I - Vào năm 1929, với sự hoạt động tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, phong trào cách mạng ở nước ta dâng lên mạnh mẽ. Nhưng vào thời điểm này, ngày càng bộc lộ những hạn chế của Hội là không đủ sức đưa phong trào cách mạng tiếp tục tiến lên. Nội bộ Hội đã có sự phân hóa. Một số người tiên tiến trong Hội đã nhận thấy rằng cách mạng Việt Nam lúc này bức thiết đòi hỏi phải có một chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, do đó phải giải thể "Thanh niên", thành lập Đảng Cộng sản. Còn một số khác chủ trương vẫn duy trì Hội "Thanh niên".
Tháng 5 năm 1929 tại Hương Cảng (Trung Quốc), Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên được tiến hành. Trong Đại hội, vấn đề thành lập đảng được thảo luận, nhưng không nhất trí. Đoàn đại biểu Bắc kỳ rút khỏi Đại hội về nước, ra tuyên bố giải thích lý do rút khỏi Đại hội và kêu gọi công nhân, nông dân, các tầng lớp nhân dân cách mạng ủng hộ chủ trương thành lập đảng cộng sản. Ngày 17 tháng 6 năm 1929, Đông Dương Cộng sản đảng được thành lập tại 312 Khâm Thiên - Hà Nội. Tổ chức này phát triển ở Bắc kỳ và cử người vào Trung kỳ, Nam kỳ vận động thành lập Đảng trong cả nước.
Do sự phân hóa của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội và ảnh hưởng của Đông Dương cộng sản đảng, các đồng chí lãnh đạo trong Tổng bộ và Kỳ bộ Nam kỳ cũng tuyên bố giải tán "Thanh niên" và thành lập An Nam Cộng sản đảng vào khoảng tháng 11 năm 1929 tại Khánh Hội, Sài Gòn.
Ngày 1 tháng 1 năm 1930 tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, các đồng chí trong Tân Việt ở Trung kỳ tuyên bố giải tán Đảng Tân Việt để thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn.
Việc thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất ở Việt Nam là đòi hỏi bức thiết của cách mạng. Thấy rõ tình hình này, năm 1929, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Thái Lan đã trở lại Hương Cảng chuẩn bị kế hoạch tổ chức Hội nghị hợp nhất. Từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 2 năm 1930, Hội nghị đã được tiến hành ở Cửu Long (Hương Cảng). Hội nghị nhất trí thành lập Đảng và đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960) đã quyết định lấy ngày 3-2-1930 là ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
II - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ sự kết hợp 3 yếu tố: chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân, phong trào yêu nước. Đây là sự vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác-Lênin về sự ra đời của Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến và có truyền thống yêu nước từ hàng ngàn năm.
Sự vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết về sự ra đời của Đảng Cộng sản dựa trên căn cứ lý luận và điều kiện lịch sử cụ thể:
Một là, sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp thực hiện chính sách khai thác tài nguyên, bóc lột sức lao động, chỉ xây dựng một số nhà máy trực tiếp phục vụ cho chính sách khai thác. So với nhiều nước trên thế giới và khu vực, giai cấp công nhân Việt Nam ra đời chậm và nhỏ bé. Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời từ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1914).
Hai là, từ khi thực dân Pháp xâm lược đất nước ta, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp liên tục diễn ra. Phong trào yêu nước chống Pháp có trước phong trào công nhân. Phong trào yêu nước chống Pháp đã nuôi dưỡng lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, trong công nhân. Mục tiêu đấu tranh trước mắt của phong trào công nhân phù hợp với mục tiêu của phong trào yêu nước là đánh đổ thực dân Pháp, đem lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Do đó, vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX, phong trào yêu nước dần dần trở thành một bộ phận của cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp.
Ba là, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và từ đó Người đã dày công truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta, vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (1925) bao gồm những chiến sĩ yêu nước để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước là hiện thân của sự kết hợp ba yếu tố ngay từ những bước chuẩn bị ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào công nhân, phong trào yêu nước đã giúp Đảng ta ngay từ khi mới ra đời phát huy được truyền thống yêu nước, đoàn kết được các lực lượng cách mạng và nhờ đó giữ được quyền lãnh đạo cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam tuyển lựa đảng viên không những trong phong trào công nhân mà còn chọn những phần tử tiên tiến giác ngộ chủ nghĩa cộng sản trong nông dân lao động, trí thức và trong phong trào yêu nước.
III- Sau Cao trào cách mạng Xô Viết- Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn đàn áp. Một mặt, dùng bom đạn triệt hạ làng mạc để khủng bố tinh thần đấu tranh của quần chúng; mặt khác, dùng âm mưu lừa phỉnh để xoa dịu quần chúng hòng tách quần chúng ra khỏi ảnh hưởng của Đảng.
Từ đầu năm 1931, cơ quan Trung ương Đảng, rồi lần lượt đến các cơ quan xứ ủy, tỉnh ủy, huyện ủy đều bị địch đánh phá ngày càng quyết liệt. Cán bộ, đảng viên bị bắt, bị tù đày. Hệ thống tổ chức Đảng bị địch khủng bố và phá vỡ. Lúc này thiếu một cơ quan đầu não để thống nhất chỉ đạo trong toàn Đảng. Được sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản, Ban Chỉ huy ở ngoài được thành lập vào đầu năm 1934 tại Ma Cao (Trung Quốc) đứng đầu là đồng chí Lê Hồng Phong. Sau khi hệ thống tổ chức Đảng được xây dựng lại, phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển, Ban Chỉ huy ở ngoài đã quyết định triệu tập Đại hội Đảng lần thứ nhất.
Đại hội đại biểu lần thứ nhất (cũng có thể theo cách gọi đã quen Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất) của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 3 năm 1935. Tham dự Đại hội có 15 đồng chí đại diện cho các Đảng bộ Bắc, Trung, Nam, Lào và những đồng chí hoạt động ở nước ngoài. Lúc này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang công tác ở Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong đang dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, không tham dự được. Đại hội nhận định tình hình thế giới, trong nước và đề ra nhiệm vụ mới của Đảng cho thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân.
Đại hội đại biểu lần thứ hai (cũng theo cách gọi đã quen Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai) của Đảng họp tại căn cứ Việt Bắc (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) từ ngày 11 đến ngày 19 tháng 2 năm 1951. Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 766.349 đảng viên của Đảng bộ Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia. Tại Đại hội này đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 9 năm 1960, có 525 đại biểu thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên cả nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ tư diễn ra tại Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 20 tháng 12 năm 1976, có 1.008 đại biểu thay mặt cho 1.550.000 đảng viên.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ năm diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 3 năm 1982, có 1.033 đại biểu thay mặt cho 1.727.000 đảng viên cả nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ sáu diễn ra tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18 tháng 12 năm 1986, có 1129 đại biểu thay mặt cho gần 1.900.000 đảng viên cả nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ bảy diễn ra tại Hà Nội từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 6 năm 1991, có 1.116 đảng viên thay mặt cho 2.135.002 đảng viên.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ tám diễn ra tại Hà Nội từ ngày 28 đến ngày 1 tháng 7 năm 1996 có 1.198 đại biểu thay mặt cho 2.130.000 đảng viên cả nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ chín tại Hà Nội từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 4 năm 2001, có 1170 đại biểu thay mặt cho 2.479.719 đảng viên trong cả nước.
IV - Các đồng chí Tổng Bí thư (Bí thư thứ nhất) của Đảng ta từ khi được thành lập đến nay:
1. Đồng chí Trần Phú:
Sinh ngày 1 tháng 5 năm 1904.
Quê quán: xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Thời gian giữ chức Tổng Bí thư: 10/1930 đến 9/1931.
2. Đồng chí Lê Hồng Phong:
Sinh năm 1902.
Quê quán: Hưng Thông, Hưng Nguyên, Nghệ An.
Thời gian giữ chức Tổng Bí thư: 3/1935 đến 7/1936.
3. Đồng chí Hà Huy Tập:
Sinh năm 1902.
Quê quán: Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Thời gian giữ chức Tổng Bí thư: tháng 7/1936 đến tháng 3 năm 1938.
4. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ
Sinh ngày: 9 tháng 7 năm 1912.
Quê quán: xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh.
Thời gian giữ chức Tổng Bí thư: tháng 3/1938 đến tháng 1/1941.
5. Đồng chí Trường Chinh
Sinh ngày 9 tháng 2 năm 1907.
Quê quán: làng Hành thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định.
Thời gian giữ chức Tổng Bí thư: tháng 5 năm 1941 đến tháng 10 năm 1956. Và từ tháng 7/1986 đến tháng 12/1986.
6. Đồng chí Lê Duẩn
Sinh ngày 7 tháng 4 năm 1907.
Quê quán: làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, Quảng Trị.
Thời gian giữ chức Tổng Bí thư: năm 1960 đến tháng 7 năm 1986.
7. Đồng chí Nguyễn Văn Linh
Sinh ngày 1 tháng 7 năm 1915.
Quê quán: xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên.
Thời gian giữ chức Tổng Bí thư: tháng 12 năm 1986 đến tháng 6 năm 1991.
8. Đồng chí Đỗ Mười
Sinh ngày 2 tháng 2 năm 1917.
Quê quán: xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Thời gian giữ chức Tổng Bí thư: tháng 6 năm 1991 đến tháng 12 năm 1997.
9. Đồng chí Lê Khả Phiêu
Sinh ngày 27 tháng 12 năm 1931.
Quê quán: xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.
Thời gian giữ chức Tổng Bí thư: tháng 12 năm 1997 đến tháng 4 năm 2001.
10. Đồng chí Nông Đức Mạnh
Sinh ngày 11 tháng 9 năm 1940.
Quê quán: xã Cường Lợi, huyện Na Rì, Bắc Cạn.
Thời gian giữ chức Tổng Bí thư: từ ngày 22 tháng 4 năm 2001 đến nay.
V- Ngày 1 tháng 9 năm 1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan. Ngày 3 tháng 9 năm 1939, Anh, Pháp tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ và ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình mọi mặt ở Đông Dương. Trước nguy cơ chiến tranh thế giới đến gần, Đảng ta chủ trương chuyển toàn bộ tổ chức Đảng vào hoạt động bí mật. Đảng bố trí một số cán bộ, đảng viên ở lại thành phố, còn phần lớn chuyển về hoạt động ở nông thôn.
Bước vào năm 1941, trước diễn biến phức tạp của tình hình Đông Dương và thế giới, đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhận thấy cơ hội cứu nước đang đến gần nên đã quyết định về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Khi về đến Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII tại Pắc Bó (Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 5 năm 1941.
Phát triển tư tưởng của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI tháng 11 năm 1939 và Hội nghị TW Đảng lần thứ VII tháng 11 năm 1940, Hội nghị Trung ương lần thứ VIII đã giải quyết hoàn chỉnh mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa dân tộc và dân chủ. Hội nghị nêu rõ: "Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc, giải phóng dân tộc, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn phải chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được".
Để tập hợp và động viên các tầng lớp nhân dân đông đảo đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh.
VI - Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, từ vĩ tuyến 17 trở vào tạm thời do thực dân Pháp chiếm đóng trong vòng 2 năm, sau đó Pháp sẽ rút khỏi miền Nam để đi đến hiệp thương thống nhất đất nước. Nhưng với dã tâm xâm lược nước ta, đế quốc Mỹ đã từng bước thay chân Pháp chiếm đóng miền Nam hòng biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ.
Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ III (tháng 9 năm 1960), trên cơ sở phân tích âm mưu của đế quốc Mỹ đối với miền Nam, phân tích đặc điểm tình hình của cách mạng nước ta đã xác định: vào thời điểm này, cách mạng Việt Nam phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Thực hiện đường lối chiến lược do Đại hội III đề ra, miền Bắc ra sức xây dựng chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Miền Bắc là hậu phương lớn, vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Sau 20 năm đấu tranh ngoan cường, đánh bại mọi âm mưu xảo quyệt của đế quốc Mỹ, mùa xuân năm 1975, bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành nhiệm vụ chiến lược giải phóng miền Nam thống nhất đất nước do Đại hội III đề ra.
VII - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng diễn ra từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 12 năm 1986 đề ra đường lối đổi mới. Nội dung cơ bản của đường lối đổi mới về kinh tế và chính trị thể hiện rõ nét trên một số vấn đề sau đây:
Một là, từ mô hình kinh tế hiện vật chỉ có hai thành phần kinh tế (nhà nước và tập thể) sang mô hình mới là kinh tế hàng hóa nhiều thành phần (nhà nước, tập thể, cá thể tiểu chủ, tư bản tư nhân, tư bản nhà nước), trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong sự thống nhất biện chứng với tính đa dạng các hình thức sở hữu, đa dạng các hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu. Đây là đổi mới căn bản mà ý nghĩa sâu xa của nó là tôn trọng quy luật khách quan về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và tính chất trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
Hai là, từ mô hình quản lý kinh tế theo cơ chế bao cấp sang mô hình quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường. Điểm nổi bật trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế là xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, hình thành tương đối đồng bộ cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Ba là, đổi mới hệ thống chính trị từ chế độ tập trung quan liêu, với phương pháp quản lý hành chính mệnh lệnh, sang dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện dân chủ gắn liền với tôn trọng pháp luật, kỷ cương xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hệ thống chính trị ở Việt Nam bao gồm ba bộ phận cấu thành: Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.
VIII - Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng. Đại hội diễn ra tại Hà Nội từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 6 năm 1991.
Cương lĩnh nêu lên những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng như sau:
- Do nhân dân lao động làm chủ;
- Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu;
- Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc;
- Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân;
- Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ;
- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.
Cương lĩnh xác định những phương hướng và giải pháp cơ bản trong quá trình xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc. Mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của CNXH, với kiến trúc tượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hóa phù hợp, làm cho nước ta trở thành một nước XHCN phồn vinh.
Quá độ lên CNXH ở nước ta là quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường. Mục tiêu của chặng đường đầu là: Thông qua đổi mới toàn diện, xã hội đạt tới trạng thái ổn định vững chắc, tạo thế phát triển nhanh ở chặng sau.
Cương lĩnh nêu rõ những định hướng lớn về chính sách kinh tế -xã hội, an ninh -quốc phòng, đối ngoại, kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng. Cương lĩnh khẳng định: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lấy Chủ nghĩa Mác -Lênnin và tư tưởng Hồ Chí minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Cương lĩnh là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên CNXH, định hướng cho mọi hoạt động của đảng và nhân dân ta hiện tại và trong những thập kỷ tới.
IX - Cụm từ "Lãnh đạo kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt" lần đầu tiên được đề cập trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng năm 1996.
Lãnh đạo kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, bởi lẽ:
Thứ nhất, Đảng ta xác định xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược lâu dài không được xem nhẹ nhiệm vụ nào. Tuy nhiên, nước ta quá độ lên CNXH từ một nước nông nghiệp, bị chiến tranh tàn phá, tiềm lực kinh tế còn non yếu. Hiện nay, chúng ta đang đứng trước 4 nguy cơ, trong đó có nguy cơ ngày càng tụt hậu xa hơn về kinh tế. Do đó, việc Đảng đề ra đường lối lãnh đạo kinh tế là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân là xuất phát từ thực tiễn, nhằm phát huy mọi tiềm năng của đất nước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Thứ hai, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của cách mạng nước ta gần 1 thế kỷ qua. Ngày nay, muốn đưa đất nước phát triển đi lên theo con đường XHCN thì phải không ngừng xây dựng Đảng để Đảng ngày càng vững mạnh. Xây dựng Đảng là then chốt vì:
- Từ trước đến nay, do Đảng ta luôn luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, nên mặc dù cách mạng phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng Đảng ta vẫn vững vàng đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến thắng lợi. - Bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, nhiệm vụ đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân hoàn toàn mới mẻ so với thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Do đó, công tác xây dựng Đảng phải được đặc biệt coi trọng để Đảng có đủ sức lãnh đạo cách mạng.
- Bên cạnh đa số cán bộ, đảng viên vẫn tiếp tục phát huy truyền thống của Đảng, gương mẫu, tiên phong, là tấm gương cho quần chúng thì có một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút ý chí, phai nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức, lối sống, làm ảnh hưởng đến uy tín và sức chiến đấu của Đảng. Cần phải đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng để loại ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa biến chất, làm trong sạch đội ngũ và nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng.
. Theo website Đảng Cộng sản Việt Nam |