Chương 68
15:50', 24/9/ 2004 (GMT+7)

Tuy cung điện Hoàng gia và phủ Chúa cách không bao xa, nhưng từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ Ngọc Hân Công chúa được bước chân qua phủ. Cho nên khung cảnh tráng lệ ở đây thật là bất ngờ.

(1) Bốn bề tám phía chỗ nào trong phủ cũng có cây cối um tùm. Trong cuộc giao tranh hôm 26 tháng Sáu, phủ Chúa không bị thiệt hại gì, nên trong những chiếc lồng đủ cỡ lớn nhỏ sơn màu vàng, các giống chim quí đua nhau hót. Vườn hoa nở rộ đưa hương thoang thoảng. Hành lang, lan can quanh co nối tiếp nhau. Những người lính giữ cửa, lính nội hầu đi lại tíu tít như mắc cửi. Ngoài cửa cung, vệ sĩ canh gác cẩn mật, ai ra vào phải có thẻ. Nơi trước kia là điếm "Hậu mã quân túc trực" bây giờ cũng dùng làm nhà khách dành cho những người đến hỏi việc ngồi chờ đến lượt mình. Mà trong buổi giao thời, không biết bao nhiêu người đến xin lệnh của Nguyễn Huệ. Do đó, điếm lúc nào cũng đông đúc, tấp nập kẻ đi người đến. Điếm cất bên cạnh một cái hồ lớn. Trong hồ có nhiều hòn đá đẹp, trồng nhiều cây lạ. Trong điếm, cột và bao lơn quanh co lượn vòng, kiểu cách rất khéo.

Đi khỏi hành lang phía tây thì đến cung Quyển Bồng, một dãy nhà lớn rất cao rộng, hai bên để hai cỗ kiệu. Mọi đồ nghi trượng đều sơn son thếp vàng như bên hoàng cung, nhưng cách chạm trổ tinh vi hơn, hình dáng to lớn uy vệ hơn. Gian giữa đặt một sập ngự thếp vàng. Chung quanh bầy biện bàn ghế đóng bằng gỗ quí đủ kiểu lạ mắt.

Công chúa ở trong một cái gác cao và rộng, tức là Tử các, trước đây là chỗ ở của Thế tử Trịnh Cán. Trong gác từ giường đến cột đều sơn son. Các cửa lớn cửa sổ vẫn còn treo nhiều lớp trướng gấm.

Công chúa đưa mắt nhìn khắp phòng, lòng lo âu vu vơ khi nghĩ tại nơi này, mấy đời Chúa Trịnh đã nối tiếp nhau an hưởng phú quí và hành sử uy quyền. Những giấc mộng vá trời lấp biển thành hình tại đây, và cả những tội ác kinh tởm cũng manh nha tại đây. Công chúa nhìn lên từng mảnh ngói trên trần nhà, từng cái rui gỗ đen bóng vì năm tháng, từng miếng gạch lót trên nền, rờn rợn nghĩ đến linh hồn của những vật tưởng là vô tri giác. Phải, nếu chúng có linh hồn (mà tại sao lại không có) nếu chúng biết nhìn thì viên ngói kia sau khi chứng kiến bao nhiêu kẻ đi người đến trong căn gác này, nó sẽ nghĩ gì. Nghĩ thế nào về kẻ đã qua? Về mình? Và chờ những ai sẽ đến?

Những suy nghĩ mông lung ấy khiến Công chúa ray rứt thêm. Công chúa đã có quá nhiều nỗi xao xuyến trong mấy ngày qua.

Sau bao nhiêu năm sống vô tư trong một thứ thanh bình mà bây giờ mới biết là giả tạo mong manh, Công chúa bị đột ngột ném vào một thế giới hoàn toàn khác. Chưa kịp tĩnh tâm sau một thử thách xa lạ, thì thử thách khác đã đến, liên tiếp dồn dập như những đợt sóng thần. Mười sáu năm ở đời trong khung cảnh thu hẹp của hoàng gia không chuẩn bị trước cho Công chúa sức chịu đựng và cái nhìn xa để đón nhận bấy nhiêu thử thách. Những văn chương thơ phú Công chúa từng đọc cho vua cha nghe, những kinh truyện từng nắn nót chép hết năm này sang năm khác trên những tập giấy hoa tiên, những lời khuyên răn của nhũ mẫu chỉ lặp đi lặp lại bấy nhiêu trăng, hoa, liễu, tuyết. Làm sao đây? Tại sao không ai dạy cho ta biết trên đời sẽ gặp những cảnh huống này, những tâm trạng mù mờ không phải hạnh phúc mà cũng không phải là đau khổ, không phải là một tai họa đáng sợ hãi, lại càng không phải là một diễm phúc đáng mơ ước! Nó là cái gì? Ngọc Hân không trả lời được. Những kinh truyện, thi phú Công chúa yêu dấu cũng không dùng để giải đáp được. Cho nên Công chúa cảm thấy cô đơn, và bàng hoàng. Nước mắt đoanh tròng, Công chúa lơ đãng nhìn tấm trướng mầu ngà treo ở cửa sổ, lòng nặng trĩu một nỗi hoang mang!

Công chúa nhớ lại những gì đã xảy ra đêm hợp cẩn.

Khi Nguyên súy vào, Ngọc Hân sợ quá không dám ngước lên nhìn, cũng không dám thở mạnh. Trước mắt Công chúa, đôi hài thêu của Nguyên súy khẽ lay động, nhất là chiếc hài phía bên trái. Ngọc Hân chờ, nín thở mà chờ. Thật lâu, Nguyễn Huệ không nói gì cả. Công chúa tự biết không thể cứ cúi đầu mãi thế này! Phải ngước lên mỉm cười với Nguyên súy. Phải giúp người "xếp bào cởi giáp" như những người vợ hiền trong cổ thư đã làm. Phải... phải cung kính ngoan ngoãn "tay nâng ngang mày" như nàng Mạnh thị. Dù có nghĩ vậy, Công chúa vẫn không có can đảm ngước lên nhìn thẳng vào khuôn mặt Nguyên súy.

Đôi hài trước mắt Ngọc Hân hơi xoay hướng, như dợm bước về phía cửa phòng. Nhưng sau đó, đôi hài vẫn bất động. Rồi đột nhiên, Ngọc Hân cảm thấy có một bàn tay đặt lên vai phải mình. Nguyên súy đặt yên bàn tay lên vai Công chúa một lúc, rồi bóp nhẹ lên cái vai mềm. Bàn tay mơn man ve vuốt khắp bên vai phải, rồi vuốt nhẹ lên chiếc cổ trắng. Công chúa hồi hộp liếc nhìn, trong hoảng hốt chỉ nhận ra được ống tay áo gấm đỏ và một bàn tay gân guốc da ngăm.

Ngọc Hân xúc động đến nghẹn thở, hoang mang, lúng túng chưa biết phải làm gì, nói gì. Đúng lúc đó, bất ngờ Nguyên súy quì chân xuống trước sập, úp mặt vào hai đầu gối của Công chúa. Ngọc Hân không ngờ Nguyên súy làm như vậy, đôi tay chới với không biết phải làm gì, phải đặt vào đâu. Mái tóc dày và quăn phủ lên vạt áo lụa của Công chúa. Một sức mạnh huyền bí xa lạ thôi thúc, khiến Công chúa đưa tay ôm lấy vai Nguyên súy.

Nguyễn Huệ ngửng lên vui mừng, và lần đầu tiên, Công chúa bị cuốn hút vì ánh nhìn đam mê đến cuồng nộ của vị danh tướng vừa làm đảo lộn cả Bắc hà.

Nguyễn Huệ nhìn đăm đăm vào khuôn mặt sượng sùng thảng thốt của Công chúa, miệng mỉm cười gượng gạo như cách cười một kẻ phạm tội, nói nho nhỏ:

- Công chúa còn nhỏ quá, và đẹp quá. Như một cái bông búp. Đừng lo âu. Ta biết Công chúa đang lo âu đủ điều. Ta sẽ không cho phép bất cứ ai, dù là quỉ thần, được làm cho Công chúa khổ. Công chúa hãy yên tâm.

*

*       *

Nguyễn Huệ nói thế nhưng chính ông cũng không yên tâm!

Sau khi tiễn khách nhà gái về hết, quay trở vào điện Quyển bồng đèn hoa rực rỡ, ông có cảm tưởng mọi người, từ tên lính hầu cho đến Hữu quân Nguyễn Hữu Chỉnh, đều nhìn mình một cách khác thường. Họ cười mà không phải cười, liếc nhìn ông rồi vội quay đi, cử chỉ thái độ vừa chế giễu vừa khuyến khích đồng lõa.

Ông nói vài lời vô nghĩa với Tả quân Vũ Văn Nhậm, sau này ông nhớ mang máng là có dặn Nhậm tăng cường việc tuần tra ban đêm ở các cửa ô và khu có các cung điện, phủ liêu, dinh thự. Vũ Văn Nhậm đi rồi, Nguyễn Hữu Chỉnh cũng xin phép về chùa Tiên Tích. Ông vội giữ Chỉnh lại, hấp tấp y như một người chết đuối bám vào cái phao vô tình trôi đến trước mắt. Chỉnh lấy làm lạ, nhưng cũng rán ngồi lại. Hai người bàn những chuyện không đâu vào đâu. Chỉnh nóng ruột, một là sợ mình làm phiền Chủ tướng không đúng lúc, hai là ngại nói chuyện như thế lại gây cho Nhậm sự ganh tị, ngờ vực. Phải khéo nói lắm Chỉnh mới được Nguyễn Huệ tha cho về.

Lúc đó, Nguyễn Huệ không còn con đường nào khác ngoài hành lang dẫn về Tử các. Ông bước chậm, thật chậm. Dù vậy, đã đi thì phải tới. Ngọn hoàng lạp trong phòng tân hôn tỏa ánh sáng êm dịu ra cả ngoài hành lang. Trong phòng hoàn toàn yên lặng. Nguyễn Huệ dừng lại cách cửa phòng vài bước, im lặng nghe ngóng. Không có dấu hiệu của sự sống trong kia! Ông bước thêm vài bước nữa, lòng hồi hộp, rộn rã pha lẫn ngại ngùng. Một nàng công chúa đang đợi ông? Dù là công chúa của một ông Vua suốt mấy mươi năm khoanh tay rũ áo vừa được chính ông gây dựng lại quyền hành, nhưng vẫn là công chúa. Lúc rước dâu, ông có thoáng thấy dáng người nhỏ nhắn thanh nhã của công chúa, nhưng giữa cảnh xe ngựa tấp nập nghi lễ phiền phức, ông không được nhìn kỹ gương mặt của người vợ trẻ tuổi. Ông chỉ ghi nhận thêm được bước đi ngại ngùng như cách một đứa bé sẽ sàng bước trước đôi mắt nghiêm khắc của mẹ. Tự nhiên ông cảm thấy thương hại, ông bần thần suốt buổi lễ vì ý nghĩ mình là kẻ vũ phu, kẻ có tội. Lúc này, sắp bước vào đêm hợp cẩn, ông lại có ý nghĩ đó.

Nhưng ông không có lối nào khác, ngoài lối tiến tới.

Nguyễn Huệ bước vào phòng. Trước mắt ông, rõ ràng hiển hiện hình ảnh một đứa trẻ lạc loài. Một nàng tiên nhỏ lỡ mê cảnh tục lụy lạc lại cõi thống khổ! Đôi vai nhỏ ấy, dáng ngồi thu mình để sẵn sàng chịu đựng tất cả bất trắc ấy, khuôn mặt non nớt sượng sùng cúi xuống và đôi tay chới với tìm bấu vào chéo áo, nhất là chiếc cổ cao và trắng nuốt yếu đuối, bao nhiêu hình ảnh cam chịu giữa cảnh màn trướng lộng lẫy khiến Nguyễn Huệ bối rối chùn bước. Lạ lùng thay, ông cảm thấy bất nhẫn. Yếu đuối. Hổ thẹn nữa. Ông nghĩ nếu mình làm bất cứ điều gì, dù là đưa chân bước tới hay phát một cử động nhỏ cũng phạm cái tội tày trời là phá phách sự toàn mỹ của trời đất. Những gì xảy ra sau đó, ông chỉ ý thức được có một phần rất nhỏ. Đôi vai yếu, chiếc cổ trắng của Công chúa thu hút, lôi cuốn ông. Khi đặt tay lên vai Công chúa, ông cảm thấy lần vải mịn mơn man mấy ngón tay, và một thứ ấm áp dịu dàng truyền qua bàn tay lan man khắp người ông. Bàn tay đưa lên vuốt ve cổ công chúa nhè nhẹ. Ông sợ mấy vết chai trong lòng bàn tay làm sước làn da non nớt trinh bạch đó, nhưng đồng thời, có một thúc giục ma quái xui ông nắm chặt lấy chiếc cổ ấy. Ông hoang mang, sợ hãi. Máu chạy rần rật trong người ông. Cho nên khi quì xuống gục mặt vào đầu gối công chúa, ông làm đúng cử chỉ của một kẻ sám hối.

Làm sao Ngọc Hân có thể hiểu được ý nghĩa những điều bất thường ấy, nơi một viên tướng từng xô ngã cả hai triều đình ở phương Nam và phương Bắc, và sẽ còn đảo lộn trật tự của một đất nước ổn định, dù là ổn định vá víu, suốt mấy trăm năm.

*

*       *

Dù ở hoàn cảnh nào, dần dần người ta cũng làm quen với cái lạ! Cái nhìn đam mê đến cuồng nộ của Nguyễn Huệ đã khiến Công chúa choáng váng. Sau đó, Ngọc Hân mừng rỡ, và yên tâm.

Hai người bắt đầu nói chuyện với nhau. Và Nguyễn Huệ kinh ngạc đến thích thú khi Công chúa dùng ngay cái vốn bạo dạn ban đầu để hỏi về người vợ Qui Nhơn của Nguyễn Huệ. Bằng những câu hỏi ngắn, rời rạc, đôi lúc gần như hỏi vô tình, Công chúa muốn biết Nguyên súy phu nhân sẽ nghĩ gì, làm gì khi nhận được tin không vui ở Thăng Long. Nguyễn Huệ khám phá ra rằng nàng công chúa non nớt tội nghiệp đó có một trí thông minh đặc biệt, óc mẫn cảm, và tài thi phú. Đó là chưa kể cách suy từ một mẩu nhỏ sự kiện mà đoán ra được cả cái khối lớn giấu phía sau. Chẳng hạn công chúa chú ý đến tình thân thiết quyến luyến khác thường giữa Nguyễn Huệ và Lãng. Công chúa hỏi Lãng làm chức gì, giữ nhiệm vụ gì. Nguyễn Huệ đáp qua quít cho xong, vì thực ra, ông không có khả năng và thì giờ để giãi bầy cho rõ nhu cầu được nghe được sống chân thực giữa cuộc sống đảo điên giả trá của danh vọng, quyền uy. Thấy chồng không muốn dài dòng, Công chúa không hỏi thêm gì nữa, Ngọc Hân biết thật chính xác lúc nào đáng nói, và nên nói điều gì với Nguyễn Huệ.

Một hôm, Nguyễn Huệ hỏi Công chúa:

- Con trai con gái nhà vua, đã có mấy người được sướng như Công chúa?

Ngọc Hân đáp:

- Phụ hoàng ít lộc, con trai con gái ai cũng thanh bạch, nghèo khó. Riêng tôi có duyên lấy được Thượng công, cũng như hạt mưa bụi ngọc bay ở giữa trời được sa vào chốn lâu đài. Đấy là sự may mắn của tôi mà thôi!

Nguyễn Huệ nghe Công chúa trả lời như vậy, thích lắm. Ngay sau đó, Công chúa hỏi đến nhiệm vụ của Lợi (Nguyễn Huệ vừa tiếp Lợi xong), rồi vô tình hỏi đến gia cảnh của Lợi. Sau một lúc lan man chuyện khí hậu mùa màng, Công chúa tỏ cho Nguyễn Huệ biết mình có nghe nói Lợi là anh rể Lãng, và có thời Nguyễn Huệ theo học với ông giáo cha Lãng. Riêng cái tên An, Công chúa chỉ nhắc đến về sau.

*

*       *

Đến ngày 14 tháng Sáu, vua Lê Hiển Tôn bệnh đã nguy kịch. Nguyễn Huệ muốn trong khi nhà vua còn sống, xin nhà vua nhận lễ chúc mừng về cuộc thống nhất để trong ngoài đều biết, cho trọn cái công tôn phù của mình. Nguyễn Huệ bèn chọn ngày Rằm để đặt lễ đại triều rồi dâng tờ tâu lên xin vua Lê.

Đúng ngày, triều đình bày cuộc đại nhạc ở mé đông và mé tây Đan Trì. Các Lễ quan sắp đặt đồ nghi vệ cực kỳ sang trọng, rồi xin vua Lê ra ngự chầu. Sau khi Hoàng tử đã dìu nhà vua lên ngự tọa, ngoài điện nổ ba phát súng làm hiệu lệnh, trăm quan đều lần lượt làm lễ mừng. Lễ xong, nhà Vua ban tờ chiếu nói về việc thống nhất, sai đem dán ở ngoài cửa Đại Hưng. Thần dân thiên hạ thấy vậy, đều khen vua Lê đủ cả "Phúc lộc thọ khảo".

Sau ngày lễ ấy, bệnh của nhà vua càng nguy hơn, đã gần hấp hối! Công chúa nghe tin giục Nguyễn Huệ vào thăm. Nguyễn Huệ nói:

- Bây giờ tôi với Hoàng thượng nghĩa như cha con. Ý tôi cũng muốn kịp khi Ngài còn, vào trông mặt Ngài để tỏ tấm lòng ngưỡng mộ. Nhưng tôi ở xa đến đây, người trong nước chưa chắc đã tin hết cả. Hôm qua Hoàng thượng vừa ra coi triều, ai có biết đâu Ngài mắc bệnh nặng. Giả sử tôi vào giữa lúc Ngài về chầu trời, há chẳng để tôi mang tiếng muôn đời với thiên hạ ư! Vậy Công chúa cứ về thăm Ngài và nói rõ với các anh em như thế, để ai nấy đều hiểu lòng tôi. (2)

Ngọc Hân hơi thất vọng, lần đầu tiên cảm thấy bất lực trước những ràng buộc thực tế, những đe dọa lúc nào cũng có thể cướp mất người chồng khí phách của Công chúa, không cho Công chúa được sống trọn vẹn như một cặp vợ chồng bình thường. Nhưng những lời phân bày của Nguyễn Huệ quá hữu lý, Công chúa không có lời nào để nói thêm nữa. Ngọc Hân gạt thầm giọt nước mắt lo âu và thất vọng, từ biệt Nguyễn Huệ lên kiệu vào cung một mình.

Đêm ấy nhà vua hãy còn tỉnh táo. Ngài cho đòi Hoàng tự tôn lên sát giường ngự, cố lấy hết sức tàn thì thào:

- Ta chỉ sớm tối sẽ được trút hết gánh nặng. Những sự lo lắng đều dồn về một mình mày. Mày phải nghĩ đó!

Hoàng tự tôn đau đớn và lo âu, không thốt được lời nào. Nhà vua rán đưa bàn tay ốm nắm lấy tay cháu, dặn thêm:

- Sau khi ta nhắm mắt, nối ngôi là việc lớn lao. Chuyện gì cũng phải bẩm qua ông ấy, không được khinh suất.

Nói xong, nhà vua nhắm mắt lại, bàn tay xanh xao nới lỏng ra, nhưng ngài không rút tay về. Hoàng tự tôn thấy bàn tay của nhà vua buông ơ hờ trên tay mình, ngón út hơi co giật như oằn mình trút dần sự sống, sợ quá quay nhìn các Hoàng tử và Hoàng thân ú ớ như kêu cứu, Hoàng tử vội chạy đến. Nhưng nhà vua lại mở đôi mắt đục lơ láo nhìn quanh như muốn tìm ai. Hoàng tử ghé sát mặt cha để nghe lời trăn trối. Nhà vua thều thào hỏi:

- Có Ngọc Hân đây không?

Hoàng tử mừng rỡ đáp:

- Dạ thưa có!

Rồi quay lại ra dấu gọi Công chúa đến bên giường. Ngọc Hân mừng rỡ và xúc động quá, úp mặt xuống giường ngự nức nở. Nhà vua vẫn nằm ngửa, mắt nhìn thẳng lên trần điện, mi mắt co giật thất thường trong khi cố hết sức nhấc tay phải đặt lên đầu Công chúa. Ngọc Hân ngửng lên, ôm bàn tay xanh xao của cha vào ngực, tưới nước mắt lên những nếp nhăn khô. Công chúa vừa khóc vừa thảng thốt hỏi:

- Thưa cha, cha dạy gì con? Cha có nghe con nói không? Con là Ngọc Hân đây!

Nhà vua cố cử động cái lưỡi đã bắt đầu tê cứng, lắp bắp nói:

- Cha thương con. Thương con hơn hết.

Công chúa vội đáp:

- Con cũng vậy. Cha đừng bỏ con mà đi. Cha rán ở lại với con. Không có cha, con biết làm sao đây! Cha có nghe con van xin không? Cha ở lại với con.

Nhà vua chớp chớp đôi mắt, nhưng không còn giọt lệ nào để rỏ ra trong hố mắt sâu. Nhà vua nói:

- Cha lo cho con. Hãy thương yêu chồng... đừng để ông ấy buồn phiền... việc nước... nên hư... tùy một phần nơi con.

Công chúa úp mặt vào lòng bàn tay cha, vừa khóc vừa nói:

- Con quá non dại, làm sao kham nổi, thưa cha. Vâng, con sẽ thương yêu chồng, con sẽ là một người vợ hiền. Con không để cho chồng con buồn phiền bất cứ điều gì. Việc ấy vừa sức con. Nhưng việc nước! Trời ơi! Con sợ lắm! Cha đừng bỏ con. Con non dại không thể biết điều gì nên làm...

Công chúa đang nói, đột nhiên cảm thấy bàn tay nhà vua run mạnh, mấy ngón tay một lần nữa oằn oại. Công chúa giật mình ngước lên. Thân thể nhà vua vẫn dán vào giường ngự, y như trước, nhưng đôi mắt đục lờ đã trợn ngược như nhà vua đang cố ngước nhìn lên đỉnh đầu. Ngọc Hân thấy đau nhói ở ngực. Công chúa thét lên, trước mặt mọi vật quay cuồng.

Hoàng tử bước lặng đến bên cha, đưa tay vuốt kín đôi mắt đục. Lúc đó là giờ Mão ngày mười bảy tháng Sáu năm Bính Ngọ.

*

*       *

(3) Vài ngày sau lễ thành hôn, khi Công chúa bắt đầu bạo dạn tiếp chuyện với chồng, Nguyễn Huệ đã hỏi qua gốc gác tính tình các Hoàng tử. Ngọc Hân thành thực kể hết với chồng, không giấu diếm điều gì. Nhưng khi Nguyễn Huệ hỏi về Hoàng tự tôn, công chúa nghĩ thế nào anh cũng gần gũi thân thuộc hơn cháu, sợ Hoàng tự tôn giành mất ngôi vua của Sùng Nhượng công, nên đáp:

- Nhân phẩm tự tôn chỉ vào bậc tầm thường thôi!

Do đó, Nguyễn Huệ không thích Tự tôn.

Đến lúc bệnh của nhà vua đã nguy, triều đình bàn nhau việc lập Hoàng tự tôn làm vua, cho người qua trình với Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ không chịu. Sứ giả về triều lập lại lời Huệ, cả triều bàn bạc phân vân, không biết phải làm thế nào. Thình lình trong bọn có người lớn tiếng:

- Tự tôn không được làm vua, thiên hạ ắt loạn. Họ Lê sẽ mất. Ấy là lỗi tại Công chúa. Công chúa đã làm hại đến việc lớn của xã tắc, thì phải xóa tên trong sổ gia tộc, để cho Công chúa về nước Tây mà hưởng phú quí. Họ ta không thiếu gì một con người ấy!

Mọi người quay nhìn xem ai, mới biết là hoàng thân Vương Quận công. Công chúa Ngọc Hân nghe nói sợ hãi, liền về phủ xin với Nguyễn Huệ. Nguyên soái bằng lòng. Vì vậy sau khi nhà vua mất, bách quan bèn phù Tự tôn lên ngôi.

Hôm ấy Nguyễn Huệ ở trong phủ, nghe tin nhà vua đã mất, liền sai các lính thị vệ sắp sửa các đồ nghi vệ, xe kiệu để chờ khi Hoàng tự tôn lập rồi, nếu có ai bên họ nhà vua đến trình mời sang lo việc tang thì Nguyễn Huệ sẽ sẵn sàng đi ngay. Nhưng Hoàng tự tôn không hiểu ý đó, nên sợ phiền chẳng dám mời, mãi đến lúc khâm liệm xong xuôi và cho vào quan tài rồi, mới bẩm với Nguyễn Huệ.

Nguyễn Huệ giận vì không được mời trước, cho là Hoàng tự tôn có ý xem mình như người ngoài, bèn sai người vào triều bắt phải hoãn lễ Đăng cực (lễ lên ngôi vua), có ý muốn lập người khác.

Sứ giả đến nơi thì lễ Đăng cực đã xong. Triều đình đem sự đã rồi ấy báo lại với Nguyễn Huệ. Ông càng tức giận, liền đòi Công chúa về phủ và mắng:

- Tiên đế là vua chung của thiên hạ, không phải là Vua riêng của hoàng tộc. Ta thương mến Tiên đế, hôm qua vì tránh hiềm nghi không dám vào thăm. Hôm nay muốn kịp lúc chưa khâm liệm tới nơi để được thấy Ngọc nhan cho trọn cái tình cha vợ con rể. Nhưng tự dưng xông đến sợ trái lễ. Tại sao hoàng tộc lại nỡ gạt ta ra ngoài không thèm mời? Nếu không có ta thử hỏi triều đình sẽ ra cái gì? Chính sự sẽ ra cái gì? Cớ sao lại dám khinh miệt ta như vậy? Ta thử bỏ đây mà đi, xem Hoàng tộc làm ăn làm sao!

Rồi Nguyễn Huệ lập tức truyền lệnh cho các quân thủy bộ sửa soạn hành trang cho kịp sáng hôm sau rút quân về nước.

Công chúa mếu máo khóc xin Nguyễn Huệ ở lại, một mặt ngầm sai người thân lén vào triều tâu sự việc với Tự hoàng. Tự hoàng vội cho người ra phủ tạ lỗi và xin Nguyễn Huệ ở lại. Bấy giờ, Nguyễn Huệ mới thôi việc rút quân.

Đến ngày làm lễ Thành phục, Tự hoàng sai quan mời Nguyễn Huệ vào tế. Nguyễn Huệ mặc đồ tang đứng ở trên điện tế, coi xét lễ nghi hết sức chu đáo. Lúc tế có một viên Tả phiên lại hơi có vẻ cười, Nguyễn Huệ sai lôi ngay ra chém.

Bấy giờ Nguyễn Huệ đã có ý muốn về Nam, nên nói với các quan trong triều:

- Tôi vâng mệnh vua anh đem quân ra ngoài cõi, đi hay ở không có kỳ hạn nhất định. Tôi vì nghĩa tôn phù mà tới đây, may mắn đã làm xong việc. Nay tôi là chàng rể, muốn ở cho hết đạo với cha vợ. Làm cho xong sớm việc tang tế khi tôi chưa rút về cho trung hiếu vẹn cả hai, đó là ước nguyện của tôi.

Các quan đều nói:

- Chúng tôi xin vâng mệnh.

Rồi họ cùng chọn ngày để đưa tử cung xuống thuyền.

Nguyễn Huệ suốt ngày đêm sắm sửa cho lễ táng. Các đồ tế lễ tuy đơn sơ, giản dị, nhưng lễ nghi thì đều đầy đủ không thiếu sót gì.

Đến ngày đưa đám, Nguyễn Huệ tự cưỡi voi, đem ba ngàn quân hộ tống tử cung đến bến đò, chờ cho lễ rước tử cung xuống thuyền xong xuôi đâu đấy mới quay trở lại.

(còn tiếp)

 

Khung cảnh phủ Chúa dựa theo Thượng Kinh Ký Sự của Lê Hữu Trác, Nxb Hà nội 1977, trang 31, 32

Hoàng Lê, bản dịch Ngô Tất Tố, trang 104

Hoàng Lê, bản dịch Ngô Tất Tố, trang 107

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chương 67   (22/09/2004)
Chương 66  (20/09/2004)
Chương 65   (19/09/2004)
Chương 64  (17/09/2004)
Chương 63  (15/09/2004)
Chương 62  (13/09/2004)
Chương 61  (12/09/2004)
Chương 60   (12/09/2004)
Chương 59   (08/09/2004)
Chương 58   (06/09/2004)
Chương 57   (05/09/2004)
Phần V: Vượt đèo Hải Vân - Chương 56   (03/09/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 55   (01/09/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 54  (30/08/2004)
Sông Côn mùa lũ: Chương 53  (29/08/2004)