Vắng bóng con dông
14:22', 13/11/ 2006 (GMT+7)

Trước kia, hình như, con dông có mặt trên đời chỉ để làm vui mắt những ai có dịp dạo chơi trên những vùng cát ven biển bằng những bước chạy nhanh như gió của nó. Thế nhưng cách đây vài năm, con dông đã trở thành một món khoái khẩu của dân nhậu, món ăn bồi dưỡng người mới ốm dậy... Và thế là dông trở thành món hàng thương phẩm có “thứ hạng” cao hơn cả các “bậc đàn anh”: chó, mèo !

 

Loài dông sẽ cạn kiệt vì sự khoái khẩu của con người.

 

* Con dông từ “xâu” lên “ký”!

Không phải ngẫu nhiên mà con vật này có tên là: con dông! Theo những người dân vùng cát, loài bò sát này khi gặp nguy hiểm là nhanh chân “dông” mất nên nó mới được gọi là “dông”! Những năm trước, thịt dông chỉ là món lai rai “cây nhà lá vườn” của dân nhậu miệt biển. Trong vài năm gần đây, bỗng dưng nó được dân ẩm thực sành điệu “nâng” lên thành món “đặc sản”.

Nếu ai đã có dịp ghé quán Út Nga ở ngã tư Gò Bồi, xã Phước Hòa (Tuy Phước) ắt đã từng được thưởng thức những món dông rất khoái khẩu: dông nướng mọi (để nguyên con, xát muối ớt vào rồi nướng), dông nướng lá lốt (bằm nhỏ, cuộn vào lá lốt, nướng), dông xào hoa lý, dông rô ti, dông hấp, chả dông, cháo dông, xôi dông... Đặc biệt, món trứng dông được dân sành ăn “phong” lên hàng “sơn hào hải vị”. Những người lớn tuổi hoặc người bệnh vừa bình phục thì nhắc đến dông như một món ăn “hồi sức”. Do vậy, chẳng mấy chốc, từ con vật “vô danh”, dông bỗng trở thành một món hàng thương phẩm có giá trị cao đến “chóng mặt”: 60.000-70.000 đồng/kg hơi!

Anh chủ quán Út Nga cho biết: “Quán tôi bán thịt dông đã lâu rồi. Ban đầu nó chỉ là một món bình dân để nhà nông nhắm rượu giải mỏi cuối ngày sau công việc đồng áng. Hồi đó dông được bán bằng xâu (12 con), mỗi xâu chỉ từ 3.000-5.000 đồng do những đứa trẻ ở các vùng ven biển bắt mang đến. Do chưa biết cách chế biến nên thịt dông còn có vị tanh, khẩu vị nhiều người “không nạp”. Rút kinh nghiệm từ những người dân vùng cát, khi làm dông đực, tôi biết cách lấy bộ phận sinh dục của nó (nhỏ như 2 cọng rơm) nằm dọc dưới 2 đùi sau và làm dông cái thì lấy “cục máu” (bộ phận sinh dục) của nó thì thịt dông làm ra thơm phức, rất hấp dẫn người ăn”.

Vài năm gần đây, có lẽ do các món chế biến từ con dông “đưa cay” rất tuyệt nên ngày càng có nhiều khách chọn ngay món này khi vào các quán có dông. Ban đầu chỉ có quán của tôi bán món dông nhưng sau đó ở Phước Hòa và các vùng lân cận, quán dông mọc lên nhan nhản. Còn giờ đây “đặc sản dông” trở thành món ăn thông thường ở nhiều quán tại thị trấn Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn. Giá trị con dông không còn được tính bằng “xâu” mà được tính bằng ký như mọi thứ thịt thực phẩm. Giá con dông tăng dần từ dăm ngàn đồng một xâu lên đến 35.000 - 40.000 đồng/kg; cách đây chừng một tháng, một số thương lái ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận tìm ra thu mua rất mạnh với giá 70.000đ/kg dông. Ngoài một ngày 5 kg phục vụ quán, chủ quán Út Nga còn thu mua thêm để cung cấp cho thị trường ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

Chị Hai Lụa ở Phước Hòa (Tuy Phước), một người chuyên cung cấp dông cho thị trường miền Nam cho biết: “Dân nhậu ở quê mình “hít” món thịt dông không “xi nhê” gì so với dân các tỉnh phía nam. Từ Phan Rang trở vào TP HCM, quán nhậu nào cũng có món thịt dông và họ bán “đắt như tôm tươi”. Thậm chí, dông sống còn là món đặc sản quý hiếm mà người ta thường mua để biếu những người thân yêu quý”.

Quả đúng như thế, tại chợ Phú Thủy (Phan Thiết) có hẳn một “đặc khu” bán dông dọc đường vào chợ. Dông được nhốt trong những cái rổ nhựa lớn và có giá đến 120.000đ/kg. Không riêng chợ Phú Thủy, con dông cũng xuất hiện rất nhiều tại các chợ lân cận thuộc địa bàn Phan Thiết. Chỉ riêng ở địa phương này, mỗi ngày có khoảng vài trăm kg dông chui vào bao tử của dân nhậu và khách du lịch. Do vậy mà ở Bình Định dù có mang vào bao nhiêu dông cũng không thấm tháp gì với sức cầu của bạn hàng trong ấy.

Thế là những người dân vùng cát nô nức đi bắt dông.

Chế biến dông.

* Rủ nhau... tận diệt con dông!

“Quê hương” của con dông là những bãi cát trắng kéo dài từ xã Cát Tiến (Phù Cát) đến xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn). “Ngôi nhà” của dông là những cái hang được chúng đào sâu dưới lớp cát dày. Mùa săn dông từ tháng 2 đến tháng 8 (ÂL) hằng năm. Đặc điểm của con dông là nếu để bị ướt, da sẽ bị nứt toác và khó sống nổi. Do vậy, nếu trời đổ mưa là các bãi cát vắng tanh bóng dông vì chúng nằm ngủ sâu dưới hang.

Anh Nguyễn Văn Bảy, một người có “tay nghề” cao trong việc bắt dông ở thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa (Tuy Phước) cho biết: “Trong khi đang chới với vì làm ăn thất bại với những hồ tôm thì con dông đã giúp bọn tui có được việc làm để kiếm sống qua ngày. Ai bắt giỏi, ngày cũng kiếm được vài ba ký dông. Thời điểm dông xuất hiện nhiều nhất là mùa nồm rộ. Việc bắt dông không nặng nề gì nên lũ con nít cũng có thể theo cha, anh của chúng đi săn dông”.

Và như thế con dông đang bị săn bắt ráo riết với nhiều phương cách và đa chủng loại “vũ khí”. Con dông nào thoát khỏi các “cần câu” thì cũng khó tránh được những mành lưới được những thợ săn dông vây bủa khắp nơi. Còn nếu con nào quá “kỹ tính” hoặc lười rời hang thì các thợ săn sẽ đào hang tìm đến tận nơi trú ẩn. Chỉ riêng cách đánh bẫy thôi nghe đã phong phú lắm rồi: bẫy ống, bẫy đạp, bẫy cạm, bẫy vòng... Nhưng có 2 cách phổ biến nhất mà người dân vùng cát thường dùng để săn dông là câu và đào hang. Cần câu dông được làm bằng tre (giống cần câu cắm cá tràu). Trên đầu thanh tre cột một sợi cước, đầu sợi cước được thắt vòng “cổ chó”. Phần dưới cần câu buộc một ống tre nhỏ cưa ngắn. Khi cắm câu, ống tre sẽ được đặt ngay miệng hang, trong ống có làm một cái chốt. Khi con dông rời hang kiếm mồi hay đi uống sương trên những lá cỏ, vừa ló đầu ra khỏi hang là chui ngay vào ống tre, giật mình vọt chạy là lập tức bị vòng “cổ chó” thắt siết đầu chúng lại. Những người kém kiên nhẫn và mong “trúng quả” đậm thì chọn cách đào hang để bắt. Dụng cụ đào hang là những cái cuốc lưỡi nhỏ, cán cực ngắn để dễ “tác nghiệp” trong những hang cát chật hẹp. Loài dông ở rất sâu và đường dẫn vào nơi chúng ở thường rất ngoằn ngoèo. Có hang phải đào luồn sâu dưới cát như địa đạo thời kháng chiến. Khi phát hiện ra miệng hang rộng bằng cổ tay, quanh đó có dấu đuôi và dấu chân hằn trên cát là chắc mẩm trong hang có dông. Dấu đuôi và dấu chân càng chằng chịt thì số dông dưới hang càng nhiều. Có hang chứa cả một “dòng họ” nhà dông. Gặp được một hang dông như vậy kể như thợ săn “vào cầu”, dưới thì đào bắt, trên giăng lưới bủa vây, có khi “thu hoạch” được cả chục ký từ dông ông, dông bà đến dông cháu chắt.

Nếu tình trạng săn bắt dông cứ tiếp diễn như hiện nay thì môi trường sinh thái ở những vùng cát sẽ dần bị hủy hoại, tài nguyên sinh vật sẽ phải “khai tử” một loài vật khá hiếm hoi và những vùng cát sẽ trở nên khô khan khi không còn những bước chạy thoăn thoắt của những con vật nhỏ nhắn nhưng rất đỗi xinh xắn, ngộ nghĩnh này.

Hãy thử tượng tượng xem một ngày kia trên những vùng cát trắng vắng bóng con dông...

Việc đào hang dông nghe “ngon ăn” là vậy nhưng bên trong luôn rình rập những mối nguy hiểm chết người. Anh chủ quán Út Nga nói: “Gặp những hang dông phải đào sâu dưới cát, nhiều ngõ ngách, lại chẳng có gì chống đỡ nên nguy cơ sập hầm luôn rình rập. Chỉ ở thôn Huỳnh Giản từ trước đến nay đã có đến 4-5 người chết dưới hầm cát vì ham theo dông”.

Con dông không bao giờ bị ế, chỉ sợ bắt không đủ nhiều để các thương lái gom đủ chuyến hàng xuôi Nam. Công việc khá đơn giản lại kiếm được nhiều tiền nên hiện nay hầu hết những người đàn ông ở những vùng cát như: Trung Lương (Cát Tiến), Huỳnh Giản, Núi Cát - Phú Hậu (Phước Hòa) và cư dân ở quanh rừng dương Nhơn Hội đều tham gia vào việc săn bắt dông. Con dông bị săn bắt ráo riết đến độ chỉ mới dăm năm nay mà gần như đã cạn kiệt. “Trước đây chừng một năm, riêng quán tôi mỗi ngày thu mua cũng được ba bốn chục kg dông. Dần về sau lượng dông mang đến bán càng giảm. Cả buổi nay, tôi chỉ mới mua được có nửa ký như anh thấy đấy. Cạn dông rồi anh à!” - anh chủ quán Út Nga cho biết thêm.

  • Vũ Đình Thung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nối yêu thương, chia phiền muộn   (10/11/2006)
Làng mai Háo Đức sống chung với ô nhiễm  (08/11/2006)
Thung lũng gà chỉ  (31/10/2006)
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng  (29/10/2006)
Bánh xèo Bình Định ở cố đô Huế  (27/10/2006)
“Cuộc chiến” giảm cân  (27/10/2006)
Khu di tích Núi Bà: Cần được bảo vệ tốt hơn  (26/10/2006)
Về quê đặt hàng … lông mi giả !  (20/10/2006)
Có một loại rượu Bàu Đá thuần - êm và dịu  (19/10/2006)
Hương vị bún cá và tình yêu xứ sở  (18/10/2006)
Làng gốm đất nung Vân Sơn  (16/10/2006)
Một gia đình thương nhau  (12/10/2006)
Đi làm vệ sĩ   (10/10/2006)
Nơi tạo dáng cho rượu Bàu Đá   (08/10/2006)
Nhà báo xứ Nẫu ở đất Sài Gòn  (04/10/2006)