Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình lần thứ nhất (tỉnh Bình Định lần thứ X) họp từ ngày 10/10 đến ngày 20/10/1976 và từ ngày 23 đến ngày 27/3/1977 tại Quy Nhơn. Dự Đại hội có 452 đại biểu chính thức, 23 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 28.254 đảng viên toàn Đảng bộ (8,6% đảng viên đại biểu dân tộc thiểu số, 12,5% đại biểu nữ, 21% đại biểu ở cơ sở) thuộc 1.578 chi bộ, Đảng bộ cơ sở.
Đại hội thảo luận Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và ra Nghị quyết nhấn mạnh: Hơn 2 năm qua, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tích to lớn, có ý nghĩa quan trọng:
- Nắm vững chuyên chính vô sản, tổ chức cải tạo tốt số ngụy quân, ngụy quyền, trấn áp bọn làm phản cách mạng, làm cho tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong tỉnh ổn định và giữ vững.
- Nhanh chóng đưa hàng chục vạn nông dân bị địch tập trung vào thị xã, thị trấn, khu dồn trở về quê cũ, tạo điều kiện cho số bà con này và hàng chục vạn nông dân khác ở vùng bị hậu quả của chiến tranh bước đầu có ăn, có ở, có phương tiện và công cụ sản xuất, từng bước phục hồi lại đời sống bình thường. Đã nỗ lực khai hoang, vỡ hóa, làm thủy lợi, thâm canh tăng vụ để khôi phục và phát triển nông nghiệp. Nhờ đó từ chỗ thiếu ăn, đã vươn lên tự trang trải lương thực, làm tốt một phần nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước và ổn định đời sống nhân dân trong tỉnh.
- Văn hóa xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần và sức khỏe của nhân dân, góp phần làm thay đổi bộ mặt xã hội, nêu bật tính chất ưu việt của chế độ mới, nền văn hóa mới.
- Chính quyền nhân dân các cấp nhanh chóng được thành lập, không ngừng củng cố và ngày càng phát huy hiệu lực quản lý trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; đặc biệt đã tiến hành kết quả tốt cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân xã, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và nhiều công tác quan trọng khác.
- Các đoàn thể quần chúng và Mặt trận được xây dựng và củng cố sau ngày giải phóng đã và đang mở rộng, là chỗ dựa của chính quyền trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng.
- Xây dựng Đảng được chú trọng xây dựng theo yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng trên mọi mặt của đời sống xã hội.
Đại hội đặc biệt nhấn mạnh một số tồn tại cần được khắc phục, nổi lên là:
1) Trong thời gian qua, đảng bộ chưa quan tâm giáo dục đầy đủ ý thức cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên cũng như phát động sâu rộng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; công tác phòng gian bảo mật còn một số sơ hở. Quản lý và cải tạo số tội phạm chính trị, lưu manh, trộm cắp chưa tốt; truy tróc chưa hết số ngụy quân, ngụy quyền còn lẩn trốn và trấn áp các tổ chức phản động. Những hành động phá hoại, tai nạn và tệ nạn vẫn còn xảy ra.
2) Về lãnh đạo và quản lý kinh tế: Chưa quán triệt đầy đủ đường lối, chủ trương của Trung ương về khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế cũng như chưa nắm vững thực tiễn của kinh tế nhiều thành phần ở miền Nam nên lúc đầu gặp nhiều lúng túng. Kết hợp chưa chặt chẽ cải tạo với xây dựng.
3) Chưa tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đường lối, chủ trương, chính sách trong quần chúng.
4) Một số chính sách chưa được chấp hành đầy đủ và nghiêm túc. Việc giải quyết những khiếu tố của nhân dân chưa đến nơi, đến chốn. Tuy có quan tâm đến đời sống của cán bộ và nhân dân nhưng còn một số mặt chưa giải quyết tốt; chưa chú ý đúng mức đến đời sống đồng bào miền núi, vùng giải phóng cũ và khu kinh tế mới.
5) Bộ máy quản lý ở các cấp, các ngành tuy được kiện toàn nhưng còn cồng kềnh, chồng chéo chức năng nhiệm vụ. Các nguyên tắc của Đảng chưa được phát huy, đặc biệt nguyên tắc tập trung dân chủ.
6) Về xây dựng Đảng, công tác chính trị tư tưởng thiếu chủ động, nhạy bén và kịp thời; nội bộ một số nơi chưa thật đoàn kết nhất trí.
Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 35 đồng chí (có 2 ủy viên dự khuyết), Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí. Đồng chí Võ Văn Đinh được bầu làm Bí thư.
Tháng 3/1978, đồng chí Nguyễn Quang Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng (khóa IV) về làm Bí thư thay đồng chí Võ Văn Đinh.
(Còn nữa) |