Đi làm vệ sĩ
6:35', 10/10/ 2006 (GMT+7)

Những năm gần đây, hình ảnh những nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp đã trở nên quen thuộc với mọi người. Họ có mặt khắp mọi nơi: khách sạn, khu trung tâm mua sắm, hội chợ, lễ hội lớn... Theo đó, dịch vụ cung ứng bảo vệ - vệ sĩ đang phát triển mạnh ở tỉnh ta.

* Chạm mặt nghề vệ sĩ

Nghề vệ sĩ, dịch vụ cung ứng vệ sĩ, bảo vệ chuyên nghiệp chỉ mới có mặt ở Việt Nam cách đây hơn 10 năm. Đặt nền móng đầu tiên cho nghề này là Công ty Dịch vụ bảo vệ Việt Nam Thăng Long Sepre 24, một liên doanh giữa Bộ Công an và Tập đoàn Kotobuki của Nhật Bản, ra đời đầu năm 1995 tại TP Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, cả nước đã có hàng trăm công ty chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ, vệ sĩ ra đời.

 

Một khóa đào tạo bảo vệ chuyên nghiệp của Công ty Bảo vệ - Vệ sĩ Nam Thiên Long. Ảnh: S.X

 

Theo đà phát triển của đất nước, nghề bảo vệ chuyên nghiệp, vệ sĩ dần khẳng định vị trí của mình. Từ các thành phố lớn, nghề này lan ra cả nước, trong đó có Bình Định. Ở Bình Định, người dân, đặc biệt là các bạn trẻ lần đầu tiên được “mục sở thị” vệ sĩ sau khi Công ty Cổ phần M.C (TP Hồ Chí Minh) liên kết với Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm thanh niên Bình Định chiêu sinh các lớp bảo vệ - vệ sĩ. Đó là vào thời điểm cuối năm 2003. Ngay lập tức, hình ảnh những chàng, nàng vệ sĩ nhanh nhẹn, bộ đàm dắt lưng; “biết tất” từ sơ cấp cứu đến phòng cháy chữa cháy, võ thuật; lạnh lùng nhưng ứng xử đúng mực... đã “hút hồn” nhiều bạn trẻ. Sau đó, Công ty Cổ phần MC đã mở chi nhánh tại TP Quy Nhơn.

Thời gian gần đây, người dân Quy Nhơn lại thấy sự xuất hiện khá “hoành tráng” của chi nhánh Công ty TNHH Bảo vệ - Vệ sĩ Tây Sơn trên đường Trần Hưng Đạo. Lý do để Công ty này mở chi nhánh ở Quy Nhơn thật đơn giản: thị trường dịch vụ bảo vệ, vệ sĩ ở Bình Định đang phát những tín hiệu khả quan. Giám đốc Công ty Nguyễn Thành Trung là người Tây Sơn chính hiệu, mới ở tuổi U30.

Nhiều chi nhánh công ty dịch vụ bảo vệ, vệ sĩ cũng đã có mặt ở Quy Nhơn. Thành lập tháng 10-2004 thì chỉ chưa đầy 1 năm sau, tức vào tháng 9-2005, Công ty TNHH Bảo vệ - Vệ sĩ chuyên nghiệp Nam Thiên Long đã mở chi nhánh ở Quy Nhơn. Giám đốc Công ty cũng là dân gốc Quy Nhơn, vào sinh sống và lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh từ năm 10 tuổi. Tương tự, Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Đất Võ chi nhánh miền Trung (KV7, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) cũng có thành phần ban giám đốc xuất thân từ đất võ Bình Định!

Ngoài ra, Quy Nhơn còn một số công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ khác như: chi nhánh của Công ty cổ phần dịch vụ cung ứng vệ sĩ Thiên Ưng, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ bảo vệ Hoàng Nam...

 

* Chân dung nghề

Hầu như các công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ đều có quy trình tuyển dụng người giống nhau. Trẻ, khỏe, thể hình tốt - đó là điều kiện cần để ghi tên vào những lớp chiêu sinh vệ sĩ. Đặc biệt, bộ đội xuất ngũ, công an phục viên, những người biết võ thuật, lái xe, tin học, có bằng cấp thì được ưu tiên hơn. Thường các công ty không thu học phí nhưng học viên phải đóng một khoản tiền để mua trang phục hoặc gọi là “thế chân” cho công ty. Qua vòng sơ tuyển, các ứng viên sẽ được đào tạo trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tháng các kỹ năng: giao tiếp, sơ cấp cứu, di tản, phòng cháy chữa cháy, nghiệp vụ bảo vệ, võ thuật, kiến thức pháp luật cơ bản. Xong khóa đào tạo, các học viên sẽ được thực tập và thử việc tại các doanh nghiệp, đơn vị trước khi trở thành nhân viên chính thức của công ty. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu bảo vệ ở Quy Nhơn chỉ mới dừng lại ở bảo vệ chuyên nghiệp chứ chưa cần đến các dịch vụ bảo vệ yếu nhân, áp tải hàng hóa... Vì vậy, các công ty bảo vệ - vệ sĩ ở đây cũng chỉ đào tạo nghiệp vụ bảo vệ chuyên nghiệp. Sau khi học xong, các học viên sẽ được bố trí làm việc trong tỉnh. Một số học viên có nhu cầu thì có thể được công ty đưa vào TP Hồ Chí Minh làm việc. Ngược lại, cũng có công ty mở chi nhánh chỉ để tuyển học viên rồi đưa về Công ty chính đào tạo. Thường thu nhập của một nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp ở tỉnh ta ở mức từ 700.000 đồng - 1,2 triệu đồng/tháng, làm theo ca.

Vì đây là một nghề liên quan đến nghiệp vụ an ninh nên các công ty thường mời các cán bộ quân đội, công an làm cố vấn, quản lý và cả huấn luyện. Như Công ty TNHH Bảo vệ - Vệ sĩ Tây Sơn mời Đại tá Hồ Ngọc Châu - nguyên Giám đốc công an tỉnh - làm cố vấn và Thượng tá Trần Văn Nhuận - nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ an ninh Công an tỉnh - làm Phó Giám đốc chi nhánh Quy Nhơn. Ngoài ra, để huấn luyện nghiệp vụ sơ cấp cứu thì các công ty mời cán bộ hội chữ thập đỏ, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy thì mời cảnh sát phòng cháy chữa cháy, dạy pháp luật thì mời luật sư, dạy võ thuật thì mời võ sư...

 

Nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp của khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn đang làm nhiệm vụ. Ảnh: H.Y

 

* Vui buồn “bảo vệ chuyên nghiệp”

Vệ sĩ, bảo vệ chuyên nghiệp là nghề phải đối mặt với hiểm nguy, và có lẽ cũng chính điều đó lại tạo nên sức hấp dẫn cho nghề. Anh Trần Thúc Chiến, một bảo vệ có thâm niên hơn 6 năm trong nghề, hiện đang làm tại một ngân hàng lớn trong tỉnh kể: “Lúc đầu, tôi theo bạn bè vào TP. Hồ Chí Minh tìm việc, thấy quảng cáo nghề vệ sĩ rầm rộ nên đăng ký học tại Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Long Hải. Sau khóa học 3 tháng, tôi được giới thiệu làm ở khu chung cư Phú Mỹ Hưng (TP Hồ Chí Minh). Làm việc ở đó hơn 3 năm, tôi về lại Quy Nhơn, vẫn nghề cũ. Bao năm nay, từ chỗ muốn thỏa tính tò mò của tuổi trẻ, bây giờ tôi rất yêu nghề của mình. Mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ, được khen thưởng tôi rất sướng”.

Tuy vậy, có khi bệnh nghề nghiệp cũng gây phiền toái cho một số người. Anh C.T.T - bảo vệ Trung tâm Thương mại Quy Nhơn tâm sự: “Riết thành quen, có khi đưa vợ con đi chơi ở đâu mình cũng nhìn chằm chằm từng hành động, cử chỉ của những người xung quanh. Nhiều lúc, quên luôn vợ con đang làm gì”.

Nhiều người đưa giả thuyết, nghề vệ sĩ hiện nay có gốc gác sâu xa từ hoạt động bảo tiêu (bảo vệ hàng hóa trên đường vận chuyển từ nơi này đến nơi khác) bên Trung Quốc. Manh nha từ đời nhà Tống, nghề bảo tiêu phát triển cực thịnh dưới thời Mãn Thanh, ấy là do thời gian này hoạt động giao thương quốc tế được mở rộng hơn nhờ con đường tơ lụa. Nhưng có lẽ, Âu - Mỹ mới là mảnh đất phì nhiêu cho nghề vệ sĩ sinh sôi, nhất là trong khoảng thời gian gần trăm năm trở lại đây. Còn ở Việt Nam, chỉ từ khi nước ta bắt đầu mở cửa, nghề này mới dần trở thành một nhu cầu thực tế và ngày một phát triển như hiện nay.

Nhiều nhân viên bảo vệ thường có nỗi buồn là nghề của mình chưa được tôn trọng. Khoác trên mình bộ đồng phục trông thật oách với chiếc gậy sắt, bộ đàm nhưng chuyện bị sai vặt, mắng oan vẫn diễn ra. Mặt khác, có những công ty dịch vụ bảo vệ - vệ sĩ chạy theo lợi nhuận, đào tạo không đến nơi đến chốn. Có công ty chỉ đào tạo vài tuần rồi cho học viên đi thực tập, thấy được là cho đi làm luôn. Một số bạn trẻ ôm giấc mộng vệ sĩ mà chúng tôi có dịp gặp đã kể về cảm giác thất vọng của mình bởi họ chẳng gặt hái được gì sau một khóa đào tạo ngắn ngủi. Anh Nguyễn Văn Thinh - tổ 37, khu vực 5, phường Trần Phú (TP Quy Nhơn) - cho biết: “Tôi đã phải nộp gần 2 triệu đồng cho chi phí đào tạo, đồng phục. Sau 3 tháng học, tôi được một công ty vệ sĩ trả lương 700.000đ/tháng nhưng cắt cử đi làm khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Từ ngày đi làm đến nay, tôi không được ký hợp đồng, mua bảo hiểm và cấp chứng chỉ đào tạo. Vất vả mà thu nhập không đủ sống thì chắc chắn tôi không thể trụ lâu với nghề”.

Còn phó giám đốc một doanh nghiệp lớn ở Quy Nhơn thì cho hay: “Trước đây, công ty tôi có hợp đồng với một công ty chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ nhưng khi vào việc mới biết đội ngũ này không đảm bảo về ngoại hình, sức khỏe, nhân cách kém. Tôi nghĩ là do khâu tuyển chọn đầu vào buông lỏng, đào tạo không chuyên sâu. Sau đó, chúng tôi đành tự tuyển người và cho tham gia các lớp tập huấn phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứu, kỹ năng tự vệ... để làm việc cho công ty”.

 

* Thay lời kết

Dịch vụ bảo vệ an ninh dân sinh này đang ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu thực tế. Trong tương lai, Quy Nhơn - Bình Định được xác định là một thị trường màu mỡ cho nghề này. Tuy nhiên, dù nghề bảo vệ, vệ sĩ có phát triển thế nào đi chăng nữa thì chất lượng đào tạo vẫn là yếu tố quyết định. Và như thế, hẳn nhiều công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ, vệ sĩ sẽ phải nâng cao chất lượng đào tạo, dịch vụ, nếu không muốn đánh mất tên tuổi của mình ở mảnh đất vốn là cái nôi của võ thuật và là thị trường đầy tiềm năng này.

  • Nguyên Sương - Hải Yến
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nơi tạo dáng cho rượu Bàu Đá   (08/10/2006)
Nhà báo xứ Nẫu ở đất Sài Gòn  (04/10/2006)
Bí quyết nghề bắt tôm hùm giống của ngư dân Cát Tiến  (04/10/2006)
Bình Định Sa Long Cương trong tầm vóc mới  (29/09/2006)
Hư, thực nét Chăm  (29/09/2006)
Ghi nhận từ một cuộc diễn tập  (28/09/2006)
Thẻ ATM đang đi vào ví của chúng ta  (26/09/2006)
Sống cùng mồ mả  (25/09/2006)
Công nghệ tiệc cưới  (22/09/2006)
Vi phạm an toàn điện: Chồng chất nỗi lo  (21/09/2006)
Kiếm sống ở cảng  (20/09/2006)
Đá cầm nóng lạnh…  (18/09/2006)
Hải Minh - cách một tầm nhìn  (17/09/2006)
Đời người đợi rau   (15/09/2006)
Bao giờ cho đến... ngày xưa  (13/09/2006)