm Nghễnh Ngãng. Về sau gọi gọn là Năm Ngãng.
Ông giáo nhớ lại điều mình thắc mắc, quay lại hỏi Phúc:
- Thế riêng ông Năm... ông Năm Ngãng thì vì sao phải lên đây?
- Không trốn lên đây thì ở tù mọt gông sao dượng!
- À ra thế! Dân đầu trộm đuôi cướp chứ gì!
Phúc vội xua tay cải chính:
- Không phải đâu dượng. Dượng gặp bác Năm, thấy cái bộ lù khù nghễnh ngãng của bác, chắc dượng không khỏi kinh ngạc. Ai dè một người như vậy mà đã từng làm những việc động trời.
Ông giáo không kiên nhẫn được nữa, nôn nóng hỏi:
- Nhưng ông ta làm cái gì mới được chứ?
- Bác Năm đốt rụi cả nhà người ta.
- Nhà của ai?
- Của người chủ điền. Dượng có nhớ vụ đói năm Hợi ngoài Phù Ly không? Đấy, ông ta là người huyện Phù Ly, miệt Đồng Hậu. Gia đình gồm hai vợ chồng và ba đứa con nhỏ. Mấy đứa đầu khó nuôi nên chỉ còn chừng đó, vậy mà nuôi không nổi. Phần lúa nộp cho chủ điền, phần lúa thuế. Năm được mùa chỉ đủ ăn giáp hạt, mất mùa như năm ngoái thì chỉ còn nước chịu đói. Đã thế tiền kẽm lại sụt giá, nhà giàu không dám trữ tiền, chỉ lo trữ lúa, bán hết mọi thứ lặt vặt còn lại, bác mang mấy quan tiền kẽm đến năn nỉ chủ điền bán cho mủng lúa về nấu cháo cầm hơi. Lão chủ điền nhất định không bán. Lời qua tiếng lại một hồi, bác giận quá cầm cái con cúi dúi ngay bên mái lẫm thóc tên nhà giàu. Gặp mái tranh mùa hạn, lửa chỉ liếm qua một chốc là tiêu tan cả gia nghiệp.
- Rồi vợ con bác ta ra sao?
- Chẳng ai rõ họ trôi giạt đằng nào. Bác Năm chạy về nhà, vợ con mếu máo van bác hãy trốn mau đi. Bác dùng dằng nhưng thấy có bọn lính tuần vây bủa, bác trốn lên đây. Vợ con bác cũng nhân đêm tối dắt díu nhau trốn biệt tăm. Không ai còn biết họ ra làm sao nữa. Nỗi khổ tâm của bác chính là ở chỗ đó. Lần nào có đoàn thồ về xuôi, bác cũng nhờ dọ hỏi tin tức gia đình. Anh em thương bác cũng chịu khó hỏi thăm mọi nơi, nhưng không được kết quả gì. Bác khổ tâm lắm, nghĩ chỉ vì mình làm ăn không ra gì nên mới gây vạ cho vợ con. Rồi bác mắc chứng nghễnh ngãng, và cái tật hễ thấy gạo ở đâu là mắt sáng rỡ, len lén xúc một bát, vốc một nắm đem thu giấu vào chỗ kín đáo. Giấu lần trước thì lần sau quên. Cuối cùng chỗ xó xỉnh nào cũng có gạo mốc. Kiên bực quá phải nặng lời. Mấy lần trước bác Năm chỉ lầu bầu trong miệng, rồi thui thủi bỏ đi. Không ngờ lần cuối, bác nổi máu bạo...
Nghe Phúc kể xong, ông giáo bồi hồi một lúc, cảm thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng. Sau đó ông hỏi:
- Có cách nào tìm bác Năm...bác Năm Ngãng không?
Phúc trả lời:
- Chắc hơi khó, dượng. Quanh đây toàn núi rừng, và thú dữ. Không biết bác đã gặp lại vợ con "ở dưới đó" chưa!
Ông giáo ngước lên nhìn Phúc, đón hiểu được nỗi lo sợ thầm kín của anh!
*
* *
Đêm ở miền núi ập đến đột ngột khác thường. Mặt trời vừa khuất sau Hòn Cong là sương bắt đầu nghi ngút tỏa, như đã chờ đợi khắc khoải từ lâu để cướp chỗ của ánh nắng. Vạn vật chìm trong một thứ ánh sáng âm u màu đục. Khí lạnh làm thâm tím những đôi môi, cảm giác bải hoải râm ran trên bả vai và dọc theo sống lưng.
Lâu nay quên sống nơi bình nguyên, ông giáo không ngờ mấy cái chữ đầu môi "sơn lam chứng khí" lại có cái lõi nghĩa chính xác như vậy. Ở trại, người ta lo cơm chiều lúc còn mặt trời, cho nên khi từng đám sương buốt lạnh ùa vào mấy dãy lán cỏ tranh, gần như đời sống chỉ còn nhịp thở ở khoảng quanh ngọn đèn chai lù mù.
Mỗi người từ trẻ đến già đều phì phèo trên môi một điếu thuốc lớn bằng ngón tay cái. Ngồi bó gối quanh ngọn đèn, họ vừa hút thuốc, khạc nhổ vừa nói chuyện dấm dẳng rời rạc. Tiếng nói rầm rì đôi lúc mất hút trong tiếng gió hú, và thấp thoáng khi mờ khi tỏ dưới ánh đèn lắt lay, là những khuôn mặt rầu rĩ. Ông giáo nhớ lời của Phúc, bảo cả ý tưởng, mơ ước cả tâm hồn họ đã theo đoàn ngựa thồ về xuôi mất rồi, chỉ còn lại đây cái xác vờ cử động mệt mỏi, thừa thãi.
Qua nhiều đêm ở Tây Sơn thượng hơn, ông giáo nhận thấy sinh hoạt về đêm trong trại không đơn sơ, ảm đảm như đã tưởng ban đầu. Vượt khỏi được những bỡ ngỡ dè dặt nhiều người tìm đến bắt chuyện với ông. Họ mời ông đến ngồi bên đèn hoặc bên đống lửa un muỗi, "cho nó ấm". Rồi để cho nó ấm hơn nữa, họ mời ông uống tí rượu cần theo phong tục của người thượng. Rượu cất bằng một loại lá rừng nồng độ cao, đựng trong những cái hũ sành thân bầu và cổ nhỏ, không rót ra bát mà hút chung bằng cái ống trúc dài. Vị rượu nồng thật nồng, càng về sau càng nhạt, do có thêm nước vào. Đêm nào cũng vậy, chưa uống rượu thì mặt mày ai nấy cũng rầu rĩ đăm chiêu. Tợp vài ngụm rượu vào, lời chân tình bắt đầu ra cửa miệng. Thoạt tiên là chuyện đổi hàng ở các buôn thượng. Chuyện một con suối dâng nước bất ngờ đến nỗi vừa trông thấy lũ đá lớn nhỏ vương vãi dưới lòng suối cạn đó, một thoáng sau quay lại đã thấy nước suối đục ngầu cuồn cuộn mấp mé bờ. Chuyện khôi hài quanh nếp suy nghĩ, nhận thức đơn giản của người thượng. Loại chuyện này bao giờ cũng hào hứng, người kể thêm mắm thêm muối cho câu chuyện trở thành ngây ngô đến phi lý, người nghe cười quên cả rét đêm dù họ đã thuộc lòng từng chi tiết nhỏ của câu chuyện. Nhưng gây hào hứng nhất cho đám trai tráng sống lạc giữa rừng già, là các chuyện tiếu lâm. Họ nói thẳng về bộ phận sinh dục, không quanh co, không trang điểm bằng những từ ngữ hoa hòe. Chẳng những thế, họ còn ưa dùng hai bàn tay diễn tả công việc giao hợp để phụ họa lời kể. Sự tục tằn pha lẫn thô bạo khiến ông giáo bỡ ngỡ. Thấy vẻ lúng túng của ông, họ càng thú vị, ồn ào chất vấn, đùa cợt với tuổi tác và tư cách nhà nho của ông. Thật khó xử cho ông giáo, vì những kẻ bị châm biếm trong các chuyện tục tĩu ấy, hoặc là nhà sư, hoặc là thầy đồ vờ vĩnh làm mặt đạo đức.
Ông giáo khó chịu vì cảm thấy bị lôi vào một trò trêu chọc quái ác bất ngờ, nhưng ông không giận họ vì hiểu đời sống dồn nén sinh dục bất thường của họ ở góc núi này.
(Còn tiếp) |