Gia đình Hai Nhiều lánh nạn lên Tây Sơn thượng đã gần nửa tháng. Suốt thời gian ấy, ông giáo tự nhủ là phải trở lại nơi gia đình Hai Nhiều tạm trú một lần nữa để thăm hỏi, giúp đỡ. Đó là bổn phận, hoặc nếu lòng dùng dằng bất quyết, thì cứ cho đó là sự ràng buộc không thể cởi bỏ. Làm khác đi, thiên hạ sẽ xem mình là hạng bất nghĩa, không ra gì.
Nhưng lần lữa ngày này qua ngày khác, ông giáo có đủ cớ để tự cho phép mình dùng dằng. Từ sau vụ hành quyết trong trại có nhiều xáo trộn, biện Nhạc mời ông lên bàn luận, tìm phương cách đối phó để tái lập trật tự. Nhiều buổi trưa ông không về nhà. Đêm, ông biện giữ ông giáo ngủ lại nhà khách vì cuộc họp đã kéo dài quá khuya.
Máu một người vô tội đã đổ ra để xóa mối nghi kỵ hiềm khích giữa người Kinh và các buôn Thượng, nhờ thế họ đã chịu hợp tác với trại Tây Sơn thượng trong việc chuyển muối tiếp tế. Lập luận của biện Nhạc có một phần đúng. Tuy nhiên cũng chính thứ máu oan nghiệt, hãi hùng đó gieo rắc sự hoang mang khiếp sợ cùng khắp. Trước hết là những người từng bỏ nương rẫy để đi buôn muối. Đêm nào cũng có mõ báo động vì có người trốn đi. Bên kia đèo là tù đày. Chung quanh trại, rừng trùng trùng điệp điệp. Thung lũng đã bao dung họ bấy lâu, bây giờ trở nên bất trắc. Cái chết có thể đến vào một lúc nào đó, vì họ có thể bị xem là tòng phạm của tử tội. Thôi đành liều vậy. Và họ lần lượt trốn giữa khuya. Sáng, những người láng giềng khám phá một cái chòi vắng chủ, ùa đến hôi của. Cảnh giành giật, gấu ó nhau xảy ra thường xuyên, chuyện tranh tụng đưa lên đến ông biện. Những người buôn muối nuôi ý định trốn, lấm lét nhìn cảnh tượng trước mắt, vừa tiếc mớ của cải đồ đạc thu góp được nhờ buôn muối, vừa thù hận chua chát tất cả loài người. Không hưởng được thì phá. Về sau, những kẻ đào thoát đã đốt cháy tiêu tất cả đồ đạc, bàn ghế, giường tủ, của cải trong nhà trước khi bỏ đi. Nhiều đám cháy xảy ra, thiệt hại lên cao. Đêm bình an không còn, nhà nào cũng thao thức, phập phồng chờ đợi tiếng mõ báo động và những lời la làng kêu cứu.
Không thể để cho tình trạng hỗn loạn kéo dài thêm nữa! Ai cũng nghĩ vậy. Ông giáo đề nghị chấm dứt tâm trạng lo sợ bị liên lụy của nhiều gia đình, trong đó đa số là những người đàn bà nhanh nhẩu giỏi xoay xở đã nhờ khan hiếm muối mua đi bán lại mà kiếm thêm chút quà bánh, hay cái áo cái quần cho con. Phải dứt khoát loan báo ai là kẻ có tội và ai là kẻ vô tội. Theo ý ông, không ai có tội cả, trừ những kẻ đã lầm lỡ trốn đi.
Và một lần nữa, ông giáo ngỡ ngàng thấy ý kiến của mình đã được đem ra thi hành, với một phong cách khác. Có thể gọi là phong cách biện Nhạc. Ngay buổi sáng sau cái đêm bàn bạc đến quá khuya ở nhà khách, biện Nhạc họp dân chúng lại, tuyên bố mọi người không nên lo sợ hão huyền. Thủ phạm gây nên hiềm khích Kinh Thượng đã bị hành quyết rồi. Các tòng phạm sợ bị truy tội nên cũng trốn đi cả rồi. Người ở lại nên yên tâm làm ăn. Kể cả những người đã lợi dụng thời cơ trở nên giàu có. Những kẻ đó phải tự động trả lại đống của cải đã bòn rút được bấy lâu nay cho các nguyên chủ. Thời hạn là một buổi sáng. Quá trưa, rất nhiều người còn đang băn khoăn không hiểu ông biện muốn gì, ám chỉ đe dọa ai, mình ở trong đa số bị bóc lột hay thiểu số cơ hội, thì các trai tráng trật tự đã đến bao vây mười một nhà mới làm giàu nhờ buôn muối, tịch thu tất cả tài sản đem ra chia đều cho những gia đình túng khổ nhất. Quyết định mạnh bạo ấy, khiến mọi người hả hê. Về sau, trong mười một gia đình bị tịch biên tài sản, chỉ có hai gia đình trốn đi. Chín gia đình còn lại được cấp cho những cái chòi mới gần khu khai hoang, để bắt đầu lại từ bàn tay trắng.
*
* *
Gia đình Hai Nhiều may mắn được biện Nhạc cho ở một trong mười một cái nhà khá khang trang ấy. Đó là kết quả những vận động kín đáo, khéo léo của Lợi. Còn Hai Nhiều thì nghĩ ông giáo là ân nhân của mình. Cho nên một hôm, cả gia đình Hai Nhiều tìm đến thăm ông giáo.
Dù quá hiểu rõ thế thái, ông giáo không tránh khỏi chua chát và hờn giận. Ông không thể quên được những lời rêu rao của vợ chồng Hai Nhiều. Nếu ông còn tự trấn tĩnh để giữ được thái đọ hòa nhã thân ái vừa phải, là nhờ nghĩ rằng: ở hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm đó, ai cũng thế cả. Cái thế nó buộc vậy. Hai Nhiều đọc được ngay sự bối rối trên gương mặt ông giáo, nên e dè trong cách ngồi, cách nói. Ông giáo phải đích thân đến nắm tay dắt Hai Nhiều đến chỗ bàn khách, ấn vai buộc Hai Nhiều ngồi, ông ta mới dám ngồi ghé vào một góc ghế. Thế ngồi bất tiện và đôi tay lúng ta lúng túng chưa biết đặt vào đâu cho đúng chỗ càng khiến cho Hai Nhiều bối rối hơn. Câu chuyện giữa hai người đàn ông cứ lơ lửng, chểnh mảng hoài nếu không có bà Hai Nhiều chen vào. Bà Hai nhìn quanh gian nhà khách, chắc lưỡi khen:
- Con nhà tông có khác. Con Kiền nhà tôi học cả trăm năm nữa cũng không khéo tay cho bằng cháu An. Mọi sự ngăn nắp, gọn ghẽ. Khéo, khéo lắm. Kiền, con coi cách chị An cắm cái bình hoa kia. Chỉ cần một khúc ống nứa, vài dây leo, và vài ba nhánh hoa dại. Đẹp, đẹp quá.
An thấy Chinh ngồi nhìn mợ trừng trừng một cách xấc láo, cố tỏ cho bà Hai Nhiểu hiểu rằng mình không quên những hiềm khích đã qua, chột dạ, vội đáp:
- Mợ khen quá, cháu ngượng đến chết mất. Nhà chật, mợ thấy đó, không dọn dẹp thì không còn chỗ đặt chân nữa. Đồ đạc, cả cái bàn nước bằng gỗ trắc này này, là do ông biện sai khuân đến cho mượn. So với nhà từ đường dưới mình, đã thấm vào đâu.
Ông giáo hỏi Hai Nhiều:
- Lúc chạy, anh chị có bán, hoặc gửi đồ đạc cho ai không?
Bà Hai cướp lời chồng:
- Chú tính, trong hoàn cảnh đó, chỉ lo cứu lấy thân là may. Nghe người ta báo, ông Hai nhà tôi quýnh lên, cứ chạy vô chạy ra không biết phải làm gì trước. Tôi phải hét lên, ổng mới chịu đi vơ lấy một ít quần áo. Mắt quáng thế nào, cái lành không lấy lại lấy mấy cái áo rách. Chú coi, cái áo ổng đang mặc kìa, tôi phải vá đi vá lại mới coi được một chút. Thằng Lê chụp được cái rựa. Con Kiền ngồi thừ ra đó, khóc thút thít. Tôi quát tháo bảo đi lấy gạo! Chạy khỏi xóm, mới biết cái bao lát bị chuột cắn lủng một lỗ. Nếu không gặp được vợ con Nhõi thì chắc chết đói rồi.
Ông giáo hỏi Hai Nhiều:
- Làm sao thằng Thận nó biết tin?
Hai Nhiều hấp háy mắt, cố ngăn bối rối, đáp:
- Có người tốt bụng nào đó qua sông báo cho vợ chồng nó. Chắc họ thấy quan quân vây phá nhà tôi, nên đoán thế nào gia đình thằng Thận cũng liên lụy.
Kiền nhỏ nhẹ thêm:
- Người bà con của anh Thận đấy cha. Cái chú vẫn thường cắt cỏ cho ngựa thồ ở chợ An Thái.
An quay sang hỏi Nhõi, từ đầu đến giờ ngồi nép trên phản, nét mặt rầu rĩ, thất thần:
- Anh đâu rồi chị?
Hai Nhõi phải mất một lúc lâu mới hiểu An hỏi mình. Chị ta lí nhí đáp:
- Ảnh theo cậu gì... cậu gì em ông biện đó, ảnh theo lên lò rèn.
An hỏi:
- Cái cậu từng xuống học dưới An Thái chứ gì. Cậu anh hay cậu em?
Bà Hai đáp thay con gái:
- Cậu em. Cậu Huệ đó. Gớm, cậu ấy lớn quá, người vạm vỡ ra. Tôi không nhận ra nữa. Này cháu, cậu Huệ làm chức gì mà Mợ nhìn quanh thấy ai cũng có vẻ nể sợ cậu ấy cả. Có lúc mợ còn thấy hai người cầm giáo cán trắng đi theo. Báo hại mẹ con mợ một phen hú vía. Số là sáng nay, con Kiền thấy có người mang giáo đến nhà, sợ quá chạy đi tìm mợ. Mợ cũng sợ, nhưng nghĩ chẳng lẽ quan quân dưới An Thái đã lên được tận trên này. Sau mới biết là cậu... cậu Huệ đi tìm thằng Thận. Chú giáo này, chắc không can gì chứ! Tôi thấy cậu Huệ cười nói vui vẻ với thằng Thận, mới yên lòng.
Ông giáo nói:
- Chị yên tâm. Hôm qua tôi bảo với ông biện là cháu Thận giỏi nghề rèn. Chắc ông biện muốn giao việc cho cháu ấy. Công việc ở đây lu bù lắm, nào cuốc rựa, nào giáo mác. Thứ gì cũng cần cả. Chỉ sợ cháu Thận không đủ sức làm hết.
Bà Hai Nhiều vội lấy miếng trầu đang nhai ra cầm ở tay, xích ghế lại gần ông giáo hơn, lấy giọng nhỏ nhẹ thân tình nói:
- Nói thiệt với chú giáo, chúng tôi chạy lên đây với hai bàn tay trắng, bà con thân thuộc không còn ai ngoài chú giáo. Chú giáo tính, bấy nhiêu miệng ăn! Ruộng đất không, vốn liếng không! Thôi thì trăm sự nhờ chú! Chúng tôi chỉ mong có cái gì bỏ vào miệng cầm hơi ráng sống cho đến ngày được trở về An Thái làm ăn. Ông nhà tôi sức đã hơi yếu, nhờ chú giáo thưa với ông biện cho làm thứ gì nhè nhẹ. Còn lũ thằng Thận, thằng Lê, con Nhõi, con Kiền thì sao cũng được. Cuốc cỏ, phát rẫy, gì cũng được cả. Nhưng mới đầu chưa quen khí núi, nắng gió khác với nắng gió đồng bằng, nhờ chú tìm cách châm chước cho.
Thấy ông giáo ậm ừ tỏ vẻ không vui, bà Hai tiếp:
- Tôi biết làm phiền chú giáo nhiều. Chú giáo còn nhiều chuyện khác, chứ thì giờ đâu chỉ lo cho gia đình tôi. Nhưng vừa lên đây, tôi đã nghe người ta bảo anh em ông biện rất nể chú. Đến chuyện nhà cửa khó như vậy, mà chú còn lẳng lặng lo giúp chúng tôi. Thật quí hóa quá!
Ông giáo chán ngán không muốn cải chính, cũng không muốn nói gì thêm. Đột nhiên Chinh hỏi:
- Sau khi anh Kiên cháu bị bắt, nhà cháu trốn lên đây rồi, bọn chức sắc An Thái có làm phiền cậu mợ không? Cậu mợ xoay xở thế nào mà được chúng nó để yên cả năm, kể cũng khéo lắm!
An huých cùi chỏ vào hông Chinh. Kiền và Lê ngồi đối diện trông thấy, giả vờ chưa hiểu gì. Hai Nhiều ngồi im trên mép ghế không dám nhúc nhích. Vẫn bà Hai tiếp tục liến thoắng:
- Ôi thôi, bọn chó má đó chúng nó làm tình làm tội cậu mợ nhiều rồi, đâu phải mới đây đâu cháu. Mình sợ, chúng làm tới. Cậu mợ đâm lì, chúng nó phá riết rồi cũng tự thẹn với mình. Hơn nữa, dù thế nào cũng người đồng hương đi vô đi ra chạm mặt. Chúng đâu có dấm cạn tàu ráo máng như cái hồi... cái hồi chúng nó tới bắt thằng Kiên. Chú giáo này, nhiều đêm tôi nằm nghĩ đến số phận cháu Kiên, không ngủ được. Tội nghiệp hết sức. Cần cù hiền lành đến con kiến cũng tránh không dám đạp, thế mà... Thôi, cũng tại cái số của nó hẩm hiu đó chú! Nhà nào cũng vậy cả. Đẻ năm bảy đứa ra, thế nào cũng có một đứa hứng chịu tật nguyền, bệnh tật, rủi ro, để cho mấy đứa khác thong dong. Cháu Chinh à, thời trước ông cố cháu giàu có lắm, có hai mụn con, thì một người là em bà nội tụi chị em con Nhõi, bị bệnh cùi. Chuyện đời xa xưa vậy, nay cũng không khác. Các cháu đứa nào cũng mạnh khỏe, trừ một mình thằng Kiên long đong. Nó rước hết tai họa cho các cháu đấy. Phần gia đình cậu mợ, cậu mợ càng nghĩ... càng nghĩ càng thương cho con Ba Lý.
Bà Hai Nhiểu mếu máo khóc. Cả phòng chỉ có tiếng bà Hai thút thít. Chinh thấy bất nhẫn, bực dọc bỏ ra ngoài. Ông giáo thấy cần phải nói vài lời an ủi:
- Chgij đừng lo lắng quá. Không việc gì đâu. Anh chị thì vì liên lụy đến tôi. Còn vợ chồng con Lý...
Bà Hai vừa thút thít vừa nói:
- Thằng Phúc nó có làm việc cho ông biện. Tôi sợ thế nào chúng nó cũng...
Hai Nhiều sợ vợ bù lu bù loa như mấy lần trước, nhắc nhở:
- Thôi mẹ con Nhõi đừng la khóc lớn, ở đây không tiện!
Bà Hai khóc nhỏ lại, tiếp tục kể lể:
- Cả đời nó long đong về chuyện chồng con. Tôi dại dột mới nghe ông, bây giờ đã thấy chưa. Ông bảo hễ thương con thì thế nào người ta cũng cưng chìu dâu. Ông bảo gia đình người ta thuộc dòng ăn học, có tiếng gia giáo. Đấy, ông đã mở mắt chưa! Thật đúng là một con quỉ. Chú giáo coi, ai đời con Lý mới bước chân về nhà chồng, thấy mặt dâu là mụ đã nổi cơn tam bành lên rồi. Ngay tối tân hôn, mụ treo võng nằm sát giường hai vợ chồng nó, không cho ăn nằm với nhau. Chú có tin được không. Có Trời Phật chứng giám, tôi có nói láo thì Trời Phật vật chết tôi đi. Mụ ta mê thằng Phúc như gái tơ mê nhân tình vậy. Trời hỡi trời! Có ai dám nghĩ trên đời có chuyện kỳ cục như vậy. Thế mà có thật hết, chú giáo. Con Lý nó khổ sở một đời vì con mẹ chồng mất nết, con mẹ chồng loạn luân. Tụi nó chạy không kịp, chắc tại con mụ không chịu đi, tiếc con gà, con nái. mụ chắt bóp từng đồng kẽm cất kín đó, không cho con Lý quẹt một chút mắm chứ đừng nói đến thịt cá. Chú giáo có tin được không! Chuyện đàn bà con gái với nhau chẳng lẽ tôi đem kể hết cho chú giáo. Nhưng chú giáo coi, ai đời...
Cứ thế, cứ thế, bà Hai Nhiều kể hết những trái chứng của bà mẹ chồng cô ba Lý, nhiều chi tiết làm đỏ mặt An và Lê. Ông Hai lâu lâu lại nhắc: "Thôi, mẹ con Nhõi", nhưng không có gì đủ mạnh để ngăn nguồn căm hận của bà Hai Nhiều. Ông giáo thêm chán, chờ một lúc thuận lợi, hứa với bà Hai là sẽ tìm việc thích hợp cho ông Hai Nhiều. Có thể ông Hai sẽ phụ giúp Năm Ngạn coi sóc việc khai hoang ở xóm Ké. Ông có dư kinh nghiệm và tuổi tác để đảm đương công việc. Bà Hai mừng rỡ, quên phắt câu chuyện bỏ dở. Mắt còn đỏ hoe, nhưng bà Hai ra về với nụ cười hân hoan.
*
* *
Những lộn xộn do hậu quả của vụ hành quyết dần dần lắng xuống. Đêm đẫy giấc. Việc khai hoang tiến hành mau chóng, rừng lùi sâu đến đâu thì bắp nhú mầm xanh đến đấy. Gạo thiếu, nhưng dạ dày những người vì hoàn cảnh khác biệt xiêu dạt lên thung lũng này cũng quen dần với bắp hầm và khoai luộc. Bỗng một đêm, lửa lại cháy ở khu phía đông, ngay chân đèo. Đêm lại trăn trở, trẻ con khóc thét giữa những hồi mõ báo động hối hả. Sáng ra cả trại nhốn nháo tìm hiểu, mới biết đêm qua, một toán nhỏ quân triều cả gan vượt đèo đột kích Tây Sơn thượng. Độ mười nóc nhà bị đốt cháy, năm người đàn ông, hai đàn bà và bảy trẻ con bị chết. Nhờ ánh lửa, người ta nhận diện được tên dẫn đường vốn là một người buôn muối đã trốn thoát. Từ đó suy đoán được tầm mức của biến cố: sau khi trốn khỏi trại, tên buôn muối liều chết vượt đèo An Khê ra đầu thú với toán quân triều đình ở ngay bên kia đèo, xin lấy công đánh đổi cuộc sống an toàn tại quê cũ.
Tai họa mới, một lần nữa, gieo rắc lo âu lên khắp trại. Lại hối hận. Lại nuối tiếc. Dằn vặt trách móc lẫn nhau, từng đêm, ôn lại từ đầu duyên do cuộc sống xiêu dạt. Công việc nương rẫy chểnh mảng, cỏ bắt đầu mọc lấn từng vạt bắp rộng. Nhu cầu củng cố hệ thống phòng thủ được đưa lên hàng đầu. Còn phòng vệ như thế nào, thì biện Nhạc và Huệ vẫn chưa đồng ý với nhau. Một năm làm quen với cách tổ chức các đội dân phòng và điều khiển các buổi luyện tập chiến đấu giúp Huệ thêm tự tin. Tuổi hai mươi sung mãn, lòng tuân phục của đám đông, khả năng nhạy bén trước các việc quân, và sâu xa hơn nữa, ước vọng thầm kín phi ngựa trên đồng bằng, cưỡi thuyền vượt sóng biển cả, bấy nhiêu tác động ấy đã khiến Huệ mạnh dạn bênh vực ý kiến của mình. Tuy vậy, cuộc đột kích bất ngờ đòi hỏi một biện pháp cấp thời. Và biện Nhạc có quyết định đắp thành Tây Sơn, bất chấp lời can ngăn của em. Việc điều khiển khẩn hoang giao toàn quyền cho Lữ và Hai Nhiều. Phạm Ngạn thì chuyển qua điều khiển công tác đắp thành. Năm Ngạn xem đó là dấu hiệu của lòng tín nhiệm, hăng hái tra xét sổ đinh, phân các lao động theo từng đội, từ sáng đến tối hò hét, chửi mắng, khi cần thì dùng đến roi gậy nữa, để đốc thúc công tác. Năm Ngạn say sưa sử dụng quyền lực và lo lắng biểu lộ khả năng của mình đến đỗi càng ngày càng có nhiều lời than van. Nhưng mười bốn ngôi mộ dưới chân đèo An Khê vẫn còn đó. Khổ nhọc, đổ mồ hôi, thân thể rã rượi không cho ai khác, mà cho an toàn của chính mình, của gia đình mình. Nhờ thế, mọi người dễ dàng chịu đựng các ngược đãi. Và Năm Ngạn lại thấy mình lớn thêm.
Huệ nhìn công trình xây thành rầm rập diễn ra trước mặt với đôi mắt e ngại nhưng thông cảm. Như lần trước, lúc biện Nhạc quyết định giao nộp người buôn muối cho người Thượng hành quyết, Huệ hiểu cái thế chẳng đặng đừng, lẫn tính toán thầm kín của anh. Trong năm qua, số dân Tây Sơn thượng tăng lên gần hai nghìn người, nghĩa là khoảng một phần tám dân số cả phủ Qui Nhơn. Trại đã mở rộng gấp mười lần, công việc quản lý phức tạp gấp trăm lần. Trong khi đó, dãy nhà chính lè tè và hai cái lán tranh cất từ thời còn buôn trầu chật chội, bé nhỏ quá, không cân xứng với quyền hành. Có lẽ doanh trại của 108 anh hùng Lương sơn bạc còn rộng rãi hơn nhiều. Biện Nhạc, trong thâm tâm không muốn chỉ là tên cướp núi thứ 109. Điều đó, Huệ hiểu rõ lắm. Vì vậy, giống như lần trước, Huệ không thắc mắc, tranh luận với anh về chuyện xây thành nữa, xem đó là một nhu cầu bức thiết không thể làm khác được. Phần mình, Huệ cũng có những toan tính riêng. Ngoài các buổi luyện tập võ nghệ và sử dụng đao kiếm, giáo mác, Huệ tuyển chọn một số trai tráng khỏe mạnh và can đảm, đêm đêm họ tụ họp lại bàn luận sôi nổi về cách điều quân, cách đánh thành. Những người xuất sắc trong nhóm này có Mẫm, Đá, Uy vốn đã lên trại từ thời buôn trầu, Tuyết, người Tuy Viễn mới xin qui thuận sau một chuyến cướp muối bất thành, Lộc xuất thân chăn trâu giỏi võ nghệ không chịu đựng được cảnh bất công tìm lên Tây Sơn thực hiện chí lớn. Cuối cùng, tất nhiên phải có Chinh.
Ông giáo bận việc quá, không ngó ngàng gì đến việc nhà. An thấy Chinh đêm nào cũng về thật khuya, tập quen đóng khố, nói tiếng Thượng, tò mò tra vấn mãi mà Chinh không chịu nói. An đoán: Lại một trò bất ngờ kỳ dị như trò nuốt sâu thuở bé. Nhưng Chinh đã 22 tuổi đầu, chứ còn bé bỏng gì! Đâu phải là thời xem mọi sự như một trò tinh nghịch! An lo ngại bảo anh:
- Coi chừng, đừng đùa với người Thượng. Họ đơn giản thế, nhưng lúc nổi giận lên, phải biết. Anh còn nhớ cách họ giết anh buôn muối chứ?
Chinh đưa cái ống điếu dài lên môi, bắt chước y lối hút thuốc của người Thượng, bập bập vài cái, nhả khói, mới đáp:
- Nhớ rồi, nhớ rồi, "bà cụ" của tôi ơi!
- Thế anh định chơi trò gì đấy.
Chinh cười khiêu khích:
- Không nói được. Rồi sẽ biết!
An dọa:
- Em mét cha cho xem!
Chinh nghiêm nét mặt:
- Không được. Đây là chuyện quan trọng, không phải chơi đâu. Anh Huệ chủ trương chuyện này. Đã yên lòng chưa.
Nghe Chinh gọi Huệ là "anh", mặc dầu lớn hơn Huệ hai tuổi, An kinh ngạc một cách thích thú. Cô thấy lòng rộn rã, quên biến mọi thắc mắc.
Đêm sau, An chờ cửa đến canh hai, vẫn không thấy Chinh về. Sang canh ba, cô buồn ngủ quá thiếp đi lúc nào không hay. Sáng mở cửa đã nghe mọi người sôi nổi bàn tán về chiến công ban đầu của Tây Sơn thượng. Một toán trai tráng gồm bốn người đã thực hiện một cuộc phản đột kích, phá tan đồn quân triều bên kia đèo, giết gần hết số lính trấn đóng ở đó, lại còn bắt thêm được một tù binh để khai thác tin tức. An mừng khấp khởi theo cái mừng của mọi người, sau đó lo ngại Chinh gặp nguy hiểm. Cô chạy đi tìm anh.
May cho An, cô không chen được vào đám đông đang bao vây bốn dũng sĩ để nghe kể thành tích chiến thắng, nên khỏi phải một phen sững sờ. Cả bốn người gồm Tuyết, Đá, Uy và Chinh đều đóng khố theo cách người Thượng, thân thể đen màu bồ hóng. Sau Tuyết, đến lượt Chinh kể chiến công của mình. Anh giết được ba tên, bằng chứng là ba cái tai cắt được xỏ xâu bằng dây giang giơ cao cho mọi người nhìn thấy. Đó là sáng kiến của Tuyết, nghe bảo đã đọc trong truyện Tàu. Lúc Chinh đang đong đưa xâu tai người khắp tứ phía cho khán giả nhìn kỹ, có ai đó la lớn:
- Coi chừng anh ta gian lận, giết được có một tên mà cắt cả hai tai đem về.
Đám đông nghe ý lạ, cười ồ. Có nhiều tiếng phụ họa:
- Phải rồi. Coi chừng gian lận. Kiểm lại coi có đúng là ba cái tai trái không?
Đòi hỏi bất ngờ nhưng hợp lý quá, nên đám đông lại nhao nhao đòi kiểm soát chiến tích. Chinh lúng túng chưa biết phải làm gì thì Tuyết đã giật lấy xâu tai của Chinh, chăm chú kiểm soát. Tuyết la to:
- Một tai phải. Hai tai trái.
Đám đông la ó:
- Vậy là có gian lận. Chỉ giết được hai tên thôi.
Chinh tức quá, cãi lại:
- Giết ba tên. Rõ ràng có ba cái xác.
- Chỉ có hai tên.
- Không, ba tên.
Kịp lúc Tuyết thành thạo so lại ba cái tai, khám phá ra rằng không có vành tai nào giống vành tai nào. Tuyết lại bảo:
- Đúng rồi, ba tên chứ không phải hai, vì tai trái và tai phải không giống nhau.
Đám đông lại thích thú cười ồ. Số ít đàn bà con gái mải theo dõi cuộc mừng công vì hiếu kỳ, bây giờ mới cảm thấy sợ. Họ nhìn trân mấy cái tai xâu dây lủng lẳng Tuyết đang đưa cao, mắt dán vào chiến tích quái dị ghê rợn đó, chân bủn rủn. Đúng là may mắn cho An, khỏi phải nhìn thấy Chinh đen điu, dị dạng, và thô bạo lạnh lùng dường ấy!
*
* *
Chuyện dị thường ấy, tất nhiên phải đến tai ông giáo. Xế chiều, An thấy cha lầm lì, mặt tái xanh, thắc thỏm đi vào đi ra như đang nôn nao chờ đợi điều gì. An tránh đôi mắt giận dữ của cha, không dám hỏi. Ông giáo ngồi xuống chống cằm suy nghĩ, rồi xuống bếp tìm cái rựa. An cho nhà hàng xóm mượn chẻ củi quên đòi về. Ông gắt ầm lên, mắng An là "đồ gái hư". An lén gạt vội nước mắt chạy đi đòi rựa cho cha. Lúc về, ông giáo đã đi khỏi. Ông trở về ngay với một cái roi mây thật dài!
An không khỏi lo âu, bụng nghĩ không lẽ cha phạt mình chỉ vì một chuyện vặt. Ông giáo bảo An cất cái dao phay, rồi lại ngồi chờ. Lãng về quá giờ cơm chiều. Cũng không có gì xảy ra. Chinh về, dáng bước hăm hở, miệng huýt sáo. An từ xa, ra dấu cho anh, nhưng mải vui Chinh không chú ý. Anh hỏi:
- Sao không thắp đèn lên?
An thì thào:
- Có cha ở nhà trên. Hình như cha đang gặp chuyện phiền.
Chinh nói "Thế à", rồi sửa soạn đi tắm. Đúng lúc đó, có tiếng ông giáo gọi:
- Thằng Chinh đâu?
Chinh thưa:
- Da, con ở dưới này.
Tiếng ông giáo run run:
- Lên đây tao bảo.
Chinh bước lên nhà trên. Ông giáo lại gọi:
- An đâu?
- Dạ!
- Thắp cái đèn đem ngay lên đây.
Lúc An mang cây đèn lên, ông giáo vẫn ngồi nguyên ở chỗ bàn nước. Chinh thì đứng chờ gần cửa ra vào, ngơ ngác không hiểu cha muốn sai bảo điều gì mà một lúc thật lâu trong bóng tối, ông giáo chưa nói gì cả. Chờ cho An đặt xong cây đèn chai sát bên vách để tránh gió, ông giáo hỏi:
- Thằng Lãng đi đâu rồi?
An thưa:
- Nó ở dưới bếp.
- Kêu lên đây!
Bấy giờ ba anh em mới ý thức được tầm quan trọng của tình thế. Không ai dám thở mạnh, ông giáo thì vẫn giữ nét mặt lạnh lùng khó hiểu. Sau một lúc im lặng, chừng như để dằn bớt xúc động, ông bảo:
- Thằng Chinh nằm xuống.
Chinh ngạc nhiên, nhưng cứ vâng lời cha. Thấy con định đến chỗ cái phản, ông giáo hét lên:
- Nằm xuống đất. Mày không đáng được nằm chỗ sạch sẽ.
Chinh nằm sấp ngay trước mặt cha. Ông giáo xô ghế đứng dậy, đến lấy cái roi mây gác trên đầu tủ. cây roi quá dài so với căn phòng hẹp. Ông đẩy cái bàn nước sát vào tường. Khay trà chòng chành suýt làm rơi cả ấm chén. An không kịp nghĩ ngợi gì, vội năn nỉ:
- Cha tha tội cho anh con. Con van cha. Con lạy cha!
An khóc thành tiếng, nghẹn không nói thêm được lời nào. Ông giáo không thèm nghe lời con gái, cầm cái roi mây nhịp nhịp lên mông Chinh, gằn giọng hỏi:
- Hồi hôm mày làm gì?
Chinh hơi đoán được sự việc, điềm tĩnh trả lời:
- Con dự trận đánh đồn quân triều dưới đèo.
- Tao biết rồi. Nhưng mày làm gì nữa?
- Con có làm gì khác đâu.
- Nói dối. Tao hỏi lại, hồi hôm nay làm gì?
- Xong trận, tụi con về tới đây đã hửng sáng. Con đâu dám dối cha.
Giọng ông giáo đanh lại, rít giữa hai hàm răng
- Vậy cái xâu tai người của mày đâu rồi?
Chinh nằm im không dám trả lời. Ông giáo dồn hết sức già, quật mạnh cái roi mây lên người Chinh. Hai roi đầu, Chinh oằn người lại như con rắn bị dẫm, nhưng từ roi thứ ba trở đi, anh nằm yên, chấp nhận sự trừng phạt giận dữ của cha. An và Lãng lặng người sợ hãi, không dám khóc, cũng quên cả năn nỉ hộ anh. Ông giáo như người điên, quất túi bụi lên mông, lên lưng Chinh. Sự ngoan ngoãn can đảm của Chinh càng làm cho ông giáo giận dữ hơn. Ông đánh đến rã rời cánh tay mới dừng lại thở. Ông cảm thấy ngộp, muốn hét lên cho bớt giận. Nghỉ một lúc lâu, ông mới lắp bắp nói được với con:
- Đâu? Cái xâu tai người của mày đâu? Tao nghe người ta bảo mày đeo tòng teng trên cổ như xâu chuỗi ngọc mà! Trời hỡi trời, biết thế này thà tao giết mày từ khi mới lọt lòng.
Ông quất thêm hai roi, đuối sức phải ngồi ghé lên ghế. Ông thở dốc, cái mệt thấm dần trên từng sợi gân, thớ thịt. Hai thái dương ông tê dại, mồ hôi đổ ra ướt cả lưng áo. Có lẽ vì vậy mà giọng nói của ông trầm xuống, gần như tỉ tê, tâm sự:
- Giết người! Đó là một việc đại ác. Một trò đê tiện! Một chuyện bất đắc dĩ. Không còn cách nào khác, ta phải giết kẻ thù để bảo toàn mạng sống, hay che chở cha thân nhân, bà con. Tao không trách chuyện dự trận đêm qua. Đó là bổn phận. nhưng hạ được kẻ thù thì thôi. Chết là hết. Mày thì không, mày xem cái trò bất đắc dĩ đó như một trò vui. Mày thích thú, mày khoái lạc được giết người. Mày cắt tai người chết đem về khoe như một đứa du côn, một tên hiếu sát. Mày là thằng mất dạy. Tao hối hận đã sinh ra mày, nuôi nấng mày.
Gai ốc nổi dọc theo sống lưng An. Cô nhìn anh đang nằm dài trên nền đất ẩm như một xác chết, không tin Chinh dám làm một chuyện ghê tởm đến thế. Nhưng sự thật rành rành ra đó, nếu buổi sáng chịu khó chen lấn hoặc buổi chiều không mê mải cắt sửa mấy cái áo cũ thì thế nào An cũng nghe thiên hạ bàn tán sôi nổi. An nghĩ đến cái trò nuốt sâu của anh, nghĩ đến vẻ hăm hở, say dại của Chinh hôm dự cuộc hành quyết... Không nghi ngờ gì nữa, chắc chắn những điều ông giáo vừa nói đều đúng sự thật. An bàng hoàng, sau đó lòng cứ thắc mắc: Tại sao anh Huệ trực tiếp xếp đặt cuộc đột kích này mà không ngăn anh Chinh làm chuyện ác? Anh ấy có biết trước không? Có lẽ không biết đâu. Nhất định không thể biết trước được. Nếu biết trước thì đã... Hay anh ấy cũng thích làm chuyện dị thường như anh Chinh đã làm? Hoặc chính anh ấy ra lệnh để tiện ghi công? Cắt tai người, trời hỡi trời, có thể như vậy được không?
An không thể chịu đựng cảm giác hãi hùng, cộng thêm sự xao xuyến thắc mắc được nữa! Anh ấy có ra lệnh không? Nhất định không! Biết đâu đấy...Không được lệnh thì anh Chinh đâu dám làm? An chạy xuống bếp mà những câu hỏi mâu thuẫn cứ bao vây lấy cô, như bầy muỗi độc từ lớp lá mục hằng hà sa số bay tìm hơi người đêm đêm.
*
* *
Nhờ tên tù binh gốc người Xuân Huề, Lợi mới biết tất cả gia đình mình đã bị thảm sát. Cuộc khủng bố trắng đã lan qua bờ nam sông Côn. Phúc, anh ruột Lợi, chồng cô ba Lý, bị quân phủ xem là tay chân thân tín biện Nhạc gài lại Tuy Viễn để nắm tình hình. Người mẹ già yếu bị đem ra tra tấn, đánh đập trước mặt Phúc để buộc Phúc cung khai. Phúc không có gì để khai thêm, một mực thề thốt là đã nói hết sự thực. Đến lượt bọn lính hành hạ cô vợ. Phúc không đủ tài ứng biến và can đảm để khai dối cho đúng ý quân phủ. Phúc bị kết tội ngoan cố. Chỉ cần một cái phất tay: toàn gia đình bị đâm chết, nhà cửa bị vơ vét sạch sành sanh trước khi phóng hỏa.
Nghe được tin dữ, Lợi vội vã chạy đến nhà Hai Nhiều. Không chịu đựng nổi những lời gào thét kể lể, Lợi lánh qua nhà ông giáo. Thấy An dã dượi, gương mặt thất thần, Lợi tưởng An đã biết tin, cố nén nỗi đau của mình, an ủi:
- Thôi An đừng buồn. Chết, là được an phận, là rũ hết nợ nần. Chỉ tội cho người ở lại. Bây giờ tôi hối hận là trước kia mải mê đi đây đi đó, ít chịu ở nhà để phụng dưỡng, hầu hạ mẹ. Mẹ tôi chỉ thương anh Phúc, xem tôi là đứa con hư. Đáng lý phải hiểu mẹ, tôi lại oán. Lần cuối cùng, mẹ tôi dọn cơm lên, ăn nửa bữa, tôi cãi lại mẹ tôi, quăng đũa bỏ đi. Mẹ tôi mếu máo chạy theo ra đến ngõ, dúi vào túi tôi mấy quan tiền. Tôi nhận tiền của bà cụ, nhìn nét mặt nhăn nheo cầu khẩn, thương mẹ tôi quá. Nhưng không hiểu sao tôi lại rứt tay mẹ tôi ra, bỏ đi một mạch. Tôi đâu còn cơ hội nào, để trở về cúi lạy mẹ tôi, xin mẹ tha tội. Chết là hết. Bà cụ chết mà vẫn đinh ninh tôi là đứa con ngỗ ngược, bất hiếu...
Lợi nói một mạch, không chú ý sự kinh ngạc của An. Lợi càng nói, An càng thấy rối rắm, không hiểu gì. Cô chỉ hiểu Lợi vừa mất mẹ. An thảng thốt hỏi:
- Em chưa hiểu gì cả. Bà cụ mất hồi nào? Anh Phúc nhắn tin lên đây à?
Đến lượt Lợi ngạc nhiên, Lợi hỏi:
- Vậy An chưa biết tin sao?
- Tin gì?
- Chúng nó giết cả nhà tôi rồi.
- Anh nói sao! Chúng nó là ai?
- Tụi quân phủ. Chúng nó nghi anh Phúc còn làm việc với ông biện, nên giết cả nhà tôi.
- Tin tức đã chắc chắn chưa? Ai cho anh hay?
- Tên tù binh ta bắt về hôm nọ. Nó khai hết, khai cả các đồn lũy đóng dọc theo quan lộ để phòng ta đánh xuống. Đêm qua tôi đem phát cho nó cái chiếu, nhân tiện hỏi quê quán. Nó khai người Xuân Huề. Tôi hỏi thăm chuyện nhà, mới biết tin dữ. Tôi sợ nó lầm, hỏi đi hỏi lại nhiều lần, nó nói không khác trước. Tuy ở khác xóm, nhưng nó biết rõ mẹ tôi, và vợ chồng anh Phúc. Nó còn biết cả đến chuyện mẹ chồng nàng dâu thường xích mích nhau nữa!
An buột miệng nói:
- Như vậy là chỉ còn một mình anh trên đời.
Lợi buồn rầu nói:
- Phải. Một mình trên đời. Tôi không còn chỗ nào để về nữa.
Hai người đều im lặng, và rùng mình nghĩ đến thân phận côi cút, cuộc sống trôi dạt... An thấy lòng ngùi ngùi. Cô thương hại Lợi, thương lây đến cả đám cỏ bị dẫm nát trên lối đi, đám lửa heo hút trong bếp, làn khói mỏng tan loãng giữa gió lạnh. Cô đăm đăm nhìn Lợi, bắt gặp một cúc áo bị sút chỉ tạm ghim lại qua loa bằng cái gai khô. Giọng An dịu dàng, trìu mến hỏi:
- Anh cần khâu lại cái cúc áo không?
Lợi vội đưa tay lên che chỗ cúc áo bị mất, bối rối đáp:
- Tôi vô ý quá. An có kim khâu, cho tôi mượn. Tôi quen tự ý làm mọi việc.
An cảm thấy không nên đi quá cái mức vô hình cần thiết. Từ lâu, cô biết mình không còn có thể cười nói tự nhiên với Lợi như thời còn ở An Thái nữa. An phải giữ gìn ý tứ. Cô đã mười bảy tuổi đầu. Cho nên An vào nhà lấy kim chỉ đưa cho Lợi, rồi dặn:
- Anh cần gì, ý em nói cần kim chỉ hay những thứ vặt vãnh ấy mà, có thiếu thứ gì thì cứ đến nhà em.
Trong một phút dào dạt lòng thương hại và cảm động bồng bột, An quên mất rằng, đáng lý An phải nói ngược lại. Đáng lý Lợi ân cần căn dặn: "Cô có cần bất cứ thứ gì, dù là vặt vãnh như cây kim sợi chỉ thì cứ đến tìm tôi". Mà thực ra Lợi đã từng căn dặn An nhiều lần câu ấy.
Từ lâu việc quản lý thu chi, tính toán sổ sách, xuất nhập kho - nghĩa là trăm nghìn thứ công việc đòi hỏi sự chi li cẩn trọng và kém hào hứng nhất - được ông biện giao khoán cho Lữ và Lợi. Dĩ nhiên Lợi chỉ đóng vai phụ tá. Nhưng quản lý tài chánh không phải chỉ là nhắm mắt cúi đầu vâng theo những nguyên tắc chết, nép mình loanh quanh trong cái khuôn hẹp. Nó còn đòi hỏi sự uyển chuyển, thích nghi, và lòng can đảm. Những điều kiện ngoài khuôn phép này, những du di bạo dạn mà có tính toán như vậy, Lữ quá thiếu còn Lợi thì quá thừa.Trong nhiều trường hợp khó khăn, phức tạp, nhu cầu có ngay lương thực, ứng trước cho người đắp thành, cần thưởng ngay cho một món tiền cho kẻ đạt kỷ lục vỡ hoang, cần biếu ngay vài bao muối cho một thợ săn người Bana để giữ mối thịt rừng, Lữ còn đăm chiêu lúng túng thì Lợi đã có sẵn giải pháp. Dần dà Lữ chỉ còn cái chức hàm. Mọi việc quản lý đều ở trong tay Lợi, từ sợi chỉ cho đến con voi. Nắm giữ quyền hành quyết định mọi sự, nhưng lại khéo léo giấu mình trong cái vẻ ngoan ngoãn của thuộc cấp, dành cho cấp cao niềm hãnh diện được quyết định tối hậu, bằng lòng ở hậu trường cho kẻ khác ra sân khấu, có lẽ bí quyết sự thành công của Lợi là ở nghệ thuật xảo diệu đó.
*
* *
Phải công nhận rằng Lợi múa dẻo là nhờ mặt đất bằng phẳng. Mực điều hòa kinh tế tài chánh là thước đo của tình trạng xã hội. Suốt hai năm Tân Mão (1771) và Nhâm Thìn (1772), tình hình sinh hoạt và an ninh của Tây sơn thượng ngày một khả quan. Nhìn lại những chặng đường đã qua, đôi lúc chính biện Nhạc cũng không tin sức người có thể một mình vượt qua được bấy nhiêu gian nguy, biến động. Cái ý niệm "lòng trời" ban đầu là câu cửa miệng của Chỉ (một tên thầy cúng bị truy lùng về tội lừa lọc, trốn lên nương náu Tây sơn thượng) dùng để nịnh bợ, tán tụng biện Nhạc. Dần dà về sau, hơi ngợp trước tầm lớn rộng của quyền hành, trách nhiệm, phần nào thiếu tự tin trước các thành quả đạt được, biện Nhạc ưa dùng "lòng Trời" để giải thích điều tốt đẹp, khích lệ đám đông chịu đựng gian khổ khó khăn, hoặc che giấu các lỗi lầm lãnh đạo. Ông biện ưa nói: "Không có Trời thì thế này…không có Trời thì thế kia". Người nghe ôn lại những ngày nhọc nhằn, lo âu đầu tiên, rán tìm một lối giải thích, nhưng vì trí óc đơn giản không cho phép, ai cũng dễ dàng chấp thuận gợi ý của biện Nhạc. Họ thầm cảm ơn Trời đã không xô giạt họ, xua đuổi họ, truy lùng họ từ chỗ này đến chỗ khác như bọn người dưới đồng bằng, dẫn dắt họ đến một thung lũng ấm, ban cho họ một niềm hy vọng. Không có Trời thì... không có Trời thì... họ an tâm khi nhắc đi nhắc lại những lời giả thiết đã nhuốm màu sắc tôn giáo, tuy riêng rẽ từng người chưa ai tưởng tượng được hình dạng ông Trời ra sao! Trong hai năm, đám người xiêu giạt chạy lên Tây Sơn thượng quá đông đảo. Cuối năm Thìn, con số đã lên trên dưới ba nghìn. Thành phần của họ lại hết sức ô hợp, phức tạp. Đa số là những nông dân bần cùng, dù nhị nhục tối đa vẫn không chịu đựng được gánh nặng sưu thuế, sự hống hách của thổ hào, sự chèn ép của chức sắc. Những năm mưa thuận gió hòa, họ cắn răng chịu đựng để có miếng ăn. Trận đói năm Tí (1768) về hùa với lũ chức sắc, thổ hào, đuổi họ khỏi làng. Họ lang thang khắp nơi. Nghe tin chỗ nào có cái ăn là ùa nhau tới. Họ họp thành nhóm, che chở giúp đỡ nhau chống cự lòng ích kỷ, đố kỵ của những kẻ còn no. Nhiều khi nhờ dựa hơi nhau họ liều lĩnh ăn trộm, ăn cướp thóc lúa, khoai bắp. Miếng ăn lôi cuốn họ dần về phía nam, rồi sự tàn ác bất nhẫn của đồng loại xua họ lên phía tây.
Số còn lại - theo ngôn ngữ của bọn đạo đức giả đầu óc vừa hẹp hòi, vừa lười lĩnh - là những thành phần bất hảo, bọn vô lại. Có kể mang tội giết người. Có kẻ ăn trộm, kẻ cướp đường vượt ngục. Có kẻ mang công mắc nợ trốn đi. Cũng có người mang một mối hận nào đó, tuyệt vọng đem cuộc đời mình hoang phí nên tìm đến chỗ nước độc rừng sâu để chết dần chết mòn cho xong kiếp. Có người hết đường lừa lọc tìm đến chỗ hẻo lánh để lại thử thời vận. Và cũng không thiếu người phần lớn là trai tráng khỏe mạnh, không chịu cuối đầu nhẫn nhục như lớp chú bác, anh chị, quyết đi tìm một nơi tụ nghĩa để thực hiện giấc mộng công bằng, tự do còn hết sức mơ hồ của mình.
Bấy nhiêu con người khác nhau quá chừng về cá tính, hoàn cảnh cùng gặp nhau ở Tây Sơn thượng như một sự tình cờ, sống chen chúc bên nhau, nhà này kế với nhà kia, nép nhau nương nhau chống chỏi với khí núi, đói khát, bệnh tật; rồi lại đánh nhau, chém nhau vì những chuyện cỏn con! Cái tài buôn nguồn của biện Nhạc thật chưa đủ để đối phó với thực trạng rối bời này. Nhưng như người ta thường nói:"Có gió bão mới biết được cây cứng", biện Nhạc có những khả năng thích nghi, nhạy bén và quyết đoán nhanh chóng, nên lớn kịp với đòi hỏi. Các biến cố dồn dập tới vừa thử thách vừa kích thích ông. Ông vận dụng tất cả năng lực ra để đối phó, và sau mỗi biến cố, ông biện mừng rỡ thấy mình dồi dào thêm sinh lực, tinh thần sáng suốt hơn, dư sức chờ đón một biến cố mới.
Ông chỉ chủ động ở cái thế phòng vệ, đối phó, còn dòng cuốn của các sự kiện thì ở ngoài tầm tay của ông. Dù có muốn, ông cũng không thể đi ngược với một thứ xu thế huyền bí, lạ lùng mà ông chưa hiểu thấu. Chẳng hạn cách thức tổ chức đời sống ở Tây Sơn thượng. Có những ràng buộc mà ông biện không thể thoát khỏi. Tuy là những ràng buộc vô hình, ngầm hiểu với nhau. Ông phải tổ chức đời sống theo cách nào đây? Mô phỏng lối xếp đặt phân công của một trạm buôn nguồn chưa tới hai mươi người như ngày trước được không? Đưa mấy nghìn con người sống du canh, an cư như người Thượng được không? Ông biện hiểu là trách vụ mới không đơn giản, quyết định của mình liên quan đến sự sống chết của nhiều người. Gánh nặng của trách nhiệm là thứ ràng buộc. Còn có một ràng buộc khác chặt chẽ hơn, là ước vọng thầm kín của mọi người, trong đó có cả ước vọng của ông. Cũng như họ, ông không thể chấp nhận lối tổ chức, lối cai trị của bọn quan lại tham lam, tàn ác bên kia đèo. Ông và cả gia đình đều là những người tị nạn. Mô thức xã hội mà ông dựng lên ở thung lũng cô lập này, dù lớn dù nhỏ, đúng sai thế nào, nhất định không được bắt chước y guồng máy kềm kẹp và bóc lột dưới kia. Phải làm khác đi. Không thế thì ta lên đây làm gì, thà nhẫn nhục đi thu thuế cho quan phủ!
Nhạy bén ý thức được những ràng buộc đó, biện Nhạc đã tránh được những sai lầm trầm trọng. Trong tiểu tiết, có cái lầm lẫn, có những biện pháp ngây thơ hay vội vã. Nhưng thời kỳ ổn định ở Tây Sơn thượng, ông đã đi đúng hướng. Một mặt ông đáp ứng được khao khát được sống đúng nghĩa của đám đông, sống trong công bằng và được bảo vệ trọn vẹn nhân phẩm. Một mặt ông khéo léo hóa giải được các sức đối kháng, biến nó thành lưng chừng vô hại. Mặt khác, nếu cần thiết ông cũng mạnh bạo tiêu diệt các mầm bạo loạn, các phần tử ngoan cố nguy hiểm. Mối đe dọa thường trực bên kia đèo tiếp tay cho ông duy trì trật tự, vận động sức người xây thành đắp lũy. Các phần tử bị xếp vào loại vô lại không dám tỏ dấu hiệu phóng túng, đám đông để mắt theo dõi họ, cảm hóa họ, nhân danh quyền lợi chung. Huệ tổ chức trai tráng thành đoàn đội, ban ngày tham gia sản xuất, ban đêm luyện tập võ nghệ, chẳng bao lâu, lực lượng đó trở thành nòng cốt trong mọi công tác. Thận được giao việc mở rộng khu lò rèn để đúc thêm lưỡi cuốc lẫn giáo mác đao kiếm. "Cái uy" lộ liễu của Năm Ngạn cộng với kinh nghiệm canh tác của Hai Nhiều, khiến việc khẩn hoang, trồng tỉa tốt đẹp. Mối giao thiệp công tác với người Thượng khả quan, do chân tình của biện Nhạc cũng có, mà do những mưu kế nặng mùi thầy cúng của Chỉ cũng có. Đằng nào thì vụ đột kích giả danh người Thượng do Huệ chủ trương đã kéo hẳn các buôn Thượng về phe Nhạc, họ không thể đứng làm khách bàng quan như trước.
Tất cả các tiến triển thuận lợi ấy phản ảnh qua tình hình thu chi ổn định,đến nỗi Lợi tưởng mình là người khéo múa, là kẻ đa năng. Lợi tưởng toàn thể năng lực của đời mình đã được sử dụng đúng chỗ, đúng lúc, không còn có thể mơ ước điều gì cao hơn nữa! Lợi không cần chờ lâu, để thấy sự lầm lẫn của mình.
*
* *
Những đêm nằm nghe tiếng bọn trai tráng reo hò luyện tập ở khu đất trống cách không xa nhà ông bao nhiêu, ông giáo thường hoang mang, với vô số câu hỏi. Quanh ông đang có những chuẩn bị rộn rã đòi hỏi từng người phải dốc hết sức mình. Dường như cả vạn vật cũng thao thức, đêm đêm thoát khỏi cái vỏ vô tư, rì rầm khai hội. Nhịp sống nhanh hơn, nô nức vươn cao quá tầm cho phép của tự nhiên. Ông giáo không thể đứng ngoài không khí nô nức chung, hơn nữa chính ông góp phần không nhỏ để đẩy nhanh nhịp sống ấy. Nhiều hôm ông làm việc quên cả thời gian. Lúc ông nghỉ ngơi, nằm một mình lắng nghe gió thổi bên kia mái lá, những câu hỏi lại quấy nhiễu ông. Rộn rã chuẩn bị mọi mặt để làm gì đây? Phải bước đi đâu nữa? Biện Nhạc trả lời ngay cho ông giáo, chấm dứt những ray rức không kịp thời.
Vào khoảng cuối tháng 11 năm Thìn (1772), một hôm ông biện lưu ông giáo lại ăn cơm tối, "nhân tiện muốn làm bàn với thầy một việc rất quan trọng". Theo kinh nghiệm, ông giáo biết mỗi lần "nhân tiện" như thế, tất có những quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống Tây Sơn thượng.
Bữa cơm rượu thịt ê hề, có đầy đủ những nhân vật nòng cốt của trại. Nhưng sau khi no say, biện Nhạc chỉ giữ ông giáo và Chỉ, tên thầy cúng, ở lại uống trà. Chờ cho Huệ đi đóng tất cả cửa lớn cửa sổ của nhà khách lại xong, biện Nhạc mới nói:
Câu chuyện tối nay, tôi không muốn cho ai biết ngoài ba chúng ta. Hai vị về tuổi tác cũng như hiểu biết đều xứng đáng là bậc thầy của anh em tôi. Ý kiến hai thầy về chuyện tôi sắp nói như thế nào, xin cứ nói thẳng cho tôi biết. Đừng vị nể, sợ mất lòng mà nói nhẹ đi hoặc không nói gì hết.
Chỉ hất đầu ra phía sau, lấy điệu bộ trang trọng khách sáo nói:
- Được ông biện tin cẩn là một vinh hạnh lớn lao cho hai chúng tôi rồi. Xin ông biện đừng ngại. Chỉ sợ hiểu biết của chúng tôi nông cạn, phụ lòng mong đợi của ông biện mà thôi.
Nét mặt biện Nhạc đột nhiên sa sầm. Nhưng ngay sau đó, ông trở lại vồn vã, hòa nhã. Bằng lối nói nửa đùa nửa thật, biện Nhạc nói với ông thầy cúng:
- Vâng, thì tôi không ngại, tôi vâng theo ý thầy đấy nhé. Thầy lấy sự tin cẩn mà đãi tôi, thì tôi cũng lấy chân thật mà thưa với thầy rằng: từ lâu, lâu lắm rồi, tôi không vui khi người ta gọi tôi là "ông biện". Quí giá gì cái chức biện quèn, chuyên đi bóp hầu bóp họng dân đen lấy thuế nộp cho quan trên! Ngay từ lúc này, xin gọi tôi... gọi tôi khác đi. Tôi là con đầu, thôi, cứ gọi tôi là Ông Cả. Thầy thấy thế nào?
Chỉ hơi ngượng, cố cười giả lả, mau mắn đáp:
- Dạ, dạ đúng lắm. Ông biện... ấy chết, tôi quên... Ông Cả nghĩ thế là phải. Mình đâu còn là tên thu thuế của triều đình nữa. Quí gì cái chức biện lại Vân Đồn!
Nhạc quay về phía ông giáo, lễ phép hỏi:
- Thầy về khuya, có dặn các cô các chú ấy đừng đợi cửa không?
Ông giáo biết Nhạc muốn đổi lối nói trang trọng giả tạo ra chân tình đơn giản, nên đáp gọn:
- Tôi đã dặn rồi.
Nhạc gật đầu nói:
- Thôi thì chúng ta có thể nói chuyện đến khuya. Chuyện như thế này. Tôi định sau cái Tết Tỵ (1773), chúng ta xuống núi. Chẳng lẽ cứ bó gối ở chỗ xó rừng này mãi. Phải về lại đồng bằng cho anh em thăm lại bà con, gần gũi với họ hàng. Ai ở đây không mong trở về đồng bằng. Tôi cũng vậy, mà chắc hai thầy cùng vậy. Nhưng về như thế nào? Gióng trống hô lên một tiếng, chắc chắn mấy nghìn người chúng ta ùn ùn đổ xuống đèo thì không có gì ngăn chống được. Tôi tin chắc điều đó. Nhưng đã giống trống thì thì phải giương cờ, nếu không, chúng ta chẳng khác nào một đám cướp núi ô hợp. Cờ gì đây? Xin hai thầy nghĩ hộ cho.
Ông giáo ngạc nhiên về sự đơn giản của một quyết định quan trọng như vậy. Tất cả đều gãy gọn, không thể khác được. Cớ gì bấy lâu ông cứ hoang mang trăn trở. Mọi người đều náo nức khi nhìn xuống chân đèo, chỉ trỏ cho nhau phương hướng quê nhà. Phải về thôi. Ra đi bất đắc dĩ, đến lúc bình thường, liền nghĩ đến tiếng "về" thân ái từng ấp ủ bao đêm. Về, phải về. Ý nguyện thầm kín, khao khát nung nấu của mọi người không ai cưỡng lại được. Nhưng về thế nào? Trở lại quỳ gối làm kẻ nộp thuế, đóng sưu cho đầy túi tham của tên quốc phó? Không, không đời nào. Mối hận canh cánh bao năm đột nhiên vùng dậy, khiến mắt ông giáo hoa. Máu nóng rần rật trong người ông. Dứt khoát không. Ông nhớ đến cái chết của quan nội hữu Trương Văn Hạnh bạn ông, nhớ đến những âm mưu nhơ nhuốc ở kinh thành. Thật đúng là một cuộc hoán vị bỉ ổi. Ngọn cờ nào đây? Ông giáo muốn ngộp thở vì ý tưởng vừa đến trong đầu óc ông. Sợ ông thầy cúng tranh mấy cơ hội, ông giáo hấp tấp nói:
- Lòng dân đều hận tên quốc phó Trương Phúc Loan. Giương cờ diệt trừ tên loạn thần đó thì ai mà không mừng rỡ chào đón. Xưa nay không thiếu những bậc anh hùng dám đứng lên diệt loạn thần phò minh chúa, sử sách còn ghi tên cho đời sau.
Nhạc vội hỏi:
- Ta phò minh chúa nào?
Ông giáo đáp không cần suy nghĩ:
- Ta phò hoàng tôn. Đức Mụ yểu mệnh, không thể nối được ngôi của Đức Hiếu Võ, thì đúng ra phải tôn con trưởng của Đức Mụ lên ngôi. Chỉ tại tên loạn thần…
Nhạc không thể giữ bình tĩnh, cướp lời ông giáo:
- Thầy vừa nói hoàng tôn nào?
- Hoàng Tôn Dương, con trưởng của Đức Mụ. Tôn phù như vậy mới đúng chính thống.
Nhạc hỏi lại:
- Hoàng Tôn Dương? Hoàng Tôn Dương? Có phải cái tên "chị Dương" thầy kể độ trước không?
Ông giáo vui mừng đáp:
- Chính phải. Hoàng hôn mới đúng là…
Tiếng cười ha hả của Nhạc khiến ông giáo khựng lại, ngơ ngác. Nhạc cười đến gập người lại, mất hẳn vẻ nghiêm trang. Ông giáo nghiêm nét mặt, cố ý tỏ sự bất bình. Nhạc cố nhịn cười để nói, nhưng lại bật cười ha hả lần nữa. Ông thầy cúng chưa hiểu gì cũng cười góp. Một lúc sau, Nhạc vừa cười vừa giễu cợt:
- Xin lỗi thầy. Tôi vô phép quá nhưng không thể nín cười được. Thầy nghĩ mà coi, mình hết đường rồi hay sao mà lại đi nhờ "chị Dương". Thờ… chi cái thằng… không có… cu! Ha ha…
Ông giáo giận tím người, từ đó ngồi im không nói nữa. Nếu có thêm chút can đảm, ông đã đứng dậy bỏ về. Ông tự trách đã yếu đuối, hèn nhát, vô liêm sỉ nên mới ngồi lại.
Tên thầy cúng lấy được tự tin sau khi đối thủ bị loại, nên đề nghị:
- Ta nên dựa vào "lòng Trời". Không có Trời thì ta không sống được đến ngày xuống núi đâu. Diệt tên loạn thần cũng là hợp ý trời. Đưa cao "ý Trời" lên, ai mà không theo!
Nhạc lắng nghe, suy nghĩ một lúc lâu chưa nói gì. Chỉ lễ phép và kiên nhẫn đợi. Nhạc chậm rãi nói:
- Trời. Lòng Trời. Được lắm. Nhưng Trời xa, cao quá. Dân đói khổ kêu Trời đâu có thấu. Nhiều người còn oán Trời không có mắt nữa. Cần cái gì gần gũi hơn, quen thân với mọi người hơn.
Chỉ e dè nói:
- Hay ta nhân danh "Trời và Đức Thầy Cả"(1). Nói chữ, thì "Trời và Đức Thượng Sư". Vâng ý trời và Đức Thượng Sư, ta hãy diệt tên loạn thần tàn bạo!
Giọng tên thầy cúng rất giống với lối hát tuồng khi nói đến câu cuối cùng. Nhạc cười ha hả:
- Ý thầy lạ lắm. Để tôi ngẫm lại xem. "Trời và Đức Thầy Cả!" "Trời và Đức Thượng Sư!" Thầy Cả, Thượng Sư. Tôi ưa "Thầy Cả" hơn, nôm na dễ hiểu. "Thượng Sư", giống cái bọn đầu trọc trốn cày cuốc sưu dịch, núp vào chùa quá!
(Còn tiếp)
(1) Trong thư của Đức Cha Diego de Jumilla viết cho Cha Jean Salguero vào ngày 15-2-1774 có viết: Chúng sai người tuyên truyền khắp các làng rằng chúng không phải là bọn đầu trộm đuôi cướp, mà "Trời và Đức Thầy Cả" sai xuống để chiến tranh. (Trích lại tập san Sử Địa số 21.1971)
|