Sông Côn mùa lũ: Chương 53
16:14', 29/8/ 2004 (GMT+7)

Lần này Lãng đến thăm Kiên với một tâm trạng hoàn toàn khác trước. Anh không có niềm vui tràn trề nào để chia sẻ, cũng không có niềm tự tôn nào để cúi xuống thương hại lối sống hiu quạnh lạc lõng của anh. Lãng tìm đến Kiên như một bệnh nhân tìm đến bất cứ thầy lang nào ở gần nhất.

Quán rượu phía trước vẫn đông khách như lúc nào. Cô gái lớn xinh đẹp của vợ Kiên không biết bận việc gì, nên Kiên phải ngồi ở quầy trông chừng. Thấy em đến, Kiên gọi con Út ra thay mình, rồi vội vã kéo Lãng ra vườn sau. Lãng dùng dằng không muốn theo anh, đề nghị:

- Để em ra chào chị đã. Nghe nói từ hồi sinh con bé, chị không được khỏe.

Kiên hấp tấp nói:

- Thôi thôi. Khỏi cần. Chú ra đây nói chuyện với tôi đủ rồi.

Khi đã kéo Lãng đi khá xa, tận góc vườn um tùm, Kiên mới nói thật:

- Nhà lại vừa kình cãi nhau. Phiền hết sức!

Lãng lo ngại hỏi:

- Chuyện gì thế anh?

Kiên thở dài:

- Đủ thứ chuyện! Hết mẹ đến lượt con!

Lãng lấy làm lạ hỏi:

- Sao thế? Sao hôm nay không thấy nó trông hàng.

Kiên trề môi, giọng mỉa mai:

- Cho nó ngồi đó để bọn trai lơ kéo đến cợt nhả, phá nát cái quán à? Cứ cái đà này chắc có ngày máu đổ chứ chẳng phải chơi. Tôi đã bảo con gái lớn rồi, phải giữ ý giữ tứ. Bả không nghe. Chuyện đã như vậy rồi còn cãi sa sả.

Lãng e dè nói:

- Nhưng lỗi đâu phải cô ấy! Bọn mã phu lúc nào chẳng vậy.

Kiên quay ra sừng sộ với em:

- Chú biết gì mà bênh vực nó. Chú không thấy nó ngồi cả buổi trưa rán chịu đau nhổ lông mày cho sắc lẻm đấy! Nó đứng đắn hiền thục, làm sao tụi vô lại kia dám chòng ghẹo được.

- Nhưng chẳng lẽ anh ngồi trông hàng suốt ngày? Có phải vì vậy mà anh xin nghỉ việc không?

Kiên vội hỏi:

- Ai nói cho chú biết?

- Anh Huệ.

- Ai?

- Anh Huệ, Long Nhương tướng quân đấy!

- Ông ấy còn nói gì không?

- Không. Anh ấy chỉ hỏi tại sao anh bỏ việc. Em cũng chẳng biết trả lời thế nào.

Kiên suy nghĩ, rồi nói:

- Chắc quan Tiết chế nói lại cho ông ấy biết. Này, chú có biết chuyện này chưa?

- Chuyện gì thế anh?

Kiên cười lỏn lẻn, da mặt đỏ dần vì sung sướng:

- Cách đây mấy hôm quan Tiết chế có đến đây!

- Thật à? Chắc ông ấy đến hỏi vì sao anh bỏ việc chứ gì!

- Không. Ông ấy đến trước khi anh thôi việc. Có thể nói vì có ông Lữ khuyến khích nên anh mới mạnh dạn thôi việc (Kiên quên cả cách xưng hô cố làm cho xa cách "tôi, chú" vì quá hân hoan).

Lãng không tin, hỏi:

- Chẳng lẽ anh Lữ đến tận đây xui anh nghỉ việc?

Kiên vội đáp:

- Không. Ông ấy đến một mình, đi bộ, không có lính hầu. Ông ấy còn cố ý ăn mặc y như một người dân thường, cho nên không ai nhận ra quan Tiết chế cả. Ban đầu anh cũng tưởng một anh mã phu lạ mặt nào đó đến uống rượu. Đến khi nhận ra quan Tiết chế, anh trố mắt, líu lưỡi không nói được gì cả. Ông ấy cười, ra dấu bảo anh đừng nói gì cả. Rồi ông ấy kéo anh ra góc vườn này. Lãng có biết quan Tiết chế hỏi anh điều gì không?

- Em chịu!

Kiên hãnh diện ngửng cao mặt lên, nói:

- Quan Tiết chế hỏi anh về phương pháp cảm thông với vạn vật. Lạ chưa! Không biết ai đã mách cho ông ấy biết.

Lãng tò mò hỏi:

- Rồi anh trả lời thế nào?

Kiên cười lớn, bảo em:

- Còn trả lời thế nào nữa. Anh lấy bạo giải thích một thôi một hồi. Ông ấy tỏ vẻ khâm phục anh lắm. Anh kể cặn kẽ thứ tự trước sau, từ dễ đến khó. Ông ấy hỏi anh đã đạt tới trình độ nào rồi. Nghe anh đáp, ông ấy không tin.

Lãng tò mò hỏi:

- Lâu nay em không đến đây, không biết anh đến đâu rồi?

Kiên nhìn thẳng vào mắt em, chờ dấu hiệu thán phục của Lãng:

- Anh đã qua khỏi giai đoạn cần đến một loại trung gian để cảm thông với vũ trụ. Lần đầu tiên em đến đây, anh có giải thích cho Lãng cách đạt hạnh phúc bằng phóng sanh chứ gì. Sau đó, nếu anh không lầm, thì anh đã chỉ dẫn một phương pháp cao hơn, chỉ cần đặt một viên đá lên lòng bàn tay cũng đủ hòa nhập vào cuộc sống huyền bí của vạn vật. Những phương pháp ấy dù sao chỉ là hạ sách, vì còn có một vật thể thứ ba làm môi giới giữa ta và vũ trụ. Còn có môi giới, tức là còn có bất đồng, còn có ngăn cách. Phải làm thế nào loại bỏ thứ môi giới ấy đi. Anh đã nghĩ như vậy, và đã luyện tập ghê lắm. Cuối cùng, anh thành công.

Lãng không thể chờ đợi thêm, vội hỏi:

- Anh làm cách nào? Giải thích cho em biết với!

Kiên mỉm cười với khoảng không, gần như quên mất mọi sự quanh mình. Một lúc lâu, Kiên mới quay về phía Lãng, nháy nháy cặp mắt như vừa choàng tỉnh dậy, chậm rãi nói:

- Cái cách của anh mới nghe có vẻ đơn giản lắm, đơn giản đến độ khó tin. Quan Tiết chế cũng hơi ngờ vực, tưởng anh nói đùa. Ông ấy cũng hỏi như em vừa hỏi. Anh ngồi xuống như thế này, xếp bằng thật chặt theo lối kiết già của nhà Phật. Hai bàn tay đặt ngửa lên chỗ hai đầu gối, mấy ngón tay cố gắng xòe ra hết mức như phải bợ một quả cầu lớn và nặng. Chỉ có thế thôi. Anh giải thích đến đó thì quan Tiết chế cười, có ý châm biếm, giễu cợt. Anh phải giải thích thêm rằng đó chỉ là cái thế ngồi thuận lợi để mở đầu cuộc thử thách. Phần chính yếu là những gì tiếp theo sau đó. Ngồi theo cái thế ấy xong, em phải nhắm mắt lại, dùng tất cả ý chí để lần lượt trừ khử mọi giác quan từng làm rối loạn trí khôn của em, che mờ cái đức sáng của em. Em giải trừ lầm lẫn của mắt, rồi đến tai, mũi, miệng. Em sẽ quên hết mọi sự, quên luôn cả thân xác mình. Tất cả sinh lực của ngũ quan bây giờ dồn hết về hai bàn tay, tức là xúc giác. Da bàn tay em sẽ căng lên, ngón tay run rẩy y như chiếc lá nhẹ run rẩy trước cơn heo may. Khắp người em sẽ nóng ran, như sắp bốc lửa. Dĩ nhiên em phải quên cả mình, vì nếu nhớ tức là chưa giải trừ được sự ràng buộc, sự rối loạn, sự mê muội. Em không biết có mình, mà chỉ biết đang có một ngọn lửa âm ỉ đang sắp bùng lên để hòa vào khối lửa lớn đang phần phật cháy chung quanh. Đến lúc từ mười đầu ngón tay em cảm thấy tê dại như gặp băng tuyết, rồi lại thấy nóng rực như mười đầu ngọn nến, lúc đó em bắt đầu cảm thấy toàn thân nhẹ hẫng, bập bềnh như một làn khói. Đúng lúc ấy là lúc em hòa nhập vào hư không, đạt đến cực điểm của hạnh phúc. Lúc tỉnh dậy, khắp người em sẽ vã mồ hôi như vừa mới xông dậy. Em sẽ ngẩn ngơ khá lâu, vì nuối tiếc cái thế giới thần tiên vừa mất. Nhưng đừng vội, đừng tham lam. Chỉ khi nào em dứt bỏ được phiền não, xem thường được thị phi, giã từ được thành kiến, lúc đó em hãy "tĩnh tọa".

Lãng đăm đăm nhìn Kiên, lòng hơi lo âu thương xót, Kiên giống như một người mộng du, nói say mê với khoảng không, bất cần Lãng hiểu hay không hiểu. Kiên đưa vạt áo lên lau mồ hôi trán, rồi lau thật kỹ mồ hôi rịn ướt ở lòng bàn tay, như một hiệp sĩ chăm sóc thanh kiếm quí giá của mình. Lãng nói:

- Em sợ cái lối tìm chân lý, tìm hòa đồng theo đường tắt của anh chỉ là một cách tìm ảo giác, giống như người ta nhìn vào kính vạn hoa để tìm mùa xuân. Vì hạnh phúc chân thật đâu có ở tầm thấp như vậy!

Kiên vội cãi:

- Đó, chính đó là sai lầm to lớn của mọi người, nhất là ở những kẻ tưởng mình thông minh xuất chúng. Không, hạnh phúc ở tầm thấp, thấp hơn tầm cao trung bình của mọi người. Nó ở tầm cao một đứa bé chập chững với tới được, do đó chỉ những đứa bé bắt đầu đứng được một mình là tìm được thứ hạnh phúc trong sáng nhất, trinh nguyên nhất. Càng lớn, nó càng u mê, chỉ lo nhìn cao, nhìn xa để tìm những cái bóng hạnh phúc, trong khi cái nó tìm ở thấp lè tè ngay tầm đầu gối.

Lãng lắc đầu, nhất quyết bảo:

- Em không tin.

Kiên vẫn quả quyết:

- Rồi Lãng sẽ tin. Lãng bắt đầu mon men đến đầu con đường chân lý, vì nếu không, em đâu thèm đến đây thăm anh.

Lãng nhột nhạt, vì thấy Kiên có lý một phần.

 

*

* *

Trong thời gian dao động tinh thần, Lãng thường về nhà hơn trước. Ông giáo mất, cả căn nhà trên không ai ở. Mỗi lần về nhà, Lãng được thoải mái một mình trong căn phòng rộng, hơi tối nhưng luôn luôn mát mẻ ấy. Anh có cố gắng thử "tĩnh tọa" theo chỉ dẫn của Kiên, nhưng không khi nào anh đạt được cảm giác hạnh phúc đúng như Kiên tả. Cho nên sau vài lần thử thách, Lãng phải bỏ cuộc. Anh nghĩ Kiên đã tự lừa dối mình bằng cách tìm ra một ảo giác để thay thế cho khoảng không đáng sợ của cuộc đời, và ảo giác ấy tìm thấy dễ dàng trong khi thúc ép thể xác chịu đựng một tư thế bất thường nào đấy, như đăm đăm nhìn vào một vật gì, hoặc cố xòe ngón tay thật rộng... Bớt chú ý đến Kiên, Lãng mới ghi nhận được những thay đổi ở hai vợ chồng An, Lợi!

Lãng nhận thấy Lợi đã thay đổi quá nhiều sau khi tham dự cuộc tấn công vào Gia Định năm Nhâm Dần trở về. Lợi thay đổi hẳn tính nết. Từ một người ba hoa, nhanh nhẹn, Lợi trở thành một người trầm tĩnh, kín đáo. Lối ăn nói, đi đứng, lối giao thiệp đều "chững lại", mất hết phần vồ vập sôi nổi. Những người quen biết Lợi bảo nhau rằng thời gian bị ở tù đã khiến Lợi rụt rè, đa nghi hơn, do đó giữ gìn ý tứ đối với mọi người, tưởng ai cũng có thể là kẻ sẵn sàng hại mình. Họ kinh ngạc không thấy Lợi bình luận gì về cái chết của Phạm Ngạn, hoặc mừng rỡ ồn ào khi được cất nhắc lên một địa vị quan trọng chẳng kém xưa. Không ai đoán được Lợi vui hay buồn, cái gì nấp sau nụ cười hòa nhã nhưng nhạt nhẽo Lợi thường dùng để tiếp xử với bất cứ ai. Điều đó gây nhiều bất lợi cho Lợi, những tay chuyên "làm ăn" ngẩn ngơ không hiểu Lợi muốn gì, đâm ra e ngại, dè dặt. Khách khứa tìm đến nhà Lợi thưa thớt dần, các tiệc rượu chè chén ầm ĩ thật hiếm hoi.

Điều gì đã khiến Lợi thay đổi toàn diện như vậy?

Không có gì khó hiểu cả! Có thể tóm tắt triết lý sống của Lợi trong một câu tục ngữ gọn ghẽ: "Lệnh ông không bằng cồng bà". Lợi chợt nghĩ ra điều đó một buổi tối khó ngủ ở Bến Nghé. Lợi nhớ lại câu tục ngữ, rồi đối chiếu nội dung câu đó với những thành bại của đời mình, càng ngày Lợi càng vỡ lẽ. Anh ngạc nhiên, không hiểu nổi mình. Tại sao chân lý đơn giản ấy, mãi đến nay ta mới nhớ ra? Phải rồi, lâu nay ta chỉ lấy tài miệng lưỡi để giao thiệp với bọn đàn ông, khi khen ngợi để lấy lòng họ, khi nói khích để thúc đẩy họ, khi vờ nhún nhường để gãi đúng niềm tự cao tự đại của họ. Bọn đàn ông có bị Lợi mê hoặc, xúi giục, mua chuộc, thậm chí lừa dối đấy, nhưng so với công lao bỏ ra, Lợi thấy cuối cùng mình vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Anh chỉ lo phần "lệnh ông", mà quên mất "cồng bà"!

Nghĩ được đến đấy, Lợi quyết thay đổi kế hoạch sống. Từ nay anh thử dùng "cồng bà" để lấy cho được "lệnh ông". Anh nghĩ làm như thế vừa đạt kết quả cao hơn, vừa ít tốn công phu. Từ đó, Lợi thay đổi lối sống. Anh bớt lời lại, ít nhanh nhẹn tháo vát hơn. Trước mặt mọi người, Lợi trở thành một người chín chắn, một kẻ đáng tin cậy, kín đáo, trầm tĩnh, chịu khó... Chẳng bao lâu, Lợi trở thành người tốt bụng sẵn sàng giúp đỡ cho các bà các cô từ những việc vụn vặt tầm thường nhất như tìm mua giùm một loại chỉ thêu, một cây trâm cài tóc cho đến những điều trọng đại như chỉ dẫn mua bán một đồ trang sức, một xấp hàng Tàu. Dần dà, Lợi kéo An vào một dịch vụ lớn: làm môi giới buôn bán đồ nữ trang cho các cô các bà, vốn là những chị hàng rau chị buôn trầu nay trở thành bà Đô đốc, bà Thái úy, bà Tư khấu... Cuộc thử thách cho Lợi thấy mình đã kịp chọn con đường đúng nhất. Qua các bà, anh giải quyết được nhiều việc khó khăn nếu anh chỉ bàn cãi, xin xỏ với các ông. Công sức, của cải bỏ ra một nửa thôi, mà kết quả thu được gấp đôi gấp ba. Khám phá ấy khiến Lợi mỉm cười đắc chí một mình, y như lúc Lợi mỉm cười đắc chí vì cái chết của viên Hộ giá Phạm Ngạn!

*

* *

Lợi làm thân với Nguyễn Hữu Chỉnh khi vâng lệnh quan Tiết chế xuất của kho chở đến giúp đỡ cho gia đình ông Cống mọi thứ vật dụng cần thiết, từ cái mâm đồng, ống nhổ cho đến cái chén, đôi đũa. Thật đúng với qui tắc xử thế mới của Lợi, hôm ấy anh không gặp Nguyễn Hữu Chỉnh. Ông Cống bận dự một cuộc lễ long trọng nhân dịp ông được nhà vua chính thức phong cho ông tước Đô đốc. Lợi chỉ gặp bà vợ ngài Đô đốc ở nhà. Lợi khéo cư xử đến nỗi không đầy một buổi, vợ Nguyễn Hữu Chỉnh đã đem hết chuyện vui buồn trong nhà ra kể hết cho Lợi nghe, từ nỗi khổ của bà nội trợ phải cung đốn rượu thịt cho đám khách khứa lúc nào cũng nườm nượp như ngày hội, cho đến nỗi khổ tâm ghen tuông của một người vợ có chồng quá tài tử, phong lưu. Ngoài rèm réo rắt tiếng sênh tiếng phách, ở buồng trong người vợ khóc thầm. Lợi chịu khó lắng tai nghe hết những điều tâm sự thầm kín, cho đến lúc Nguyễn Hữu Chỉnh trở về. Vợ Chỉnh vui mừng bảo chồng: - Quí hóa quá, quan Tiết chế vừa nhờ anh đây mang sang giúp ta đủ thứ đồ đạc cần thiết. Thầy nó biết không, không thiếu thứ gì cả. Người đâu mà tử tế quá.

Chỉnh ngờ ngợ, không nhớ đã gặp Lợi ở đâu. Ông hỏi:

- Trông anh quen lắm. Phải, tôi có gặp anh ở đâu rồi. Anh người Đàng Ngoài phải không?

Lợi cười lắc đầu. Vợ Chỉnh nói:

- Thầy nó lầm rồi. Anh ấy nói tiếng Đàng Trong.

Bấy giờ Lợi mới lên tiếng:

- Ông Cống đa đoan công việc, mau quên đó thôi. Lần ông Cống mang ấn kiếm vào đây cho... cho Hoàng thượng và Tướng quân...

Nguyễn Hữu Chỉnh cướp lời Lợi:

- Tôi nhớ ra rồi. Có phải anh đấy không? Phải chính anh. Hồi đó tôi được mời dự tiệc cưới của anh. Tôi không nhận ra, vì tối hôm đó anh mặc lễ phục. Cô dâu vẫn đẹp như xưa chứ?

Lợi sung sướng đáp:

- Thưa nhà tôi đã gầy ốm đi nhiều qua mấy lần sinh khó.

Vợ Chỉnh liền hỏi:

- Ông bà đã được mấy cháu rồi?

Lợi đáp:

- Dạ mới được hai cháu.

Vợ Chỉnh hỏi tiếp:

- Hai trai cả chứ?

- Dạ không. Đứa đầu con trai. Đứa sau con gái.

Nguyễn Hữu Chỉnh bảo vợ:

- Hôm nào sắp xếp việc nhà xong xuôi, bà phải đi một vòng tạ ơn các phu nhân. Nếu cần nhờ chị Lợi cùng đi cho tiện ăn tiện nói. Anh Lợi nhé, nhớ giúp giùm cho nhà tôi việc ấy nhé.

Lợi lễ phép đáp:

- Vâng ạ. Lúc nào cần, xin ngài cứ cho biết.

Chỉnh vội nói:

- Ấy, anh đừng gọi thế mất cả thân mật đi. Gia đình chúng tôi chạy nạn vào đây, được các anh đùm bọc, che chở, giúp đỡ từ mạng sống cho đến cây tăm cái chén, thật tôi không biết lấy gì để đền cho đủ cái ân to lớn ấy. Nói thật với anh, nếu nhà vua bảo tôi nhảy vào lửa, tôi cũng sẵn sàng. Huống chi nhà vua lại tin cậy cái tài mọn của tôi, phong cho chức Đô đốc, nhờ cải tiến lại thủy quân, góp thêm ý để chấn chỉnh lại các đạo quân bộ. Trời ơi! liệu tôi có xứng được tín nhiệm như thế không? Lòng tin ấy, biết lấy gì đền đáp cho đủ. Anh Lợi giúp cho tôi nhé. Chúng tôi phải đến lạy tạ từng ân nhân mới được. Hiện giờ anh làm việc ở đâu?

Lợi đáp:

- Dạ vẫn còn giúp việc cho quan Tiết chế đấy ạ!

- Quan Tiết chế Nguyễn Lữ à? May mắn lắm. Dĩ nhiên là sau khi lạy tạ Hoàng thượng, chúng tôi phải đến xin ra mắt quan Tiết chế. Còn Long Nhương tướng quân? Tướng quân ở đâu?

- Dạ ở trong hoàng thành. Quan Tiết chế thích chốn thanh tịnh, nên lập biệt cung ở khoảnh đất gần bộ Hình.

- Thế à! Này, cho tôi hỏi thăm thêm một điểm nữa. Quan Hình bộ Bùi văn Nhật ưa thích thứ gì nhất?

- Ngài muốn hỏi gì ạ?

Chỉnh hơi e ngại, cuối cùng cũng giải thích rõ hơn:

- Nghĩa là ông ấy có tính tình như thế nào? Ưa nhộn nhịp ca hát, chè rượu? Hoặc ưa yên tĩnh ngâm thơ ngâm phú? Hoặc thích đá gà? Hoặc thích bài bạc?

Lợi thú thực:

- Tôi xin chịu. Lâu nay tôi không chú ý xem quan Hình bộ thích gì. Chỉ biết đại khái tính quan hơi nóng nẩy.

Chỉnh liền hỏi:

- Thế thì tính tình em gái quan Hình bộ, tức là Long Nhương phu nhân, thế nào? Cũng nóng nẩy như ông anh à?

- Cái đó tôi cũng xin chịu. Chắc không phải thế đâu. Phu nhân nổi tiếng hiền thục. Lúc còn bé, nhà tôi có dạy cho phu nhân thêu thùa, và học chữ.

Nguyễn Hữu Chỉnh reo lên:

- Thật thế à! May quá. Nếu vậy hôm nào chúng tôi phải nhờ cả hai anh chị hướng dẫn cho. Gắng giúp chúng tôi nhé, anh Lợi nhé!

Lợi không còn có thể từ chối được nữa. Anh cảm thấy áy náy, gần như ấm ức, vì bị lôi kéo vào một việc anh không liệu trước, mà cũng không thể lường được hậu quả về sau. Tỏ ra quá thân mật với Cống Chỉnh có lợi hay sẽ mang họa? Những câu ông ta hỏi nhằm mục đích nào? Tại sao lại hỏi riêng tính tình quan Hình bộ Bùi Văn Nhật?

Lợi rờn rợn như đang đứng gần một vực sâu thăm thẳm, lòng mất hết tự tin.

*

* *

Lợi đưa vợ chồng Nguyễn Hữu Chỉnh ra về xong, trở vào nhà với gương mặt hớn hở. An bực quá, gắt:

- Sao anh lại nhận lời người ta?

Lợi không ngờ vợ cằn nhằn, ngớ ra một lúc, hỏi vợ:

- Nhận gì đâu?

- Thì anh nhận đưa vợ chồng ông ấy đến thăm ông Long Nhương.

Lợi nhớ ra, cười xòa:

- Từ chối làm sao được! Vả lại chuyện đó có khó khăn gì đâu.

An gắt gỏng thêm:

- Anh muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, sao lại kéo em vào.

Lợi hạ giọng năn nỉ:

- Không có em thì việc gì họ phải lặn lội đến đây!

- Vì sao vậy?

- Ý của Đô đốc Chỉnh là muốn có em đi theo, để câu chuyện với Long Nhương phu nhân được tự nhiên, thân thiết hơn. Giữa đàn ông với nhau đơn giản quá rồi. Nhưng bà vợ ông Chỉnh tự nhiên đường đột đến làm quen với Long Nhương phu nhân, coi sao tiện!

- Nhưng em đi theo thì được việc gì?

Lợi cười mơn, rồi nói:

- Dù sao em với phu nhân cũng là chỗ quen biết cũ. Em chẳng từng là cô giáo của phu nhân thời trước là gì!

An ngạc nhiên hỏi:

- Làm sao họ biết chuyện đó? Anh lại khoe khoang chứ gì?

Lợi chối:

- Không đâu. Ông bà ấy vào đây cả tháng rồi, việc gì họ không biết. Vả lại, em quên là hồi đám cưới chúng ta, quan Đô đốc có dự tiệc cưới hay sao?

Không muốn bàn luận dây dưa, Lợi vỗ vai vợ bảo:

- Ngày mai khoảng xế chiều, em sửa soạn sẵn đi nhé. Ăn diện cho đèm đẹp một chút. Đằng nào anh cũng đã trở thành...

An ngơ ngác hỏi:

- Anh trở thành cái gì?

Lợi đỏ mặt, giọng lắp bắp:

- Ấy, chưa có gì chắc chắn, nhưng anh tin là không có trở ngại gì đâu. Chuyện như thế này: quan Đô đốc muốn tìm một phụ tá thông thạo mọi việc ở đây. Ông ấy mới vào, mọi sự còn bỡ ngỡ. Ông ấy muốn xin anh về làm việc với ông ấy.

An lo sợ hỏi:

- Anh đã thuận rồi à?

Lợi lại chối:

- Không. Anh đã đáp dứt khoát đâu. Anh bảo mọi sự tùy thuộc ở Hoàng thượng, nhất là tùy thuộc ở quan Tiết chế. Về làm việc với một người uyên bác từng trải như quan Đô đốc, nhất định là thích thú hơn làm đầy tớ những thằng ngu (ý Lợi muốn ám chỉ Phạm Ngạn). Gớm, cái gì ông ấy cũng biết, từ chuyện làm ăn, võ bị, văn chương cho đến cả các trò ăn chơi. Hoàng thượng mê ông ta là phải. Tiếc quá, lúc nãy em không lên nhà trên tiếp chuyện với quan Đô đốc. Chiều mai em sửa soạn chu tất cho nhé. Anh về là đi ngay.

An cương quyết đáp:

- Em không đi đâu cả.

Lợi trố mắt nhìn vợ, hỏi:

- Em dở chứng gì thế?

- Em không dở chứng. Nhưng em đã bảo không đi là không đi. Các người thậm thụt những gì với nhau, bây giờ lôi em vào chuyện trái khoáy thế này. Bao năm nay không đi lại thăm viếng, tự nhiên bây giờ vác mặt đến chị chị em em!

- Người ta có đòi em phải nói gì đâu. Bà ấy chỉ nhờ em đi kèm cho câu chuyện tự nhiên, thân mật mà thôi. Vả lại phu nhân chỉ đáng vào tuổi em út của em, em ngại gì, sợ gì!

- Em không sợ gì cả. Chỉ sợ người ta nhìn mình như một kẻ đến ăn xin người ta thứ gì. Anh nên nhớ dù sao, cha em cũng là thầy dạy anh Huệ anh Lữ học.

Lợi mất kiên nhẫn, lớn tiếng:

- Anh đã nói hết lời mà em không chịu hiểu. Vì sao anh phải chịu khó chịu nhục, em biết không? Vì tương lai của em và các con đấy! Anh là thuộc hạ của nhà vua từ hồi đi buôn nguồn. So với nhiều người, anh còn có công gấp mấy họ. Nhà vua còn lạ gì anh! Nhưng lũ tiểu nhân ganh tị cứ tìm cách làm hại anh, bao năm nay anh cứ khom lưng vâng dạ, không ngóc đầu lên nổi. Bây giờ chỉ có cách qua giúp việc hẳn cho quan Đô đốc mới mong lập danh mà thôi. Ông ấy cần có anh, mà anh cũng cần có ông ấy. Một người từng trải khôn ngoan như vậy không bao giờ sơ suất trong cách nhìn người. Em thử nghĩ xem, tại sao đích thân hai ông bà lặn lội đến tận Bằng Châu để thăm mình? Tại sao? Cũng như không phải vô cớ mà quan Đô đốc tỏ ra ân cần giao thiệp với quan Hình bộ và Long Nhương tướng quân!

An gần bị thuyết phục, nhưng vẫn cố cãi:

- Em không biết những chuyện rắc rối đó. Những tính toán, dò đường đó là việc của thiên hạ. Em chỉ biết nuôi con, và sống cho ra con người. Việc gì em cho là hèn kém, làm thấp phẩm giá, em nhất định không làm.

Lợi tức giận nói:

- Cái gì mà thấp phẩm giá! Giữa gia đình ta với gia đình anh Huệ, giữa em với vợ anh Huệ, có phải hoàn toàn xa lạ đâu mà giữ gìn, khách sáo. Có gì là hèn kém! Lâu nay ta đã xin họ chút ân huệ nào đâu! Ngược lại là khác! Em xem, chỉ vì ta dè dặt thận trọng quá mà từ trước đến giờ, chỉ chịu toàn tai vạ, thiệt thòi. Anh chừng này tuổi đầu, tài trí không thua ai mà đến nay vẫn dở ông dở thằng.

An cảm động, run run nói:

- Thôi được. Mai em đi. Nhưng một lần này thôi.

Lợi mừng rỡ nói:

- Có thế chứ. Ngày mai em chịu khó trang điểm cho đẹp thật đẹp lên nhé. Anh không muốn người ta chê vợ anh quê mùa. Em biết không, hôm trước quan Đô đốc nhắc lại hôm tiệc cưới chúng ta, cứ tấm tắc khen em mãi. Em cũng nhớ mang cái vòng ngọc thạch anh mua độ nọ. Long Nhương phu nhân đang thích vòng ngọc. Em khéo nói một chút, phu nhân không nỡ chối từ đâu. Sao phụng phịu nét mặt thế? Lại dở chứng nữa rồi!

*

* *

Khoảng nửa tháng sau, Long Nhương tướng quân gọi Lãng lên bảo:

- Vậy là cậu được thỏa ước rồi nhé! Cậu mong làm một việc gì không vấy máu. Có việc đẹp mắt cho cậu đây rồi. Sửa soạn qua nhận công việc mới đi!

Lãng lo âu, hỏi:

- Việc gì thế, thưa Tướng quân!

Nguyễn Huệ cười, cố làm ra vẻ bí mật:

- Việc này... việc này cũng có dính máu đấy, nhưng là máu giả. Vâng, máu làm bằng phấn đấy mà! Lã Bố ghen lên đâm chết Đổng Trát, tất nhiên phải có máu chảy.

Lãng hiểu ra, vội hỏi:

- Em sắp qua bên đoàn hát tuồng của ông Mịch?

Nguyễn Huệ gật đầu:

- Phải. Hôm trước ta nói đùa cho vui, sau đó nghĩ lại thấy cũng có lý. Lãng chuyển qua bộ Lễ, lo phát triển đoàn hát có lẽ thích hợp với bản tính của Lãng hơn. Dĩ nhiên không ai bắt cậu làm đào kép. Cậu thử qua đó một thời gian, rồi tập soạn tuồng. Lâu nay đến kỳ lễ lạc cứ diễn đi diễn lại mãi mấy cái tuồng Tàu. Lãng thử soạn tuồng tích Nam xem sao. Chẳng hạn thử lấy chuyện chú Lía mà soạn một vở tuồng, đem diễn cho dân Qui Nhơn xem, chắc họ thú lắm.

Lãng lo ngại nói:

- Chỉ sợ diễn tuồng bình dân mũ áo không sặc sỡ, lời lẽ nôm na các quan lại chê cười. Không phải ai ai cũng thích tuồng Nôm như Tướng quân.

Huệ sôi nổi đáp:

- Cần gì các quan chê khen! Vả lại các ông ấy biết gì tuồng tích mà chê khen! Ta chợt nghĩ thêm một ý nữa, là phải làm thế nào phát triển cho thật nhiều đoàn hát tuồng, để diễn cho quân sĩ và dân chúng xem. Ngay gánh hát hiện nay của ông Mịch cũng phải đưa ra khỏi cung đình. Phải cho họ lưu diễn khắp nơi, để xem dân chúng khen chê thế nào, căn cứ vào đó thêm bớt, sửa đổi cho thật ý nghĩa, và dễ hiểu. Chứ hát toàn lời chữ Nho, có ai hiểu gì đâu. Đến lúc nào người xem thấy đào kép trên sân khấu giống mình, hoặc trải qua những cảnh ngộ như mình, lúc đó họ mới thành thật hiểu rõ giá trị vở tuồng. Chứ như hiện nay, cậu biết không, đêm hôm qua có buổi hát trong cung. Các quan lớn nhỏ ngồi ngủ gà ngủ gật, còn các bà thì nhóp nhép nhai trầu, rồi quay sang nói chuyện con cái, vàng ngọc. Trông đào kép gân cổ hát giữa cảnh bát nháo đó, thảm lắm.

Lãng thêm lo ngại, ngập ngừng một lúc, rồi đáp:

- Việc khó quá, không biết em làm được gì không?

Nguyễn Huệ cười, bảo:

- Có khó mới giao cho cậu. Bên bộ Lễ đã thuận rồi. Chừng nào Lãng muốn sang, cứ cho ta hay. Muốn ở lại đây với ta cũng được. Thành thực mà nói, ta khó tìm được một viên Thư ký có thể hoàn toàn tin cậy như cậu. Nhưng ta theo binh nghiệp, mà cậu lại sợ cảnh máu đổ! Thật đáng tiếc. Ta đang cho cải tiến các chiến thuyền, tổ chức lại thủy quân để phải vào Gia Định lần nữa. Lãng còn thích theo ta không?

Lãng lí nhí đáp:

- Thưa Tướng quân... Thưa Tướng quân...

Nguyễn Huệ cắt lời viên Thư ký:

- Được, ta hiểu cậu muốn gì rồi. Gần đây có thêm Cống Chỉnh, đạo thủy quân có vẻ thiện chiến hơn. Thuyền chiến cũng lớn hơn, khả dĩ chở được cả voi để tượng binh góp mặt ở mặt trận xa. Nhiều điều ông ấy bàn có lý lắm, nhưng... À này, hôm kia An có dẫn bà Cống Chỉnh lại thăm, cậu có biết không?

Lãng ngạc nhiên hỏi:

- Thật thế sao Tướng quân? Sao lại đi với bà vợ quan Đô đốc?

Nguyễn Huệ cười ranh mãnh:

- Cậu chưa biết à? Đô đốc đã xin Lợi về làm phụ tá cho mình. Được lắm. Hai người tính gần giống nhau, thế nào cũng làm nên sự nghiệp. Từ ngày Lợi về, chắc An vui lắm?

Lãng băn khoăn không đoán nổi ý tưởng của Huệ, chỉ cười gượng không đáp. Nguyễn Huệ không muốn đi xa hơn, căn dặn Lãng:

- Lúc nào cậu muốn chuyển qua bộ Lễ, thì tin cho ta biết. Tất cả đều tùy ở Lãng.

(còn tiếp)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sông Côn mùa lũ: Chương 52  (27/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 51  (25/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 50  (23/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 49  (22/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 48  (20/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 47   (18/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 46  (16/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 45   (15/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 44   (12/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 43   (12/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 42  (08/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 41   (05/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 40   (03/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 39  (01/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 38   (29/07/2004)