Cuối năm 1997, UNESCO và Ủy ban UNESCO Việt Nam đã phối hợp tổ chức tại Thành Phố Hồ chí Minh Hội Thảo quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy việc sử dụng tre trong cuộc sống. Hơn 40 đại biểu từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới bao gồm các kiến trúc sư, chuyên gia môi trường, nhà văn hóa... đã tập trung thảo luận và khẳng định giá trị nhiều mặt của cây tre trong đời sống hiện đại.
Từ hội thảo này, nhiều doanh nhân đã nhìn thấy bóng dáng lối đi của ngành hàng thủ công mỹ nghệ sử dụng tre làm nguyên liệu và những vật liệu khác gần tre như song mây, lá trắng.... Với sự dồi dào về nguồn nguyên liệu, nhân công có kỹ thuật cao, truyền thống về sản xuất hàng mây tre, cơ hội của những người thợ thủ công quả là không nhỏ...
|
Nghệ nhân Nguyễn Minh Châu (thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn) và những con tôm tre đầu tiên của mình.
| Từ trong ký ức
Từ xa xưa, cũng như nhiều nông dân khác ở nước ta, những người thợ thủ công khéo léo của Bình Định đã biết làm ra nhiều thúng, mủng, rổ, rá, bàn, ghế, giường, chõng... bằng tre. Mỗi vùng, miền lại có những điều kiện sống, thói quen sinh hoạt, sản xuất riêng. Cùng với đó, các vật dụng cũng có những đường nét, tính tiện dụng tương ứng.
Trong suốt lịch sử Việt Nam thời phong kiến, các chiến binh Tây Sơn có lẽ là đội quân sử dụng nhiều mây tre nhất. Chắc chắn người ta không thể quên những tấm phên tre - mây dùng công thành, cáng tre, chõng tre để hành quân, hỏa pháo tấn công, nón tre, thuyền tre... của đội quân nổi tiếng thiện chiến và cơ động này.
Gần hơn, quãng những năm 1980-1990 tỉnh Nghĩa Bình (gồm Bình Định và Quảng Ngãi ngày nay) là một trong rất ít tỉnh đã phát triển toàn diện được ngành mây - tre - lá với nhiều mặt hàng nổi tiếng như mành mây, mành trúc, tủ bàn ghế salon mây, các sản phẩm song mây trang trí nội thất... với khách hàng lớn là thị trường Đông Âu. Trong suốt hơn một thập kỷ phát triển ồ ạt, sự thịnh vượng của ngành hàng này làm người ta đã có lúc định thành lập những nông lâm trường trồng và khai thác song mây, tre lá để đảm bảo nguyên liệu sản xuất cũng như chấm dứt tình trạng người đi rút mây, chặt lá thường xuyên bị tai nạn, bị thú dữ đe dọa.
|
Những con tôm tre con ở dạng bán thành phẩm ở nơi sản xuất của ông Châu. |
Mơ ước hiện đại hóa ngành thủ công mỹ nghệ này chưa kịp triển khai thì thị trường Đông Âu sụp đổ. Cơn địa chấn ấy gây ra cho ngành mây tre lá một đợt khủng hoảng kéo dài mà mãi cho đến nay vẫn chưa làm sao trở lại được điểm cực thịnh ngày trước... Đợt khủng hoảng dữ dội ấy không hề làm đứt đoạn được hoạt động của cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ tre của nghệ nhân Nguyễn Minh Châu (thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn). Sự tồn tại của cơ sở do ông Nguyễn Minh Châu đứng đầu đáng gọi là một điều kỳ diệu.
Điều kỳ diệu của những con tôm tre
Ông Nguyễn Minh Châu kể : "Từ ngày chế tạo thành công con tôm tre đầu tiên đến nay tôi đã trải qua gần 50 năm kinh nghiệm. Đôi rồng tre treo trên tường đã hơn 30 tuổi rồi đấy. Tôi đã làm rất nhiều thứ từ tre nhưng sự đầu tư nhiều nhất vẫn là sản phẩm tôm, cua tre".
Để có một mô hình tôm hùm tre sinh động như thế này, ông Châu đã đến hồ cá Trí Nguyên (Nha Trang) để quan sát con tôm hùm thật bơi trong nước nhiều ngày, mọi hoạt động của nó được tôi ghi nhớ, ghi chép kỹ lưỡng. Sau đó ông mua vài con tôm mẫu (loại tôm vỏ) về để xem cấu tạo ra sao... mặt khác còn để so sánh con tôm giống với con tôm chết. Xong đâu đó tôi bắt tay vào làm tôm tre.
Ông Châu kể thêm: "Thú thật là những con tôm đầu tiên có thành phần cấu tạo với keo, kẽm, gỗ khá nhiều. Sau nhiều năm liên tục cải tiến con tôm của tôi giờ đã có thể gọi là tôm tre đúng nghĩa. Nên biết rằng chỉ riêng công đoạn trang trí cho con tôm không thôi tôi đã phải thử nghiệm qua hàng ngàn sản phẩm khác nhau...". Nhìn những con tôm hùm, cua biển...sống động đang bò trên tường tôi tự hỏi mình không biết tôm tre và tôm thật con nào thật hơn, đẹp hơn.
Quyết tâm trụ vững với mặt hàng tôm cua tre của mình, trong 3 năm liền ông Châu đã hoàn chỉnh quy trình sản xuất tôm cua tre với nhiều công đoạn chế tạo tách rời. Một con tôm như vậy gồm vài chục chi tiết, mỗi một bộ phận lại giữ việc sản xuất một vài chi tiết với quy trình chuyên môn hóa khá cao. Bí mật nghề nghiệp của ông Châu được đảm bảo nhưng vẫn tạo được việc làm cho khá nhiều gia đình xung quanh. Nhưng theo ông Châu bí mật lớn nhất của nghề làm tôm tre đó là khâu xử lý nguyên liệu. Hóa ra không phải cây tre, loại tre nào cũng được ông chọn làm vật liệu sản xuất. Thực ra mỗi giống tre, thậm chí mỗi đoạn trên thân của một cây tre cũng được chia làm nhiều phần mà theo đó mỗi loại sẽ chỉ giữ một vị trí trên thân tôm, cua.
Tre chọn xong sẽ được ngâm đủ 6 tháng liên tục trong ao. Sau đó cây tre sẽ được cưa ra làm nhiều đoạn, mỗi một đoạn lại được đem tẩm - nhuộm hóa chất. Nhuộm xong, tất cả lại được đem phơi, sấy và được xông hóa chất chống mối mọt. Nguyên liệu hoàn thành sẽ được đánh số và chỉ được đưa vào sản xuất sau đó 6 tháng. Chính nhờ sự kỹ lưỡng này mà con tôm tre của ông Châu có tuổi thọ rất cao, đáp ứng được các điều kiện cơ lý khi gia công. Chính vì có chất lượng cao như thế nên sản phẩm tôm cua tre của do cơ sở của ông Châu cung cấp lan tỏ khắp nơi trong nước. Từ nhiều năm trước chúng tôi đã nghe nhiều điểm kinh doanh hàng thủ cong mỹ nghệ ở Đà Lạt, Nha Trang xác nhận - đây là hàng của ông Châu ở An Nhơn - Bình Định.
Anh Sơn con trai của ông Châu kể với tôi: "Khoảng cuối năm 1997, một bạn hàng ở Hà Nội điện thoại vô hỏi ông Châu - liệu có làm được chuối tre không? Một người Nhật đang hỏi đấy... Chỉ mười ngày sau ba tôi đã đóng thùng gởi ra Hà Nội 3 nải chuối tre đúng theo các yêu cầu của khách hàng, bộ hàng mẫu này có giá 100USD. Nhưng đây không phải là lần đầu hàng tre của gia đình tôi tham gia xuất khẩu. Cách đây 1 năm, một người bạn của tôi đã xuất thử sang Mỹ một container tôm cua tre!"
Chúng tôi dành nhiều thời gian để kể về chuyện ông Châu làm tôm cua tre để từ đó muốn rằng phạm vi ứng dụng của cây tre trong sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ mây tre còn rất lớn, chúng ta chưa phát huy, khai thác hết. Trong khi đó, nếu chỉ loay hoay mãi với giỏ, rổ, rá tre, những chiếc bu gà nòi, chõng tre... đơn giản thì thợ thủ công của chúng ta cứ còn nghèo mãi.
|
Ngắm nghía hình ảnh những chiếc tre, bộ bàn ghế tre, tủ tre... ngoại, trong tôi cứ đau đáu câu hỏi, vì sao những người thợ thủ công ở quê tôi cứ nghèo mãi dù giỏi chịu vất vả, có đôi bàn tay khéo léo.
| Tương lai của tre
Câu chuyện về các làng nghề sử dụng mây - tre - lá làm nguyên liệu cùng những boăn khoăn về việc giá trị lao động của nông dân, thợ thủ công ở vùng nông thôn quá thấp những năm qua đã được đề cập nhiều lần. Một đôi lần người ta đã nhắc đến những bộ bàn ghế tre, những chiếc tủ tre, chiếu tre, những chiếc khay, đĩa bằng tre ép... Cũng đã có một số chuyển động, một số hỗ trợ về vốn và kỹ thuật nhưng những sự trợ giúp ấy, thẳng thắn mà nói chưa tạo ra thay đổi tích cực.
Khi tìm những sản phẩm làm từ tre, người viết đã sử dụng google thử tìm kiếm trên internet. Và thật bất ngờ, từ khóa "bamboo" đã cho ra tới 38 triệu kết quả, tổ hợp từ khóa "bamboo" với "salon" cho ra 956.000 kết quả, tổ hợp từ khóa "bamboo" với "desk" (cái bàn) cho ra 1,25 triệu kết quả, tổ hợp từ khóa "bamboo" với "bed" (cái giường) cho ra 1,44 triệu kết quả... Hiềm một nỗi, những trang web, hình ảnh này đều sẵn sàng dẫn đến Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... Tất nhiên Việt Nam cũng có nhưng không phải là những địa chỉ áp đảo.
"Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quí, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi... đâu đâu ta cũng có tre nứa làm bạn (Cây tre Việt Nam - Thép Mới).
Bài tập đọc và học thuộc lòng lớp 5 ngày xưa giờ vẫn còn rì rào quanh tôi như thuở nào. Nhưng khác với thời thơ ấu, ngắm nghía hình ảnh những chiếc tre, bộ bàn ghế tre, tủ tre... ngoại, trong tôi cứ đau đáu câu hỏi, vì sao những người thợ thủ công ở quê tôi cứ nghèo mãi dù giỏi chịu vất vả, có đôi bàn tay khéo léo... Vì sao?
|