Khi nghe Sarah Brightman hát tôi luôn có cảm giác rằng nữ ca sĩ này đang vắt cả tâm hồn ra - tim, óc và từng nano thân xác chỉ để nói lên ba từ Em yêu Anh.
Phụ nữ có dễ nói lên rằng - Anh có biết rằng anh tuyệt đẹp không? Ai đó nếu trả lời hẳn sẽ đáp cho chắc ăn là rất hiếm. Thế mà Sarah đã tha thiết vô cùng khi hát như thế này: Do you know you're beautiful. Do you know you're beautiful. Do you know you're beautiful. You are … Yes, you are, yes you are… If you can ignore what you've become (Beatiful). Nói cho đúng, ban đầu dường như nàng chỉ muốn nói với chính mình thôi. Thì thầm. Nhưng khi biết rằng mình không thể giấu lòng mình thêm nữa, nàng đã mở lòng mình ra. Rồi đột nhiên trong một thoáng bất ngờ ánh sáng đã ùa vào tâm hồn và nàng không e dè nữa, nàng cao giọng hát về tình yêu không cần biết sẽ có lời đáp hay không. Suối nguồn tươi mát khi được khơi rộng đã tuôn chảy miên man… Anh là… anh là… anh có biết không. Rằng em yêu anh biết bao nhiêu. Những nét reo vui rộn ràng mỗi lúc một nhanh như thể nàng sợ rằng ngôn từ không theo kịp ý nghĩa của mình. Sự gấp gáp dồn nén khiến nàng cất cao giọng lên đến chót vót – Will you understood and you can have all you need… Em đã nói xong rồi, em yêu anh! Bất giác người nghe như thấy rằng cô gái si tình ngước mặt lên thì thầm và cuối mặt xuống đến thương – you’re beautiful… yes, you are… yes, you are… yes, you are. You are!(Bấm vào đây để nghe Beatiful).
Thật kỳ lạ nếu biết rằng ban đầu mơ ước của Sarah lại là trở thành một vũ công ballet. Thế rồi một giáo viên đã phát hiện chất giọng thiên phú của cô và đề nghị gia đình để cô phát triển thành một ca sĩ opera. Thế rồi từ đỉnh cao hàn lâm, nàng đã bước vào thế giới poprock với phong cách bán cổ điển (semiclassic) của mình. Thật ra, Sarah không phải là người đầu tiên, người duy nhất làm thế, có thể kể đến Andrea Bocelli, Richard Watson… nhưng có lẽ chưa ai thành công vang dội như cô.
Sự mong manh của kiếp người mà Sarah cảm nhận được là cơ sở, môi trường để danh ca này cover ca khúc nổi tiếng Dust in the wind xét về nhiều góc độ còn xuất sắc hơn Kansas (ban nhạc là tác giả của ca khúc), thậm chí vượt trội so với cả Scorpions – ban nhạc rock chuyên hát những bản ballad mượt mà, khi họ tự tin cover Dust in the wind mà không cần sự can thiệp của nhạc cụ điện tử (album Acoustica). Hoặc ta còn có thể nghe This war is over - một ca khúc khác tuyệt hay khác của Sarah để có thể cảm nhận một ngày thế giới bình yên, không có bom rơi đạn nổ ngọt ngào đến đâu. (Bấm vào đây để nghe This war is over)
Sarah không chỉ hát về tình yêu, và ngay cả tình ca của Sarah cũng không chỉ dừng lại với tình yêu. Nghe Harem, người ta liên tưởng đến những sa mạc đầy nắng và bão cát, những nóc giáo đường Hồi giáo trắng toát kiêu hãnh, những tháp chuông sừng sững lảnh lót ngân vang. Đó thật sự là một lời mời thánh thót đầy quyến rũ. Và thấp thoáng vẫn là bóng dáng của tình nhân. Tiếng hát lảnh lót bay từ nóc tháp chuông này sang nóc nhà thờ trắng toát uy nghi khác. Dường như phải là những sa mạc Trung Đông mới đủ không gian để giọng soprano mượt của Sarah Brightman chao lượn. Nghe Harem ta còn có thể tĩnh lại một chút để nhớ ra rằng không gian này là vùng đất thần thoại ngàn lẻ một đêm, là nơi đêm lửa cháy bập bùng trên sa mạc với tiếng đàn réo rắt, tiếng trống lay động đến rộn lòng. Ngôn ngữ poprock chẳng những là một thứ ngôn ngữ xuyên biên giới mà còn “xuyên” với tốc độ rất nhanh. (Bấm vào đây để nghe Harem)
Đặc diểm rất dễ nhận dạng ra tiếng hát của Sarah Brightman không chỉ ở chất giọng cao mượt mà mà còn ở điểm hát cùng với nền văn hóa, quyện tiếng hát của mình với âm nhạc kỳ diệu. Trong trường hợp này, tiếng hát của Sarah khiêm nhường nép lại để âm thanh của nhạc cụ và giai điệu bay bổng và nương theo đó tiếng hát của cô bay lên. Và có thể cô còn khiêm nhường trong tình yêu nữa.
Có một người con gái đã viết như thế này trong lá thư gởi người mình yêu “Người ta còn đòi hỏi gì hơn niềm hạnh phúc to lớn khi được hiến dâng toàn bộ tâm hồn mình, thể xác mình cho người mình yêu thương. Đối với em và đối với bất cứ người con gái nào cũng thế, người em yêu là vũ trụ của riêng mình. Ở đó người ta có quyền mặc sức khám phá, đo lường, nguyện cầu. Và lo sợ…” (Khi người ta trẻ - Trần Hoàng Bách). Dường như khi người con gái yêu ranh giới màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa đều bị xóa mờ dần và độ giao thoa rộng đến mức chỉ cần nhìn vào mắt nhau là hiểu. Cảm xúc của cô gái trong đoạn văn trên tình cờ làm sao lại rung trên cùng một cung bậc với Eden – một tiếng lòng của Sarah.
Có thể em đã sai, có thể em vừa từ bỏ thế giới hạnh phúc của mình chỉ một bước chân thôi là em mất anh. Hãy cho em xin lỗi vì anh là tất cả trong em. Did I ever think of you, as my enemy. Did you ever think of me, I'm not complaining. I never tried to feel… I never tried to feel… This vibration… I never tried to reach… I never tried to reach… Your eden. (Eden). Khi chợt nhận ra rằng tình yêu dường như đang vuột khỏi tay mình, nàng thảng thốt gọi tên người mình yêu, gọi từng ký tự một như để xác tín rằng cảm giác tình yêu đang ra đi là có thật là sờ nắn được. Từng nốt nhạc luyến láy nhưng vang vọng cắn rứt, có lẽ từ một nơi cách xa nhau thăm thẳm bụi đường, cô gái đang thì thào, đang gởi lời mình theo gió, trải rộng trong khắp không gian bao la bàng bạc lời yêu thương tha thiết của mình. Em yêu Anh! Nhưng chưa biết cách nắm giữ nó, hãy cho em một cơ hội nữa đơn giản bởi vì em yêu anh… Anh có thấy rằng em đang hối tiếc không I never tried to feel… I never tried to... your Eden (Eden). Có lẽ không gã trai nào không mềm lòng khi nghe người tình hát lên như thế. Nếu không yêu mãnh liệt đến thế hẳn Sarah không bao giờ hát hay đến thế. Đó không còn là trình diễn, là kỹ thuật là chất giọng bẩm sinh nữa, phải gọi là đó hiện thân những gì tình yêu muốn nói qua âm nhạc. (Bấm vào đây để ngheEden)
Em yêu Anh… Em yêu Anh… Em yêu Anh biết bao… biết bao… Nghe Sarah hát ta như bàng bạc nghe thấy có một người con gái đang nguyện cầu như thế.
|