Nối yêu thương, chia phiền muộn
8:48', 10/11/ 2006 (GMT+7)

Mươi, mười lăm năm trước, hình ảnh anh bưu tá luôn gắn liền với chiếc xe đạp đèo một túi đầy nhóc thư báo sau ba ga. Còn bây giờ đi theo anh là xe máy, lượng công việc cũng nhiều hơn. Bưu tá thầm lặng làm những nhịp cầu nối yêu thương, chia phiền muộn, tìm niềm vui cho mình trong niềm vui của người khác.

* Một ngày như mọi ngày

6 giờ sáng một ngày đầu tuần. Trong khi ngoài trời đang lạnh thì phòng làm việc của Tổ bưu tá Bưu điện TP Quy Nhơn như được đốt nóng bởi một bầu không khí làm việc khẩn trương. Ngày đầu tuần nên lượng thư báo dồn từ ngày chủ nhật sang khiến công việc nhiều hơn ngày thường. Gần 20 bưu tá, ai nấy đều cắm cúi, tất bật với việc phân loại báo chí, thư từ, công văn, chia theo các địa chỉ và sắp xếp chúng vào từng ô trên chiếc kệ đã có ghi sẵn tên các địa chỉ lớn (cơ quan) nằm trên tuyến đường mình được phân công phụ trách.

 

Phân loại thư, báo trước khi đi phát.  Ảnh: N.S

 

Với anh Đoàn Ngọc Quang, hơn 30 năm trong nghề bưu tá, anh luôn có mặt tại cơ quan vào lúc 6 giờ sáng. Cùng với các anh em trong tổ, anh nhanh chóng phân loại và sắp xếp báo chí, thư từ, công văn, bưu phẩm vào túi của mình theo thứ tự đường đi. 7 giờ, mỗi người một túi thư, báo nặng trịch sau xe cùng xuất phát. Ngày nắng gió cũng như ngày mưa bão, bưu tá đều đi làm. Trung bình mỗi ngày một bưu tá phải đèo một lượng thư báo nặng khoảng 60kg và đi cũng chừng ấy km đường với khoảng 150 điểm dừng để mang tin tức đến cho mọi nhà. Công việc vất vả, suốt ngày ở ngoài đường, đó cũng chính là lý do vì sao nghề này không nhận lao động nữ.

“Nhanh chóng, chính xác, an toàn, tiện lợi”, để đảm bảo các nguyên tắc vàng này, khâu quan trọng nhất là phân loại và sắp xếp thư báo trước khi mang đi giao cho khách hàng. Anh Nguyễn Hà Ngọc tâm sự: “Đưa 10 lá thư thì thấy đơn giản, chứ 100 lá thì thấy rối rồi. Vậy nên bưu tá phải tính toán sao cho lộ trình của mình ngắn nhất mà vẫn đảm bảo không bỏ sót một địa chỉ nào”.

 

* Buồn vui nghề nghiệp

Tổ bưu tá Bưu điện TP Quy Nhơn có 19 người tất cả, phụ trách chuyển thư, báo đến các địa chỉ thuộc nội thành, trong đó ngoài 1 tổ trưởng quản lý chung thì có 13 bưu tá đưa thư báo và 5 bưu tá chuyển EMS (phát chuyển nhanh).

Người ta ví nghề bưu tá là nghề “nối những bờ vui”. Niềm vui của bưu tá thật giản dị, như anh Đoàn Ngọc Quang thổ lộ: “Thấy người ta vui khi nhận được thư người thân, mình cũng vui lây”. Nhà ai có con đi học xa thường viết thư về, nhà ai có người thân ở nước ngoài, nhà ai có nhiều sinh viên ở trọ hay mong thư…, bưu tá đều biết hết. Mối thâm tình giữa bưu tá và người dân cũng nên hình từ đấy, như mời uống nước, mời ăn cơm khi gặp bữa, mời dự đám giỗ… Anh Nguyễn Mạnh Hùng - Tổ trưởng Tổ bưu tá - kể: lúc anh còn đi đưa thư báo, anh đã được một bác cán bộ hưu trí ở đường Tăng Bạt Hổ (TP Quy Nhơn) nhận làm con nuôi. Chuyện thú vị hơn khi sau này, hỏi lần ra gốc tích mới hay ông ngoại anh Hùng cũng đã từng nhận mẹ nuôi anh làm con nuôi.

Chuyện buồn của bưu tá cũng có, là khi gặp khó khăn, tai nạn nghề nghiệp như: bị chó cắn, địa chỉ khó tìm, vô tình làm thất lạc thư báo. Anh Phan Văn Lịch đã vài lần bị chó cắn khi đưa thư. Anh Ngọc thì có lần bị một người điên ném đá đến tét mi mắt, phải nghỉ làm dưỡng thương cả nửa tháng.

 

Niềm hạnh phúc của bưu tá là khi được vui lây với cái vui của khách hàng. Ảnh: Phạm Hoài An

Anh em bưu tá thỉnh thoảng vui vui vẫn kể lại chuyện anh Thành bị “mắc lừa” một chú chó. Hôm ấy anh Thành mang thư đến cho một ông cụ cán bộ hưu nhưng nhà đóng cửa. Anh gọi cửa, nghe có tiếng loạt soạt nên nhét lá thư qua khe cửa, và yên chí vì phía trong có ai đó rút lấy thư. Vài hôm sau, ông cụ than phiền lá thư của ông bị chó xé rách bươm, anh mới té ngửa ra hôm ấy người nhận thư là chú cẩu.

Ngoài ra, các bưu tá cũng có những nỗi niềm riêng rất cần được chia sẻ. Hiện nay, hầu hết bưu tá đều đã dùng xe máy đi làm nhưng họ vẫn cứ phải hưởng chế độ công tác phí và hao mòn… xe đạp với mức giá quy định cách nay khá lâu: 120đ/km. Và số tiền này không thể bù đắp đủ những hao phí mà họ đã bỏ ra để đáp ứng yêu cầu công việc.

 

* Một chút hoài niệm

Ngày xưa, khi chưa có e-mail, chat, internet, điện thoại di động, điện thoại bàn cũng hiếm, thư gởi qua đường bưu điện là hình thức thông tin phổ biến nhất nên khi anh bưu tá dừng lại trước một căn nhà nào đó và cất tiếng gọi: “Nhà cô A (anh B) có thư đây…” là y như rằng niềm vui vỡ òa. Anh bưu tá nghiễm nhiên trở thành một nhân vật rất quan trọng.

Bây giờ thì tình cảm ấy không bằng hồi xưa. Bây giờ, cứ  meo (e-mail) qua meo lại là tiện nhất, ai đâu rảnh rang nắn nót từng con chữ gởi bưu điện, rồi thấp thỏm đợi thư. Nhưng internet, điện thoại không có lỗi, chiếc xe máy cũng không có lỗi. Khi lượng thư báo cần đưa ngày càng nhiều hơn, các điểm dừng cũng theo đó mà tăng lên, trong khi thời gian không cho phép, người bưu tá chẳng còn cách nào khác là phải chạy đua với thời gian. Cuộc sống lại ngày càng gấp gáp hơn, cũng ít ai rảnh rỗi dừng lại cho một câu chuyện tâm tình với người đưa thư. Anh Lịch tâm sự: “Khi tôi chuyển từ xe đạp sang đi xe máy, rồi internet, điện thoại di động phổ biến, người ta có nhiều sự lựa chọn hơn để tin tức cho nhau, lúc đầu tôi hơi hẫng một chút, nhưng rồi cũng quen dần”. 

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làng mai Háo Đức sống chung với ô nhiễm  (08/11/2006)
Thung lũng gà chỉ  (31/10/2006)
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng  (29/10/2006)
Bánh xèo Bình Định ở cố đô Huế  (27/10/2006)
“Cuộc chiến” giảm cân  (27/10/2006)
Khu di tích Núi Bà: Cần được bảo vệ tốt hơn  (26/10/2006)
Về quê đặt hàng … lông mi giả !  (20/10/2006)
Có một loại rượu Bàu Đá thuần - êm và dịu  (19/10/2006)
Hương vị bún cá và tình yêu xứ sở  (18/10/2006)
Làng gốm đất nung Vân Sơn  (16/10/2006)
Một gia đình thương nhau  (12/10/2006)
Đi làm vệ sĩ   (10/10/2006)
Nơi tạo dáng cho rượu Bàu Đá   (08/10/2006)
Nhà báo xứ Nẫu ở đất Sài Gòn  (04/10/2006)
Bí quyết nghề bắt tôm hùm giống của ngư dân Cát Tiến  (04/10/2006)