Thôn Cảnh An và Thái Phú (xã Cát Tài, huyện Phù Cát) có số người chết vì bị bệnh ung thư (BUT) khá cao. Người dân không hiểu nguyên nhân nào khiến người thôn mình lại bị mắc căn bệnh này nhiều như vậy.
|
Vợ chồng ông Đinh Phải và bà Võ Thị Trung. Ảnh: V.T
|
* Gần 50% số người chết là do UT
Anh Nguyễn Văn Lợt công tác tại Trạm y tế xã Cát Tài. Khoảng tháng 11 năm 2003, giữa lúc cả trạm đang bận rộn với những đợt tiêm chủng, thì anh Lợt bị đau lưng. Tự chữa cũng không bớt, xuống Trung tâm Y tế huyện Phù Cát cũng không xong, anh Lợt đi khám và phát hiện bị UT gan. Anh ra Hà Nội điều trị nhưng bệnh đã di căn ở giai đoạn 2, nên đến tháng 6 năm 2004 thì anh Lợt mất, ở tuổi 49.
Không chỉ mình anh Lợt, tại thôn Cảnh An, không ít người cũng mắc BUT như anh. Chị Ngô Thị Lan, cán bộ y tế thôn Cảnh An, dẫn chứng cho chúng tôi, như trường hợp ông Nguyễn Công Khứ (52 tuổi) mắc UT phổi và mất sau anh Lợt vài tháng, rồi ông Ngô Ba (khoảng 70 tuổi), mất năm 2005 do bị UT gan... Còn theo số liệu mà ông Lê Bá Sơn, Trưởng trạm y tế xã Cát Tài, cung cấp cho chúng tôi, thì chỉ trong vòng 2 năm rưỡi trở lại đây, thôn Cảnh An có 37 người chết, thì đã có 17 người chết vì BUT, trong đó có 3 người bị UT gan. Cũng theo ông Sơn, trước đây, ở Cảnh An cũng có những trường hợp bị UT rồi mất, nhưng khi đó, do chưa để ý, nên chưa thống kê số liệu.
Không chỉ riêng Cảnh An mà tại một thôn khác ở Cát Tài là Thái Phú cũng có nhiều trường hợp mắc UT, nhưng với số lượng ít hơn Cảnh An. Bên cạnh đó, Thái Phú lại có thêm nhiều trường hợp bị tai biến mạch máu não. Trong đó, đáng thương nhất là gia đình bà Võ Thị Trung (58 tuổi) và ông Đinh Phải (59 tuổi). Ba năm nay, bà Trung phát hiện mình bị UT vú. Tuy đã phẫu thuật tại BVĐK tỉnh từ tháng 10 năm 2005, nhưng hiện nay, mỗi tháng một lần, bà Trung lại phải vào bệnh viện chạy tia, chi phí mất khoảng 500.000 đồng/lần. Còn ông Phải thì từ đầu năm nay lại mắc bệnh Parkinson, khiến tay bị run, hiện vẫn phải uống thuốc hàng ngày. “Toàn bộ gia sản tích cóp của cả một đời làm nông chỉ được hai con bò cũng đã bán hết. Lúc đầu, định bán luôn mấy sào ruộng để chạy chữa, nhưng rồi cứ cố, chứ bán hết thì lấy gì mà ăn. Việc nhà nay chỉ trông vào mấy đứa nhỏ, chứ như vợ chồng tôi thì chịu”- ông Phải nói.
|
Nguồn nước người dân thôn Cảnh An sử dụng chủ yếu là từ giếng đào. Ảnh: V.T |
* Nguyên nhân?
Băn khoăn nhất với người dân Cảnh An và Thái Phú là hiện vẫn chưa biết được nguyên nhân vì sao lại có nhiều người bị mắc BUT đến vậy. Chị Tám - vợ anh Lợt cho biết: “Hồi trước, hỏi anh Lợt thì ảnh nói là có một thời gian khoảng 10 năm đi bộ đội. Nhưng khi ảnh đi thì đã vào những năm 1977 rồi. Trong xóm, có người nói chắc là do nguồn nước, nhưng gia đình tui cũng dùng nước giếng đào như tất cả mọi người dân ở cái thôn này. Bởi vậy, nói về nguyên nhân thì nông dân như tụi tui đành chịu”. Còn vợ chồng bà Trung, ngoài tật bệnh mà hai vợ chồng bà hiện mang trong người, họ còn có một nỗi đau khác. Ba người con thứ 3, thứ 5 và thứ 8 của vợ chồng bà, ngày mới sinh ra thì rất đẹp, nhưng lớn lên thì mất dần trí khôn, chân tay teo tóp lại dần, rồi mất. Có đứa nuôi chỉ được 4 tuổi, đứa lớn nhất được 6 tuổi là qua đời. Bà Trung nói: “Mà nếu có tham gia chiến tranh bị nhiễm chất độc da cam gì thì không nói, chứ vợ chồng tôi đều là nông dân, ăn đời ở kiếp ở cái thôn này từ xưa đến giờ cả”.
Cũng cần nói thêm, Thái Phú và Cảnh An là hai thôn nằm dọc trên bờ sông La Tinh. Cát Tài lại là một trong những vùng đất chịu nhiều tàn phá, bị địch càn quét rất ác liệt trong thời chiến tranh chống Mỹ. Ông Sơn nói: “Xã Cát Tài này chẳng có cơ sở sản xuất công nghiệp hay hóa chất gì để nói đó là nguyên nhân gây ra ô nhiễm. Còn nguồn nước chính thì chỉ có nguồn nước sông La Tinh từ Cát Sơn chảy xuống. Do vậy, nhiều người nghĩ là do hóa chất từ thời chiến tranh đổ xuống vùng ven núi Bà này, thấm vào trong đất và nước chăng? Nhưng thực ra, đấy cũng mới chỉ là suy luận”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Trí, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phù Cát, nói: “Sau khi nghe xã báo về tình hình bị mắc bệnh ung thư như vậy, chúng tôi đã phối hợp để lấy mẫu nước và làm xét nghiệm, nhưng do mới tiến hành khoảng một tuần nay nên đến giờ vẫn chưa có kết quả”. Còn ông Phạm Văn Bảo, Trưởng phòng Y tế huyện Phù Cát, thì cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo trạm y tế xã thống kê về tình hình bệnh tật thật cụ thể. Mặt khác, còn phải chờ kết quả xét nghiệm mẫu nước. Tuy nhiên, việc xét nghiệm của huyện vẫn chỉ với kỹ thuật thông thường, còn việc xét nghiệm bằng kỹ thuật cao hơn thì cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn cấp trên”.
|