Sông Côn mùa lũ: Chương 23
14:46', 24/6/ 2004 (GMT+7)

Chờ cho Lý Tài và Chinh đi xong, Nhạc bảo Tuyết, Lộc, Tuyên hãy nán lại một chút chờ nhận lệnh. Ba người trẻ tuổi hoang mang không hiểu vì đâu Nhạc ra lệnh tiến công bất ngờ như vậy, nhưng không ai dám lên tiếng hỏi. Họ đi đi lại lại trong phòng họp, cúi gầm mặt đếm bước.

Nhạc kéo Nhật và ông giáo vào phòng mình. Khi cả ba đã vào hẳn phía trong, đích thân Nhạc đến cài then cửa lại. Ông loay hoay thế nào mà mãi một lúc lâu vẫn chưa cài xong. Ông giáo đến giúp Nhạc, thấy tay trại chủ run run, nước da Nhạc tái thêm. Cài xong then cửa, Nhạc quay lại hỏi Nhật:

- Chúng nó bắt đầu lúc nào?

- Khoảng canh ba. Đến gần sáng thì chiếm xong!

Ông giáo sợ toát mồ hôi, vội hỏi:

- Chúng dám chiếm An Thái à?

Nhạc đang tức giận cũng phải bật cười.

- Không. Chúng đánh chiếm phủ Qui Nhơn rồi!

Ông giáo kinh ngạc hỏi:

- Ai? Chúng là ai?

Nhật đáp:

- Nguyễn Thung và bọn Nhưng Huy, Tứ Linh.

Nhạc hỏi:

- Người đưa tin có nói gì thêm không?

- Nó bảo chúng chia làm hai cánh bao vây phủ từ canh ba. Bên trong tán loạn, lính phủ mạnh ai nấy chạy nên tờ mờ sáng chúng đã lọt được vào thành.

- Còn Nguyễn Khắc Tuyên?

- Nó không hiểu rõ. Có lẽ tên tuần vũ đã trốn mất, vì không nghe ai nhắc nhở gì đến cả. Nếu bắt được Tuyên, tất nhiên mọi người đều biết.

Nhạc trầm ngâm một lúc, rồi nói bâng quơ một mình:

- Gớm thật. Hắn thấy dễ ăn, liền ra tay trước. Hắn vốn quen cái thói đó như hồi tranh nhau buôn nguồn.

Nhạc bóp trán suy nghĩ rồi hỏi ông giáo:

- Nguyễn Thung vây chiếm phủ, tức là chuyện lớn rồi. Thuận Hóa phải phản ứng. Thầy am hiểu nội bộ ngoài kinh, xin thầy cho biết ý kiến. Ta phải làm gì bây giờ?

Ông giáo đáp ngay:

- Không thể chậm trễ được nữa. Phải tìm cách chiếm lại phủ Qui Nhơn, nhưng cũng phải cố hết sức đừng gây đổ vỡ ngay từ lúc này. Phải khéo léo.

Nhạc mừng rỡ nói:

- Thầy thật hợp ý tôi. Lúc nãy, khi ông Nhật cho biết tin, tôi giận đến nỗi muốn hét lên một tiếng cho đa tức. Tuy tôi bây giờ vẫn còn run. Nhưng cũng may tôi kịp nghĩ lại. Không nên để cho anh em biết chuyện này. Ta làm thế nào để cho mọi người tưởng ta đã phân công cho Thung đánh chiếm phủ. Hai người đáng đề phòng nhất là Huyền Khê và Lý Tài. Ông Nhật nhớ nhé. Về phần chúng ta, tôi tính thế này: Hiện số quân tinh nhuệ của ta dồn phần lớn về An Thái. Tôi sẽ để lại đó một nửa cho thằng Huệ, nửa kia mang sang sông phối hợp với toán ông Tuyết  và Tuyết làm quả đấm tống thẳng ra Càn Dương và Nước Ngọt. Ta phải chiếm ngay hai kho thóc lớn nhất phủ, đồng thời án ngữ mặt bắc. Thu được lương thực xong, phía bắc ta áp vào, Huệ dẫn quân xuống, Tập Đình, Lý Tài từ phía đông thúc lên. Thung bị vây chặt. Rồi các ông coi, nó có dám đóng cửa thành cố thủ không?

Ông giáo khâm phục sự nhạy bén của Nhạc, vội nói:

- Kế hoạch thật tuyệt. Tôi tin giữa cảnh hỗn loạn tan tác này, việc chiếm hai kho Càn Dương, Nước Ngọt không khó gì. Tuần vũ bỏ trốn, bọn quan quân như rắn mất đầu không có tinh thần chiến đấu đâu. Vấn đề khó khăn hiện nay, là phải làm sao cấp tốc phối hợp cho ba cánh quân áp vây Nguyễn Thung một lượt, càng sớm càng tốt. Chậm một ngày, tôi ngại Tập Đình, Lý Tài tưởng Nguyễn Thung mạnh hơn ta, kéo quân vào phủ tiếp viện.

Nhạc gật đầu, đẩy ghế đứng đậy nói:

- Ta phải hành động ngay. Ông Nhật viết lệnh đem cho Lý Tài liền. Ngay bây giờ, tôi xuống An thái. Việc ở Kiên Thành thầy giáo quán xuyến giúp. Tôi tin không lâu đâu, chừng ngày mốt, ta phải dời bản doanh về dưới phủ thôi!

*

*       *

Buổi trưa hay tin phủ Qui Nhơn đã mất, Phụng Ngọc bàng hoàng, xao xác rồi chìm trong hỗn loạn. Không có thì giờ nghỉ ngơi, bọn lính phủ cởi quần áo quăng giáo mác ngổn ngang khắp đồng, lội sông chạy lên An Thái, vừa chạy vừa nhìn lại phía sau. Chúng chỉ mặc cái quần đùi ướt, thân thể đẫm mồ hôi. Gặp ai, chúng cũng lấm lét sợ hãi, chưa hỏi đã nói trước:

- Ấy, chúng tôi là dân dưới Phụng Ngọc, chạy loạn lên đây, khiếp quá bà con ơi, chết như rạ. Nhất là bọn quân Quốc phó.

Có người ranh mãnh trêu:

- Quân quốc phó là các ông chứ còn ai nữa!

Chúng vội chối:

- Đừng nghi oan chúng tôi, tội nghiệp. Chúng tôi toàn là dân làm ruộng nghèo khổ. Cô bác coi, chạy giặc trên mình chỉ còn độc cái quần rách. Xin bà con cô bác thương tình. Nhà có còn sót cơm cháy không ạ?

Bực vì thấy chúng bẻm mép, họ càng trêu:

- Hừ, các ông cởi hết quần áo lính vứt xuống sông rồi, còn cái quần che của quí là may.

Trêu chọc cho vui thôi, cuối cùng dân làng hai bên sông cũng cho chúng ăn. Bớt lo sợ, chúng mới thu thực mình là lính phủ.

Dân làng hỏi:

- Bây giờ các bác đi đâu?

Chúng bần thần chẳng biết trả lời thế nào. Dân lại hỏi:

- Các bác chạy lên trên này liệu có yên không? Các ông ấy đóng đen nghịt trên An Thái, sao lại chạy lên đây?

- Nhưng phủ đã mất rồi, trước sau họ cũng đánh lên Phụng Ngọc.

- Sao không theo các quan chạy ra Quảng Nam?

Chúng giận dữ đáp:

- Các quan! Bọn chó má! Đéo mẹ chúng nó. Bà con cô bác nghĩ coi có tức không. Chúng đã biết tin phủ mất, nhưng không hé răng cho chúng tôi biết. Chúng tập họp chúng tôi lại, truyền phải hàng ngũ chỉnh tề ra bãi tập luyện. Chờ cho chúng tôi đi xong, chúng thắng ngựa đưa vợ con chạy trốn. Đéo mẹ, quân khốn nạn. Trời tru đất diệt cho sạch quân lưu manh ấy đi!

Một người lính già cười khẩy nói:

-Ăn nhằm gì! Lão cai cơ của tôi còn lưu manh gấp nghìn lần. Một chú lính tính lắm lời không biết nghe tin ở đâu, nói vung cho cả đội hay. Lão cai cơ sai trói nó lại, bẻ răng trước mặt chúng tôi để trừng trị làm gương những kẻ dám loan tin thất thiệt. Chúng tôi sợ đến xanh mặt, nhưng tin là thất thiệt thật. Không thất thiệt lẽ nào ông cai cơ bẻ răng chú lính trẻ. Sau đó, lão sai chúng tôi đi kéo gỗ. Chưa đi khỏi một thôi đường, đã thấy lão dùng ngựa chạy trốn rồi.

Một người khác khôi hài:

- Kẻ lớn chạy bằng bốn chân, lũ trẻ như mình giá trị không bằng nửa người ta, được chạy hai chân, bác còn than phiền gì nữa.

Mỗi người góp một câu,bọn lính phủ tạm quên trong chốc lát tương lai mờ mịt của mình. Dân làng tò mò hỏi hết chuyện này đến chuyện khác, cho đến lúc một đứa bé chạy đến báo có tin "quân ô" trên An Thái đang chuẩn bị đánh xuống. Bọn lính phủ xanh mặt, dợm đứng dậy tìm chỗ trốn. Nhưng trốn đi đâu? Trước mặt, sau lưng đều có địch. Chúng đưa mắt hỏi nhau và không tìm ra lối thoát. cuối cùng, chúng ùa ra bờ sông, lội qua phía sông Cạn.

*

*       *

Bình thường thì binh giữ các kho ở phủ Qui Nhơn không nhiều. Kho Thời Phú có thuyền Tân Nhất. Kho Nước Ngọt có thuyền Mỹ Nhất. Kho Càn Dương có thuyền An Nhất. Mỗi thuyền không quá năm mươi quân. Từ lúc nạn đói lan tràn ở hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn, số dân phiêu tán ngày càng liều lĩnh, táo tợn, quan tuần vũ phải gửi thêm quân đến giữ kho. Riêng Càn Dương và Nước Ngọt mỗi kho tăng cường thêm một thuyền, quân số lên đến trăm người. Chung quanh kho, trong tầm tên bay, cây cối bị phát quang, hai người chỉ huy trực tiếp là Đốc trưng Đằng và Khâm sai Lạng đều ra nghiêm lệnh không cho phép bất cứ người dân nào được lại gần.

Vì biết rõ như thế, nên Nhạc phải lấy một nửa số quân của Huệ qua tăng cường cho các dội của Tuyên và Tuyết. Huệ giao trách nhiệm điều khiển số quân này cho Mẫm. Ngay buổi tối cùng Nhạc họp ban tham mưu, Mẫm đã cho quân vượt sông tiến ra phía bắc.

Mịch (gã khờ chợ An Thái) trở thành thuộc hạ của Mẫm em ruột mình.

Sau một thời gian dài mất trí nhớ, dần dần trí óc của Mịch làm quen với thực tại, rồi do các khích động, các gặp gỡ, các khó khăn, lần lượt những kỷ niệm cay đắng của quá khứ tái hiện. Anh trở nên sầu muộn, chán nản. Sự mất mát trở nên trầm trọng quá. Mịch muốn vớt vát, hoặc nếu số mệnh không cho phép, thì ít ra cũng muốn tận mắt nhìn lại quê hương đã mất dấu, tìm tông tích người vợ bị chiếm đoạt. Anh muốn đi ngay ra mạn bắc, tới huyện lỵ nơi Mịch phải gạt nước mắt bỏ đoàn hát và mất vợ. Cho nên khi nghe toán của mình sẽ vượt sông tiến ra Phù Ly, Mịch mừng rỡ vô cùng.

Họ đi suốt đêm. Đầu canh tư, họ mới tới Càn Dương. Mọi người mệt nhoài, hai đầu gối và bắp chân mỏi rần. Toán của Tuyên mai phục ở phía bắc đề phòng chặn đường rút của quân phủ. Toán của Mẫm nằm ở phía nam. Nhạc cho quân nằm nghỉ cho đến giữa canh tư, hẹn trước là khi nghe pháo lệnh, tất cả hai cánh đều la ó cho thật dữ để uy hiếp tinh thần quân giữ kho, tiếng pháo lệnh thứ hai là lệnh xung trận.

Toán của Tuyên giữ vai trò cường kích, bằng bất cứ giá nào phải chiếm cho được kho trước khi mặt trời mọc. Không muốn hãm hàng trăm tên lính phủ đáng thương hại ấy vào đường cùng, Nhạc để ngỏ mặt phía nam, chỉ xếp cho toán của Mẫm phục kích hai bên đường rút về phủ Qui Nhơn cách kho nửa dặm đường đất.

Mọi tính toán của Nhạc đều chính xác. Vừa nghe quân Tây Sơn la ó vang trời, lính giữ kho hoảng hốt choàng thức dậy. Khâm sai Lạng không kịp mặc quần áo trận,cầm giáo la hét, đe dọa đốc thúc quân lính cầm lấy vũ khí. Nhưng dù có gào khản cả cổ, hắn cũng không ngăn được cảnh hỗn loạn hãi hùng. Gươm giáo vất ngổn ngang, chiêng trống lăn lóc. Thấy quân Tây Sơn chỉ la ó có một phía, không có thì giờ suy nghĩ dè dặt nữa, bọn lính ùa cả ra cửa nam. Khâm sai Lạng mặc độc một bộ quần áo lót nhăn nhó, tóc rối bù chưa kịp búi, cầm gươm lăm lăm chận cửa. Hắn hét:

- Trở vào, quân hèn nhát. Đứa nào bỏ chạy tao chém chết.

Giọng hắn khàn khàn nên tan mau trong tiếng gió hú và tiếng quân Tây Sơn la ó. Tuy thế, bọn lính phía trước cũng sợ hãi chùn chân không dám bước. Bọn phía sau chưa hiểu gì cứ lấn tới. Nhiều câu chửi thề tục tĩu. Nhiều tiếng đàn bà con nít khóc. Đám đông xô đẩy nhau, bọn đứng trước ban đầu còn dạng chân ngả người ra sau cưỡng lại, càng về sau sức xô tới càng mạnh. Dù không muốn, họ bị đẩy dần tới gần Khâm sai Lạng hơn. Lạng vẫn lăm lăm lưỡi gươm trên tay, mắt lườm hung dữ. Đầu mũi gươm run rẩy, không khí phía trước thật căng thẳng, trong khi phía sau cảnh chen lấn hỗn loạn gia tăng. Tên lính già bị đẩy gần mũi gươm của Khâm sai Lạng nhất, mặt xanh mét, chân tay bủn rủn, líu lưỡi không thốt được lời nào. Thấy tình thế nguy hiểm, bọn đứng trước la to:

- Đừng đẩy tới. Có quan khâm sai.

Phía sau tiếp tục văng tục, hét to:

- Sao không đi? Phá cửa mau. Đéo mẹ đứa nào đạp lên chân tao vậy. Đừng xô đẩy. Bà con làng xóm ơi, con nhỏ này ngộp thở, xỉu rồi. Đã bảo đừng có đẩy. Ông cho mày một giáo bây giờ!

Khâm sai Lạng hoang mang, lạnh cả xương sống và biết tình thế thật nguy hiểm lắm. Hắn muốn bỏ gươm xuống để mặc cho bọn lính chạy thoát. Nhưng làm như thế thì còn mặt mũi nào nữa! Chúng nó chỉ hoảng hốt trong chốc lát, ta ráng giữ chúng nó lại thêm một chút thôi, đủ thời gian cho chúng hoàn hồn, thì mọi sự đâu sẽ vào đó! Quan trọng cho cả uy tín của đời ta là lúc này! Hắn nghĩ thế, và nhất định cầm chặt lấy chuôi gươm. Người lính già đáng thương bị đẩy tới thêm một bước, khoảng cách thu hẹp dần. Còn ba bước. Còn hai bước. Không thể do dự được nữa rồi. Phải ra uy thôi! Lạng lấy hơi, hét lớn:

- Đứng lại. Không tao đâm chết.

Đó là giọt nước cuối cùng làm tràn cái ly đầy. Đám đông tự nhiên rùng rùng xấn tới. Khâm sai Lạng chỉ vừa kịp thu gươm về đã bị xô dạt sang một bên, ngã ngửa, đầu va vào vách vọng canh. Bọn lính đạp nhầu lên chân Lạng mà chạy. Đến lúc đó, tên Khâm sai mới thấy hết tầm nguy hiểm của tình thế. Không còn cách nào khác. Phải trốn thôi! Hắn dợm đứng dậy. Hai ống chân đau điếng. Hắn mím môi nén cơn đau, cà nhắc đi về phía tàu ngựa.

*

*       *

Ra khỏi cửa nam Lạng mới thấy mình dại dột. Chạy trốn bằng ngựa! Trời hỡi! Có khác nào lạy ông tôi ở bụi này! Lại còn ăn mặc thế này, với một thanh gươm cán chạm trổ và cẩn xà cừ! Tên Khâm sai vội xuống ngựa, do dự một chút trước khi quăng thanh gươm xuống một vũng lầy. Bọn lính cởi quần áo vứt bừa bãi hai bên đường. Lạng vơ đại một bộ lấm bùn mặc vào người. Cái áo quá chật không bọc kín được thân hình phì nộn. Hắn lẩy bẩy gài mãi không được mấy cái cúc áo, cuối cùng để mặc, chạy theo đám tàn quân.

Toán nghĩa binh của Mẫm đã giăng sẵn lưới để bắt gọn tất cả đám lính phủ.

Khâm sai Lạng lạch bạch hổn hển tới sau, bị Mịch giữ lại cùng một chỗ với ba bốn tên lính nữa. Chúng ăn mặc xốc xếch như nhau, nhưng có hai điều khiến Mịch chú ý đến tên lính giả mạo: một là hắn mập quá cúc áo để hở giơ cả cái bụng trắng núng nính mỡ, hai là thái độ khép nép của bọn kia đối với hắn. Không thể lầm lẫn được! Lão mập này thuộc vào hàng cao cấp đây! Lạng cố thu người lại nhưng đôi vai ú và cái bụng phệ kềnh càng quá! Nó lồ lộ, choáng cả không gian. Mịch gọi Lạng đến chỗ gốc xoài. Hắn run lên bần bật. Mịch mỉm cười chờ hắn đến gần. Và chính lúc đó, khi Lạng vấp phải mô đất, suýt ngã, phải đưa cao hai tay để lấy thăng bằng, Mịch nhớ lại hết.

Mịch run lên, cổ nghẹn lại. Chính hắn đây mà! Cám ơn Trời Đất! Tao tưởng không bao giờ được gặp lại mày. Quả là Trời cao có mắt mới dẫn mày đến đây cho tao. Cố dằn cơn nóng giận, Mịch nhỏ nhẹ hỏi:

- Ngài còn nhớ cháu không ạ?

Tên Khâm sai vội ngước lên, đôi mắt vừa ngỡ ngàng vừa hãi hùng. Hắn muốn chối, nhưng hai hàm tê cứng, lưỡi líu không nói được. Mịch lại hỏi:

- Cháu là kép Mịch đây mà! Tên kép chuyên đóng vai Lữ Bố, ngài còn nhớ không? Trước kia mỗi lần vợ chồng cháu được hát hầu ngài, chúng cháu được ngài thưởng biết bao nhiêu thẻ! Ngài nhớ không?

Đầu gối Lạng tự nhiên nhũn ra, và dù hắn không muốn, không bao giờ muốn, hắn quỵ xuống, hai tay chống trên mặt cỏ cũng như một người sụp lạy. Mịch hả hê, lấy lại giọng bình thường:

- A ha! Bây giờ mày lạy lục tao. Muộn rồi, ông duyện lại! Lúc mày lấy tiền bạc, quyền hành đoạt vợ của tao, vu oan khép tội tao, đến nỗi tao phải phẫn uất trở thành điên dại, mày có nghĩ đến lúc phải trả nợ như bây giờ không?                

Lạng đã lấy lại đôi chút bình tĩnh, bắt đầu kêu rên:

- Xin ông thương vợ con tôi mà nương tay cho. Tôi không bao giờ dám quên ơn! Lúc trước thời còn trẻ ham mê thanh sắc, tôi dại dột. Bây giờ hối cũng không kịp nữa. Tôi đáng tội chết. Chỉ xin ông mở lượng châm chế cho. Tôi còn mẹ già, con dại. Vợ con tôi sẽ bơ vơ không nơi nương tựa...

Mịch vội hỏi:

- Vợ mày hiện ở đâu?

Lạng mừng rỡ, tưởng Mịch đã cảm động, ngước lên đáp:

- Dạ ở trong phủ.

- Nàng còn hát không?

Lạng không hiểu Mịch hỏi gì, nói:

- Ông hỏi sao ạ?

Mịch nôn nao cả dạ, lắp bắp hỏi:

- Nàng có còn đóng vai Điêu Thuyền không?

Tên Khâm sai chợt hiểu. Hắn sợ quá, không dám ngước lên nữa. Cũng không dám mở miệng trả lời. Mịch thấy lạ, hấp tấp hỏi:

- Sao mày không đáp? Vợ mày đó trời ơi, tao nói đến hai tiếng này mà lòng sôi lên muốn cho mày một nhát cho rảnh mắt, người vợ mày đoạt của tao đó, nàng ở đâu?

Lạng không có lối thoát, phải lắp bắp trả lời:

- Nàng đi đâu tôi không biết nữa!

Mịch giật mình, lo lắng hỏi:

- Đi đâu? Tại sao nàng bỏ đi? Mày chán chê nên đuổi người ta phải không?

Lạng cúi gằm mặt xuống không dám xác nhận. Mịch hiểu hết. Mắt đỏ ngầu. Bàn tay cầm kiếm run rẩy. Anh nắm chặt chuôi kiếm để dằn cơn giận, giọng đau đớn uất ức:

- Tao tưởng mày khá. Mày còn có con mắt tinh đời, biết mê thanh sắc. Mày ỷ tiền bạc danh vọng cướp vợ người khác, nhưng mày còn có điểm đáng khen là có con mắt biết ngắm sắc đẹp, có đôi ta biết lời hát hay. Bây giờ tao hiểu hết. Tao lầm. Mày chỉ là con heo mập dâm dục mà thôi. Mày là thằng mù, thằng điếc. Cho mày sống cũng uổng cơm trời.

Tên Khâm sai vừa ngước lên nhìn Mịch định van xin, thì lưỡi kiếm đã cắm sâu vào ngực hắn. Hình ảnh cuối cùng hắn còn thấy được trước khi vạn vật nhòe nhoẹt quay đảo, là đôi mắt đỏ ngầu, nụ cười tê tái của người kép hát.

*

*       *

Sáng hôm sau, tất cả các anh em đã tiến về vây chặt phủ Qui Nhơn. Trung nghĩa quân của Tập Đình từ phía Tuy Viễn tiến lên sớm nhất vì đã nhổ trại ngay từ khi Lý Tài đi họp ở Kiên Thành chưa về. Tập Đình vẫn có thiện cảm với Nguyễn Thung hơn với Nhạc, nên khi nghe tin Thung đã chiếm phủ, hắn muốn đem Trung nghĩa quân đến giúp để lập công. Đến nửa đường, hắn nghe tin Kiên Thành đã động binh. Nhờ do dự, hắn khỏi phạm sai lầm đáng tiếc, và còn có cớ để biện bạch với Lý Tài. Phía nam quân Lý Tài và Tập Đình áp sát bên kia bờ sông Đập Đá. Phía bắc Nhạc đã dẫn các toán quân vừa chiến thắng ở Càn Dương và Nước Ngọt tiến vô. Mặt trận Phụng Ngọc vỡ, không đầy nửa ngày đường, Huệ đã đưa quân từ An Thái xuống đóng ở gò Vân Sơn. Nguyễn Thung ở trong phủ kinh hãi, bồn chồn, nghe tiếng trống thúc quân từ xa vọng lại như nghe bước đi của Diêm Vương. Điều Thung lo sợ đã thành sự thực. Chiếm được phủ, hắn còn lo phản ứng của Kiên Thành nên suốt hai ngày làm chủ, hắn chưa dám hành động như một người chiến thắng. Hắn không dám chạm đến nhà kho, không dám thả tù. Không dám phá cửa vào trong dinh phủ. Dù hết sức thèm thuồng, Thung vẫn chưa dám ngồi lên cái ghế bọc gấm của Nguyễn Khắc Tuyên trong văn phòng tuần vũ tráng lệ.

Bị khốn khổ dằn vặt trong bồn chồn suốt hai ngày căng thẳng, giữa những hồi trống đe dọa, Thung gầy xọp, xơ xác như vừa qua một cơn bệnh dữ. Cho nên khi thấy Nhạc dẫn quân tiến vào sát thành, Thung vừa sợ vừa mừng. Cái gì phải đến đã đến. Phải quyết định nhanh trước khi quá trễ. Và Thung đã quyết định.

Hắn truyền cho quân lính đốt pháo mừng, gióng trống khua chiêng cho hoan hỉ, mở rộng cửa thành để đón Nhạc vào. Bọn tay chân của Tập Đình, Lý Tài chỉ chờ có vậy. Chúng ùa ra phố phủ, chen nhau vào các quán ăn và tiệm rượu, say sưa, hò hét, đập phá. Phố xá náo động, đàn bà con gái trốn biệt trong phòng kín. Toán của Tuyết và Lộc thì ùa vào dinh phủ, gặp gì đập phá nấy trước vẻ ngẩn ngơ tiếc rẻ của những người đứng tuổi. Trong khi Nhạc bận họp khẩn với những người chỉ huy gồm có Nguyễn Thung, Tập Đình, Lý Tài, Tuyên, Tuyết, Lộc, Huệ, Mẫm, một nhúm nghĩa quân phá cửa vào phòng của Nguyễn Khắc Tuyên. Họ khựng lại, gần như sợ hãi trước vẻ xa hoa lộng lẫy của căn phòng. Trước mắt họ là bộ tràng kỷ gỗ gụ đen bóng, lưng dựa gắn đá xám có vân, màu xà cừ óng ánh sắc tím và bạc. Một nghĩa quân chửi thề:

- Đéo mẹ, nó ở sướng quá.

Một người khác nói thêm:

- Còn tụi mình thì cả đời không có lấy một cái chòi tranh che mưa.

Thoắt một cái, họ quên hết sợ hãi. Cơn giận kéo đến. Chỉ cần một người nào đó hô lên:

- Phá cho tan mẹ nó đi. Giận quá rồi!

là cả bọn xông vào phòng say sưa đập phá. Hai người nắm bốn chân bàn xáng mạnh vào lưng trường kỷ. Mặt đá vân vỡ toang. Cái sập kê gần cửa sổ bị lật ngược. Màn trướng bị kéo xuống, xé rách bươm. Một cậu trẻ tuổi chạy đến ngồi lên cái ghế bọc gấm nhún nhún, cười khoái trá. Bạn anh ta lôi dậy, ngồi lên nhún thử. Lần lượt như vậy đến người cuối cùng. Sau khi tận hưởng sự êm ái của giàu sang, anh ta đứng dậy, nắm lưng ghế, dùng hết sức lực dơ lên cao, ném mạnh vào vách. Hai chân ghế gãy lìa. Những người khác hô hoán:

- Ô hay! Sao lại phá đi.

Người vừa phá chiếc ghế quí bảo:

- Không thằng này ngồi thì thằng khác ngồi. Phá đi cho rảnh!

*

*       *

Tiếng đổ vỡ la ó hỗn loạn làm rúng động cuộc họp khẩn của ban tham mưu. Nhạc ra lệnh cho các đội trưởng cấp tốc thu quân về, tập họp đầy đủ, chỉnh tề hàng lối trong sân phủ. Nghiêm lệnh loan đi. Ai vắng mặt coi như đào ngũ, bị chém ngay tại chỗ. Nhờ lời đe dọa gắt gao ấy mà đúng trưa cảnh hỗn loạn chấm dứt hẳn. Quần áo nghĩa quân còn xốc xếch , mặt mũi dơ dáy, đôi người thở còn nồng hơi rượu, nhưng không ai dám ho một tiếng khi Nhạc nói. Từ trên thềm dinh phủ, Nhạc đưa mắt lườm quanh một vòng xem có ai còn nói chuyện nữa không, rồi mới cất cao giọng:

- Hỡi anh em. Như vậy là sau bao năm ăn đói, mặc rách ở Tây Sơn thượng, hột muối củ khoai chia nhau, chúng ta đã thanh công. Chúng ta đã đứng ngay đây, chỗ mà ngày trước anh em không được bén mảng đến gần. Nếu có đến thì cũng phải nín thở khom lưng sợ hãi, hoặc bị gông cùm, xiềng xích. Ta đã thành công. Rõ ràng như ban ngày là ta đã thành công. Chúng ta đứng ở đây mà không phải sợ quan Tuần vũ, chân tay không bị trói, cổ không đeo gông. Đâu anh em giơ tay cả lên xem mình còn bị xiềng trói không nào?

Tất cả nghĩa quân đồng loạt giơ hai tay lên trời, tiếng hò hét vui sướng nổi lên khắp sân. Nhạc chờ cơn phấn kích hạ bớt, mới đưa tay ra dấu bảo im, rồi tiếp:

- Tôi hỏi anh em: Nhờ đâu mà chúng ta có ngày hôm nay. Nhờ đâu? Một mình tôi không làm nổi. Thêm những vị đội trưởng chỉ huy anh em, cũng chưa làm gì nổi. Quá lắm là chúng tôi xoi thủng được một lỗ ở chân thành, đủ cho một con chó chun ra chun vào (cả sân cười). Có ngày hôm nay, là nhờ tất cả anh em (có nhiều tiếng lào xào bàn tán vui sướng). Đúng không nào? Đúng, mà chưa đúng hẳn (có tiếng cười). Quân phủ hơn một vạn rưỡi người, tinh binh trên năm mươi thuyền, mà tất cả anh em ta kể cả những người đã chết được bao nhiêu? Chúng nó đông hơn anh em ta gấp bội. Thế thì số đông chưa chắc đã thành sức mạnh chiến thắng. Đông mà không có tổ chức chỉ là một đám ăn cướp ô hợp, khi vui tụ lại phá làng phá xóm, khi buồn rã đám thành bèo dạt. Chúng ta ít hơn quân phủ mà thắng là nhờ có đội ngũ chỉnh tề, kỷ luật nghiêm minh,mưu kế chặt chẽ liệu trước được mọi sự. Muốn lấy phủ ư? Việc đó dễ mà khó. Dễ vì quân phủ đã bạc nhược, dân chúng ghét bọn quan lại như ghét ôn dịch. Khó vì chúng nó không đứng một mình, phía bắc còn có dinh Quảng Ngãi, phía nam còn có dinh Phú Yên. Ngoài kinh còn cả một triều đình. Chúng ta phải cẩn thận tính toán mới được. Cho nên quân đệ nhị trại chủ Nguyễn Thung đứng ra lĩnh phần khó nhất là liều lĩnh chiếm cho được phủ. Quân Kiên Thành mau chóng đoạt cho được hai kho lương Càn Dương, Nước Ngọt để cắt cuống họng chúng nó. Trung nghĩa quân và Hòa nghĩa quân cùng quân An Thái chờ sẵn bên ngoài làm lực lượng hậu bị, khi cần áp sát lũy phủ để càn quét tàn quân và dư đảng. Chúng ta đã đặt kế hoạch như vậy, và mọi sự diễn ra đúng như vậy. Ai có công? Tất cả chúng ta từ trại chủ cho đến người già yếu theo quân nấu bếp đều có công. Nhưng ai có công nhiều nhất, vì lãnh phần nguy hiểm nhất? Ai? Anh em khỏi cần hỏi nhau làm gì. Điều đó đã rõ ràng. Đệ nhị trại chủ Nguyễn Thung và tất cả anh em Tuy Viễn là những người chiến công đầu. Hoan hô anh em Tuy Viễn.

Cả sân ban đầu còn dè dặt, nhưng ngay sau đó,bị tiếng hô reo của nghĩa binh Tuy Viễn lôi cuốn, tất cả mọi người đều reo hò cười nói, tiếng ồn dội đi dội lai bốn mặt thành.

Chờ cho mọi người cười nói xong, Nhạc quay lại trỏ cảnh dinh phủ bị đổ nát, phá phách, bảo mọi người:

- Bây giờ ta có nhiều việc để làm. Trước hết ta phá ngục cứu những người lâu nay bị cảnh xiềng xích gông cùm như chúng ta. Trại giam gần đây thôi, sát phía sau dinh phủ. Tôi sẽ cử người lo phần việc đó, khỏi phải nhọc lòng nhiều người. Còn cái dinh này, nơi bọn quan tham lam ác độc phè phỡn bao đời nay, nơi mà từng cánh cửa, từng viên gạch đều có dính nhơ nhớp, ta phải làm gì nào? Anh em không dám trả lời hả? Đừng ngần ngại. Một số anh em vì giận dữ xông vào phá tan hoang dinh phủ là phải. Tòa nhà ô nhục đó, ta đốt quách nó đi. Để chướng mắt lắm. Phải thế không?

Toàn thể nghĩa quân bị kích động tột độ, hò reo vang lừng. Nhạc ôm lấy vai Thung cười hớn hở. Thung lúng túng, cố cười gượng với Nhạc. Sau khi giao cho Bùi Văn Nhật đọc các nghiêm lệnh để tái lập trật tự, Nhạc kéo Nguyễn Thung ra một chỗ gần bờ thành sát nhà kho bảo:

- Ông đi lại buôn bán lâu ngày, chắc hiểu rõ tính tôi. Không ai qua mặt được tôi đâu. Lần này tôi nghĩ đến nghĩa cũ, nên cứu ông. Lần sau ông còn dở trò, chơi trội, tôi không… tôi không…

Nhạc cười, không muốn nói tiếp, Nguyễn Thung sợ quá, đến thở cũng không dám thở mạnh. Mồ hôi toát ra ướt đẫm lưng áo. Nhạc vỗ vai Thung bảo:

- Thôi, tôi chỉ nói đùa tí chút thôi. Đừng để tâm nhé. Bây giờ ông giúp tôi việc này: Ông sai chúng nó mở nhà kho, đem chia cho anh em để làm tiệc khao quân. Ráng lo cho tôi nhé. Nào, vui lên nào, đừng giữ bộ mặt đăm chiêu đó, người ta hiểu lầm, phiền lắm!

Tối hôm ấy. Nhạc sai đốt dinh phủ để làm đuốc soi sáng cho bữa tiệc chiến thắng. Lửa khói bốc lên rạng rỡ cả một góc trời, gỗ quí nổ lách tách dòn dã hơn bất cứ loại pháo vui nào!               

(còn tiếp)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sông Côn mùa lũ: Chương 22   (22/06/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 21  (20/06/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 20   (17/06/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 19   (15/06/2004)
(Phần III: Hồi Hương): Chương 18   (13/06/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 17   (10/06/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 16   (08/06/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 15  (06/06/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 14  (03/06/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 13  (02/06/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 12  (01/06/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 11  (27/05/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 10   (25/05/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 9  (23/05/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 8   (21/05/2004)