Thư giãn với âm nhạc của Yanni
8:35', 10/3/ 2007 (GMT+7)

Không như khá nhiều nhạc sĩ hoà tấu bán cổ điển khác (Paul Mauriat, R. Cleyderman…) Yanni hoàn toàn không chơi lại (cover) các sáng tác có sẵn hoặc phổ lại một phần các tác phẩm cổ điển (quen được gọi là pop hóa nhạc cổ điển). Anh tự sáng tác, chơi gần như tất cả các nhạc cụ và lo luôn phần kỹ thuật sản xuất.

 

Yanni

 

Không chỉ có thế, chính anh cũng thường xuyên làm mới mình. Điển hình là nếu ở
Keys to Imagination (1991) tác phẩm Santorini rất hiền hòa, và phần nào đó hơi bị đơn điệu thì đến Live at the Acropolis (1993) Santorini được làm mới gần như hoàn toàn, tiết điệu đa diện và phong phú hơn rất nhiều. Và tác phẩm này trở thành một trong những bản thuộc nhóm ăn khách nhất của Yanni. (Bấm vào đây để nghe Santorini – 1991, Santorini – 1993).

Âm thanh, tiết điệu mà nhạc của Yanni mang lại thường tạo được cảm giác hoành tráng, dữ dội nhưng vẫn hết sức lôi cuốn nhờ sự duyên dáng, dù trên tổng thể tính hài hòa vẫn được trau chuốt nhưng sự tinh tế trong từng nốt nhạc vẫn rất rõ, khiến không nốt nào bị chìm (Keys to Imagination, Standing in motion, FlitsaBấm vào đây để nghe Standing in motion).

Dù các tác phẩm như: Within attraction, The mermaid… thật squyến rũ nhưng cho đến trước năm 1993, Yanni hầu như vô danh với công chúng ở những trung tâm âm nhạc lớn của thế giới. Nhạc của Yanni không được phát liên tục trên radio như poprock, không được tiếp thị ồ ạt trên các kênh truyền hình thương mại. Mặt khác ngay cả khi công diễn Yanni cũng chọn nhà hát, khu vực có nhiều công chúng giàu khả năng chia sẻ với anh triết lý âm nhạc mà anh theo đuổi. Cách làm trái khoáy này đã hạn chế con đường phổ biến tên tuổi Yanni ở những nước phát triển. Nhưng kỳ lạ thay, chính châu Á (Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) Yanni lại rất lừng danh.

Sau Live at the Acropolis, Yanni đã thực hiện hai chuyến lưu diễn liên tiếp ở Ấn Độ (biểu diễn ở trước đền Taj Mahal nổi tiếng) và ở Trung Quốc (tại Tử Cấm Thành và quảng trường Thiên An Môn - Bắc Kinh). Đêm diễn ở Bắc Kinh thật tự là một hiện tượng, anh đã nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của chính quyền thành phố Bắc Kinh, được biểu diễn ngay trong Tử cấm thành và được phép lấy Hoàng cung để dựng cảnh. Sau “Asia tour” này, Yanni thật sự choáng ngợp trước tầm vóc vĩ đại của văn minh, văn hóa châu Á, hai đêm diễn này sau đó đã được chọn lọc và ghép lại trong cùng một album Tribute 1997.

Khác với những album đã phát hành trước đó, ở If I could tell You không có những hợp âm violon cao vút dựng đứng lên một không gian hoành tráng, không có những “cú lắc” đột ngột làm người nghe ngây ngất. Nếu trong những album trước đây, không gian âm nhạc mà Yanni tạo ra sừng sững “cái tôi” của riêng anh thì ở If I could tell You, cảm xúc của công chúng đã có chỗ đứng quan trọng trong âm nhạc của anh.

Cảm xúc của người nghe đã quyện vào âm nhạc Yanni. Và có lẽ ai cũng tìm thấy mình trong âm nhạc của anh. Nét nhạc đi nhẹ nhàng như một lời tâm sự cần được sẻ chia, vỗ về (The flame within, A walk in the rain). Một cành hoa đôi lúc cũng gợi nhớ về thưở ấu thơ xa lắc xa lơ nào đó đã nhạt nhòa trong ký ức, âm nhạc của Yanni như con thuyền đưa ta về buổi niên thiếu nay chỉ còn trong hoài niệm luyến thương đó (With an orchid, In your eye ). (Bấm vào đây để nghe A walk in the rain)

If I could tell You có rất nhiều tiếng róc rách như suối nguồn trong vắt một cách dễ chịu (On sacred ground, Midnight hymn) hoặc vút vào không gian bao la bằng một tiếng flute mảnh mai. Nghe những đoạn nhạc như vậy, nhắm mắt lại ta có cảm giác như đang bay trên thảo nguyên bao la trong tiếng chuông chiều bình yên, tiếng mõ gia súc lộc cộc hiền lành…  (Bấm vào đây để nghe Midnight hymn)

Hãy chú ý mà xem, được nghe những album như Live at the Acropolis bất giác bạn đã lắc lư theo giai điệu tự lúc nào không biết. Và tương tự, nghe If I could tell You ta sẽ được thư giãn toàn phần để hồi tưởng, mềm người trôi vào dòng âm thanh dễ chịu. Điều dễ thấy nhất khi nghe Yanni là ta dễ dàng tìm lại trạng thái thăng bằng và an hòa trong tâm hồn. Với từng ấy trong chừng một giờ nghe nhạc có thể chưa nhiều nhưng chắc chắn không phải là ít.

  • Kiều Phong

Yanni sinh ngày 14-11-1954 tại thành phố biển Kalamata (Hy Lạp), tên đầy đủ là Yanni Chryssomalis. Mơ ước thời niên thiếu là trở thành một vận động viên bơi lội (đoạt kỷ lục quốc gia năm 14 tuổi). Tốt nghiệp khoa Tâm lý học tại Đại học Minnesota (Hoa Kỳ) anh không đi làm mà lập ban nhạc rock Chameleon. Ban nhạc này không gặt hái được thành công nào.

Trong lĩnh vực hòa tấu bán cổ điển (cũng có quan điểm đề nghị thay vì sử dụng khái niệm semi classical bằng neo classical, new-age), Yanni thuộc nhóm nhạc sĩ kiên trì với con đường sử dụng các nhạc cụ điện tử, kỹ thuật thể hiện hiện đại để vươn tới sự tinh tế mà nhiều người cho rằng chỉ có âm nhạc hàn lâm (academy music) mới đạt được.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dân ca trên những nốt guitar   (05/03/2007)
Bởi tình yêu là mãi mãi   (21/02/2007)
Quê hương nếu ai không nhớ   (13/02/2007)
“Cô lái đò” dân ca  (12/02/2007)
Cùng Cusco bay qua những nền văn minh  (08/02/2007)
Đây nguồn cảm hứng của thi ca  (11/01/2007)
Đây nguồn cảm hứng của thi ca  (11/01/2007)
Nhớ một tình khúc Giáng sinh  (22/12/2006)
Những sắc màu của Scarbough Fair   (13/11/2006)
Những tượng đài nhạc rock   (27/10/2006)
Sanctuary và một sắc Blue   (22/10/2006)
Một không gian yêu của Quang Dũng   (08/10/2006)
Nghe cha anh chúng ta hát   (27/09/2006)
Ngây ngất với Kitaro  (27/09/2006)
Những album lạ  (26/09/2006)