Malaysia - xa mà gần
14:15', 27/11/ 2006 (GMT+7)

Từ thành phố Hồ Chí Minh, sau 1 giờ 30 phút bay, chúng tôi đã đặt chân lên đất nước Malaysia tươi đẹp. Đây là chuyến đi tham quan, học tập về các chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình của đoàn cán bộ tỉnh Bình Định do Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tài trợ.

 

Một khu dân cư thường thấy ở Malaysia.

 

* Hoành tráng và hiện đại

Ấn tượng choáng ngợp đầu tiên là sự to lớn và hiện đại của sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Sân bay hiện đại này có công suất đón tiếp 25 triệu lượt khách/năm. Con đường vào trung tâm thành phố 8 làn xe chạy; hai bên đường là những đồi cọ ngút mắt, những vồng hoa khoe sắc. Và không chỉ có con đường này, mấy hôm sau chúng tôi có dịp đến bang Melaka; đi trên con đường gần 200 km tuyệt nhiên cũng không thấy một ngôi nhà nào trổ ra mặt đường như ở bên ta. Các khu dân cư đều lùi ra xa, ít nhất cũng cách mặt đường chính bằng một đường bao. Ngoài các khu chung cư cao tầng, tôi thấy nhiều khu dân cư chỉ có nhà 2-3 tầng, xây liền vách như một số khu tập thể của ta ở phường Ngô Mây - Quy Nhơn. Chỉ khác là khu dân cư ở đây rất rộng, vuông vức; thiết kế kiểu ô bàn cờ, kiến trúc bên ngoài đều giống nhau nên trông rất bắt mắt. Nhà nào cũng có sân đủ để ô tô đậu. Khoảng cách giữa 2 nhà là những con đường nội bộ nhưng cũng đủ lớn để hai xe ô tô tránh nhau.

Thủ đô Kuala Lumpur (K.L) hiện có khoảng hơn 1,8 triệu dân. Toà tháp đôi Petronas cao 452m, 88 tầng, là điểm nhấn giữa lòng thành phố. Ngay dưới chân tháp là một siêu thị lớn, có mặt hầu hết các hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới, thu hút nhiều nhất khách du lịch đến tham quan, mua sắm. Và không chỉ ở Tháp đôi, không chỉ ở K.L, trên khắp đất nước Malaysia, đi đâu người ta cũng bắt gặp các siêu thị lớn và hiện đại như Sungai Wang Plaza, Midvalley Megamall, Lot 10... với hàng hóa cực kỳ phong phú. Các chiến dịch bán hàng đại hạ giá và các phương thức giao dịch hiện đại là một trong số các biện pháp thu hút khách du lịch nước ngoài và người tiêu dùng trong nước, biến nơi đây thành một trong những “thiên đường mua sắm”của thế giới .

Hiện nay K.L được dành cho các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, các cơ quan hành chính đã chuyển đến thành phố Putrajaya, nằm giữa K.L và sân bay quốc tế K.L. Thủ đô hành chính Putrajaya tráng lệ với Cung Vua, Phủ Thủ tướng, Trung tâm hội nghị quốc tế… Giữa trung tâm thành phố là nhà thờ Hồi giáo lộng lẫy có sức chứa đến 15 ngàn người. Thành phố này còn được biết đến với một chính phủ điện tử thuộc hàng hiện đại bậc nhất thế giới.

 

Tác giả với hai nữ nhân viên của sân bay quốc tế Kuala Lumpur.

 

* Thân thiện với môi trường

Nhưng điều đặt biệt ở Malaysia là vấn đề vệ sinh môi trường rất tuyệt vời. Trong thành phố K.L người ta để lại nhiều khoảng đất trồng cây, tạo thành các khu công viên lớn nhỏ, làm cho thành phố thông thoáng, dịu đi sự khô cứng của những khối bê tông đồ sộ, đồng thời tạo chỗ vui chơi cho người dân. Còn ở Putrajaya, 70% diện tích được bao phủ bởi cây xanh. Và bằng sức sáng tạo phong phú, người ta đã xây nên những ngọn đồi thơ mộng bên những hồ nước trong xanh, tạo ra một thành phố có bản sắc riêng độc đáo hiếm có.

Sự sạch sẽ không chỉ có trong công sở, trong siêu thị, ngay trên đường phố người ta cũng không nhìn thấy rác ở đâu cả. Cái chính là có ít người xả rác. Cái thói quen gặp đâu vứt đấy của tôi cũng biến mất từ khi nào. Chưa nói chuyện sợ bị phạt, cái sạch sẽ, tinh tơm dường như cũng mách bảo, không cho tôi làm cái việc không nên làm. Hôm ngồi chơi trước tòa Tháp đôi, tôi ngạc nhiên thấy một đàn chim trời sà xuống chân kiếm ăn. Chúng dạn dĩ đến kỳ lạ, cứ như chúng tôi là đồng loại của chúng. Tôi nhìn những người chung quanh. Tất cả đều tỏ ra bình thường; họ thoáng nhìn đàn chim rồi trở lại công việc của mình. Không ai chọc phá, không ai xua đuổi cho đến khi chúng bay đi. Tôi chợt nghĩ vui, chẳng may những con chim này lạc đến xứ ta, không biết số phận của chúng sẽ ra sao ?

Hai điều cũng rất ít thấy ở Malaysia là uống rượu bia và hút thuốc lá. Không thấy hút thuốc lá vì không ai được phép hút thuốc lá nơi công cộng. Trong đoàn có một số anh nghiện thuốc lá, đến đâu cũng vất vả để tìm chỗ hút thuốc, không có chỗ đành phải nhịn. Cũng chẳng thấy ai say sưa vì bia rượu. Có lẽ trước hết vì giá của chúng rất đắt; một chai bia giá 5-6 USD, ai dám uống đến say? Trong 5 ngày làm việc ở Malaysia đi đâu chúng tôi cũng được mời ăn, nhưng tuyệt nhiên không thấy một giọt bia rượu nào. Có anh trong đoàn nói đùa “Qua đây được…ăn kiêng?”

* Xa mà gần

Trong sân bay quốc tế K.L người ta để sẵn các máy vi tính kết nối mạng Internet và khách được truy cập miễn phí. Tôi thử vào một máy và ngay lập tức có thể tìm thấy báo Đình định điện tử và các trang Website khác của tỉnh. Sau 2 ngày “xa cách”, tin tức quê nhà đã được nối lại, thấy như đang đứng trên mảnh đất quê hương. Khi về lại Quy Nhơn tôi lại vào trang Web hướng dẫn sức khỏe vị thành niên của Hội Kế hoạch hóa gia đình Malaysia (WWW.e-rham.com) và trang Web của Trường đại học Multimedia (WWW.mm.edu.my) mà chúng tôi đã có dịp đến thăm và cũng lập tức tìm thấy ngay. Hai bên cách xa hàng nghìn km bỗng thấy như rất gần.

Đến Putrajaya tình cờ tôi gặp anh Đỗ Thành Sơn, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Bình Định đang khảo sát, tìm kiếm thị trường lao động ở đây. Anh cho biết Trung tâm của anh đã giới thiệu hơn 400 lao động làm việc tại Malaysia, chủ yếu làm các nghề: cơ khí, may, lao động phổ thông. Theo anh, Malaysia là một thị trường lao động có tiềm năng nhưng vì thu nhập chưa cao (khoảng từ 3,5-4 triệu đồng/ tháng) nên người lao động chưa thấy hấp dẫn. Kinh nghiệm của anh là phải khảo sát, thẩm tra kỹ để tìm những đơn hàng tốt, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Tuy thu nhập chưa cao, nhưng với những lao động chăm chỉ, chịu khó làm thêm giờ thì sau 3 năm lao động có thể kiếm được một số vốn kha khá để lập thân, lập nghiệp. Được biết đã có gần 100 ngàn lao động Việt Nam sang làm việc ở nước này trong những năm qua.

 

Một đường phố của thủ đô Kuala Lumpur.

 

* Và những mảng tối

Nhưng Malaysia cũng không phải là thiên đường cho tất cả mọi người. Một số lao động Việt Nam qua đây đã gặp phải những ông chủ không mấy tốt, buộc họ lao động với cường độ cao, nhưng thu nhập thấp và điều kiện ăn ở cũng rất kém. Vì vậy một số đã phải bỏ trốn ra ngoài làm lao động tự do. Điều đó cũng đồng nghĩa họ trở thành người cư trú bất hợp pháp, nếu bị bắt sẽ bị đưa về bót cảnh sát hoặc bị lột sạch. Ở  bang Melaka tôi đã gặp một thanh niên như vậy. Cậu ta tên Huy, người tỉnh Thái Nguyên. Cũng may sau một thời gian trốn chui nhủi, cậu đã tìm việc làm mới, là đầu bếp của một quán ăn tại siêu thị Mahkota Parade. Nhờ siêng năng giờ cậu đã là bếp trưởng, mỗi tháng dành dụm được 4 triệu đồng gửi về cho gia đình. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Có người đã phải về nước với hai bàn tay trắng.

So với giá cả ở Malaysia thì thu nhập của lao động Việt Nam là thấp. Nhiều người nói rằng nếu không tiết kiệm, không làm thêm giờ (ngoài giờ ghi trong hợp đồng) thì tiền lương chỉ vừa đủ ăn. Hàng hóa bày bán nhiều nhưng đối với khách du lịch Việt Nam, cũng khó chọn mua vì phần lớn đều là giá cao (so với giá ở Việt Nam). Tôi để ý một chiếc áo sơ-mi giống như áo hiệu Việt Tiến của ta, thấy ghi giá 100 ringit (tiền Malaysia), tương đương 450 ngàn đồng Việt Nam. Một số dịch vụ cũng chưa phù hợp với người Việt Nam. Chúng tôi ở khách sạn Summit, tiêu chuẩn 3 sao. Mọi thứ đều rất tốt nhưng lại không có dép đi trong phòng và cũng không có bàn chải và thuốc đánh răng cho khách. Chuyện không lớn, nhưng vốn quen với khách sạn của ta có đủ những thứ này nên nhiều người cũng không tránh khỏi cảm giác khó chịu.

Nhưng dẫu sao Malaysia cũng là một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch. Chả thế mà năm 2005, nước này đã đón đến 16,4 triệu khách du lịch quốc tế; dự đoán sẽ đón hơn 17 triệu khách trong năm 2006 này. Hướng đến năm du lịch 2007, một chiến dịch quảng cáo đã được thực hiện rầm rộ từ đầu năm đến nay tại Malaysia và nhiều nước trên thế giới với kỳ vọng sẽ đón được 20 triệu khách trong năm.

  • Minh Hiếu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiễm khuẩn bệnh viện: Đã đến lúc báo động !  (23/11/2006)
Săn đá cảnh  (20/11/2006)
Chuyện dài về sản phẩm từ tre  (17/11/2006)
Công nhân làm sạch bệnh viện  (15/11/2006)
Vắng bóng con dông  (13/11/2006)
Nối yêu thương, chia phiền muộn   (10/11/2006)
Làng mai Háo Đức sống chung với ô nhiễm  (08/11/2006)
Thung lũng gà chỉ  (31/10/2006)
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng  (29/10/2006)
Bánh xèo Bình Định ở cố đô Huế  (27/10/2006)
“Cuộc chiến” giảm cân  (27/10/2006)
Khu di tích Núi Bà: Cần được bảo vệ tốt hơn  (26/10/2006)
Về quê đặt hàng … lông mi giả !  (20/10/2006)
Có một loại rượu Bàu Đá thuần - êm và dịu  (19/10/2006)
Hương vị bún cá và tình yêu xứ sở  (18/10/2006)