Nói với dấu yêu
17:1', 26/1/ 2010 (GMT+7)

Bìa album ”Bong bóng mưa” của NS Quỳnh Lệ

Nhà thơ Xuân Diệu từng cho rằng:

”Làm sao cắt nghĩa được tình yêu

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…”

Dường như “không gian tâm tưởng” của nhạc sĩ Quỳnh Lệ đã có lúc được lấp đầy bằng “nắng nhạt”, bằng “mây nhè nhẹ”, “gió hiu hiu”, nên trong nhạc khúc “Nói với dấu yêu, chị đã tìm được một cách tỏ bày những trải nghiệm về tình yêu khá độc đáo, vừa đằm thắm, da diết, vừa tinh tế, hiện đại, .

Ca khúc có cấu trúc hai đoạn, được bố cục chặt chẽ theo trình tự A1, A2, B1, B2, A3. Với chủ âm Fa trưởng (F), những nét nhạc của ba câu đầu được phát triển khá tự nhiên trên cơ sở khai thác và giải quyết các âm liền bậc đố-si, si-la, la-sol, sol-fa ở phách đầu các ô nhịp. Chọn nhạc điệu chachacha sôi nổi, tươi tắn, nhưng chùm nốt mở đầu đồ-fa-sol-đố mang màu sắc dân ca và nét luyến fa-sol đã góp phần tô đậm cảm giác gần gũi, chân tình và tạo màu tự sự cần thiết. Mở đầu ca khúc là một loạt hình ảnh so sánh được chắt lọc từ ký ức rất riêng mang đầy tính chất ẩn dụ:

"Tựa biển vắng cho sóng nghe cô đơn

Tựa đỉnh núi tương tư trăng xa xăm

Tựa bãi khuya thương dấu chân dã tràng..."

Khiến người nghe không khỏi thắc mắc: cái gì “tựa biển vắng”,”tựa bãi khuya” hay “tựa đỉnh núi tương tư”, …phải chờ nghe đến câu thứ tư là :” Tình yêu cho đời bao mê say…”, người nghe mới cảm nhận trọn vẹn là chị đang chia sẻ, tự sự về “tình yêu”. Và, nếu ở đoạn A1 là những hình ảnh so sánh trữ tình về”tình yêu” thì ở đoạn A2 là “nỗi nhớ”, là tâm trạng “lao đao của trái tim đang yêu:

"Tựa nỗi nhớ cho mắt môi xanh xao

Tựa tiếng hát cho trái tim nghe lao đao

Tựa chiếc hôn cho giấc mơ ngọt ngào…"

Và trong tâm trạng của “những xuyến xao ngọt ngào” ấy, chị tự hỏi, hay nói đúng hơn là tự nhủ với một âm điệu háo hức”:

“Làm sao làm sao ta không yêu nhau?!”

Chuyển qua đoạn B1, âm hình tiết tấu thay đổi báo hiệu cho sự chuyển đổi của nhịp điệu tình cảm. Bày tỏ tình cảm là chuyện tế nhị, nhưng đã yêu thì tại sao lại không dám tỏ bày? Và nói gần nói xa, chẳng qua cũng chỉ để nói thật lòng mình. Quỳnh Lệ đã chọn cái thật, cái làm nên bản chất của sự sống là “tình yêu” như đích đến, để dắt dẫn câu chuyện thật tự nhiên, giản dị với âm điệu mang màu sắc triết lý trữ tình:

“Trăng, trăng thật là trăng khi trăng lên

Hoa, hoa thật là hoa khi hoa nở

Cây thật là cây khi ru gió…”

Để rồi rút ra kết luận:

“Anh thật là anh khi yêu em”

Phần “người ta” thì như thế, còn cái thật nhất của lòng mình thì thế nào? Chúng ta hãy nghe tiếp kiểu triết lý trữ tình đầy thi vị của chị trong đoạn B2:

“Xuân, xuân thật là xuân khi xuân mơ

Thu, thu thật là thu khi thu sầu

Đông thật là đông khi đông nhớ…”

và rồi chị thật thà thú nhận:

“Em thật là em khi yêu anh”

Điều chính yếu muốn “nói với dấu yêu” đã nói được rồi. Kịch tính của câu chuyện về căn bản đã kết thúc sau câu : “Em thật là em khi yêu anh”. Nhưng nếu kết ca khúc như thế thì chưa phải là kiểu “kết có hậu” của Quỳnh Lệ, nên chị đã viết thêm đoạn A3 với những ca từ mang màu sắc hoan ca về tình yêu và sự sống, và cũng là lời cầu chúc “hạnh phúc mãi ngự trị trong lòng những đôi lứa đang yêu…”. Khép lại tình khúc “Nói với Dấu yêu” là lời thì thầm nồng nhiệt, tha thiết, nhưng cũng không kém phần dữ dội:

“Và ta xin dành riêng cho nhau…”

Chúng ta hãy cùng nghe ca khúc “Nói với Dấu yêu” của nhạc sĩ Quỳnh Lệ-một nữ nhạc sĩ dịu dàng nhưng cũng rất dữ dội…

. Theo giaidieuxanh.vn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gửi về một phiên chợ nơi xa...  (15/01/2010)
Donna Donna - Khát vọng tự do  (05/01/2010)
Noel, nghe Đứa bé, nghĩ về cô bé bán diêm  (25/12/2009)
Bởi ta cần nhau…  (17/12/2009)
Hà Nội ơi đêm mùa đông, Hà Nội ơi…  (08/12/2009)
Gió mùa đông bắc về...  (24/11/2009)
Điều giản dị hay chút bình thường Phú Quang  (10/11/2009)
Cho người phụ nữ của tôi...  (26/10/2009)
Là tình anh vang vọng ngóng em…  (14/10/2009)
Anh chỉ có một tình yêu thôi để nhớ…  (30/09/2009)
Lần cuối để biết ta đã từng có nhau trong đời...  (15/09/2009)
Hướng về Nam...   (04/09/2009)
Ngày hôm qua là thế  (20/08/2009)
Một thời đã xa  (05/08/2009)
Jens Lekman - buồn một cách hóm hỉnh  (23/07/2009)