Huyền thoại Beegees
16:4', 27/4/ 2007 (GMT+7)

Ban nhạc BeeGees

Với 7 giải Grammy, được vinh danh trong bảo tàng nhạc Rock & Roll hall of Fame, Giải Thành tựu suốt đời của Giải thưởng Âm nhạc thế giới và hơn 110 triệu đĩa nhạc được tiêu thụ khắp thế giới, BeeGees là một ban nhạc vĩ đại.

Một sự nghiệp biểu diễn lẫy lừng

Thoạt đầu BeeGees là một ban nhạc của 4 anh em họ nhà Gibb gồm: Barry, Maurice, Robin và Andy (trong đó người em út Andy chết khá sớm vào năm 1988). Cái tên BeeGees xuất hiện vào năm 1962 (viết theo cách phát âm hai chữ B và G trong cụm Brother Gibb - anh em nhà Gibb).

Ca khúc đầu tiên đóng đinh cái tên BeeGees trong trí nhớ của người hâm mộ là NewYork mining Disaster 1941. Hàng loạt ca khúc sau đó (Holiday, I started a joke) đã đưa ban nhạc này lên đỉnh cao vinh quang... Những năm 70 của thế kỷ 20 khi hardrock, heavymetal làm mưa làm gió với những tên tuổi như: Queen, Deep Purple, Pink Floyd. .. là lúc những giai điệu được cho là soul - disco của BeeGees tạm thời lùi lại.

Nhưng họ cũng chẳng phải chờ đợi lâu vì đến năm 1975, cơn sốt disco bùng phát và những ca khúc của anh em nhà Gibb như Night on Broadway, You should dancing, Love so right lại xuất hiện thường xuyên trên các bảng xếp hạng ca khúc ăn khách. Năm 1977, 3 ca khúc của BeeGees trong phim Saturday night fever đã biến ban nhạc thành huyền thoại (Stay in alive, How deep is your love)... Bấm vào đây để nghe Night fever.

 

Hát hay viết giỏi

Không chỉ thành công trong lĩnh vực biểu diễn, anh em nhà Gibb nổi tiếng trong lĩnh vực sáng tác, đặc biệt là người anh cả Barry.

Nhiều người đến nay vẫn còn yêu thích ca khúc Woman in love của B. Streisand mà ít ai biết rằng đó là một sáng tác của Barry. Cũng chính Barry là người đã song ca cùng nữ danh ca này trong ca khúc What kind of fool và đưa tình ca này vào danh sách những bản song ca hay nhất mọi thời đại.

Danh sách những ca sĩ ban nhạc đã nổi tiếng cùng những sáng tác của  BeeGees còn có thể kể đến: Kenny Rogers, Dolly Parton, Diana Ross, Take that, Bonie Tyler, Michael Bolton và đặc biệt là Celine Dion với Immortality... sức sáng tạo của BeeGees dường như là vô hạn. Bấm vào đây để nghe Immortality.

Thần thoại châu Âu kể rằng khi đã già những con phượng hoàng lửa thần thoại sẽ lao vào lửa để tái sinh, con nào vượt qua ngọn lửa thử thách sẽ có bộ lông đẹp hơn, giọng hót hay hơn… Khi phát hành album There Is Where I came in (2001) ở cái tuổi "tri thiên mệnh", anh em nhà Gibb huyền thoại đã được ví như những con phượng hoàng lửa. Một điều không ai có thể ngờ đây lại album cuối cùng của họ. Có thể nói gì về album định mệnh này.

Album cuối cùng

Có thể gọi There Is Where I came in là album tổng hòa các phong cách của BeeGees từ thời bắt đầu nổi lên với những sáng tác như Night fever, Staying alive cho đến giai đoạn cuối những năm 90 của thế kỷ 20 với album Still waters (1998). Album There Is Where I came in mở đầu bằng chính ca khúc cùng tên.

Trong ca khúc này, tiếng hát đầy chất ngẫu hứng của Robin gần như chỉ quyện cùng tiếng guitar acoustic tinh khiết do Maurice đệm cùng, không có sự can thiệp của nhạc cụ cũng như kỹ thuật xử lý điện tử. Tiếng hát thô mộc, tiếng đàn bập bùng đơn giản khiến người nghe dễ dàng bật lên nhu cầu được sẻ chia rằng - Trong cuộc đời này điều khó khăn nhất là làm sao để có thể sống và yêu nhau một cách thành thật. Không phải ai cũng làm được điều này nên nếu có nó trong tay hãy cố giữ lấy... Bấm vào đây để nghe There Is Where I came in

Album có những câu chuyện tình yêu, giai điệu sôi động, những ballad giao thoa giữa folkrock với poprock. Chất giọng, cấu trúc âm thanh và cách hòa điệu cùng nhau của ba anh em nhà Gibb trong BeeGees vẫn kỳ ảo và hết sức đặc trưng. Giọng hát uyển chuyển của Robin vốn đã từng mê hoặc người nghe qua các album như ESP, SIZE is not everything, những ai hâm mộ phong cách này có thể sẽ ngây ngất bởi lâu lắm rồi mới lại được nghe anh hát và hát hay đến thế với các ca khúc She keeps on coming, Secred trust, Wedding day.

Trong ca khúc Man in The Middle tiếng guitar chạy trước, tiếng hát đuổi kịp theo rồi lại chợt hẫng giữa khuôn nhạc, ca khúc rơi vào vào một quãng lặng đầy suy tưởng để bất chợt tiếng đàn, tiếng hát lại quyện vào nhau tạo ra một không gian âm thanh kỳ ảo. Đây đáng được xem như ca khúc tiêu biểu, thuần túy chất BeeGees.

Giọng hát mai mái của Robin vẫn giữ vị trí chủ đạo và Barry, Maurice bè theo kiểu nhấn nhá cố hữu làm bài hát như trôi trong mênh mông. Lắng nghe thật kỹ ca khúc này ta sẽ có cảm giác có vẻ như người nghe đã đồng điệu với ca sĩ khi tiếng hát còn trầm trầm trong lồng ngực.

There Is Where I came in là một album khá đồng đều, mỗi ca khúc mang một sắc thái. So với SIZE is not everything (1994), Still Waters (1998) có thể nói There Is Where I came in đa dạng và lạ hơn, về giai điệu cũng như về cách trình bày ca khúc cũng điêu luyện hơn. Nhưng đáng tiếc đây là lần cuối cùng ta được nghe ba anh em nhà Gibb hòa thanh bởi tháng 1-2003 Maurice bất ngờ qua đời do mắc chứng bệnh xoắn ruột bẩm sinh, làm cản trở máu lưu thông và gây tắc ruột. Người ta vẫn hỏi liệu Gibb có biết về căn bệnh nguy hiểm này của mình không. Các bác sĩ nói rằng căn bệnh này đôi khi khiến bệnh nhân cực kỳ đau đớn nhưng đôi khi cũng không có biểu hiện gì.

Maurice là người giữ việc hòa âm và hát bè của bạn nhạc, mất anh chắc chắn BeeGees sẽ không còn như xưa nữa, bất cứ người hâm mộ nào cũng sẽ tiếc vì điều này. Nhiều hơn lúc nào hết có lẽ Alone - là điều mà những điều mà những người anh em của Maurice muốn chia sẻ lúc này. Bấm vào đây để nghe Alone.

  • Kiều Phong
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dặm dài tiếng hát Hồng Nhung   (21/03/2007)
Thư giãn với âm nhạc của Yanni  (10/03/2007)
Dân ca trên những nốt guitar   (05/03/2007)
Bởi tình yêu là mãi mãi   (21/02/2007)
Quê hương nếu ai không nhớ   (13/02/2007)
“Cô lái đò” dân ca  (12/02/2007)
Cùng Cusco bay qua những nền văn minh  (08/02/2007)
Đây nguồn cảm hứng của thi ca  (11/01/2007)
Đây nguồn cảm hứng của thi ca  (11/01/2007)
Nhớ một tình khúc Giáng sinh  (22/12/2006)
Những sắc màu của Scarbough Fair   (13/11/2006)
Những tượng đài nhạc rock   (27/10/2006)
Sanctuary và một sắc Blue   (22/10/2006)
Một không gian yêu của Quang Dũng   (08/10/2006)
Nghe cha anh chúng ta hát   (27/09/2006)