Một gia đình thương nhau
14:33', 12/10/ 2006 (GMT+7)

Đôi mắt của người cha bị mất ánh sáng sau một tai nạn nghề nghiệp, công việc làm ăn vốn là nguồn sống của gia đình bị đình trệ. Đôi vai gầy của người mẹ quê không đủ sức "gồng" gánh nặng cơm áo, học hành của 6 đứa con và thuốc men điều trị cho người chồng tật nguyền. Cả gia đình lâm vào cảnh dở sống dở chết. Thế nhưng bằng tâm nguyện "chúng ta phải sống", mỗi thành viên trong gia đình đóng góp một chút công sức và cơn "bĩ cực" đã đi qua…

 

Có lẽ đã đến lúc lúc số phận bớt oan nghiệt với vợ chồng anh Hồng...

 

Anh Nguyễn Ngọc Hồng (54 tuổi, ở thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) là truyền nhân của một dòng họ chuyên làm nghề đúc đồng. Năm 20 tuổi, anh chính thức "chấp chính" lò đúc của gia đình thì cũng là lúc định mệnh khắc nghiệt đến với anh. Hôm ấy, trước khi giao công việc nấu đồng cho một người thợ, anh Hồng đã dặn là những quả trái nổ phải bỏ riêng ra, không được đưa vào nấu. Khi anh Hồng ra lại lò đúc để kiểm tra lửa, anh không ngờ là anh thợ đã không vâng lời anh, quả đạn phát nổ. Mảnh vỏ đạn đã làm thủng ruột anh và làm cháy hết khuôn mặt, mắt anh chìm vào màn đêm.

Sau khi tích cực chữa chạy, mắt anh tìm lại được ánh sáng và qua năm sau (1973), anh Hồng lập gia đình. Từ đó anh lại tiếp tục công việc truyền thống của gia đình. Cứ ngỡ là tai hoạ kia đã lùi vào dĩ vãng. Nào ngờ đến năm 1980, khi vợ anh vừa sinh đứa con thứ 4 thì đôi mắt anh dần dần tái mù trở lại, không kịp cho anh nhìn rõ đứa con trai đầu tiên của mình.

Vượt qua bóng tối

Không còn ai quán xuyến lò đúc, vợ chồng anh quyết định sang lại toàn bộ đồ nghề và kỹ thuật cho một người bạn. Không còn thu nhập, những món đồ có giá trị trong nhà lần lượt "đội nón" ra đi để chi phí thuốc men cho anh, chi phí ăn học cho 4 đứa con. Gia đình anh bập bênh giữa sóng gió cuộc đời!

Dù trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, vợ chồng anh vẫn cố gắng cho các con học hành tươm tất. Không phụ lòng cha mẹ, ba đứa con gái của anh là Thu Vân, Ngọc Trâm và Kiều My đều là học sinh giỏi cấp huyện. Đó là niềm an ủi duy nhất của gia đình anh. Thế nhưng sự gắng gượng nào cũng có điểm cuối, dù cố gắng đưa các con đi hết bậc học phổ thông nhưng vì không muốn cha mẹ phải cực vì mình, không đứa con nào của anh chịu thi vào đại học.

Riêng Kiều My, số tiền mà ba mẹ chắt mót cho để đi TP HCM thi đại học thì cháu đã dùng để mua một chiếc máy may cho 3 chị em cùng học nghề rồi làm việc giúp đỡ cha mẹ. Mọi đầu tư dành hết cho đứa em trai thứ  tư là Hoài Phương.

Riêng phần anh Hồng, sau một thời gian chìm đắm trong đau khổ cho số phận đời mình, anh quyết tâm gượng dậy. Anh Hồng kể: "Trong lúc tôi đang vô cùng bi quan đến có lúc đã muốn chết thì một người bạn mang đến tặng tôi một chậu hoa Trà. Tôi ngạc nhiên hỏi "Sao lại đi tặng hoa cho người mù"? Anh ấy bảo là tôi còn có thể thưởng thức hoa bằng những giác quan khác. Thời điểm ấy phong trào chơi mai kiểng đang rộ, tôi liền nghĩ ngay đến việc trồng mai để bán. Tôi lân la đi học cách ghép và cách tạo dáng cho mai. Lúc ấy con trai tôi (Hoài Phương) đã học lớp 8, nó có thể giúp tôi ghép mai theo sự chỉ dẫn của cha và sau đó, tôi tạo dáng cho mai bằng cảm nhận của riêng mình. Từ ký ức và những bài học mà tôi đã học được bằng… tai, tôi dần dần thành thạo với việc chăm kiểng.

Cũng phải nói cho công bằng là những cây mai của anh Hồng được nhiều người ưa chuộng nên anh cũng có đồng ra đồng vào để nuôi con. Ngoài chăm sóc mai nhà, anh Hồng còn được nhiều người mời về tạo dáng mai cho họ. Với sự trợ giúp của cháu Phương, có ngày cha con anh kiếm được vài ba trăm ngàn.

Và, chính những cây mai anh trồng đã "đưa" con trai  anh - Hoài Phương - bước vào giảng đường đại học.

3 chị nuôi 1 em

Cũng như những người chị, Hoài Phương không có điều kiện để thi vào đại học. Anh Hồng kể tiếp: "Thời gian ấy dù bán mai có đồng ra đồng vào nhưng cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống cho gia đình chứ làm gì có tích lũy. Vậy nên khi cháu Phương thi đại học, chưa biết lấy đâu ra tiền  để làm lộ phí thì hôm ấy anh Sáu Miền (BCH Quân sự tỉnh Bình Định) lên nhà tôi xem mai. Tôi tâm sự với anh ấy nỗi lo của mình về chuyện đi thi của cháu Phương. Không nói gì, hôm sau anh Sáu chọn mua 3 cây mai với giá 1 triệu đồng. Thế là con tôi có tiền để lên đường đi thi.

Năm ấy cháu thi 3 trường thì đậu cả 3: Trường ĐH Bách Khoa, ĐH  Kinh tế và ĐH Hàng Hải và cháu đã chọn học trường Bách Khoa (khoa Công nghệ thông tin). May mắn, khi cháu nhập trường thì tôi lại bán được gần 2 triệu tiền mai nữa đủ cho cháu đóng tiền học năm đầu…"!

Khi Nguyễn Hoài Phương vào nhập trường ĐH Bách Khoa thì những người chị của Phương cũng vào đầu quân cho một cơ sở may công nghiệp ở huyện Thủ Đức. Cả ba chị em đều cùng hạ quyết tâm quyết làm lụng để thay cha mẹ nuôi thằng Phương ăn học thành tài.

Khi đã quen dần với môi trường học tập mới, Phương không ỷ vào những người chị nữa mà tự lực bằng cách dạy kèm, làm thêm để tự sống. Đi làm để nuôi sống bản thân và chi dụng cho việc học nhưng Phương vẫn học rất giỏi. Ngoài học bổng chính thức ra, Phương còn được trao học bổng của Cty PSV (Mỹ) và một khoản hỗ trợ khác của một tổ chức Khuyến học của các Việt kiều dành cho những SV nghèo hiếu học (100 USD/năm).

Khi cậu em trở thành nhà tài trợ chính

Hoài Phương có hai đứa em là Ái My và Bảo Phương. Khi Hoài Phương học đến năm thứ tư, bằng cách tiết kiệm học bổng, tiền dạy thêm và làm thêm, Phương đã thay cha mẹ bảo trợ cho em gái Ái My và chị Thu Vân học Cao Đẳng Tài Chính-Kế Toán TP HCM.

Nhờ sự "bảo trợ" này cả Ái My và Thu Vân đều đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định. Và giờ đây 3 chị em Vân - Phương - My lại tiếp tục dồn sức đầu tư cho em Bảo Phương chuẩn bị vào ĐH và Kiều My học ôn để năm tới có điều kiện thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học mà năm xưa đã tạm gác để nuôi em.

Anh Nguyễn Ngọc Hồng tâm sự: "Cháu Hoài Phương có đến 2 học bổng du học, một của Hàn Quốc và một của Mỹ cho cháu đi học thêm về công nghệ phần mềm nhưng cháu đã từ chối tất cả chỉ vì lý do phải làm để lo cho 2 cháu Kiều My và Bảo Phương học đến nơi đến chốn. Hiện cháu đang làm việc cho Công ty PSV với mức lương 600 USD/tháng. Thằng nhỏ rất thương các chị và hai em. Gần như nó chẳng dành cho mình chút gì, nó dành dụm gởi về hỗ trợ vợ chồng tôi, giúp các chị, em ăn học. Thậm chí nó còn động viên con chị lớn - Bảo Trâm cố gắng vừa ổn định gia đình, nuôi con, chăm chồng vừa ôn để thi lại ĐH.  Coi như là nó trả lương cho chị đi học".

"Có lẽ đã đến lúc số phận cũng bớt oan nghiệt cho gia đình tôi rồi đấy chú ạ", vợ chồng anh Hồng chia tay tôi với nụ cười rạng rỡ.

  • Vũ Đình Thung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đi làm vệ sĩ   (10/10/2006)
Nơi tạo dáng cho rượu Bàu Đá   (08/10/2006)
Nhà báo xứ Nẫu ở đất Sài Gòn  (04/10/2006)
Bí quyết nghề bắt tôm hùm giống của ngư dân Cát Tiến  (04/10/2006)
Bình Định Sa Long Cương trong tầm vóc mới  (29/09/2006)
Hư, thực nét Chăm  (29/09/2006)
Ghi nhận từ một cuộc diễn tập  (28/09/2006)
Thẻ ATM đang đi vào ví của chúng ta  (26/09/2006)
Sống cùng mồ mả  (25/09/2006)
Công nghệ tiệc cưới  (22/09/2006)
Vi phạm an toàn điện: Chồng chất nỗi lo  (21/09/2006)
Kiếm sống ở cảng  (20/09/2006)
Đá cầm nóng lạnh…  (18/09/2006)
Hải Minh - cách một tầm nhìn  (17/09/2006)
Đời người đợi rau   (15/09/2006)