Nông dân Vân Canh rối ruột vì… bò
16:40', 6/12/ 2006 (GMT+7)

Thời gian gần đây, giá bò trên thị trường cả nước hạ thấp đến mức thảm hại, có lúc chỉ bằng 1/3 - 1/4 so với thời điểm cách đây chừng 1 năm. Biến động ấy khiến người chăn nuôi bò trong tỉnh vào tình thế điêu đứng. Riêng với huyện Vân Canh, địa phương có đàn bò khá lớn trong tỉnh, người chăn nuôi đang lâm vào tình cảnh dở sống dở chết với con bò. 

 

Ở Vân Canh bò vẫn được nuôi chủ yếu theo lối quảng canh.

 

Bò ơi...

Chúng tôi ghé chợ Vân Canh vào khoảng 7 giờ sáng. Ngay sát lề tỉnh lộ 638 có một quầy bán thịt bò. Thịt rất tươi, ngoài thịt còn có cả bộ đồ lòng, xương, đầu và một cái đuôi bò được bày ra. Vào sâu trong chợ cũng có một quầy như thế. Thịt bò loại I ở đây chỉ có giá 50.000đ/kg, rẻ hơn ở Quy Nhơn đến 20.000đ/kg. Chị Hoa, người bán thịt bò cho biết: “Dạo này, đồng bào ở các làng bán bò nhiều lắm, bò lại rẻ nên giá thịt bò mới rớt như vậy…”

Với người dân huyện Vân Canh, chuyện ngày nào chợ thị trấn cũng bán thịt bò mà lại bán khá nhiều là một sự rất lạ. Bởi từ trước đến giờ, dù được biết đến là một địa phương nuôi bò khá nhiều nhưng hiếm khi người dân Vân Canh xẻ bò. Họa hoằn lắm có con bò nào bị say mì hay bị tàu tông thì mới được xẻ thịt bán hoặc vài người đậu tiền lại làm thịt chia nhau. Còn thì tất cả bò thịt ở đây đều được các đầu nậu chở thẳng xuống Quy Nhơn bán cho các lò mổ cho được giá.

Chị Trúc, một bà nội trợ ở thị trấn Vân Canh cho hay, trước đây, nếu có giỗ chạp, đám tiệc gì cần đến thịt bò thì phải đến các quán ăn ở huyện lấy lại hay nhờ ai đó mua từ Quy Nhơn lên. Vậy mà nay, thậm chí có ngày người ta mổ đến 3 con bò và mang ra chợ thị trấn Vân Canh bán!

Đi tìm câu trả lời, chúng tôi biết được phía sau câu chuyện mổ bò và được ăn thịt bò ở Vân Canh chẳng có gì vui vẻ cả. Và từ chuyện này, những người khéo lo xa có thể nhìn thấy trước cảnh tái nghèo của người chăn nuôi bò. Những điển hình nông dân khá lên nhờ nuôi bò ở Vân Canh đang khóc vì… bò. Nhiều hộ còn đang gánh những món nợ chồng chất.

Và nước mắt người chăn nuôi

Chúng tôi đến làng Hiệp Giao (thị trấn Vân Canh) - một trong những làng có nhiều hộ nuôi bò. Cả làng có 146 hộ, thì đã có gần 1/3 hộ nuôi bò với số lượng khoảng 140 con. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nhiều hộ đã phải bán dần đàn bò của mình.

Thời con bò “lên ngôi”, giá cao ngất ngưởng, cả làng có 40 hộ vay vốn ngân hàng để nuôi bò, hộ ít thì 5 triệu đồng, hộ khá hơn thì 7 - 10 triệu đồng. Hỏi về chuyện bò, ông Nguyễn Văn Năm, ở làng Hiệp Giao rơm rớm nước mắt: “Chừng 1 năm trước, tôi mua 4 con bò cỏ hết 16 triệu đồng (4 triệu đồng/con). Nuôi cả năm trời, vừa rồi bán 3 con bò cỏ được có 3 triệu (1 triệu đồng/con). Vị chi bị lỗ tới 9 triệu đồng. Nhìn con bò lai mua bằng tiền vay của ngân hàng mà lo đến thắt ruột. Hồi mua, giá cao lắm, tới 12 triệu động lận... Lời cái gì đâu chưa thấy, nhưng lỗ thì đã thấy rành rành”.

Không riêng gì hộ ông Năm, những hộ nuôi bò khác trong làng đều lâm vào tình cảnh sống dở, chết dở như vậy. Chăn nuôi thì dịch bệnh, bò rớt giá, cộng vào đó là diện tích đồng cỏ ngày càng thu hẹp (để dành đất trồng rừng) khiến bò thiếu thức ăn, rơm khô thì lại đắt, người nông dân đành phải bán bò. Càng nhiều người bán, bò lại càng rớt giá.

Cái vòng lẩn quẩn ấy đã khép dần lại và người nuôi bò mỗi lúc một thêm túng quẫn. Giá mua bán bán bò trên thị trường bây giờ là giá bò thịt chứ không phải tính theo giá trị gia súc dùng để phát triển chăn nuôi, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chẳng ai còn ham muốn nuôi bò nữa. Những người đang nuôi thì rơi vào tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì lỗ”. Nhiều người ráng cầm cự, nuôi cầm xác, và nhiều người phải bán bớt bò để khỏi tiếp tục lỗ tiền thức ăn, mất công chăm sóc.

Ông Năm kể: “Trước đây, mua một con bò 3-4 triệu đồng, nuôi 1 năm đã bán được 10-12 triệu đồng nên ai cũng ham. Trong làng có nhiều người vay tiền ngân hàng nuôi bò, bây giờ đến hạn không có tiền đành phải bán bò để trả nợ, dù chẳng được bao nhiêu nhưng vẫn cứ phải bán, nếu không muốn trở thành con nợ và cứ tiếp tục lỗ”.

Con bò là đầu cơ nghiệp của người nông dân ở Vân Canh, được coi là công cụ giúp nông dân  thoát nghèo và làm giàu. Nhưng luận điểm này từ mấy tháng nay, không ai dám nhắc đến nữa.

 

Đằng sau chuyện được ăn thịt bò là nỗi niềm xót xa của người nuôi bò ở Vân Canh.

 

Đẩy mạnh nuôi bò lai - thật không đơn giản!

Mùa mưa rét năm 2005, Vân Canh có hơn 1.000 con bò bị chết do được chăn dắt và ăn thức ăn tự nhiên, điều kiện chăm sóc không tốt. Ông Huỳnh Chút, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vân Canh cho biết: “Mặc dù các ngành chức năng đã tuyên truyền cho người dân về việc xây dựng chuồng trại đảm bảo, giữ ấm, dự trữ thức ăn cho bò trong mùa mưa nhưng do người dân ở đây chưa có ý thức chăn nuôi thâm canh nên mới xảy ra tình trạng bò chết nhiều vì lạnh và đói”. Rồi ông nói thêm: “Nếu năm nay mà thời tiết cũng như năm ngoái thì tình hình tương tự là khó tránh khỏi”. Đến đầu năm nay, người chăn nuôi bò ở Vân Canh lại thêm một phen điêu đứng vì dịch lở mồm long móng gia súc. Từ đấy, giá bò thịt cứ thế lao vùn vụt xuống dốc.

Theo số liệu thống kê của huyện Vân Canh, cả huyện hiện có 13.262 con bò, trong đó nuôi nhiều nhất là xã Canh Vinh với 4.542 con, tiếp theo là Canh Liên - 2.079 con, thị trấn Vân Canh - 1.737 con. Chăn nuôi bò được xác định là một trong những thế mạnh của nền kinh tế nông nghiệp Vân Canh. Tuy nhiên, trong một hai năm trở lại đây, số phận con bò ở đây rất bấp bênh.

Đề án “Tiếp tục đẩy mạnh lai tạo đàn bò giai đoạn 2006-2010” của huyện Vân Canh đặt ra  mục tiêu nâng cao chất lượng đàn bò, phấn đấu đến năm 2010 đàn bò của huyện ổn định ở mức 15.000 con, trong đó bò lai chiếm tỉ lệ 35% so với tổng đàn.

Khi giá bò thịt nhất loạt rớt xuống là lúc nhu cầu thịt bò của TP Quy Nhơn bị bão hòa. Và "con bò Vân Canh" gần như mất luôn thị trường tiêu thụ lớn nhất. Thế là, thay vì chở bò xuống Quy Nhơn, các đầu nậu bò ở Vân Canh chỉ còn biết tiêu thụ tại chỗ bằng cách xẻ thịt và đem ra bán ở các chợ địa phương. Tuy nhiên việc tiêu thụ cũng chẳng được bao nhiêu vì sức mua của người dân ở thị trấn Vân Canh còn rất thấp.

Vừa qua, huyện Vân Canh đã xây dựng Đề án “Tiếp tục đẩy mạnh lai tạo đàn bò giai đoạn 2006-2010”. Để thực hiện đề án, huyện còn có kế hoạch tổ chức tuyên truyền rộng rãi chủ trương này trong bà con nông dân, nhất là các làng đồng bào dân tộc thấy rõ giá trị của con bò lai so với bò cỏ. Tuy nhiên, với tình hình chăn nuôi bò như hiện nay e rằng đề án khó triển khai được theo như kế hoạch. Chúng tôi hỏi ông Năm rằng khi đề án này được triển khai rộng rãi trong người chăn nuôi của huyện, ông có hưởng ứng không, ông Năm trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi nói: “Nếu giá bò trên thị trường ổn định, người chăn nuôi có lãi thì tôi theo ngay, chứ còn tình hình cứ như vầy thì nói thiệt, làm sao ai dám nuôi !”.

  • Quỳnh Hoa - Bích Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những người gom rác biển  (06/12/2006)
Rừng Lào vang động  (04/12/2006)
Căn nhà cổ của một chủ doanh nghiệp  (01/12/2006)
Lên đời xế hộp  (30/11/2006)
Chuyện quản lý đất đai ở Quy Nhơn  (30/11/2006)
Chuyện quản lý đất đai ở Quy Nhơn  (29/11/2006)
Bình Định Gia trên đất Bắc  (28/11/2006)
Chuyện quản lý đất đai ở Quy Nhơn  (28/11/2006)
Malaysia - xa mà gần  (27/11/2006)
Nhiễm khuẩn bệnh viện: Đã đến lúc báo động !  (23/11/2006)
Săn đá cảnh  (20/11/2006)
Chuyện dài về sản phẩm từ tre  (17/11/2006)
Công nhân làm sạch bệnh viện  (15/11/2006)
Vắng bóng con dông  (13/11/2006)
Nối yêu thương, chia phiền muộn   (10/11/2006)