Có lẽ suốt cuộc đời dài, không bao giờ An có những kỷ niệm xót xa và đáng chán cho bằng kỷ niệm ngày cưới.
Từng đọc khá nhiều bài thơ ca tụng đêm hợp cẩn, niềm vui vu qui, An so sánh những gì đã đọc với những gì mình trải qua, thấy buồn cười cho tài vẽ vời của thi sĩ. An đã ráng nghĩ tất cả mọi người đều hân hoan hạnh phúc trong ngày vu qui, chỉ riêng có mình là bất hạnh. Nhưng qua kinh nghiệm của Thọ Hương, và suy luận khách quan từ kinh nghiệm mình, An cương quyết nghĩ rằng các thi sĩ cổ kim đã lừa dối những người đọc nhẹ dạ. Nhất là những cô gái tuổi cập kê! Sau tiệc cưới An trở về phòng tân hôn như một cái xác biết đi và biết giả bộ cười. Những gì cô phải đảm đương gánh vác từ sáng tới giờ vượt quá sức chịu đựng của thân thể yếu đuối. Nhiều đêm trước cô không ngủ được. Ngày đám cưới cô phải phụ giúp việc nấu nướng, tiếp chuyện với những bạn bè và người đến mừng. Cô phải cố làm ra vẻ vui tươi, liến thoắng, hoạt bát, thông minh, e thẹn, ngúng nguẩy... nghĩa là làm đủ thứ kệch cỡm theo đúng đòi hỏi của vai cô dâu hạnh phúc. Nhưng có hai công việc nặng nề nhất đối với An là: chiều theo các nghi thức phức tạp và dài dằng dặc do ông thấy cúng đưa ra, và phải gặp Huệ.
Hình như để an ủi cho ông thầy cúng (không được Nhạc giao tổ chức lễ tiếp ấn) trại chủ đã ủy nhiệm cho ông đứng ra thay mặt nhà trai lo liệu tất cả nghi thức lễ lạc của đám cưới. Chỉ sung sướng ra mặt vì sự tín nhiệm lý thú này. Lâu nay Chỉ vẫn có ác cảm với thầy giáo. Nay được tự tay xếp đặt chuyện cưới xin ngay trong nhà đối thủ, tự bày vẽ cách thức cúng bái cho đối thủ và con gái tuân hành, có khác nào được đi săn ngay trên đất cấm. Có lẽ vì thế mà Chỉ đã bày vẽ quá mức đòi hỏi. An và Lợi quì đến ê cả đầu gối, lạy hết bàn thờ này đến bàn thờ khác, dâng rượu và lạy tạ gần như khắp mọi người có tuổi.
Cuộc gặp gỡ Huệ trong tiệc cưới cũng tạo ra những xúc động mạnh mẽ trong tâm hồn An. Cô sợ nhất là gặp Huệ, cô sợ bị Huệ nhìn với đôi mắt khinh bỉ, thù ghét. An tưởng tượng những gì Huệ sẽ nghĩ về mình, nên trước khi phải gặp Huệ, cô đã cố tập trung tất cả những định kiến, hiềm nghi, ngộ nhận tai hại nhất về Huệ để làm tấm khiên chống đỡ. Cô nhắc đi nhắc lại mãi cho nhập tâm: Anh ấy xem thường ta nghèo, anh ấy lạnh nhạt với ta. Từ trước đến nay anh ấy chưa bao giờ nhớ tưởng đến ta. Vậy thì việc gì mà ta sợ gặp anh ấy. Mà giả sử anh ấy có yêu thương ta thực nhưng bị trại chủ ngăn cản không dám cùng ta nên vợ chồng, thì anh ấy chỉ là con người tầm thường, con người hèn nhát. Ta càng phải trang điểm thật đẹp để anh ấy phải tiếc nuối, hối hận. Chính ý nghĩ phải làm cho Huệ tiếc nuối là liều thuốc an thần giúp An giữ được khá đủ bình tĩnh khi bước vào tiệc cưới. Thiên hạ trầm trò khen An đẹp, An sung sướng, và nhìn về phía Huệ xem đôi mắt ấy có biểu lộ sự khâm phục, và sự tiếc nuối hay chưa. Lúc đó Huệ quay mặt về phía cống Chỉnh nên An không nhìn được gì. Cô tiến gần, tiến gần Huệ hơn. Cô đã có thể nhìn sâu vào mắt Huệ. Lúc anh đưa tay nhận chung rượu từ tay An, và bàn tay run run chạm nhẹ vào ngón tay út của An, cô đọc thấy trong ánh mắt ấy không phải sự khâm phục, cũng không phải sự hối hận nuối tiếc, mà là sự thương xót ái ngại, sự tuyệt vọng đến bi phẫn. An lạnh cả người, bàng hoàng tự hỏi: "Thế là thế nào? Đôi mắt ấy, vẻ mặt ấy, bàn tay run run ấy, lời nói ấy, tất cả không có chút kiêu ngạo hờ hững nào, Huệ giấu được tình cảm với ai khác, nhưng không thể giấu được An. Cô suýt bật khóc vì xúc động. Khi giọt nước mắt đọng trên khóe và chực lăn xuống má, cô phải tránh nhìn về phía mọi người, giả vờ đưa tay lên gạt mồ hôi trán để che giấu sự đau đớn. Cơn bão ấy qua đi, để lại những dư ba bùi ngùi. Lòng An bần thần, hoang mang.
Trở về phòng tân hôn, An bải hoải, chán nản như vừa chạy qua khỏi một vùng tha ma đầy bóng tối. Hai vai An mỏi rần, người hâm hấp sốt. Mỗi lần bước đi bắp chân nhức nhối. Và điều bất ngờ nhất, là An bị ra kinh nguyệt sớm hơn thường lệ.
*
* *
Lợi bước nhẹ vào phòng với nụ cười nửa bẽn lẽn nửa lém lỉnh. Mặt anh còn đỏ rần vì bị bạn bè ép rượu không thể từ chối được. Anh nhìn An, thấy vợ ngồi ở mép giường, tay mân mê mép chiếu hoa, mặt cúi xuống như ngượng nghịu. Lợi khép nhẹ cửa phòng lại. Cánh cửa xoay êm, nhưng lúc ập vào khuôn gỗ, lại kêu một tiếng két khá lớn. Lợi hơi lo người ngoài biết dụng ý của mình, dùng hai tay nâng cánh cửa lên một chút để dễ cài then hơn. Xong đâu đó, Lợi bước nhẹ về phía vợ. An vẫn không ngước đầu lên. Lợi tưởng An giận, cười nhỏ rồi bào chữa:
- Tụi nó ép quá, anh không thể từ chối được. Nhưng anh cũng có cách riêng để khỏi phải gục tại chỗ. Anh giả vờ đưa cao ly rượu nốc cạn, thực sự là đổ hắt ra phía sau. Tụi nó say, đèn lại mờ, nên không nhận ra anh ăn gian. Ủa, sao em chưa thay áo?
An hiểu cái lúc mình lo lắng nhất đã đến, lúng túng đưa tay lên hàng cúc áo để giữ chặt lại. Lợi tưởng vợ vâng lời mình, hấp tấp hỏi:
- Em muốn thay cái áo nào? Cái áo lụa nhé? Hay là cái áo nhiễu vàng?
An ngước lên nhìn Lợi, hơi chạnh lòng thương hại chồng vì vẻ sốt sắng của anh. An lễ phép đáp:
- Cảm ơn anh. Em tự đi thay lấy cũng được.
Lợi rụt rè đề nghị:
- Nhưng anh thích em mặc cái áo nhiễu vàng. Để anh đi khép cửa sổ bấc lại. Khiếp, đêm nay gió lạnh quá.
An bước về phía sau tấm màn thay quần áo. Sự hồi hộp lo sợ khiến mồ hôi cô vã ra ướt đẫm cái yếm trắng. Điều cô lo sợ nhất là mỗi lúc kinh nguyệt ra càng nhiều hơn. Bên ngoài tấm màn, Lợi đang đóng lại hai cánh cửa sổ. An cảm thấy nhớp nháp khó chịu, nhưng không dám xuống phía bếp để rửa ráy, vì ngại ngùng. Cô lo sợ liếc ra phía ngoài, thấy Lợi đi đi lại lại giữa khoảng cửa sổ và cửa lớn, như đang nôn nao chờ đợi điều gì. An lau qua thân thể, rồi mặc cái quần đen và cái áo nhiễu vàng như Lợi dặn. Cô vừa bước ra khỏi màn thì Lợi đã hấp tấp bước nhanh đến ôm chầm lấy An, siết thân thể mềm yếu của vợ trong hai cánh tay. Lợi áp má lên tóc An, rồi áp mũi hít say sưa hương tóc. An trân người vì sượng sùng và vì sợ hãi. Cô hoang mang không biết phải làm gì để gỡ hai cánh tay tham lam của chồng. Mà quả thực Lợi quá tham lam. Hình như anh chưa dám tin An đã thực sự thuộc về mình, vẫn còn tưởng tất cả chỉ là mơ ước, người con gái hiện đang thu người khép nép trong lòng mình còn là một ảo ảnh. Cho nên Lợi dùng bàn tay phải mân mê, sờ soạng khắp mặt mũi, thân thể vợ, làn da mịn màng, hương thơm ấm áp, cái cổ tròn, đôi vú nhỏ và mềm, trái tim đập gấp, đôi tai xinh xắn nép sau làn tóc mượt, hơi thở dồn dập, và cả đến mùi mồ hôi toát ra từ nách áo, anh muốn căn cứ vào tất cả những thực hữu cụ thể ấy để trọn vẹn tận hưởng niềm hãnh diện. Lợi vừa áp mặt vào ngực, vào nách vợ vừa lẩm bầm như người say:
- Em là của anh. Từ nay em là của anh. Có thực sự như vậy không An. Em đã là của anh phải không? Trời ơi. Anh sung sướng quá. Em đã là vợ anh. Tất cả tấm thân này là của anh sao?
An muốn ngộp thở vì sợ hãi, không nói được lời nào. Cả người cô tê dại, một thứ cảm giác xa lạ lan ra khắp người An, nhất là lúc Lợi áp mặt vào ngực cô - An cũng không biết Lợi đã tháo hàng cúc chiếc áo nhiễu vàng từ lúc nào. Lúc lấy được đôi chút ý thức, An mới nhận ra hoàn cảnh đáng bẽ bàng của mình. Chiếc áo nhiễu đã rơi xuống đất, trên thân thể An chỉ còn cái quần đen và chiếc yếm trắng. Da thịt An lồ lộ từ khuôn mặt phấn sáp, chiếc cổ cao, đôi vú nhỏ, và phần trên của bụng. Lợi vẫn ôm riết lấy An, mặt dụi vào cặp vú trần. Mỗi lần Lợi chạm vào đầu vú, An lại thấy buốt ở ngực, rồi cảm giác nhức buốt dần dần tan loãng ra, thành một niềm tê dại, thành một khoái cảm lăn tăn truyền từ chân tóc đến mấy đầu ngón chân. Mắt An nhắm lại, như sợ thấy tất cả những gì đang diễn ra. Sợ thấy mình say dại, trơ trẽn trước ánh đèn!
Lợi dìu An đến chỗ giường, hai tay vẫn mơn man khắp phần trên của thân thể vợ. An sợ hãi không biết điều gì sẽ xảy ra nữa. Thấy Lợi đưa tay lần giải lưng quần. An chợt nhớ đến những lời chửi rủa tục tĩu giữa những người vợ lính. Cô hoang mang tự hỏi: Hóa ra tất cả những điều ghê gớm ấy đều có thực hay sao? Vợ chồng nào rồi cũng phải bắt buộc ân ái với nhau như vậy, giao hợp với nhau chẳng khác nào tất cả giống đực và giống cái trên đời giao hợp để sinh đẻ, truyền giống mà tồn tại. Cùng với sự sợ hãi, An cảm thấy thân thể mình nhớp nháp hơn. Cô nắm lấy bàn tay Lợi. Lợi khựng lại, ngơ ngác hỏi:
- Em sợ đèn sáng hả?
An vừa thở vừa nói:
- Đừng anh! Em sợ lắm.
Lợi cố cười gượng, bảo vợ:
- Có gì mà sợ. Vợ chồng ai cũng phải thế cả!
An nhất định nắm lấy tay Lợi, giọng van nài:
- Để hôm khác đi anh. Hôm nay em không được khỏe.
Lợi nhất định không tin lời An, bảo vợ:
- Em, đừng nói dại. Đêm nay là đêm hợp cẩn mà!
An vội nói mau:
- Nhưng em có kinh.
Lợi giật mình khựng lại, đăm đăm nhìn An. An giận đến run cả người vì cái nhìn hoài nghi ấy. An gắt gỏng hỏi:
- Anh không tin em ư?
Đôi tay Lợi dần dần nới lỏng. Giọng Lợi có vẻ thất vọng, chán nản, Lợi nói:
- Không. Anh tin em chứ. Khiếp. Sao anh cảm thấy ngột quá. Ta mở cửa cho thoáng khí một chút nhé.
Lợi không chờ An bằng lòng, tiến về phía cửa sổ. An phải vội vơ chiếc áo nhiễu khoác lên người. Trong sự thay đổi của Lợi, An cảm thấy có gì hơi tàn bạo và thô lỗ. An chưa dám tin ở cảm tưởng ấy, vì từ trước đến sau, lời lẽ của chồng vẫn ôn tồn nhã nhặn. Tuy thế, An vẫn cảm thấy có một vết thương nào đó trên tình vợ chồng, vết thương nhỏ và kín đáo như một vết rạn. Đêm đó, đêm tân hôn, hai vợ chồng nằm xoay lưng vào nhau, và cũng thao thức chờ gà mau gáy sáng.
*
* *
Liên tiếp mấy hôm sau An được dịp chứng kiến khả năng thích ứng nhạy bén của chồng để hòa nhịp với cuộc sống bình thường. Đối với người khác, làm điều gì không đúng với sự thực tự nhiên người ta dễ ngượng ngịu, vấp váp, ăn nói ú ớ, bào chữa vụng về. Nhưng với Lợi thì sự thực chính là điều phải làm. Anh hết sức tự nhiên khi đỏ mặt lúng túng trước các lời bông đùa của bạn bè. Người thì bảo:
- Trông cặp mắt mất ngủ của nó kìa. Phải điều độ nghe bạn!
Người thì bảo:
- Sao mới có mấy hôm mà nó gầy xọp thế.
Lợi không cải chính, còn cố ý khiến bạn bè hiểu lầm rằng mình đã quá say duyên mới quên cả giữ gìn sức khỏe. Được dịp cho mọi người cười hô hố, và lúc nào cũng vậy, Lợi cười dòn hơn, to hơn các bạn.
Khi chỉ còn hai vợ chồng, thì Lợi cư xử khác hẳn. Anh cau có, cáu gắt. An không biết phải nói gì để Lợi hiểu rằng biểu lộ sự cau có trong trường hợp như vậy là thiếu tế nhị. An tin rằng Lợi không có kiên nhẫn để suy nghĩ cho thấu những ràng buộc phức tạp ấy. Vì thế, An nuối tiếc, rồi lại hối hận vì đã nuối tiếc.
Cuộc sống chung với một người đàn ông, chia sẻ với nhau những điều vụn vặt, tầm thường, và riêng tư, cuộc sống đó mới đầu không khỏi có những vấp váp, bất tiện. An không quen ngủ chung giường với người khác. Không quen nghe tiếng ngáy, và đôi khi tiếng ú ớ mê sảng giữa đêm khuya. Không quen để cho người nào choàng tay lên ngực mình, gác chân lên vế mình. Những va chạm, ràng buộc mới mẻ ấy, An cảm thấy khó chịu, mà không thể nào tránh được.
Liên tiếp mấy đêm cô không chợp mắt, hết trăn trở lại nằm yên đếm thầm để dỗ giấc ngủ. Lợi vô tâm hơn, sau đêm tân hôn thất vọng, bắt đầu sang đêm thứ hai hễ đặt lưng xuống chiếu là ngáy. An tò mò nhìn chồng ngủ, ngắm kỹ cái trán hẹp, đôi mắt sâu, cái mũi thanh, đôi môi mỏng, khuôn mặt xương xương, mái tóc thưa và dài: phải công nhận chồng không đến nỗi xấu trai. Ngược lại là khác. Đôi lúc An đưa tay vuốt nhẹ lên má Lợi lúc Lợi ngủ say, An cảm thấy da mặt chồng hơi ướt mồ hôi dầu. Những điều cụ thể ấy thuộc thành phần của tình vợ chồng, cũng như những bất tiện An phải làm quen mấy hôm nay. An tự nhủ mọi sự rồi sẽ quen đi, như mọi người đã quen. Kể cả làm quen với sự thất vọng và nỗi xót xa.
Phải chờ đến đêm hai vợ chồng thực sự giao hợp với nhau An mới hiểu hết ý nghĩa của cuộc sống mới. Sự vồ vập tham lam của Lợi khiến An sững sờ. Cô dọn mình chờ đợi điều ấy xảy ra, nhưng khi nó đến, cô sững sờ kinh ngạc. Như vậy là "ân ái", "gối chăn" đấy ư? Sự đau đớn đến tận cùng thân xác, nỗi khó khăn của cả hai vợ chồng để hoàn tất một hành động gần như thô bỉ, cuồng bạo, để rồi cuối cùng, cả hai nhễ nhại mồ hôi và rời rã chân tay, chán nản nhìn nhau như hai chiếc lá úa, tất cả những cái đó là tình vợ chồng đấy ư? Là niềm mơ ước của tất cả các thiếu nữ, là ý nguyện của tất cả trai tráng hiền lành lãng mạn, là điều bậc cha mẹ muốn con gái con trai nên vợ nên chồng trước khi yên tâm nhắm mắt đấy ư? An thao thức suy nghĩ mãi, trong khi Lợi nằm xoải chân tay ra ngủ, nét mặt thỏa mãn. Vết buốt vẫn còn đó trên thân thể An, và sự xót xa trong tâm hồn vẫn còn đó. An không thể hiểu được loài người, khi so sánh niềm e ấp hân hoan của tình yêu và cảm giác đau buốt nhớp nháp của cuộc ân ái. Tình yêu nào cũng phải trả giá ấy sao? Hay đó là cái giá trả trước để được vinh dự làm mẹ? Tại sao không ai nói trước cho ta biết những cảnh huống này, để một mình ta lần mò, dò dẫm, quờ quạng đi tìm sự thực? Bao nhiêu câu hỏi hiện ra trong đầu An. Lợi vẫn ngủ say. Ngọn đèn dầu leo lét gần cái kệ gỗ. An đối diện với đêm dài và niềm khắc khoải. Những đêm tân hôn của An chậm chạp trôi qua, trong nỗi thao thức, nỗi xót xa, trong mớ bòng bong của những câu hỏi không có giải đáp.
Phải chờ khá lâu, khoảng mười hôm sau ngày cưới, khi An bắt đầu cảm được những khoái lạc của chăn gối, cô mới dần dần ý thức rằng: không có nỗi đau nào không có đền bù, và không có hạnh phúc nào không phải trả giá. Dần dần An cũng quen đi, và hòa nhịp trở lại với cuộc sống đều đặn quanh mình.
*
* *
Khi qua khỏi được cơn khủng hoảng của đời sống vợ chồng, An mới thấy rõ trạng thái tâm hồn của cha. Ông giáo bứt rứt đứng ngồi không yên, gần như đánh mất hẳn sự trầm tĩnh cố hữu. Những ngày chuẩn bị đám cưới con gái và tiếp sứ giả nhà Trịnh đã khiến ông lầm tưởng rằng mình lại được tin cẩn, ân cần mời chào ở khắp nơi, không còn bị cô lập như trước nữa. Ông giáo đã lầm lẫn tai hại!
Sau khi sứ bộ ra về, và hai người lính đến gỡ hai cái lồng đèn loan phượng đem nhập kho, ông giáo mở cửa chờ mãi không thấy ai lui tới. Chờ khách không được, ông mặc áo đội khăn đến thăm viếng bạn bè. Cách tiếp đãi lạnh lẽo, những câu nói nhát gừng, cùng vẻ mặt láo liên e dè của chủ nhà chẳng khác nào gáo nước lạnh dội lên sự hăm hở nhiệt tình của ông. Chưa tin ở cảm giác bẽ bàng ban đầu, ông đi thăm thêm vài người nữa. Đâu đâu ông cũng gặp những khuôn mặt sợ sệt lấm lét ấy. Ông bắt đầu hiểu. Giận quá, ông tìm đến Bùi Văn Nhật. Nhật nại cớ bận việc cho lính ra bảo mình chưa có thì giờ tiếp chuyện thầy giáo được. Ông thui thủi ra về, lòng ngao ngán não nề!
Ông giáo không chịu ngồi yên. Ông dò la tìm hiểu nguyên do sự lạnh nhạt của mọi người đối với ông. Dĩ nhiên ông chỉ nghe được những tin đồn, hoặc những lời thiên hạ xôn xao bàn tán ở các quán rượu, góc chợ, bến đò. Ông nghe tin quân Trịnh đã bắt đầu triệt thoái khỏi Châu ổ, và rút về đóng ở dinh Chàm. Rồi ngay đạo quân lâu nay vẫn trấn giữ Quảng Nam cũng rút bớt về Thuận Hóa. Ông đoán; "Phải rồi. Nay áp lực ở phía bắc không còn nữa, Tây Sơn sẽ dồn tất cả lực lượng tấn công vào nam. Trong cuộc cờ mới, Nhạc đã dứt khoát tuyệt tình với nhà Nguyễn. Đông cung hết bị quản thúc ở An Thái, lại bị đưa đi Hà Liêu, rồi Bồng Giang. Thọ Hương xin theo chồng cho đủ nghĩa nhưng Nhạc cương quyết không cho. Nếu ông cả chưa giết đi, chỉ vì chưa thấy cần. Cái gai trước mắt chính là Gia Định. Không chóng thì chầy, thế nào Huệ cũng đưa quân vượt đèo Cả để vào chiếm Bình Khang, hoặc bằng đường thủy tấn công thẳng vào Gia Định. Mọi sự không thể khác được, nên rõ ràng ta không cồn chỗ đứng nào ở cái phủ này. Trời ơi! Ta lầm lẫn, nhẹ dạ quá chừng. Ta cứ tưởng mọi sự đã thay đổi!"
Cách suy đoán ấy dù sao cũng an ủi được ông giáo. Ông hết ngạc nhiên về thái độ của mọi người. Cả đến tin buồn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống gia đình ông là Lợi đã bị huyền chức, không được trông coi quân lương như trước, cũng không khiến ông ngạc nhiên. Ông nghĩ điều đó tất nhiên phải đến, cũng như không trước thì sau, toàn thể lực lượng Tây Sơn sẽ đổ vào Phú Yên để đánh tan vành đai phòng ngự của Tống Phúc Hợp ở hòn Khói. Về điểm này, ông giáo đoán sai! Khoảng tháng Chín, ông thấy lác đác có những toán quân nhỏ rút khỏi Phú Yên trở ra bắc. Càng về sau, số quân di chuyển ấy càng nhiều, và trông cách ăn mặc, đi đứng, tổ chức đội ngũ, ông ngờ ngợ nghĩ rằng các toán quân đó phải rút lui trong hỗn loạn và bất ngờ. Rồi thêm các lời thì thào truyền miệng ở góc phố đầu chợ rằng đạo quân của Lý Tài ở Phú Yên đã làm phản, trở mặt liên kết với Tống Phúc Hợp.
Ông giáo lạnh toát mồ hôi vì sợ hãi. Nếu tin này đúng sự thực, thì một lần nữa ông bị liên lụy. Con trai ông đi theo Lý Tài, và ông biết tính tình Chinh hơn ai hết, chắc chắn Chinh sẽ chọn con đường phản trắc đầy phiêu lưu hơn là trở lại nương náu dưới mái gia đình.
Ông giáo chưa kịp đi xác minh hư thực thì Bùi Văn Nhật đã cho lính đến mời ông lên gặp. Hai tên lính có mang giáo căn dặn kỹ là gặp ông Nhật, chứ không phải gặp ông Nhạc, trại chủ.
Nhật hằm hằm nhìn ông giáo tiến vào phòng như nhìn một kẻ thù chưa từng quen biết. Anh ta bắt đầu ra hiệu cho ông giáo ngồi trước bàn mình, rồi hỏi ngay:
- Ông đã nhận được tin mừng chưa?
Ông giáo ngơ ngác hỏi lại:
- Tin mừng gì hở anh?
Nhật dằn từng tiếng:
- Tin quân ngũ dinh của ông đã lấy lại được toàn phủ Phú Yên mà không tốn một mũi tên chứ tin gì!
Ông giáo nổi giận, gay gắt bảo:
- Anh phải ăn nói lễ độ và đàng hoàng với người lớn tuổi. Tại sao anh bảo: "quân ngũ dinh của tôi"?
Nhật cười nhạt không có chút bối rối nào, đáp lại:
- Không của thầy giáo thì của ai? Vì cậu con trai yêu quí của thầy giáo đã đầu hàng quân ngũ dinh rồi. Chẳng lẽ thầy chưa biết gì cả!
Ông giáo chột dạ, thành thực đáp:
- Tôi chưa hay tin đó. Có chắc chắn không?
Nhật tức giận nói:
- Không chắc ư? Cả bọn Lý tài ở Phú Yên liên lạc với Tống Phúc Hợp để xin dâng trọn cả phủ cho hắn, trong bọn tất nhiên có con trai ông giáo. Công lao khó nhọc của Tiên phong Tướng quân một sớm một chiều bị bọn phản trắc đổ cả xuống biển. Chiếm được Phú Yên rồi lại mất Phú Yên. Nghĩ giận quá! Lần trước thầy đề nghị Nguyễn Phúc Chất đi, Chất trốn. Lần này con thầy đi, con thầy trốn. Sao có sự trùng hợp lạ lùng vậy? Thầy giáo giải thích được không?
Ông giáo nói chậm và lớn tiếng:
- Tôi không cần giải thích với anh.
Nhật quát to:
- Thầy phải giải thích với tôi. Với tôi, thầy nghe rõ chưa? Trại chủ không có thì giờ tiếp thầy, đã ra lệnh cho tôi gọi thầy lên để buộc thầy giải thích cho rõ. Đây là lệnh, không phải là lời cẩu khẩn, van xin.
Ông giáo đanh mặt lại, đáp gọn:
- Nếu thế thì được. Ông cứ hỏi.
Nhật ngồi ngay ngắn trên ghế, đăm đăm nhìn ông giáo thật lâu mới hỏi câu đầu:
- Mấy tháng nay thầy có viết thư cho tên Chinh không?
- Không.
- Tên Chinh có viết thư về nhà không?
- Không.
- Trước khi vào phủ Phú Yên với Lý Tài, tên Chinh có bàn luận điều gì với thầy không?
- Không.
Nhật tức giận nói:
- Vô lý quá. Sau một trận đánh thập tử nhất sinh, đứa con trở về nhà gặp cha. Rồi trước khi vào trận nguy hiểm khác, đứa con không nói năng, thổ lộ, tâm sự gì với cha cả. Nếu ở vào địa vị tôi, thầy có tin ba chữ KHÔNG ấy không?
Ông giáo dùng giọng thách đố liều lĩnh đáp:
- Tin được chứ! Và nếu tôi ngồi vào chỗ của anh, tôi sẽ tùy người mà đặt câu hỏi.
Nhật đỏ mặt vì giận, nhưng trấn tĩnh được ngay. Anh cười nhẹ một tiếng, rồi nói:
- Thôi được. Có lẽ tôi vụng về thật. Tôi có hỏi thầy cũng bằng thừa, vì nhất định thầy không chịu nói. Tính tôi thích nói thẳng cho đơn giản gọn ghẽ. Chúng tôi không còn tin ở thầy nữa. Thầy trở thành người đáng nghi. Tôi nghĩ thái độ mọi người đối với thầy gần đây đã đủ cho thầy hiểu điều đó. Mọi người ai cũng lo bảo toàn thân mình, gia đình mình, không muốn liên lụy đến kẻ đáng ngờ. Thầy càng ở đây càng không có lợi. Tốt hơn hết, thầy nên đem gia đình về lại An Thái, chú Bốn Chiêu sẽ lo tìm nhà cho thầy ở. Càng sớm càng hay cho thầy!
Ông giáo mím môi suy nghĩ, thấy không còn gì để nói nữa. Tất cả đã được quyết định. Ông hỏi Nhật:
- Tôi về được chưa?
Nhật thoải mái hơn vì nghĩ là làm xong một việc phức tạp và khó khăn, tươi cười nói:
- Được. Thầy có thể về. Tôi mong thầy không giận tôi, vì tôi chỉ là người chấp hành lệnh. Chừng nào thầy đi xin báo cho tôi biết, để tôi giúp đỡ phương tiện vận chuyển cho. Gửi lời thăm hai vợ chồng An Lợi, thầy nhé! Gớm, hôm đám cưới linh đình thật. Tôi say một bữa chưa từng có trên đời!
*
* *
Ông giáo chờ bữa cơm tối có đầy đủ con gái và con rể mới báo tin gia đình bị cưỡng bách cư trú. Lúc đó họ đang ăn cơm dưới ánh đèn dầu lạc. Ông nói gọn và đột ngột quá, An chưa hiểu tầm quan trọng của vấn đề, hỏi lại:
- Cha bảo gì ạ?
Ông giáo nói thật chậm, thật rõ lần nữa:
- Bùi Văn Nhật vừa gọi cha lên, bảo phải đem gia đình về An Thái càng sớm càng tốt.
An trố mắt nhìn cha, hỏi:
- Chuyện đó có thật sao? Anh ta có quyền gì ra cái lệnh ngu xuẩn như vậy?
Ông giáo giải thích cặn kẽ hơn:
- Không phải anh ta ra lệnh mà chính trại chủ bảo anh ta ra lệnh. Vì sao ư? Vì thằng Chinh đã theo Lý Tài, và Lý Tài đã đầu hàng Tống Phúc Hợp.
An hãi hùng không nuốt nổi miếng cơm đang nhai dở. Cô há hốc nhìn cha, rồi lại nhìn chồng. Lợi lắc đầu, chán ngán nói:
- Con đã nghe phong thanh chuyện đó từ mấy hôm nay. Họ huyền chức con cũng vì vậy. Ông Nhật nghi gia đình này bàn tính chuyện phản trắc, lần lượt sẽ cho con cái trốn vào nam.
An tức quá cãi lại:
- Ai mà chẳng bị anh ta nghi! Anh ta nghi cả chính anh ta, không dám tự tin nữa! Cha nhớ không, mỗi lần muốn cười, muốn nói, muốn ngồi xuống hay đứng lên, anh ta phải liếc nhìn trại chủ rồi mới bắt chước. Một người như thế...
Ông giáo cắt lời An:
- Con không nên nói nhiều. Không có lợi đâu. Gia đình ta hiện ở trong cảnh ngộ khốn đốn, nguy hiểm hơn bao giờ hết. Các con tính thế nào?
An run run hỏi:
- Còn anh Kiên với em Lãng nữa, thưa cha. Có tin gì của Lãng không?
Lợi buồn rầu nói:
- Hồi chiều con gặp anh Kiên đi làm bên kho lương. Con còn nghe người ta đồn hình như lực lượng ở Cù Mông sẽ được điều ra Quảng Nam dẹp loạn ngoài đó. Nếu thật như vậy, thế nào nay mai họ cũng kéo qua đây.
Rồi giọng Lợi trở nên than van, hối tiếc:
- Tự nhiên đang vui vẻ bình yên thì tai họa ập tới. Nếu anh Chinh không mê theo lũ trộm cướp, rượu chè...
An giận dỗi cướp lời chồng:
- Anh đừng nói vậy. Không phải chỉ vì anh Chinh mà ông Nhật muốn hại gia đình ta đâu. Đấy chỉ là cái cớ thôi!
Lợi cãi lại:
- Nhưng hôm đám cưới linh đình vui vẻ thế!
An nhìn Lợi, thương hại sự hời hợt của chồng. Nhưng An không dám nói hết những điều An nghĩ. Cô mủi lòng, thương cha, thương mình, thương luôn cả anh chồng nông cạn. Ông giáo ái ngại nhìn An, rồi quay sang bảo Lợi:
- Ăn cơm xong, anh lại nhà thằng Kiên bảo nó qua đây tôi bàn tí việc.
Lợi đáp:
- Dạ. Hay con đi ngay bây giờ?
- Hãy ăn xong đã.
Lợi và vội lưng bát cơm ăn dở, rồi thưa:
- Con no rồi. Mời cha xơi tiếp đi. Con chạy một chốc là về ngay. Em cho anh cây tăm!
An đứng dậy tìm tăm cho chồng. Lúc Lợi bước đến cửa nhà, đột nhiên An lo sợ, gọi lại hỏi:
- Anh Lợi. Đi bây giờ có tiện không?
Lợi cảm động vì đôi mắt lo âu của vợ, vuốt má An nói:
- Không việc gì đâu. Anh đi một chút, về liền.
Lòng An tự nhiên lâng lâng buồn. Lúc bưng mâm bát xuống nhà bếp, cô mủi lòng, bắt đầu thút thít khóc.
*
* *
Kiên ngần ngừ không muốn bỏ cái quán rượu đang đông khách để theo cha về An Thái, nên ông giáo quyết định chỉ về đó với vợ chồng An Lợi. Ông không còn tha thiết gì cái phủ Qui Nhơn này nữa. Bùi Văn Nhật bảo ông đi sớm chừng nào tốt chừng nấy. Ông sẽ đi sớm hơn Nhật tưởng. Trong thâm tâm, ông xem đó là một phản ứng can đảm cần thiết của người có liêm sỉ. Ở lại thêm một ngày, Nhật lại tưởng ông đang tìm cách trì hoãn để chạy chọt, van nài, cầu khẩn được ở lại. Ông mà làm cái việc đáng hổ thẹn ấy ư? Không! Thà chết còn hơn hạ mình năn nỉ Nhật!
Ông thúc giục An và Lợi thu xếp hành lý thật nhanh để lên đường.
Không hiểu do nguồn gốc nào, cái tin gia đình ông giáo bị buộc phải rời khỏi phủ lan truyền mau chóng khắp nơi. Bình thường thì tin ấy dễ chìm trong không khí sôi động dồn dập biến cố của Qui Nhơn thời đó. Nhưng sở dĩ nhiều người bàn tán chuyện gia đình ông giáo, là vì họ vừa mới chứng kiến một lễ cưới linh đình rộn rịp với sự tham dự của đầy đủ nhân vật tai mắt. Sự thất thế mau chóng của ông giáo thật đáng bàn tán, nó giống như trò ảo thuật lật ngược lật sấp bàn tay. Các người quen biết cũ của gia đình ông dù muốn cũng chưa dám công khai đến an ủi, chia buồn. Chỉ có bọn con buôn và những bà nội trợ tham của rẻ là mạnh dạn xông đến. Họ biết căn nhà của ông giáo có một số đồ gỗ và đồ sứ khá đắt giá. Ông giáo phải đi vội, nên bán đổ bán tháo với giá hạ. Các bà nội trợ láng giềng thậm thò thậm thụt trước cửa để hỏi An, xin trước cái rổ chén bát, ống cắm đũa, mấy cái nồi niêu, cái chổi tàu cau...
Tự nhiên kẻ ra người vào tấp nập hẳn lên. An phải hứa bừa với các bà nội trợ để họ yên tâm ra về, tuy vậy lúc chia tay, họ vẫn ân cần căn dặn cho An khỏi quên.
Lợi lo việc thương lượng cò kè giá cả các loại bàn ghế và đồ gia dụng. Chủ nhà quyến luyến với những đồ đạc quen thuộc thường đánh giá cao, trong khi người mua cậy sự thất thế cấp bách của chủ nhà lại trả giá quá thấp. Lợi quen việc mua bán mà suốt hai ngày chưa bán được thứ gì. Ông giáo đi ra đi vào đụng người, nhiều lúc đang nằm trên phản lơ mơ chờ giấc ngủ trưa phải bật dậy vào buồng trong để tránh một khách hàng đến mua cái phản gỗ. Ông thầm nhủ không thể chịu đựng được nữa cảnh sống quẫn bách kỳ quái này. Ông muốn bỏ hết lại cho thiên hạ, chỉ mang theo cái bọc vải đựng vài bộ quần áo, vài tập thơ và lương thực ăn đường như lần ông chạy nạn khỏi Thuận Hóa. Nhưng gia đình ông đã có thêm một người rể mới, và ông giáo phải để cho Lợi gánh vác một phần trách nhiệm.
Trong lúc gia cảnh bối rối như vậy thì Lãng về!
Cậu nôn nóng đến nỗi xin phép Huệ được mượn ngựa, bỏ đoàn đi sau để một mình về nhà, trong đầu sôi sục ý định nên thơ là tìm gặp chị để trách móc, nếu cần mắng nhiếc cho một trận. Cậu không thể chịu đựng được "sự phản bội". Phải, cậu quan niệm giữa mình, An và Huệ đã có với nhau một thứ mặc ước bất thành văn nào đó, mặc ước sẽ suốt đời trung thành với nhau, thương yêu đùm bọc lẫn nhau bằng một thứ tình yêu cao cả, siêu việt, thuần khiết, thơm như hương hoa và nhẹ như mây. Có thể mỗi người có một số phận riêng, một ý thích riêng. Lãng không thích mấy sự đam mê tham dự vào lịch sử của Huệ, cậu cũng không thích khuynh hướng thực tiễn khi suy xét đời sống của chị. Nhưng điểm chung của cả ba là khao khát được trung thực, căm ghét sự giả dối và mơ ước được sống một cuộc sống phong phú và cao khiết nhất. Cậu nghĩ như vậy, nên hãy tưởng tượng nỗi tuyệt vọng của Lãng khi được Huệ báo tin An đã lấy chồng. Mà lấy ai kia chứ? Lấy cái anh bắng nhắng. Một trời u ám đổ sập lên hồn Lãng. Cậu không thể tin được. Người chị thân yêu của cậu, người chị từng mê thơ như cậu, từng say sưa bàn tính tương lai với cậu, từng sáng mắt khi cậu nhắc đến Huệ, có thể nào người chị ấy lại lầm lạc đến nỗi đột nhiên chộp áo một anh bắng nhắng níu về làm chồng. Lãng nhất định không chịu hỏi Huệ thêm chi tiết nào nữa về vụ đám cưới. Cậu sợ sự thật. Cậu cũng ngại làm khổ Huệ.
Rồi những tin buồn cứ dồn dập đến. Tin Lý Tài phản trắc. Tin Chinh cũng bỏ theo Lý Tài đầu hàng Tống Phúc Hợp. Tin mấy người bạn trẻ của Lãng bị bọn phản bội giết đi vì không chịu về hùa với chúng... Sự trở mặt của Lý Tài đã làm rối loạn cái thế phòng thủ của đạo quân Cù Mông, nên Huệ lại phải nhọc công thanh lọc, củng cố, xếp đặt lại từ đầu. Phủ Phú Yên lại về tay kẻ thù, ức nhất là mất cả phủ vì sự phản trắc từ bên trong chứ không phải sau một cuộc chiến đấu xứng đáng.
Lãng bồn chồn khổ sở như người ngồi trên lửa. Rõ ràng cậu đã, hoặc đang ở vào một khúc quanh tâm lý quan trọng, khúc quanh mà cậu đoán ở phía trước chưa ở tầm mắt, có nhiều đau xót, tuyệt vọng não nề chờ đợi mình. Cái tuyệt vọng trước tiên là chuyện An lấy Lợi.
Con ngựa khỏe đưa Lãng về gần cửa thành, thì Lãng càng lo lắng. Cậu càng gần đến lúc phải chạm mặt với sự phũ phàng. Tại sao lại có thể như vậy được? Sao chị ấy lại chịu lấy hắn? Ai ép uổng chị? Cho dù có ép uổng, sao chị ấy lại bằng lòng? Còn cha ở đấy làm gì? Sao cha không lên tiếng?
Lãng xồng xộc vào nhà trong lúc Lợi cò kè bớt một thêm hai với một bác buôn đồ gỗ. Ông giáo và An ở phía nhà sau, Lợi không ngờ có Lãng về, mà cũng không nhận ra Lãng, nên mau mắn hỏi:
-Anh định đến mua gì ạ?
Lãng cáu kỉnh đáp:
- Không mua gì cả. Cha tôi đâu rồi? Chị An đâu?
Lợi nhận ra Lãng. Anh ta hét to lên:
- Em ơi, có Lãng về. Cha ơi, Lãng về rồi. Sao em biết tin mà về hở Lãng? Hay là người ta trả em về để cùng với gia đình...
Lãng chướng tai vì giọng thân mật của Lợi, hỏi cộc lốc:
- Chị tôi đâu?
Lợi không đủ tế nhị để đoán nỗi bực dọc của Lãng, vẫn vui vẻ đáp:
- Chị An hả? Sắp ra thôi! Em ơi, có Lãng về kìa.
An chạy ra nhà trước, tay còn cầm cái khăn lau mặt. An chạy nhanh đến định nắm lấy hai tay em nhưng Lãng rụt tay về, mắt hằm hằm nhìn An. An hiểu ngay tâm trạng Lãng. Tim cô đau nhói, e dè liếc về phía Lợi. Thấy chồng lại tiếp tục nói chuyện với bác lái buôn, An kéo Lãng ra hiên trước, run run hỏi:
- Em mới về hở Lãng? Ai cho em biết tin?
Lãng nói giữa kẽ răng:
- Chị còn hỏi như vậy được à? Chị lấy được tấm chồng, mời đủ trong nam ngoài bắc đến khoe, ai mà không biết?
An ngỡ ngàng nhìn em, khi hiểu hết, cô vừa sung sướng vừa đau xót. Cô hiểu Lãng phản ảnh được một phần tâm hồn Huệ, nên thì thào trước em:
- Lãng nỡ đay nghiến chị nặng lời thế sao? Tội nghiệp chị mà em!
Lãng muốn bật khóc khi hỏi:
- Thế sao chị bằng lòng?
An lắc đầu chầm chậm, không thể trả lời em trong vài câu được. Cô đưa tay áo lên chùi nước mắt. Lãng tò mò nhìn kỹ khuôn mặt chị, sau đó nhìn khắp thân thể chị như muốn tìm những dấu tích dơ dáng xấu hổ. Cậu chỉ thấy đôi mắt chị buồn, và thân thể hơi đẫy ra. An không muốn em khơi sâu chuyện cũ, hỏi Lãng:
- Gia đình mình bị bắt buộc phải rời đây ngay, em biết chưa?
Lãng giật mình hỏi:
- Chị nói gì? Ai bắt buộc?
- Còn ai nữa. Sau khi anh Chinh theo Lý Tài đầu hàng, Tiết chế Hiệp, gia đình mình bị ngờ là phản trắc. Họ cũng trả em về à? Thôi, như vậy gia đình đoàn tụ để dựa nhau mà sống cũng hay!
Lãng vội cải chính:
- Không, không em về đây với đoàn tùy tùng anh Huệ. Không biết anh ấy biết việc này chưa?
An băn khoăn, nhưng cũng cố bi thảm hóa để đỡ thất vọng:
- Có lẽ trại chủ đã báo cho anh ấy biết trước rồi!
Lãng giận quá, cãi lại:
- Không thể như thế được. Em biết anh ấy không hay biết gì. Nhất định anh ấy chưa biết việc này. Chị vào đi. Thưa giùm với cha là em quay trở lại tìm anh Huệ rồi về đây ngay. Vô lý lắm. Không thể như thế được.
Không chờ An nói gì. Lãng hấp tấp chạy ra đường. Cậu quyết trở lại con đường cũ để gặp Huệ.
*
* *
Khi nghe An báo tin có lẽ Lãng sẽ dẫn Huệ đến thăm, cả ông giáo lẫn Lợi đều mừng rỡ. Nhất là ông giáo. Còn Lợi thì... cười mà như bị ép buộc, ngồi đứng thắc thỏm không yên. Lợi nói với An:
- Anh quên là có chút việc phải nói với người bạn. Em và cha ở nhà tiếp khách nhé!
An nhìn vè mặt Lợi, tự nhiên đâm thương hại chồng, An níu tay Lợi, bảo:
- Em muốn anh có mặt ở đây. Muốn hai vợ chồng ta ở đây.
Lợi gỡ tay vợ ra, bảo An:
- Không. Anh có chuyện gấp thật mà. Anh đi một chút về liền. Anh không nói dối đâu.
Ông giáo hiểu ý Lợi, không nói câu nào để giữ rể lại. Vì thế, khi Lãng và Huệ đến thăm, chỉ có hai cha con ông giáo ở nhà.
Bộ áo giáp Huệ mặc trên người bám đầy bụi bậm, mái tóc dày bù rối vì gió thổi. Gương mặt rám nắng, còn nhễ nhại mồ hôi và giữ nguyên nét lo âu.
Vừa bước vào nhà thầy, Huệ đã lơ láo nhìn quanh như muốn tìm ai. An e thẹn cúi mặt xuống không dám nhìn Huệ. Ông giáo hiểu ý học trò liền bảo:
- Anh ấy vừa có việc phải đi. Anh vừa về đã đến ngay đây sao?
Huệ yên tâm, vừa ngồi xuống mép phản trước mặt thầy vừa đáp nhỏ:
- Vâng ạ. Con gặp Lãng ở trước cửa thành.
Rồi quay sang phía Lãng, Huệ nói:
- Em trở ra bảo anh em liên lạc để xếp đặt chỗ ăn chỗ ngủ đêm nay cho đoàn. Không biết chừng mai ta lại đi sớm.
Lãng vâng lời bước ra cửa. Ông giáo vội hỏi:
- Anh về gấp thế kia à?
- Dạ. Bọn con cháu nhà Nguyễn ngoài Quảng Nam lại mưu toan nổi dậy. Có lẽ chúng thấy Việp Quận công đã rút quân về bên kia đèo Hải Vân, tưởng thời cơ đã tới rồi. Nghe đâu có nhiều nhóm lắm, mạnh nhất là nhóm Nguyễn Phúc Quyền và Nguyễn Phúc Xuân. Thầy và gia quyến lâu nay vẫn khỏe ạ?
An ngước lên nhìn Huệ, khi nghe Huệ dùng hai chữ "gia quyến" đế tránh nói đến mình. Cô bắt gặp Huệ đang nhìn mình. Trong một thoáng ngắn ngủi, Huệ đọc được trong đôi mắt An nỗi hớt hải cầu khẩn. Ánh đèn chiếu nghiêng vào gương mặt An, đôi mắt loang loáng nước mắt như muốn báo cho Huệ biết An hết có thể chịu đựng nổi cuộc đời An nếu không có ai giúp đỡ. Huệ cảm thấy thương xót người bạn gái, tò mò nhìn kỹ khắp người An. Anh cũng thấy An hơi đẫy, như sức nặng của cuộc sống mới đè lên hai vai nên phần thân thể phải trầm xuống một chút, nở ra một chút để vững chân đế mà chịu đựng. Anh cũng thoáng nghĩ đó là sự biến đổi nơi tất cả những người con gái vừa lấy chồng, nhưng ý nghĩ đó làm anh đau buốt, nên cố hết sức xua đi. Anh vội tiếp câu chuyện với thầy để trí khỏi nghĩ vớ vẩn. Huệ hỏi:
- Con nghe Lãng vừa cho biết ông Nhật...
Ông giáo vội đáp:
- Phải. Chúng tôi phải rời đây càng sớm càng tốt. Ông Nhật bảo đó là lệnh. Nguyên do chỉ vì thằng Chinh đã bỏ theo Lý Tài. Chuyện đó anh biết rồi.
Huệ nói:
- Vâng, con biết. Con biết rõ hơn cả ông Nhật.
Ông giáo chợt tìm ra một nguồn hy vọng. Ông hấp tấp hỏi:
- Anh làm ơn cho tôi biết đi. Nó có phải là một tên phản trắc nguy hiểm đến nỗi người ta nghi ngờ luôn cả gia đình không?
Huệ nhìn thầy giáo, rồi nhìn An. Hai người nhìn Huệ với ánh mắt cẩu khẩn thông cảm. Anh không dám nhìn An lâu, vội nói với thầy:
- Không phải điều gì cũng đơn giản cả. Thầy yên tâm. Anh Chinh không phải là một người xấu. Chốc nữa con sẽ thuật hết mọi điều với anh con.Về việc ra đi, con tin anh con sẽ hiểu thầy. Chậm nhất là sáng mai con sẽ...
Ông giáo cắt lời Huệ:
- Nhưng mai anh đi rồi.
Huệ đáp:
- Có thể mai con với Lãng đi sớm. Cho nên mọi sự sẽ giải quyết ngay đêm nay. Con sẽ cố gắng.
Lòng An tràn ngập vui mừng. Đến lúc đó, không dằn được nữa, An bật lên khóc. Huệ sợ phải chứng kiến cảnh người bạn gái khóc nức trước mặt mình, vội đứng dậy cúi chào thầy:
- Con xin phép lên phủ gặp anh con.
Và dùng tất cả cố gắng, Huệ mới nói tiếp được phần sau câu:
- ... Xin thầy và An đừng lo ngại thái quá. An, đừng khóc nữa!
Ông giáo không biết nói gì để cảm ơn học trò. Cổ họng ông nghẹn, ông chỉ biết cầm tay Huệ lắc nhẹ. An thì ngồi yên chỗ cũ, cúi mặt tấm tức khóc. Cô nghe tiếng chân Huệ bước ra cửa, nhịp mạnh và chậm. Cô khóc thật lâu, càng khóc càng thấy nỗi khổ lênh láng mênh mông thêm, thấy cuộc ly cách vĩnh viễn, trùng trùng.
An nghe tiếng ông giáo chúc Huệ khỏe và may mắn trong trận mới, gửi gắm Lãng cho Huệ. Nghe tiếng toán lính hộ vệ vâng dạ sau khi Huệ dặn dò họ gì đó với một giọng trầm khó nghe. Rồi tiếng gươm giáo chạm vào giáp sắt, tiếng lục lạc, tiếng ngựa hí. Toán tùy tùng nãy giờ vẫn chờ Huệ trước cửa nhà An đã theo chủ tướng lên ngựa, chạy về phía đóng bản doanh.
*
* *
Đúng như Huệ báo trước, sáng hôm sau, đạo quân của Huệ xuất quân ra phía bắc để dẹp loạn Nguyễn Phúc Quyền và Nguyễn Phúc Xuân. Tối hôm ấy, ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ đã đóng cửa phòng tranh luận suốt đêm về đủ mọi vấn đề, trong đó có chuyện ông giáo. Với uy tín đang lên trước toàn thể quân sĩ, cộng với sự am tường diễn biến vụ phản trắc Lý Tài và tấm nhiệt tình bênh vực thầy cũ, Huệ đã thuyết phục được Nhạc. Anh chứng minh cho anh cả thấy vụ Lý Tài phản bội là khâu cuối của một đoạn thanh lọc đáng mừng, chứ chưa hẳn là một thất bại đau xót. Anh cũng nêu rõ: hơn lúc nào hết, không nên để cho họ Trịnh ở Thuận Hóa và họ Nguyễn ở bên kia Cù Mông tưởng rằng hàng ngũ lãnh đạo của Tây Sơn bắt đầu phân hóa. Trại chủ nghe em nói, lòng còn bất quyết. Đến khi Bùi Văn Nhật vào báo tin Nguyễn Khoa Kiên đã tự tử để khỏi phải ra Quảng Nam chống lại các toán nghĩa binh của hai vị tôn thất, Nhạc mới mạnh dạn quyết định.
Nhạc ra lệnh cho em xuất hành ngay sáng mai, và hứa xét lại trường hợp ông giáo. Dĩ nhiên hai anh em đều biết vai trò chính trị của ông giáo đã hết. Điều quan trọng là làm sao sau khi ông giáo rút lui, không có một tác hại nào cho vận mệnh chung. Nhạc suy nghĩ, và cuối cùng bằng lòng thu hồi lệnh trục xuất, tiếp tục cho Lợi làm việc với Lữ, nhưng toàn gia đình phải dời ra ở ngoài thành, trong khuôn viên cây cối rậm rạp u nhã của một tên duyện lại cũ từ thời Nguyễn Khắc Tuyên. Nhạc sẽ chu cấp để ông giáo đủ sống an nhàn, suốt tuổi già còn lại.
Giải pháp đó, Huệ thông báo cho Lãng để Lãng báo ngay cho ông giáo khuya hôm ấy. Lần đầu tiên trong đời ông giáo ôm chầm lấy Lãng mà khóc, như ôm lấy cái bóng của đứa học trò cũ. An cũng nắm lấy tay em, căn dặn giữ gìn sức khỏe khi vào trận mới. Lãng khá kinh ngạc khi nghe cái giọng âu yếm khác thường của chị. Quá khuya, không thấy Lợi về, Lãng hỏi An:
- Anh ấy đi cả đêm à?
An ngượng nghịu bảo em:
- Chắc anh ấy thấy ở lại bất tiện. Chắc anh ấy... anh ấy cũng nghĩ chỉ còn hy vọng vào sự can thiệp của... của...
An không dám nhắc đến Huệ trước mặt em. Lãng đăm đăm nhìn chị, một lần nữa cố xoi mói tìm những dấu vết biến đổi sau khi chị lấy chồng. Và một lần nữa, Lãng chỉ thấy chị hơi đẫy, mắt buồn rầu cam chịu,ngoài ra không có gì khác. Lãng buồn ngùi ngùi, hỏi An:
- Hôm đám cưới chị có nhận được thư em không?
An ngạc nhiên hỏi:
- Thư nào?
Lãng vô ý đáp:
- Thư em gửi anh Huệ đem về cho chị mà. Nhưng... nhưng...
Lãng nhớ nội dung lá thư, không nói gì nữa. An cũng thẹn thùng liếc nhìn em. Lãng ngồi nói chuyện vẩn vơ quanh co với chị một lúc nữa, rồi tạm biệt cha và An để về trại.
*
* *
Lịch sử ghi rằng tháng Ba năm Bính Thân (1776) Nhạc xưng vương, đặt Lữ làm Thiếu phó, Huệ làm Phụ chính, Nguyễn Thung làm Nguyên nhung, Diệm làm Sĩ sư, giáo Hiến làm Quân sư, Tân làm Lại bộ, Bạc làm Hộ bộ, Chỉ làm Lễ bộ, Vịnh làm Binh bộ, Bùi Văn Nhật làm Hình bộ, Phạm Ngạn làm Nội hầu, Bùi Đắc Tuyên làm Thái úy, Đặng Văn Châm làm Ngự úy, Diệu làm Điều khiển, Nghĩa làm Đốc vụ, Vân làm Tổng nhung, Uy làm Đô đốc, Chấn làm Chỉ huy, Đá, Tiếp, Hồng đều làm Đô úy (Chính biên liệt truyện, q.30, 14a).
Vai trò nòng cốt thực sự của vương triều mới kiểm soát suốt một dải đất rộng từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông gồm có Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc, Thiếu phó Nguyễn Lữ (với cánh tay phải là Lợi), Phụ chính Nguyễn Huệ, Bùi Văn Nhật,Chỉ, Năm Ngạn, Bùi Đắc Tuyên và Đặng Văn Châm.
Các chức vụ khác đều là chức hàm, như tấm sắc đốt trước mộ phần các liệt sĩ để thanh toán cho xong một món nợ ân nghĩa. Riêng chức quân sư của ông giáo thì giống như cái dấu mốc chấm hết một sinh mệnh chính trị. Từ đó về sau, sử sách không nhắc gì đến ông giáo nữa. Ông đã chịu dạt sang lề, thui thủi lặng lẽ dưới ngôi nhà lá mái nằm khuất sau vườn cây ăn quả rậm rạp ở Bằng Châu. Các con ông, học trò ông sẽ tiếp tục gặp các vinh nhục, rủi may, thiện ác, mà ông đã trải qua, mỗi đứa theo mỗi cách, như những nhánh sông sau khi tiếp được đầu nguồn, rẽ ra nhiều ngả, nhánh lặng lẽ róc rách, nhánh êm ả hiền hòa giữa hai bờ lúa rộng, nhánh cuồng nộ gào thét qua bao thác ghềnh, nhánh uốn khúc quanh co nhưng thu được tất cả phù sa của các dòng bè bạn để mang nhập vào bể cả...
Nhưng những gì xảy ra sau năm Bính Thân đều ở ngoài tầm tay của thầy giáo Hiến, thuộc hẳn vào một cương vực khác, không khí khác, giai đoạn lịch sử khác: giai đoạn của những nhánh sông phân rẽ sau khi tiếp được cả phù sa lẫn xác lá mục của đầu nguồn.
(còn tiếp) |