|
Bìa album Đối thoại 06. |
Tính từ album cuối cùng Nhật thực (tháng 5-2002) đến nay thì Đối thoại 06 là album mới nhất của Trần Thu Hà (n ếu không kể album 9803 ra mắt hơn một năm trước đây - tổng hợp những bài hát đã từng biểu diễn, ghi âm trước đó, được hòa âm lại). Với ca sĩ Việt Nam 4 năm là rất nhiều, bởi với các ca sĩ của ta, người ít lắm cũng được 1 album còn nhiều có người từng cho ra tới 4 album mỗi năm. Đối thoại 06 được báo chí "giáo đầu tiếp thị" kuá ồn ào nên được người hâm mộ đợi chờ. Và sự chờ đợi đó quả rất đáng công.
Ấn tượng đầu tiên ở Đối thoại 06 là sự can thiệp của công nghệ kỹ thuật cao trong hòa âm rất lớn vì thế chỉ phần nhạc không thôi đã là một điều thú vị không nhỏ. Cũng phải thôi vì có đến 90% Đối thoại 06 được thực hiện tại những phòng thu chuyên nghiệp ở Mỹ, bởi những chuyên gia có tay nghề cao.
Có người cho rằng đây như một cuộc đối thoại giữa âm hưởng dân gian và âm thanh điện tử. Nhưng cũng tại điểm này một số người khác lại thấy thấp thóang bóng dáng của âm nhạc Kitaro. Có lý lắm chứ, khi mà chính Hà Trần cũng cho biết: “Sự chịu đựng về nỗi nhớ quê hương suốt thời gian qua đã được Hà gửi tất cả vào Đối thoại '06. Thể loại âm nhạc được lựa chọn là dòng nhạc đang rất phổ biến trên thế giới trip-hop/ambient, là một nhánh của dòng nhạc điện tử, mang hơi hướng âm nhạc thiền, phù hợp nghe trong hoàn cảnh thong thả”. (bấm vào đây để nghe Mưa bay tháp cổ)
Có thể nói từ Nhật thực đến Đối thoại 06 là sự biến thiên từ ca khúc Dệt tầm gai đến Bình nguyên xa vắng. Nhưng nếu không kể đến vẻ đẹp kỹ thuật thì có thể thấy rằng sự mênh mông, nét cá biệt của Đối thoại 06 không dữ dội, dồn nén như Dệt tầm gai. Nhưng điều đặc biệt ở album mới là sự đa dạng của màu sắc, dải âm thanh phong phú hơn...
Ngoài những ca khúc chưa từng phổ biến như Bình nguyên xa vắng, Lữ khách sông Hồng, Nước sâu, album tuyển chọn các ca khúc quen thuộc như: Giấc mơ lạ (Nguyễn Xinh Xô), Quê nhà, Mưa bay tháp cổ, Ra ngõ mà yêu (Trần Tiến), được Trần Thu Hà cover bằng một phong cách khác lạ, tạo nên chút huyền hoặc của âm nhạc phương Đông.
Nếu hình dung không gian âm nhạc mà những ca khúc của Nguyễn Xinh Xô là những không gian nhỏ - hẹp - kín - đặc. Thế giới của Trần Tiến cao, rộng, dàn trải thì tiếng hát của Hà Trần dao động giữa hai không gian này, là con thoi tuy không kết nối nhưng tạo được cầu nối đủ để đối thoại. (bấm vào đây để nghe Bình nguyên xa vắng)
Nghe cô hát Nước sâu ta như thấy được cảm giác như “thuyền em trôi trong đêm”. Tiết tấu chậm, tiếng hát tròn vành rõ chữ, nhưng bức màn tạo ra trước mặt người nghe lại tạo ra một từ trường mãnh liệt đủ sức hút người nghe và chính ở đó người nghe lại được thấy cảm xúc của mình dường như hiện hữu, dường như sờ mó được.(bấm vào đây để nghe Nước sâu)
|
Ca sĩ Trần Thu Hà |
Quê nhà là một một bài hát đệm mộc với một chút làm tươi. Một chút thôi, âm nhạc không có nhiều biến tấu, nhưng tiếng hát của Hà Trần một lần nữa khiến người nghe bị hẫng, bị rơi thật chậm biết cảm giác rơi mà không biết được đến lúc dừng dẫu đã mở mắt rất to. Đấy chính là cảm giác khi mà người ta nhớ về tiếng gió, tiếng sóng, một làn khói bếp, tiếng gà cục cục, tiếng bò mẹ ọ ọ gọi con… Hiền hòa và trôi vào mênh mông. Nhưng cũng chẳng sao nếu bạn từng ở một khu tập thể đông người và nhớ về những âm thanh như tiếng xô chậu xếp hàng chờ nước, tiếng dép guốc lẹt qụet, lộc cộc…Quê nhà là thế, và ca khúc là cái cớ để thăng hoa. (bấm vào đây để nghe Quê nhà)
Album được Thanh Phương và Nguyễn Xinh Xô soạn hòa âm. Nhạc sĩ Thanh Phương đã sang Mỹ một thời gian cùng làm việc trực tiếp với Trần Thu Hà và ê-kíp tại Mỹ. Theo Trần Thu Hà, thời gian ở Mỹ vừa thuận lợi cho Thanh Phương tiếp cận kỹ thuật hiện đại phục vụ cho việc sản xuất album, vừa “nuôi dưỡng” nỗi nhớ nhà, khiến những gì Thanh Phương làm ra có cảm xúc hơn, nhất là ở những bài Bình nguyên xa vắng, Quê nhà…
Sức gợi của Đối thoại 06 rất lớn và nó đáng có mặt trên kệ CD của bạn.
|