Nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài thì nay thương hiệu đã vượt khỏi ranh giới Bình Định, nhưng ít người biết rằng, ông Nguyễn Tấn Tài - chủ doanh nghiệp nước mắm này, lại là một người “mộ” đồ xưa. Và cũng bởi “mộ”, mà ông vừa bỏ gần 3 tỉ đồng để dựng một căn nhà đậm chất Bình Định, ở thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát).
|
Để làm được căn nhà 5 gian thế này ông Tài đã phải mua 5 căn nhà lá mái do thợ Bình Định làm từ vùng Phan Rang. Ảnh: V.T
|
* Một không gian đậm chất xứ “nẫu”
Nhìn từ Quốc lộ 1, căn nhà khá ấn tượng với chiếc cổng tam quan lầu dáng cổ, kiến trúc hai tầng, lợp ngói âm dương. Ẩn sau tán cây, những cánh cửa bàn khoa đen bóng nước thời gian. Qua cổng, là chiếc cầu uốn cong bắc ngang một con suối nhân tạo, rồi một hồ nước hình vuông, giữa có non bộ. Xung quanh hồ, trải đầy sắc lan và cây cảnh dáng đẹp. Kiến trúc chính ngôi nhà gồm hai tầng. Tầng dưới, lót đá ong quanh tường, trên trần là lớp khịa làm bằng tre đúng kiểu nhà lá mái. Hai cầu thang lớn ở phía ngoài, dẫn lên tầng trên với căn nhà lá mái 5 gian. Xung quanh kiến trúc chính, những hiên, những mái, những lan can phụ, cũng được lợp ngói, khung gỗ kiểu lá mái và lát đá ong. Đứng ở lan can tầng hai, trải con mắt quanh khuôn viên ngàn m2, quy mô kiến trúc khu nhà tuy không lớn, nhưng lạ và mang chất Bình Định.
Chất Bình Định toát lên, từ những mảng đá ong lát đều từ ngoài sân, vào các hàng hiên, đến cả bốn bức tường ở tầng một. Chất Bình Định thấm đẫm bằng khung gỗ của những căn nhà lá mái, đến đồ dùng sinh hoạt thường nhật của người Bình Định xưa: cái rương cất đồ xưa, cái hòm chứa đồ, cái xiển để đi hỏi vợ, cái tràng kỷ để thư thả ngồi đàm đạo với bạn hữu…
Ông chủ của căn nhà kiểu xưa mới xây này là một tên tuổi khá quen thuộc trong làng nước mắm: ông Nguyễn Tấn Tài, Chủ DNTN nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài (thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn). Ông chủ, nom có vẻ mệt sau một ngày lo cả chuyện kinh doanh lẫn coi sóc cánh thợ, vậy mà có khách đến tham quan nhà, lại hào hứng, sôi nổi hẳn. Ông Tài tâm sự: “Hồi nhỏ, tôi đã thích những căn nhà xưa kiểu nhà lá mái này lắm rồi, nhưng hồi đó, đâu có điều kiện mà thực hiện. Vài năm trở lại đây, kinh tế có khá lên một chút, lại mua được miếng đất tương đối rộng, tôi mới bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình. Từ năm 2003, tui đã đi lùng mua nhà lá mái. Nghe nói ở vùng Phan Rang, những căn nhà lá mái do thợ Bình Định làm còn nhiều, tôi cất công vào đó tìm mua”.
|
Bức hoành phi “Phước như hải”. Ảnh: V.T
|
* Của một đồng, công một nén
Căn nhà được ông Tài khởi công từ năm 2005. Ông cho biết: “Tôi mua 5 căn nhà lá mái, giá 30-40 triệu đồng/căn, riêng nhà chính giá hơn 60 triệu đồng. Sau khi đem về, chọn ra những cây cột, vì kèo còn nguyên, ráp lại và mua thêm những chi tiết nhỏ ở vùng Bình Định mình. Từ đó, tôi cải tạo ngôi nhà lá mái từ 3 gian truyền thống thành ngôi nhà 5 gian”. Làm phần mộc, ông Tài phải “vời” một bậc trưởng thượng trong nghề mộc là cụ Bốn Kỉnh, người làng Kiều Quyên (xã Cát Tân, huyện Phù Cát) - một ngôi làng khá nổi tiếng về nghề mộc từ xưa. Cụ Bốn Kỉnh là một trong số rất ít những thợ mộc từng làm nhà lá mái còn lại, đã trực tiếp chỉ đạo cánh thợ mộc gồm 5 thợ chính, lắp ráp. Riêng phần mộc đã ngốn gần hai năm trời. “Làm mộc, kỳ công, nhưng phần xây cũng tốn công sức đâu kém. Hàng ngày có gần chục thợ hồ làm trong vòng một năm trời nay mới được thế này. Làm mà không dám hối, chỉ sợ hối thì thợ làm không cẩn thận. Rồi vật liệu nữa chứ. Như ngói âm dương, tôi ra Huế, Hội An hỏi mua, mới té ngửa là những viên ngói này được làm ngay trên đất An Thái của Bình Định mình. Vậy là tôi lại lộn về An Thái mua ngói. Còn đường súc và hình phượng, chữ Thọ… phải thuê thợ Huế vô làm, nét mới mạnh. Những viên đá ong nhỏ lát dưới nhà thì mua ở vùng An Nhơn, nhưng những viên lớn, cỡ 80 x 25cm, dùng để lát quanh thềm nhà lá mái, thì phải lên An Lão mới có thợ xẻ được” - ông Tài cho biết thêm.
Bên trong căn nhà xưa, ông Tài bắt đầu trưng những đồ xưa mà ông sưu tầm từ mười mấy năm nay. Chiếc máy hát, máy quay đĩa, máy điện thoại… cổ hỷ cổ lai; chiếc đèn chùm có từ thời thuộc địa; những ấm chén cổ… Để có chiếc xiển xưa của người Bình Định, ông đã cất công lùng khắp nơi mà không thấy; mãi sau này mới hay trong nhà một người bạn ở Phước Quang - Tuy Phước còn một cặp xiển lối xưa, ông Tài mừng như bắt được vàng. Hay bức hoành phi “Phước như hải” chạm cẩn tinh xảo, ông mua với giá hơn ba chục triệu đồng, được đánh giá là hàng hiếm… Tầng dưới, ông Tài dự kiến đặt những chiếc tràng kỷ kiểu xưa, làm thành một không gian để uống trà, café cho bạn bè và khách thân quen, như một chốn hội ngộ.
|
Sau mỗi ngày tất bật với chuyện “nước mắm”, ông Tài lại có những phút thư giãn bên căn nhà cổ. Ảnh: V.T |
* Đồ xưa cho người nay
Ngôi nhà tuy vẫn chưa thật hoàn chỉnh, nhưng hàng ngày, đều có người đến tham quan, không ít người thích và cũng muốn làm một căn nhà như vậy. Nhưng cái món nhà xưa, đồ cổ này, đâu phải ai sẵn tiền là làm được. Nói như ông Tài thì: “Phải thật sự “mộ” mới đủ tâm huyết để tích nhặt từng món một, mới bỏ hết thời gian để coi ngó, suy nghĩ từng chi tiết. Điều đặc biệt, cả hai vợ chồng tôi đều cùng niềm đam mê, nên tôi mới đủ kiên tâm đầu tư tâm lực, tiền bạc để làm. Vậy mà tôi thấy cũng chưa ưng lắm. Hiện nay, tôi đã sưu tầm đủ và chỉ chờ khi hoàn thành ngôi nhà này, sẽ về Đập Đá, dựng thêm một ngôi nhà đúng kiểu lá mái, có cả hàng rào chè, chiếc lẫm. Ngay như trính cối, cũng phải mạnh hơn mới ra chất Bình Định…”.
Hỏi sao ông mất thời gian vì ba cái chuyện vốn chẳng dính dáng gì đến cái nghề chế biến vị phẩm chi nhất của ông, ông Tài cười: “Làm nước mắm cũng là một nghề rất truyền thống của Bình Định; còn nhà lá mái thì đã có câu: Tiếng đồn Bình Định tốt nhà… Tôi làm ngôi nhà kiểu Bình Định, tạo ra những không gian thư thái cho mình, vừa có một chốn gặp gỡ bạn bè, vừa là cách gìn giữ một nét truyền thống của Bình Định đấy chứ. Mà ngẫm lại, tôi thấy mình đổ bấy nhiêu công sức cũng đâu có ăn nhằm gì so với ông bà mình hồi xưa. Người dân vùng Phan Rang kể với tôi rằng, xưa thợ Bình Định vô làm nhà, ăn đu đủ vãi hạt ra, đến ngày hạt mọc lên thành cây, rồi lớn, đậu quả, ăn lần nữa mà nhà vẫn chưa xong. Vậy thì hai năm của mình nhằm nhò gì”.
|