Những ngư dân bắt tôm hùm giống ở Bình Định đã rục rịch vào niên vụ mới. Niên vụ trước ngư dân làm nghề bội thu. Riêng với ngư dân ở xã Cát Tiến (Phù Cát), sự bội thu còn được nhân lên vì họ có “bí quyết” trong đánh bắt…
|
Nuôi tôm lồng bè phát triển mạnh ở các vùng ven biển tỉnh Bình Định. Ảnh: Hoàng Vân
|
* Cứu tinh của ngư dân
Gần 500 hộ dân ở thôn Trung Lương, xã Cát Tiến (chiếm gần 1/3 số dân của xã) chủ yếu sống bằng nghề biển. Cách đây mấy năm, khi ngư dân “lao đao” vì ngư trường gần bờ ngày càng cạn kiệt thì ở vùng biển Cát Tiến bỗng xuất hiện nhiều tôm hùm. Chúng được coi như vị “cứu tinh” cho ngư dân nguồn thu nhập lớn bởi đã xuất hiện đúng vào thời điểm tỉnh Phú Yên phát triển rộ phong trào nuôi tôm hùm lồng.
Anh Lê Văn Cường ở thôn Trung Lương cho biết: “Nghề đánh bắt tôm hùm giống xuất phát từ ngư dân làm mành ruốc ở tỉnh Khánh Hòa. Mặc dù chúng rất giống những con ruốc nhưng ngư dân đã phát hiện ra chúng nhờ màu râu và chúng trở thành đối tượng đánh bắt chính của họ”. Ngư dân ở xã đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) học “lóm” được nghề này và từ đó lan nhanh khắp các vùng biển Bình Định.
Ngư trường đánh bắt tôm hùm giống của ngư dân xã Cát Tiến khá rộng, từ cửa Đề Gi dọc theo các bãi ngang Cát Hải, Cát Thành… đến xã đảo Nhơn Lý (Quy Nhơn). Và từ hơn 3 năm qua, nguồn tôm hùm giống trên vùng biển này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, thậm chí mật độ xuất hiện càng nhiều hơn. Sau một đêm ra khơi, ghe nào trở về cũng ắp đầy những nụ cười mãn nguyện. Anh Nguyễn Thái Vương - cán bộ UBND xã Cát Tiến - là người chuyên đánh bắt tôm hùm giống cho biết: “Năm vừa rồi có ghe đi 1 đêm bắt được đến 200 con tôm sao, mỗi tháng kiếm vài ba trăm triệu là chuyện bình thường”. Được mùa và được cả giá. Nếu như năm 2001, giá tôm sao chỉ có 40.000đ/con thì trong năm 2006 này có lúc tăng đến 160.000đ/con. Tôm hùm xanh cũng tăng từ 5.000đ/con lên đến 35.000đ/con. Mặc dù đánh bắt được với số lượng nhiều nhưng giá mua của con tôm hùm giống không hề bị “bóp chẹt” bởi sau dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng trên gia súc, người tiêu dùng hướng mạnh về các loài thủy, hải sản nên phong trào nuôi tôm hùm lồng phát triển mạnh mẽ, kéo theo mức cầu tôm giống càng tăng cao.
Thấy làm ăn được, không chỉ ghe nhỏ mà các ghe có công suất lớn cũng tham gia. Sau thời vụ câu mực tại các ngư trường miền Nam, họ lại kéo nhau về biển quê để đánh bắt tôm hùm. Theo UBND xã Cát Tiến, trong niên vụ khai thác tới, số lượng ghe đánh tôm hùm ở đây sẽ tăng từ 100 chiếc lên đến 200 chiếc.
|
Ngư dân đi đánh bắt tôm hùm giống. Ảnh: Thu Hà
|
* Niềm vui giữa sóng to gió cả
Đánh bắt tôm hùm là nghề của mùa biển động! Sóng càng to, gió càng lớn thì tôm hùm xuất hiện càng nhiều, nhất là vào mùa gió Bấc. Chớm vào mùa mưa bão, những chiếc ghe đánh bắt tôm hùm giống gióng buồm ra khơi. Mùa đánh bắt chính kéo dài từ tháng 9 (ÂL) năm này sang đến tháng 2 (ÂL) năm sau. Do vậy, nghề đánh bắt tôm hùm giống dù chỉ làm gần bờ nhưng thường xuyên đối mặt với nguy hiểm. Trong niên vụ khai thác 2005-2006, xã Cát Tiến có 2 chiếc ghe “thô sơ” bị sóng gió đánh vỡ toang giữa biển nhưng may là không chết ai.
Nhưng không phải hễ dưới biển có tôm nhiều là ai cũng đánh bắt được nhiều tôm. Để việc đánh bắt mang lại hiệu quả cao, việc chọn vị trí neo đánh của con thuyền cần phải vận dụng đến độ nhạy cảm về ngư trường của người “cầm chịch” và phải biết nghe ngóng thông tin từ những đầu nậu thu mua. Họ sẽ báo cho biết ai vừa bán được nhiều tôm nhất và họ vừa từ ngư trường nào về tuy nhiên quan trọng hơn cả là khâu kỹ thuật đánh bắt. Không dùng lưới bủa như những nơi khác, ngư dân khai thác tôm hùm giống ở Cát Tiến chỉ dùng lưới mành đằng (mành lưới được cho chìm sâu dưới biển). Ngoài việc chọn được vị trí nhiều hứa hẹn, ngư dân phải chọn được hướng gió và định hướng được con nước để mành lưới giăng đúng hướng di chuyển của tôm. Những chiếc neo phải “buộc” được con thuyền đứng vào đúng vị trí trung tâm của mành lưới để có thể đón được tôm cả 2 bên mành, không để tôm lọt ra ngoài vùng mành kiểm soát. Người có nhiều kinh nghiệm sẽ căn cứ vào màu râu và mắt của tôm để phân biệt nhanh được tôm sao, tôm xanh, tôm trắng và tôm tề thiên. Tôm có giá trị kinh tế cao nhất là tôm sao (160.000đ/con, giá của tháng chạp năm ngoái), kế đến là tôm xanh (35.000đ/con), tôm tề thiên cũng được mua nhưng giá chỉ có vài ngàn đồng/con, còn tôm trắng thì “tịnh”, không ai thèm ngó ngàng đến. Có ghe đánh được đến cả 1 gàu xách nước tôm trắng và tôm tề thiên nhưng giá trị chẳng bằng một vốc tôm sao.
Dù kiếm sống giữa mùa sóng gió, nhưng nghề đánh bắt tôm hùm giống vẫn là một nghề “nhẹ nhàng” nhất trong các nghề “làm biển”. Bởi sau khi thả mành lưới, các bạn thuyền có thể ngủ ngon một giấc dài cho đến nửa đêm thức dậy kéo mành, xong lại ngủ thêm một giấc đến sáng, kéo mành lần nữa và cho ghe về bến, nghỉ ngơi đến chiều thì lại ra khơi. Hiện nay, đã là giữa tháng 8 (ÂL) những người chuyên đánh bắt tôm hùm giống đã chuẩn bị xong ghe thuyền, ngư cụ (lưới, dây rút, neo, dây neo) để sẵn sàng cho vụ đánh bắt mới.
|