Dân ca trên những nốt guitar
17:31', 5/3/ 2007 (GMT+7)

Có thể từ âm điệu của dân ca mà người ta sẽ hiểu được vẻ đẹp của con người - chủ nhân của những làn điệu. Có thể là võ đoán nhưng dường như tất cả các loại dân ca đều gợi lên sự cổ kính, dù đó là vui, dù đó có thể rộn rã. Khác với những thể loại hiện đại, hip-hop, dance, pop-rock chẳng hạn, dân ca thường ngọt ngào. Nói dân ca là tiếng lòng là kết tinh giai điệu của một dân tộc, một vùng đất là vì thế. Cũng vì thế mà dân ca thường có mẫu số chung. Dân tộc này có thể hiểu dân tộc khác dễ dàng bằng dân ca. Và liệu loại nhạc cụ nào có thể trình tấu dân ca xuyên biên giới, lấp đầy những cách trống ngôn ngữ, xoá mờ những thiên kiến bằng guitar!

1. Bạn có thể không hiểu gì, không biết gì về cuộc sống, văn hóa của những người digan, những gipsy không tổ quốc nhưng nếu nghe Gipsy do James Cook, hoặc Wraggle-Taggle Gypsies do John Williams trình tấu bạn sẽ liên tưởng đến những đêm lửa trại ngoài trời, tiếng cười vô tư khoáng đạt và cuộc sống giàu nhạc điệu rộn ràng của những kẻ du mục này. Tiết tấu guitar gần như đã giải phóng được sự quyến rũ để ít ra bạn có thể lờ mờ hiểu rằng du mục là thế đấy…(Bấm vào đây để nghe Gipsy Wraggle-Taggle Gypsies)

Tương tự như thế người ta có thể cảm nhận được vẻ tinh tế của tâm hồn Nhật Bản qua bản Sakura… Những đỉnh núi cao chót vót, những con đường núi gập gềnh, sự cao nhã của những nóc tháp chuông Hồi giáo, sự bí ẩn của đêm phương Đông cũng rực lên trong Istanbul nhờ tiếng đàn của Bruce Becvar… (Bấm vào đây để nghe Istanbul )

2. Ở trên là dân ca nước ngoài do những cầm thủ quốc tế trình diễn. Liệu những cầm thủ Việt có thể phô bày được vẻ đẹp dân tộc với thế giới qua guitar không? Nếu so với những dân tộc đã chơi guitar như ta chơi đàn bầu thì câu hỏi này là rất lạ. Nhưng với người Việt, guitar dù sao cũng là nhạc cụ ngoại lai nên nếu có boăn khoăn cũng không thừa.

Dân ca Việt thoát thai trên nền tảng khác với tân nhạc. Chuyển thể dân ca để nghệ sĩ có thể trình tấu bằng những nhạc cụ du nhập từ bên ngoài vào, giờ ngồi nhìn lại quả là đơn giản. Nhưng nếu đặt vấn đề trong suốt chiều dài lịch sử có thể thấy đó là khát vọng của người nghệ sĩ Việt khi giới thiệu rộng rãi tâm hồn Việt ra thế giới là mạnh mẽ đến đâu.

Tại một liên hoan guitar quốc tế năm 2006 diễn ra tại Berlin (CHLB Đức), nhạc sĩ người Việt Nam Đặng Ngọc Long - Hiệu trưởng trường âm nhạc Berlin - Gesundbrunnen đã có một đêm trình diễn thành công. Ngoài những bản nhạc nổi tiếng thế giới, ông đã mang đến cho khán thính giả quốc tế những những tác phẩm chuyển thể từ dân ca Việt Nam, trong đó có cả những bài do ông tự sáng tác-trình tấu.

Xin nói thêm một chút về liên hoan này là ngoài các tác phẩm tự chọn, theo yêu cầu của ban giám khảo, thí sinh phải trình tấu hai nhạc phẩm bắt buộc, mang âm hưởng dân ca Việt Nam, do nhạc sĩ Đặng Ngọc Long biên soạn (đây là lần thứ ba các tác phẩm của ông được chọn làm bài thi bắt buộc cho các cuộc thi trình tấu guitar quốc tế). Kết thúc liên hoan, ban giám khảo đã trao giải Nhất cho nữ thí sinh người Israel Shiri Coneh, 27 tuổi. Giải Nhì và giải Ba thuộc về thí sinh người Nhật Bản và người Đức. Nghe dân ca để có thể hiểu một phần về dân tộc đó. Nhưng nếu không hiểu dân tộc đó thì sẽ khó lòng trình tấu thành công các tác phẩm dân ca viết cho guitar. Kể ra như thế để thấy, không chỉ trình độ sáng tác của nghệ sĩ Việt cao mà sự quyến rũ của dân ca Việt Nam cũng rất lớn. Hãy thử nghe Bèo dạt mây trôi do chính Đặng Ngọc Long chuyển thể và trình diễn để thấy không phải tự nhiên mà tên của ông được vinh danh như thế. (Bấm vào đây để nghe Bèo dạt mây trôi).

Thế đấy, ngay cả khi bạn chưa biết gì về văn hóa, đất và người đồng bằng Bắc bộ thì tiếng đàn cũng sẽ giúp bạn liên tưởng đến sự êm đềm đến lắng đọng, có một chút gì đó dung dị, nền nã đã thấp thoáng sau những nốt guitar. Đó là giả định bạn chưa biết gì. Còn nếu ngược lại thì tin rằng sức hình dung của bạn sẽ còn nhiều hơn bội phần. Nhiều đến mức mà người viết tin rằng câu mình vừa viết là một câu thừa. Ta còn có thể nghe Xe chỉ luồn kim – một tác phẩm do chính Phùng Tuấn Vũ chuyển soạn và trình tấu để thấy dân ca Bắc bộ ngọt đến mức nào. (Bấm vào đây để nghe Xe chỉ luồn kim).

Ngày 5-8-2006, Chương trình âm nhạc Masterpiece (Đài truyền hình quốc gia SBS-Australia) phát hình buổi trình diễn của nghệ sĩ Hoàng Ngọc Tuấn tại The Seymour Centre, Sydney. Trong chương trình này ông đã trình tấu bài Trống cơm (tức Rice Drum, chương II trong tổ khúc Hội Trăng Rằm - Full-moon festival suite, khai triển từ những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh).

Khi nỗ lực giới thiệu những nét đặc sắc của dân ca Việt, với tâm huyết của mình nghệ sĩ Hoàng Ngọc Tuấn đã làm giàu thêm của cải văn hóa cho dân tộc. Trong những năm gần đây, Full-moon festival suiteMemories of the highlandsKý ức Tây Nguyên là hai nhạc phẩm của ông được trình tấu thường xuyên trong các chương trình guitar cổ điển và các cuộc tranh tài guitar ở Việt Nam. Trong đó, vào năm 1998 với việc trình tấu tổ khúc Memories of the hightlands tại cuộc thi guitar quốc tế-Printemps de la guitare 1998, Bùi Tuấn Anh đã vào vòng chung kết và giành được hạng 8 trong số 10 nhạc sĩ xuất sắc nhất từ 66 quốc gia trên thế giới. Sau đó, cũng với tổ khúc Memories of the hightlands, tại cuộc thi Tài Năng Trẻ Guitar 2000 Bùi Tuấn Anh đã đoạt giải Nhất. (Bấm vào đây để nghe Ký ức Tây Nguyên).

3. Thế đấy, cũng là đồng bằng đấy nhưng khi nghe dân ca Nam bộ lại khác với Bắc bộ. Nếu làn điệu phía Bắc nghiêng về phía đằm thắm, nhuần nhị thì ở trong Nam sự rộng rãi, phóng khoáng lại chiếm ưu thế. Dân ca thể hiện cái khí chất con người là thế. Những hợp âm rải đều đến bất tận, sự đơn giản của làn điệu là điều dễ thấy trong dân ca Nam bộ. Còn nếu làm quen với dân ca Tây Nguyên thì chắc chắn cảm giác chất ngất sẽ chinh phục bạn.

Trả lời phỏng vấn của Masterpiece nghệ sĩ Hoàng Ngọc Tuấn cho biết: “Nhiều người tin rằng chiếc trống cơm là biểu tượng của ngày mùa. Tôi chọn chơi bản ấy, vì nó là một bản rất phổ thông mà bất cứ một người Việt Nam nào trên trái đất cũng biết đến và nhận ra căn tính văn hoá của mình... Mỗi di sản văn hoá đều hoặc là một gánh nặng để bạn mang vác hoặc là một thứ của cải để bạn thừa hưởng”. Để hội nhập với thế giới, hành trang ta bước ra biển lớn càng đậm đà bản sắc của ta bao nhiêu thì thế giới sẽ nhận diện ta dễ, nhanh và rõ ràng bấy nhiêu. Khi mà chưa thể, chưa có điều kiện thưởng thức những làn điệu dân ca với tất cả sự hoàn hảo của nó từ dàn nhạc thì guitar có lẽ là con đường ngắn nhất để tiếp cận với dân ca, nhất là dân ca của những nền văn hóa còn xa lạ với bạn.

  • Bá Phùng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bởi tình yêu là mãi mãi   (21/02/2007)
Quê hương nếu ai không nhớ   (13/02/2007)
“Cô lái đò” dân ca  (12/02/2007)
Cùng Cusco bay qua những nền văn minh  (08/02/2007)
Đây nguồn cảm hứng của thi ca  (11/01/2007)
Đây nguồn cảm hứng của thi ca  (11/01/2007)
Nhớ một tình khúc Giáng sinh  (22/12/2006)
Những sắc màu của Scarbough Fair   (13/11/2006)
Những tượng đài nhạc rock   (27/10/2006)
Sanctuary và một sắc Blue   (22/10/2006)
Một không gian yêu của Quang Dũng   (08/10/2006)
Nghe cha anh chúng ta hát   (27/09/2006)
Ngây ngất với Kitaro  (27/09/2006)
Những album lạ  (26/09/2006)
Trần Thu Hà và Đối thoại 06  (26/09/2006)