Làng mai Háo Đức sống chung với ô nhiễm
16:37', 8/11/ 2006 (GMT+7)

Trồng mai đem lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại cây trồng khác. Vì thế trong chừng 5 năm trở lại đây phong trào trồng mai ở Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn nói riêng và nhiều nơi trong tỉnh đã phát triển rầm rộ. Việc trồng mai ồ ạt và việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để bơm, phun cho mai ngày càng nhiều khiến môi trường sống xung quanh làng mai bị ô nhiễm. Tuy chưa có những hậu quả rõ ràng nhưng những tác hại đầu tiên đã được chính những người trồng mai xác nhận.

 

Người trồng mai ở Háo Đức trồng nhiều mai, phun thuốc thường xuyên nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện đủ các điều kiện bảo hộ an toàn lao động (ảnh chỉ có tính minh họa).

 

Đầu tháng 9 âm lịch chúng tôi về làng mai Háo Đức, đây là lúc người trồng mai Háo Đức lại tập trung chăm sóc, tạo tán, phân chi để mai có nhiều hoa, tròn cây để dễ bán. Cùng lúc này, nhiều hộ đang chuyển chậu, tạo dáng cho những lứa mai mới trồng hoặc tìm thêm diện tích để tăng thêm số lượng mai trồng.

Trồng nhiều, phun nhiều

Theo thống kê của xã Nhơn An, hiện toàn thôn Háo Đức có 425 hộ thì có đến 95% số hộ trồng mai. Người trồng ít cũng được 300-400 chậu, người trồng nhiều lên đến 4.000-5.000 chậu. Ông Bùi Quý Nam, Trưởng thôn Háo  Đức nói nửa đùa nửa thật: “Gần như chỉ những hộ già cả, neo đơn quá mới không trồng mai chứ ở cái thôn này mà nhà nào không trồng mai thì không phải là dân Háo Đức chú ơi. Cái Tết năm rồi, cả thôn bán mai cũng kiếm được từ 2,5 đến 3 tỉ đồng. Thu nhập cao như thế nên ai cũng hăm hở lao vào trồng mai”.

Mà thật ngay cả ông thôn trưởng dù việc thôn, việc nhà bận rộn, ông cũng  trồng được 500 chậu mai. Nhưng do việc chăm sóc mai “bữa đực, bữa cái” nên vườn mai của ông Nam so với những vườn mai khác trong thôn thì còn kém. Ông Nam cho biết: “Mai phải chăm sóc thường xuyên, hễ phát hiện mai bị bệnh là cho bơm thuốc liền để loại trừ sâu bọ, chậm một ngày là nó sẽ lan ra cả vườn rất nhanh. Sáng sớm tôi đã ra khỏi nhà, tối mịt mới về nên vườn mai có mắc bệnh mình cũng không phát hiện kịp để phun thuốc”.

Chúng tôi đến nhà ông Lê Văn Phú, người trồng mai thuộc cỡ nhiều nhất Háo Đức. Vừa đặt chân vào vườn mai của ông Phú, chúng tôi bị choáng ngợp trước một vườn mai rộng bao la. Quanh nhà toàn mai là mai. Vừa sửa mai ông Phú vừa cho biết: “Tết năm vừa rồi tôi bán mai thu được trên 200 triệu đồng, giờ trong vườn còn khoảng 5.000 chậu từ 15 tuổi trở xuống. Do diện tích vườn nhà hết chỗ trồng, dự kiến năm sau tôi sẽ cho trồng thêm 2 sào đất lâu nay trồng lúa gần nhà. Mà đây gần như là xu thế chung, vườn nhà kín mít rồi, nhà nào cũng đem mai ra ruộng. Trồng mai giờ cũng như trồng rau vậy”.

Không nhiều như ông Phú nhưng ông Triệu Văn Liêm, 44 tuổi, ở xóm 3, thôn Háo Đức, một người trồng mai 5 năm, cũng có gần 2.000 chậu. Trong đó, mai có độ tuổi 1 năm 1.500 chậu, số mai còn lại được 4 năm tuổi. Do vườn nhà quá chật chỉ đủ đáp ứng cho 500 chậu mai, ông Liêm cho mở rộng diện tích trồng sang 2 sào ruộng gần sát bên nhà. Hiện nay, ông Liêm là hộ trồng mai duy nhất ở Háo Đức có sáng kiến cho tháo nước vào… ruộng mai để hạn chế cỏ mọc. Lái câu chuyện sang việc độc hại của các hóa chất trong lúc sử dụng bơm cho mai, ông Liêm trầm ngâm đôi chút rồi cho biết: “Để khỏi phải phun thuốc diệt cỏ, tôi kê 2-3 lượt gạch ống rồi mới kê chậu lên, sau đó tháo nước vào khu ruộng nuôi mai. Cỏ nói vậy chứ chẳng bao nhiêu. Phần nhiều là trừ sâu, bọ, rệp; kích thích tăng trưởng… Bao nhiêu năm sử dụng hóa chất để chăm sóc lúa, giờ sang chăm sóc mai, ai cũng biết tác hại của nó nhưng vì miếng cơm, manh áo thì phải đánh chấp nhận thôi. Sắp tới đây tôi định đào hào quanh ruộng dể thả cá xem thử có hạn chế sâu bọ được phần nào không”.

Thực tế hiện nay, mai Háo Đức được trồng san sát với từng nhà dân. Người này phun thuốc mà người kế bên chưa kịp phun thì chỉ vài ba ngày là sâu bọ hại mai cũng sẽ lây lan từ vườn nhà này sang nhà kia. Vì thế mà lẽ ra mươi, mười lăm ngày mới phải phun chẳng hạn thì chu kỳ cứ ngắn lại dần. Việc hàng ngày người dân tiếp xúc trực tiếp với những hóa chất độc hại và nhiễm độc thụ động là rất nhiều. 

 

Ông Triệu Văn Liêm đã có sáng kiến hạn chế dùng thuốc diệt cỏ bằng cách kê gạch ống - tháo nước vào ruộng mai.

 

Nguy cơ nhiễm độc lơ lửng trên đầu

Với 5.000 chậu mai hiện có, chí ít mỗi tháng ông Phú phải sử dụng đến 18 bình thuốc hóa chất để bơm mai. Mỗi lần bơm phải mất từ 5-7 ngày mới xong. Bởi theo ông Phú, lượng hóa chất lớn, rất độc nếu bơm liên tục thì sức người nào chịu nổi. Mai càng lớn, việc bơm các loại thuốc hóa chất mất rất nhiều thời gian, vì lá mai ra nhiều phủ kín nên cần phải bơm thật kĩ để diệt hết các loại sâu, bọ.

Làm cái nghề trồng mai, chăm sóc mai nay ai cũng biết độc hại cả nhưng vì kinh tế phải đành chấp nhận. Ông Phú ngậm ngùi cho hay: “Dù tôi trồng mai với số lượng lớn nhưng chỉ có hai vợ chồng làm và thuê người ngoài. Con cái thì đi học hoặc đi làm ăn xa, không đứa nào muốn nối nghiệp cả. Vì tụi nó không chịu nổi mùi hóa chất mỗi ngày bơm cho mai. Lúc trước nhà tui cũng nuôi con gà, con heo nhưng nuôi hoài không lớn, heo có thai thì xẩy vì ảnh hưởng hóa chất. Vợ chồng tui cũng tính làm mấy năm nữa, tạo thêm chút vốn là nghỉ dần”.

Nói đến đây ông Phú đảo mắt nhìn khắp vườn mai của mình ánh mắt không giấu được sự lo lắng. Tôi hiểu một người có thâm niên trồng mai và gắn bó với cây mai như ông Phú rất đắn đo khi bỏ nghề. Bẵng đi vài phút, ông Phú lại thốt lên: “Giá mà nhà nước mình chế ra các loại thuốc diệt được các loại sâu, bọ mà không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người thì hay biết mấy chú à?”.

Ông Bùi Quý Nam, Trưởng thôn Háo Đức: “Vì giá trị cây mai mang lại lớn quá nên người dân không thể từ bỏ mà ngược lại ngày càng phát triển mạnh hơn. Không còn đất vườn để trồng mai, nhiều hộ cho trồng những đám ruộng gần nhà, kể cả những khu được quy hoạch khu dân cư cũng được người dân đấu giá để lấy mặt bằng trồng mai. Chính vì thế, số lượng mai ngày càng nhiều thì lượng thuốc BVTV phun cho mai ngày một tăng, do đó việc ô nhiễm hóa chất độc hại ở Háo Đức ngày càng trầm trọng. Chúng tôi biết cả nhưng làm gì để hạn chế khắc phục thì có lẽ phải đến cấp huyện, cấp tỉnh chứ cấp thôn xã như chúng tôi thì tính sao ra... Mà có nói cũng chả ai nghe”.

Theo những người trồng mai ở Háo Đức, hiện nay bọ trĩ là tác nhân gây hại khó diệt nhất. Cách đây 3 năm thì loại này chưa xuất hiện bao nhiêu. Nhưng do những năm gần đây, người dân Háo Đức tăng số lượng, kê chậu san sát nhau, cho mở rộng diện tích trồng mai sang các đám ruộng hoặc trồng sát với những ruộng lúa nên bọ trĩ đã lây sang mai nhanh mà việc trị cho nó dứt lại rất lâu. Diệt bọ trĩ rất khó. Không như sâu, rệp thuốc bám lên mặt lá là sâu... đứt bóng... Bọ trĩ sống ở mặt dưới của lá nên khi phun phải phun từ trên xuống đã đành mà còn phải phun theo chiều từ dưới lên để tấn công trực tiếp bọ trĩ ngay môi trường nó đang ký sinh thì hiệu quả mới cao.

Anh Bảo, một người chuyên đi bơm thuốc mướn cho các vườn mai ở Háo Đức, nói: “Lúc trước chưa xuất hiện loại bọ trĩ nên tôi còn đi bơm mướn cho các vườn mai, giá bơm 5.000 đồng/bình loại 8 lít và 10.000 đồng/bình loại 16 lít. Từ khi loại bọ trĩ xuất hiện nhiều, các chủ vườn mai đổ xô đi mướn bơm thuốc để loại trừ, nhưng muốn diệt được loại bọ trĩ thì phải sử dụng thuốc cực độc và phải sử dụng liều lượng khá nhiều. Có chiều tôi bơm từ 5-6 bình thuốc về nhà là cảm thấy mệt mỏi, nhiều lần như thế tôi cảm thấy sức khỏe mình bắt đầu giảm sút do tiếp xúc nhiều với các hóa chất. Tôi quyết định không đi phun thuốc mướn nữa, chỉ phun cho vườn mai nhà mình. Không riêng gì tôi, ở thôn Háo Đức có 3 người thường đi bơm thuốc mướn cho các vườn mai cũng bỏ nghề. Dù nhiều chủ vườn mai đến năn nỉ, bồi dưỡng tiền phun thuốc cao hơn nhưng không ai làm. Giờ các chủ vườn phải tự mình phun thuốc cho vườn mai”.

Ông Nguyễn Hà, thôn Trung Định, xã Nhơn An-một người chuyên đi sửa mai cho các chủ vườn ở Háo Đức, tâm sự: “Kể gì đến chuyện đi phun thuốc. Cả cái việc đi sửa mai như tôi đang làm đây cũng nguy hiểm lắm. Mỗi ngày có thể kiếm được vài chục ngàn nhưng vì phải tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc BVTV mà chủ vườn phun. Nhất là khi mới phun thuốc một, hai ngày dư lượng độc tố còn tồn lưu nhiều, gặp khi nắng gắt là không chịu nổi”.

Theo kinh nghiệm của những người trồng mai, sau khi phun thuốc BVTV, tùy mức độ nặng, nhẹ mà việc chăm sóc mai phải cách từ 5-6 ngày. Nhưng đa số, công việc chăm sóc mai rất gấp rút nên chỉ sau một, hai ngày là họ phải bắt tay vào việc ngay. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc BVTV của những người trồng mai còn khá tùy tiện. Trong khi phun thuốc nhiều người không bịt khẩu trang, mặt đồ bảo hộ để hạn chế việc ngộ độc. Nhiều lúc sử dụng liều lượng thuốc khá cao.

Ngoài ra khâu nhổ cỏ cho mai cũng tốn khá nhiều công, đa số các chủ vườn mai phải đi mướn công nhổ cỏ ở những thôn khác, xã khác. Chị Trần Thị Tư, ở thôn Trung Định, xã Nhơn An, cho hay: “Bây giờ ngày nông nhàn nhiều, sau khi mùa màng xong không có việc gì làm, chị em trong thôn rủ nhau đi nhổ cỏ cho các vườn mai, ngày công cũng được 20.000 - 30.000 đồng. Mặc dù chúng tôi bịt mặt thật kín nhưng mùi hóa chất của thuốc BVTV bơm cho mai hôi cũng không chịu nổi. Nhất là những lúc nắng gắt, mùi hóa chất nồng nặc nhiều khi chúng tôi phải bỏ về chờ thuốc phai bớt mới đi làm lại. Nhưng không có việc gì làm lại phải quay về các vườn mai. Vừa làm vừa chép miệng, thôi nghèo thì đành chịu”.

Không những việc phun thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người sống chung quanh mà gia súc, gia cầm cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Long một người có thâm niên trồng mai hơn 5 năm ở Háo Đức tiết lộ: “Giờ người dân ở thôn Háo Đức đã trồng mai thì hầu như không còn chăn nuôi. Bởi một lẽ chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế không cao. Thứ đến là không còn gì chịu nổi ảnh hưởng của thuốc BVTV. Mai san sát, giáp đến hiên nhà, sau bếp, đâu đâu cũng có mai. Con bò, con heo đến thời kì mang thai thì bị sẩy thai; mà nuôi để thịt thì còi cọc, gà, vịt thì nuôi lâu  nhưng không thấy lớn hoặc thường xuyên bị chết…”

 

Ở cỡ mai như thế này, việc phun thuốc cho cây mai đã đều đặn.

 

Nhắm mắt với cái lợi gần...

Một thanh niên đang tưới mai, nghe chúng tôi hỏi cười phá lên - Chừng nào đau bịnh, chết chóc thì tới đó hãy lo, chớ bây giờ mình không trồng, không phun thì hàng xóm cũng trồng cũng phun. Nói như mấy anh thì chỉ có nước bán nhà đi nơi khác mà sống mới ổn! Cười cười như vậy nhưng sau một hồi trò chuyện, anh thanh niên không cho biết tên này cũng đồng ý - Phun thuốc BVTV như người làng mai đang làm mấy năm nay, đến một lúc nào đó không chỉ sâu bọ chết, mà thiên địch có lợi cho cây trồng cũng không sao sống nổi. Cái hại thì quá rõ... và anh thở dài - Thôi, tới đâu hay tới đó.

Ô nhiễm hóa chất ở Háo Đức không chỉ từ việc bơm phun thuốc mà còn đến từ việc bảo quản thuốc, bao bì đựng thuốc sau khi sử dụng xong được hủy không đúng cách. Các tác nhân gây hại về lâu dài sẽ thấm sâu xuống đất, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Bởi theo những người trồng mai, mai trồng sau 1 năm là phải thay đất, số đất lâu nay nhiễm các hóa chất lại không thể đem bỏ đi đâu mà chỉ đổ xuống tại chỗ. Lượng hóa chất còn tồn lưu trong đất trồng mai khi gặp mưa sẽ thấm sâu xuống đất.

Và cứ thế hiểm họa ô nhiễm đã giăng mắc khắp nơi ở Háo Đức. Sẽ không có gì bất ngờ nếu vài năm nữa bỗng nhiên những chứng bệnh nan y sẽ rộ lên ở Háo Đức. Không diễn ra như vậy thì đúng là chuyện lạ, một người trồng mai có người thân chết do bị ảnh hưởng quá nặng bởi hóa chất bảo vệ thực vật buồn bã nói với chúng tôi. Sao không ai quy hoạch hoặc cảnh báo triệt để hơn cho dân.

  • Nguyễn Phúc - Bá Phùng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thung lũng gà chỉ  (31/10/2006)
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng  (29/10/2006)
Bánh xèo Bình Định ở cố đô Huế  (27/10/2006)
“Cuộc chiến” giảm cân  (27/10/2006)
Khu di tích Núi Bà: Cần được bảo vệ tốt hơn  (26/10/2006)
Về quê đặt hàng … lông mi giả !  (20/10/2006)
Có một loại rượu Bàu Đá thuần - êm và dịu  (19/10/2006)
Hương vị bún cá và tình yêu xứ sở  (18/10/2006)
Làng gốm đất nung Vân Sơn  (16/10/2006)
Một gia đình thương nhau  (12/10/2006)
Đi làm vệ sĩ   (10/10/2006)
Nơi tạo dáng cho rượu Bàu Đá   (08/10/2006)
Nhà báo xứ Nẫu ở đất Sài Gòn  (04/10/2006)
Bí quyết nghề bắt tôm hùm giống của ngư dân Cát Tiến  (04/10/2006)
Bình Định Sa Long Cương trong tầm vóc mới  (29/09/2006)