Rừng Lào vang động
10:43', 4/12/ 2006 (GMT+7)

Những cánh rừng bạt ngàn, lặng lẽ che khuất những bản dân cư thưa thớt như chìm trong giấc ngủ ngàn đời bỗng rùng rùng vang động, đổi thịt thay da… cùng với sự tươi mới của người dân bản vùng cao của các tỉnh Nam Lào. Tôi cảm nhận sự đổi thay kỳ diệu ấy trong chuyến đi xuyên qua các vùng rừng Lào từ Thà Tèng tỉnh Sekong đến cao nguyên Boloven của tỉnh Champasak cùng với Anh hùng lao động Lê Minh Tấn, Giám đốc Công ty Dược- Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR)…

 

Vườn giống cao su của Công ty Cao su Hữu nghị Lào - Việt ở Thà Tèng. Ảnh: Q.K

 

Chúng tôi đã đi qua Quốc lộ 18B, con đường được xem là đẹp nhất của nước bạn Lào, xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ với rất nhiều vách, mái taluy dốc đứng và vực sâu, thác nước tung bụi trắng xóa; được nhìn ngắm đàn khỉ dễ đến trăm con băng qua đường, ngay trước mặt và sau lưng ô tô. Đi hết Quốc lộ 18B, hết tỉnh giáp ranh Attapư, chúng tôi lên với độ cao hơn 500 mét của Sekong sống cùng những công nhân trồng cao su của BIDIPHAR trong những bản Lào heo hút ở huyện Thà Tèng; rồi lại vươn lên độ cao hơn ngàn mét của cao nguyên Boloven ở huyện Paksong của tỉnh Champasak để chiêm ngưỡng nông trường cà phê ngút ngàn cũng của đơn vị anh hùng lao động này.

* Chinh phục Boloven

Đôi khi trong những lần gặp gỡ trước đây, ông Lê Minh Tấn có kể cho tôi nghe về rừng cà phê của Công ty BIDIPHAR ở cao nguyên Boloven hùng vĩ từ nước bạn Lào. Những lúc ấy, để hình dung được, tôi lại cố liên tưởng những vườn cà phê từng thấy ở Gia Lai, Buôn Ma Thuột… Nhưng rồi khi đã tận mục sở thị nông trường cà phê bạt ngàn ở Boloven tôi đã thực sự bất ngờ. Đẹp quá, hoành tráng quá, và thật khó có thể nhìn thấy có vườn cà phê nào như vậy trên đất nước Việt Nam.

Xe chúng tôi đến Boloven vào nhá nhem tối, từ đường lộ xe phải xuyên cánh rừng lầy cả mươi cây số, thậm chí lạc đường, phải loanh quanh cả giờ chúng tôi mới đến được khu vực ở của công nhân. Đó là một cánh rừng hoang vu nằm rất xa bản dân cư thuộc huyện Paksong, tỉnh Champasak. Trên độ cao gần 1.200 mét, Boloven đêm mây la đà, lạnh buốt. Những dãy nhà vách ván, mái lợp tôn dành cho 50 công nhân Việt Nam và chừng 150 công nhân Lào cùng con cái họ rạng rỡ dưới ánh điện đủ làm vang động một khoảng rừng. Sống giữa rừng sâu, nhưng công nhân Việt Nam lại có được những tiện nghi khá tốt. Có TV bắt được sóng các chương trình của VTV, các nhà tắm đều có máy nước nóng. 50 công nhân Việt Nam được chia làm hai đội, mỗi đội quản lý hơn trăm ha cà phê.

Công cuộc chinh phục Boloven của BIDIPHAR là một câu chuyện dài về sự kiên trì và lòng quyết tâm. Sự xuất hiện của Công ty Dược phẩm CBF (Công ty liên doanh giữa BIDIPHAR và tỉnh Champasak) từ năm 1994 là một cơ duyên để BIDIPHAR mở rộng hợp tác trên lĩnh vực khai thác tài nguyên đất đai ở các tỉnh Nam Lào mà bắt đầu là công cuộc chinh phục Boloven. Từ hiệu quả và uy tín của CBF, Chính phủ Lào cũng như lãnh đạo tỉnh Champasak tin tưởng giao cho BIDIPHAR khai thác 400 ha đất rừng từ cao nguyên này để trồng cà phê và trà Ô Long. Cuối năm 1998, cuộc khai khẩn Boloven bắt đầu. Hàng trăm công nhân được tuyển mộ lần lượt đưa từ Việt Nam sang và tròn một năm sau, BIDIPHAR đã dốc tốc lực đầu tư trồng được 175 ha cà phê Robita. Nhưng đúng vào thời điểm ấy, một đợt sương muối dày đã tiêu diệt gần như toàn bộ số cà phê trồng lên. Không ít người xót của bi quan. Nhưng rồi sự quyết tâm của lãnh đạo BIDIPHAR cùng với sự quyết đoán của giám đốc Lê Minh Tấn, 175 ha cà phê lại được tiếp tục trồng lại. Những ngày ấy giám đốc BIDIPHAR gần như giao việc điều hành sản xuất, kinh doanh dược cho các phó giám đốc để có nhiều thời gian lo cho cà phê ở Lào. Lần thay cây này ông cũng đồng thời cho thay giống Robita sang Arabica, một giống cà phê cao cấp có giá trị cao hơn  nhiều.

Cà phê bốn tuổi ở Boloven. Ảnh: Q.K

Để khai thác nguồn nhân lực tại chỗ nhằm giảm chi phí đầu tư, công ty đã tìm đến những bản làng heo hút tuyển mộ lao động. Những dãy nhà gỗ khang trang được xây dựng và phân từng buồng cho công nhân Lào ở. Công ty cung cấp gạo và thức ăn và tập huấn để họ cầm được cái cuốc, cái rựa, biết làm cỏ xuống giống thay vì chỉ biết có mỗi cái công cụ lao động thô sơ là xà gạt để moi đất trỉa lúa. Thoát khỏi dạng lao động tự túc tự cấp những người dân bản Lào đã nhanh chóng học theo cách làm và kiểu sống của người Việt. Rừng cà phê của BIDIPHAR ở Boloven được mở rộng dần đã lên đến 250 ha. Mỗi năm công ty sẽ còn tiếp tục mở rộng từ 40-50 ha cà phê nữa. Đời sống của công nhân Lào cũng không ngừng được cải thiện. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Pô, một gia đình có 6 công nhân làm việc cho nông trường và ngạc nhiên khi thấy nhà ông có cả TV, đầu đĩa, xe máy. Ngoài ra, vợ ông còn làm một dịch vụ nho nhỏ bán đồ hộp, mì tôm... ở nhà. Ông Pô tâm sự: “Từ ngày làm cà phê cho Việt Nam, gia đình chúng tôi không còn lo đói; đời sống lại ngày càng khá hơn...”.

Chiếc Paravdo đưa chúng tôi dạo quanh rừng cà phê. Chỗ này 70 ha cà phê 4 tuổi đang trĩu quả, chỗ kia 40 ha cà phê 3 tuổi, cả 140 ha cà phê 2 tuổi cũng đã cho những chùm quả bói... Đang mùa thu hoạch mỗi ngày có hàng trăm công nhân Lào ríu rít hái quả... như trẩy hội dưới những hàng vông trồng che nắng che sương thẳng tít tắp. Ông Lê Minh Tấn tính toán: “Năm nay công ty sẽ thu hoạch được chừng 500 tấn cà phê nhân, với giá hiện tại dự kiến sẽ thu được khoảng hơn 1 triệu USD”.

* Cao su trên đất Thà Tèng

Khi Quốc lộ 18B của Lào được xây dựng nối liền cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) với các tỉnh Nam Lào cũng là lúc các doanh nghiệp Việt Nam sang tìm kiếm cơ hội hợp tác. Với nguồn tài nguyên rừng và đất đai mênh mông, dân cư lại thưa thớt không đủ nguồn lực khai thác chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện các tỉnh Nam Lào có gần chục dự án đầu tư của các công ty Việt Nam và các dự án về trồng cao su đang có nhiều ưu thế. Bình Định đang có 2 đơn vị thực hiện loại dự án này là Công ty TNHH Công - Nông nghiệp (BIDINA) và Công ty Cao su Hữu nghị Lào - Việt (chính là sản phẩm của BIDIPHAR liên doanh với Công ty Dược phẩm CBF). Với Công ty Hữu nghị Lào - Việt dự án 5.000 ha cao su và cây công nghiệp đã bắt đầu triển khai từ tháng 10-2005 ở huyện Thà Tèng tỉnh Sekong. Anh Nguyễn Duy Hùng, người được công ty giao làm “tổng quản” triển khai việc trồng cao su ở Thà Tèng tâm sự: “Những ngày đầu đặt chân đến đây, chúng tôi chỉ thấy rừng là rừng; sơ ý một chút là đã có thể bị lạc phương hướng. Những công nhân thì phần sống xa nhà, phần vì buồn tẻ cũng đầy tâm trạng... nhưng được sự động viên của lãnh đạo công ty, chúng tôi đã vượt qua khó khăn và đặt quyết tâm đẩy nhanh tiến độ. 4 chiếc xe cày công suất lớn đã làm việc hết tốc lực với 3 ca trong ngày. Người dân ở các bản Lào rất ngạc nhiên. Họ bảo “công nhân Việt Nam làm không ngủ”. Cứ ủi, phát, chặt, đốt... cho đến tháng 6-2006 chúng tôi bắt đầu xuống giống và đến tháng 10, khi kết thúc thời vụ chúng tôi đã hoàn tất được 1.000 ha cao su. Thời cao điểm, trên nông trường của chúng tôi có gần 2.000 công nhân làm việc”.

 

Tác giả (chính giữa, hàng đầu) cùng các em học sinh ở Bản Chun La. Ảnh: Q.K

 

Với 250 ha cà phê ở Boloven tôi đã nhìn ngút mắt vậy mà giờ đây mắt tôi lại tận nhìn cả một cánh rừng 1.000 ha cao su liên vùng và tương đối bằng phẳng trải dài qua 8 bản: Gnôk Thông, Pa Lai, Gnip Mai, Sa Thư, Kôk Hay, Cha Kout, Kan Don, Chun La! Nếu không đến tận nơi, người giàu tưởng tượng đến đâu cũng không thể cảm xúc đầy đủ trước màu xanh bạt ngàn của mì trồng xen giữa các luống cao su thẳng tít tắp. Ở một cánh rừng khác, xe ủi, xe múc tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích để thời vụ trồng cao su năm 2007 có thêm được 1.500 ha nữa.

Chúng tôi lại đi qua từng mảng rừng cao su; nhìn ngắm những chiếc áo xám đồng phục của BIDIPHAR trang bị cho cả công nhân Lào và công nhân Việt Nam, nhìn  họ lẫn lộn trong nhau, cùng nhau làm cỏ mì, cười vui trò chuyện với nhau, không hề có sự cách ngăn nào, tôi hiểu ý nghĩa đó còn cao quý trên cả sự hợp tác bằng dự án 50 năm cho thuê đất trên nguyên tắc “hai bên cùng có lợi”. Anh Viphăk, Trưởng bản Kan Don mang kè kè chiếc xà cột làm đốc công cho một đội công nhân Lào khoảng 30 người cười tươi: “Từ ngày bắt đầu làm cao su đến giờ, dân bản đã có nhiều thay đổi, không còn người đói, nhiều nhà đã khá lên”.

Đêm ở Thà Tèng thật lặng lẽ. Công nhân Việt Nam sau một ngày làm việc mệt mỏi thường đi ngủ sớm. Ánh trăng thượng tuần ngã về phía tây và chỉ thấy lặn xuống sau những rặng mì ngút ngát. Chỉ có sống ở những nông trường như thế này mới cảm đủ ý câu thơ của Tế Hanh Nông trường ta rộng mênh mông/Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài.

Hôm sau, lại một ngày mới. Rừng Lào lại vang động, người Việt người Lào bên nhau cùng dìu nhau lên no ấm!

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Căn nhà cổ của một chủ doanh nghiệp  (01/12/2006)
Lên đời xế hộp  (30/11/2006)
Chuyện quản lý đất đai ở Quy Nhơn  (30/11/2006)
Chuyện quản lý đất đai ở Quy Nhơn  (29/11/2006)
Bình Định Gia trên đất Bắc  (28/11/2006)
Chuyện quản lý đất đai ở Quy Nhơn  (28/11/2006)
Malaysia - xa mà gần  (27/11/2006)
Nhiễm khuẩn bệnh viện: Đã đến lúc báo động !  (23/11/2006)
Săn đá cảnh  (20/11/2006)
Chuyện dài về sản phẩm từ tre  (17/11/2006)
Công nhân làm sạch bệnh viện  (15/11/2006)
Vắng bóng con dông  (13/11/2006)
Nối yêu thương, chia phiền muộn   (10/11/2006)
Làng mai Háo Đức sống chung với ô nhiễm  (08/11/2006)
Thung lũng gà chỉ  (31/10/2006)