Về tình hình Nam Hà năm Quí Tỵ (1773), cuốn sử triều Nguyễn "Liệt truyện tiền biên" chép: "Năm Quí Tỵ mùa xuân, Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc mở cờ làm loạn. Có tin ở biên thùy cấp báo. Nhưng vì bình yên đã lâu không phải đánh trận nào nên tướng sĩ ươn ế, kẻ kiếm cớ này người tìm cớ nọ để thoái thác. Loan lại giở thói ăn hối lộ để chỉ định người khác ra trận thay" (quyển 6, 35b). Các sử quan triều Nguyễn về sau đã vo tròn lịch sử lại, làm hạt minh châu giả đính lên chiếc miệng giấy của bọn vua quan ươn hèn. Họ giải thích sự rệu rã bất lực của triều đình trước cuộc khởi nghĩa ở Tây Sơn bằng cách nêu ra hai lý do: một là vì hưởng thái bình đã lâu nên tướng sĩ đâm lười nhác, hai là do sự tham ô của Trương Phúc Loan. Lập luận hết sức mâu thuẫn, vì họ tránh né không dám nhìn thẳng vào sự thực lịch sử thời bấy giờ.
Thử hỏi thứ "bình yên" lâu dài của Nam Hà do sử quan nhà Nguyễn nhắc đến như thế nào? Thứ bình yên của một thiểu số con vua cháu chúa và bọn công thần nối nhau đời đời hưởng mọi tiện nghi xa hoa, mặc gấm đoạn, đồ dùng toàn mâm đồng, thau bạc, chén dĩa sứ Tàu, hay thứ "bình yên" của đám đông chịu đủ thứ sưu dịch thuế khóa? Sự tham tàn của tầng lớp thống trị đã lên đến cực độ, mà nơi dân chúng bị bóc lột nặng nề nhất là ở mấy phủ Quảng Nam, Quy Nhơn. So với đất cũ Thuận Hóa, dân các phủ phía nam đèo Hải Vân phải chịu thuế khóa nặng hơn. Lê Quí Đôn viết trong Phủ Biên Tạp Lục như sau: "Lệ phí thuế ở xứ Quảng Nam khác với xứ Thuận Hóa. Sự trưng thu so với Thuận Hóa hơi nặng, cho nên kho tàng thu vào rất nhiều, bổng lộc quan lại rất nhiều, mà dân địa phương ấy nổi loạn trước hơn ai cả cũng vì cớ ấy". Ông Quế Đường có thấy rõ vấn đề hơn bọn sử quan nhà Nguyễn sau này, khi cho rằng nguyên nhân cuộc nổi loạn là tình trạng bất công nặng nề lộ liễu ở các phủ thuộc xứ Quảng Nam.
Nhưng giả sử thời đại bình yên kéo dài của nhà Nguyễn được dựng trên cái nền công bằng hơn, trên có vua sáng, quan lại thanh liêm, chính sách thuế khóa hai bên đèo Hải Vân không có sự chênh lệch, vương phủ và các dinh trấn không sống xa hoa đến nỗi đặt đủ thứ mánh khóe bóp hầu bóp họng dân nghèo, thì liệu có cuộc khởi nghĩa ở Tây Sơn thượng hay không? Nếu Trương Phúc Loan không thích phơi vàng ở lầu Phấn Dương, nếu chúa Nguyễn chịu tha cho dân một vài món thuế vặt như tiền tết, tiền cơm mới, hạ bớt thuế ruộng đất, chê các loại gấm đoạn và sơn hào hải vị đem từ bên Tàu sang, thì tình thế lúc bấy giờ sẽ thế nào? Những chữ nếu làm rắc rối thêm chiều hướng lịch sử vốn đã phức tạp, nhưng chúng ta không thể nào hiểu được cơn bão đã làm lay động dữ dội xã hội Việt Nam thế kỷ thứ 18 nếu - lại chữ nếu - sợ hãi né tránh như các sử quan nhà Nguyễn, hoặc nếu tự dắt vào mê lộ của những hiện tượng bên ngoài.
Nguyên nhân sự rệu rã của guồng máy chính quyền Nam Hà thời bấy giờ phải có căn bản sâu xa hơn, thuộc vào một thứ qui luật khách quan chi phối tất cả mọi biến cố, mọi hiện tượng. Xứ Thuận Hóa thời bấy giờ đã là một vùng đất nghèo, nguồn lợi kinh tế ít ỏi không đủ cho các chi phí lớn lao cho việc quốc phòng bên bờ nam sông Gianh. Các chúa Nguyễn có thể buộc bọn sử quan dưới tay ca tụng công khai phá bờ cõi của mình, dựa vào đó đòi hỏi được công nhận như một dòng họ thống trị chính thống, hợp ý trời và lòng người. Nhưng ai cũng biết công cuộc mở rộng bờ cõi về phương nam không phải chỉ khởi đầu từ Nguyễn Hoàng, mà bất cứ một dòng họ nào ở vào vị trí của họ Nguyễn Gia Miêu cũng đều phải nghĩ đến nam tiến. Những người tiên phong đi khai phá đất mới mở rộng bờ cõi phần lớn ra đi trong hoàn cảnh bất đắc dĩ. Họ là dân phiêu bạt bị cưỡng ép di cư. Là những tội đồ bị gửi đến chỗ thâm sơn cùng cốc, khí hậu độc địa để chịu khổ sai. Là những lính thú yếu thế vì nghèo khổ. Nói chung họ là thành phần bị bạc đãi của xã hội, bị ép buộc lìa bỏ quê hương để đến sống cam go cực khổ trên những vùng đất xa lạ, hoang dã, dân cư thưa thớt. Trên những địa bàn này, dân bản địa còn thưa thớt nên tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác nhiều như các vùng đất có nền văn minh lâu dài. Nhờ thế, những người tiên phong luôn luôn tìm được một vùng đất màu mỡ để sống còn. Từng đời, từng đời họ dần dà lấn sâu hơn về phía nam. Tương truyền núi Thạch Bi là dấu vết cuộc trường chinh của Lê Thánh Tôn, thì chắc chắn thời đó, vùng Quy Nhơn là vùng địa đầu của dân tộc Việt. Qua ba bốn đời, dân khai phá ở đó có đời sống kinh tế ổn định, tổ chức xã hội đã có nề nếp, việc khai phá tài nguyên làm giàu cho đất nước trở nên hữu hiệu. Về cuối thế kỷ 18, xứ Quảng Nam kéo dài từ ngọn Ngãi Lĩnh đến đèo Cù Mông đã trở thành một vùng đất trù phú, bỏ xa về tiềm lực kinh tế và mật độ dân cư nếu so với vùng Thuận Hóa cằn cỗi và vùng đất từ Phú Yên đến Gia Định dân cư thưa thớt. Đám dân lao động của xứ Quảng Nam tự nhiên giữ địa vị nòng cốt về kinh tế cho cả Nam Hà, gánh chịu trách nhiệm chính về mọi mặt. Mồ hôi và nước mắt của họ đã đổ ra quá nhiều, nên có quyền đòi hỏi một cổ chức xã hội phù hợp với công lao và ước nguyện hạnh phúc của họ. Qua ba, bốn đời,cái dấu chân ô nhục bọn thống trị trổ lên mặt tổ tiên họ không còn khiến cho họ nem nép sợ hãi nữa. Họ đã dám ngửng lên, để mạnh dạn đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, nếu cần đạp phăng những chướng ngại trên đường họ đi. Guồng máy công quyền với các luật lệ trói buộc gay gắt, tàn nhẫn đã không còn thích hợp với những người dám ngửng mặt, quất mắt nhìn lên. Cho nên không có vùng đất nào thích hợp hơn xứ Quảng Nam, để những người lao động chân đất, hay nói như Nguyễn Huệ, để những "người dân núi" đứng lên đòi hỏi thiết lập một trật tự mới, không gì có thể ngăn cản được xu thế lịch sử khách quan này. Ở vào hoàn cảnh kinh tế và xã hội Nam Hà hậu bán thế kỷ 18, so với miền Thuận Hóa già cỗi và vùng Gia Định thưa thớt, rõ ràng trung tâm của lịch sử đã chuyển về xứ Quảng Nam, và quyền làm lịch sử đã thuộc về những người chân đất. Trương Phúc Loan, Duệ Tôn, bọn tham quan ô lại đông như ruồi nhặng thời bấy giờ ở Đàng Trong chỉ là các hiện tượng tất nhiên của một thế lực chính trị đang xuống dốc, và Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ là những cá nhân ở đúng vào vị trí vươn lên của một thế lực mới. Dĩ nhiên anh em Nhạc, Huệ và những người thân cận thuở dấy nghiệp có tài trí đủ để lãnh nhận vai trò lịch sử, nhưng họ không hoàn toàn chủ động. Tình thế đẩy họ tiến lên, đám đông thúc họ đứng dậy. Và khi họ đã đứng lên, tiến tới thì hào quang trí tuệ và tài thao lược của họ đã lôi cuốn đám đông, góp gió thành bão để quật ngã tất cả mọi trở lực. Bước đầu họ có lúng túng với vai trò mới, họ cảm thấy bị đưa đẩy nên phải quyết định vội, nhưng dần dần quen với vai trò lịch sử, họ tự tin hơn, chính lúc đó khả năng trí tuệ của họ mới biểu lộ toàn diện để đối phó với các biến cố dồn dập, các thử thách lớn lao mà từ trước đến nay họ chưa từng gặp phải. Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ trở thành nhân vật vĩ đại của lịch sử trong biến chuyển khách quan của xã hội Nam Hà hậu bán thế kỷ 18 theo từng bước một, từng bước một, với sự quả cảm, trầm tĩnh và thông minh thiên phú. Bước đầu tiên của họ vào vùng hào quang, là bước tiến xuống Kiên Thành mùa thu năm Quý Tỵ (1773).
*
* *
Về sau ôn lại đời mình, ông giáo nhận thấy chưa có thời kỳ nào có nhiều hứng khởi cho bằng mùa thu năm Tỵ. Có thể nói chỉ trong một tháng ngắn ngủi, những ước vọng thầm kín của ông đều được thực hiện, những khắc khoải được giải tỏa, những mâu thuẫn từng khiến ông thao thức trăn trở được hóa giải, những câu hỏi hoang mang tìm ra câu trả lời thích đáng. Những nguyên tắc của đức lý thỏa hiệp với thực tại uyển chuyển. Điều quan trọng nhất là ông vừa tìm được chỗ đứng của nhà nho, vừa thực hiện được những ý niệm về công bằng, nhân đạo (mà trong các thời kỳ nho giáo thoái hóa như thời ông sống, không dễ gì chấp nhận bên này mà không phải nghi ngờ hoặc phủ nhận bên kia).
Giải pháp tôn phù hoàng tôn Dương đã được Nhạc và những người chống đối ông giáo lâu nay chấp thuận. Như vậy là ông đã tìm ra một lẽ sống: diệt trừ bọn Trương Phúc Loan. Ông đứng về phía những người bị áp bức khốn khổ đói rách vì sưu cao thuế nặng, nhưng ông không làm loạn. Chữ trung trên trái tim ông không mảy may nghiêng lệch, vì những người cùng khổ quanh ông diệt loạn thần để tôn một ông hoàng dòng chính lên ngôi. Trương Văn Hạnh bạn ông ở dưới suối vàng cũng không mơ ước gì hơn là được sống để làm những việc ông đang làm. Một dạ trung trinh với vua, đáp được nghĩa cả với bạn, trả được ân sâu bảo bọc của những người đi chân đất từng cưu mang ông bao năm trong thời lánh nạn, thực hiện được hoài bão ôm ấp từ lúc hiểu được nghĩa sách. Không phải dễ dàng gặp được cơ hội để cùng một lúc làm được bấy nhiêu điều.
Cho nên thời đó nhiều người ở trạm đèo An Khê kinh ngạc thấy ông giáo trẻ hẳn ra. Ông tươi cười, hoạt bát, làm việc ngày đêm không mệt mỏi. Ông leo núi, băng rừng mà không cầm gậy. Da hồng hào. Đôi mắt rạng rỡ. Nhất là cách ông nói. Ông nói say sưa, nói liên miên. Nhạc yêu cầu ông gặp các nghĩa quân để giải thích cho họ hiểu, vì sao phải tôn phù hoàng tôn, ông giáo vui vẻ chấp thuận, gần như biết ơn. Nhạc không yêu cầu ông cũng tự đi tìm người để nói chuyện. Năm ba người đang bu quanh bếp lửa chờ khoai chín, ông sà đến bắt chuyện. Gặp một thanh niên đang mài giáo ven suối, ông cũng tìm cớ thăm hỏi rồi giảng giải, khuyến khích, khuyên răn cho một thôi một hồi, đến nỗi người lính trẻ mộc mạc miệng há hốc lắng nghe những lời lạ tai và lôi cuốn, quên cả phận sự.
Hai nơi ông giáo thích đến nhất là sân tập võ và trại rèn. Đó là những nơi tụ tập đông đảo, và không khí chuẩn bị chiến đấu hào hứng sôi động nhất trạm. Tiếng hò hét xông trận, tiếng vỗ tay tán thưởng các chiến sĩ xuất sắc, tiếng lửa reo ở lò rèn, tiếng búa đập vào thanh thép đỏ khích động ông dữ dội. Hễ tìm được lúc thuận tiện, là ông chen vào để nói. Mà đối với ông, lúc nào cũng thuận tiện cả. Cho nên, nhiều hôm ông gân cổ gào thi với tiếng búa, tiếng la hét, đến nỗi tối về, cổ họng ông rát, giọng nói khao khao. Ông mệt thiếp đi, quên cả cơm nước. Rồi sáng hôm sau, ông lại tìm đủ sinh lực và hứng khởi để bắt đầu lại, y như hôm trước. Ông quên cả thói quen nghề nghiệp là vừa giảng giải vừa thăm dò phản ứng của người nghe để đo lường hiệu quả, chấn chỉnh cách nói cho phù hợp với đối tượng. Gần như ông nói cho ông hơn là cho kẻ khác, nên đúng như Huệ kể với Lãng, ông giáo không nghe những lời giễu cợt - đôi lúc hỗn xược - của nhiều nghĩa quân. Họ thắc mắc về những điều ông giáo vững tin là chân lý, hoặc bông đùa đối với những gì ông cho là thiêng liêng, thế nhưng ông giáo không nhận ra. Ông nói, nói, nói. Cuối cùng sự hăng say của ông lôi cuốn được nhiều người, và tuy chưa biết hoàng tôn là cái thứ gì, họ cũng chấp nhận dễ dãi là nên tôn phù hoàng tôn. Một ông đồ hay chữ, khả kính, tuổi tác cao, lại đã từng ở kinh đô lâu năm hiểu hết mọi sự, hăng hái đề cao một người, thì người đó tất nhiên có gì xứng đáng. Nhờ thế ông giáo đã thành công! Không đợi Nhạc yêu cầu, ông còn soạn sẵn một bài hịch. Lúc đầu ông định dùng lại bài hịch cũ soạn ở Tây Sơn thượng trước khi Nhạc đưa quân xuống núi. Nhưng đọc lại, ông thấy bài ấy còn nhiều khuyết điểm. Điển cố nặng nề, khó hiểu quá. Điều này chính Huệ thuật lại với ông. Ý nghĩa dùng dằng. Lời kêu mà rỗng. Lại thêm cái tật dài dòng. Nhất là toàn bài không có một chút lửa mê. Đó là ánh đóm leo lét trên bàn đọc của một nhà nho lỡ thời. Ông viết xong bài hịch trong một đêm, không xóa một chữ. Viết đến chữ cuối thì chim rừng bắt đầu xôn xao thức dậy. Ông đọc lại, và lòng cũng xôn xao theo với chim chóc, cây cỏ. Đầu óc ông ngây ngất, đạt được một cảm giác đê mê khoái lạc y như sự đê mê của tình dục thời trai trẻ.
*
* *
Nhạc đưa Thận ra cửa với nét mặt dàu dàu. Trại rèn đã quá cố sức mình nhưng số giáo mác cần thiết vẫn chưa đủ. Nhạc giữ Thận lại trước hiên lợp lá, căn dặn:
- Tôi cho chú được toàn quyền. Muốn gì cũng được, miễn là rèn gấp cho đủ vũ khí. Thiếu ngựa chở thép ư? Nếu cần chú lấy cả con ngựa cưỡi của tôi đi chở hàng về. Thiếu bao nhiêu người thụt bễ tôi đưa thêm, ngay sáng nay. Còn cái thứ vũ khí gì mới... cái gì? hỏa hổ, à phải rồi, hỏa hổ, cái thứ đó chú tạm thời gác lại. Sau này xuống đồng bằng nhiều phương tiện và thì giờ hơn, ta sẽ bàn lại. Bây giờ chú rán rèn đủ số giáo mác cho tôi đã. Tình thế gấp rút lắm rồi. Chậm một ngày là hại một ngày. Chú nhớ chưa?
Nếu không có Bùi Văn Nhật đến thì chắc Nhạc còn giữ Thận lại căn dặn lâu hơn nữa. Nhật mang thêm cho ông cả một cái tin không vui. Nhạc nửa tin nửa nghi, hỏi lại:
- Ông có tin chắc chắn không?
Nhật đáp:
- Không thể lầm được. Chính bọn chèo ghe muối nói cho tôi nghe.
- Nhưng lâu nay hắn cộng tác chặt chẽ với mình, hai bên đi lại cùng nhau, có lợi cùng chia, hại cùng chịu, lẽ nào, hắn làm mà không lên bàn trước với tôi?
- Tôi nghĩ chính vì không muốn chia lợi ra làm hai phần nữa, mà hắn định ra tay trước.
Nhạc băn khoăn nghĩ ngợi một lát, rồi bảo Nhật:
- Ông cho gọi anh em lên đây. Mời luôn cả thầy giáo nữa. Việc này không thể chậm trễ được!
Nhật mang tin Nguyễn Thung đã cho tay chân quen đường buôn bán lâu nay rảo khắp các chợ vùng Tuy Viễn hô hào khởi loạn. Thanh thế của Thung ở các làng ven biển và hai bên hạ lưu sông Côn tăng lên nhanh chóng. Nhiểu toán cướp như toán của Nhưng Huy, Tứ Linh, cùng đám giặc biển Tập Đình, Lý Tài bằng lòng theo về với Thung. Trong lúc đó, sự tiếp tế hàng hóa lương thực cần thiết cho nghĩa quân Tây Sơn thượng suy giảm đột ngột, kho muối vơi nhanh chóng một cách đáng sợ. Nguyễn Thung toan tính gì đây? Phải làm gì đây? Nhạc họp ban tham mưu ngay buổi sáng, và nhờ sự quyết đoán nhạy bén, ngay buổi trưa, ông đã tìm được biện pháp thích ứng. Ông quyết định tiến quân chiếm Kiên Thành ngay hôm sau để làm căn cứ ở vùng xuôi. Đồng thời để bao vây, cô lập lực lượng của Thung, Nhạc cho người theo đường rừng đến liên lạc với nữ chúa Thị Hỏa và Châu Văn Tiếp ở Phú Yên. Ở mạn bắc, ông tiên liệu nếu về được Kiên Thành, qua ngã Thuận Truyền ông có thể khống chế cả hai phủ Phù Ly và Bống Sơn. Ông không thể chậm chân hơn Nguyễn Thung người bạn buôn đáng sợ của ông, người đã từng dòm ngó nguồn lợi rừng, cạnh tranh ráo riết với Nhạc từ lúc anh em chưa phải trốn lên Tây Sơn thượng. Vậy là một lần nữa, Nhạc bị đưa đẩy đến chỗ phải quyết định mạnh bạo, và một lần nữa, ông đã nhanh chóng lựa chọn một giải pháp đúng.
*
* *
Từ trạm dưới chân đèo An Khê, nghĩa quân ùa xuống đồng bằng theo hai cánh. Một cánh do Nhạc đích thân chỉ huy theo hữu ngạn sông Côn, chia với cánh kia ở núi Một, tiến qua Kiên thành, rồi thọc sâu chếch ra phía bắc đến Thuận Truyền chuẩn bị kiểm soát mạn bắc nếu cần. Một cánh theo tả ngạn xuống thẳng Xuân Huề để kiểm soát đường rừng vào Phú Yên qua Đồng Sim. Toán phía bắc đóng ở Gò Quánh do Tuyết chỉ huy. Toán xuống Xuân Huề do Huệ chỉ huy. Nhạc và ban tham mưu dừng lại ở Kiên thành.
Họ tiến nhanh quá, đến nỗi bọn hào lý vừa choàng thức dậy đã thấy nghĩa quân kéo đến đông chật cả sân trước. Những kẻ yếu bóng vía không kịp sợ hãi. Bọn cơ hội không có thì giờ để điều chỉnh thái độ và toan tính trục lợi. Gần như ở các làng nghĩa quân kéo qua, mọi sự giữ y nguyên trạng, trừ số phận bọn chức sắc.
Riêng ngôi nhà tổ phụ của anh em Tây Sơn tại Kiên thành không còn như trước. Bọn lính phủ đã phóng hỏa đốt rụi ngôi nhà khá khang trang đó. Lúc Nhạc trở về, ông chỉ thấy mấy cây cột cháy chỏng chơ trêm một cái nền vương vãi nào tro, than, rui mè cháy dở, cỏ dại và cứt.
Tên thầy cúng khuyên Nhạc nên đặt bản doanh tại Kiên thành cho tiện lợi và uy nghiêm, nhưng Nhạc nhất định không chịu. Vườn nhà ông cả hẹp, cây cối phần chết cháy, phần bị hàng xóm phá phách trông thật xơ xác, tiêu điều. Địa thế cũng không được tiện lợi, xa bờ sông quá. Đường cái nhỏ và lầy lội. Tuy vậy, không ai có thể lay chuyển được ý định của Nhạc. Trong vòng hai ngày, ông cho người dọn dẹp hết các tàn tích đổ nát, rồi dựng ngay trên nền đất tổ một nhà trại lớn ba gian hai chái, mái lợp tranh vách đất. Đặc biệt mái trại cao và dốc đứng như mái nhà làng trên các buôn Thượng. Tòa trại dựng xong, ông đứng lặng hồi lâu ngắm nghía, tận hưởng sự thành công uy nghi ban đầu của mình trên chính mảnh đất quê hương. Sau đó, Nhạc mới chịu nghe theo các lời cố vấn của Chỉ.
Ban đầu, Nhạc nghe lời bàn của Chỉ như nghe một mẩu chuyện vui của trẻ con. Cái trò thao diễn nghi lễ tiến lên mấy bước lùi lại mấy bước, chắp xá thế nào, thân nghiêng về phía trước thế nào, quần áo mũ mão, gươm giáo cờ phướng, ôi thôi bao nhiêu điều phiền phức vô bổ đó để làm cái gì chứ? Thật tội nghiệp cho những nông dân đứng tuổi, chân tay vụng về bị buộc phải làm trò múa rối trước những đôi mắt giễu cợt của bọn trẻ con. Chính Nhạc cũng không muốn nhìn cái cảnh tập dợt chướng mắt đó. Nhưng Chỉ đã tỏ ra kiên nhẫn vô cùng, chịu khó chờ cơ hội để chứng minh cái đúng của mình. Cơ hội ấy đến liền: Vừa về Kiên thành, Nhạc đã cho người đến liên lạc với Nguyễn Thung và Huyền Khê để đề nghị hợp tác. Họ hẹn nhau sẽ gặp tại Kiên thành vào rằm tháng 8. Bấm đốt ngón tay, chỉ còn không đầy mười ngày để chuẩn bị cho cuộc hội ngộ quan trọng. Nhạc không muốn Thung và Huyền Khê đến đây mà chỉ thấy một toán quân ô hợp, hàng ngũ lộn xộn, kỷ luật lỏng lẻo, thấy một bản doanh nghèo nàn, tồi tàn và sơ sài. Đến lúc đó, Nhạc mới công nhận cái trò nghi lễ nhiêu khê của Chỉ cũng có công dụng riêng của nó, đôi lúc còn cần thiết hơn cả những phát súng, những đường quyền. Vì thế, Nhạc bằng lòng để mặc cho Chỉ lựa chọn xếp đặt lại đám người hầu cận của Nhạc. Những người đã từng theo Nhạc từ thời buôn nguồn, một hạt muối cắn làm hai, gian khổ vinh nhục có nhau, nhưng nếu thân thể ốm yếu, mặt mũi khắc khổ đen điu quá, thì khó thích hợp với vai trò mới. Chỉ bàn với Nhạc nên đổi hầu hết số người hầu cận cũ, một là vì họ không được vạm vỡ, đẹp đẽ, hai là vì thái độ thân mật buông tuồng đối với Nhạc. Số hầu cận mới nên tuyển chọn trong đám thanh niên, càng xa lạ với gia đình Nhạc càng tốt, vì họ nem nép thủ lễ với chủ tướng, không bao giờ dám cư xử suồng sã. Nhạc ngồi nghe Chỉ nói, tuy ngầm công nhận Chỉ nói đúng nhưng chưa dám chấp thuận đề nghị của ông thầy cúng. Phải qua một vài lần, những người thân cận vỗ vai, vỗ lưng Nhạc trước đám đông, hoặc bông đùa quá đáng làm mất cả uy nghi, Nhạc mới hoàn toàn chấp thuận ý kiến của Chỉ. Ông thầy cúng chỉ chờ có thế: trong vòng một ngày, Chỉ thay luôn toán lính hầu ở bản doanh và đội gác cửa. Gươm giáo bọn này dùng phải một kiểu, cùng một kích thước. Hiệu lệnh nghiêm minh, một tiếng hô hàng chục tiếng ứng rập ràng oai hùng. Nhạc đến có người báo, Nhạc đi có người hầu, chỉ cần đưa mắt một cái là lệnh được truyền đi dõng dạc. Khoái cảm mới mẻ này khiến Nhạc càng thấy sự quan trọng của hình thức, và tất nhiên sự quan trọng của chính mình. Những cải cách ấy tạo nhiều phản ứng sững sờ trong các người thân. Một hôm Năm Ngạn tức tối gạt phăng hai cây giáo cán gỗ thai bài của bọn gác cổng, hùng hổ vào tòa trại chính tìm gặp cho được Nhạc mà hỏi:
- Này ông cả, tôi xuống An Vinh bấy lâu, nay về đây thấy có nhiều cái lạ quá. Ai bày ra cái trò thẻ bài vậy? Đến cả tôi mà bọn gác còn hậm họe hỏi thẻ bài mới cho vào. Thẻ bài là cái gì?
Nhạc gỡ tay Năm Ngạn, không cho nắm ống tay áo của mình, sửa lại xuống áo cho ngay ngắn, rồi mới hỏi:
- Ông mới về à? Công việc thế nào?
Năm Ngạn vẫn còn giận dữ:
- Phải, tôi mới về. Và vì mới về cho nên không kịp làm thẻ bài để trình cho hai cậu gác cổng.
Nhạc nghiêm mặt lại, giọng chậm rãi nhưng cương quyết:
- Chính tôi ra lệnh đấy. Ông chưa làm thì nên làm ngay đi, cho việc ra vào khỏi trở ngại.
Phạm Ngạn trố mắt nhìn Nhạc, không tin những điều vừa nghe là có thực, Ngạn lắp bắp hỏi:
- Thế.. thế chuyện thẻ bài là do ông, chứ không phải như người ta đồn, do lão thầy cúng bày vẽ ra. Mà thôi, thế cũng phải. Để ra vào tự do, làm sao phân biệt được ai bạn ai thù. Nhưng... nhưng bọn gác cũ đâu cả rồi? Có chúng nó nhận diện được ai lạ ai quen, tiện biết mấy!
Nhạc không trả lời Năm Ngạn, nét mặt dàu dàu. Năm Ngạn lúng túng chưa biết phải làm gì, nên xin ra hay tiếp tục ở lại trình bày kết quả công việc được giao. Nhạc cũng hơi hổ thẹn vì sự thay đổi, tìm cách hỏi qua chuyện khác:
- Ông có gặp được họ không?
- Có. Họ đến đúng hẹn. Tôi giả làm khách buôn trầu như trước, họ thì lên theo một ghe mắm. Trong hai người, Lý Tài có vẻ lanh lẹ giảo quyệt hơn. Tên kia ăn nói thô lỗ, chỉ ngồi uống rượu nghe chuyện. Lâu lâu nói một câu chẳng ăn nhậu vào đâu cả!
Nhưng sự thực họ có quyết tâm theo lão Thung không? Lực lượng họ thế nào?
Năm Ngạn tươi cười nói:
- Về chuyện này thì ông yên lòng. Tôi chỉ nói khích vài câu, cái tên cục súc say rượu đó đã phun ra hết, bạn hắn ngăn không kịp nữa. Hắn nói cái thân danh hắn thế này (Ngạn vỗ vào ngực mình) mà chịu nép mình làm đầy tớ cho Thung hay sao! Chẳng qua vì nể tình qua lại buôn biển với nhau mà đứng chung với nhau thôi. Còn lực lượng của họ? Họ được bao nhiêu người?
- Về chuyện này thì họ giấu. Tên lém chỉ nói mơ hồ là đông lắm. Tôi thì tôi cho người đi lân la dò hỏi bọn theo hộ vệ, mới biết họ chỉ có một nhúm. Vài ba chục người thôi. Nhưng phải nhận là họ dũng mãnh. Người nào cũng cao lớn, nước da đen cháy, cả bọn đều ở trần, đầu chít một băng vải đỏ.
- Họ đến đúng hẹn chứ?
- Họ sẽ đến. Lý Tài, tức là cái tên lém đó, bảo sẽ lên đây vào sáng rằm. Hắn còn cao hứng dặn phải đặt trước một mâm rượu thưởng trăng mới được. Về sau nghĩ ngợi thế nào, hắn lại bảo giờ giấc còn tùy thuộc vào Nguyễn Thung. Thung đến lúc nào, hắn sẽ đến theo đoàn của Thung cho tiện.
- Nghĩa là hắn còn nể sợ lão Thung chứ gì?
- Không hẳn thế. Chắc chắn là họ còn do dự, chưa biết ý ta như thế nào, không muốn bỏ Thung trước.
Nhạc gật gù, rồi suy nghĩ lung lắm. Một lúc sau, ông nói:
- Thế cũng được. À, tôi quên hỏi điều nữa: Hai người đó nói tiếng ta có rõ không?
- Không được rõ lắm. Giọng lơ lớ khó nghe. Lý Tài thì ăn nói sành hơn, lâu lâu còn biết pha tiếu lâm nữa. Còn Tập Đình thì kém lắm. Đôi lúc phải nhờ Lý Tài dịch hộ mới hiểu.
- Tốt lắm. Ông về nghỉ nhé. À, còn chuyện thẻ bài, thế buộc phải vậy. Ông đừng giận. Ta có nhiều kẻ thù, phải có cách để đề phòng, ông ạ!
*
* *
Cuộc hội kiến lịch sử diễn ra ở gian chính của trại Kiên thành đúng vào sáng rằm. Nguyễn Thung và bộ hạ giả dạng lái buôn lên trại theo đường sông. Tập Đình, Lý Tài và bốn người hộ vệ cùng đi một lượt với Thung, nhưng để chứng tỏ tư thế độc lập, đã cố ý đi chậm hơn, đến bến trầu lại cắm sào cách nghe của Thung vài con sào. Nhạc cho người mang rượu thịt đến thết đãi cả hai đoàn, hẹn giờ tiếp kiến vào sáng hôm sau. Con đường từ bến trầu vào trại được sửa sang cấp tốc nên đỡ lầy lồi hơn, hai bên đường nghĩa quân đứng thành hàng ngay ngắn, quần áo khá chỉnh tề, mỗi người tay trái cầm một cây cờ đỏ. Vì phương tiện eo hẹp, không đủ thì giờ và tiền bạc để mua nhuộm đủ vải nên màu sắc các lá cờ không được đồng nhất, có lá màu hồng nhạt, có lá lại ngả sang màu nâu già. Tuy nhiên, sắc đỏ truyền được sự kích thích phấn khởi cho mọi người, cho nên ngay Nhạc và Chỉ là những người trực tiếp dàn cảnh, cũng xúc động trước uy thế do mình tạo ra, ngây ngất ngắm hàng cờ đào phất phới trong gió mai. Trên mặt đường, không có lấy một cọng rác, một xác lá khô. Nghĩa quân đứng nghiêm như pho tượng, tay phải nắm chặt lấy cán giáo và theo sáng kiến của Chỉ, chân giáo cắm ngay vào gót chân phải, tay cầm giáo đưa ngang nên độ nghiêng của thân giáo đều nhau trông rất đẹp mắt. Đặc biệt, toán dàn chào từ cổng trại vào nơi hội kiến mặc đồng phục màu đen, đầu chít khăn đỏ, lưng thắt một dải vải vàng, giáo có cán bằng gỗ thai bài màu trắng. Quan khách và chủ nhân đều thực sự xúc động vì sự trang nghiêm của cuộc tiếp rước, nên nét mặt họ đều nghiêm nghị, mắt nhìn thẳng, ngực ưỡn ra trước, chân vô tình bước đều theo tiếng trống, tiếng chuông. Thung và đám bộ hạ đến chỗ cổng thì Nhạc mời họ dừng lại để xem đội dàn chào biểu diễn. Chỉ ra lệnh cho đội đánh trống khua chiêng chuyển điệu. Ông cũng chít khăn đỏ thắt lưng vàng như toán dàn chào, chỉ khác là mặc đồ trắng. Sau khi cúi gập người chào Nhạc và quan khách, Chỉ bắt đầu chỉ huy cuộc biểu diễn. Theo nhịp trống, hai mươi người lính vạm vỡ, trẻ trung ăn mặc đẹp mắt, lần lượt biểu diễn các đội hình, chuyển qua giao đấu bằng giáo, côn, quyền cước. Cử động uyển chuyển, tới lui nhịp nhàng, đội ngũ tề chỉnh đều đặn là nhờ công phu luyện tập ngày đêm suốt nửa tháng trường. Nhạc mỉm cười cố giấu sự thỏa mãn, đám bộ hạ của Thung thích thú quay lại bàn chuyện với nhau, nhưng nét mặt của Thung không thể đoán được điều gì. Nhạc liếc nhìn Thung nhiều lần, chỉ thấy ông ta nhìn thẳng về phía trại mình, đôi hàng lông mày nhíu lại chăm chú suy nghĩ. Hơi thất vọng, Nhạc không chú ý các lời tán thưởng xôn xao chung quanh mình sau cuộc biểu diễn, chỉ đưa tay mời Thung tiến vào giữa hàng quân dàn chào để vào gian họp.
Nhạc đã cho khuân sáu bộ trường kỷ chạm trổ công phu ở các nhà giàu về xếp dọc theo hai hàng dành cho chủ và khách, ở giữa đặt hai cái bàn chân nai trên có bày khay trà và cơi trầu. Một lư hương lớn bằng sứ lấy ở chùa về đặt sát tấm bình phong bằng trúc có vẽ hình con lân, hương trầm tỏa ra thơm ngát cả phòng họp. Bàn ghế từ nhiều nguồn gốc khác nhau nên không có cái nào giống kiểu cái nào, có cái phải kê thêm để cao cho bằng cái kia. Dĩ nhiên, bộ trường kỷ quí, đẹp nhất dành cho nhân vật quan trọng nhất của cả chủ lẫn khách. Đám bộ hạ ngồi ở hàng sau, trên những chiếc ghế có lưng dựa đan bằng mây.
Ở ba cái trường kỷ phía chủ nhà có Nhạc, giáo Hiến, Diệm, Bạc, Chỉ, Nhật và Năm Ngạn. Phía khách có Nguyễn Thung, Huyền Khê, Nhưng Huy, Tứ Linh, Tập Đình và Lý Tài.
Chủ khách vừa yên vị xong, Nhạc đã nói với Thung:
- Chúng tôi mới về đây nhà cửa còn lôi thôi quá, chưa có thì giờ sửa sang lại cho coi được một chút. Ngay cả mấy đứa nhỏ làm đội dàn chào cũng chỉ mới học võ vẽ vài ba phép tắc đấy thôi. Ông thấy thế nào? Có điều gì không phải, xin lấy tình cũ mà bỏ qua cho nhé!
Thung đáp:
- Ông đừng khách sáo! Trại thì kể cũng còn sơ sài thật, nhưng không đến nỗi nào. Làm sao được! Ông mới dọn về dưới này có bao lâu đâu! Còn cuộc biểu diễn thì đẹp mắt đấy chứ. Hình như ông có mời được một người chủ lễ thành thạo lắm. Chắc phải là một người thật am tường nghi thức, như một ông thầy cúng chẳng hạn.
Nhạc nghiêm mặt lại, môi mím chặt, nhưng ông tươi cười ngay sau đó. Nhạc nói:
- Quả có thế. Ông thật tinh mắt. Khi hôm trời trở nên không có trăng. Gió lạnh quá, các ông ngủ được không?
Thung đáp:
- Được chứ! Chúng tôi bàn chuyện đến khuya, nhờ rượu ngon ông biếu, chúng tôi chè chén say sưa rồi ngủ lúc nào không hay.
Nhạc không muốn dài dòng vô ích vì những lời thăm hỏi quanh co, nên vào đề ngay:
- Các ông có bàn trước rồi à? Thế thì hay lắm. Các ông nghĩ thế nào về đề nghị của chúng tôi?
Thung liếc nhìn Huyền Khê. Khê định nói, nhưng do dự lại liếc nhìn Thung ngầm ý nhường lời cho người cầm đầu. Thung nói:
- Chúng tôi cất công lên tận đây, đúng y như lời hẹn, điều đó cũng đủ chứng tỏ chúng tôi sẵn sàng cộng tác với các ông rồi. Có một điều cần phải bàn cho sáng tỏ, là cộng tác như thế nào mà thôi.
Huyền Khê đã lấy đủ sự tự tín hơn, tiếp lời Thung:
- Chẳng hạn nếu đã cộng tác, thì vai vế chúng ta sẽ ra sao? Quân chúng tôi sẽ đóng ở đâu? Quân Tây Sơn thượng sẽ đóng ở đâu? Hai đội quân liên lạc với nhau như thế nào? Khi có việc cần kíp, thì chỉ huy của hai bên liên lạc nhau ra sao? Còn nào chuyện nuôi quân, chuyện kiểm soát dân chúng ở hai vùng, chuyện giao thương đường sông, đường bộ. Biết bao nhiêu chuyện đặt ra, liệu cuộc gặp gỡ hôm nay ta có đủ thì giờ bàn hết được không?
Nhạc cười nhỏ một tiếng, gật gù bảo:
- Vâng, vâng. Các ông chỉ nói sơ qua là tôi đã hiểu. Ý các ông như thế này, để tôi nói gọn xem có đúng không nào. Nôm na ra là "giang sơn nào anh hùng nấy". Chúng tôi ở trên này, các ông ở dưới Tuy Viễn. Đường ai nấy đi, đất ai nấy ở. Chỉ khi nào có biến thì bên này gọi bên kia một tiếng để tiếp ứng.
Thung vôi nói:
- Không hẳn như thế đâu. Ông biện chớ hiểu lầm!
Nhạc bực tức:
- Đừng gọi tôi là biện Nhạc như hồi buôn nguồn nữa. Nếu tôi ham cái chức thu thuế Vân Đồn, tôi đã không ngồi đây với các ông.
Thung thấy tình thế căng thẳng, vội cười giả lả:
- Ấy tôi quen miệng làm phật lòng ông, thật có lỗi. Đúng, chúng ta không chịu cúi đầu làm trâu ngựa cho bọn quan phủ nên mới tụ họp nhau ở đây, mới tính đến cái thế cộng tác nhau mà sống còn. Xin đừng chấp nhất những điều vụn vặt mà hư việc lớn.
Ông giáo chen vào cuộc tranh luận:
- Đứng là chúng ta không nên chú ý những điều tủn mủn, nhưng có những cái nhỏ chứa đựng cái lớn, như người ta thường nói ở đầu sợi tóc có cả một tòa sen. Chẳng hạn hai tiếng "cộng tác" mà ông vừa thốt ra, thật có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Quí ông chỉ muốn cộng tác với chúng tôi, chứ không phải là hợp tác. Có lúc chúng ta cùng nhau làm một việc nào đó, nhưng ngay cả những lúc ấy, chúng ta vẫn là hai chứ không phải là một. Mỗi bên một lực lượng, một địa bàn. Mỗi bên có cách tổ chức, lối tiếp tế riêng biệt, tuy cả hai bên đều không chịu khom lưng làm thằng dân ngoan ngoãn của quan phủ. Hy vọng là chúng tôi không hiểu lầm các ông chứ!
Huyền Khê chờ cho Nguyễn Thung gật đầu cho phép, mới trả lời ông giáo:
- Nói chung thì các ông hiểu đúng ý chúng tôi. Vâng, chúng ta có nhiều điều khác biệt nhau, do ở gốc gác, nghề nghiệp, tính tình, cả do thói quen nữa. Anh em chúng tôi là dân sông dân biển, nếu có bỏ sào bỏ lưới đi buôn thì cũng đi đường nước. Sống trên đầu sóng riết rồi chúng tôi quen với chuyện bấp bênh. Lộc nước bạc bẽo lắm, nay có đó rồi mai chỉ một buổi động trời là mất hết, không được bền dai chắc chắn như lộc đất, lộc núi. Lưới được con cá ngon, chúng tôi ăn một bữa no nê cái đã, không ăn hết ngày mai ngày mốt biển có còn cho sống nữa không. Chúng tôi không biết để dành, kể cả việc để dành sự kiên nhẫn, và lòng tin. Cho nên anh em chúng tôi đây ít ham tính chuyện lâu dài, không đủ nhẫn nại ngồi nghe phân biệt thế nào là hợp tác thế nào là cộng tác. Sự việc chúng tôi nghĩ đến đơn giản thôi. Nó như thế này này: Chúng tôi có một lực lượng, chúng tôi đã làm được khá nhiều chuyện, chiếm được nhiều vùng ở Tuy Viễn. Các ông mời lên đây bàn chuyện dựa lưng nhau để sống. Chúng tôi muốn biết điều kiện các ông định đưa ra như thế nào? Lợi lộc chia chác ra sao?
Nhạc nói:
- Nếu chỉ có thế thì còn gì để bàn luận đâu! Hiện nay lực lượng của chúng ta chưa gặp được nhau. Quân phủ còn mạnh. Trong thành Quy Nhơn, Nguyễn Khắc Tuyên còn sờ sờ ra đó. Các ông nghĩ mà xem, chúng ta đã kiếm được bao nhiêu lợi lộc mà tính trước chuyện chia chác? Ngay cả vùng đất mà các ông tưởng là đã chiếm được của triều đình, chắc gì vĩnh viễn thuộc quyền các ông? Không san phẳng được thành Quy Nhơn, các ông nghĩ mà xem, liệu vài tuần, vài tháng nữa, chúng ta có còn đất để chôn bà con, bạn bè hay không?
Nhạc dừng lại, chờ đợi câu trả lời của Nguyễn Thung. Phòng họp im phăng phắc. Những câu hỏi của Nhạc thực sự đã khiến mấy ông khách quí hoang mang. Tập Đình không thạo tiếng Việt, ngơ ngác không hiểu vì sao đột nhiên mọi người im lặng, quay sang hỏi Lý Tài bằng tiếng tàu, giọng nói ồ ề, rổn rảng. Lý Tài cùng trả lời bạn bằng tiếng Tàu, nhưng cách nói nhỏ nhẹ, chậm rãi dè dặt hơn. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để trình bày lý tưởng của mình, ông giáo nói:
- Vì sao chúng ta bằng lòng gặp nhau hôm nay, dù như các ông vừa bảo, chúng ta có quá nhiều khác biệt? Tôi xin trả lời thế này: Vì chúng ta có một kẻ thù chung. Không diệt kẻ thù đó thì các ông lẫn chúng tôi đều không còn đất sống. Phải hợp nhau mà diệt mối nguy hiểm đó. Nhưng kẻ thù chung của chúng ta là ai? Tôi xin mạn phép trả lời lần nữa: kẻ thù gần trước mắt là bọn quan quân dưới phủ Quy Nhơn. Diệt được chúng, chúng ta vẫn chưa được yên thân đâu. Quân phủ Quãng Ngãi sẽ kéo vào, quân phủ Bình Khang, Phú Yên kéo ra, theo lệnh cứu nguy của tên quốc phó Trương phúc Loan. Đúng, kẻ thù chính nhưng ở xa chúng ta là bè lũ tên quốc phó đó. Đất nước này còn vua, chúng ta là con dân của triều đình. Nhưng tên loạn thần họ Trương đang lộng hành ở kinh đô, thao túng quyền bính ở vương phủ. Chúng ta vì việc nghĩa mà đứng lên diệt loạn thần, tôn phù một bậc anh tài, đạo đức thuộc dòng chính lên ngôi. Người đó là Hoàng Tôn Dương, chắc các ông đã nghe tiếng. Xưa nay bậc anh hùng hảo hán diệt loạn thần tôn minh chúa để danh thơm cho đời sau không phải là hiếm! Chúng ta ngồi với nhau ở đây vì nghĩa cả, chứ không phải để chia chác của cải thâu tóm được của dân. Ý chúng tôi như vậy, xin các ông nghĩ xem!
Tập Đình lại lớn tiếng hỏi Lý Tài. Lý Tài dịch những lời ông giáo vừa nói cho bạn nghe, vừa dịch vừa nhìn về phía ông giáo, sợ những điều mình nói không đúng với nguyên văn. Tập Đình nghe xong, nét mặt tức giận, vung tay nói lớn một thôi dài nữa. Lý Tài đưa tay ngăn bạn nhưng Tập Đình vẫn la lối như trước, tay đập mạnh xuống mặt trường kỷ. Thung nghe hiểu lời đối đáp của hai người, nét mặt rạng rỡ. Thung bảo Lý Tài:
- Ông cứ dịch những lời của Tập Đình cho các ông đây nghe. Cứ nói y nguyên như lời bạn ông, đừng ngại!
Lý Tài do dự một lúc, rồi nói:
- Bạn tôi nổi giận vì nghe thầy giáo bảo nên tôn phù một ông vua khác. Bạn tôi bảo vua quan toàn là một tụi chó đẻ. Ở bên Tàu cũng vậy mà ở bên này cũng vậy, vua quan ở đâu cũng đều là bọn chó đẻ cả. Bạn tôi nói chúng nó chuyên đi ăn cướp. lại còn tham lam đến nỗi không muốn cho ai được chia chác, nên sai bọ quân lính ruồi nhặng chặt tay, chặt chân, đánh roi, thích chữ vào mặt những đứa ăn trộm, ăn cướp nhỏ hơn. Thật đúng như câu tục ngữ bên nước chúng tôi, là "chỉ có quan huyện mới có quyền thắp đèn". Bạn tôi nói giận quá rồi, chỉ có một việc giết quách chúng nó đi. Giết cho sạch sành sanh bọn giả nhân giả nghĩa!
Lời Lý Tài khiến cho cả phòng họp xôn xao. Nét phần đông người có mặt trong phòng đều rạng rỡ. Nhưng Huy và Tứ Linh từ đầu đến giờ nét mặt hiu hiu chán nghe những lời rắc rối dài dòng, giờ đây quên cả mọi sự câu thúc, cùng lớn tiếng khen:
- Khá lắm. Tập Đình nói được lắm. Cùng cá mè một lứa cả. Chỉ có việc làm cỏ của chúng nó mà thôi.
Không khí sôi sục hẳn lên. Mạnh ai nấy nói, huơ tay múa chân tự do như trong cuộc chè chén ở góc chợ. Mọi người đổ dồn về chờ đợi phản ứng của Nhạc và ông giáo. Nhạc mỉm cười khó hiểu, còn ông giáo thì mím môi để cố nén giận. Một lúc sau, phòng họp tự lấy lại trật tự sau phút nông nổi tự phát. Nhạc vẫn điềm tĩnh mỉm cười, nhìn về phía Nguyễn Thung hỏi:
- Có phải đó là ý chung của các ông không?
Thung vội đáp:
- Không hẳn thế. Nhưng…
Thung loay hoay không tìm được lời giải đáp thích hợp, lúng túng giữa phủ nhận và xác định. Nhạc không chờ đợi thêm, quay hỏi ông giáo:
- Ý thầy thế nào?
Ôn giáo đã lấy lại được bình tĩnh, chậm rãi nói:
- Giết quách cho sạch bọn cướp lớn giả nhân giả nghĩa, điều đó nên làm, nhưng không phải là để cho bọn cướp nhỏ, bọn thảo khấu tự do hoành hành khắp chợ, khắp làng. Làm như thế, các ông nghĩ mà xem, cuối cùng thế nào cũng có một tên cướp nhỏ nhờ mưu chước và độc ác hơn giết hết bọn đồng nghiệp để một mình xưng hùng, trở thành tên cướp lớn khác. Có thể, hay chắc chắn là tên này còn tệ hại hơn cả tên cướp lớn vừa bị họ hạ trước đó. Như vậy, thì phỏng có ích gì cho dân đen? Cho những người cùng khổ?
Cả phòng lại rơi vào hoang mang nặng nề. Sức nặng của lý thuyết, sự ràng buộc chặt chẽ của hệ thống, đè lên đỉnh đầu, trói chặt chân tay những người lâu nay quen sống theo bản năng và trực giác. Họ hàng phục mà lòng ấm ức. Kể cả Nhạc! Vì vậy Nhạc bảo:
- Thôi hãy gác những chuyện xa tít tận Phú Xuân lại! Hãy dè chừng, đối phó kẻ thù trước mắt của chúng ta ở dưới phủ Quy Nhơn trước đã. Các ông có bằng lòng như thế không? Bằng lòng chứ? Được rồi. Nội trong mùa thu này, ta phải hạ cho được thành Quy Nhơn. Khó đấy. Phải tính cho kỹ trước khi ra tay mới được. Phải thêm bạn và bớt thù. Ý tôi như thế này nhé: Để thêm bạn, hôm nay chúng ta liên kết với nhau, trên này nghĩa là một hai phủ cận sơn Phù Ly, Bồng Sơn đã có chúng tôi. Dưới vùng đồng ven biển ở Tuy Viễn đã có các ông. Trong Phú Yên tôi đã cho người liên lạc được với Châu Văn Tiếp và nữ chúa Thị Hỏa của người Chàm. Như vậy là chúng ta đã có đủ bạn để bao vây Quy Nhơn lại. Để bớt thù, việc này khó hơn.Tay trong thì ta chưa có nhiều, nhưng nhờ thầy giáo đây mà tôi biết chắc rằng trong đám quan quân dưới phủ có nhiều kẻ ghét cay ghét đắng Trương quốc phó và mong ước tôn phù hoàng tôn. Tại sao ta không tiếp tục loan truyền mọi nơi là ta tôn phù hoàng tôn để chia bớt lực lượng kẻ địch ra, cho chúng bị xé làm đôi làm ba? Tôn phù hoàng tôn thì đã sao nào? Không có hại mà còn có nhiều cái lợi trước mắt. Ta thêm đông, trong khi kẻ dưới phủ thêm yếu. Chỉ cần ta khéo tổ chức, rồi hẹn ngày giờ, hô lên một tiếng, đông tây nam bắc vùng lên, là xong!
Rõ ràng lời giải thích của Nhạc thuyết phục được tất cả mọi người, kể cả Tập Đình. Vì sau khi nghe Lý Tài dịch lại lời Nhạc, Tập Đình tiu nghỉu, ngồi im không nói năng, Lý Tài e dè hỏi Nhạc:
- Hai chúng tôi người Trung Hoa không sống được ở đất mẹ lánh qua đây, lâu nay kết được một nhóm "sống tạm" trên sông biển cho qua ngày, thế thôi. Tính chuyện lâu dài như các ông, anh em chúng tôi sợ không theo được. Nhiều cái ràng buộc quá!
Nhạc nói:
- Sao lại phân biệt người nam với người bắc? Anh em có mặt tại đây chẳng phải là những trang hảo hớn nghĩa hiệp hay sao? Chúng ta tụ họp nhau dưới cờ NGHĨA, nên nam bắc xa nhau, ngôn ngữ khác nhau mà đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nội một buổi sáng đã thành ruột thị rồi! Có thầy giáo đây giỏi chữ Nho, tôi xin hỏi thầy: Tôi có ý tặng hai người anh ruột thị khác chủng tộc hôm nay hai mỹ danh, một người là Trung Nghĩa một người là Hòa Nghĩa. Thầy thấy có chỉnh không?
Cuộc họp mặt lên đến tuyệt đỉnh của thành công, hoàn toàn nhờ sự khéo léo của Nhạc. Về sau, lịch sử chép rằng trong cuộc hội kiến quan trọng ấy ở Kiên thành "Nhạc tự xưng là đệ nhất trại chủ, cai quản hai huyện Phù Ly, Bồng Sơn; Nguyễn Thung làm đệ nhị trại chủ, cai quản huyện Tuy Viễn; Huyền Khê làm đệ tam trại chủ, coi việc quân lương" (Chính biên liệt truyện, q.30, 2b, 3a).
Đêm trung thu năm ấy trăng sáng quắc, và họ kết ba chiếc ghe lớn chèo ra neo ngay giữa dòng sông Côn mở bữa tiệc mừng có chích máu hòa rượu để uống thề "đồng sanh đồng tử". Kiên thành bàng bạc cái không khí rộn rã hào khí của thời Lương Sơn Bạc! |