Nghe tin, năm học này, Trường THCS Cát Tường (Phù Cát) đã phải mở đến 3 lớp “sáng 6 chiều 1” (học sinh lớp 6 học lại chương trình tiểu học) chúng tôi vội tìm đến ngay. Ông Nguyễn Kế Trinh, Hiệu trưởng trường ngần ngữ rất lâu (có mấy ông hiệu trưởng không ngần ngữ khi đối diện với sự tình này nhỉ). Cuối cùng, có lẽ không nói thì cũng chẳng được vì chuyện đã trật ề ra đó, nên ông Trinh buồn rầu kể lại mọi chuyện.
|
Học sinh lớp 6 này không thể đọc được mẩu tin nhỏ trên báo.
| Những bài văn, phép toán… “ngoại hạng”
Ông Nguyễn Kế Trinh đưa cho chúng tôi xem mấy bài tập làm văn của học sinh (HS) lớp 6. Đề bài: “Kể lại một chuyện đã biết (truyền thuyết, cổ tích) bằng lời văn của em”. Chúng tôi xin trích một đoạn văn của H., học sinh lớp 6A7 như sau: "San lồi mĩ nương Có một người con trai têm mĩ nương, là gì, Sán ngày hôm sau mĩ nương dẫn một con đớn đánh gặc lon Aưc lồi.Vua Hung thức 18 có 1 người con. trai tên là lục lon Aưc vua Hung Cẫi khữa sác qà áo sác qà rồi sác rôi cỡi khữa đách son lôi, lon qươn dục áo sác qà ròi rác, loc Qưc cỡ khữa gì trời ac lôi đã sán lồi lon Qươn…”.
Đố bạn đọc hiểu H. muốn nói cái gì. Còn chúng tôi, quả thật, dù đã “căng mắt, vắt óc”, chúng tôi cũng không thể hiểu được HS này muốn nói gì, viết bằng ngôn ngữ gì (?) Một bài tập viết chính tả (nghe - viết) của một HS khác có tên là Nguyễn Đăng C., lớp 6A 3 chưa được 100 chữ thì đã có hơn gần nửa số chữ viết sai chính tả, nét chữ thì đến gà mà bới cũng phải thua. Còn theo báo cáo của giáo viên Trần Cao Nhân thì “lớp 6 A2 có 2 HS đọc không được, 9 HS viết không được…”. Đến đây, chúng tôi không “nhịn” được nữa mà đòi hiệu trưởng cho “tận mục sở thị” ngay những lớp học “sáng 6 chiều 1” này.
|
Ông Nguyễn Kế Trinh đang làm việc với phóng viên Báo Bình Định.
|
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Tại lớp 6 A2, thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Văn Lưu cho biết: “Các em học chính khóa vào buổi chiều, còn sáng nay thì được học lại chương trình tiểu học, 3 buổi/tuần, mỗi buổi học 2 tiết Toán, 2 tiết Văn - Tiếng Việt”.
Một phụ huynh: Có đến 130 học sinh học lớp 6 buổi sáng nhưng đến chiều lại phải học lại lớp 1 là một sự thật kinh hoàng! Vậy mà vấn đề này chưa bao giờ được đưa ra thảo luận trên bất cứ diễn đàn nào. Tôi đề nghị, HĐND tỉnh, HĐND huyện xem xét lại vấn đề này. Tôi tin, đây không phải là hiện tượng cá biệt, có thể còn nhiều trường học khác cũng vướng phải chuyện mà trường THCS Cát Tường đang phải đối diện. |
Để làm mẫu, thầy Lưu viết một phép chia 2 và gọi một HS tên C. lên bảng giải. HS này loay hoay cả 15’ mà vẫn không giải được phép tính đơn giản. Thầy lại đề nghị các bạn khác lên giải thay, nhưng HS nào cũng… lắc đầu.
Tại lớp 6 A3, cô giáo Trần Thị Thu cũng đang phải khó nhọc giảng giải lại từng phép cộng, trừ, nhân, chia cho từng HS một. Cô Thu cho biết: “Lúc mới mở lớp, tôi đọc đề toán cho các em chép. Cả lớp đều ngơ ngác nhìn… cô. Rồi các em yêu cầu, cô đừng đọc gì, đừng giảng gì, tụi em không nghe được, không hiểu ra đâu. Cô cứ viết lên bảng (!). Chẳng còn cách nào khác, tôi đành phải chép đề toán lên bảng. Các em nhìn và chép lại mà vẫn chép sai, nhiều em, ngay cả đề bài cũng không đọc được”. Có lẽ phải gọi động tác chép bài của những học sinh này là vẽ mới đúng, tôi thầm nghĩ.
Do HS không thể “tư duy” được toán, cô Thu vừa phải kiểm tra HS chép đề toán xem có đúng không, vừa giảng đi giảng lại cho từng em nên trong cả tiết chỉ dạy được một vài bài toán đơn giản. Tôi cảm thấy xót xa khi nghĩ đến việc chiều nay, các em sẽ trở về với chương trình lớp 6- chương trình thực tế của các em với lượng kiến thức cao hơn rất nhiều so với buổi học sáng nay.
Các em sẽ phải làm gì cho hết tiết học?
|
Học sinh này không làm được một phép chia đơn giản.
|
Tạo sao phải “sáng 6 chiều 1”?
Theo ông Nguyễn Kế Trinh, những năm gần đây, tỷ lệ HS lớp 6 ở lại lớp khá cao so với các khối lớp khác. Chẳng hạn, năm học 2004 - 2005, tỷ lệ HS lớp 6 ở lại lớp là 10%; năm học 2005-2006 là 22,2%. “Qua tìm hiểu nguyên nhân và cho kiểm tra chất lượng đầu năm học, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng nhiều HS từ tiểu học chuyển lên chưa đọc thông viết thạo, làm toán cộng, trừ, nhân chia, còn chưa rành rẽ” - ông nói, rồi đưa cho chúng tôi xem kết quả kiểm tra chất lượng đầu năm học 2006 - 2007. Đối với lớp 6, trường đã lấy đề thi học kỳ 2 của lớp 5 cho HS làm lại. Vậy mà, số HS có điểm từ 0 đến 3 chiếm đến 52,24% (môn Văn) và gần 58,9% (môn Toán); từ 3,5 đến 4,5 điểm chiếm 21,9% (môn Văn) và 20,4% (môn Toán)…
Hầu như tất cả các HS ở lại lớp đều sẽ bỏ học. Năm học 2005- 2006, Trường THCS Cát Tường có 122 HS bỏ học (6%), trong đó, có đến 38 HS lớp 6 (8,3%). Các năm trước, trường phải chia đều HS yếu, kém cho các lớp nhưng số HS này không làm sao theo kịp trình độ các bạn trong lớp nên phải ở lại lớp.
Không còn cách nào khác, năm học này, trường quyết định phải gom số HS này lại để tổ chức lớp riêng. Ông Trinh cho biết, lúc đầu giáo viên phản ứng vì không ai muốn dạy lớp yếu cả, còn phụ huynh HS thì mặc cảm, không muốn con mình bị mang tiếng là học lớp dốt. “Trường phải tổ chức họp phụ huynh để đả thông tư tưởng cho cha mẹ HS đồng thời đưa vấn đề ra chi bộ biểu quyết, phân công các đảng viên trực tiếp dạy và chủ nhiệm những lớp HS yếu, kém” - Ông Trinh kể lại mà vẫn còn thần thờ.
Vậy là, từ đầu năm học đến nay, 130 HS lớp 6 của trường - cứ buổi sáng học chương trình lớp 6, đến chiều lại đến trường để nạp lại chương trình tiểu học. Cô giáo Thu tâm sự: “Tụi tui chuyên môn cấp 2, phải dạy thêm chương trình tiểu học… thật khó! Nhưng trường phân công nên phải cố, với lại, cũng thấy thương các em”.
|
Cô giáo Thu phải giảng đi giảng lại bài toán nhưng HS vẫn không hiểu.
|
Chữa “bệnh”- phải tận gốc!
Nhiều gia đình có con, em học kém, bỏ học, được các giáo viên vận động trở lại trường, nhưng chỉ được một thời gian thì “đâu lại vào đấy”: Vẫn học kém, lêu lổng không muốn học, đến trường nhưng không vào lớp và cuối cùng thì lại bỏ học. Trước tình trạng này, không ít gia đình đã buông xuôi.
Trong thư gởi cô giáo chủ nhiệm, ông Nguyễn Văn Phát, phụ huynh của HS Nguyễn Thành Phát, đã bỏ học giữa năm lớp 9, năm học trước có đoạn: “Tôi càng buồn hơn khi Phát thực sự nghỉ học….Từ lâu, biết Phát học yếu nhưng gia đình đã cố gắng cho cháu học hết cấp 2, nay gần đến đích mà không được. Nhưng biết làm sao, khi học dở thì hay chán lớp. Thôi thì, thà để cô giáo một lần nữa buồn còn hơn kéo hết học kỳ”.
Năm học vừa qua, huyện Phù Cát có 100% số HS lớp 5 được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, trong đó có 3 trường tiểu học ở Cát Tường. Dù không có văn bản, giấy tờ nào quy định nhưng các trường đều có một quy chế bất thành văn: hạn chế tối đa việc HS tiểu học phải ở lại lớp để thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học! Vậy là, chỉ trừ những HS thiểu năng, còn lại, có yếu, kém đến mấy, giáo viên chủ nhiệm cũng phải tìm cách mà “vớt” các em lên. Và cứ như thế, HS yếu, kém lại tiếp tục học lên cấp 2. Em nào chán học quá thì “giữa đường gãy gánh”, chứ số còn lại “cố lên” thì cũng tốt nghiệp được cấp 2 (tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS của huyện Phù Cát năm học 2005- 2006 là 99,2%), rồi vào học một trường bán công (THPT) nào đó… |
Chúng tôi tìm đến nhà của HS Lương Văn An đã bỏ học nhưng cha mẹ của HS này đã đi làm ăn xa. Ở nhà chỉ có hai anh em. Lương Văn Trọng, 18 tuổi, anh trai của An cho biết: “Tôi biết em tôi học rất yếu, nhưng không hiểu sao vẫn lên lớp đều đều. Năm nay, nó lên lớp 6 nhưng vẫn không biết đọc, biết viết nên nản, không muốn đi học nữa...”. Ông Trinh tìm trong hồ sơ HS và đưa cho chúng tôi xem học bạ tiểu học của An. Các năm học em đều có điểm xếp loại học tập cả năm ở mức trung bình. Nhưng có một điều lạ là HS này luôn biết “bức phá” ngoạn mục vào phút chót. Chẳng hạn, Học kỳ 1 (lớp 3) Tiếng Việt: 3,9, Học kỳ 2 tiến thẳng lên: 5,5 (điểm trung bình cả năm 5,0)…
Hành trình “khổ học” của những HS này là gì nếu không gọi đó là căn “bệnh thành tích” trong giáo dục? Ông Trinh tâm sự: “Thấy HS bỏ học nhiều quá (6%), các giáo viên trong trường cứ băn khoăn có nên báo cáo thật với phòng giáo dục hay không (?). Nhưng tôi động viên anh em, phải báo cáo hết, báo cáo trung thực để cấp trên còn tìm thuốc mà… chữa!”.
Trường THCS Cát Tường 3 năm gần đây liên tục là trường tiên tiến của huyện Phù Cát. Ban giám hiệu và các giáo viên trong trường cũng đã làm hết sức mình để hạn chế HS bỏ học, HS yếu kém “ngồi nhầm lớp” nhưng quả thực là… lực bất tòng tâm, bởi căn nguyên sâu sa của vấn đề không nằm trong ý muốn chủ quan của trường. Vậy thì, với cái kiểu “đã đi học là phải được lên lớp” này, chúng tôi tin rằng chuyện HS lớp 6 đọc không thông, viết không thạo không chỉ có riêng ở Cát Tường mà còn nhiều địa phương khác nữa. Chỉ có điều, hiệu trưởng của các trường đó có đủ dũng cảm để làm cái việc như Cát Tường đã làm hay không?
Tuy nhiên, theo chúng tôi, cách chữa bệnh thành tích theo kiểu “sáng 6 chiều 1” này cũng chỉ giải quyết được phần “ngọn” của vấn đề mà thôi. Thiết nghĩ, từ câu chuyện của Cát Tường, ngành GD-ĐT cần phải có sự khảo sát, nhìn nhận lại chất lượng thực của giáo dục hiện nay để có biện pháp triệt phá tận gốc!
Cần xem lại chủ trương “1 chương trình cho toàn quốc”!
Trước đây, Bộ GD-ĐT cũng đã có chương trình riêng cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Nhưng khi “đổi mới chương trình SGK phổ thông” những nhà quản lý GD cho rằng: cả nước chỉ nên có một chương trình, không thể chia cắt thành nhiều chương trình khác nhau.
Để làm được điều này, nhà quản lý có đầy đủ lý luận để giải thích cho việc “có một chương trình”. Nhưng thực tế đã trả lời rõ, quyết định trên rất bất cập, xa rời thực tế. Kết quả “ngồi nhầm lớp” không thể đổ tại những thầy giáo đang chịu mọi cực nhọc để bám bản, bám lớp, cũng không thể đổ lỗi cho HS vì nhận thức của các em chỉ đến thế, không thể bắt các em “ngồi nhầm lớp” với HS thành phố. “Ngồi nhầm lớp” là sản phẩm tất yếu của quan điểm xa rời thực tế hiện nay.
Phải khảo sát trình độ nhận thức, điều kiện sống và học tập của học sinh các vùng khó khăn để xây dựng chương trình GD phù hợp. Bên cạnh đó là thay đổi quan điểm về đánh giá, bồi dưỡng giáo viên để có thể thực hiện các giải pháp linh hoạt với nhiều đối tượng, trình độ học sinh trong cùng một lớp… Việc đó, lẽ ra phải làm từ đầu. |
|