Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XV
17:10', 22/11/ 2004 (GMT+7)

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV họp từ ngày 7 đến ngày 9/5/1996 tại thành phố Quy Nhơn. Dự đại hội có 349 đại biểu chính thức của 16 Đảng bộ trực thuộc tỉnh, đại diện cho 25.769 đảng viên toàn Đảng bộ (304 đại biểu được bầu từ 16 Đảng bộ, 45 đại biểu đương nhiên, 10,6% đại biểu nữ, 6% đại biểu dân tộc thiểu số, 3 đại biểu Anh hùng lực lượng vũ trang, 2 đại biểu Nhà giáo ưu tú).

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV là đại hội của trí tuệ, đổi mới, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, tất cả vì sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Đại hội đã thảo luận Báo cáo chính trị, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ XIV:

1. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển, thực hiện vượt mức nhiều chỉ tiêu do Đại hội lần thứ XIV đề ra.

- Nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện, tăng bình quân 5,5%/năm (Đại hội XIV đề ra 4,2%), cơ cấu sản xuất nông nghiệp có bước chuyển dịch tiến bộ theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất cây công nghiệp và chăn nuôi. Diện tích rừng trồng mỗi năm một tăng. Ngư nghiệp phát triển cả về nuôi trồng, đánh bắt và chế biến; giá trị sản xuất tăng bình quân 15,5%/năm.

- Sản xuất công nghiệp đi dần vào ổn định và phát triển, giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng 14,1% (Đại hội XIV đề ra 5%), sản phẩm công nghiệp đa dạng, chất lượng tiến bộ, được thị trường chấp nhận.

- Dịch vụ kinh tế, kỹ thuật và đời sống tăng khá, thị trường phát triển tương đối đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn như cầu sản xuất và tiêu dùng. Một số dịch vụ có tốc độ tăng nhanh như: liên lạc, vận tải, sửa chữa cơ khí điện, điện tử...

- Kinh tế đối ngoại có tiến bộ, sản phẩm xuất khẩu từ thế mạnh kinh tế của tỉnh ngày càng tăng về chất lượng, số lượng và chủng loại.

- Hoạt động tài chính, tín dụng có chuyển biến khá, đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên; thực hiện các chính sách xã hội và có tích lũy cho đầu tư phát triển.

2. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và năng lực sản xuất phát triển một bước, tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều công trình quan trọng đã đưa vào sử dụng như thủy điện Vĩnh Sơn, cầu cảng Quy Nhơn, hồ chứa nước Thuận Ninh, nâng công suất Nhà máy nước Quy Nhơn...

3. Cơ cấu kinh tế bắt đầu chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nền kinh tế nhiều thành phần hình thành và phát triển. Các doanh nghiệp Nhà nước được sắp xếp hợp lý, sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn trước, một số xí nghiệp được xây dựng mới. Kinh tế hợp tác trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, vận tải...  dần được phục hồi và phát triển. Các hợp tác xã nông nghiệp từng bước đổi mới, vai trò tự chủ của hộ nông dân được phát huy, nhiều hình thức hợp tác mới trong nông nghiệp và nông thôn được hình thành. Kinh tế cá thể, tư nhân phát triển.

4. Nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng đã có một số chuyển biến tích cực. Công tác chính trị tư tưởng được tăng cường. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng được nâng lên một bước. Công tác phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên có chuyển biến tích cực. Công tác kiểm tra đảng viên, cấp ủy viên và tổ chức cơ sở Đảng chấp hành Điều lệ Đảng được tiến hành thường xuyên. Công tác cán bộ có bước chuyển biến tiến bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chăm lo. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được tăng cường. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng có bước đổi mới, khắc phục khuynh hướng khoán trắng bao biện làm thay.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 47 đồng chí. Đồng chí Tô Tử Thanh được bầu làm Bí thư.

(còn nữa)