* Phóng sự của Ngô Đức Hành
Giữa tháng 9, tình cờ tôi được gặp Giám đốc Công ty Công trình Giao thông (CTGT) 473 ở Hà Nội. Ông nói: “Bọn tôi đang thi công cầu vượt đầm Thị Nại ở Bình Định. Làm báo, cậu nên vào xem”. Giữa tháng 11, tôi đọc được tin ngắn trên một tờ báo: “Ngày 12-12, sẽ khánh thành cầu Thị Nại”. Tôi nhớ lại lời ông Giám đốc Công ty CTGT 473. Thế rồi tôi quyết định lên đường.
|
Niềm vui của những người thợ thi công cầu Thị Nại. Ảnh: Hoàng Tuấn
|
Cuối tháng 11-2006, tôi đáp máy bay đi Quy Nhơn. Ngày hôm sau, tôi mượn xe máy của người bạn ra ngay cầu Thị Nại. Nắng chan hòa. Ngay từ đầu cầu dẫn, từng tốp công nhân nơi này tiếp tục thảm nhựa, nơi kia lắp điện chiếu sáng… Tất cả đang cặm cụi làm việc. Đầm Thị Nại mênh mông. Những mảng rừng ngập mặn xanh đến nao lòng. Cầu Thị Nại đã lững lững như một dáng rồng, vắt qua đầm kiêu hãnh.
Bên này cầu là phường Nhơn Bình, bên kia cầu là xã Nhơn Hội đều thuộc thành phố Quy Nhơn. Cầu Thị Nại thuộc Dự án cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội. Chiều dài toàn cầu là 2.477,3 km, được chia làm 3 gói thầu. Gói thầu số 13 là cầu dẫn và đường vào cầu phía Quy Nhơn, bao gồm 25 nhịp dầm. Gói thầu 14 là cầu chính gồm 5 nhịp dầm liên tục. Gói thầu 15 là cầu dẫn và đường vào cầu phía Nhơn Hội gồm 24 nhịp dầm. Việc xây dựng cầu Thị Nại nhằm thực hiện mục tiêu mở rộng không gian đô thị của Quy Nhơn và “đi trước, mở đường” phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội của Bình Định. 2 công ty chủ lực của ngành cầu Việt Nam là Công ty cầu 12 thuộc Cienco 1 và Công ty CTGT 473 thuộc Cienco 4 trúng thầu thi công. Trong đó Công ty CTGT 473 thi công 2 gói 13 và 15, Công ty cầu 12 thi công gói 14.
Lên đến mặt cầu, tôi được gặp Đội trưởng đội cầu 3 thuộc Công ty CTGT 473 Hồ Sĩ Hòa khi anh đang chỉ đạo công việc. Nhìn Hòa, tôi không nghĩ anh đã 56 tuổi và đã có hơn 35 năm gắn bó với nghề cầu đường. Hòa còn phong độ lắm, chỉ có nước da là “đượm mùi nắng gió”. Ngày 27-9-2003 Hòa cùng anh em công nhân của Công ty CTGT 473 hành quân từ Vinh vào đây. Như vậy, đến thời điểm này đã hơn 3 năm anh có mặt trên công trình cầu Thị Nại. Hòa nói với tôi: “Đây là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay. Anh xem hoành tráng là thế đấy, nên thơ thế đấy. Nhưng làm ra nó, thật muôn vàn…khó khăn”.
Đầm Thị Nại là vịnh biển. Theo anh Hồ Sĩ Hòa, khu vực đầm Thị Nại chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều với biên độ dao động lớn; nước biển khá mặn, lại luôn có gió mạnh, đặc biệt là gió mùa đông bắc, nên thiết bị thi công bị ăn mòn rất nhanh. Địa chất tại các trụ biến đổi phức tạp, diện thi công lại trải dài và chỉ triển khai được từ một hướng, nên quá trình thi công những người thợ cầu trên công trình gặp rất nhiều khó khăn. Tất nhiên, khó khăn không dừng lại ở đó. Áp lực biến động của giá cả nguyên, nhiên liệu như sắt thép, xi măng, đá cát sỏi, xăng dầu... và áp lực về tiến độ cùng cộng hưởng thách thức người thợ cầu 473 và các đơn vị tham gia thi công cầu. Điều quan trọng là họ đã vượt lên khó khăn, thực hiện được một khối lượng công việc khổng lồ, góp phần làm nên một cây cầu vượt biển đồ sộ và hoành tráng.
Hòa nhớ như in thời điểm từ ngày 20-7-2006 đến 31-8-2006. Chỉ hơn một tháng mười ngày, các anh đã thực hiện hoàn chỉnh 7 trụ từ đỉnh cọc khoan nhồi, các trụ đều có chiều cao 20 mét; sản xuất 30 phiến dầm super T cho 2 gói thầu; lao lắp và thi công hoàn chỉnh 9 nhịp cầu gồm 63 phiến dầm super T có tổng chiều dài 360 mét. “Đó là những ngày căng mình ra, tiến công thực sự. 300 công nhân trên công trình chia làm 3 ca làm 24/24. Mồ hôi, nước mắt đã đổ xuống…”- Hòa nhớ lại với cảm xúc bồi hồi. Nhờ đợt ra quân, ngày 6-9-2006, cầu Thị Nại thông xe kỹ thuật, thêm một dấu mốc của quá trình chinh phục eo biển này.
Ngày mai, ở bán đảo Nhơn Hội này một khu kinh tế động lực sẽ chuyển động. Một không gian mới, tầm vóc mới của Bình Định thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang hình thành. |
Chia tay Hồ Sĩ Hòa, tôi quay lại Ban chỉ huy công trình của Công ty CTGT 473 gặp Phó giám đốc Công ty Nguyễn Lê Minh là Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật trên công trình. Minh thuộc thế hệ 7X, năm nay mới 32 tuổi.. Minh kể rằng, để thi công 2 gói thầu trong hoàn cảnh khó khăn và chạy đua với tiến độ, Công ty CTGT 473 đưa vào công trình hai Phó Giám đốc và 300 công nhân của 4 đội cầu, chia làm 2 mũi thi công. Anh em hành quân đến cầu Thị Nại từ hai hướng, từ Vinh vào và Phú Yên ra. Vật tư, thiết bị cũng được đưa vào đây hùng hậu không kém: 4 trạm trộn bê tông, công suất 45- 60 m3/giờ; 12 hệ nổi; 12 xà lan, 10 cần cẩu từ 16- 50 tấn, 7 máy khoan; 500 mét cầu công vụ; 8 xe vận chuyển bê tông, công suất 85m3/giờ. Minh nói với tôi: “Em vào công trình từ tháng 10-2003, tháng 12 về Vinh cưới vợ, ở với vợ được 18 ngày thì vào lại. Từ đó đến nay đã hơn 3 năm xa vợ rồi”. Không riêng Minh phải hy sinh tình cảm riêng. Nhiều công nhân Công ty CTGT 473 cũng gặp rất nhiều khó khăn như gửi con đang tuổi đi học phổ thông, nhà cửa lại cho ông bà nội trông…để gắn bó với cầu Thị Nại.
Minh nói với tôi, ngày 12-12 này tỉnh Bình Định sẽ tổ chức lễ khánh thành cầu Thị Nại. Với công trình này, Công ty đã đi được những bước dài, không chỉ hoàn thành xây dựng cầu Thị Nại mà qua việc thi công cây cầu này, đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề của Công ty CTGT 473 thêm một lần trưởng thành. Ngày mai các anh lại hành quân đến những công trình mới. Nghe đâu, đó sẽ là cầu Hàm Luông và kế tiếp là những cầu khác nữa.
Cũng ngày mai, ở bán đảo Nhơn Hội này một khu kinh tế động lực sẽ chuyển động. Một không gian mới, tầm vóc mới của Bình Định thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang hình thành. Trên con đường vượt biển Thị Nại để tạo nên tầm vóc đó, bài ca của những người thợ Công ty CTGT 473 và Công ty cầu 12 đã viết, thực sự là “bài ca đi cùng năm tháng”, chắp cánh cho sự phát triển.
|