Từ tờ mờ sáng cho đến sẩm tối, họ có mặt trên đầm và dọc theo bãi biển Quy Nhơn để thu gom rác thải, trả lại sự trong sạch cho môi trường. Họ là những công nhân của Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn.
|
Công nhân của đội 2 đang thu gom rác thải dọc bờ biển phường Trần Phú. Ảnh: Văn Lưu
|
* Công việc thường ngày
Thành phố Quy Nhơn có đến 1/4 dân số sống ven sông, đầm và ven biển với tổng chiều dài 25,4 km. Mặt nước biển, bến cảng, đầm Thị Nại được coi là một phần của bộ mặt thành phố nhưng rồi rác thải từ sông Côn, sông Hà Thanh và lưu vực đầm thuộc huyện Tuy Phước chảy dồn về cộng với rác thải hàng ngày của những hộ dân sống ven sông, đầm, hộ tàu thuyền và các xã đảo trôi nổi trên mặt nước rồi theo sóng dạt vào ven biển, sông, đầm gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến môi trường và vẻ đẹp của thành phố.
Để làm sạch môi trường biển, năm 2002 đội thu gom rác mặt nước (Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn) được thành lập, với biên chế 15 người nhưng chỉ có 10 người là chuyên đi thu gom rác, trong đó có hai nữ. Khác với những người thu gom rác trên đường phố, những người thu gom rác trên mặt biển phải qua một lớp huấn luyện và phải có bằng thuyền viên, có nghĩa là ai cũng phải biết bơi và lái được tàu.
Chị Trần Thị Sen, 37 tuổi, có thâm niên 10 năm làm công nhân thu gom rác với 4 năm được điều qua đội thu gom rác mặt nước tâm sự: “Làm công nhân thu gom rác cực khổ thì ai cũng biết nhưng thu gom rác ở trên mặt nước biển lại càng cực hơn vì hàng ngày phải tiếp xúc với loại rác mất vệ sinh và còn phải lênh đênh trên mặt đầm, mặt biển, nhiều khi phải ngâm mình dưới nước”.
Tôi theo anh Võ Thanh Hải - Đội phó đội thu gom rác mặt nước- đi canô đến địa điểm của những công nhân đang dọn rác tại khu vực 7, phường Hải Cảng. Khi còn cách xa nơi công nhân đang dọn rác hàng chục mét, tôi đã ngửi thấy mùi hôi thối bốc lên. Đến lúc tiếp cận mới biết hàng ngàn thứ rác thải đang rữa ra nổi lềnh bềnh trên mặt biển. Nơi đây được xem là “cái rốn rác”, vì có quá nhiều nhà dân sống quanh đầm, lại sát với bến cá Hàm Tử.
Công nhân thu gom rác Trần Thị Mai chỉ cho chúng tôi xác một con heo mà chị vừa vớt bỏ vào giỏ và nói: “Chúng tôi còn phải thường xuyên dọn xác súc vật chết do người dân quanh đây vứt xuống hoặc từ những nơi khác bị sóng biển tấp vào. Gặp những thứ ấy đã sợ rồi nhưng sợ hơn là phải chui vào phía dưới khu nhà rầm để dọn rác. Lắm lúc bên trên thì người dân cứ vô tư đi vệ sinh thải xuống ngay phía đầu chúng tôi”.
Anh Nguyễn Thế Hưng, Đội trưởng đội thu gom rác mặt nước, cho biết: “Mỗi ngày đội thu gom từ 4-5m3 rác trôi nổi trên mặt đầm, mặt biển. Mặc dù công ty cũng đã tuyên truyền nên bỏ rác trên bờ để công nhân dễ thu gom, nhưng vẫn còn nhiều người dân ý thức kém, cứ vứt rác bừa bãi xuống đầm, biển. Nhiều hộ còn xây dựng nhà vệ sinh hoặc nuôi heo cho thải hết ra biển, ra đầm”.
|
Công nhân của đội thu gom rác mặt nước đang thu gom rác tại KV 7, phường Hải Cảng. Ảnh: V.L
|
* Để biển luôn sạch, đẹp
Ngoài đội thu gom rác trên mặt nước, Công ty Môi trường đô thị còn có 2 đội thu gom rác dọc theo bãi biển từ Mũi Tấn đến Ghềnh Ráng, với chiều dài gần 5km. Những công nhân thu gom rác dọc theo bãi biển này phải làm việc từ khá sớm. Từ 4 giờ sáng, họ đã có mặt trên bãi biển để thu gom rác, trả lại nơi đây sự sạch sẽ cho người dân tập thể dục và tắm biển.
1/4 dân số Quy Nhơn sống ven sông, đầm, bờ biển. Trong đó: Phường Đống Đa: 469 hộ, phường Hải Cảng: 1.045 hộ, phường Thị Nại: 63 hộ, xã Nhơn Châu: 243 hộ, xã Nhơn Lý: 853 hộ, xã Nhơn Hải: 550 hộ, xã Nhơn Hội: 326 hộ... ngoài ra, còn có hơn 1.000 chiếc tàu. Mỗi ngày số hộ dân này cùng với ngư dân trên tàu đã thải ra biển hơn 22m3 rác. |
Chị Nguyễn Thị Bích Liên, Đội phó đội 2, cho biết: “Do đường Xuân Diệu đang thi công, đội chỉ bố trí 3 công nhân chịu trách nhiệm làm sạch bãi biển đoạn từ ngọn Hải Đăng đến đường Kim Đồng. Tuy chỉ có một đoạn ngắn nhưng mỗi ngày công nhân thu gom khoảng 3m3 rác, chủ yếu do người dân vứt bừa bãi xuống biển và sóng tấp vào bờ. Những ngày biển động thì lượng rác lại càng nhiều hơn, đội phải tăng cường thêm công nhân”.
Riêng đoạn bãi biển từ “Eo nín thở” đến khu vực Ghềnh Ráng do có nhiều học sinh, sinh viên ra biển vui chơi nên lượng rác thải khá lớn. Ông Võ Minh Đức, Đội trưởng đội 3, cho hay: “Đoạn này có nhiều khách sạn, với lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan khá lớn, lại là bộ mặt của biển Quy Nhơn nên chúng tôi thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công nhân thu gom rác thật sạch để thu hút du khách”.
Theo ông Ngô Hoàng Nam, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn, đối với những công nhân thu gom rác thường xuyên tiếp xúc với rác thải dơ bẩn và độc hại thì ngoài lương, họ còn được hưởng khoản phụ cấp ở mức 2, tức là phụ cấp thêm 6.000 đồng/ngày. Ngoài ra, mỗi tháng công ty còn bồi dưỡng bằng hiện vật như: dầu ăn, đường, sữa... để bồi dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho công nhân.
|