Chiến thắng Điện Biên Phủ để lại âm hưởng hào hùng của một dân tộc đánh đuổi quân xâm lược nay vẫn đi cùng năm tháng, lay động hàng triệu trái tim nhân loại. Cảm xúc đó không bao giờ mất đi, luôn gắn với những thời khắc lịch sử như một cuốn “Biên niên sử bằng âm nhạc”.
55 năm qua, nhân dân Điện Biên đã vượt bao khó khăn, gian khổ xây dựng quê hương, từ mảnh đất lịch sử của chiến trường xưa là một thành phố trẻ đang vươn mình đứng dậy. Đến hôm nay, có hàng trăm bài ca về Điện Biên, về Tây Bắc yêu thương. Sự hội tụ của những ca khúc viết về Điện Biên của nhiều thế hệ nhạc sỹ đã thành danh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong thời kỳ đổi mới, khơi dậy nỗi nhớ về một thời lịch sử vĩ đại và kiêu hãnh của dân tộc, của thế hệ cha ông. Tất cả được ngân vang, sống động với âm điệu nồng nàn cháy bỏng tình yêu quê hương, đất nước.
Cố Nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã ra đi nhưng ca khúc của ông vẫn vang vọng mãi đến bây giờ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ ông viết 3 ca khúc “Hành quân xa; Trên đồi Him Lam; Chiến thắng Điện Biên”. Dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7.5.2004), tôicó dịp tiếp xúc cùng nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, con trai đầu của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, anh tâm sự về cuộc đời sáng tác của người cha quá cố và những ca khúc viết về Điện Biên:
“Chiều 7.5.1954, cha tôi cùng bộ đội công binh đang rải đá hộc làm đường, có một đồng chí liên lạc đạp xe đi qua reo to “Địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!”. Trong lúc đang tìm chủ đề ca khúc viết cho ngày giải phóng thì anh liên lạc đã gợi mở cho cha tôi một chủ đề ca khúc “Chiến thắng Điện Biên”. Đêm hôm đó ông ngồi thâu đêm suốt sáng bên bếp lửa nhà sàn ở Mường Phăng, tay búng cây đàn violon, miệng lẩm bẩm hát sợ làm mất giấc ngủ của anh em, ông vừa sáng tác vừa bóc sắn nướng ăn. Sáng hôm sau ông viết xong lời 1, đến chiều xong lời 2...”. Được nghe kể lại những trang nhật ký của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, chúng tôi càng cảm kích hồi tưởng lại những năm tháng khốc liệt và oai hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ca khúc “Giải phóng Điện Biên” đã vượt qua khoảng cách về địa lý, thời gian và “địa phương tính” đến được với đông đảo khán giả, ai cũng có thể hát và hát ở mọi nơi. Bởi tác giả vận dụng một cách sáng tạo âm hưởng làn điệu dân ca Tây Bắc và làn điệu chèo của đồng bằng Bắc Bộ điệu “Xắp qua cầu” để thẩm thấu và “hòa tan” được 2 giai điệu dân ca của 2 miền thành “cái của mình” đưa vào tác phẩm “rất ngọt” để khi nghe ai cũng có thể cảm nhận được “chất Việt” trong đó. Giai điệu cất lên bằng tiếng kèn thắng trận hùng tráng, với nhịp bước hành quân cùng nhịp điệu xoè hoa. “Chiến thắng Điện Biên” ra đời vào thời khắc lịch sử như một tiếng kèn lệnh, bức thông điệp cho đồng bào cả nước biết tin vui chiến thắng từ Điện Biên vọng về. Mở đầu bằng câu “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui...”. Đoạn kết âm vực cao hẳnkhẳng định sự chiến thắng huy hoàng bằng câu hát “Núi sông bừng lên! Đất nước ta sáng ngời cánh đồng Điện Biên, cờ chiến thắng tưng bừng trên trời.”. Cũng tại cánh đồng Mường Phăng trong lễ duyệt binh mừng chiến thắng (13.5.1954), đại biểu ưu tú của các binh chủng về dự, các chiến sỹ văn công hát mừng chiến thắng và dàn nhạc đã dùng ca khúc này để duyệt binh, làm tăng thêm nguồn cổ vũ tinh thần to lớn hòa vào niềm vui chiến thắng của dân tộc.
Ca khúc “Qua miền Tây Bắc” thể hiện đặc trưng của những vùng núi cao trùng điệp, của xứ sở hoa Ban, những tình cảm nồng nhiệt cùng tấm lòng chân thật, tình nghĩa với Tây Bắc đầy chất thơ và hiện thực nói lên một tấm lòng yêu nước nồng nàn của chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Để ra được tác phẩm này, nhạc sỹ Nguyễn Thành trải qua 3 lần qua miền Tây Bắc. Ông viếtở đỉnh đèo Khâu Vác cao trên 2000m là cửa ngõ vào Điện Biên, tác phẩm viết trước khi có chiến dịch Điện Biên Phủ.
Một hình ảnh không thể nào quên trong chiến dịch Điện Biên, đó là hình ảnh “Kéo pháo vào, kéo pháo ra”. Nhạc sỹ Hoàng Vân ghi tên với tác phẩm “Hò kéo pháo”. Các loại pháo phòng không 37 ly, pháo mặt đất 105 ly, ca khúc “Hò kéo pháo” ghi lại những nỗ lực phi thường của nghệ thuật quân sự Việt Nam được đo bằng ý chí, nghị lực và lòng dũng cảm của bộ đội ta. Đêm đêm theo tiếng “hò dô ta nào! Hai ba nào! Tiếng mõ tre cốc, cốc...” làm hiệu lệnh dưới ánh trăng, hàng trăm chiến sỹ mặc áo trấn thủ, đội mũ nan cúi rạp người, choãi chân, những bắp tay rắn chắc, những khuôn mặt lộ rõ niềm tin tất thắng, tất cả đều chung một chí hướng vượt dốc cao 40 - 45 độ đưa pháo lên trận địa. Những hình ảnh đó đã giúp cho nhạc sỹ có cảm hứng sáng tác ngay tại mặt trận, mở đàu bằng một hiệu lệnh của chỉ huy “Hai ba nào!” và tất cả cùng hát “Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo, hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi...” Tất cả những hình ảnh, những âm thanh được tạo lên một bức tranh hùng vĩ, một không khí náo nhiệt hừng hực, khí thế quyết tâm chiến thắng kẻ thù của pháo binh Việt Nam.
Chúng tôi không thể giới thiệu hết những tác phẩm đi cùng năm tháng, sống mãi với thời gian của các nhạc sỹ có tên tuổi như: Huy Du; Huy Thục, An Thuyên, Bùi Đức Hạnh, Cát Vận, Trọng Bằng, Thuận Yến, Phạm Tuyên, Trần Hoàn, Nguyễn Cường... cùng của các tác giả địa phương: Vương Khon, Hoàng Thím, Cầm Bịch, Cầm Minh Thuận... hàng trăm ca khúc viết về Điện Biên, làm sống dậy hình ảnh Điện Biên hôm nay cùng những tâm sự mà họ chưa thể viết hết thành lời để truyền lại cho các thế hệ con cháu, ghi ơn những người cầm súng chiến đấu, hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ. Sự hy sinh ấy nhắc nhở những người đang sống vượt lòng và vượt mình xứng đáng với người đã khuất.
. Theo Bao Dien Bien Phu online |