Chuyện quản lý đất đai ở Quy Nhơn
15:24', 30/11/ 2006 (GMT+7)

TP Quy Nhơn hiện là một trong những đô thị có giá đất ở thuộc vào hạng cao nhất của miền Trung. Trong bối cảnh như vậy, những năm gần đây nạn lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích (SDĐSMĐ), sang nhượng đất trái phép (SNĐTP), xây dựng nhà trái phép (XDNTP)… ở TP Quy Nhơn đã và đang diễn ra tràn lan. TP Quy Nhơn đã trở thành địa bàn “nóng” về quản lý đất đai ở tỉnh Bình Định.

 

Thanh tra hồ sơ CGCNQSDĐ tại phòng TNMT TP Quy Nhơn năm 2005. Ảnh: N.D

 

Bài 3: Những nẻo đường thất thoát tiền tỉ của ngân sách

Lần theo các sai phạm trong quản lý đất đai (QLĐĐ) ở TP Quy Nhơn, điều bất ngờ nhất chính là việc Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT), cơ quan tham mưu cho UBND thành phố về lĩnh vực QLĐĐ và một số cơ quan chức năng khác đã có những sai phạm nghiêm trọng trong công tác chuyên môn. Trong năm 2005, chỉ riêng việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), các cơ quan này đã gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước (NSNN) hàng chục tỉ đồng và những hậu quả để lại khó khắc phục được.

* Làm sai gây thiệt hại tiền tỉ

Qua kết quả kiểm tra xác minh 84 hồ sơ xét cấp GCNQSDĐ của 4 phường: Trần Quang Diệu, Nhơn Phú, Nhơn Bình và Quang Trung tại Phòng TNMT trong năm 2005, cơ quan chức năng đã phát hiện 50 hồ sơ cấp GCNQSDĐ sai (gần 60%), với diện tích sai phạm là 14.460m2, làm thiệt hại cho NSNN 11,252 tỉ đồng. Xin được lưu ý rằng 84 hồ sơ này được chọn một cách ngẫu nhiên trong tổng số 2.710 hồ sơ được Phòng TNMT cấp năm 2005. Do vậy, nếu kiểm tra toàn bộ số hồ sơ Phòng TNMT đã cấp GCNQSDĐ thì không rõ mức độ sai phạm sẽ như thế nào. Trong những hồ sơ có sai phạm,  Phòng TNMT đã trực tiếp làm sai 44 trường hợp; số còn lại là do các cơ quan chuyên môn khác như: Cục thuế Bình Định, Trung tâm Kỹ thuật địa chính, thuộc Sở TNMT Bình Định, Sở Xây dựng. Tất nhiên, trong tất cả các sai phạm không thể thiếu vai trò của “nhân vật chính” là người SDĐ.

Theo sổ sách theo dõi hồ sơ tại Phòng TNMT, thì việc thực hiện nhiệm vụ cấp GCNQSDĐ trong năm 2005, Phòng TNMT đã tiếp nhận 5.099 hồ sơ đã cấp GCNQSDĐ cho 2.710 hồ sơ, chỉ đạt tỉ lệ 53% trên tổng số. Về trình tự và thời gian xét cấp GCNQSDĐ, trong số 2.710 hồ sơ, chỉ có 662 hồ sơ cấp đúng thời hạn là 55 ngày; còn lại 2.058 hồ sơ cấp chậm so với quy định từ 50 ngày đến trên 500 ngày.

Tại P. Quang Trung, xác minh 32 hồ sơ (chọn ngẫu nhiên) cấp GCNQSDĐ, thì có 22 hồ sơ cấp sai, với diện tích sai phạm là 3.674m2, gây thiệt hại cho NSNN 3,559 tỉ đồng. Trong đó: sai phạm do gian lận làm sai lệch hồ sơ để trốn nộp tiền SDĐ là 3 trường hợp, diện tích gian lận là 435 m2, gây thiệt hại cho NSNN 920 triệu đồng. Sai phạm do Phòng TNMT làm sai lệch hồ sơ cấp GCNQSDĐ 8 trường hợp, diện tích sai phạm là 2.335m2, gây thiệt hại cho NSNN hơn 2 tỉ đồng. Sai phạm do Phòng TNMT tự ý chuyển đổi MĐSDĐ vượt hạn mức chuyển đổi 3 trường hợp, có tổng diện tích 1.184 m2, gây thiệt hại cho NSNN 330 triệu đồng. Sai phạm do Cục thuế tỉnh Bình Định không căn cứ vào thông tin địa chính của Phòng TNMT mà tự ý không thu tiền của người SDĐ và tự ý miễn giảm  gây thiệt hại cho NSNN 254 triệu đồng. Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh cấp GCN sở hữu nhà ở, QSDĐ cho ông Lê Nhật Ký là người được UBND tỉnh cấp 75 m2 đất ở sau đó lấn chiếm hành lang cấp thoát nước đã quy hoạch với tổng diện tích là 206 m2, diện tích sai phạm 131 m2. Sai phạm do Chủ tịch UBND phường chứng nhận hợp lệ đất ở sai thời gian SDĐ nhằm trốn nộp tiền SDĐ với diện tích 101 m2, gây thiệt hại cho NSNN 53 triệu đồng…

* Vài kiểu... phù phép

Đo vẽ và xác nhận trên bản đồ hiện trạng SDĐ phục vụ cho công tác đền bù, tái định cư và xác nhận hợp lệ đất ở để làm GCNSHN, GCNQSDĐ… là khâu rất quan trọng. Lợi dụng chuyên môn của mình, ông Võ Văn Thạch, ông Nguyễn Văn Thừa, Nguyễn Cao Phương và ông Phan Văn Bính là cán bộ Trung tâm Kỹ thuật địa chính, thuộc Sở TNMT Bình Định đã câu kết với Huỳnh Văn Nam- cán bộ địa chính phường Ghềnh Ráng, bà Lê Thị Ngọc Ánh (nguyên Chủ tịch UBND) và Lê Thanh Huy- cán bộ địa chính P.Đống Đa tự tách thửa, làm sai lệch MĐSDĐ,… làm thiệt hại lớn đến NSNN.

 

Lấn chiếm đất mặt nước là sai phạm khá phổ biến ở Quy Nhơn. Ảnh: N.D

 

Thực tế cho thấy, số diện tích đất ở TP Quy Nhơn bị xâm chiếm và có sai phạm trong các khâu hợp thức hóa, phần lớn đều là đất có giá trị sử dụng thấp (đất lâm nghiệp, đất có mặt nước, …) hoặc đất chưa sử dụng. Cho nên, việc “hô biến” từ đất công thành đất tư, từ loại đất có giá trị thấp thành đất có giá trị cao mà người SDĐ không phải nộp tiền theo quy định là cách trục lợi hiệu quả nhất. Thế nên mới xảy ra chuyện “phù phép” để biến các loại đất mặt nước, đất màu… có giá 26.000đồng/m2 thành đất ở có giá từ 1,5 triệu đến 4 triệu đồng/m2 với chi phí nhẹ tựa… lông hồng(!). Vụ ông Đinh Quốc Hạnh ở P. Trần Quang Diệu xin CMĐSD 200m2 đất màu sang đất ở là một ví dụ. Ở vụ này, ông Nguyễn Tấn Sỹ- Phó Phòng TNMT đã trực tiếp chỉnh sửa số diện tích từ 200m2 thành 366m2 và sửa cả hồ sơ gốc mà UBND P. Trần Quang Diệu đã ký. Tiếp đến ông Đỗ Văn Sáng- Trưởng Phòng TNMT lại chuyển thông tin địa chính cho cơ quan thuế sai thực tế nên thay vì phải nộp tiền SDĐ 539,5 triệu đồng, ông Hạnh chỉ phải nộp có 18,3 triệu đồng, làm thiệt hại cho NSNN hơn 521 triệu đồng. Sự vụ chỉ được phát hiện khi ông Hạnh đã nhận được “sổ đỏ” và xây xong nhà. Hoặc ở P. Nhơn Phú, Cục thuế Bình Định không căn cứ vào phiếu chuyển thông tin địa chính của Phòng TNMT, mà tự ý không thu tiền sử dụng đất 809 m2, gây thiệt hại cho NSNN đến 758 triệu đồng.

* Cần xử lý nghiêm minh, công bằng

Những sai phạm trong công tác QLĐĐ ở TP Quy Nhơn gây thiệt hại rất lớn cho NSNN là một thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thiệt hại lớn hơn chính là sự sứt mẻ nghiêm trọng lòng tin của nhân dân. Dư luận ở TP Quy Nhơn cho rằng: hàng chục nghìn mét vuông đất công bị xâm chiếm, bị SDSMĐ và hàng chục tỉ đồng thất thu cho ngân sách để cho một số cá nhân hưởng lợi là điều không thể chấp nhận được. Do đó, các cơ quan chức năng cần làm rõ các hành vi sai phạm của các cá nhân và cơ quan có liên quan. Đồng thời phải có biện pháp để thu hồi khoản tiền hàng chục tỉ đồng về cho NSNN.

Bên cạnh đó, để chấn chỉnh công tác QLĐĐ trên địa bàn TP Quy Nhơn, cần có một cuộc tổng rà soát việc SDĐ, cấp QSDĐ, đền bù giải tỏa, tái định cư… trên toàn địa bàn thành phố, xử lý nghiêm các sai phạm để lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực này.

  • N.D
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện quản lý đất đai ở Quy Nhơn  (29/11/2006)
Bình Định Gia trên đất Bắc  (28/11/2006)
Chuyện quản lý đất đai ở Quy Nhơn  (28/11/2006)
Malaysia - xa mà gần  (27/11/2006)
Nhiễm khuẩn bệnh viện: Đã đến lúc báo động !  (23/11/2006)
Săn đá cảnh  (20/11/2006)
Chuyện dài về sản phẩm từ tre  (17/11/2006)
Công nhân làm sạch bệnh viện  (15/11/2006)
Vắng bóng con dông  (13/11/2006)
Nối yêu thương, chia phiền muộn   (10/11/2006)
Làng mai Háo Đức sống chung với ô nhiễm  (08/11/2006)
Thung lũng gà chỉ  (31/10/2006)
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng  (29/10/2006)
Bánh xèo Bình Định ở cố đô Huế  (27/10/2006)
“Cuộc chiến” giảm cân  (27/10/2006)