Chuyện quản lý đất đai ở Quy Nhơn
8:40', 28/11/ 2006 (GMT+7)

* Điều tra của Ngọc Diên

TP Quy Nhơn hiện là một trong những đô thị có giá đất ở thuộc vào hạng cao nhất của miền Trung. Trong bối cảnh như vậy, những năm gần đây nạn lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích (SDĐSMĐ), sang nhượng đất trái phép (SNĐTP), xây dựng nhà trái phép (XDNTP)… ở TP Quy Nhơn đã và đang diễn ra tràn lan. TP Quy Nhơn đã trở thành địa bàn “nóng” về quản lý đất đai ở tỉnh Bình Định.

Bài 1: “Vấn nạn” lấn chiếm đất trái phép

Có thể nói rằng đây là một trong những hình thức sai phạm về đất đai nổi cộm ở Quy Nhơn, diễn ra khá phổ biến từ nhiều năm qua nhưng chưa có biện pháp xử lý có hiệu quả.

 

Hàng trăm căn hộ xây dựng kiên cố chen chúc trên núi Bà Hỏa, thuộc P. Ngô Mây. Ảnh: N.D

 

* Phường nào cũng có!

Điểm đầu tiên phải nói đến là khu vực chân núi Bà Hỏa, nơi tiếp giáp các phường Quang Trung, Ngô Mây, Nhơn Phú, Lê Hồng Phong và Đống Đa. Nhưng đáng kể là đất lâm nghiệp và đất chưa sử dụng ở KV.7 và KV.12, P. Ngô Mây đã bị xà xẻo không thương tiếc. Toàn P. Ngô Mây đã có 372 hộ lấn chiếm, xây dựng nhà ở trái phép trên núi Bà Hỏa (trong đó KV.7: 188 hộ, KV.12: 156 hộ). Trong số này, có trường hợp mua đi bán lại đất nhiều lần, có người khai phá, lấn chiếm đất núi chỉ khoảng vài chục mét vuông, nhưng cũng có hộ xâm chiếm hàng trăm mét vuông rồi chia nhỏ ra sang nhượng cho người khác.

P. Ghềnh Ráng trước đây một phần rộng lớn là đồi núi, đất lâm nghiệp, đất màu, từ khi Nhà nước và tỉnh mở thông tuyến đường Quy Nhơn- Sông Cầu (Quốc lộ 1D) và quy hoạch những tuyến du lịch, khu dân cư tại phường này, giá đất ở đây tăng nhanh, tình trạng xâm chiếm đất diễn ra rầm rộ. Đã có 294 trường hợp SDĐSMĐ, lấn chiếm đất, XDNTP với diện tích lên đến 13.210m2... và trở thành một trong những điểm nóng của thành phố về việc vi phạm Luật Đất đai.

Trên địa bàn P. Nhơn Bình, lợi dụng hệ thống đê điều đi qua, nhiều người dân đã lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, thâm chí cả mặt đê để xây cất nhà kiên cố, nhà cao tầng. Nhiều hộ đã biến những thửa ruộng, đất mặt nước thành đất ở và xây dựng nhà kiên cố. Theo thống kê của phường, đến thời điểm năm 2005, trên địa bàn phường có 255 hộ lấn chiếm đê và 82 hộ lấn chiếm đất nông nghiệp, đất mặt nước để XDNTP.

Vài năm qua, giá đất của P. Trần Quang Diệu tăng nhanh nhờ “ăn theo” Khu Công nghiệp Phú Tài. Và cũng vì thế, đã có nhiều người trục lợi từ đất. Từ năm 2002 đến nay, các cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính 201 hộ XDNTP, với diện tích 10.882m2. (Trong đó, có 68 hộ XDNTP trên đất vườn, diện tích 2.992m2; XDNTP trên đất màu 63 hộ, diện tích 4.320m2; XDNTP trên đất mồ mả 5 hộ, diện tích 247m2; lấn chiếm đất công 65 hộ, diện tích 3.323m2). Cá biệt có hộ ông Nguyễn Đình Đông ở tổ 10, KV 2 đã XDTP đến 4 căn nhà, không phải trên đất ở.

 

Cất nhà trên đất có mặt nước ở KV.9, P. Đống Đa. Ảnh: N.D

 

Cũng tương tự, từ khi có công trình cầu đường Quy Nhơn- Nhơn Hội (QN-NH), tình hình vi phạm Luật Đất đai ở đây trở nên cực “nóng” và đạt mức kỷ lục ở TP Quy Nhơn. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện 494 trường hợp vi phạm với diện tích 32.200 m2 đất.

Điểm qua 5/22 phường, xã trong TP Quy Nhơn đã có gần 1.700 trường hợp vi phạm, trên 63.600 m2 đất, nhưng đây chỉ là con số được thống kê trên giấy tờ. Thực trạng của việc vi phạm Luật Đất đai còn lớn hơn nhiều. Đơn cử, theo danh sách thống kê của UBND phường Nhơn Bình, tại thời điểm năm 2005 có 82 hộ lấn chiếm đất nông nghiệp, đất mặt nước để XDNTP. Thế nhưng, qua đơn thư khiếu nại của ông Nguyễn Văn Sâm, ở KV.7, chúng tôi phát hiện có đến hàng chục trường hợp vi phạm khác ở cùng khu vực này, như: hộ bà Lê Thị Sướng, bà Nguyễn Thị Em, ông Nguyễn Hữu Lân, ông Phan Văn Mão đã xây nhà, móng nhà trên đất màu; hộ ông Nguyễn Cận, Lê Văn Hổ, Nguyễn Văn Đay, Nguyễn Văn Tám… phun cát lấp vũng, chiếm đất nhưng đều chưa đưa vào danh sách vi phạm Luật Đất đai và chưa bị xử lý.

* Phường “tiếp tay” cho vi phạm?

Mặc dù đất đai của Nhà nước bị cá nhân xà xẻo, chiếm dụng là vi phạm pháp luật, nhưng lại có một số UBND phường “làm ngơ” để dân… “cải thiện chỗ ở”(!). Từ việc “làm ngơ” cho một số trường hợp chiếm đất, SDĐSMĐ, XDNTP đã tạo tâm lý so bì trong nhân dân “người khác chiếm được thì mình cũng chiếm được” và dẫn đến nạn lấn chiếm đất công tràn lan như đã nêu trên. Đặc biệt, chỉ riêng KV 7, P. Ngô Mây đã có 188 hộ lấn chiếm đất xây dựng trái phép (trên núi Bà Hỏa), nhưng UBND phường Ngô Mây và Đội Quản lý trật tự đô thị chỉ phát hiện và lập 15 biên bản xây dựng nhà trái phép(!). Từ năm 2000 đến năm 2004, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành 58 quyết định cưỡng chế tháo dỡ NXDTP, nhưng đến nay UBND phường Ngô Mây và các ngành chức năng vẫn chưa tổ chức thực hiện được quyết định nào. Ở P. Ghềnh Ráng, mới thực hiện cưỡng chế 80/126 trường hợp vi phạm.

 

Nhiều hộ dân xây nhà kiên cố trên đê Đông nhưng UBND phường Nhơn Bình không có biện pháp ngăn chặn. Ảnh: N.D

 

Cũng trên địa bàn TP Quy Nhơn, đã có hàng trăm trường hợp cấp GCN QSHN, QSDĐ sai quy định được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng. Những sai phạm này một phần bắt nguồn từ việc ký xác nhận hợp lệ đất ở của UBND phường (chủ tịch UBND phường và cán bộ địa chính). UBND phường Ngô Mây đã ký xác nhận hợp lệ đất ở cho 27 hộ lấn chiếm đất núi Bà Hỏa và 4 hộ xây dựng nhà trái phép trên đường ống cấp nước; trong đó, có 4 hộ lấn chiếm đất núi Bà Hỏa đã được cấp giấy chứng nhận QSHN, QSDĐ, như hộ ông Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Ngọc Bá, Nguyễn Hồng Vân, Nguyễn Ngọc Hoàng, ở tổ 1, KV. 12. Còn ở P. Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Tấn Lung và cán bộ địa chính phường chứng nhận hợp lệ đất ở sai thời gian sử dụng đất, nhằm tạo điều kiện cho người SDĐ trốn nộp tiền SDĐ với diện tích 101 m2, gây thiệt hại cho NSNN 53 triệu đồng. Tương tự, trong quá trình xét để xác nhận hợp lệ đất ở, nhiều trường hợp cán bộ địa chính P. Ghềnh Ráng- Huỳnh Văn Nam không ghi biên bản họp xét mà ghi trực tiếp lời phê duyệt, trình cho Chủ tịch UBND phường Võ Sanh Ngọc ký xác nhận hợp lệ đất ở cho 8 hộ sai thực tế, với diện tích hàng nghìn mét vuông. UBND P. Nhơn Phú xác nhận sai sự thật cho trường hợp ông Trần Sơn, khi biết rõ ông Sơn sửa ngày, tháng trong đơn về nguồn gốc móng nhà (từ năm 1996 thành 1991), với diện tích 157 m2, để trốn nộp tiền sử dụng đất 113 triệu đồng.

Có thể nói, việc làm sai trái của một số cán bộ phường như đã nêu chính là một dạng “tiếp tay” cho việc vi phạm pháp luật về đất đai ở TP Quy Nhơn.

(còn tiếp)

  • N.D
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Malaysia - xa mà gần  (27/11/2006)
Nhiễm khuẩn bệnh viện: Đã đến lúc báo động !  (23/11/2006)
Săn đá cảnh  (20/11/2006)
Chuyện dài về sản phẩm từ tre  (17/11/2006)
Công nhân làm sạch bệnh viện  (15/11/2006)
Vắng bóng con dông  (13/11/2006)
Nối yêu thương, chia phiền muộn   (10/11/2006)
Làng mai Háo Đức sống chung với ô nhiễm  (08/11/2006)
Thung lũng gà chỉ  (31/10/2006)
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng  (29/10/2006)
Bánh xèo Bình Định ở cố đô Huế  (27/10/2006)
“Cuộc chiến” giảm cân  (27/10/2006)
Khu di tích Núi Bà: Cần được bảo vệ tốt hơn  (26/10/2006)
Về quê đặt hàng … lông mi giả !  (20/10/2006)
Có một loại rượu Bàu Đá thuần - êm và dịu  (19/10/2006)