Hướng về Nam...
11:7', 4/9/ 2009 (GMT+7)

Ca khúc: Bình Trị Thiên khói lửa

Nhạc sỹ: Nguyễn Văn Thương

Ca sỹ: NSƯT Quang Thọ

-----

Hướng về khúc ruột miền Trung yêu thương, hướng về Bình Trị Thiên anh dũng kiên cường với niềm xúc động trào dâng qua từng câu hát.

Xem lại những thước phim tài liệu về chiến tranh trên truyền hình, con đã lặng người đi trước hình ảnh người mẹ Quảng Bình gồng mình chèo đò trên sông Nhật Lệ dưới trời mưa bom dội xuống của kẻ thù. Sự tàn khốc của chiến tranh quá lớn, vượt qua khoảng cách về không gian và thời gian, để một người trẻ 8x sinh ra và lớn lên trong hoà bình như con vẫn cảm nhận được khúc bi tráng ấy của toàn dân tộc của một thời kỳ đau thương và anh dũng:

Hướng về Nam!

Ai từng vô Sông Hương, từng nương thiên Mụ  

Từng ngụ Đâp Đá, Văn Xá. Truồi Nong.  

Hướng về Nam!  

Ai đã vô Đông Hà đã qua Ngô Xá,  

Đã đi Bích La, Thuỷ Ba, Triệu Phong.  

Hướng về Nam!  

Ai đã qua Đèo Ngang đã sang Ba Rền  

Mến dòng sông Gianh, biết danh Lũy Thầy.

Giờ đây lửa cháy ngút trời. 

Máu nhuộm đồng xanh.  

Ôi! đau thương điêu tàn…

“Hướng về nam!” - điệp khúc ấy lặp đi lặp lại cùng một chuỗi liên hoàn các địa danh của ba tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị - Thừa Thiên Huế được liệt kê theo bước chân hành quân của những người lính, khiến con hình dung ra một bức tranh rộng lớn về những tên núi tên sông, nhìn thấy hàng vạn con người mà con thấy ấm áp yêu thương khi gọi chung bằng hai tiếng “đồng bào”. Những câu hát ngắn và vắt vần lên nhau như những khúc đồng dao, tạo thành âm hưởng kéo dài ngân nga như tiếng thở dài ám ảnh nơi trái tim người nghe…

Bức tranh ấy hiện lên trong con ngày càng rõ nét và cụ thể với màu sắc chủ đạo - màu đỏ của lửa và của máu. Màu sắc ấy đang chuyển động, loang ra và xâm chiếm toàn bộ bức tranh hiện thực, “ngút” lên trời cao, “nhuộm” đầy “đồng xanh” để rồi từ sâu thẳm nơi trái tim của người nhạc sỹ thốt lên tiếng than theo từng nhịp nấc nghẹn ngào: “Ôi, đau thương điêu tàn”…

Con đã có dịp dừng chân ghé thăm ba tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Bình – Quảng Trị trong những hành trình của tuổi trẻ, đã cảm nhận những gian khổ của những con người lam lũ bé nhỏ nhưng đầy nghị lực và niềm tin… Con luôn tự hỏi: Sống trong thời bình, cuộc đời họ cũng đủ cơ cực với thiên tai bão lũ, thời tiết khắc nghiệt rồi; vậy khi chiến tranh, họ đã sống ra sao dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù?

Những câu hát quặn thắt đầy nước mắt và căm hờn của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương đã trả lời cho con câu hỏi đó:

Hải Lăng mồ chen thôn xóm.  

Cát trắng ven làng máu hoen.  

Dân lành yên vui giặc lên tàn sát.

Chí Long đồng quê tan tác.  

Trung Nẫm đường vắng lối không.

Xót thương đàn em xác chìm dòng sông.

Làng cháy cây héo khô

Đồng nương nồng hơi súng.  

Xa tắp còn đâu bóng lúa xanh

Nhà  thiêu nền trơ đất.  

Người đi lòng u uất.  

Sôi cháy, máu căm hờn trào dâng…

Bức vẽ chân thực về chiến tranh hiện lên với những đường nét tương phản cao độ: một bên là sự bình yên vốn có từ thuở ban sơ của những tên làng tên xóm (Hải Lăng. Chí Long, Trung Nẫm…), của những cánh đồng lúa, của nhịp sống thôn quê xóm làng bình lặng, yêu thương và gắn bó – bên kia là sự giày xéo và tàn phá khốc liệt của kẻ thù và những số phận vô tội mong manh. Những câu hát khiến người nghe đau nhói con tim, cảm thấy trong lồng ngực mình nỗi “u uất”, trong máu mình lòng “căm hờn” trào dâng như sóng cồn.

Nhịp điệu câu hát đột ngột thay đổi, trở nên nhanh, mạnh và dồn dập như nước vỡ bờ:

Đồng bào ơi, cùng Bình Trị Thiên đứng lên!

Đứng lên ta nguyền giết loài lang sói.

Căm thù đây, phải trút hết.  

Loài hung tàn, phải quét hết.

Ta tiến lên giữ lấy nương đồng.

Đây Cự Nẫm, kia Cầu Nhi, này Ba Lòng, kia Khe Xanh.  

Đây bao nơi chôn thây quân thù.

Tiếng gọi “đồng bào” thân thương, ruột thịt cất lên – và chỉ hai tiếng ấy thôi cũng đủ cho con người ta có niềm tin và sức mạnh, sẵn sàng đoàn kết, sát cánh bên nhau trong cuộc chiến đấu kiên gan với kẻ thù… Mỗi câu hát trở thành một khẩu hiệu thúc giục đầy khí thế: “Căm thù đây phải trút hết. Loài hung tàn phải quét hết. Ta tiến lên giữ lấy nương đồng”… lan tỏa khắp các địa danh như Khe Xanh, Cầu Nhi, Ba lòng, Cự Nẫm...

Triệu trái tim người Việt đã từng “hướng về Nam”, gửi về nơi chiến trường Bình Trị Thiên ác liệt những người con kiên gan “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” suốt những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Tất cả để trả lại cho quê hương cảnh sống thanh bình, yên ả như mơ ước bao đời của người dân:

Đồng bào ơi, cùng Bình Trị Thiên đứng lên!  

Giết quân tham tàn xéo dầy thôn xóm.  

Không ngừng tay, quyết chiến đấu.  

Dù gian khổ quyết xốc tới.  

Tay chúng ta giữ vững quê nhà.

Cho đàn em cất tiếng hát.

Cho cánh đồng lúa bát ngát.

Cho nơi nơi yên vui chan hoà…

Giai điệu dồn dập hùng tráng cùng giọng ca hào sảng, thúc giục với những ca từ phơi phới sức mạnh và niềm tin trở thành một tiếng gọi, một khúc quân hành gửi ra Bắc, gửi vào Nam thôi thúc bao lứa thanh niên lên đường… Bình Trị Thiên trở thành “lò tranh đấu” anh dũng ghi dấu muốn đời trong trái tim nhiều thế hệ với những tình cảm yêu mến, trân trọng, cảm phục và tự hào:

Bình Trị Thiên, đây miền thân mến!  

Có ai xuôi về cho ta nhắn thương yêu…

. Theo tuanvietnam.net

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngày hôm qua là thế  (20/08/2009)
Một thời đã xa  (05/08/2009)
Jens Lekman - buồn một cách hóm hỉnh  (23/07/2009)
Những con đường vắng anh  (12/07/2009)
Làm sao mà thiếu nhau...?  (23/06/2009)
Biển hát tình ca, biển kể chuyện quê hương!  (12/06/2009)
Nỗi buồn  (31/05/2009)
Bằng lăng tím của một mùa hạ cũ...  (15/05/2009)
Những ca khúc bất hủ viết về Điện Biên  (06/05/2009)
Nắng về theo anh  (15/04/2009)
Tháng Tư về, em mơ lối mòn hoa dại nở   (01/04/2009)
Lucky: Tình yêu đưa chúng mình đến bên nhau  (24/03/2009)
Là giấc mơ của ngày cũ thôi mà...  (04/03/2009)
Cảm nhận ca khúc Im lặng đêm Hà Nội  (25/02/2009)
Về đi em  (17/02/2009)