Khu di tích Núi Bà: Cần được bảo vệ tốt hơn
7:49', 26/10/ 2006 (GMT+7)

Khu di tích Núi Bà đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1995. Tuy nhiên, đợt kiểm tra, khảo sát mới đây do Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Phù Cát tiến hành tại khu di tích này đã cho thấy: khu di tích đang bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng.

 

Việc khai thác đá được tiến hành ngay sát vành đai di tích Hang Đá Chẹt (Cát Tiến). Ảnh: T.X

 

* Vùng trầm tích văn hóa và lịch sử

Núi Bà nằm về phía Đông Nam huyện Phù Cát, với 66 đỉnh núi cao thấp khác nhau, đỉnh cao nhất trên 800 mét so với mặt nước biển. Đây là dãy núi cao và lớn nhất của đồng bằng Bình Định. Trong lịch sử, Núi Bà từng được nhiều triều đại dùng làm chỗ dựa vững chắc để bảo vệ vòng ngoài kinh thành. Người Chàm đã để lại nơi đây nhiều dấu tích văn hóa. Chúa Nguyễn Đàng trong cũng xây dựng kho dự trữ ở Núi Bà. Trong phong trào Tây Sơn, Núi Bà được chọn làm địa điểm xây dựng căn cứ phòng ngự và chiến đấu. Thời Gia Long, nhà Nguyễn đã bố trí quanh Núi Bà các căn cứ đồn trạm như Đề Gi - Cách Thử.

Núi Bà cũng là một căn cứ địa cách mạng vững chắc, ghi dấu bao chiến công của quân và dân Bình Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong kháng chiến chống Pháp, các cơ sở cách mạng của tỉnh hầu hết đều đóng ở đây. Còn trong kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Núi Bà được củng cố, trở thành chỗ dựa vững chắc cho lực lượng vũ trang của tỉnh.

Mỗi thời đại đều để lại ở Núi Bà những dấu tích văn hóa, gắn với từng giai đoạn lịch sử. Vì vậy, có thể khẳng định Núi Bà là một vùng trầm tích của văn hóa và lịch sử.

* Di tích đang bị xâm hại từng ngày

Gần đây, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Phù Cát đã tiến hành kiểm tra thực trạng 22 điểm di tích thuộc khu di tích lịch sử cách mạng Núi Bà. Kết quả kiểm tra cho thấy, một số điểm di tích đã và đang bị xâm hại do hoạt động khai thác đá chẻ, xây nhà, trồng điều trái phép của người dân địa phương. Có nơi, chính quyền địa phương đã ra lệnh đình chỉ nhưng người dân vẫn tiếp tục khai thác đá tại các điểm di tích. Di tích Đồi Cả (Cát Thành) đang bị những người khai thác đá tàn phá ngay dưới chân đồi; còn di tích hang Đá Chẹt (Cát Tiến) thì trong phạm vi di tích không bị xâm phạm, nhưng người dân địa phương đang khai thác đá trái phép ngay sát vành đai di tích. Tại di tích rừng Cấm (Cát Hưng), một số hộ dân địa phương đã lấn chiếm trồng điều ngay trên vành đai di tích. Còn với di tích núi Gành (Cát Minh) thì phía bắc đang bị khai thác đá, còn phía đông bắc khu vực bảo vệ di tích đang có một số nhà dân xây dựng nhà trái phép.

Ông Nguyễn Hữu Miên - Chánh Văn phòng UBND huyện Phù Cát, cho biết: “UBND huyện đã cho kiểm tra và ra văn bản nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc khai thác đá, nhất là ở những điểm có thể gây xâm hại đến khu di tích Núi Bà. Tuy nhiên, một số nơi, người dân vẫn tiếp tục khai thác đá trái phép”.

* Bảo vệ di tích: việc cần làm ngay

Một trong những khó khăn đối với công tác bảo vệ di tích Núi Bà là hiện nay việc quy định khu vực bảo vệ của một số điểm di tích chưa hợp lý, gây khó khăn cho công tác quản lý. Chẳng hạn, khu vực bảo vệ di tích Sơn Rái diện tích bảo vệ lên đến 750.000m2, còn di tích Hố Nhảy là 60.000m2... Diện tích bảo vệ như vậy là quá rộng, không cần thiết. Còn di tích Đồi Cả (Cát Thành), khu vực bảo vệ là 3.200m2, nhưng lại cách xa vùng đệm di tích nên rất khó cho việc kiểm tra, bảo vệ di tích. Ông Võ Văn Long - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Phù Cát, đề nghị: “Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh và Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cần đo đạc, quy hoạch lại diện tích bảo vệ; đồng thời có sơ đồ cụ thể và hỗ trợ một phần kinh phí để tiến hành cắm mốc giới, bia di tích đối với từng điểm di tích, nhằm tạo thuận lợi cho công tác bảo vệ, quản lý di tích của địa phương”.

Bên cạnh đó, để bảo vệ tốt hơn khu di tích Núi Bà trong thời gian tới, cần chỉ đạo các xã có di tích phối hợp với các ngành chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, khai thác đá trái phép, ảnh hưởng đến di tích. Huyện Phù Cát cũng cần quy hoạch ngay các vùng nằm ngoài khu di tích, nhằm tạo điều kiện khai thác đá nhưng không làm ảnh hưởng đến di tích.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về quê đặt hàng … lông mi giả !  (20/10/2006)
Có một loại rượu Bàu Đá thuần - êm và dịu  (19/10/2006)
Hương vị bún cá và tình yêu xứ sở  (18/10/2006)
Làng gốm đất nung Vân Sơn  (16/10/2006)
Một gia đình thương nhau  (12/10/2006)
Đi làm vệ sĩ   (10/10/2006)
Nơi tạo dáng cho rượu Bàu Đá   (08/10/2006)
Nhà báo xứ Nẫu ở đất Sài Gòn  (04/10/2006)
Bí quyết nghề bắt tôm hùm giống của ngư dân Cát Tiến  (04/10/2006)
Bình Định Sa Long Cương trong tầm vóc mới  (29/09/2006)
Hư, thực nét Chăm  (29/09/2006)
Ghi nhận từ một cuộc diễn tập  (28/09/2006)
Thẻ ATM đang đi vào ví của chúng ta  (26/09/2006)
Sống cùng mồ mả  (25/09/2006)
Công nghệ tiệc cưới  (22/09/2006)