1. Có phải em mùa thu Hà Nội
Nhạc: Trần Quang Lộc
Thơ: Tô Như Châu
2. Hà Nội mùa thu
Nhạc và lời: Vũ Thanh
Thiên nhiên, hoa sắc Hà Nội không chỉ đơn thuần là vẻ đẹp mà tạo hoá mang lại. Mỗi mùa hoa, với tôi lại là những ấn tượng, những kỷ niệm với những người thân, với bạn bè, với ngôi nhà tôi lớn lên, với mái trường, và với những con đường Hà Nội thân quen.
"Nắng gửi gì cho hoa bằng lăng mà đượm màu tím biếc…" - Đó là một câu tôi bất chợt đọc được trong quyển lưu bút của cô bạn cùng lớp. Hoa bằng lăng – loài hoa của mùa hè, của tuổi học trò, của những góc sân trường mang sắc tím.
Khi các cô cậu học trò thu xếp sách vở cuối mỗi năm học, cũng là lúc bằng lăng tím màu nhớ nở trên từng tán lá, giữ lại chút quyến luyến của bạn bè tạm biệt trường lớp, gửi lời chào góc sân trường thân quen để đón một kỳ nghỉ hè.
Nếu tháng sáu mang sắc tím bằng lăng và nỗi nhớ của học trò, thì trong cái nắng hạ bắt sang tháng bảy, trên các con phố Hà Nội thấp thoáng những chiếc xe chở sen hồng đem bán. Sen nở tầm tháng sáu, tháng bảy, khi trời hay đổ những trận mưa rào bất chợt.
Nếu có dịp tới thăm đầm sen, nằm sát bên Hồ Tây, nhất là vào dịp sáng sớm hoặc lúc cuối ngày, cái thời điểm mà nắng ban mai còn dìu dịu hoặc cuối ngày mặt trời dần tắt nắng, hẳn ai cũng cảm thấy lòng mình khoan khoái, nhắm khẽ mắt, mở lòng đón ùa vào những cơn gió từ đầm rộng mang vào thứ hương thơm thanh khiết - hương sen!
Tháng Tám vội vã đến với sắc cúc vàng ngập tràn phố phường. Dạo trước, mỗi lần được bố mẹ đèo đi chơi phố, tôi vẫn bắt gặp những xe, những gánh hàng hoa bày hoa cúc vàng, màu sáng cả góc phố. Thú mua hoa, chọn hoa bên hè đường, vỉa hè lâu nay cũng là một nét thói quen của người Hà Nội.
Hà Nội giờ những làng hoa còn lại rất ít, hoa được chở về từ những vườn trồng ở ngoại thành. Có người còn gọi, đó là những chiếc xe chở mùa thu. Giờ đây, phố phường xe cộ nườm nượp hơn, những gánh hàng rong giờ không còn được bắt gặp trên nhiều tuyến phố.
Những sắc thu vẫn đến bởi màu cúc vàng đương độ rực rỡ. Hoa cúc là loài hoa nhẫn nại, bởi hoa nở lâu nhất, bắt mùa từ tháng tám và kéo dài mãi đến hết mùa xuân.
Bước vào những ngày cuối tháng chín, cái nóng gắt gỏng của mùa hè mới chịu dịu nhạt đi, thay vào đó là thứ cảm giác mùa thu đã len lỏi đâu đây, trong làn gió mát, trong ánh sáng mặt trời êm nhẹ hơn.
Nhắc cuối thu, tháng mười sang, không ai không vấn vương hoa sữa. Hà Nội dịp này khắp mọi con đường, mọi góc phố đều ngào ngạt cái mùi hương nồng nàn của hoa sữa. Tôi nghe chị kể, hoa sữa đến với đất Hà Thành không biết tự bao giờ nhưng hàng hoa sữa trên những con phố Nguyễn Du, Quang Trung đã đi vào thơ, vào nhạc, và từ đó hoa sữa trở thành "đặc sản" của Hà Nội.
Có đi xa Hà Nội mới biết, có thể không nhớ rất nhiều điều, nhưng cái thứ hương hoa nồng hắc lắm khi khiến người ta váng vất, sây sẩm đấy lại gọi về quá khắc khoải, nó gợi nhớ những chiều chạng vạng, đường đông, mệt mỏi dong xe về nhà, chợt sững người vì hương hoa khắp phố.
Nhớ cả những đêm khuya vắng lặng, gió đầu đông se lạnh khiến người con gái ngồi phía sau khẽ so vai, run nhè nhẹ, ngả đầu lên bờ vai ấm phía trước, cứ im lìm như thế, bởi cả hai đang thả mình vào hương hoa sữa đêm vẫn nồng nàn, nồng nàn, và bình yên đến lạ.
Tiết trời cuối năm chuyển lạnh sắt seo, Hà Nội vẫn đón chờ những chuyến hoa ngày ngày từ ngoại thành đưa vào nội thành. Có một giáo viên người Pháp đến dự giảng ở một trường đại học Hà Nội, dạo phố dịp tháng mười một năm nào, gặp trên đường những gánh hoa hồng đỏ thắm, mới hỏi: Người Hà Nội yêu hoa nên bày hoa nhiều thế sao?
Tôi chỉ được nghe kể lại mẩu chuyện này, nhưng trong lòng thấy vui vui, cũng cảm thấy được niềm vui khi được ngắm những sắc hoa tươi phục vụ tới tận tay những người yêu hoa mua về bày trong phòng khách.
Tháng mười hai sang mang theo cái lạnh thực sự của mùa đông. Thiên nhiên sao khéo chọn mùa, thắp lên những đốm đỏ rực rỡ như lửa của hoa trạng nguyên, làm ấm áp hơn những ngày đông lạnh giá. Hồi tôi còn nhỏ, bà nội tôi trồng hai cây trạng nguyên, đặt ở hai đầu ban công. Bà dặn, bà trồng cây này để mong cho hai anh em tôi học hành chăm ngoan, thi cử thành tài.
"Hoa mặc áo đỏ, đội mũ vàng. Ai nhìn của bảo lọng vua ban", tôi bất chợt đọc được đôi câu thơ tả loài hoa “biểu trưng trí tuệ của ông cha”, mà lòng bồi hồi nhớ lại những buổi chiều nghe bà kể chuyện, nhắc đến các danh trạng có công lao giúp vua dựng nước và giữ nước. Sắc đỏ của trạng nguyên gắn với kỷ niệm ấu thơ của tôi và cũng mang sắc lửa của khát khao nỗ lực thành tài.
Mùa đông không chỉ đỏ màu trạng nguyên, mà còn sáng màu thuỷ tiên. Sự tích và ý nghĩa loài hoa này theo người phương Đông và và phương Tây có những quan điểm khác nhau. Nếu trong một thần thoại của phương Tây kể về hoa thuỷ tiên gắn với tình yêu bản thân, sự ái kỷ, thì ở phương Đông, thuỷ tiên được coi là mang lại tài lộc và mỗi dịp Tết đến, chơi hoa thuỷ tiên trở thành một tục lệ đón xuân. Cứ mỗi độ tháng giêng sang, tại các chợ hoa giáp Tết, hoa thuỷ tiên được bày bán, trồng trong chiếc bình thuỷ tinh trong suốt, cánh hoa trắng muốt, mượt mà, xứng với lời ngợi ca về loài hoa tinh khiết, kiêu kì và giàu chất thơ.
Chợ hoa tháng giêng, tháng hai tưng bừng hoa đào nở. Đào là một phần đặc trưng không thể thiếu với tết của người miền Bắc. Giáp Tết, chợ hoa tấp nập người người đi chọn đào cành, đào cây. Mỗi gia đình lựa lấy những cành đào ưng ý nhất, hoặc chọn từ tận vườn gốc đào vừa đẹp dáng lại vừa hợp với phòng khách của mình.
Những cành đào thắm còn được cắm trang trọng trên bàn thờ lễ gia tiên, bên cạnh mâm ngũ quả là một hình ảnh quen thuộc, gần gũi ở nhiều gia đình. Cánh đào mong manh nhưng tươi thắm, hoà lẫn với những nét rạng ngời của người người háo hức đi chọn hoa Tết trở thành là nét vui, là hình ảnh ấm áp, hạnh phúc ngập tràn khắp phố phường Hà Nội dịp gần Tết.
Nếu có người hân hoan đón tết ra sao thì cũng có nhiều người háo hức chờ đón tháng ba nhường ấy. Đó là tháng của loài hoa mang tên hoa sưa. Tôi còn nghe có người gọi đó là hoa muối, hoa sầu đông. Loài hoa màu trắng, cánh nhỏ, khi nở thường trắng xoá cả một tán cây, thắp sáng rực cả khoảng trời. Khi hoa rụng, những cánh hoa li ti tạo thành một tấm thảm trắng sáng.
Tôi nhớ không sao quên cái thời áo trắng đạp xe đến trường tíu tít nói cười với mấy cô bạn, bỗng mấy đứa cùng ồ lên choáng ngợp khi gặp những tán hoa sưa rực sáng cả góc đường. Mùa hoa sưa tháng ba đến nhanh và cũng qua đi thật vội vã, nhưng những khoảnh khắc trắng kỷ niệm sưa thì cứ đọng lại mãi trong lòng người.
Những ngày tháng 3 ấy, cung đường Hoàng Hoa Thám rất hẹp đi qua vườn Bách Thảo bỗng được ưu ái bất ngờ, bởi khắp dọc đường là những tán hoa sưa trắng xoá, khiến người ta ngỡ như lạc vào một giấc mơ hoa thật vậy.
Tháng tư sang nhẹ nhàng của nắng và gió và sắc trắng tinh khôi của loa kèn. Khi dạo phố và bắt gặp những chiếc xe chở loa kèn với những cánh hoa giản dị màu trắng muốt, là tôi thầm đoán về nhà sẽ được thưởng thức lọ hoa loa kèn trắng đẹp vẻ thanh tao, dưới bàn tay khéo léo của mẹ bày trong phòng khách.
Hoa loa kèn chỉ dành cho tháng tư, tháng giao mùa, và cũng chỉ rộ nhất khoảng hai tuần ngắn ngủi. Những cành hoa trắng xanh duyên dáng cùng lúc xuất hiện trên nhiều con phố cũng là báo hiệu mùa hè chớm sang. Tháng năm, những cô cậu học sinh mải mê với những bài thi cuối kỳ, thì ngoài sân trường đã sáng “màu hoa nắng”. Đó là cái tên được đặt cho hoa phượng. Đến mùa, phượng nở rực nhiều phố phường Hà Nội.
Ở Hà Nội, chắc không có khung cảnh mùa hè nào đẹp bằng hàng phượng vĩ tăm tắp trên đường Thanh Niên, hoa cứ đỏ rợp đường, nhưng hai bên đường lại là hồ Tây và hồ Trúc Bạch, thế nên màu phượng đỏ rực, màu lá phượng xanh, màu nước biếc cùng những làn gió mát từ hồ đưa sang, để giữa những trưa hè oi nồng tìm được thêm chút dìu dịu.
Nghĩ đến Hà Nội, trong tôi dấy lên những cảm xúc về mỗi mùa một loài hoa. Thiên nhiên, hoa sắc Hà Nội không chỉ đơn thuần là vẻ đẹp mà tạo hoá mang lại. Mỗi mùa hoa, với tôi lại là những ấn tượng, những kỷ niệm với những người thân, với bạn bè, với ngôi nhà tôi lớn lên, với mái trường, và với những con đường Hà Nội thân quen.
. Theo Huyền Anh/tuanvietnam.net |