Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII họp từ ngày 10/10 đến ngày 14/10/1986 tại Quy Nhơn, với sự có mặt của 515/517 đại biểu được triệu tập (vắng 2 đại biểu) ở 22 Đảng bộ huyện, thị xã và 4 Đảng bộ trực thuộc tỉnh, thay mặt cho gần 40.000 đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh.
Đại hội tham gia thảo các ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện của Trung ương chuẩn bị trình Đại hội VI của Đảng. Thảo luận đánh giá tình hình mọi mặt của Đảng bộ nhiệm kỳ qua và quyết định phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội kế hoạch 5 năm 1986-1990; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đoàn đại biểu đi dự Đại hội VI của Đảng.
"Những năm qua, trong khó khăn chung của đất nước và thiên tai dồn dập, nhưng Đảng bộ, quân và dân tỉnh ta đã nêu cao truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết nhất trí, tự lực tự cường, nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt và vượt phần lớn các chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh đề ra".
Nông nghiệp phát triển theo hướng toàn diện, đã tự giải quyết được lương thực cho nhu cầu về ăn và làm nghĩa vụ cho Nhà nước ngày càng tăng. Năm 1985 sản xuất lương thực đạt mức cao nhất từ 11 năm trở lại đây, huy động lương thực tăng 40% so với năm 1982. Diện tích cây công nghiệp ngày càng mở rộng. Đã căn bản hoàn thành giao đất giao rừng cho các HTX và tập đoàn sản xuất quản lý, kinh doanh. Phong trào trồng cây gây rừng phát triển mạnh mẽ. Phong trào nuôi tôm xuất khẩu phát triển khá. Phong trào "nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ" đã xây dựng nhiều công trình thủy lợi, giao thông nông thôn và văn hóa.
Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa đã nắm phần lớn hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nông sản xuất khẩu và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu theo tiêu chuẩn định lượng cho công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang.
Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa thu được kết quả bước đầu, rõ nhất là trong nông nghiệp.
Quốc phòng và an ninh ngày càng củng cố và tăng cường; an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tồn tại:
+ Sản xuất phát triển chậm, chưa vững chắc, chưa tạo điều kiện để khai thác tốt những năng lực hiện có. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được củng cố. Cơ cấu sản xuất chưa hợp lý, đầu tư phân tán, hiệu quả thấp.
+ Năng suất lao động thấp, năng suất cây trồng, vật nuôi chưa cao; chất lượng sản phẩm giảm sút; hàng tiêu dùng sản xuất bằng nguyên liệu địa phương ít về số lượng và nghèo về chủng loại.
+ Xuất khẩu đạt kết quả thấp so với yêu cầu và tiềm năng.
+ Phân phối lưu thông có nhiều rối ren ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân lao động, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang.
+ Các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động kinh tế - xã hội chưa được khắc phục, có vụ nghiêm trọng hơn; trật tự, kỷ cương bị buông lỏng.
+ Việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa chưa được coi trọng.
+ Quyền làm chủ của nhân dân lao động bị vi phạm.
Nguyên nhân:
1. Khách quan tác động.
2. Về chủ quan:
- Chưa quán triệt sâu sắc đường lối chung và đường lối kinh tế của Đảng trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ; có khuyết điểm trong đánh giá tình hình cụ thể của tỉnh nhà, trong xác định mục tiêu và bước đi của công cuộc cải tạo và xây dựng; trong việc bố trí cơ cấu sản xuất và cơ cấu đầu tư.
- Trong khi tiến hành 3 cuộc cách mạng chưa coi trọng đúng mức vai trò then chốt và động lực của khoa học kỹ thuật.
- Trong quản lý kinh tế, tư tưởng tập trung - quan liêu, bao cấp và cơ chế quản lý lỗi thời đã duy trì quá lâu.
- Chúng ta đã buông lỏng chuyên chính vô sản trong cuộc đấu tranh giải quyết vấn đề "ai thắng ai" giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, đã có những biểu hiện tư tưởng vừa "tả" khuynh, vừa "hữu" khuynh trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, trong đấu tranh tư tưởng, văn hóa, chống lại những âm mưu, thủ đoạn phá hoại thâm độc của kẻ thù.
Những khuyết điểm, sai lầm nói trên là biểu hiện sự dao động, thiếu kiên quyết của tư tưởng tiểu tư sản, vừa chủ quan, nóng vội, vừa bảo thủ, trì trệ.
Đại hội cho rằng những khuyết điểm, sai lầm trong lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong công tác tư tưởng, tổ chức và cán bộ.
Tư tưởng: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng chậm đổi mới, chưa bám sát và theo kịp yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đã bộc lộ sự lạc hậu về nhận thức lý luận, sự yếu kém về vận dụng đường lối, chủ trương, chính sách, sự giảm sút về phẩm chất và ý chí cách mạng.
Tổ chức: Chậm qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và đổi mới đội ngũ cán bộ theo hướng đồng bộ và trẻ hóa; chưa quán triệt đường lối và quan điểm cơ bản của Đảng về công tác cán bộ trong giai đoạn mới.
- Nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng bị vi phạm.
- Phong cách lãnh đạo và lề lối làm việc mang nặng chủ nghĩa quan liêu, sự vụ và bệnh hình thức.
- Tổ chức bộ máy quá cồng kềnh, chồng chéo, còn nhiều khâu trung gian và kém hiệu lực.
Cán bộ: Việc quản lý cán bộ, đảng viên thiếu chặt chẽ. Công tác kiểm tra của đảng, thanh tra của Nhà nước và của nhân dân chưa được coi trọng đúng mức.
Trong phần phương hướng, nhiệm vụ chung đại hội xác định là ổn định tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện 5 mục tiêu và 3 chương trình kinh tế lớn về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Hình thành từng bước cơ cấu công - nông nghiệp trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đổi mới cơ chế quản lý nhằm tạo ra động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế và người lao động hăng hái phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thiết lập và hình thành đồng bộ cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 65 đồng chí (50 ủy viên chính thức, 15 ủy viên dự khuyết). Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 14 đồng chí. Đồng chí Đỗ Quang Thắng được bầu làm Bí thư.
* Thời kỳ tách tỉnh
Thực hiện quyết định số 83- QĐ/TW, ngày 04/3/1989 của Bộ Chính trị về việc chia tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi như cũ, hiệu lực thi hành từ tháng 7/1989.
Nghĩa Bình là tỉnh được Bộ Chính trị chọn làm thí điểm việc chia, tách tỉnh trong năm 1989. Tỉnh Nghĩa Bình có diện tích tự nhiên 11.900 km2, chiều dài bắc- nam 228 km, có trên 2,8 triệu dân. Trung tâm kinh tế- chính trị đóng tại Quy Nhơn cách xa vùng phía bắc tỉnh 200 km. Căn cứ các yếu tố khách quan tác động và những điều kiện cụ thể về đặc điểm địa lý, về đội ngũ cán bộ tỉnh; tại kỳ họp tháng 2/1988, thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân trong tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề nghị Quốc hội cho chia lại tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Căn cứ tờ trình của Tỉnh ủy gửi Bộ Chính trị và của Hội đồng nhân dân tỉnh gửi Quốc hội, các đồng chí trong Bộ Chính trị lần lượt về kiểm tra tình hình và xem xét cụ thể để giải quyết theo nguyện vọng của quân và dân được khách quan, đúng đắn. Trong lần về thăm Nghĩa Bình của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã thống nhất nhận định: ''Việc chia tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh sẽ tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội phát triển tốt hơn''.
Để lãnh đạo các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng của Đảng bộ Bình Định, ngày 4/4/1989, Bộ Chính trị ra quyết định số 612- QĐ/TW điều đồng chí Nguyễn Trung Tín, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng về làm Bí thư Tỉnh ủy Bình Định.
Nhiệm vụ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục lãnh đạo và tổ chức tốt việc củng cố, sắp xếp bộ máy quản lý thuộc các sở, ngành cấp tỉnh, ổn định đời sống; tăng cường củng cố tổ chức Đảng và làm tốt công tác phát triển đảng viên mới.
(còn nữa) |