Sông Côn mùa lũ: Chương 55
15:50', 1/9/ 2004 (GMT+7)

Một buổi chiều tháng Mười năm Giáp thìn (1784), Đô đốc Nguyễn Hữu Chỉnh ngồi nói chuyện với Lợi, quên cả thời gian. Họ ít được cơ hội thong thả nói chuyện chân thành và thoải mái với nhau như chiều hôm ấy. Vả lại, câu chuyện cũng hấp dẫn họ. Họ bàn luận với nhau về chiến thắng của Tây Sơn tại Gia Định năm ngoái (Quí mão 1783). Họ không hiểu hết nguyên do của chiến thắng thần tốc đó, nên người này hỏi người kia, cuối cùng cả hai không thể thoát khỏi trạng thái hoang mang, bán tin bán nghi.

Nguyễn Hữu Chỉnh bảo Lợi:

- Tôi theo võ nghiệp lâu ngày, tôi biết ít khi trận thế lại diễn ra đúng với kế hoạch. Tuy không được dự bàn, nhưng tôi có nghe kể lại cách các ngài bàn kế đánh Gia Định. Sao lại có thể tự tin như thế được. Các ngài làm như thủy triều và gió thổi luôn luôn tuân lệnh các ngài. Cứ dồn toàn lực lượng đánh thốc vào quân phòng thủ ở bờ nam lẫn bờ bắc, còn gió trời sẽ thổi ngược lửa hỏa công về phía địch. Làm như quân Gia Định không thấy được hướng gió thổi, và chúng không làm gì cả để phòng ngự. Nhưng sau đó, mọi sự diễn y như vậy: lửa bè tre quay sang đốt cháy thuyền Nguyễn Ánh, cầu phao bị chặt đứt, quân tướng tan tác. Công phu chuẩn bị cự địch bao nhiêu tháng, tan tành trong phút chốc. Nguyễn Ánh chạy trốn, bị truy lùng ráo riết, thuộc hạ trôi giạt tứ phía. Vì sao mọi sự diễn ra đơn giản như vậy? Các ngài thuận lòng Trời ư? Hợp lòng người ư? Tôi không tin!

Lợi đáp:

- Có thể là do tài cầm quân của ông Long Nhương. Vẫn bấy nhiêu lính ấy, thuyền ấy, nhưng khi ông ta cầm quân thì thủ thắng, khi giao lại quân cho kẻ khác thì Nguyễn Ánh lại mon men kéo về. Từ trước đến nay, biết bao lần như thế rồi!

Nguyễn Hữu Chỉnh lắc đầu:

- Tướng giỏi thì quân thế thêm hăng. Nhưng bảo thắng vì tướng là không đúng. Binh thư thường nhắc đến thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời là cái gì mông lung, tôi nghĩ chẳng qua chỉ là tiếng đầu môi chót lưỡi của kẻ thắng để khoa trương thanh thế. Địa lợi thì thường do bên thủ thành nắm giữ, vì họ có thì giờ chuẩn bị chiến trường. Rốt lại, quan trọng hơn hết là nhân hòa. Anh có thấy lòng quân khấp khởi mỗi lần xông trận hay không?

Lợi đáp khỏi cần suy nghĩ:

- Lúc nào cũng vậy. Toàn quân hăm hở, liều lĩnh xông tới, không sợ cả cái chết.

- Vì sao vậy? Lợi thú thật:

- Tôi không hiểu!

Nguyễn Hữu Chỉnh nói:

- Tôi cũng không hiểu. Tôi đã ở dưới trướng quận Việp thật lâu (Việp quân công Hoàng Ngũ Phúc). So sánh quân Tây Sơn với quân của Việp quân công, thì quân quận Việp hơn hẳn về oai vệ, trật tự, khuôn phép, chế độ... Có thể quân Tây Sơn mạnh mẽ, can đảm như anh nói thật. Nhưng họ không có uy vũ, không có phong thái ngang tàng đường bệ. Quần áo luộm thuộm, có gì mặc nấy. Kể cả tướng cũng xuề xòa như vừa mới bỏ cái đòn gánh quẩy trầu hoặc cái dầm chèo, để cầm vội thanh gươm lệnh. Nhìn qua bề ngoài, khó ai tin đây là một đạo quân bách chiến bách thắng. Thế mà... tôi chịu, không thể hiểu! Hoặc bên trong các ngài có cách khống chế ngầm họ, như đe dọa mạng sống vợ con, hoặc hứa hẹn tiền bạc?

Lợi mau mắn đáp:

- Không có. Nhất định không bao giờ có chuyện ấy.

- Thế mỗi lần trở về, họ được chia chác nhiều không?

- Ngài vào đây đã hai năm rồi, chắc ngài rõ như tôi. Lệnh trên đòi tòng quân thì họ đi. Không cần nữa thì họ về cày ruộng. Họ giống như tất cả mọi người. Cũng có tinh binh đấy, nhưng số đông vẫn là các tạm binh đánh giặc theo mùa, giống y như một lối làm ăn khi rỗi rãi việc đồng áng.

- Vậy thì làm sao đạo quân ô hợp ấy mạnh mẽ được? Cả đời chỉ lo việc binh mà đánh nhau còn quờ quạng, huống chi là đánh giặc theo mùa. Anh không nói đùa đấy chứ?

- Không ạ! Sự thực là thế.

- Tôi không tin.

- Nhiều người cho đến nay vẫn hồ nghi như ngài. Họ không tin đám giặc cỏ ở nơi mán mọi này làm được việc gì, ngoài việc phá nhà cướp của. Lần lượt từng người đều trố mắt kinh ngạc. Đám giặc cỏ đó xô ngã cả một triều đại trong vòng mấy năm. Sau cuộc chinh nam tôi nghĩ sẽ tới phạt bắc.

Nguyễn Hữu Chỉnh im lặng hồi lâu, vì mải suy nghĩ nên nét mặt bần thần. Một lúc sau, Chỉnh nói:

- Có lẽ thế. Ông Quế Đường (Lê Quí Đôn) thật là người trông xa biết rộng. Ông ấy đoán Tây Sơn là đất thiên tử, không thể coi thường được. Ông ấy nói đúng. Sự thực rành rành ra đấy, nhưng tôi vẫn chưa hiểu hết. Sức mạnh của các ngài ở đâu? Ở cái dạ dày ư? Dạ dày của các ngài không đầy hơn dân Bắc hà hoặc dân Gia Định. Ở trí não ư? Khó lòng kiếm cho ra một ông đồ ở các làng quanh đây, chứ đừng nói đến các ông nghè, ông cống! Ở đâu? Ở đâu?

Lợi thú nhận:

- Ngài học rộng biết nhiều hơn tôi mà còn chưa đáp được, làm sao tôi biết mà trả lời. Ngài thử hỏi ông Long Nhương xem sao! Có thể ông ấy biết, vì chính ông ấy cầm quân!

Nguyễn Hữu Chỉnh vội hỏi:

- Anh quen ông Long Nhương thế nào? Từ bao giờ?

Lợi hãnh diện đáp:

- Từ hồi ông ấy chưa biết búi tóc.

Nguyễn Hữu Chỉnh mừng rỡ nói:

- Thế à? Thảo nào việc gì anh cũng biết. Nhưng giữa quan Tiết chế và ông Long Nhương, anh thân với ai hơn?

Lợi dè dặt phân vân, cuối cùng đáp liều:

- Tôi thân với ông Long Nhương hơn.

Nguyễn Hữu Chỉnh vội hỏi:

- Có phải trước kia, giữa bà nhà với ông Long Nhương... Xin lỗi, tôi nói không được khéo, nhưng giữa anh với tôi, không nên khách sáo đãi bôi làm gì. Ý tôi muốn hỏi, có phải...

Lợi hiểu ý Chỉnh, đỏ mặt, vội nói:

- Không. Tôi quen ông Long Nhương trước khi gia đình nhà tôi về An Thái. Tôi làm việc với gia đình nhà vua từ thời còn buôn nguồn.

Nguyễn Hữu Chỉnh gật gù, rồi bảo Lợi:

- À ra thế! Tôi nghe anh nói mới hiểu căn do. Thế mà lâu nay tôi cứ tưởng... Anh Lợi này, nếu anh tin cậy nơi tôi, thì tôi đánh bạo khuyên anh một điều. Anh sẵn lòng nghe không?

Lợi sung sướng nói:

- Được ngài bày vẽ, tôi may mắn lắm!

Nguyễn Hữu Chỉnh ghé sát tai Lợi, nói nhỏ:

- Nhà vua đã lớn tuổi. Ánh mắt đã bắt đầu mệt mỏi, nên chí khí bắt đầu chùn lại. Nếu anh mong muốn tiến xa, thì nên tìm cách dựa vào ông Long Nhương. Đó là con chim đại bàng, không phải là loại chim sẻ quanh quẩn kiếm ăn ở gốc cây chái tranh như ông Tiết chế. Anh tài giỏi, cả hai anh chị lại đã từng quen thân với ông Long Nhương, nên việc đó không khó khăn gì. Anh hiểu ý tôi chưa?

Lợi gật đầu, đôi mắt ngước nhìn Chỉnh biết ơn.

*

*      *

Cuối tháng Mười, có một cuộc họp quan trọng và khẩn cấp tại phòng cơ mật trong hoàng cung. Lần này, quan Đô đốc Nguyễn Hữu Chỉnh được mời tham dự. Chỉnh mừng rỡ, xem đây là dấu hiệu chứng tỏ lòng tin cậy của vua Thái Đức đối với mình có gia tăng. Các đóng góp của Chỉnh trong việc cải tiến chiến thuyền, nhất là loại thuyền vận tải cỡ lớn chở được voi và súng lớn, đã đem tượng binh vào tận mặt trận phía nam, và thêm hỏa lực cho các đạo thủy quân. Trận Đồng Tuyên năm Quí mão (1783) là một thất bại bất ngờ cho Nguyễn Ánh. Ánh củng cố lực lượng, đủ thì giờ bố trí tuyến phòng ngự vững chắc ở Đồng Tuyên để chờ Nguyễn Huệ tới. Nhưng Ánh đã không ngờ quân Tây Sơn đem được cả voi trận vào đồng bằng Gia Định. Quân Ánh thấy đoàn voi hung dữ xông tới, sợ hãi chạy tán loạn. Vì thế, khả năng của thủy quân Tây Sơn tăng gấp bội, vừa đánh được trên sông, vừa có thể chuyển thành bộ binh để đánh trên các vùng đất cao và rừng núi, với đầy đủ súng lớn và voi.

Khi Nguyễn Hữu Chỉnh đến, các nhân vật quan trọng đã có mặt đầy đủ: vua Thái Đức, quan Tiết chế Nguyễn Lữ, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ, Phò mã Vũ Văn Nhậm, quan Hình bộ Bùi Văn Nhật, Thái úy Bùi Đắc Tuyên, cùng một số quan khác mà Chỉnh chưa biết tên. Hình như cuộc họp bắt đầu trước khi mời Chỉnh tới. Chỉnh hiểu sự tin cậy đối với mình chưa hoàn toàn, nhưng so với trước đây, được dự vào các việc cơ mật như hôm nay đã là tiến bộ đáng mừng.

Vua Thái Đức vui vẻ mời Chỉnh ngồi, rồi bảo:

- Quan nội sai nghe không rõ lệnh ta, nên mời Đô đốc chậm đi một chút. Nhưng không sao. Chúng tôi vừa trầm trồ khen ngợi mẫu thuyền tải lợi hại của ông. Trận Đồng Tuyên sở dĩ thắng được nhanh gọn như vậy cũng nhờ có voi. Ông không dự trận, nhưng công lao của ông lớn lắm. Có điều... có một vài trục trặc nhỏ cần phải tìm cách sửa lại. Chú Tám nói tiếp cho quan Đô đốc nghe đi!

Nguyễn Huệ vâng lời anh, hướng về phía Nguyễn Hữu Chỉnh nói:

- Việc dẫn voi lên xuống kể cũng tạm ổn, tuy không phải là dễ. Vài chiếc thuyền bị nghiêng khi voi bước lên bờ. Có những thớt voi chưa quen, thuyền hơi chênh một chút đã hoảng sợ, thành ra thuyền càng chòng chành hơn, có chiếc bị lật. Nhưng khó nhất là làm thế nào giữ cho voi chịu nằm yên suốt cuộc hành trình.

Vua Thái Đức chen vào nói:

- Thôi, việc đó tạm gác lại đã. Trước mắt là trận Gia Định sắp tới. Mấy hôm nay dân chúng bắt đầu xì xào bàn tán, dân phố chạy đi mua gạo để trữ. Kẻ xấu được dịp tung nhiều tin đồn. Chúng tưởng quân Xiêm sẽ giúp cho Nguyễn Ánh thắng được ta, nên mắt bắt đầu láo liên, toan tính nhiều điều phản trắc. Phải mở mắt giùm cho bọn xấu xa đó. Ông Tuyên, ông nhắc qua tình hình Gia Định hiện nay xem. Phải, kể từ đầu cho đến trận Mang thít hôm 18 tháng Mười vừa rồi (tức 30-11-1784).

Bùi Đắc Tuyên cung kính cúi rạp người xin phép nhà vua, rồi mới bắt đầu nói:

- Sau khi bị Long Nhương Tướng quân đánh cho tan tác, Nguyễn Ánh cùng bọn Châu Văn Tiếp dắt díu nhau qua Xiêm cầu cứu. Chúng qua Xiêm vào tháng Hai năm nay. Vua Xiêm đối với bọn Ánh thật ra cũng chẳng có tình nghĩa gì. Sở dĩ hắn khứng giúp Ánh, chỉ vì muốn giành quyền khống chế Chân Lạp và tranh phần đất Gia Định với nước ta mà thôi. Vì vậy, đến tháng Sáu năm nay, vua Xiêm sai hai cháu là Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem hai vạn thủy quân và 300 chiến thuyền theo Nguyễn Ánh trở lại Gia Định. Phần Ánh cũng tập họp đám tàn quân giao cho Châu Văn Tiếp làm Bình tây Đại tướng quân nương theo bóng quân Xiêm hòng phục quốc. Xếp đặt xong đâu đó, ngày Chín tháng Sáu vừa qua (tức 25-7-1784), liên quân Xiêm-Ánh bắt đầu khởi hành.

Vua Thái Đức nghe tâu nhiều lần rồi, nên sốt ruột giục:

- Ông trình gọn gọn một chút. Chúng nó đổ bộ Rạch Giá hồi nào?

Thái úy Bùi Đắc Tuyên vội thưa:

- Tâu Hoàng thượng, chúng đổ bộ Rạch Giá tháng Bẩy.

Nhà vua hướng về phía Nguyễn Hữu Chỉnh và Nguyễn Huệ, lưu ý hai người:

- Chúng dùng toàn thủy quân mà thôi. Các ông chú ý cho.

Thái úy Bùi Đắc Tuyên chờ mãi chưa thấy nhà vua nói thêm, nên tiếp tục trình bày:

- Vì quân số đông hơn gấp bội quân phòng thủ của ta, nên dĩ nhiên chúng chiếm được Rạch Giá. Nhưng chúng tiến quân rất chậm chạp trong suốt ba tháng trường, từ tháng Bảy đến tháng Mười vừa qua, chúng chỉ đưa quân lên tới Cần Thơ, chiếm giữ mấy đồn Ba Vác, Trà Ôn, rồi rụt rè tiến lên Sa Đéc.

Vua Thái Đức cười lớn, giọng bông đùa:

- Ông Thái úy ăn nói như mấy thư sinh mặt trắng! Rụt rè! Hay! Hay lắm! Đúng là chúng nó rụt rè không dám tiến nhanh. Ba tháng trường mới bò được từ Rạch Giá lên Sa Đéc! Có lẽ vì thấy cái đà tiến quân "rùa" này mà tên Chủng đâm lo ngại. Các ông nghĩ mà xem. Ta nhận được tin chắc chắn là thằng Chủng gửi cậu con trai cưng cho thầy Cả (Bá Đa Lộc) làm con tin qua Pháp cầu viện. Tên cố đạo đó đi hôm nào, hở ông Nhật?

Quan Hình bộ vội đáp:

- Dạ hôm rằm tháng Mười (tức 27-11-1784), tâu Hoàng thượng.

Vua Thái Đức nói tiếp:

- Rằm tháng Mười! Các ông thấy gì không? Trong khi hắn núp bóng đại quân Xiêm đổ bộ Rạch Giá tiến về Cần Thơ, thì thằng Chủng vẫn gửi con trai đầu cho tên cố đạo kia đi cầu viện Pháp. Điều đó chứng tỏ cái gì? Ha ha, chứng tỏ... (nhà vua ngưng lại một lúc, nhìn khắp mọi người rồi mới tiếp) hắn không tin tưởng mấy ở các ngài Chiêu Tăng, Chiêu Sương. Ông Tuyên thuật tiếp chuyện Châu Văn Tiếp đi.

Quan Thái úy vâng lệnh nhà vua, nói tiếp:

- Thấy giặc tiến quân như vậy, Phò mã Trương Văn Đa đem thủy quân từ Gia Định xuống tiếp ứng cho Long Hồ để diệt địch. Quân số của ta chỉ có vài nghìn, so với quân Xiêm thật chênh lệch. Nguyễn Ánh thấy thế, nên cùng với Châu Văn Tiếp đem thủy quân theo sông Mang Thít (thuộc địa phận Long Hồ) để đánh quân ta. Hôm ấy là 18 tháng Mười (tức 30-11-1784). Phò mã đem quân giáp chiến. Tiền quân của ta do Chưởng cơ Bảo cầm đầu. Chưởng quân bị vây chặt. Châu Văn Tiếp cả gan nhảy sang thuyền quân ta để đánh. Hắn bị quân ta đâm chết. Nguyễn Ánh vội đem quân đến cứu. Phò mã cho thu quân về giữ Long Hồ. Theo tin cuối cùng, hiện hai bên vẫn giữ nguyên vị trí.

Nhà vua nhận xét:

- Chúng đổ bộ Rạch Giá tháng Bảy. Nay đã cuối tháng Mười. Như vậy suốt bốn tháng dài, chúng chỉ tiến được tới Sa Đéc. Các ông bàn luận với nhau xem tại sao vậy?

Cả phòng im lặng, người này liếc nhìn người kia, chờ có người nói trước. Nguyễn Lữ tự thấy mình ở vào địa vị cao hơn cả, nên phải cố đáp câu hỏi của vua Thái Đức. Giọng quan Tiết chế thiếu quả quyết:

- Có lẽ chúng còn sợ uy danh của ta, nên vừa tiến vừa dòm chừng.

Vua Thái Đức vội nói:

- Không hẳn thế đâu. Chúng biết thừa ta cho bao nhiêu quân ở lại giữ Gia Định. Nếu chúng kéo rốc quân vào cửa Cần Giờ như ta thường làm, chưa chắc Phò mã Trương Văn Đa giữ nổi Gia Định đâu. Hai vạn quân, không phải là con số nhỏ! Thế nào, quan Đô đốc? Ông từng trải chiến trận, am hiểu lòng người, ông nghĩ hộ xem vì sao.

Nguyễn Hữu Chỉnh được dịp tâng bốc nhà vua, nên đáp:

- Tâu Hoàng thượng, thần mới vào đây nương nhờ sự bao dung của Hoàng thượng chưa được lâu, nên tình hình Gia Định thế nào, thần chưa được rõ. Quân Xiêm lên đến hai vạn, quả là một lực lượng mạnh. Chúng lại thông thạo thủy chiến. Nếu chúng không dám tiến nhanh, có lẽ vì quân phòng thủ của ta ở Long Hồ và Gia Định tuy ít nhưng dũng cảm, thiện chiến. Vài trận giao tranh như trận Mang Thít khiến chúng hiểu mình hiểu người hơn. Theo binh thư, quân đông mà ô hợp chưa chắc đã thắng được địch thủ có ít quân nhưng đầy đủ ý chí quyết thắng.

Vua Thái Đức thẳng thắn nói:

- Ông nói khéo như vậy cho vui lòng ta đấy thôi. Ta cảm ơn hảo ý của ông. Bây giờ đến lượt chú Tám nói đi. Chuyến này ta giao cho chú lo một mình đấy. Ý chú ra sao?

Long Nhương Tướng quân đáp:

- Chúng không tiến quân nhanh vì nhiều lý do:

Quân Xiêm là quân đi đánh thuê, nên phải tính toán thế nào để tổn thất thật ít mà thu được lợi lộc thật nhiều. Việc gì phải tiến nhanh! Cứ từ từ, chiếm đến đâu cho quân tỏa ra khắp nơi cướp bóc của cải thu vét tài vật cho sạch sành sanh, rồi mới tiến lên chiếm một vùng khác.

Phần Nguyễn Ánh cũng không muốn quân Xiêm tiến nhanh. Hắn sang thuê quân Xiêm, nên hiểu rõ lòng dạ quân đánh thuê. Quân Xiêm đông đến hai vạn, mà quân của Ánh lèo tèo vài trăm tên lính lơ láo, sợ sệt vì từng thua trận nhiều lần. Muốn lấy lòng dân để tính kế lâu dài tại Gia Định, phải có thì giờ mộ thêm quân, lập đạo quân riêng của mình để giành phần chủ động, về sau dễ ăn nói với quân đánh thuê.

Nguyên do thứ ba là chúng không dễ gì nhích chân qua khỏi Sa Đéc. Quân ta ở Long Hồ do Phò mã Trương Văn Đa chỉ huy tuy ít, nhưng như quan Đô đốc vừa nói, ít mà dũng cảm, thiện chiến.

Phò mã án ngữ đường tiến quân của quân Xiêm và quân Ánh tại Long Hồ, cầm chân chúng tại đó. Hiện bản doanh của chúng đóng tại Sa Đéc, và có lẽ cho đến lúc ta kéo quân vào, chúng không thể rút chân khỏi Sa Đéc.

Vua Thái Đức hớn hở hỏi em:

- Ta dồn hết sức bao vây Sa Đéc quét sạch chúng được không?

Long Nhương tướng quân suy nghĩ một lúc, rồi đáp:

- Dạ hơi khó đấy.

Nhà vua chưa từng thấy em do dự như vậy, vội hỏi:

- Sao vậy? Chú sợ quân Xiêm à?

Nguyễn Huệ lắc đầu, đáp:

- Dạ không. Chúng không hơn gì ta về thủy chiến. Nhưng Sa Đéc là một địa điểm thuận lợi cho địch. Sa Đéc ở đầu đoạn sông Tiền Giang đổ ra biển, rất thuận lợi cho thủy quân Xiêm khi chúng cần di chuyển hoặc bố trí lực lượng. Đánh vào đó tất phải gặp khó khăn. Có lẽ ta phải chọn chiến trường khác.

Vua Thái Đức bảo:

- Việc đó tùy chú định, theo tình hình biến chuyển trong đó. ở đây mà bàn không đi đến đâu. Chuyến này chú cần tượng binh không?

Nguyễn Huệ đáp ngay:

- Thưa không cần. Chúng dùng thủy quân, ta cũng dùng thủy quân.

Vua Thái Đức hơi lo lắng, gần như sợ phật lòng em khi nói:

- Nhưng chú không thể đem toàn bộ thủy quân vào Gia Định đâu! Quân số ít hơn quân Xiêm đấy. Những hai vạn, thì vét đâu cho đủ! Hoặc là chú vào thẳng Gia Định để lấy thêm quân rồi hãy tính chuyện tấn công sau!

Nguyễn Huệ cương quyết đáp:

- Xin Hoàng thượng yên tâm. Quân ta ít nhưng hăng hái vì đánh giặc giữ nước. Địch đông nhưng là quân đánh thuê nên phải rán giữ mạng để được chia lợi. Một người giữ nước mạnh bằng ba, bằng bốn lần một tên cướp nước. Thần xin hứa sẽ thắng.

Vua Thái Đức ngỡ ngàng với cách xưng hô đột nhiên trịnh trọng của em. Nhưng nhà vua hiểu ngay dụng ý của Huệ. Nhà vua cảm động âu yếm nhìn em, hiểu câu nói Huệ vừa thốt ra là một lời thề.

*

*      *

Tháng Mười Một năm Giáp thìn (1784), Long Nhương tướng quân đem đạo thủy quân thiện chiến và dũng cảm của mình vào Nam diệt quân xâm lược Xiêm. Nhận được tin Phò mã Trương Văn Đa vẫn còn giữ được Long Hồ, Nguyễn Huệ quyết định không đưa quân vào cửa Cần Giờ để lên Gia Định, mà tiến thẳng xuống Mỹ Tho.

Về sau sử quan triều Nguyễn muốn giấu bớt cái nhục bại trận cho Gia Long, viết rằng Nguyễn Huệ vừa từ Qui Nhơn vào đã dẫn quân đến thử sức với thủy quân Xiêm, và thua liên tiếp mấy trận, đến nỗi Huệ ngã lòng muốn rút quân về. May nhờ có một cựu tướng của Nguyễn Ánh là Lê Xuân Giác hiến kế, Nguyễn Huệ mới biết cách phục binh ở Rạch Gầm-Xoài Mút và cả thắng quân Xiêm. Viết như thế, sử quan triều Nguyễn muốn cứu gỡ danh dự của Nguyễn Ánh. Thật vậy, họ muốn cho hậu thế đinh ninh rằng cuộc chiến thắng oanh liệt của Tây Sơn năm Giáp thìn hoàn toàn do may rủi. Nếu không có tên hàng tướng vốn là tay chân của Nguyễn Ánh (nghĩa là đã học mót được mưu lược thần tình của chủ cũ) chỉ đường dẫn lối, chắc chắn Nguyễn Huệ đã phải chán nản và rút quân về Qui Nhơn, để mặc cho bọn xâm lược Xiêm đường hoàng tiến về Gia Định.

Sao lại có lối lập luận gượng gạo vô lý như vậy! Giả sử thực sự Nguyễn Huệ có thua vài trận đầu, thì các trận ấy cũng không gây thiệt hại nặng nề cho quân Tây Sơn bao nhiêu. Đang lúc cần phô trương thanh thế, một đóm chiến thắng leo lét heo hút thế nào cũng được đám tay chân Nguyễn Ánh thổi bùng thành một cơn bão lửa, để sử quan triều Nguyễn sau này ghi chép cẩn thận làm tin. Chỉ mới đánh được một chiến thuyền và năm thuyền đi biển của Tây Sơn ở Mang Thít, mà Nguyễn Ánh đã vội viết thư khoe ầm với J. Liot (1), thử hỏi tại sao các cuộc thất trận tai hại từng làm một viên dũng tướng như Nguyễn Huệ nản chí lại không được họ ghi chép tỉ mỉ để lưu lại cho đời sau? Vả lại, Long Nhương tướng quân không phải là một người dễ dàng nản chí! Trước đó và sau đó, nản chí không phải là thói quen của ông! Mang đại quân ra đi để rồi lủi thủi dắt díu tàn quân trở về, cũng không phải là thói quen của ông! Sử quan triều Nguyễn đội một vòng hoa giả lên đầu Lê Xuân Giác, để hòng che giấu cái nhục của tên cõng rắn cắn gà nhà, nhưng vô ích! Sự thực nhất định vẫn là sự thực! Long Nhương tướng quân đóng bản doanh tại Mỹ Tho xong, đã nghĩ ngay đến kế diệt địch. Như lời ông từng trình với vua anh tại Qui Nhơn, Nguyễn Huệ biết rõ nếu đem đại quân đến Sa Đéc đánh nhau với đại quân Xiêm, thì đối phương chiếm được nhiều ưu thế hơn mình. Suốt mấy tháng dậm chân tại Sa Đéc, quân Xiêm đã quá đủ thì giờ nghiên cứu địa hình, tổ chức phòng thủ chặt chẽ. Vì thế, Nguyễn Huệ đã quyết định tìm kiếm một chiến trường thuận lợi cho mình, và bằng những trận trá bại khiến địch chủ quan, dụ chúng vào chiến trường đã chuẩn bị đó để tiêu diệt.

Chiến trường lý tưởng ấy, là đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút dài trên mười dặm và cách đại bản doanh của Nguyễn Huệ không xa lắm.

Trong đoạn sông này, lòng sông mở rộng thuận tiện cho việc dồn mấy trăm chiếc thuyền địch tập trung vào đó để công kích. Tại đây, thủy quân và các thuyền chiến Tây Sơn được giấu kín trong các sông nhỏ: rạch Gầm, rạch Xoài Mút và giấu sau cù lao Thái Sơn. Pháo binh Tây Sơn mai phục ở hai bên sông và cả trên cù lao Thái Sơn. Khi toàn bộ thủy quân Xiêm-Ánh đã lọt vào khúc sông này, thì thủy quân Tây Sơn ở rạch Gầm và rạch Xoài Mút sẽ tiến ra chặn đánh ở hai đầu. Thuyền chiến Tây Sơn ở phía sau cù lao Thái Sơn sẽ tiến ra đánh vào ngang hông thủy quân Xiêm, chia cắt đội hình địch ra làm nhiều mảnh để đánh phá. Đồng thời pháo binh Tây Sơn ở hai bên bờ sông Mỹ Tho và cù lao Thái Sơn sẽ bắn xả vào thuyền chiến địch suốt dọc sông từ rạch Gầm đến rạch Xoài Mút. Toàn bộ thủy quân Xiêm-Ánh sẽ bị quân Tây Sơn vây chặt, không thể chạy thoát dễ dàng như ở khúc sông Sa Đéc-Long Hồ, là khúc sông có nhiều ngách, rất khó thực hiện bao vây tiêu diệt toàn bộ.

Những cuộc bại trận sử quan triều Nguyễn mừng rỡ ghi chép vào sử sách để hạ uy tín Long Nhương tướng quân và vớt vát danh dự cho Nguyễn Ánh, thực ra, chỉ là những trận khiêu khích rồi trá bại để dụ địch vào thế trận đã bày sẵn mà thôi!

*

*      *

Không phải sử quan nhà Nguyễn đã bịa đặt hoàn toàn những thất bại ban đầu của quân Tây Sơn khi chạm trán với một địch thủ lạ tay là quân xâm lược Xiêm. Ghi chép của họ cũng có cơ sở đấy! Vì suốt thượng tuần tháng Chạp năm Giáp thìn, bộ mặt của Long Hồ và Mỹ Tho xao xác buồn thiu như cảnh một gia đình gặp tang ma.

Những tin đồn thất trận lan truyền nhanh khắp các chợ và bến ghe. Ban đầu không ai tin những lời đồn đãi ấy. Người ta chỉ dám xì xào bàn tán với nhau, sau khi lấm la lấm lét nhìn quanh. Dân chúng chưa quên uy thế của Tây Sơn suốt bao năm qua, và họ nhìn đoàn chiến thuyền hùng mạnh có kỷ luật của Qui Nhơn với tâm trạng hoang mang. Họ không thể tin được rằng một đạo quân như vậy lại có thể bại trước bọn xâm lược tàn ác và tham lam, đi đến đâu cũng cướp bóc và hãm hiếp lương dân. Nhưng những người có lòng yêu nước thiết tha nhất dần dần cũng phải ngã lòng. Đã có nhiều dấu hiệu chứng tỏ các tin thất trận không phải hoàn toàn bịa đặt. Sự kiểm soát an ninh ở Mỹ Tho ngày càng lỏng lẻo. Đoạn sông từ Sa Đéc lên Mỹ Tho trước kia được canh phòng nghiêm mật, về sau gần như buông lỏng vì bất lực. Từng đoàn ghe chài, xuồng nhỏ, bè tre chở dân tị nạn từ Sa Đéc đổ lên, cảnh tản cư nheo nhóc làm cho dân Mỹ Tho lo âu, hoảng sợ. Người ta bu quanh các gia đình tản cư hỏi han tin tức. Họ được chính những nạn nhân của quân xâm lược kể lại tình cảnh khốn khổ trong vùng bị chiếm, được tận mắt chứng kiến những phụ nữ bị quân Xiêm hãm hiếp đến nỗi trở thành điên dại hoặc ủ rũ bạc nhược như một cái xác chết. Bến ghe ở Mỹ Tho bỗng chốc trở nên ồn ào, đông đúc gấp bội. Bọn con buôn ùa đến mua rẻ của cải đồ đạc của dân tản cư từ Sa Đéc. Những kẻ yếu bóng vía vội dốc túi ra mua ghe, xuồng để sẵn sàng chạy loạn. Càng ngày số dân Mỹ Tho lặng lẽ xuống ghe tản cư lên phía Bến Nghé càng đông. Dân Sa Đéc tưởng chạy lên đến Mỹ Tho là có thể tìm được an toàn trong vùng kiểm soát của Tây Sơn, không ngờ đến nơi lại thấy Mỹ Tho rục rịch di tản. Một số gia đình tiếp tục tìm nơi khác tránh tên đạn. Một số không đủ khả năng, liều lĩnh bán ghe cho dân địa phương đổi gạo sống qua ngày, vợ chồng con cái chui đụt ở các gốc cây, lều chợ. Trong cảnh hỗn loạn ấy, các lời bàn tán càng trở nên bạo dạn hơn. Không biết ngày mai sẽ ra sao, nên các quán rượu đông nghẹt dân say. Khỏi cần dáo dác nhìn quanh để phòng thân, dân Mỹ Tho lớn tiếng cãi nhau chuyện thời sự trên các mâm rượu, ngay giữa chốn đông người. Mâm nào cũng chèo kéo cho được một người tản cư Sa Đéc tham dự, làm kho tài liệu thời sự để có cơ sở tranh cãi.

Buổi chiều hôm ấy, ở cái quán rượu ngay bên phải chợ Mỹ Tho có một cuộc tranh luận chính trị công khai nồng nặc hơi men thuộc loại đó. Bốn bác nông dân Mỹ Tho đang hỏi thăm tin tức một dân chài tị nạn người Sa Đéc. Một người hỏi:

- Bác có biết cảnh trên này rối ren bát nháo hay không mà liều lĩnh chở vợ con lên đây?

- Tôi đâu có biết. Mà dù có biết cũng phải chạy thôi! Sống sao nổi dưới đó. Chúng nó cướp sạch, phá sạch, đốt sạch. Bà vợ tôi năn nỉ xin lại cái nồi nấu cơm chúng nó cũng không cho. May đứa con gái lớn của tôi lấy máu gà giả làm người có kinh và bôi trét mặt mũi cho xấu xí dơ dáy mới thoát được đấy. Nhưng đã có những tên lính Xiêm bất chấp cả dơ dáy. Dù biết lên đây bị chết chìm chết cháy cả nhà, tôi cũng lên. Chết như vậy còn được chết sạch, mát thân!

- Nhưng gia đình bác đông con như thế, làm sao mà sống!

- Quá lắm tôi bán chiếc xuồng đổi gạo cũng húp cháo được nửa tháng chớ! Các ông coi, không phải chờ lâu đâu! Thiên bất dung gian, chừng nửa tháng nữa, thế nào Trời cũng phạt bọn dâm ác đó. Vợ con tôi lên đây thấy thiên hạ ùn ùn bỏ chạy, muốn chèo lên xa hơn nữa. Tôi nhất quyết ở lại. Không lâu đâu, Trời xanh đâu có mù!

- Nhưng bác thấy đấy, quan quân Tây Sơn như gà phải cáo thế này thì đánh đấm gì nữa! Trời có mắt, nhưng cũng đành trơ mắt mà nhìn thôi. Bác không liệu trước sau này hối không kịp.

Một người dân Mỹ Tho khác góp lời:

- Họ giữ không nổi khúc sông từ Sa Đéc lên Mỹ Tho, thì làm sao ngăn được mấy vạn quân Xiêm. Bác chèo lên đây có gặp thuyền tuần phòng của Tây Sơn không?

- Không, ông ạ! Khúc dưới, không thấy ai canh phòng gì cả. Lên tới rạch Gầm mới bắt đầu thấy vài chiếc xuồng chở lính đi tuần, nhưng họ không chặn lại hạch hỏi gì.

- Đấy, bác thấy chưa! Bác mới lên nên chưa biết đấy thôi. Họ nghe thanh thế quân Xiêm lớn quá, họ sợ toát mồ hôi. Tôi nghe nói đêm nào cũng có mấy chục thuyền Tây Sơn bỏ trốn. Sáng ra, quan sai thuyền tuần canh đi truy nã, thì các thuyền này cũng trốn luôn.

Người dân Mỹ Tho thứ ba không tin, hỏi bạn:

- Anh nghe tin ấy ở đâu thế?

- Thì chính ông Chưởng cơ Tây Sơn nói với tôi chứ ai! Ông ấy lo lắm, lén đến thăm tôi ban đêm, hỏi nếu hữu sự có thể đến trốn trong nhà tôi không. Vả lại, anh thấy mỗi ngày số chiến thuyền Tây Sơn mỗi ít đi à? Họ sợ quá, hùa nhau cướp thuyền trốn đi cả rồi!

- Hèn gì! Chiều hôm qua tôi bơi xuồng đi qua đại bản doanh, liếc mắt nhìn vào bến thuyền thấy vắng hẳn đi. Chỉ còn lơ thơ vài chiếc thôi. Tôi bơi quá xuống rạch Xoài Mút thì họ chận lại, bảo phía đó nguy hiểm vì quân Xiêm có thể tấn công bất cứ lúc nào.

 Người tản cư dân Sa Đéc bắt đầu chột dạ, lo sợ hỏi:

- Họ trốn đi thật sao các ông?

- Lại không thật. Tôi hù bác làm gì!

- Nhưng tại sao họ hèn nhát như vậy! Chết thì thôi chứ việc gì sợ. Để mặc cho bọn Xiêm tàn sát dân mình, thì sau này còn mặt mũi nào mà nhìn chúng ta nữa. Lúc này mà họ không ra tay bảo vệ dân nghèo, đuổi quân cướp nước, thì chờ đến lúc nào?

- Thôi, bác ơi! Họ nói cho sướng miệng chứ ai không sợ chết. Bác biết lo xa thì ngay bây giờ xuống ghe chèo lên Bến Nghé hoặc trở về Sa Đéc đi. Không thế, một mai chúng lên đây, chúng hỏi tội bác đấy!

- Thế các ông không chạy hay sao?

- Chạy đi đâu! Chạy trốn đến xó xỉnh nào rồi cuối cùng quân Xiêm cũng đến. Thà ở đây uống rượu còn khỏe thân hơn!

Người tị nạn Sa Đéc giận quá, đứng dậy nói lớn:

- Các ông chịu nhục được, chứ tôi không được. Tôi cũng không đi đâu cả. Nhưng hễ chúng nó đặt chân đến đây, thì mạng đổi mạng. Gia đình tôi tất cả bẩy người, ít nhất phải có bẩy tên lính Xiêm đổ máu. Các ông ở lại mà uống rượu cho say. Tôi về!

Nói xong, bác ta quày quả bỏ đi!

*

*      *

Nhưng cũng có những người đồng hương không được can đảm như bác dân chài Sa Đéc. Tận mắt trông thấy cảnh xao xác ở Mỹ Tho, và quân thế bạc nhược, rệu rã khác thường của Tây Sơn, họ đâm ra tuyệt vọng. Họ hỏi thăm nhau, bàn tán xôn xao để tìm một giải pháp thích nghi nhất, chuẩn bị chờ đón các biến chuyển đau lòng. Và nghe theo lời khuyên của dân chợ Mỹ Tho họ rủ nhau xuống ghe hồi hương. Họ đinh ninh rằng nếu trở về từng đoàn đông đảo, quân Xiêm và Nguyễn Ánh sẽ không nỡ trừng phạt, sẽ tha thứ, cho họ được tiếp tục cúi đầu làm ăn.

Họ đã tiên đoán đúng được một phần. Thấy đông đảo những người tị nạn ùn ùn kéo về, quân Xiêm tập trung họ lại. Bọn lính Xiêm bắt tất cả đàn ông đưa về trại để lấy khẩu cung. Tay chân của Nguyễn Ánh đã chờ sẵn để làm công việc ấy.

Nguyễn Ánh nhận được tin mừng bất ngờ, sung sướng quá cười ha hả. Nhưng ngay sau đó, Ánh đâm ngờ, như người nghèo xác thức giấc thấy mình ngủ trên đống vàng không dám tin đó là sự thực. Nguyễn Ánh cho hội ngay đám tay chân lại để hỏi ý kiến. Nguyễn Ánh nói:

- Không lẽ chúng sa sút nhanh như vậy. Hay thằng giặc dữ bày xảo kế gì đây! Nguyễn Phúc Hội chưa quên những trận thất điên bát đảo vì Tây Sơn, nên rụt rè thưa:

- Có lẽ hắn bày gian kế để đánh lừa ta. Chuyến này chỉ một mình Huệ cầm quân, ta phải cẩn thận đề phòng hơn trước.

Nguyễn Phúc Huy thì nói:

- Thần trộm nghĩ chúng yếu ớt sợ hãi thật chứ không phải giả vờ. Những lần trước hắn đem quân đông hơn ta gấp bội, lấy nhiều để đánh ít. Lần này quân số của hắn ít. Vào đây hắn không dám dẫn quân thẳng vào Sa Đéc giáp chiến, tránh né, lẩn núp tận Mỹ Tho. Hắn chờ cơ hội đánh lén, nhưng quân lính lần lượt bỏ hắn. Mọi người đều nói hiện Mỹ Tho chỉ còn vài chục chiến thuyền. Số còn lại đã bỏ trốn. Đêm nào cũng mất vài chục chiếc. Tin của ta từ Mỹ Tho báo về cũng xác nhận như vậy.

Nguyễn Ánh quay về phía Nguyễn Văn Thành hỏi:

- Ông Thành, ông nghĩ thế nào, nói đi!

Thành vội đáp:

- Việc binh cốt ở chỗ đoạt tiên cơ. Hiện nay Mỹ Tho trống trải, quân yếu, lòng dân lại náo loạn. Nếu không đánh, Gia Định tăng cường xuống, Long Hồ đưa thêm quân lên, e khó đoạt được.

Nguyễn Ánh gật gù, nhưng vẫn chưa giải quyết được điều gì. Ông quay về phía Tổng nhung Lê Văn Quân, nhân vật cao cấp nhất trong đám thuộc hạ Ánh từ hồi Châu Văn Tiếp bị tử trận:

- Ông có ngờ chúng nó âm mưu giăng bẫy ở Mỹ Tho không?

Lê Văn Quân lớn tiếng đáp thật trịnh trọng:

- Tâu bệ hạ, cách đánh của tên Huệ xưa nay không thay đổi. Lúc nào hắn cũng có thói quen đánh mau, đánh mạnh, dốc toàn lực tấn công một điểm chính yếu, rồi sau đó mới từ từ đánh dẹp các điểm phụ. Chuyến này hắn vào đây, đáng lẽ phải đánh ngay Sa Đéc rồi dàn trận đẩy ngược chúng ta về Rạch Giá, Hà Tiên. Hắn không làm như vậy, vì ở vào cái thế bất đắc dĩ. Quân thiếu, lòng quân không thuận lần lượt bỏ đi. Đây là cơ hội nghìn năm một thuở để ta tiến chiếm Mỹ Tho rồi uy hiếp bao vây Gia Định. Chỉ sợ quân ta ít, quân Xiêm đông. Ta muốn đánh nhanh mà bên Chiêu Tăng, Chiêu Sương cứ trùng trình để lỡ mất dịp tốt.

Nguyễn Ánh mừng rỡ nói:

- Việc ấy ông khỏi lo. Lâu nay ta không thúc họ đánh nhanh cũng vì có chủ ý. Ta về nước với vỏn vẹn vài trăm quân, phải có thì giờ mộ thêm cho binh lực bản xứ tương đương với quân khách. Tiếc là đã qua mấy tháng, chúng ta chỉ mộ được ba, bốn nghìn. Khách tham tàn quá, chúng ta là chủ cũng bị dân ghét lây. Nhưng không sao, lấy được Long Hồ và Mỹ Tho, ta sẽ có kế trưng binh. Các ông cho sắp sẵn vũ khí, quân lính đi nhé. Bây giờ ông Quân đi với ta sang gặp hai ông Chiêu Tăng, Chiêu Sương. Cả ông Hội nữa! Phải đông người mạnh miệng cho họ khỏi giở cái giọng hoạnh họe tự đắc của kẻ cả.

*

*      *

Chiêu Tăng, Chiêu Sương thu thập tin tức Mỹ Tho theo một đường dây riêng, và đi đến một kết luận lạc quan như phía Nguyễn Ánh. Do đó khi nghe Ánh khởi xướng việc tấn công chiếm Mỹ Tho, họ bằng lòng ngay. Nhưng họ không dại dột cho bọn Ánh thấy tất cả gan ruột mình. Họ giả vờ bán tín bán nghi, đưa ra đủ thứ lý lẽ để cố làm cho Ánh nản chí. Họ chỉ bằng lòng xuất quân nếu Ánh chịu đưa đạo quân bản xứ đi đầu dẫn đường, lấy cớ các tướng Xiêm không thông thạo địa thế.

Ngày mồng tám tháng Chạp năm Giáp thìn (18-1-1785), các tướng Xiêm và Nguyễn Ánh đem toàn bộ thủy quân tiến theo sông Mỹ Tho đuổi theo một toán nhỏ thuyền chiến Tây Sơn đến khiêu chiến, rồi ào ào tiến về phía Mỹ Tho để chiếm đại bản doanh Tây Sơn theo kế hoạch đã định trước.

Những thuyền chiến Tây Sơn mà dân Mỹ Tho đồn là đã bỏ trốn hàng đêm vì sợ hãi, thực ra đã lặng lẽ đến núp kín ở các rạch Gầm, rạch Xoài Mút, và phía sau cù lao Thái Sơn. Súng lớn cũng được cành lá che kín, được đào hố đặt sẵn hai bên bờ sông Mỹ Tho. Vì vậy khi đạo quân Xiêm-Ánh lọt đúng và khu vực có mai phục, Nguyễn Huệ liền ra lệnh tấn công.

Thật dễ đoán được những gì xảy ra sau đó. Trận phục kích vĩ đại đã kết thúc nhanh chóng, đem lại chiến thắng rực rỡ cho vị tướng trẻ tuổi Nguyễn Huệ. Toàn bộ chiến thuyền của địch bị đánh đắm trên khúc sông Mỹ Tho từ rạch Gầm đến rạch Xoài Mút. Hơn hai vạn quân Xiêm sau trận phục kích long trời lở đất chỉ có vài nghìn tên nhờ trốn lên bờ mà sống sót, lách rừng vượt núi Chân Lạp thất thểu về Xiêm. Đạo quân nhỏ bé của Nguyễn Ánh cũng tan rã. Các tướng chạy thoát lấy thân mỗi người mỗi ngả. Lê Văn Quân đem đám tàn quân chừng 600 người chạy trốn một nơi, đến giữa năm sau, mới lần mò qua Xiêm tìm Ánh. Nguyễn Văn Thành chỉ huy 1000 quân, sau trận đánh chỉ còn một nhúm năm, sáu chục người dắt díu nhau chạy trốn. Quân của Nguyễn Phúc Hội, Nguyễn Phúc Huy cũng tan tác y như quân của Thành.

Phần Nguyễn Ánh phải bỏ thuyền trốn lên bờ, đi theo hộ vệ chỉ có 12 tên lính rách, tớ thầy dáo dác chạy về Đồng Vân. Từ Đồng Vân trở đi, Ánh kiệt sức và sợ hãi không đi nổi nữa, phải nhờ một tùy tướng là Nguyễn Văn Trị cõng chạy về Thi Giang (2) Tại đây, một số tướng lãnh của Ánh là Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Phúc Huy, Nguyễn Phúc Hội cũng vừa tới nơi, mỗi người dẫn theo được năm, sáu chục tàn quân. Nguyễn Ánh cùng cả đám quân sĩ kiệt sức ấy dìu nhau ra Hà Tiên, tạm trú ở Cồn Khơi (3). Bị Nguyễn Huệ cho quân truy nã, Ánh phải bỏ Cồn Khơi chạy ra đảo Thổ Châu, tại đây vì đói quá tớ thầy phải trổ nghề cướp biển. Nguyễn Văn Thành chưa quen nghề nên có lần bị bọn thuyền buôn đánh trả, phải trọng thương (4). Tháng ba, quân Tây Sơn tìm được dấu tích bọn Ánh ở Thổ Châu. Họ phải chạy sang đảo Cổ Cốt, rồi tìm đường chạy sang Xiêm.

Đám tay chân theo Ánh chỉ còn hơn hai trăm tên, lủi thủi vào Vọng Các. Tháng Tư năm Ất tỵ (1785) Nguyễn Huệ đem đại quân khải hoàn Qui Nhơn, giao Gia Định lại cho Đô úy Đặng Văn Chân trấn giữ.

 

(1)     Thư có đoạn như sau: “Từ Thầy theo ta mà trở về, thì ta cùng Xiêm binh tụ tại Mang Thít hạnh công Tây tặc, thủ thắng tàu một chiếc, hải đạo năm chiếc. Nhẫn ngày sau trực tấn xứ Lạch”

      Tạ Chí Đại Trường dẫn trong Lịch Sử Nội Chiến, trang 124

(2)     Đại Nam Thực Lục, bản dịch của Viện Sử học, Hà nội, tập II, trang 65

(3)     Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, sơ tập, quyển 15, tờ 26

Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, sơ tập, quyển 21, tờ 3
Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sông Côn mùa lũ: Chương 54  (30/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 53  (29/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 52  (27/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 51  (25/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 50  (23/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 49  (22/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 48  (20/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 47   (18/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 46  (16/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 45   (15/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 44   (12/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 43   (12/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 42  (08/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 41   (05/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 40   (03/08/2004)